25 năm Átxidi - Ôn lại biến cố Assisi 27-10-1986 và những biến cố tiếp theo

 

I.- Đôi nét lịch sử

 

*1986

Năm 1986 là một năm ở trong tình trạng tế nhị, do có “chiến tranh lạnh”[1], những căng thẳng, giữa hai khối Hoa Kỳ và Liên Xô, do những vấn đề liên hệ đến cuộc tái trang bị quân sự và hạt nhân, khiến việc đối thoại bị bế tắc. Trước tình trạng này, mỗi nhà lãnh đạo tôn giáo hay không tôn giáo, hẳn đều có những ưu tư. Phần Đức Gioan-Phaolô II, trong tư cách Người lãnh đạo tinh thần của Hội Thánh Công Giáo, đã có một sáng kiến bất ngờ. Ngài đã nghĩ đến Átxidi, nơi thánh Phanxicô đã để lại di sản hòa bình, hòa giải và huynh đệ; ngài mời các đại diện của các tôn giáo Kitô và các tôn giáo của toàn thế giới về đó, để sống một ngày thinh lặng và ăn chay mà cầu nguyện cho hòa bình. Ngày gặp gỡ này “đã và sẽ là một biến cố có một không hai; theo nghĩa này, ngày này không thể lặp lại. Nhưng đây là một biến cố có mục tiêu mở rộng; tinh thần của biến cố này muốn khuyến khích những sáng kiến sau này nhằm xây dựng những cái cầu của tình huynh đệ giữa các thực thể tôn giáo khác nhau ở bình diện địa phương và cơ bản trên thế giới hầu gợi hứng cho một ‘nền văn hóa đối thoại và hòa bình’”[2].

Thế là vào ngày 27-10 năm ấy, đã có 62 nhà lãnh đạo Kitô giáo và các tôn giáo thế giới, trong những màu áo khác nhau, về thành phố của thánh Phanxicô, giữa khoảng 200 khách mời, 800 phóng viên, 30 ngàn khách hành hương... Vương cung thánh đường thánh Phanxicô, nơi tiếp đón các phái đoàn, nổi bật với sự đơn giản, các bông hoa, các cành ô-liu và ghế ngồi như nhau, không hề phân biệt, kể cả đối với Đức Giáo Hoàng. Các ngài đã cầu nguyện và suy ngẫm về trách nhiệm thực thi hòa bình. Đức Gioan-Phaolô II loan báo: “Chúng ta sẽ không dùng một bữa cơm nào, như thế chúng ta sẽ ý thức hơn về nhu cầu của thế giới về thống hối và thay đổi bên trong. Các truyền thống của chúng ta thì vừa có nhiều vừa đa dạng, nhưng phản ánh ước muốn của những người nam người nữ dọc theo các thời đại là đi vào trong tương quan với Hữu thể tuyệt đối. Việc cầu nguyện đòi hỏi từ phía chúng ta sự hoán cải con tim, điều này có nghĩa là đào sâu nhận thức của chúng ta về thực tại tối hậu. Và chính vì lý do này mà chúng ta đồng ý quy tụ về nơi này”[3].

Khi kết thúc ngày đáng ghi nhớ ấy, tại một Átxidi gió mưa lạnh giá, Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II hướng về các nhà lãnh đạo thế giới: “Chúng tôi mời gọi quý vị ghi nhận việc chúng tôi khiêm tốn khẩn cầu Thiên Chúa ban cho hòa bình, nhưng chúng tôi cũng xin quý vị nhìn nhận trách nhiệm của quý vị và dấn thân với một nỗ lực mới để thực hiện nhiệm vụ xây dựng hòa bình với lòng can đảm và sáng suốt”[4].

