SUY NIỆM VỀ THÁNH
GIUSE
Nguyên tác :
JEAN GALOT S.J.
Tóm lược : Lm.
Giuse TRẦN ĐỨC LIÊM
Suy niệm :
THÁNH GIUSE
Thực hiện Nhân Dịp
LỄ THÁNH GIUSE LAO ĐỘNG 1-5-2015
Bổn Mạng
GIỚI GIA TRƯỞNG GX THANH XÁ
MỤC LỤC
Bài 1 : BẢN LÃNH CỦA THÁNH GIUSE
Bài 4 : NHÂN CHỨNG CỦA MẦU NHIỆM
Bài 7 : NGƯỜI BẠN ĐỜI CỦA ĐỨC TRINH NỮ
Bài 8 : ĐẤNG CỨU TINH CHÀO ĐỜI
Bài 9 : THÁNH GIUSE LÀ CHA ĐỨC GIÊSU
Bài 10 : THÁNH GIUSE GẶP GỠ VỊ TIÊN TRI
Bài 13 : ĐAU KHỔ VÌ MẤT CHÚA GIÊSU
Bài 14 : THÁNH GIUSE LÀ NHÀ GIÁO DỤC
Bài 15 : THÁNH GIUSE LÀ MÔN ĐỆ CỦA ĐỨC GIÊSU
Bài 16 : THÁNH GIUSE LÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bài 17 : THÁNH GIUSE LÀ NGƯỜI CHIÊM NIỆM
Bài 18 : THÁNH GIUSE LÀ NGƯỜI CÔNG CHÍNH
Bài 19 : THÁNH GIUSE LÀ GIA TRƯỞNG
Bài 20 : THÁNH GIUSE LÀ NGƯỜI TÔI TỚ
Bài 21 : THÁNH GIUSE LÀ CON NGƯỜI THẦM LẶNG
Bài 22 : THÁNH GIUSE LÀ NGƯỜI NGHÈO KHÓ
Bài 23 : THÁNH GIUSE CÓ CÕI LÒNG THANH SẠCH
Bài 24 :
THÁNH GIUSE CÓ MỘT TÂM HỒN ĐƠN SƠ
Bài 25 : THÁNH GIUSE CÓ TINH THẦN KHÔN NGOAN
Bài 26: THÁNH GIUSE CÓ TÌNH YÊU TRUNG TÍN
Bài 27 : THÁNH GIUSE LÀ CON NGƯỜI HY VỌNG
Bài 28: THÁNH GIUSE LÀ VỊ TÔNG ĐỒ ẨN TÍCH
Bài 29 : CÁI CHẾT CỦA THÁNH GIUSE
Bài 30 : THÁNH GIUSE LÀ ĐẤNG CHUYỂN CẦU
Bài 31 : THÁNH GIUSE LÀ QUAN THẦY HỘI THÁNH
Trước kia, người ta thường trình bày về Thánh Giuse bằng
hình ảnh một ông lão đầu tóc bạc phơ đầy vẻ tốt lành và thánh thiện. Nhưng sự
già nua ấy lại khó có thể phù hợp với vai trò mà Ngài đảm nhận. Vì thế, Ngày
nay Thánh Giuse được trình bày bằng hình ảnh trẻ trung, mạnh mẽ và cương nghị.
Cách trình bày này xem ra đúng tính cách của Ngài hơn.
Quả thực, tuy là Sách Tin Mừng không cho biết về số tuổi
của Thánh Giuse, nhưng theo lẽ thường ta cũng có thể dễ dàng suy luận và chấp
nhậnrằng : khi kết bạn với Đức Maria thì Thánh Giuse cũng ở vào lứa tuổi mà các
bạn trẻ khác đính hôn. Cho nên ta phải phác họa Ngài bằng những đường nét của
một thanh niên trẻ trung, đầy nghị lực và hăng hái.
Sự trẻ trung nói ở đây, trước tiên Thánh Giuse đã có ở
trong tâm hồn của Ngài. Ngài đã có bản lãnh của một người trai trẻ. Đặc điểm
của giới trẻ là muốn đem sức lực và khả năng của mình ra để biến đổi thế giới
này nên tốt đẹp hơn. Tuy biết rằng nghề thợ mộc khiêm tốn của mình không tạo
được ảnh hưởng gì lớn lao đến sự phát triển của nhân loại, nhưng với nhiệt
huyết tuổi trẻ, Thánh Giuse cũng hết lòng ao ước được góp phần thay đổi bộ mặt
thế giới. Trong dân Do Thái, cao vọng đó còn được thúc đẩy bởi niềm hy vọng
nồng nhiệt về thời đại của một Đấng Cứu Thế sẽ đến thiết lập một triều đại mới.
Thái độ nồng nhiệt này không phải chỉ do từ sức lực trai
tráng, nhưng trước hết nó đã bắt nguồn từchính sự trẻ trung của Thiên Chúa, bởi
vì Thiên Chúa là đấng mãi mãi trẻ trung đã thông ban cho con Người sự tươi trẻ
đích thực, chẳng khi nào tàn tạ.
Nếu ta không bao giờ hình dung ra Đức Maria như một bà
già, lúc nào ta cũng thấy Mẹ trẻ trung, thì ta cũng phải tưởng nghĩ y như thế
về Thánh Giuse. Vì Ngài không bao giờ mất sự trẻ trung, một sự trẻ trung phát
xuất từ chính sự trẻ trung của Thiên Chúa. Ngài đã đến với Đức Mẹ Maria bằng
một tình cảm tươi trẻ, và nếu Ngài được Chúa chọn làm bạn với Đức Maria thì
chắc hẳn là vì Ngài có tâm hồn nhạy cảm, có thể thấu hiểu và hòa hợp với tâm
hồn tế nhị của Đức Maria.
Tâm hồn tươi trẻ của Thánh Giuse cũng là tâm hồn đặc biệt
mạnh mẽ. Ngài cần đến sức mạnh và bản lãnh này để chu toàn vai trò gia trưởng
của mình là : đảm đương việc nuôi sống gia đình, nâng đỡ Đức Maria,bảo đảm uy
thế người cha và người giáo dục trẻ Giêsu. Đặc biệt là bản lĩnh trong cách xử
sự đầy khôn ngoan và lòng tự tín trầm tĩnh mà Tin Mừng gợi lên.
TRẺ TRUNG VÀ MẠNH MẼ, Thánh Giuse phải là như thế trước
mắt chúng ta, trong một bản lãnh đầy ơn tự nhiên, và hơn nữa, đầy ân sủng của
Thiên Chúa.
Cuộc gặp gỡ Đức Maria đã định đoạt vận mệnh của Thánh
Giuse.
Nhìn bề ngoài, đây là một cuộc gặp gỡ giống như bao nhiêu
cuộc gặp gỡ khác, khi một thanh niên tìm được một thiếu nữ xinh đẹp, hợp với
mình.
Nhưng thật ra, đây chính là một cuộc gặp gỡ như chưa từng
có bao giờ. Thánh Giuse bị đánh động bởi một vẻ đẹp khôn sánh, vẻ đẹp của một
tâm hồn trong trắng và hoàn thiện tuyệt đối. Vẻ đẹp này xuất phát từ tâm hồn
đầy ơn Chúa mà Thiên Thần Gabriel đã chào kính là đầy ơn phúc.
Giữa bao nhiên người, chỉ có Thánh Giuse nhận ra vẻ đẹp lạ
lùng của Đức Maria nhờ vào cái nhìn sâu xa. Chính ở chiều sâu tâm hồn, mà Thánh
Giuse đã thực sự gặp được Đức Maria. Cái nhìn sâu xa này là một ân huệ siêu
nhiên. Chúa Thánh Thần đã nâng cao cái nhìn của Thánh Giuse và làm cho tâm hồn
Thánh Giuse hòa hợp với tâm hồn Đức Maria. Sau này, những ai gặp Đức Maria và
kinh ngạc trước vẻ đẹp của Mẹ, cũng đều do Chúa Thánh Thần soi sáng và thanh
luyện cái nhìn.
Khi sống bên Đức Maria và Chúa Giêsu, Thánh Giuse dần dần
hiểu hơn rằng, việc Ngài bị thu hút bởi Đức Maria, thực ra là Ngài bị thu hút
bởi chính Chúa Giêsu. Là vì Đức Maria mang nơi mình hình ảnh Chúa Giêsu . Chính
Chúa Giêsu đã lôi kéo Thánh Giuse cách bí nhiệm qua gương mặt trong sáng của Mẹ
Maria. Nơi Đức Maria, Thánh Giuse đã gặp được Chúa Giêsu. Vì thế, việc gặp gỡ
Đức Maria làm cho Thánh Giuse cảm thấy mình nên tốt lành hơn nhờ sự chiếu tỏa
thánh thiện từ Đức Maria. Điều này chứng tỏ cách rõ ràng rằng : Thiên Chúa ở
giữa cuộc gặp gỡ. Quả thế, Đức Maria vốn chỉ sống cho Thiên Chúa mà thôi , và
Mẹ muốn giữ mình đồng trinh để được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Người ta
chỉ có thể trở nên thân thiết với Mẹ khi sống mật thiết với Thiên Chúa. Bởi
thế, khi gặp Đức Maria, Thánh Giuse cũng thấy nơi mình có khát vọng bước lên
cùng Thiên Chúa và đi vào con đường sống khiết trinh như Đức Maria.
Sau cuộc gặp gỡ Đức Maria, Thánh Giuse nhìn lại sự vật ở
đời, và Ngài thấy rằng tấtcả đều nhỏ bé trước tâm hồn lớn lao của Đức Maria.
Chắc chắn sự khám phá này đã chiếu sáng cả cuộc sống của
Thánh Giuse. Đức Maria đã thông chuyển cho Ngài tình yêu lớn lao và trong trắng
của Mẹ.
Đối với Đức Maria, Thánh Giuse là người Chúa đã chọn, để
giúp Mẹ sống lý tưởng trinh khiết trong đời sống gia đình. Cuộc đính hôn là kết
quả của việc hai người cùng thông chia một lý tưởng, và cùng quý mến nhau một
cách sâu xa.
Khi chọn Đức Maria làm hôn thê và trao đổi lời giao kết,
Thánh Giuse đã chấp nhận việc lựa chọn và sắp xếp của Thiên Chúa. Ngay lúc đó,
Ngài chưa thể biết rõ tất cả tình thương mà Chúa gói ghém trong việc kén chọn
này. Ngài chỉ suy đoán và biết rằng: mình phải tạ ơn Chúa vì đặc ân này.
Cuộc đính hôn đem lại cho Đức Maria và Thánh Giuse niềm
phấn khởi, luôn quy hướng trọn vẹn về Thiên Chúa. Nếu Mẹ Maria là người đầu
tiên quý chuộng những đức tính của Thánh Giuse, và là người đi trước Hội Thánh
trong việc tôn kính Thánh Giuse, thì Thánh Giuse cũng là người đầu tiên cảm tạ
Thiên Chúa, vì Chúa đã ban cho thế gian một quà tặng lớn lao, đó là vẻ đẹp tinh
thần của Đức Maria. Thánh Giuse cảm thấy tâm tình tôn kính đối với Đức Mẹ, đó
là khởi đầu cho việc tôn kính mà sau này Hội Thánh dành cho Mẹ.
Sự lựa chọn và cuộc đính hôn của Thánh Giuse là ánh sáng
hướng dẫn các cuộc đính hôn Kitô giáo. Bởi lẽ việc chọn một người bạn đời là
việc vừa tế nhị vừa quan trọng. Do đó, họ cần noi gương Thánh Giuse để chọn lựa
theo ý Chúa. Để cho sự lựa chọn của con người có thể trùng hợp với ý Chúa, Thánh
Giuse dậy ta biết phải lưu tâm trước tiên đến các đức tính tinh thần hơn là vẻ
đẹp thể lý bề ngoài, kiếm tìm vẻ đẹp tinh thần và sự duyên dáng kín ẩn nhưng
chắc chắn, xuất phát từ việc có ơn Thánh Chúa. Ngài còn khuyến khích tìm gặp sự
hoàn thiện đưa ta đến gần Thiên Chúa. Nhờ đó, đôi bạn có thể cư xử tế nhị, và
phát triển một tình yêu trong sạch, giúp cho tình yêu không ngừng đi lên trong
những tâm tình cao đẹp, nhìn nhận tình yêu như lời mời gọi nên thánh.
