CÁT BỤI PHẬN NGƯỜI

(Suy niệm trong Tháng Các Đẳng)

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…”. Không chỉ nhận ra cát bụi phận người mà Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn nói lên sự thoáng qua của kiếp người: “Bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi…”.

Lý Bạch thi tiên Đời Đường cũng ngậm ngùi than thở trong bài thơ Tương tiến tửu: “Triêu như thanh ty mộ thành tuyết” (Buổi sớm tóc còn xanh, chiều về đầu đã bạc như tuyết).

Trang Tử cho thấy cuộc đời như “bóng câu qua cửa sổ”. Thoát từ ý này Nguyễn Gia Thiều cũng đã viết trong “Cung oán ngâm khúc”, diễn tả đời người qua mau như: “Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi”.

Tác giả Thánh vịnh cũng đã dùng từ ngữ đó: “Ấy con người khác chi hơi thở, vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu” (Tv 144,4).

Chúng ta được dạy để thành thật nhìn ra những mong manh và tạm bợ trong cuộc sống con người. Bài Vịnh nhân sinh của Nguyễn Công Trứ cũng thở than như vậy:

“Ôi, nhân sinh là thế ấy, 

Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao”.

Quả thật, đời người quá ngắn ngủi. Có những em bé vừa sinh ra đã phút chốc lìa đời. Có những người tuổi đời còn rất trẻ nhưng lại vội vàng vĩnh viễn ra đi. Cả khi đến lúc tuổi già khi nhìn lại cũng thấy “thời gian thấm thoát tựa thoi đưa”.

Thời gian cứ vùn vụt trôi nhanh khi ta chưa kịp làm gì cả, dù có thành công hay thất bại cũng thế thôi:

Ngoảnh nhìn cuộc đời như giấc mộng,

được mất bại thành bỗng chốc hóa hư không.

Phúc cho ai sớm nhận ra:

Phú quý vinh hoa như mộng ảo,

Sắc tài danh lợi tựa phù du.

Có những người cứ mải mê lo cho sự nghiệp đời này, có khi phải mất gần cả cuộc đời mới chợt nhận ra:

Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật
Thế cho nên tất bật đến bây giờ.

Tác giả Thánh Vịnh đã nhắc nhở cho ta nhớ phận mình:

Mạng người dù giá cao mấy nữa,

          thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời.

Nào phàm nhân sống mãi được sao

          mà chẳng phải đến ngày tận số?

Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết,

          kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong,

          bỏ lại tài sản mình cho người khác.

Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ,

          nhưng ba tấc đất mới thật là nhà,

          nơi họ ở muôn đời muôn kiếp. (TV 49, 9-12)

Những điều trên đây gợi lên trong chúng ta nhiều suy tư và trăn trở. Tuy nhiên, tất cả những suy tưởng về thân phận con người chỉ được coi là nghiêm túc và sâu lắng khi đằng sau nó thấp thoáng tia sáng của niềm hy vọng. Điều đó làm nên thái độ sống sâu xa của người Kitô hữu.

Trước những đớn đau dằn vặt của con người, Thiên Chúa cho chúng ta một giải đáp. Giải đáp ấy nằm chính nơi cuộc đời của con người Giêsu. Ngài không đến để đưa ra một thiên khảo luận về con người, cũng không giải quyết tất cả những gay go và bi đát về thân phận con người. Ngài đến để sống thân phận con người với tất cả hệ lụy của nó. Ba mươi năm ở làng Nagiareth, Giêsu lặng lẽ sống cuộc đời bình thường như bao nhiêu con người khác. Vì sao thế?