“Tinh thần Átxidi” là thuật ngữ Đức Gioan-Phaolô II đã tạo ra vào dịp này[5]. Từ ngày 27-10-1986, “tinh thần” này đã lan tràn hầu như khắp nơi, nó vẫn giữ được sức mạnh của khoảnh khắc nó trào vọt ra. Átxidi đã trở thành biểu tượng, là sự thực hiện những gì phải là nhiệm vụ của Hội Thánh, do ơn gọi riêng, trong một thế giới đa nguyên về tôn giáo: tuyên xưng mầu nhiệm duy nhất của ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô. Vào ngày 22-12-1986, trong diễn từ cho các Hồng Y và các thành viên của Giáo triều, Đức Gioan-Phaolô II đã nói: “Các khác biệt là một yếu tố không quan trọng bằng sự duy nhất, vì sự duy nhất mới là tận căn, cơ bản và quyết định”[6]. Như thế, Átxidi đã cho phép những người nam người nữ làm chứng về một kinh nghiệm trung thực về Thiên Chúa giữa lòng các tôn giáo của họ. Đức Gioan-Phaolô II nói thêm: “Mỗi lời cầu nguyện trung thực đều được Chúa Thánh Thần soi sáng, Người hiện diện cách nhiệm mầu trong tim của mỗi người”[7].

 * 1993

Giữa năm 1985 và 1989, hai tổng thống Ronald Reagan (Hoa Kỳ) và Mikhail Gorbachev (Liên Xô) đã gặp nhau nhiều lần. Hai vị đã quyết định chế giảm các vũ khí và phi đạn hạt nhân: cơn ác mộng một cuộc chiến tranh nguyên tử đã tan biến, dành chỗ cho một tiến trình dân chủ. Tiếng gọi của Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã được đón nhận.

Năm 1991, đã bùng nổ cuộc khủng hoảng bán đảo Bancăng, đưa đến một loạt những cuộc chiến tranh và bạo động lôi kéo đặc biệt các dân tộc Croatia, Bosnia, Kosovo, lâu nay làm thành nước Nam Tư, vào.

Mục tiêu của Đức giáo hoàng và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác là “góp phần theo cách riêng, bằng lời cầu nguyện của chúng tôi và bằng việc dâng việc ăn chay, vào việc xây dựng lục địa châu Âu và có thể là vào việc sống còn của lục địa này”[8].

Nếu cuộc gặp gỡ tại Átxidi năm 1986 hướng về toàn thế giới, vào ngày 9-1-1993, Đức Gioan-Phaolô II lại về Átxidi lần nữa, cùng với người Do Thái và Hồi Giáo, để cầu nguyện cho hòa bình tại Bosnia Erzegovina. Tại đây, các ngài đã “khẩn cầu vị Chúa tể của lịch sử, chắc chắn được Người lắng nghe”, vị Chúa tể mà sau cuộc cầu nguyện 1986, “đã ban những dấu chỉ, phải nói là khả xúc nữa, là Người đã lắng nghe”[9].

Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II nhấn mạnh: “Đối lập lại chiến tranh và các xung đột, chúng tôi muốn khiêm tốn, nhưng cũng mạnh mẽ, đưa ra quang cảnh sự đoàn kết của chúng tôi, sự tôn trọng căn tính của mỗi người”[10]. “Sẽ không có hòa bình nếu không có việc quay về với Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh trong việc cầu nguyện, nhưng cả trong việc từ bỏ các tham vọng, khao khát quyền lực, ý muốn đè nén kẻ khác, thiếu tôn trọng các quyền của người khác. Quả thật, đấy chính là những nguyên nhân đưa tới chiến tranh”[11].

Ngày cầu nguyện cho hòa bình tại châu Âu kết thúc bằng một cuộc rước đuốc qua các ngả đường Átxidi và lời cầu nguyện của những người trẻ, chứ không ở trong  các nhà thờ của Átxidi.

Cuộc khủng hoảng Bancăng đã kết thúc ngày 21-11-1995, với hiệp ước Dayton (Hoa Kỳ), được diễn tả thành văn bản ngày 14-12 năm ấy tại Paris.