Trong cuộc đính hôn, Thánh Giuse còn là gương mẫu cho
những ai thề hứa sống khiết tịnh: người sống Trinh khiết sẽ được sống thân mật
hơn với Đức Maria. Thánh Giuse giúp họ thấu hiểu đặc ân của sự thân mật ấy, có
Đức Maria gợi lên tất cả vẻ thi vị của tình yêu, với mục đích duy nhất là để
nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa. Nhờ chính kinh nghiệm của mình, Thánh Giuse
giúp họ hưởng nếm vẻ đẹp tinh thần của Đức Trinh Nữ Maria, và thôi thúc họ thêm
lòng ước ao muốn sống trong sạch tuyệt đối, để thông hiệp với lý tưởng của Đức
Maria.
Ngay từ khi gặp gỡ Đức Maria, Thánh Giuse đã cảm thấy rằng
: mầu nhiệm đồng trinh vượt quá tầm hiểu biết của mình. Nhất là vào giữa thời
kỳ đính hôn, Ngài buộc phải thấy một sự kiện lạ lùng, đó là Đức Maria đang mang
thai. Thánh Giuse không tìm ra nguyên cớ, còn Đức Maria thì vẫn giữ thinh lặng.
Trong sự thinh lặng của Đức Maria, Thánh Giuse bắt đầu nhận thấy có một mầu
nhiệm mới.
Thánh Giuse biết Đức Maria là người nhân đức, không thể
thay đổi hay lừa dối. Ngài đoán rằng Đức Maria có một lý do cao cả buộc Mẹ phải
im lặng. Mẹ đã được Thiên Thần nói cho biết việc Chúa làm nơi Mẹ, còn Thánh
Giuse thì chưa hay biết gì. Tình cảnh này thật khó chịu cho Ngài, vì Ngài phải
đứng trước một mầu nhiệm liên quan đến chính mình, mà lại không được giải thích
gì cả… Giữa lúc Đức Maria đã dấn mình hoàn toàn vào mầu nhiệm nhập thể rồi, thì
Thánh Giuse vẫn còn ở trong tăm tối, nơi ngưỡng cửa của mầu nhiệm. Vì Chúa muốn
vai trò của Thánh Giuse là làm một nhân chứng. Trong vai trò này, Ngài là người
duy nhất, không ai thay thế được. Chỉ một mình Ngài suy đoán về mầu nhiệm liên
quan đến Con Trẻ, mà hôn thê của Ngài đang cưu mang. Vì những người khác đã
đương nhiên coi Ngài là cha của con trẻ đó. Chỉ một mình Ngài biết rõ sự trinh
khiết của Maria, và tin chắc trong thâm tâm là Maria không hề muốn tỏ sự trinh
khiết này một tý nào cả. Thái độ tin chắc này tỏ rõ trong quyết định Ngài dự
tính thực hiện.
Tin mừng Thánh Mát thêu viết : “Vì là người công chính và
không muốn tố giác bà, nên Giuse quyết tâm âm thầm ly dị”. Thánh Giuse muốn bảo
toàn thanh danh cho Đức Maria. Đằng khác, nếu Đức Maria đã giữ bí mật theo ý
Chúa, thì Ngài cũng phải tôn trọng sự thinh lặng này, bằng cách sống xa người
mẹ và con trẻ. Quyết định này chứng tỏ thái độ tôn trọng mầu nhiệm.
Là nhân chứng của mầu nhiệm, Thánh Giuse phải chịu đau
khổ. Chính Thiên Chúa đã kéo dài cuộc thử thách, là vì trong chương trình của
Chúa, việc làm chứng phải kèm theo hy sinh, như sau này các chứng nhân của Chúa
Kitô đều phải trải qua đau khổ. Cũng vậy, để làm chứng nhân cho mầu nhiệm Đức
Maria thụ thai trinh khiết Đức Kitô, Thánh Giuse cũng phải trải qua thử thách
tương tự.
Chính sự dằn vặt nội tâm này mang lại giá trị cho việc làm
chứng của Thánh Giuse. Bởi lẽ Ngài đã chịu đau khổ vì mầu nhiệm ấy. Nhưng nhờ
đó mà niềm vui của Ngài càng lớn lao khi nhận được lời giải thích của Thiên
Thần. Niềm vui ấy là phần thưởng cho sự hy sinh, và mãi mãi nó soi sáng mầu
nhiệm mà Thánh Giuse là nhân chứng đặc tuyển.
Việc truyền tin cho Giuse là lần truyền tin thứ ba trong
Tân Ước. Nó chứng tỏ tầm quan trọng của vai trò được trao cho Thánh Giuse.
Lời đầu tiên của Thiên Thần là : “Đừng sợ”, cũng giống như
lời đã nói với Đức Maria. Lời ấy đã đem lại bình an, xua tan mọi lo âu. Trong
tâm hồn Thánh Giuse, sự rối loạn nhiều hơn so với Đức Maria, bởi không hay biết
gì về hài nhi trong khoảng thời gian khá lâu. Chẳng những Thiên Thần đã dẹp yên
sự rối loạn này, mà còn xin Thánh Giuse hãy mạnh dạn nhận vai trò làm cha Đấng
Cứu Thế, vai trò của chính Thiên Chúa. Tiếng “Đừng sợ” mang tất cả giá trị
trong chiều hướng này, đó là đòi hỏi Thánh giuse hãy bạo dạn nhận lấy tư cách
làm cha, là đặc quyền lẽ ra chỉ dành cho Thiên Chúa.
Sự bạo dạn này càng rõ nét hơn khi Thiên Thần nói đến sứ
mạng cứu thế của Con Trẻ, và Thánh Giuse là người đặt tên cho con trẻ ấy. Đặt
tên là việc thuộc về người cha. Khi đặt tên cho con trẻ, Thánh Giuse cảm thấy
có bổn phận hiến con trẻ cho sứ mạng cứu thế. Do việc ấy, Thánh giuse không còn
là nhân chứng bàng quang của mầu nhiệm cứu độ. Ngài đã được mời gọi cộng tác
vào mầu nhiệm này với danh nghĩa là cha Đấng Cứu Thế. Cuộc sống của Ngài mang
một chiều kích mới, thực sự lớn lao.
Việc cộng tác của Thánh Giuse đã làm cho lời Kinh Thánh
nên ứng nghiệm, Đó là Đấng Cứu Thế xuất thân từ dòng dõi Đavít. Có thể nói là
Thánh Giuse đã đưa Chúa Giêsu vào dòng tộc Đavit.
Lời Thiên Thần truyền tin đem lại hoan hỷ, phấn chấn trong
lòng Thánh Giuse. Vì chẳng những Thánh Giuse được giải thoát khỏi những lo âu
và đau khổ trước kia, mà còn thấy được sự đổi thay và phần rỗi của thế giới. Đó
là niềm vui của thời cứu độ. Đó chính là niềm vui của toàn thế giới đang dấu ẩn
nơi Ngài.
Thánh Giuse còn vui mừng vì mối liên hệ với Đức Maria được
củng cố. Trước kia Ngài tưởng con trẻ sẽ chia tách Ngài với Đức Maria. Sau cuộc
truyền tin, Ngài nhận ra chính con trẻ lại thắt chặt một dây liên kết vững chắc
hơn. Sau khi có vẻ như chia tách, thì giờ đây Chúa Giêsu lại tái tạo sự thân
tình giữa các Ngài. Sau cuộc truyền tin, Thánh Giuse quý trọng và thán phục Đức
Maria hơn trước. Đối với Thánh Giuse, giờ đây Đức Maria đầy vẻ thánh thiện, bởi
lẽ Mẹ là người nữ duy nhất được làm mẹ nhờ bởi Chúa Thánh Thần.
Tin mừng Thánh Matthêu kể lại rằng: Thánh Giuse đã rước
Đức Maria về nhà như Thiên Thần đã truyền cho Ngài. Tuy không có chi tiết nào
kể về cuộc hôn lễ này, nhưng ta có thể thấy đây là một đám cưới rất giản dị,
bởi vì gia đình đôi bên đều không giầu có gì.
Đám cưới của Thánh Giuse có lẽ cũng giống như đám cưới ở
Cana. Giống về hình thức tổ chức, hơn nữa còn giống ở sự kiện Chúa Giêsu đã cứu
vãn cho cuộc hôn nhân khỏi bị đổ vỡ. Đám cưới Cana thiếu rượu tượng trưng cho
cuộc hôn nhân sớm cạn kiệt tình yêu. Đức Giêsu đã cứu vãn bằng cách ban cho một
thứ rượu hảo hạng, rượu đó tượng trưng cho chính tình yêu của Chúa, sẽ bảo đảm
cho các cuộc hôn nhân được bền vững lâu dài. Chính sự hiện diện của Chúa Giêsu
cũng đã cứu vãn cho cuộc hôn nhân của Thánh Giuse có nguy cơ bị hủy bỏ.
Như thế, cuộc hôn nhân của Thánh Giuse cũng như đám cưới
Cana đều cho thấy một điều căn bản : tình yêu và sự hiện diện của Đức Kitô nâng
đỡ, làm sống động tình yêu của đôi vợ chồng, đưa tình yêu ấy vào sự bền đỗ cho
đến chết. Tìm hiểu về cuộc hôn nhân của Thánh Giuse, ta thấy nguồn suối siêu
nhiên nuôi dưỡng các cuộc hôn nhân, đó chính là mầu nhiệm tình yêu của Thiên
Chúa nhập thể. Việc nhập thể tạo nên sức chống đỡ cho mọi cuộc hôn nhân. Rõ
ràng cuộc hôn nhân của Thánh Giuse là do đòi hỏi của việc nhập thể, và được
thực hiện trong sự hiện diện của Đức Kitô. Cuộc hôn nhân này còn xuất phát từ
một đau khổ có tính cách cứu độ, do sự hiện diện của Chúa Cứu Thế, mà tình yêu
của Giuse và Maria phải được củng cố trong nỗi đau đớn chung. Các cuộc hôn nhân
Kitô giáo cũng tiếp tục kéo dài và diễn tả việc nhập thể cứu độ.
Giá trị hiện tại của cuộc hôn nhân của Thánh Giuse còn tỏ
rõ bằng việc đề cao đứa con. Quả thực, cuộc hôn nhân này được biện minh bởi sự
có mặt của trẻ Giêsu. Con trẻ cần có một người cha và một mái ấm gia đình. Hôn
nhân sẽ đi sai mục đích nếu đôi vợ chồng ích kỷ, tìm hưởng thụ cho mình, không
hướng đến con cái. Cần phải nhớ rằng, tiên vàn hôn nhân đã được thiết lập vì đứa
con.
Trong sự thân tình với người bạn đời, Thiên Chúa hướng mối
tình của Thánh Giuse đến một mục tiêu thiết yếu hơn, đó là đứa con. Chính vì đứa
con mà Thánh Giuse đi vào hôn nhân. Ngài hiện diện ở đó để giúp những kẻ kết
hôn cũng có cùng một thái độ tâm hồn như Ngài, và biết nhìn nhận đứa con như
một mục đích và sự hoàn thành của cuộc kết hợp của họ.
Qua việc rước Đức Maria về nhà mình, Thánh Giuse đã đưa
Đức Maria vào sự thân mật của đời Ngài. Nhưng bảo rằng chính Ngài đi vào sự
thân mật với Đức Maria thì còn đúng hơn. Theo nghĩa này, thì về mặt tinh thần
chính là Maria đã rước Giuse về nhà mình.
Sự thân mật giữa Thánh Giuse và Đức Maria dựa trên nền
tảng là ân sủng Thiên Chúa. Sự duyên dáng của Đức Maria toát ra từ tâm hồn đầy
ơn phúc. Ơn Thánh Chúa thấm vào mọi lời nói, cử chỉ, làm rạng rỡ nét mặt, làm
xuất hiện sự tốt lành dịu dàng. Mỗi ngày Thánh Giuse càng bị lôi quấn sâu xa
hơn là cuộc gặp gỡ ban đầu, và cũng là chính Thiên Chúa ngang qua Đức Maria
đang lôi quấn Ngài hơn. Sự hấp dẫn thiêng liêng do cuộc chung sống bên Đức
Maria là một nâng đỡ lớn lao cho Thánh Giuse.
Đối lại, Thánh Giuse cũng nâng đỡ Đức Maria rất nhiều.
