THỰC
TẠI VỀ SỰ CHẾT
Chết là một thực tại hiển
nhiên. Đã là người, từ xưa đến nay ai không phải chết: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử?”. Đó là lẽ vô thường và cũng là định luật của vũ hoàn: Hữu sinh hữu diệt. Chúng ta cần làm quen với cái chết như một người bạn,
để cái chết nhắc nhở ta về bản chất thật ngắn ngủi, thật mong manh phù du của
đời sống con người trên dương thế.
Triết gia M. Heidegger quan
niệm con người được sinh ra là để hướng về cái chết. Bước qua mỗi ngày sống,
người ta tiến gần đến với cái chết của mình hơn.
Epicure cho rằng, chết là hiện tượng tự nhiên khi tiến trình
sinh hóa đã chấm hết chu kỳ của nó.
Chết là
điều hiển nhiên, nhưng hầu như ai cũng sợ chết. Trường sinh bất tử vẫn là giấc
mơ ngàn đời của con người. Thực tế người ta tìm đủ mọi cách để đẩy lùi cái chết
và kéo dài cuộc sống. Y học ngày nay đã chế ngự được những chứng bệnh hiểm
nghèo, nhưng hoàn toàn thúc thủ trước sự chết.
Bao
nhiêu con người được tạo thành nhưng chẳng được sinh ra. Bao nhiêu bạn trẻ sau
nhiều nỗ lực, vừa mở ra một tương lai tươi đẹp cũng là lúc cái chết đến đóng
lại tất cả ước mơ và hoài bão. Càng cao niên càng tiến gần đến cái chết. Cái
chết đến với mọi lứa tuổi, mọi thành thành phần, bất chấp họ là ai. Thần chết vẫn
cần mẫn làm công việc của nó mọi nơi, mọi thời, bất chấp bao nỗ lực để kéo dài
sự sống của con người.
Cho dù hiện tại có vất vả lầm than, dù bao
nhiêu bất an chẳng được như ý, thì con người vẫn cố bám víu vào cuộc sống này.
Dù có mang bệnh nan y, cơ hội chữa khỏi thật mong manh, lại thêm tốn kém và đau
đớn, thì thái độ của con người hầu hết vẫn là “còn nước còn tát”.
Nhiều
người nơm nớp lo sợ, không muốn đề cập đến cái chết, và tìm mọi cách để tránh
né. Không nghĩ đến cái chết cũng là một lối thoát, cho dù giả tạo, để khỏi phải
lo sợ và cứ thế mà sống, dù sống như đã chết khi vùi mình vào “canh bạc thâu
đêm, trận cười suốt sáng”.
Biết
rằng đời gang tấc, xuân qua mau, nên tìm mọi cách để hưởng thụ, kẻo “cái già
sồng sộc nó thì theo sau”. Ham sống sợ chết khiến người ta yêu cuồng sống
vội.
Nhưng càng lảng tránh, càng chối bỏ cái chết,
thì nó lại càng bám sát đời sống con người. Khi cuộc chơi đã tàn, canh bạc đã hết,
hành lạc đã xong, người ta càng thấy mình thêm ê chề và trơ trẽn. Đúng như Pascal đã
nhận xét: “Người ta tìm kiếm mọi thú vui giải trí, thậm chí lao mình vào công việc
với tất cả đam mê, nhưng tựu trung đó chỉ là những cách “đánh trống
lảng” để mình khỏi nghĩ đến cái chết mà thôi. Nhưng sớm muộn thần chết vẫn
lù lù trước mặt mọi người. Nó chấm dứt mọi cuộc vui chơi, mọi đam
mê, mọi vinh quang danh vọng ở đời. Nó san bằng mọi ngăn cách giữa người với
người: giàu nghèo sang hèn, vua chúa hay lê thứ, trai gái, mọi người đều bình
đẳng trước thần chết”.
Dù tin hay không tin, hữu thần hay vô thần, ai cũng
phải lần lượt bỏ lại tất cả để ra đi về miền ‘vĩnh viễn’ với hai bàn tay trắng.
Nhưng tại sao tôi phải chết? Chết rồi sẽ ra sao? Có còn gì bên kia cái chết? Nếu
chết là hết, thì sống có ý nghĩa gì?... Bao nhiêu câu hỏi vẫn đặt ra từ đời nọ
cho đến đời kia, để mong tìm ra nguyên nhân và mục đích về cái chết của con người. Triết học và tôn giáo cố gắng
giải thích vấn nạn này, nhưng đâu là chân lý?
Dù sao
cũng hãy đối diện với sự thật là cái chết trước mắt. Không phải như một sự thật
bế tắc, nhưng là một sự thật mở ra, một sự thật cho ta khám phá mầu nhiệm sự
sống ngay trong sự chết. Nếu cứ lo âu sợ hãi, chúng ta không bao giờ sống một
cuộc đời đầy đủ và tốt đẹp nhất. Vẫn biết sự chết là một mầu nhiệm, nhưng mầu
nhiệm ấy đã tiềm mặc và hé lộ trong mầu nhiệm của mỗi cuộc đời con người: một
cuộc đời không phải ngẫu nhiên mà có, không đương nhiên mà thành, và cũng không
tất nhiên mà kết thúc cách vô lý.
Krishnamurti trong quyển “Nhật ký cuối cùng” đã mạnh dạn nói lên như sau:
“Cái chết không phải là một chuyện gì ghê
gớm cần né tránh phân biệt (với sự sống), đúng hơn đấy là một người bạn theo ta
từng ngày, trên từng cây số. Từ nhận thức này, sẽ phát sinh một ý thức kì diệu
về cái Vô Cùng”.