* 2002

Ngày 24-1-2002, khi các đại diện của 11 tôn giáo lớn của thế giới, tức đại diện cho phần lớn nhân loại, đến Átxidi đế sống Ngày cầu nguyện cho hòa bình, chưa có một ai quên được những hình ảnh hai chiếc máy bay đâm vào tòa Tháp Đôi ở New York ngày 11-9-2001, kết quả của chủ trương quá khích Hồi giáo. Thế giới vẫn còn đang bị đè bẹp bởi hận thù, chiến tranh, và nạn khủng bố. 

Đức Gioan-Phaolô II lại tung ra một lời kêu gọi để cho danh Thiên Chúa đừng bị xúc phạm do bị dụng cụ hóa và để các tôn giáo là một “nhân tố giúp sống liên đới và hòa bình”, sau “cuộc tấn công bi đát ngày 11-9 vừa qua” và trước “nguy cơ có những xung đột mới”. Đức giáo hoàng nói: “Ngày cầu nguyện cho hòa bình không hề nhắm dung dưỡng chủ trương chiết trung tôn giáo. Điều sẽ hợp nhất tất cả các tham dự viên là niềm chắc chắn rằng hòa bình là ân ban của Thiên Chúa”. Ngài nói thêm: “Trên nền tảng ấy, những người nam người nữ thuộc các tôn giáo khác nhau không những có thể cộng tác, mà còn phải dấn thân ngày một hơn vào việc bảo vệ và cổ võ cho sự nhìn nhận đích thực các nhân quyền, như là điều kiện cần thiết để có một nền hòa bình trung thực và bền vững”[12].

Ngày Átxidi kết thúc với một thứ Thập điều: Nói “không” với bạo động, Nói “có” với đối thoại, tình bạn, bảo vệ người nghèo, công bình, liên đới với ai đang đau khổ vượt quá các khác biệt giữa các tôn giáo[13].

Tại thành phố của thánh Phanxicô, người Sikh, người Hồi giáo, vị Kinh sự Do Thái, theo đạo Khổng, Chính thống, Phật giáo đã cầu nguyện và lên tiếng.

II.- Nhận định

Sau 25 năm “Tinh thần Átxidi”, xin rút ra một vài nhận định.

1. Việc cầu nguyện liên tôn

Khi còn làm Hồng Y Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức Tin, trong tác phẩm “Fede, verità, tolleranza. Il cristianesimo e le religioni del mondo”, được xuất bản năm 2003, bởi Nxb Cantagalli, chỉ vài tháng sau cuộc gặp gỡ lịch sử năm 2002, Đức Joseph Ratzinger đã nhấn mạnh rằng cách cầu nguyện của nhiều tôn giáo như thế không thể là chuẩn mực của đời sống tôn giáo, mà chỉ có thể là một dấu chỉ cho những hoàn cảnh ngoại thường, khi mà phải làm vang lên một tiếng kêu chung diễn tả sự khắc khoải hầu lay động trái tim con người và đồng thời gõ vào trái tim Thiên Chúa. Những dịp như thế phải là những ngoại lệ, nhưng cũng phải làm sáng tỏ một số điểm như: không có “các tôn giáo” nói chung, không có một ý tưởng chung về Thiên Chúa và một niềm tin chung vào Người, rằng sự khác biệt không chỉ chạm đến lãnh vực các hình ảnh và các hình thái khái niệm có thể thay đổi, mà còn chạm đến cả các chọn lựa tối hậu. Lý do: phải coi chừng chủ trương tương đối hóa. Cầu nguyện liên tôn giáo có nghĩa là việc cầu nguyện chung với nhau của những người hoặc những nhóm thuộc về các tôn giáo khác nhau. Để có thể làm như thế mà không phủ nhận niềm tin, phải bảo đảm có ba điều kiện sơ đẳng:

(a) Chỉ có thể cầu nguyện chung với nhau, nếu có sự nhất trí về Thiên Chúa là ai hoặc là gì, và do đó, có sự nhất trí theo nguyên tắc về cầu nguyện là gì: một tiến trình đối thoại trong đó tôi thưa chuyện với một vị Thiên Chúa có khả năng lắng nghe và nhận lời. Nói cách khác, việc cầu nguyện chung giả thiết rằng người nhận, và như thế là cả hành vi nội tâm quay hướng về Người, được quan niệm theo cách như nhau. Chẳng hạn trong trường hợp Abraham và Menkisêđê, Gióp và Giôna, phải rõ ràng là người ta thưa chuyện với vị Thiên Chúa duy nhất ở trên mọi thần minh, thưa chuyện với Đấng Tạo hóa trời và đất, thưa chuyện với Đấng tạo thành tôi. Vậy phải rõ là Thiên Chúa là “ngôi vị”, nghĩa là Người có thể hiểu biết và yêu thương, có thể lắng nghe tôi và trả lời tôi, Người tốt lành và là tiêu chuẩn cho sự thiện, còn sự dữ không thuộc về Người. Khởi đi từ Menkisêđê, có thể nói là phải rõ ràng là Người là Thiên Chúa của hòa bình và công chính. Phải loại trừ bất cứ thứ lẫn lộn nào giữa quan niệm cá vị và quan niệm không cá vị về Thiên Chúa, giữa Thiên Chúa và các thần minh. Điều răn thứ nhất có giá trị cho các trường hợp cầu nguyện liên tôn.

(2) Trên nền tảng khái niệm về Thiên Chúa, cũng phải có một quan niệm cơ bản tương tự về điều gì xứng đáng để cầu nguyện và có thể trở thành nội dung của cầu nguyện. Các lời thỉnh cầu của Kinh Lạy Cha có thể được coi là tiêu chuẩn của điều nên khẩn cầu với Thiên Chúa, để cầu nguyện theo cách xứng đáng với Người. Trong các lời xin này, ta thấy Thiên Chúa là ai và như thế nào và chúng ta là ai. Các lời thỉnh cầu này thanh luyện ý chí của chúng ta và giúp thấy chúng ta đang tiến về Thiên Chúa với loại ý muốn nào, và loại nguyện vọng nào đang đưa ta đi xa Người, thậm chí đặt ta vào thế chống lại Người. Những lời thỉnh cầu trong chiều hướng ngược lại với các lời xin Kinh Lạy Cha, đối với một Kitô hữu, không thể là đối tượng của việc cầu nguyện liên tôn, của bất cứ loại cầu nguyện nào.

(3) Biến cố phải diễn ra thế nào để việc giải thích tương đối hóa sai lạc về đức tin và cầu nguyện không tìm được bất cứ điểm tựa nào. Tiêu chuẩn này không chỉ liên hệ đến người Kitô hữu, không được để mình bị đưa vào lầm lạc, mà cũng liên hệ đến người không phải là Kitô hữu, người này không được có cảm tưởng là có việc hoán chuyển các “tôn giáo” và việc tuyên xưng căn bản đức tin Kitô giáo chỉ có tầm quan trọng phụ thuộc nên cũng có thể được thay thế. Để tránh sai lầm đó, điều cũng cần thiết là niềm tin của các Kitô hữu vào Thiên Chúa duy nhất và niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu chuộc của mọi người, không bị che mất trước mắt người không phải là Kitô hữu. Việc tham dự vào việc cầu nguyện liên tôn có thể đặt thành vấn đề việc chúng ta dấn thân loan báo Đức Kitô cho mọi người. Nếu do sự tham dự của một Kitô hữu, người không là Kitô hữu có thể hoặc nhất thiết diễn dịch ra được một sự tương đối hóa niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu chuộc duy nhất của mọi người, thì Kitô hữu không được tham dự vào cuộc cử hành này. Quả thật, trong trường hợp này, việc tham dự này hẳn sẽ chỉ đưa tới chiều hướng sai lạc, quay hướng về phía sau thay vì về phía trước trong lịch sử những nẻo đường của Thiên Chúa.