Những đức tính của Thánh Giuse như can đảm, trung tín, trầm tĩnh, chắc chắn,
trung thực, tận tâm, kiên nhẫn…đã trợ giúp nhiều cho Đức Maria. Những đức tính
tốt đó đã góp phần củng cố đời sống chung. Cả hai người đều không phải thất
vọng về người bạn đời của mình. Thánh Giuse đã chu toàn mọi bổn phận đã cam
kết. Ngài thực sự là người bạn đời gương mẫu.
Thánh Giuse còn là người bạn đời gương mẫu vì Ngài hoàn
toàn hiệp thông với Đức Maria trong lý tưởng sống trinh khiết, và trong sứ mạng
cộng tác vào công cuộc cứu độ mà Chúa trao phó. Tình thương đối với gia đình
trở thành tình thương đối với cả nhân loại, bởi lẽ gia đình này hiện hữu là để
đem lại cho nhân loại một vị cứu tinh. Sự thân mật trong gia đình không khép
kín nơi hai người, nhưng luôn quy hướng về vị cứu tinh, và qua đó thông hiệp
với tất cả cộng đồng nhân loại. Sự thân mật giữa hai người không ngừng mở rộng.
Thánh Giuse đã rước Đức Maria về nhà mình. Theo lời trối
của Chúa Giêsu, Thánh Gioan cũng đã lãnh lấy Đức Mẹ về nhà mình. Đến lượt các
Kitô hữu cũng đón Mẹ vào tình mến của mình, sống sát cánh bên Mẹ với tình con
thảo. Sự thân tình nơi Thánh gia Nagiaret là khởi điểm và là mẫu mực cho sự
thân tình giữa các tín hữu với Đức Trinh Nữ.
Thánh Giuse giúp chúng ta biết đón nhận Đức Maria về nhà
mình, sống thân mật với Mẹ qua các việc tôn kính, chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầy ân
sủng nơi Mẹ. Nhất là cùng hiệp thông với lý tưởng của Mẹ, đó là cộng tác với Mẹ
trong công cuộc đem Chúa Giêsu đến cho nhân loại. Nhờ đó chúng ta sống gắn bó
với Chúa Giêsu và ơn cứu độ của Chúa hơn.
Lệnh kiểm tra dân số buộc Thánh Giuse phải lên đường trở
về Belem. Thánh Giuse đã chịu nhiều lo lắng, vất vả trong biến cố này. Vì lẽ
Đức Mẹ sắp đến lúc sinh nở, đường xa trắc trở. Rồi thêm vào đó, Tin Mừng đã
thuật lại rằng: Không có chỗ cho ông bà trong quán trọ. Thật là tủi cực cho
Thánh Giuse.
Qua những bước chân tất tưởi thất bại của mình, Thánh Giuseđã
phác họa trước thựctrạng của công cuộc cứu thế. Sự xấu hổ vì không tìm được một
chỗ trọ của Giuse khai mào cho sự nhục nhã quyết liệt hơn, mà Đấng Cứu Thế phải
chịu khi “đến nơi nhà của Người, mà người nhà không tiếp nhận Người”. Đức Kitô
bị xua đuổi bởi những kẻ chính ra phải hân hoan đón nhận Người. Theo chương
trình Thiên Chúa, thì sự thất bại và bạc đãi này phải có trong những hoàn cảnh
của cuộc giáng sinh. Thánh Giuse phải cộng tác vào việc làm cho cuộc giáng sinh
trở thành hình ảnh tiên báo cho cuộc hy tế cứu độ. Thánh Giuse không được đón
nhận cũng chính là Đức Giêsu bị từ chối. Sự lớn lao của Thánh Giuse ở Belem là
đã nhân danh Đức Kitô đi vào con đường khổ nhục có tính cứu độ.
Đàng khác, đau khổ này chính là cái giá do phận vụ và tư
cách làm cha đòi buộc. Nhưng niềm vui khi thấy con trẻ ra đời sẽ xóa tan mọi
khổ sầu. Đây còn là niềm vui được thấy Đấng Thiên sai, vị Cứu Tinh nhân loại.
Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu với cái nhìn vui sướng, Thánh Giuse đại diện cho cả
nhân loại đang trông chờ ơn cứu độ.
Việc các mục đồng xuất hiện củng cố thêm niềm vui này. Các
mục đồng đã nhận ra Đấng Cứu Tinh mới sinh nằm trong máng ăn của súc vật. Đó là
dấu chỉ Thiên Thần đã báo cho họ.
Kế hoạch của Thiên chúa thật lạ lùng, thật khôn ngoan trong
các nỗi khổ cực của Thánh Giuse. Tất cả đều quy hướng về Đức Kitô nghèo khó nằm
trong máng cỏ thấp hèn. Niềm vui ngày Giáng Sinh trước hết là niềm vui dành cho
người nghèo. Chính vì thế, niềm vui của Thánh Giuse mới tràn đầy. Cần phải giũ
bỏ mọi thứ khác để chiếm được Đức Kitô. Đó là điều Thánh Giuse đã thực hiện. Sự
trơ trụi nghèo nàn lại trở thành sự giầu sang tuyệt đỉnh về ơn cứu độ.
Tuy không sinh ra Đức Giêsu về phần xác, nhưng Thánh Giuse
vẫn có một tư cách làm cha thực sự. Đức Giêsu cũng đã coi Thánh Giuse là cha
mình và đã cư xử như một người con đối với Ngài. Tin Mừng cũng kể lại sự vâng
phục của Đức Giêsu đối với Thánh Giuse ở Nagiaret.
Những người ở thành Nagiaret không nghi ngờ gì về tư cách
làm cha đó. Họ vẫn gọi Đức Giêsu là con Ông Giuse. Khi tìm được Đức Kitô trong
Đền Thờ, sau khi lạc mất, Đức Maria đã nói với trẻ Giêsu rằng : “Cha con và mẹ
đây đã phải cực lòng tìm con”.Đây là bằng chứng cho thấy rằng : trong cuộc sống
thân mật tại gia đình Nagiaret, Thánh Giuse bao giờ cũng luôn được nhìn nhận là
người cha thực sự của trẻ Giêsu.
Thánh Giuse thực sự ở trong cương vị người cha, Ngài là
bạn đời của Đức Maria, là gia trưởng của một gia đình, gia đình này đã được
thiết lập do một cuộc hôn nhân đích thực, và Đức Giêsu được sinh ra trong cuộc
hôn nhân này. Vì thế, Thánh Giuse hành xử quyền của một người cha, và nhận từ
đứa con một tình yêu hiếu nghĩa, tùng phục và phó thác.
Trước khi xuống thế làm người, Đức Giêsu vẫn là con từ đời
đời của Chúa Cha, Đấng là Cha từ đời đời, là cha hoàn hảo. Do việc nhập thể,
Chúa Cha đã muốn Chúa Con có một người cha nhân loại, và sống theo sự dìu dắt
của người cha đó. Vì thế, tư cách làm cha của Thánh Giuse là điều huyền diệu
trong mầu nhiệm nhập thể. Người thợ mộc thành Nagiaret chỉ có thể trở thành cha
của Đức Giêsu khi chính mình trở nênhình ảnh của Cha trên trời. Trước mắt con
trẻ, Ngài phải biểu thị cho Vị Cha Thiên Quốc. Do đó, Ngài cũng được chuẩn bị
cho sứ mạng làm cha cao cả ấy, do bởi tác động từ Chúa Thánh Thần. Tâm hồn Ngài
được nắn đúc giống với Cha Trên Trời, tràn đầy sự nhân hậu họa theo lòng nhân
hậu vô biên của Thiên Chúa Cha.
Chức vị của Chúa Giêsu nâng cao địa vị làm cha của Thánh
Giuse. Việc làm cha này còn vô cùng lớn lao, vì nơi người cha nhân loại này
phản ảnh việc Thiên Chúa làm cha.
Khuôn mặt Thánh Giuse là hình ảnh đẹp nhất của khuôn mặt
Cha Trên Trời, và Đức Giêsu không ngừng nhìn ngắm với tình mến con thảo, một
tình mến quy về Thánh Giuse và đồng thời hướng về Cha Vĩnh Cửu trên trời. Đó là
cả một mầu nhiệm trọng đại. Một người cha khiêm nhu và ẩn dật, lại đã tỏ bày và
kéo dài tư cách làm Cha cao cả nhất của Thiên Chúa Cha.
Khi cùng với Đức Maria lên Đền Thờ để tiến dâng con trẻ
cho Thiên Chúa, Thánh Giuse đã gặp tiên tri Simêon.
Ông già Simêon tượng trưng cho lòng nhiệt thành đợi chờ
Đấng Cứu Thế trong Cựu ước. Tin Mừng Thánh Luca viết về ông : “Đó là một người
công chính và mộ đạo, ngóng đợi niềm an ủi của Israel”, ngóng đợi hạnh phúc
Đấng Cứu Thế mang đến. “Ông đã được Thánh Thần báo là không phải chết, trước
khi thấy Đấng Kitô”. Thánh Thần soi sángcho ông Simêon, cũng như Thánh Thần đã
tác động trên Đức Maria và Thánh Giuse. Thánh Thần quy tụ mọi người vào trong
công trình cứu độ.
Ông Simêon ẵm lấy hài nhi trên tay và chúc tụng Thiên
Chúa. Khi chứng kiến niềm hạnh phúc trào dâng của ông Simêon, Thánh Giuse cũng
ý thức về niềm vui của mình. Vì ông Simêon chỉ bồng ẵm Đức Giêsu một lần, còn
Ngài biết mình sẽ được hưởng hạnh phúc ấy nhiều hơn. Đối với Ngài thì không chỉ
là một lần gặp gỡ mà thôi, nhưng là sự thân mật thường xuyên mọi ngày.
Thánh Giuse lấy làm sung sướng khi ông già Simêon nói tiên
tri về Đức Giêsu, sẽ là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của
Israel, là ơn cứu độ cho muôn người. Nhưng lời tiên tri không dừng ở đó, ông
Simêon chúc phúc cho hai ông bà và còn nói với Mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã
đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được trỗi
dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng, còn chính bà, thì một lưỡi
gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà…”. Tuy không trực tiếp nói đến Thánh Giuse, nhưng
chắc chắn những lời này đánh động Ngài mạnh mẽ. Ngài đứng lặng người, vì nỗi
đau khổ của Đức Maria và Hài nhi gánh chịu, cũng xé nát tâm hồn Ngài.
Kể từ đó, Thánh Giuse nhìn Đức Maria và Hài Nhi bằng một
cái nhìn mới. Cùng với họ, Ngài chia sẻ nỗi khổ đau sắp đến. Lời tiên báo của ông
Simêon đặt cuộc sống của Thánh Giuse vào chiều kích sâu xa nhất, đó là chiều
kích của hy tế cứu độ, của con đường Thập Giá.
Thánh Giuse và Đức Maria dâng con đầu lòng theo đúng luật
dậy.Nhưng việc dâng tiến này khác với việc dâng con của các cha mẹ khác. Vì khi
dâng trẻ Giêsu, các Ngài biết rằng mình dâng con vì một hy sinh mầu nhiệm, vì
số phận đớn đau mà ông Simêon vừa báo cho họ. Chính Thánh Thần đã soi sáng việc
dâng hiến, và biến đổi nó cách rõ ràng hơn thành của lễ hy sinh. Các Ngài hiểu
rằng, việc chuộc lại Con Trẻ được thực hiện bằng giá của cuộc khổ nạn sẽ đến.
Bởi đó, việc dâng hiến này là lần dâng hiến đầu tiên của
hy tế Calvariô, hơn 30 năm trước lúc hy tế này được thực hiện. Thánh Giuse cùng
với Đức Maria, có đặc ân thực thi hành vi này. Dĩ nhiên là lúc ấy các Ngài chưa
biết rõ bản chất của hy tế đó, cũng như chưa biết đó là cái chết Thập giá. Nhưng
lời tiên báo về mũi gươm cũng đủ cho thấy nỗi khổ đau sâu xa mà Đức Maria sẽ
phải chịu, và trong hy tế đó Đức Giêsu sẽ trải qua cực hình khủng khiếp. Vì vậy
chủ tâm của Thánh Giuse khi dâng con trẻ là hướng về viễn tượng ghê rợn đó.