Phải chăng vì cuộc sống con người với những cái bình lặng thường ngày của nó luôn có một giá trị nhất định. Chỉ cặp mắt biết chiêm niệm và con tim biết yêu thương mới có thể nhận ra cuộc đời này ý nghĩa dường bao. Dù phận người là cát bụi, dù cuộc đời là thoáng chốc, nhưng sự hiện diện của mỗi người chúng ta hôm nay lại có một giá trị thật cao cả, nếu biết sống cuộc đời mình thật cao đẹp. Đó là chưa nói đến giá trị siêu việt mang tính vĩnh cửu, vì mạc khải Kitô giáo cho biết cách thế hiện diện của ta hôm nay định hình cho sự sống muôn đời.

Tuy nhiên, trước khi bàn về sự sống muôn đời, ta hãy nói với nhau về cuộc sống tạm thời, một cuộc sống tuy ngắn ngủi, mong manh nhưng lại rất đẹp, rất tuyệt vời cho ai biết sống với tất cả trái tim mình.

Trước hết ta cần sự yên tịnh, trầm lắng, để nhìn ngắm vũ trụ bao la, vạn vật xanh tươi, bát ngát, muôn mầu, muôn vẻ, muôn hương, muôn sắc, muôn hình, muôn tượng… Tất cả đều đẹp đẽ, tinh tế và hoàn hảo lạ lùng, từ cây xanh đến hoa trái thơm lành; từ dòng sông con suối đến đồi núi chập chùng; từ cánh đồng bao la đến đại dương mênh mông; từ bầu trời xanh thắm đến trăng sao rạng rời… Đó là một tuyệt tác thiên nhiên và gần như một tài nguyên vô tận mà Thiên Chúa đã tặng ban cho con người. Ngài đã làm ra tất cả để chúng ta thưởng thức và tận hưởng. Đứng trước kỳ công tuyệt mỹ của Thiên Chúa đã làm nên, tác giả Thánh Vịnh đã hân hoan reo vang:

“Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,

          muôn trăng sao Chúa đã an bài,

thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,

          phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?

Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,

          ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,

cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,

          đặt muôn loài muôn sự dưới chân…” (Tv 8, 4-7).

Quả thật, nếu có một trái tim biết rung động sâu xa, chắc chắn chúng ta phải choáng ngộp và cảm mến vô vàn trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho con người. Điều này khẩn thiết mời gọi chúng ta đáp trả lại tình yêu Chúa bằng tất cả tâm trí và khả năng của mình, để tiếp tục sáng tạo từ những gì Thiên Chúa đã sáng tạo cho chúng ta. Những gì Thiên Chúa đã làm nên là nhằm đưa đến niềm vui và hạnh phúc cho con người, nên điều Thiên Chúa muốn là những gì chúng ta làm nên cũng phải đưa tới niềm vui và hạnh phúc cho nhau.

Cũng như thiên nhiên đã hình thành và phát triển theo qui luật của tạo hóa, nên nó đã trở nên một tài nguyên vĩ đại để đem lại sự sống cho con người. Thì con người cũng thế, được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, nên có đầy đủ khả năng và tự do sáng tạo để đem lại những gì tươi mới hơn cho thế giới hôm nay. Hãy nhìn ngắm thiên nhiên để có những ước mơ, kế hoạch và những thực hiện cụ thể cho đời. Trong viễn ảnh đó, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã diễn đạt thật tuyệt vời qua ca khúc “Khát Vọng” như sau:

Hãy sống như đời sống, để biết yêu nguồn cội. 
Hãy sống như đồi núi, vươn tới những tầm cao. 
Hãy sống như biển trào, để thấy bờ bến rộng. 
Hãy sống và ước vọng, để thấy đời mênh mông. 

Và sao không là gió, là mây, để thấy trời bao la. 
Và sao không là phù sa, dâng mỡ màu cho hoa. 
Sao không là bài ca, của tình yêu đôi lứa. 
Sao không là mặt trời, gieo hạt nắng vô tư. 

Và sao không là bão, là giông, là ánh lửa đêm đông. 
Và sao không là hạt giống, xanh đất mẹ bao dung. 
Sao không là đàn chim, gọi bình minh thức giấc. 
Sao không là mặt trời, gieo hạt nắng vô tư.