Đối
với Trang Tử, sống và chết là lẽ tự nhiên, bình thường và bình đẳng, nên ông
chẳng xao xuyến gì trước cái chết, thản nhiên ra vào cuộc đời: “Bậc chân nhân không ham sống, không sợ
chết, vào không vui, ra không buồn, thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi”.
Đối với ông, sống hay chết cũng như chuyện Được hay Mất, mà Được là thời, Mất
là thuận. “Thuận Thiên giả tồn”, cứ
theo ý Trời thì không phải lo sợ gì.
Đại thi hào Ba Tư Runi
nhìn về cái chết rất tích cực: “Cái chết
là sự hoàn thiện các mục tiêu trên cõi đời. Nó chỉ là sự chấm dứt sự sống vật
chất để con người từ thời gian trần thế chuyển sang thời gian thiên giới”[1].
Deepark Chopra cũng cho thấy
cái chết thật linh thiêng: “Nó thay thời
gian bằng phi thời gian, nó mở rộng biên giới của không gian đến vô tận. Nó tiết
lộ nguồn gốc sự sống và mang lại cái hiểu biết mới về những gì ngoài ngũ quan.
Nó khám phá ra cái trí tuệ tiềm tàng tổ chức và duy trì sự sáng tạo”.[2]
Triết gia Socrates, khi bị tòa án Athens kết án tử hình bằng cách phải tự uống thuốc độc chết[3], ông
cũng đã nói lên như sau: “Hỡi quý toà,
hãy vui về cái chết, và hãy hiểu cho rõ rằng, không có gì xấu có thể xảy ra với một người lương thiện,
kể cả trong cuộc sống cũng như sau khi chết. Thượng Đế không bỏ qua người đó và sự nghiệp
của y, cũng như cái kết thúc đang cận kề của tôi không phải vô cớ mà đã xảy ra.
Nhưng tôi thấy rõ đã tới lúc tôi nên chết và thoát khỏi phiền toái thì hơn. Vì
thế tôi cũng không oán giận những người đã kết án tôi…”.
Socrates vẫn có
thể thoát khỏi án tử hình này nếu như ông công nhận những cáo trạng và sai lầm
của mình, hoặc là rời bỏ Athena. Nhưng với quan điểm "Thà rằng chịu lỗi, hơn là lại gây ra tội lỗi", ông kiên
quyết ở lại, đối diện với cái chết một cách hiên ngang. Theo ông sự thật còn
quan trọng hơn cả sự sống. Ông coi cái
chết chỉ như một cuộc du hành đến một nơi cư ngụ khác tốt hơn nhiều. Chết không
có gì đáng sợ vì linh hồn con người là bạn của các thực tại thường hằng, bất biến,
siêu việt. Với ông, chết là linh hồn con người được trở về với thế giới vĩnh cửu,
chân thật, nơi nó đã phát xuất ra.
K. Gibran, được mọi người coi như một thiên tài bất tử, đã xác định rất lạc quan: “Cái chết là một kết thúc đối với đứa con của thế gian, nhưng là một
bắt đầu đối với linh hồn, một khải hoàn của sự sống”. Bên phần mộ ông, người ta thấy có khắc
dòng chữ: “Tôi đang
sống giống như bạn, và tôi đang đứng cạnh bạn. Hãy nhắm mắt lại và nhìn quanh,
bạn sẽ thấy tôi trước mặt bạn . . .” [4].
Đạo lý
truyền thống của người Việt quan niệm "nghĩa tử là nghĩa tận", bao nhiêu hờn oán đều xóa bỏ khi
đối tượng đã chết, vì chết là dứt nợ trần gian. Một quan niệm nhân văn khác xem
cuộc sống trên mặt đất chỉ là quán trọ, chết không phải là hết mà là quy tiên, là thực hiện cuộc hành trình trở về quê hương đích thực: “sinh ký,
tử quy - sống gởi, thác về”.
Tuy nhiên, tất
cả những điều trên không phải là một xác tín dễ dãi, không phải là một liều
thuốc trấn an chúng ta, và càng không phải là một lối thoát để chúng ta được
giải gỡ ra khỏi những trăn trở ưu tư về thân phận con người.
Thật ra
điều đáng sợ không phải là cái chết, mà là không có niềm tin, không còn hy
vọng. Đó mới là cái chết ngay khi còn sống, cái chết của não trạng duy vật và
vô thần, gieo rắc bao tai ác, kéo theo bao tang thương và khốn cùng cho con
người.
Lm.
Thái Nguyên
[1] Deepark Chopra, Sự Sống Sau Cái Chết, Nxb Văn Hóa SG
2009, tr 58.
[2]Như trên, tr. 57.
[3] Socrates
(469 – 399 tr. CN), một trong những
người đặt nền móng cho toàn bộ triết học phương Tây, bị buộc tội reo rắc nghi ngờ các thần linh
mà chính thể Athens thời đó tôn thờ, kêu gọi nhân dân tôn thờ các thần linh ngoại
lai, và làm hư hỏng thanh thiếu niên.
[4]Kahlil
Gibran (1883-1931) là tiểu thuyết gia, họa sĩ, thi sĩ tâm linh với cung giọng
ngôn sứ và triết gia theo chủ nghĩa hiện sinh hữu thần. Ông sinh tại làng
Bsharri, thuộc vùng núi Miền Bắc Li-băng, nằm sát phía bắc vùng hoạt động chính
của Đức Giêsu là Ga-li-lê, mảnh đất Li-băng tuy nhỏ nhưng vang danh với những
người con nổi tiếng từ buổi bình minh của nền văn minh.