Việc dâng lễ này cho thấy sự lớn lao của Thánh Giuse. Ngài
là gương mẫu đầu tiên của nhân loại kết hiệp với hy tế của Đức Kitô. Ngài sẵn
lòng chấp nhận con đường đau khổ do Thiên Chúavạch ra, để công cuộc cứu độ được
hoàn thành. Việc hiến dâng của Ngài không u buồn, nhưng đầy tin tưởng hướng về ơn
cứu độ sẽ tỏ hiện. Lần dâng lễ đầu tiên này là một hành vi quảng đại, được thực
hiện trong niềm vui siêu nhiên, niềm vui tự biết mình vượt thắng mọi đau khổ.
Lời tiên tri của ông Simêon cho thấy Thánh Giuse không
trực tiếp tham dự vào hy tế ở Núi Sọ. Vai trò của Ngài giới hạn trong việc
chuẩn bị cho Chúa Giêsu thực hiện công cuộc cứu thế. Khi việc của mình hoàn tất,
Ngài ra đi, để Đức Maria tiếp tục hành trình tới chân Thập Giá.
Vì thế, lúc dâng Hài Nhi, Thánh Giuse đã không dâng đau
khổ của riêng Ngài. Đức Maria vừa dâng con vừa dâng bản thân mình cho mũi gươm
đau đớn. Còn Thánh Giuse thì dâng convà dâng cả sự đau đớn của Đức Maria nữa.
Ngài quên mình, tự làm mình lu mờ đi trong hiến tế. Đó là cách thức riêng tư
của Ngài lúc dâng lễ.
Sau khi hoàn tất việc dâng Đức Giêsu trong Đền Thờ, Thánh
Giuse đưa gia đình về cư ngụ tại Nagiaret. Lẽ ra Đấng Cứu Thế, là con vua Đavit,
phải sống ở kinh đô Giêrusalem, chứ không phải ở một nơi tầm thường như
Nagiaret. Nhưng Thánh Giuse đã bước vào bóng tối cùng với Đấng mà Ngài biết là Ánh
Sáng đến soi chiếu muôn dân.
Tại Nagiaret, Đức Giêsu lớn lên bình thường như bao người
khác, không có nét gì đặc biệt cả. Sự khôn ngoan trổi vượt, sự thánh thiện hoàn
toàn, cũng như ý muốn cứu thế chẳng hề tỏ lộ ra cho ai thân quen. Không lôi kéo
sự chú ý của hàng xóm. Người đồng hương cũng như người nhà khi nghe Đức Giêsu
giảng, họ cũng chẳng tin vào Người. Trong nếp sống thân cận bên cạnh trẻ Giêsu,
lòng tin của Thánh Giuse cũng bị thử thách, Ngài đã phải cố gắng để tiếp tục
tin. Trong căn nhà Nagiaret, niềm tin này trải qua nhiều tăm tối, liều lĩnh
vượt qua những thực tại quen thuộc, vượt qua điều mà Ngài trông thấy trong cảnh
sống thân mật mọi ngày.
Từ lúc được Thiên Thần báo cho biết về số phận Con Trẻ,
Ngài đã hết lòng tin tưởng. Trải qua mọi hoàn cảnh, niềm tin đó không ngừng
được củng cố và phát triển. Trong cảnh tăm tối ở Nagiaret, niềm tin say nồng đó
đã lớn dần, cùng với Đức Giêsu đang lớn lên dần.
Cuộc sống ẩn dật càng kéo dài, thử thách càng lớn. Thánh Giuse
đặt niềm tin vào lời Thiên Thần đã nói về Đức Kitô là Đấng Cứu Thế. Nhưng rồi
theo năm tháng trôi qua, Ngài đã ngày càng ngạc nhiên hơn khi chẳng thấy có gì
chuẩn bị cho sứ mạng cứu thế đó cả. Đức Giêsu vẫn tiếp tục sống trong bóng tối,
tiếp tục làm nghề thợ mộc, xem ra chẳng liên quan gì đến vai trò cứu thế cả. Đức
Giêsu không có vẻ gì vẻ vang, hiển hách của một Đấng Thiên Sai như người Do
Thái mong đợi cả.
Như thế, trong bóng tối che dấu Đấng Thiên Sai, Thánh
Giuse đã tin ngày một mãnh liệt hơn vào ánh sáng sẽ soi chiếu trên thế gian.
Chính vì thế, niềm tin của Ngài cũng là một khám phá ngày một sâu xa hơn về bản
tính của Đức Giêsu và về sứ mạng cứu thế của Ngài. Đức Giêsu là một Đấng Cứu
Thế khiêm tốn, khác với quan niệm của người Do Thái. Ngài cũng khám phá ra Đức
Giêsu là con Thiên Chúa, và càng kinh ngạc hơn khi nhận thấy sự lớn lao của Thiên
Chúa trong một kiếp người thật tầm thường.
Trong tâm hồn của Thánh Giuse đã bắt đầu hình thành niềm
tin của Hội Thánh, Ngài dẫn đưa chúng ta trên con đường Đức Tin, một đức tin
mạnh mẽ, táo bạo, tuyệt đối trung thành và tập trung vào con người Đức Kitô.
Theo Tin Mừng Thánh Luca : Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy
hội lên Đền Gierusalem, mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được 12 tuổi, cả gia đình
cùng lên Đền theo tập tục ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé
Giêsu thì ở lại Gierusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về
chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con
và người quen…
Ta có thể thấy được hai ông bà đã lo lắng đến mức nào.
Thánh Giuse tự cảm thấy mình có trách nhiệm lớn hơn, vì Ngài là chủ gia đình,
phải chịu trách nhiệm về Con Trẻ trước mặt Thiên Chúa.
Sự kiện này cũng cho thấy trạng thái tâm hồn đặc biệt lúc bấy
giờ của Thánh Giuse. Đó là cảm tưởng đã mất sự hiện diện của Chúa, của những
tâm hồn quen sống gần gũi với Người. Biến cố lạc mất Chúa Giêsu nói lên tình
trạng vắng bóng ấy sẽ gây đau khổ cho những tâm hồn gắn bó với Người nhất. Như
trong trường hợp của Thánh Giuse, sự vắng mặt ấy xẩy ra cách bất ngờ, gây kinh
ngạc và lo âu. Ngài áy náy và đau khổ vì nghĩ là mình có trách nhiệm về việc
ấy. Trong khi thực ra là chính Thiên Chúa đã muốn biến cố ấy xẩy ra, để hướng
linh hồn hiểu hơn về ơn cứu độ, cho linh hồn hiểu về những hy sinh trong cuộc
sống thân thiết với Thiên Chúa.
Những kẻ đau khổ nhiều nhất vì sự vắng mặt này, là những
kẻ giống như Thánh Giuse, luôn sống vì lòng mến với Đức Kitô. Họ đã được hưởng
niềm vui của cuộc sống thân tình đó , nhưng không hiểu vì sao Đức Kitô như biến
mất, và họ đau đớn vì sự xa cách này. Cũng như Thánh Giuse bất ngờ lạc mất Chúa
Giêsu, Ngài đau khổ vì mất đi điềuquý giá nhất đời mình.
Đức Giêsu soi sáng cho biến cố này khi trả lời cho Đức
Maria rằng : Cha mẹ không biết là con phải ở nhà Cha con sao ?. Các Ngài phải
mất Đức Giêsu ba ngày để Đức Giêsu có thể ở trong nhà Cha. Thánh Giuse phải
chấp nhận lu mờ đi trước một Người Cha Lớn Lao trên trời. Như thế, Thánh Giuse đã
phải sống theo giới luật từ bỏ mà Đức Kitô đã thiết lập cho những kẻ sống gắn
bó với Người.
Thánh Giuse sẵn sàng chấp nhận sự quên mình này. Ngài còn
vui sướng khi thấy Đức Giêsu lớn lên còn Ngài thì nhỏ đi, vì Ngài yêu thương
Đức Giêsu trên hết.
Dưới mái nhà Nagiaret, Đức Giêsu sống vâng phục Thánh
Giuse và Đức Maria. Thái độ tùng phục đó cho phép thực thi vai trò người cha,
và sứ mạng người dậy dỗ và giáo dục con trẻ.
Người dậy dỗ là danh hiệu đem lại vinh dự lớn lao nhất, và
cũng nói lên sứ mạng cao cả của Thánh Giuse. Đối với mọi người cha trong gia
đình, thật là một vinh dự được làm người dậy dỗ, được trao phó trách nhiệm
chuẩn bị cho những đứa con bước vào đời. Qua việc dậy dỗ, họ gây một ảnh hưởng
trên con cái mình, góp phần đào tạo một lý trí, một trái tim, một tính khí. Trong
trường hợp của Thánh Giuse, con trẻ mà Ngài dậy dỗ là chính con Thiên Chúa.
Thật lạ lùng khi ta nghĩ tới việc Con Thiên Chúa lại chịu sự dậy dỗ của loài
người. Vì mầu nhiệm nhập thể bao hàm sự thật lạ lùng này là : Ngôi Lời Thiên
Chúa đã muốn nhận lấy bản tính nhân loại, và cuộc sống con người trong một điều
kiện bình thường. Để nhập thể thật sự, Ngôi Lời đã trở nên con trẻ, cũng lớn
lên dần dần, và lãnh nhận sự giáo huấn của Cha mẹ như bao trẻ em khác. Thực sự,
Thánh Giuse đã góp phần làm triển nở nhân cách của Đức Giêsu.
Dĩ nhiên là Thánh Giuse không thể thông biết hết mọi kiến
thức trên đời. Có lẽ hiểu biết của Ngài cũng giới hạn trong phạm vi kiến thức
của người thợ mộc. Nhưng chính nhờ bởi đức tính tâm hồn mà Thánh Giuse ở vị thế
người dậy dỗ, và đã chu toàn trách nhiệm của mình. Ta có thể nói, có một cái gì
của tâm hồn Ngài đã chuyển sang, và sát nhập vào tâm hồn Đức Giêsu.
Điều Đức Giêsu đã thấy được nơi Thánh Giuse, chính là cách
thế của con người cư xử với Thiên Chúa, diễn tả lòng thờ kính, yêu mến, phó
thác. Tất cả cuộc sống của Thánh Giusequy hướng về việc phục vụ Thiên Chúa, ý
hướng này giúp cho Đức Giêsu biết cách diễn tả lòng vâng phục và yêu mến đối
với Chúa Cha, bằng những cách diễn tả của loài người, cách diễn tả của người Do
Thái. Thánh Giuse góp phần vào việc đào luyện cho bản tính nhân loại nơi Đức
Giêsu vươn lên hướng về Cha Trên Trời.
Là người giáo dục trọn hảo, Thánh Giuse đặt trước mắt
chúng ta vẻ đẹp lạ lùng của mọi công tác giáo dục. Tấm gương của Ngài cho thấy
rằng : chẳng có vai trò nào lớn lao hơn là dẫn đưa một tâm hồn trẻ thơ hướng
lên Thiên Chúa.
Tin Mừng Thánh Luca kể lại rằng : Thánh Giuse và Đức Maria
tìm thấy Đức Giêsu trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các tiến sỹ, vừa nghe họ, vừa
đặt câu hỏi. Ai nghe cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của
cậu. Lời nói và thái độ ấy chứng tỏ tư cách của một vị Thầy nơi Đức Giêsu.
Nghĩa là tư cách làm thầy đã hé lộ nơi Đức Giêsu ngay từ tuổi thơ trẻ. Bởi đó,
tuy là người dậy dỗ nhưng Thánh Giuse cũng là môn đệ đầu tiên của Đưc Giêsu.
Trong bất cứ sự giáo huấn nào cũng luôn có sự trao đổi qua
lại. Mặc dù phải học hỏi nơi cha mẹ, nhưng đứa trẻ lại dậy cho Cha mẹ biết một
điều gì đó, qua những thắc mắc cũng như cách sống của nó. Trong trường hợp Đức
Giêsu còn có cả một cái nhìn siêu nhiên về mọi sự, đã tỏ lộ ra trong các lời
nói, hoặc thái độ bình thường của Người. Đạo lý mà Người sẽ giảng dậy trong đời
công khai, nay đã thoáng hiện ra trong thời thơ ấu.
Một cách âm thầm, Thánh Giuse đã học hỏi với Đức Giêsu, từ
khi là một cậu bé cho đến tuổi trưởng thành. Trước tiên, chính sự hiện diện và
cách sống của Đức Giêsu đã là một giáo huấn. Khi ra hoạt động công khai, Đức
Giêsu đã bảo những kẻ muốn trở nên môn đệ của Người là : “Hãy đến mà xem”.