Nội dung bài hát khích lệ con người một mô hình sống dấn thân. Trong đó, tinh thần tích cực sáng tạo, rộng lượng, bao dung, xả kỷ, vị tha, được xem là những chất liệu để tô đẹp cuộc sống này. “Khát vọng” phản ánh ước nguyện thiện hảo của con người, không muốn sống nhỏ nhoi tầm thường, hoặc sống không mục đích, không lý tưởng. Biết rằng, giữa ước mơ và thực tế luôn là một khoảng cách, nhưng khoảng cách sẽ được nối kết dần dần: Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh”. (ĐHV 978).

Mỗi người chỉ cần thể hiện một trong những vai trò mà bài ca “khát vọng” gợi lên, thì chắc chắn cuộc đời đẹp biết bao. Đó là sống như đồi núi, sống như biển rộng, sống như gió mây, sống như đàn chim ríu rít gọi bình minh, sống như hạt giống tươi tốt, sống như phù sa dâng màu mỡ cho hoa, sống như mặt trời gieo hạt nắng vô tư…

Đã có biết bao con người đã sống và đang như thế cho cuộc đời này, để chúng ta có được cuộc sống hôm nay. Đến phiên chúng ta cũng cũng nối tiếp như thế, âu cũng là sự công bằng. Chỉ những gì cho đi mới không mất đi, và làm nên ý nghĩa của đời mình. Dù mai đây mình không còn nữa, nhưng những gì góp phần cho sự thiện hảo của con người vẫn còn tồn tại mãi, vì là những giá trị vượt không gian và thời gian.

Như vậy, cho dù là cát bụi phận người, nay còn mai mất, nhưng điều quan trọng không phải là lo chết mà là lo sống, và sống hết mình, dù chỉ còn một ngày để sống. Cuộc đời có biết đến ta hay không, không cần thiết. Điều cần thiết là ta hãy tích cực hành động và dấn thân vô vị lợi, nhằm đem lại cho cuộc sống một cái gì tốt hơn, đẹp hơn, cao quí hơn. Đó không còn là “khát vọng” mà là chính sự hiện thực, làm nên sự tươi mới cho cuộc đời hôm nay.

Chính Chúa đang trợ lực cho những nỗ lực của chúng ta trong từng ngày sống, nên chúng ta hãy sống như mình phải sống, như Chúa muốn cho mình sống. Chính Ngài đang mong chờ cây đời chúng ta trổ sinh hoa trái nhiều hơn, đang mong đợi thành quả của chúng ta là đem lại bình an và phúc lợi cho đời, để chính từ đó mà Thiên Chúa biến chúng thành hạnh phúc đời đời cho những ai tin tưởng và hy vọng vào Người.

Xét trên mặt hiện tượng, xem ra con người là cát bụi sẽ trở về với cát bụi, nhưng cùng đích của con người không phải là cát bụi, vì con người được dựng nên cho Thiên Chúa, Đấng hằng sống. Trong quyền năng Thiên Chúa, con người sẽ được giải thoát, không còn phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, trở nên một tạo vật hoàn toàn mới, có khả năng hưởng kiến Thiên Chúa, và được chung hưởng vinh quang với Người trong sự sống muôn đời. (x. Rm 5, 2; 8, 30)

Cuộc đời như vậy đẹp biết bao, ý nghĩa biết mấy, vì nó không chỉ là sự thành tựu từ những ước mơ và khát vọng của ta, mà còn chính là mơ ước và kế hoạch của Thiên Chúa trong cuộc đời ta. Trong ý nghĩa cao cả đó, chúng ta biến cuộc đời mình thành bài ca chúc tụng và cảm tạ Chúa đến muôn đời.

Đâu chỉ là …: https://www.youtube.com/watch?v=PnYckPHhLTs

Lm. Thái Nguyên

 


Trang Suy Niệm Các Chủ Đề Chung