          Thật ra, đây chính là bí quyết của cuộc đời thánh Phanxicô, khiến ngài có thể gọi mỗi thọ tạo là “anh” và là “chị”, bằng cách chấp nhận và đón nhận sự khác biệt và sự duy nhất[14]. Đó là lý do vì sao với thánh Phanxicô, không bao giờ có một kẻ thù phải hạ xuống và chà đạp, mà luôn luôn là một người nam, một người nữ, một người trẻ, một em bé, một người già, tất cả đều là con cái của Thiên Chúa, của một người Cha duy nhất, là anh chị em của nhau. Nếu con người thì phải yêu thương, các sự vật thì phải tôn trọng. Đây là hành trình đang chờ đợi chúng ta, một hành trình đòi hỏi không phải tình cờ, đưa chúng ta đến chỗ bỏ đi các lăng kính của ích kỷ để đeo vào các lăng kính của Thiên Chúa.

2. Một dấu chỉ về niềm hy vọng

Các tôn giáo thế giới quy tụ về Átxidi để gặp gỡ và trao đổi là một dấu chỉ về niềm hy vọng cho mọi người, tín hữu cũng như không tin. Quả thật, các tôn giáo đang tìm một cuộc đối thoại nhân danh con người và Thiên Chúa, trong sự trung thành với các giá trị riêng, và cũng là trong việc dấn thân để hoạt động cho điều thiện hảo chung, về phương diện trần thế, chứ không chỉ tôn giáo, trong bất cứ xã hội nào gồm những con người tự do. Nhưng chúng ta không thể giả bộ không thấy một trong những khe nứt đang đi ngang qua và chia rẽ các dân tộc và các nền văn minh đang tìm các mặc những động cơ và thậm chí những lý do tôn giáo cho các chọn lựa chính trị đối lập và thậm chí xung đột.

Cần phải tránh nhìn các tôn giáo với sự sợ hãi. Tai hại nếu tôn giáo biến thành ý thức hệ, trở thành vũ trang và xung đột, thành yếu tố gây chia rẽ và đôi khi thù hằn. Phải tránh để tôn giáo sa sút thành dụng cụ chính trị, thay vì là khoa sư phạm về siêu việt tính. Một cuộc quy tụ như thế khiến nhiều người tự cho phép mình mơ về hòa bình và tình huynh đệ, bởi vì đây không phải là một cuộc hội họp của các VIP, nhưng là một cuộc gặp gỡ của những con người có niềm tin.

Quả thật, hòa bình, có được do đấu tranh chống sự nghèo khó, bảo vệ tạo thành và thực hiện một tự do tôn giáo trung thực, không phải chỉ là nhiệm vụ của những nhà cầm quyền, các nhà lập pháp và ngoại giao, mà phải nói là nếu chỉ các vị này mà thôi, thì không đạt được một kết quả bền vững.

3. Một nền hòa bình mơ ước

Hòa bình là một “cử chỉ” quy tụ nhiều “cử chỉ” khác: buông vũ khí, canh tác đất đai, ngang dọc trên biển cả, xây dựng nhà cửa, mở các quảng trường, lái các đường nước, vượt qua các rào cản, gặp gỡ và liên kết các bàn tay… Hòa bình là một sự ký thác, là tỏ ra tín nhiệm những người khác bởi vì ta đã quyết định hiến mình trong sự tin tưởng vào Thiên Chúa. Quả thật, hòa bình là tin. Tin rằng có một dự phóng tốt đẹp trên mỗi người chúng ta và trên toàn thề nhân loại, một “dân tộc gồm các dân tộc”. Và để có thể hiểu được dự phóng này, để có thể phục vụ nó, cần phải can đảm đưa mắt nhìn quá chân trời các ích kỷ và các mối ngờ vực, vượt quá tấm màn những tự phụ và bất khoan dung, nhìn cho tới tận trời cao. Điều này có nghĩa là cầu nguyện, một hành động có vẻ như là một không-hành động, mà có người coi như là một thứ trốn chạy trần thế.