Người mời gọi họ hãy cảm nghiệm cuộc sống thân mật bên Người, để họ ở với
Người. Họ cần sống chung với Người để được thấm nhiễm đạo lý nơi chính con
người và cách sống của Người. Thánh Giuse cũng đã học biết sứ điệp của Đức
Giêsu qua việc sống gần gũi mọi lúc bên Đức Giêsu.
Tuy Thánh Giuse được đào tạo theo não trạng của thời Cựu
Ước, Nhưng Ngài không bảo thủ hẹp hòi như những người biệt phái. Trái lại, Ngài
có một tâm hồn mở rộng như mảnh đất tốt, đón nhận những hạt giống của Tân Ước
gieo vào, và sinh hoa kết quả gấp trăm lần. Thánh Giuse nhận ra Đức Giêsu chính
là VỊ THẦY đến để hoàn tất mọi lề luật và lời hứa trong Cựu Ước.
Chính trong cảnh sống gần gũi bên nhau hàng ngày, những sự
phong phú về đạo lý và tình thương trong trái tim của Vị Thầy, đã nhẹ nhàng
chuyển sang trái tim của người môn đệ đầu tiên. Thánh Giuse luôn cởi mở hoàn
toàn cho ảnh hưởng đó, nên Ngài cũng càng ngày càng biến đổi nhiều hơn, và tâm
hồn Ngài được tràn đầy sự hoàn thiện đích thực nhất.
Tin Mừng cho ta biết Thánh Giuse là người làm nghề thợ
mộc. Ngài là một người thợ bình thường như bao người lao động chân tay khác.
Khi Đức Giêsu chọn cho mình người cha trần thế là một
người thợ mộc, Người muốn cho thấy giá trị của công việc con người thực hiện,
dù là những việc đơn giản, bình thường nhất trong đời sống hàng ngày. Nơi Thánh
Giuse, mọi việc lao động đều được đề cao, và Ngài cũng nâng cao phẩm giá những
ai làm việc vất vả. Hội Thánh đã khẳng định điều đó khi mừng lễ Thánh Giuse Lao
Động vào ngày quốc tế lao động, mùng 1 tháng 5.
Công việc của Thánh Giuse được ca ngợi, vì Ngài đã đem hết
khả năng để làm những việc bình thường, và những việc tầm thường. Dù những việc
ấy không mấy ai biết đến, nhưng nó đã đóng góp phần căn bản cho sự tồn tại, cho
sinh hoạt và sự phát triển của nhân loại. Đó chính là đóng góp của đám đông
những người lao động trên khắp thế giới. Thánh Giuse là đại diện cho những
người vô danh đó.
Trước mặt Thiên chúa, công việc của Thánh Giuse có một giá
trị đặc biệt do bởi thái độ tâm hồn khi làm việc. Bởi vì đối với Thiên Chúa,
điều đáng kể không phải là kết quả công việc, mà là cách người ta làm việc.
Công việc có giá trị là do ý hướng và tâm tình thúc đẩy người ta thực hiện.
Mục tiêu trước tiên mà Thánh Giuse nhắm tới là làm việc để
nuôi sống gia đình. Ngài làm việc với tất cả tình thương mến dành cho Đức Giêsu
và Mẹ Maria. Ngài là gương mẫu cho những ai đang lao động, đang lấy việc làm
của mình như một món quà tình thương, dành cho gia đình của họ.
Ngài cũng làm việc đáp ứng nhu cầu của những người cần đến
đôi tay thợ mộc của Ngài. Người lao động là người hữu ích cho xã hội.
Nhưng trên hết, Ngài muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa. Công
việc chính là của lễ dâng kính Thiên Chúa. Lao động không còn là một hình phạt
do tội lỗi gây ra. Đối với Thánh Giuse, mồ hôi cực nhọc chính là phương thế cứu
độ, là hiến lễ, là thập giá góp phần cứu rỗi bản thân và nhân loại.
Thánh Giuse cho ta thấy vẻ lớn lao chứa đựng trong hết mọi
nỗi khổ đau do lao động của con người. Những khổ đau góp phần vào ơn cứu độ,
góp phần kiến tạo một nhân loại tốt đẹp hơn.
Tuy bận bịu với công việc gia đình, nhưng Thánh Giuse cũng
là người chuyên lo cầu nguyện. Ngài là một người chiêm niệm thật sự. Ngài là
người chiêm niệm do chiều sâu tâm hồn, trong chính công việc, trong gia đình,
bên cạnh người thân. Chiêm niệm mà không cần tu viện thanh vắng để cầu nguyện
liên lỉ. Ởmọi nơi, Ngài đều có thể tìm kiếm Thiên Chúa và chiêm ngắm Người.
Khi làm việc, Thánh Giuse hướng lòng trí về Chúa, dâng lên
điều đang làm để diễn tả lòng yêu mến. Đơn giản hơn, Ngài ý thức rằng mình đang
làm việc trước mặt Chúa, đang hiện diện trước Người. Phó thác bình thản cho sự
hiện diện đó, âm thầm đi vào tương giao thâm tình với Chúa.
Ở đây, chúng ta nên hiểu chiêm niệm theo nghĩa rộng nhất :
đó là kết hợp với Thiên Chúa bằng tất cả con người mình, bằng trí khôn, ý muốn,
trái tim, khả năng suy tưởng và yêu mến. Sự chiêm niệm của Thánh Giuse không có
tính cách trí tuệ, cho bằng có tính cách tình cảm, một sự gắn bó với Thiên Chúa
trong tất cả cuộc sống. Thái độ chiêm niệm này không làm Ngài sao lãng công
việc thường ngày, trái lại còn giúp cho Ngài chu toàn mọi sự với một ý tưởng
đạo đức, siêu nhiên hơn. Nhờ đó công việc của Ngài càng thêm giá trị.
Thửa ban đầu khi chưa sa ngã, ông bà Nguyên Tổ cũng đã
được hưởng cuộc sống thân mật với Chúa. Sự chiêm niệm của Thánh Giuse mới mẻ
hơn và cụ thể hơn. Vì sự hiện diện của Thiên Chúa tỏ hiện ra cho Thánh Giuse
trực tiếp và hữu hình nơi Đức Kitô. Sự chiêm niệm của Thánh Giuse triển nở khi
khám phá ra Thiên Chúa nơi gương mặt nhân loại của con trẻ Giêsu, đạt tới chóp
đỉnh của cái nhìn chiêm niệm, và của việc kết hợp thần bí, khi hòa nhập tình
yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với Đức Giêsu. Ngài cảm nghiệm được chân
lý mà chính Đức Giêsu nói sau này là : “ ai thấy Ta là thấy Cha, Ta ở trong Cha
và Cha ở trong Ta”. Thánh Giuse đã tìm gặp được Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.
Thánh Giuse mời gọi chúng ta, đừng bao giờ xa rời khỏi Đức
Giêsu, luôn đi tìm khuôn mặt của Chúa Cha nơi khuôn mặt nhân loại của Đức
Giêsu.
Tin Mừng Thánh Matthêu gọi Thánh Giuse là Người Công
Chính, nhân dịp nhắc đến việc Ngài đã thấy Đức Maria có thai mà không muốn tố
cáo, và định tâm bỏ đi cách kín đáo.
Theo Cựu Ước, người công chính là người làm hài lòng Thiên
Chúa bằng việc theo Thánh ý Người, tức là qua việc giữ lề luật. Trong trường
hợp của Thánh Giuse, lề luật cho phép Ngài tố cáo vị hôn thê của mình. Nhưng
Ngài không tố cáo và cũng không rước Đức Maria về nhà mình, vì Ngài tôn trọng
quyền lợi và thanh danh kẻ khác. Như thế, sự công chính của Thánh Giuse không
chỉ là giữ luật mà còn vượt xa hơn nữa. Ở điểm này, sự công chính của Thánh
Giuse vượt xa quan niệm về công chính của người biệt phái, họ giữ luật chỉ vì
luật, giữ luật theo hình thức bên ngoài, nhiều khi dẫn tới lối sống giả hình mà
Đức Giêsu nặng lời tố cáo. Đức Giêsu kêu gọi thực hành sự công chính không theo
số lượng những điều luật đã giữ, nhưng là cố gắng sống phù hợp với tinh thần
của luật, tức là thi hành lòng mến với Thiên Chúa và đồng loại. Đó chính là sự
công chính mà Thánh Giuse đã thực hành, là con đường nên trọn lành mà Ngài đã
theo.
Sự công chính của Thánh Giuse còn thể hiện qua sự trung
thực của Ngài. Đó là sự thật thà tuyệt đối : không lừa dối ai, cả Thiên Chúa,
cả người khác, và cả chính mình nữa. Mình như thế nào thì tỏ ra như vậy, không
làm khác đi để được người khác nể trọng, tìm danh tiếng không đúng với thực
chất của mình. Ngài ý thức về giá trị đích thực của mình là theo sự đánh giá
của Thiên Chúa mà thôi.
Thánh Giuse công chính vì đã thể hiện sự ngay thẳng từ
trong tâm hồn, phù hợp với sự ngay thẳng trong cách sống bên ngoài. Trong cõi
thâm sâu nhất của con người, Ngài đã chứng tỏ sự đạo đức và thánh thiện như
Ngài đã tỏ ra bên ngoài . nơi Ngài không có lệch lạc hay quanh co gì cả. Tâm
hồn Ngài hoàn toàn trong sáng và thành thật.
Thánh Giuse công chính xuất hiện trước mặt chúng ta, như
một lời mời gọi sống theo sự thành thật hoàn toàn, mà Đức Kitô mong muốn được
thấy nơi các môn đệ. Nhờ sự thành thật này, Thánh Giuse đã là nhân chứng về
chiến thắng của ánh sáng trên tối tăm. Ngài dẫn chúng ta đi trên con đường ánh
sáng, khử trừ mọi giả dối, đặt mình dưới cái nhìn của Thiên Chúa, hòa hợp với
cái nhìn tuyệt vời, thẳng thắn của Đức Kitô.
Thiên Thần đã truyền cho Thánh Giuse rước Đức Maria về nhà
mình. Do lệnh truyền này,Thiên Chúa đã cho Thánh Giuse có quyền hành trong gia
đình Ngài.
Thánh Giuse có quyền gia trưởng thật sự. Cho dù Đức Maria
là Đấng đầy ơn phúc, cao cả hơn mọi tạo vật. Nhất là giữa Đức Giêsu và Thánh
Giuse có một khoảng cách lớn lao giữa Thiên Chúa và loài người. Nhưng Đức Giêsu
đã thực hiện trọn vẹn mầu nhiệm nhập thể, nên cũng thực sự tùng phục Thánh
Giuse. Ngài nắm giữ một quyền hành đích thực, và cả hai con người lớn lao hơn
Ngài cũng đáp lại bằng sự tùng phục thực sự.
Quyền gia trưởng này, Thánh Giuse luôn luôn ý thức mình đã
nhận được từ Thiên Chúa, chứ không phải do công lao hay tài năng gì của
mình.Ngài luôn nhìn quyền hành mình đang có là ơn huệ. Vì thế, khi xử sự với tư
cách là gia trưởng, Ngài tỏ ra khiêm tốn, tế nhị và nhân hậu, không dùng quyền
để áp đặt cách thô bạo. Thánh Giuse hằng tôn trọng nhân vị của Đức Maria và Đức
Giêsu. Các quyết định đều xuất phát từ sự nhất trí của cả gia đình, giữ cho gia
đình luôn hòa hợp và đoàn kết trong yêu thương.
Thánh Giuse hằng mong muốn quyền gia trưởngđược thể hiện
như biểu hiện của tình thương liên kết cả gia đình lại. Ngài chỉ lối cho các
gia trưởng biết cố gắng xử dụng uy quyền một cách tế nhị, hòa hợp ý muốn của
các thành phần trong gia đình.
Con người dễ có khuynh hướng lợi dụng quyền bính, cư xử
hách dịch, độc tài, bạo ngược, muốn thống trị người khác. Vì vậy, người gia
trưởng cần tỉnh táo để luôn luôn cư xử với tình thương yêu, luôn nhớ mình là
đại diện của Thiên Chúa. Thánh Giuse đã luôn nhớ mình là đại diện của Thiên
Chúa yêu thương, Đấng đã cư xử với Dân Chúa như mục tử nhân hậu, chứ không phải
là ông vua độc tài. Thánh Giuse đã noi theo gương mẫu ấy, Ngài coi quyền hành
như đặc ân để thể hiện lòng nhân hậu với mọi người. Quyền gia trưởng chính là
quyền được thi thố tình thương trong gia đình.
Do bởi tình thương, Thánh Giuse là gương mẫu cho các gia
trưởng. Đồng thời, Ngài cũng giúp tất cả những ai đã lãnh nhận bởi Thiên Chúa
một quyền bính, hiểu được ý nghĩa căn bản của ân huệ đó, và mời gọi họ thực thi
trách nhiệm với một lòng nhân hậu kiên vững và khiêm nhu.
Đức Maria đã thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa”. Tin Mừng
không cho thấy Thánh Giuse tuyên bố mình là tôi tớ của Thiên Chúa như Đức
Maria. Nhưng chắc chắn trong tâm trí Ngài cũng có ý tưởng đó. Bởi vì, đón nhận
Đức Maria và Đức Giêsu chính là chấp nhận phục vụ các Đấng, trong ý tưởng phục
vụ Thiên Chúa, muốn làm tôi tớ của Chúa. Do đó, chính là với cương vị người tôi
tớ mà Thánh Giuse xây dựng và điều khiển gia đình của mình.
Tiếng tôi tớ ở đây không gợi lên tinh thần sợ hãi. Vì Kinh
Thánh đã dùng tiếng tôi tớ để chỉ về Đấng Cứu Thế được Thiên Chúa yêu thương
tuyển chọn. Người tôi tớ cũng đáp lại bằng sự phục vụ trong tình yêu. Thánh
Giuse cũng được tình thương Thiên Chúa kén chọn cách đặc biệt để trở nên tôi
tớ, nên trong khi phục vụ, Ngài cũng yêu mến Thiên Chúa đến cùng. Được Thiên
Chúa kén chọn, nhưng Thánh Giuse luôn tự hạ mình xuống, trở nên bé nhỏ.
Trở nên bé nhỏ chính là bí quyết căn bản của thái độ tôi
tớ. Yêu thương thì không có ý thống trị người mình yêu, nhưng là vui sướng được
trở nên bé nhỏ cho người yêu lớn lên. Mong muốn hạnh phúc cho người yêu hơn
hạnh phúc của chính mình. Quên mình đi để thực hiện ước muốn của người yêu.
Trước mặt Thiên Chúa cao cả, thái độ bé nhỏ đó lại càng
đúng đắn hơn nữa. Bởi vì Thiên Chúa hoàn hảo, chẳng cần chúng ta làm gì thêm
cho Người cả. Thánh Giuse hiểu được rằng : được làm tôi tớ Thiên Chúa là một đặc
ân, một niềm vui, làm cho con người gần gũi Thiên Chúa hơn. Vì vậy, việc phục
vụ Thiên Chúa không làm con người ra thấp kém, trái lại nó còn nâng cao phẩm
giá loài người lên.
Là tôi tớ Thiên Chúa, Thánh Giuse hoàn toàn dấn thân phục
vụ, không có một lý tưởng nào khác là làm đẹp lòng chủ mình. Bởi đó, Ngài không
hề ca thán khi cuộc sống gặp gian nan, thử thách. Trái lại, hằng thành thật và
vui vẻ đón nhận mọi sự mà Thiên Chúa cho xẩy đến. Lúc nào Ngài cũng đặt mình
sẵn sàng trước Thánh ý Thiên Chúa. Sự quảng đại này cũng mở rộng lòng Ngài ra
với mọi người. Những người sống chung quanh cũng được hưởng nhờ sự phục vụ mau
mắn của Ngài. Thánh Giuse không tách rời mến Chúa ra khỏi yêu người.
Thánh Giuse đã biết hưởng nếm sự dịu dàng của việc phục
vụ, và cho người khác được hưởng nếm sự dịu dàng của một tình yêu phục vụ.
Các sách Tin Mừng không ghi lại một câu nói nào của Thánh
Giuse, và cũng viết rất ít về Ngài. Sự kiện này cho thấy nét nổi bật của Thánh
Giuse, đó là: Thánh Giuse là con người thầm lặng
Thánh Giuse đã thầm lặng đau khổ khi thấy Đức Maria mang
thai, đã thầm lặng tin tưởng nghe lời Thiên Thần giải thích về việc Con Thiên
Chúa nhập thể. Cũng trong thầm lặng, Ngài đã chứng kiến biến cố giáng sinh tại
Belem. Rồi khi dâng con trong Đền Thờ cũng chẳng thấy Ngài nói gì, khi tìm lại
được con cũng vậy. Sự thinh lặng của Ngài không phải là sự thinh lặng trống
rỗng, mà là sự thinh lặng tràn đầy ý nghĩa và phong phú. Trong sự thinh lặng ấy
chất chứa những lo âu, đau khổ, và cũng có cả niềm vui sướng hân hoan.
Thánh Giuse nhắc nhở rằng người ta chỉ có thể đón nhận Đức
Kitô và huyền nhiệm của Người trong thinh lặng. Chính trong thinh lặng, mà Ngài
giữ trong lòng và suy niệm những mầu nhiệm, mà Ngài là nhân chứng.
Nhiều người sợ sự thinh lặng, bởi vì sợ thấy mình đối diện
với chính mình. Còn Thánh Giuse thì ưa thích thinh lặng, vì Ngài muốn đặt mình
ở trước mặt Thiên Chúa. Chính trong thinh lặng, người ta dễ nhận ra sự hiện
diện của Thiên Chúa. Thánh Giuse không tìm thinh lặng trong tu viện, nhưng Ngài
đi vào cõi thâm sâu của chính lòng mình. Ngài cũng mời gọi các Kitô hữu giữ lấy
trong lòng mình một chỗ thinh lặng. Khi cuộc sống càng xao động và bề bộn,
người ta càng cần chỗ thinh lặng đó, nơi con người có thể gặp lại chính mình,
trong thân phận đích thực của mình trước mặt Chúa.
Chính sự thinh lặng làm cho cuộc sống được thanh thản, làm
cho đời sống nội tâm nên phong phú. Nhờ biết âm thầm suy niệm, những tâm tình
như : thờ phượng, yêu mến, cũng như niềm vui, nỗi khổ trở nên sâu xa hơn, phong
phú hơn, ý nghĩa hơn. Sự thinh lặng giúp tăng cường sự sống cho tinh thần.
Đây là điều mà mọi người cần nhận ra nơi con người của
Thánh Giuse : sự thinh lặng là dấu chỉ của một sức sống cao đẹp hơn. Thinh lặng
để có thể suy nghĩ tinh tế hơn, cảm xúc và chiêm ngắm với tinh thần thanh
thoát, để nghe và đón nhận sự khôn ngoan của Thiên Chúa, nhất là để yêu mến
hơn. Bởi vì, sự thinh lặng có sức diễn tả tình yêu trao ban chính mình, đó là
điều mà lời nói vô phương diễn tả. Thánh Giuse có thể dậy cho con người biết
thinh lặng để yêu mến nhiều hơn.
Tin Mừng thuật lại việc Thánh Giuse đã dâng của lễ theo
luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu non. Đó là của lễ mà
người nghèo dâng lên Thiên Chúa. Còn người giầu có thì dâng một con chiên. Chi
tiết này cho ta thấy tình cảnh nghèo khó của Thánh Giuse.
Chính sự nghèo khó ấy lại chuẩn bị thích hợp với Đấng Cứu
Thế sinh ra ở hang bò chiên. Nhưng ngoài sự nghèo về vật chất, Thánh Giuse còn
có một tâm hồn nghèo khó.
Sự giầu có thường làm cho người ta tự mãn, kiêu ngạo về
những của cải, quyền thế, danh giá đang có. Còn người nghèo thì chẳng có gì để
lên mặt, họ chỉ biết cậy dựa vào Chúa, chờ đợi sự cứu giúp của Chúa. Người
nghèo ý thức về sự hèn yếu của mình và đặt tin tưởng vào Chúa quyền năng mà
thôi. Sự nghèo khó ấy đi đôi với lòng tin, với sự khiêm hạ và dịu hiền. Nó nhắc
nhở cho ta biết mọi sự là bởi Chúa, con người không có gì là do tự mình, và
mình thật sự phải lệ thuộc vào Đấng Tạo Hóa.
Mọi người đều được Thiên Chúa trao cho nhiệm vụ làm việc
để tạo ra của cải, xây dựng thế giới nên tốt đẹp hơn. Nhưng con người là chủ,
chứ không để cho của cải làm chủ mình. Khôngtheo đuổi tiền bạc và hưởng thụ các
tiện nghi, đi đến chỗ lãng quên Thiên Chúa, lãng quên Nước Trời. Vì thế, ta có
thể hiểu tại sao Chúa Giêsu lại hứa ban Nước trời cho người có tinh thần nghèo
khó. Chính Thánh Giuse đã sống Mối Phúc này trước khi Đức Kitô công bố. Có thể
còn có nhiều người nghèo hơn Thánh Giuse, nhưng về tinh thần nghèo thì Ngài đã
sống cách triệt để hơn mọi người. Nhờ vậy, Ngài đã chiếm được cơ nghiệp quý báu
nhất. Đó là Thiên Chúa đã trao cho Thánh Giuse hồng ân vô giá là Đức Giêsu.
Nhận được Thiên Chúa làm cơ nghiệp, đó là phần thưởng cho sự nghèo khó của
Thánh Giuse.
Chúa Giêsu đã nói : “Kho tàng các ngươi ở đâu, thì lòng
các ngươi cũng ở đó”. Thánh Giuse đã thấu hiểu rằng chỉ có một kho tàng duy
nhất có thể thỏa mãn được lòng người, đó là Thiên Chúa. Thánh Giuse đã sống
nghèo khó để đạt tới kho tàng đó. Trong Mối Phúc Thật về sự nghèo khó, Ngài
không chỉ đạt được Nước Trời, mà trước hết, Ngài được chính Vua Nước Trời.
Niềm vui của Thánh Giuse là thoát khỏi mọi dính bén trần
thế, để được hạnh phúc nâng niu một con trẻ là chính Thiên chúa.
Sự thanh khiết của Thánh Giuse là cả một mầu nhiệm bởi ân
sủng. Một ơn đã được ban để giúp Thánh Giuse sống trinh khiết vẹn toàn, phù hợp
với vai trò là bạn của Đức Trinh Nữ Maria.
Người ta có thể so sánh cuộc gặp gỡ của Thánh Giuse và Đức
Maria với cuộc gặp gỡ của Adam với Evà, khi con người chưa sa ngã, tội lỗi chưa
làm cho dục vọng chi phối con người. Các Ngài không bị các thèm muốn xác thịt
khuấy động, hoàn toàn làm chủ cái nhìn trong sáng, thánh thiện.
Qua lời Thiên Thần giải thích, Thánh Giuse hiểu rằng mình
được Thiên Chúa kêu gọi cộng tác vào công trình cứu độ, bằng cách chuẩn bị cho Ngôi
Lời Nhập Thể có một gia đình như một người bình thường. Vai trò của Ngài chính
là làm một người chồng, và một người cha trinh khiết.
Nhờ tâm hồn thanh sạch, Thánh Giuse khám phá ra vẻ đẹp
tinh thần, phát xuất từ tâm hồn thánh thiện, tràn đầy ơn Chúa của Đức Maria.
Tình yêu của Ngài vì thế cũng được ơn Chúa nâng cao, giữ được sự thanh khiết và
thánh thiện. Tình yêu ấy vượt trên những đòi hỏi của bản năng tự nhiên. Vì thế,
niềm vui và hạnh phúc của Ngài siêu thoát hơn, thiêng liêng hơn.
Đời sống thanh khiết và tình yêu siêu thoát của Thánh
Giuse là một gương mẫu cho những ai sống đời tận hiến, hoàn toàn trinh khiết.
Những người sống trong bậc vợ chồng cũng nhận được lời mời gọi hướng đến một
tình yêu thanh thoát, không dừng ở sự kết hợp thân xác mà thôi, nhưng hướng đến
sự kết hợp tinh thần, làm chủ nhiều hơn đối với các đòi hỏi của bản năng tự
nhiên. Tình yêu này không dừng ở vẻ đẹp thân xác, nhưng còn khám phá ra vẻ đẹp
của tâm hồn, duyên dáng của các nhân đức. Tình yêu này sẽ bền vững dù năm tháng
có làm cho nhan sắc con người tàn phai.
Cuối cùng, một Mối Phúc Thật do Chúa Giêsu công bố giúp ta
thấy rõ ý nghĩa sự trinh khiết của Thánh Giuse là: “ Phúc cho những kẻ có tâm
hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa ”
Thánh Giuse đã nhìn thấy Thiên Chúa. Ngài đã sống gần gũi
và chiêm ngắm Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Thiên Chúa đã ở cùng kẻ luôn giữ lòng
thanh sạch, trong trắng.
Cuộc sống của Thánh Giuse xem ra khá đơn sơ, giản dị. Công
việc của Ngài là những việc thông thường, không có gì lạ lùng. Nếp sống gia
đình êm đềm, không có rắc rối khó khăn. Sinh hoạt đạo đức cũng đơn giản. Nhưng
trên hết, cái đơn giản nơi Thánh Giuse đó là tâm hồn của Ngài.
Thánh Giuse đến cùng Thiên Chúa cũng như tha nhân, với tâm
hồn ngay thẳng và trong sáng, hoàn toàn vô vị lợi. Nhờ sống ngay thẳng, không
quanh co, không tự ái, nên Ngài tránh được mọi phiền phức. Cụ thể là trong việc
Ngài muốn âm thầm rời xa Đức Maria, khi chưa biết ý định của Thiên Chúa. Ngài
làm thế vì không muốn gây thêm phức tạp và đau khổ cho Đức Maria. Ngài muốn sự
việc ấy được giải quyết cách đơn giản, cho dù Ngài phải chịu hy sinh và thiệt
thòi. Sự việc này cho thấy cách xử sự giản dị của Thánh Giuse, sự giản dị của
một tâm hồn khiêm hạ luôn quên mình, nhờ đó tránh được những rắc rối trong cuộc
sống.
Nơi Thánh Giuse, đơn sơ giản dị là một dấu chỉ của lòng
mến. Sự đơn sơ xuất phát từ cái nhìn bao quát được tất cả kiếp sống, sáng suốt
nhận ra các vấn đề, giải quyết cách nhẹ nhàng. Đó là sự đơn sơ phát xuất từ ân
sủng siêu nhiên, từ lòng yêu mến Thiên Chúa. Chính tình yêu này đã đưa Thánh
Giuse vào đường lối thật đơn giản. Thánh Giuse chỉ lối cho những người thích
kiếm tìm sự đơn sơ : đó là lối đi của tình yêu xả kỷ đến cùng. Một tâm hồn càng
yêu mến và gắn bó với Chúa, thì trạng thái nội tâm càng trở thành giản dị. Càng
quên mình để hướng nhìn về Chúa, người ta càng sống đơn sơ giản dị hơn.
Nhờ có tâm hồn đơn sơ, Thánh Giuse mang nơi mình một phản
ảnh của Thiên Chúa. Vì đơn sơ là một sự trọn lành của Thiên Chúa. Thiên Chúa
giầu có vô cùng nhưng cũng giản dị vô cùng. Khi thông ban sự giầu có, Thiên
Chúa cũng thông ban sự giản dị.
Đức Giêsu mang mầu nhiệm của Thiên Chúa, nhưng điều đó
không ngăn cản Người sống đơn sơ : đơn sơ trong tâm tình, trong cách cư xử gặp
gỡ, trong lời rao giảng, và cả khi làm phép lạ. Sự đơn sơ đã làm cho Đức Giêsu
gần gũi với Thánh Giuse. Với tâm hồn đơn sơ, Thánh Giuse đã giúp Đức Giêsu diễn
tả sự đơn sơ của Thiên Chúa thành sự đơn sơ của con người.
Được tuyển chọn làm người coi sóc Thánh Gia, Thánh Giuse
cũng được Thiên Chúa ban cho sự khôn ngoan, để có khả năng nhận định mọi việc
theo giá trị thật của nó. Biết phán đoán để chọn điều thích hợp nhất, xử sự
khôn khéo trong những hoàn cảnh tế nhị.
Trước hết, Thánh Giuse cần sự khôn ngoan để điều khiển gia
đình. Hơn nữa, Ngài còn có trách nhiệm dậy dỗ con trẻ. Chúa Thánh Thần đã làm
việc trong tâm hồn Thánh Giuse, ghi khắc vào đó một sự khôn ngoan mà trẻ Giêsu
có thể hưởng nhờ. Dĩ nhiên là Ngôi Lời Thiên Chúa chẳng cần ai hướng dẫn, sự
khôn ngoan của Ngôi Lời là vô biên. Nhưng từ khi nhập thể làm người, mang lấy
bản tính con người, thì về tri thức nhân trần, Đức Kitô cũng cần đến sự chỉ dậy
của Thánh Giuse. Nếu không như vậy thì Đức Giêsu không phải là một con người
trọn vẹn.
Được đầy sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, Thánh Giuse có
cái nhìn vừa siêu nhiên vừa thực tế. Hướng về trời cao nhưng không quên thực
tại trần thế. Bởi đó khi tiếp xúc với Thánh Giuse, Đức Giêsu học hỏi các kinh
nghiệm nhân loại, các hiểu biết về thiên nhiên, về con người, về nghề nghiệp và
cuộc sống. Nhờ đó, kiến thức của Đức Giêsu ngày một gia tăng, sau này được đem
ra xử dụng trong các bài giảng của Người.
Sự khôn ngoan đã không giúp cho Thánh Giuse có nhiều của
cải, danh dự hay địa vị. Nhưng sự khôn ngoan hướng Ngài chú tâm tìm kiếm những
giá trị thuộc về Nước Thiên Chúa. Thánh Giuse cho ta thấy sự đảo lộn về sự khôn
ngoan. Trước mắt Thiên Chúa, sự khôn ngoan thuần túy nhân loại chỉ là sự điên
rồ, bởi lẽ nó gắn liền với những điều phù du không bền vững. Sự khôn ngoan
Thiên Chúa đưa đến những kho tàng đích thực, không bao giờ hư mất. Chính sự
khôn ngoan đó đã giúp Thánh Giuse chọn Đức Maria làm bạn, chấp nhận làm cha Đức
Giêsu, cộng tác vào việc cứu độ nhân loại.
Khiêm tốn và kín ẩn, sự khôn ngoan của Thánh Giuse lớn lao
ở chỗ đã thích ứng với mầu nhiệm vĩ đại mà Ngài là nhân chứng. Sự khôn ngoan đó
hoàn toàn phát xuất từ Thiên Chúa. Sự khôn ngoan đó đã biết đi vào tính cách
vừa kinh khủng, vừa lạ lùng trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa.
Tình yêu của Thánh Giuse chân thực, mạnh mẽ và trung tín
đến cùng. Thánh Giuse đã trung tín với Thiên Chúa, là Đấng mà trong mọi hoàn
cảnh Ngài hằng trọn vẹn chấp nhận tôn ý. Ngài đã trung tín với Đức Maria, tôn
trọng bí nhiệm riêng tư của bạn mình, và giữ trọn mọi cam kết. Ngài cũng đã
trung tín với Đức Giêsu, cư xử với tình cha ân cần, không tính toán, lúc nào
cũng nghĩ đến lợi ích của con trẻ.
Tình yêu trung tín đối với Đức Maria và Đức Giêsu, chính
là kết quả của tình yêu trung tín đối với Thiên Chúa. Tình yêu này là căn bản
cho đời sống và chi phối mọi hành động. Sở dĩ cuộc hôn nhân của Ngài nổi bật về
sự trung tín, chính là vì cả Đức Mẹ và Thánh Giuse đều tuyệt đối trung tín với
Thiên Chúa.
Lịch sử dân Do Thái cho thấy sự trung tín của Thiên Chúa
trước sự phản bội của dân được tuyển chọn. Các tiên tri đã so sánh dân Do Thái
với người vợ ngoại tình, không trung tín với Thiên Chúa. Ngược lại với sự bất
trung này, Thánh Giuse đã đáp lại tình yêu Thiên Chúa bằng một lòng mến quảng
đại chân thành. Sự trung tín này đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử nhân
loại, nó cho thấy trước lòng trung tín tuyệt đối của Hội Thánh, lòng trung tín
không gì có thể lay chuyển.
Thiên Chúa mong mỏi dân Chúa có một tình yêu trung tín, và
Người đã gặp điều đó nơi Thánh Giuse. Thánh Giuse cùng với Đức Maria đã chuộc
lại những bất trung của dân Do Thái, cũng như bất trung của ông bà nguyên tổ
khi sa ngã. Con người có thể bị sa ngã chỉ trong giây phút, nhưng muốn trung
tín thì phải cố gắng suốt cuộc đời. Thánh Giuse đã dâng hiến Thiên Chúa cả một
đời tín trung, đền bồi giây phút phản bội của Adam và Evà.
Con người yếu đuối và hay thay đổi, Thánh Giuse đã có thể
trung tín là nhờ đã biết cậy dựa vào Thiên Chúa, là Đấng bền vững. Khi tin
tưởng vào sự nâng đỡ của Thiên Chúa, Thánh Giuse đã để cho sức mạnh của Thiên
Chúa giúp Ngài sống trung tín. Nhờ vậy mà Ngài chu toàn tất cả bổn phận, việc
lớn cũng nhu việc nhỏ, bằng một tình mến lớn lao, để đáp lại ý Chúa.
Tình yêu đáp lại một tình yêu, đó chính là sự trung tín
của Thánh Giuse. Trung tín không phải là nô lệ. Nơi Thánh Giuse, trung tín là
một sức sống mãnh liệt, một tình yêu chiếu tỏa không ngừng, làm đổi mới mọi
hoàn cảnh, thúc đẩy sống quảng đại và anh hùng.
Đặc điểm của tâm hồn đạo đức Do Thái chính là niềm hy vọng
về thời của Đấng Thiên Sai. Lòng sốt sắng của Tôn giáo luôn hướng về tương lai,
một tương lai tuyệt vời khi Đấng Thiên Sai mang ơn cứu độ đến cho dân Chúa,
khai mạc triều đại phồn vinh mới. Thánh Giuse cũng thấm nhuần sâu xa niềm hy
vọng này, và Ngài còn nóng lòng hơn mọi người khác trong việc chờ thời Thiên
Sai này.
Tuy nhiên, niềm mong đợi của Thánh Giuse không chỉ dừng
lại ở sự giải phóng có tính cách chính trị như những người đương thời. Ngài
hằng nhớ đến những lời tiên tri loan báo một giao ước mới, trong đó dân sẽ thực
sự thuộc về Thiên Chúa của mình, với một tinh thần mới và một tấm lòng mới. Dân
lý tưởng của tương lai sẽ tràn đầy sự thánh thiện của Thiên Chúa, Thánh Guse
chủ yếu đợi chờ cuộc canh tân tinh thần đó.
Lời loan báo của Thiên Thần đã thêm niềm hy vọng cho Thánh
Giuse về cuộc canh tân các tâm hồn. Khi sống kề cận bên Đức Giêsu, niềm hy vọng
này ngày càng lớn lên. Nơi con trẻ có sự thánh thiện đến nỗi Thánh Giuse có thể
nhận thấy ở đó một sức mạnh sẽ tạo nên tinh thần mới và tấm lòng mới cho nhân
loại. Khi sống với Đức Giêsu, niềm hy vọng của Ngài chỉ còn có tính cách siêu
nhiên, không có tính cách chính trị và trần thế nữa.
Cuộc sống của Thánh Giuse gắn liền với sự tăng trưởng của
Đấng Cứu Thế, niềm hy vọng của Ngài cũng không ngừng lớn lên. Đó là hy vọng
được thấy một thế giới tốt đẹp hơn. Niềm hy vọng của Ngài là một lời van nài
Đức Giêsu hãy giải phóng và thăng tiến các tâm hồn.
Tuy chẳng góp phần trực tiếp vào việc thiết lập Nước Chúa
Kitô ở đời này, Thánh Giuse vẫn dậy chúng ta lấy chí hướng âm thầm của lòng
mình mà mở mang Nước Chúa. Niềm hy vọng này không giới hạn vào ơn cứu độ của cá
nhân riêng mình, nhưng trước hết nó là sự đợi trông cuộc cứu độ toàn thể nhân
loại. Trong cuộc sống âm thầm ở Nagiaret, Thánh Giuse đã sống với ước muốn vô
hạn đó. Ngài cũng kêu gọi mọi người mở rộng khát vọng của mình, mong ước cho
Nước Thiên Chúa mở rộng trên cả thế giới.
Ngài cũng thôi thúc chúng ta giữ vững niềm hy vọng siêu
nhiên, trong khi xây dựng trần thế vẫn không quên nhìn lên trời cao, sống gắn
bó với Đức Kitô là cùng đích mọi niềm hy vọng. Càng gắn bó với Đức Kitô, niềm
hy vọng của chúng ta càng được bảo đảm. Có Đức Kitô, chúng ta sẽ không sợ hãi
và thất vọng, cho dù thế gian còn đầy tội lỗi và sự dữ. Có Đức Kitô, chúng ta
sẽ sống lạc quan giữa mọi thử thách, tin tưởng sẽ đạt tới chiến thắng nhờ vào
Đức Kitô.
Tuy không đi rao giảng như các tông đồ sau ngày lễ Chúa
Thánh Thần hiện xuống, nhưng trong niềm hy vọng của Thánh Giuse, chúng ta khám
phá ra tâm hồn tông đồ của Ngài.
Khi nhận vai trò là người dưỡng nuôi Đấng Cứu Thế, chắc
chắn Thánh Giuse cũng mong mỏi cho tất cả mọi người sớm đón nhận Đấng Cứu Thế
và ơn cứu độ của Người. Có thể nói rằng, ưu tư hàng đầu của Ngài là dành cho
những linh hồn sống xa Thiên Chúa. Nỗi bận tâm tìm kiếm người tội lỗi của Đức
Giêsu cũng tràn ngập tâm hồn Thánh
Giuse. Ngài cũng động lòng thương xót trước những người bơ vơ về tinh thần và
đời sống thiêng liêng, Nhưng Ngài đã có thể làm gì để cứu vãn tình trạng đó.
Trong giới hạn của mình, Thánh Giuse đã chạy đến với Thiên
Chúa để van xin. Cùng với Đức Maria, Thánh Giuse đã khai mào cho hình thức tông
đồ bằng kinh nguyện. Ngài làm gương cho chúng ta về việc mở mang Nước Chúa bằng
cầu nguyện. Hoạt động tông đồ trong Hội Thánh cần đến sức mạnh thiêng liêng
trong kinh nguyện của mọi Kitô hữu, đặc biệt là nơi các tu sĩ chiêm niệm dành
mọi thời gian để cầu nguyện, sống với Thiên Chúa. Đó cũng là hướng đi mà Thánh
Giuse đã thực hiện trong khung cảnh nghề nghiệp người thợ.
Thánh Giuse còn duy trì sức sống kinh nguyện tông đồ bằng
cách dâng hiến mọi việc, mọi biến cố xẩy ra trong đời. Ngài khiêm tốn dâng mọi
sự cho Thiên Chúa với tất cả tâm tình yêu mến, để cầu xin ơn thiêng liêng cho
người khác. Những niềm vui cũng như đau khổ đều trở thành lễ dâng xin ơn cứu
độ.
Thánh Giuse biết rằng, lễ dâng hàng ngày đó có thể góp
phần đắc lực vào việc cứu giúp các linh hồn. Tinh thần tông đồ đã giúp Ngài
chấp nhận mọi hy sinh, vượt qua những khó khăn nặng nề trong cuộc sống, mặc cho
chúng một giá trị cứu độ.
Hội Thánh cũng mời gọi tất cả chúng ta làm tông đồ theo
gương Thánh Giuse. Đó là cầu nguyện, dâng mọi hy sinh, dâng cả đời sống thầm
lặng của mình làm lễ dâng xin ơn cứu độ cho cả nhân loại.
Tin Mừng không kể lại cho chúng ta về cái chết của Thánh
Giuse. Do đó chúng ta chẳng biết gì về ngày giờ và hoàn cảnh của cái chết đó.
Tuy nhiên, chúng ta có thể suy đoán rằng Thánh Giuse đã
chết trước khi Đức Giêsu khởi sự đi rao giảng Tin Mừng. Không có chỗ nào trong
đời hoạt động của Đức Giêsu nhắc đến Thánh Giuse. Ngài ra đi khi vai trò của mình
đã hoàn tất.
Chúng ta cũng có thể suy đoán ra rằng : Thánh Giuse có
được giờ chết rất bình an và hạnh phúc, bởi vì có Đức Maria và nhất là có Chúa
Giêsu vào giờ phút cuối đời. Cảnh sống thân tình đã từng liên kết họ thật chặt
chẽ bên nhau dưới mái nhà Nagiaret, sẽ tiếp tục trên trời bằng một cách khác.
Thánh Giuse đã đón tiếp Đức Giêsu vào nhà mình, thì Đức Giêsu cũng đưa Ngài vào
nhà Cha trên trời, vào hạnh phúc đời đời. Trong nhiều năm trời, Thánh Giuse đã
được tận mắt nhìn thấy Chúa Giêsu, và trong giây phút hấp hối, Ngài có thể ra
đi bình an vì thấy có Chúa Giêsu ở bên mình.
Mọi Kitô hữu cũng mong ước có được giờ ra đi bình an như
Thánh Giuse, khi đã hoàn tất bổn phận và có Đức Mẹ cùng với Chúa Giêsu hiện
diện bên mình.
Ở trên trời, Thánh Giuse hành động với tư cách là vị
chuyển cầu. Nhờ vào tư thế gần gũi với Đức Mẹ và Chúa Giêsu mà việc chuyển cầu
của Thánh Giuse có một giá trị rất lớn lao.
Vốn là bạn của Đức Maria, nay ở trên trời Thánh Giuse vẫn
mang tư cách đó. Bởi đó, những ai kêu cầu Thánh Giuse thì cũng đánh động Đức
Maria. Những lời kêu xin với Thánh Giuse cũng được Đức Maria chuyển cầu.
Những lời xin đó cũng làm vui lòng Đấng Cứu Thế, Đấng đã
từng gọi Thánh Giuse là cha. Sự thắm thiết giữa Thánh Giuse và Chúa Giêsu đưa
đến kết quả là mọi lời chuyển cầu của Thánh Giuse đều rất hiệu nghiệm. Chúa Cứu
Thế mau mắn đón nhận những gì người ta nhờ đến Thánh Giuse. Như Thánh Giuse đã
ân cần phục vụ Chúa Giêsu, giờ đây Chúa Giêsu cũng ân cần đáp lại mọi thỉnh cầu
của Thánh Giuse.
Trải qua nhiều thế kỷ, các Kitô hữu mới nhận ra vai trò
chuyển cầu đặc biệt của Thánh Giuse, và tôn kính Ngài xứng với vinh dự Ngài
phải có. Dĩ nhiên là Đức Mẹ được nhiều đặc ân cao cả, Thánh Giuse không thể nào
sánh bằng được. Nhưng sự trọn lành Thiên Chúa ban cho Ngài vẫn rất cao vời. Vì
thế, việc tôn kính Thánh Giuse không cản trở lòng tôn kính đặc biệt đối với Đức
Mẹ, và cũng không đi ngược với bổn phận tôn thờ đối với Chúa Giêsu. Ở đây không
có vấn đề cạnh tranh hay ganh đua. Trong vinh quang cõi trời, Thánh Giuse không
tách rời, nhưng luôn là một với Đức Kitô và Mẹ Maria. Trong lòng các Kitô hữu
cũng thế, khi yêu mến và cầu khẩn Thánh Giuse, người ta càng thêm thân thiết và
yêu mến Chúa Giêsu và Đức Mẹ nhiều hơn.
Nhờ sự chuyển cầu của Thánh Giuse, trước hết chúng ta được
kết hợp chặt chẽ hơn với Đức Mẹ và Chúa Giêsu, giúp phát triển đời sống thiêng
liêng, giúp chúng ta khiêm tốn phục vụ trong âm thầm. Thánh Giuse cũng chuyển
cầu cho chúng ta khi chúng ta gặp khó khăn, giúp chúng ta cả những nhu cầu vật
chất thực sự cần thiết. Thánh Giuse đã từng là gia trưởng, Ngài hiểu được những
khó khăn thiếu thốn trong các gia đình, những nỗi khổ cực vất vả trong công
việc làm ăn. Ngài đã từng trải qua những điều đó, nên Ngài cũng sẵn lòng can
thiệp trợ giúp những ai kêu cầu Ngài trong lúc gian khó.
Sự chuyển cầu của Thánh Giuse bao trùm một phạm vi rộng
rãi. Các Kitô hữu chạy đến kêu xin với Ngài các ân huệ thiêng liêng cho sự sống
linh hồn, và cả các ơn huệ cho các nhu cầu vật chất khác nữa. Làm như thế chính
là mang lại vinh dự cho Thiên Chúa quan phòng. Vì Chúa đã đặt Thánh Giuse thay
mặt Chúa trong gia đình Nagiaret, và nay tiếp tục nhờ Ngài ban phát các ơn lành
cho nhân loại.
Ngày 8 tháng 12 năm 1870, Thánh Giuse được long trọng công
bố là Quan thầy của Hội Thánh toàn cầu.
Nhiều khía cạnh của vai trò mà Ngài đã đảm nhận khi còn
tại thế, đã dẫn đưa đến việc công nhận vai trò Quan Thầy đó. Đó là những tư
cách : là bạn của Đức Maria, là cha của Đức Giêsu, là chủ của Thánh Gia.
Đức Maria là mẹ Hội Thánh, còn Thánh Giuse là bạn của Đức
Maria, vì vậy Ngài cũng hợp lực với Đức Maria để săn sóc Hội Thánh.
Hội Thánh là thân thể Đức Giêsu, còn Thánh Giuse đã từng
nuôi dưỡng Đức Giêsu, vì vậy Thánh Giuse cũng được đặt định làm người bảo vệ
Hội Thánh.
Là chủ Thánh Gia, Thánh Giuse cũng có đủ tư cách tham gia
vào việc điều hành gia đình vĩ đại là Hội Thánh.
Ngoài ra, vai trò Quan Thầy Hội Thánh còn phù hợp với những
tương quan của Thánh Giuse với các Ngôi Vị Thiên Chúa. Ở Nagiaret, Thánh Giuse
đã là một đại diện của Cha Trên Trời. Cũng như Đức Giêsu, các Kitô hữu cũng
sung sướng tìm thấy nơi Thánh Giuse hình ảnh sống động của Thiên Chúa Cha.
Người đã điều khiển Thánh Gia Nagiaret qua trung gian Thánh Giuse, thì nay Người
cũng nhờ Thánh Giuse mà điều khiển Hội Thánh, và đặt Thánh Giuse như một đại
diện cho Tình Cha ân cần của Người.
Dù Tin Mừng không nói rõ, nhưng chúng ta có thể thấy Chúa
Thánh Thần hoạt động trong cuộc đời Thánh Giuse, soi sáng cho Ngài nhận ra ý
Chúa và cộng tác vào chương trình cứu độ, hướng dẫn cho Ngài chu toàn sứ mạng.
Ngày nay, Chúa Thánh Thần vẫn tác động trên Ngài để đảm nhận vai trò Quan Thầy
Hội Thánh.
Thánh Giuse đã có mối liên hệ thắm thiết với Đức Chúa Cha,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần, đã đi sâu vào trong tình mến của gia đình đầu tiên
là Cộng Đồng Ba Ngôi, là mẫu mực của gia đình Nagiaret và gia đình Hội Thánh.
Là Quan Thầy của gia đình Hội Thánh, nên Thánh Giuse cũng luôn củng cố sự hiệp
nhất, yêu thương trong gia đình này, như xưa Ngài đã điều khiển Thánh Gia trong
tinh thần hòa hợp hoàn toàn. Cũng chính trong tinh thần hiệp nhất các Kitô hữu,
mà Đức Giáo Hoàng Gioan 23 đã đặt Thánh Giuse làm quan thầy của Công Đồng
Vaticanô II.
Bởi đó, thật là chính đáng khi Hội Thánh ngày nay trông
đợi một sự hợp nhất mọi Kitô hữu, nhờ sự giúp đỡ đặc biệt của Thánh Giuse.Ngài
sẽ giúp người ta có tinh thần hòa giải hơn, mở rộng lòng để thông hiệp trong
cùng một lòng tin và một lòng mến, quên đi những sai lầm và hiểu lầm trong quá
khứ, để đồng tâm liên kết trong Nhiệm Thể Chúa Kitô.