Ngược lại, khi chúng ta cầu nguyện, hòa bình đã bắt đầu có trong chúng ta. Rồi nếu chúng ta quy tụ lại mà đồng thanh cầu nguyện – trong những tư cách khác nhau, thậm chí như đang ly khai với nhau, xa cách nhau – hòa bình trở thành hành trình rõ nét và chắc chắn. Nó trở thành “con đường”, trở thành có thể được. Thế giới cần một nền hòa bình đặt nền tảng trên tinh thần, có khả năng đưa các tín hữu của các tôn giáo khác nhau, các nhà nhân văn, những người thiện chí, xích lại gần nhau.

Đức Gioan-Phaolô II đã đi về Átxidi bởi vì ngài hiểu rằng nơi này còn có ý nghĩa hôm nay nữa sự hiện diện của thánh Phanxicô trong lịch sử nhân loại và ngài muốn chọn cả bằng cách thể lý nữa các giá trị Phan Sinh đặc biệt hiển nhiên và sống động. Bằng cách đó, ngài muốn nói rằng việc phục vụ quan trọng nhất ngài cảm thấy phải làm cho nhân loại, đó là nhắc nhớ rằng phẩm giá của con người thật cao quý, vì được kết hợp với Đức Kitô trong cái chết và sự sống lại của Người, như thánh Phanxicô đã công bố bằng chính cuộc sống của ngài.

Như vậy, vào tháng 10 năm nay khi Đức Bênêđitô XVI trở lại Átxidi để cầu nguyện cho hòa bình, chúng ta không quay lại từ đầu, chúng ta cũng không mừng một biến cố thuộc quá khứ xa xăm. Đây là vấn đề củng cố lại và phát triển phong trào hòa bình giữa các tín đồ các tôn giáo, phong trào này không lẫn lộn theo kiểu tương đối hóa, nhưng bình định sâu xa các con tim và các nền văn hóa. Trong Sứ điệp cho Ngày Hòa Bình thế giới 2011, ngài đã nói: “Năm 2011 là năm kỷ niệm 25 năm Ngày Thế giới cầu nguyện cho hòa bình, đã được Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô II triệu tập tại Átxidi năm 1986. Trong dịp đó các vị lãnh đạo các tôn giáo lớn trên thế giới đã chứng tỏ rằng tôn giáo là một yếu tố đoàn kết và hòa bình, chứ không phải là yếu tố chia rẽ và xung đột. Kỷ niệm kinh nghiệm ấy là một động lực thúc đẩy hy vọng một tương lai trong đó tất cả các tín hữu đều cảm thấy và thực sự trở thành những người kiến tạo công lý và hòa bình”[15].

Và đến cuối giờ Kinh Truyền Tin ngày 01-01-2011, sau khi loan báo quyết định đi hành hương về Átxidi vào tháng 10 năm nay, ngài nói tiếp: “(Tôi) mời kết hợp với hành trình này các anh chị em Kitô hữu thuộc các phái khác nhau, các thành viên của các truyền thống tôn giáo thế giới và, một cách lý tưởng, mọi người thiện chí, với mục đích tưởng niệm hành vi lịch sử ấy mà vị Tiền Nhiệm của tôi đã muốn có và long trọng nhắc lại cam kết của các tín hữu của mỗi tôn giáo là sống niềm tin của mình như là cách phục vụ sự nghiệp hòa bình. Ai đang tiến về với Thiên Chúa không thể không truyền đạt hòa bình, ai đang xây dựng hòa bình không thể không đến gần Thiên Chúa…”[16].

 

Lm FX Vũ Phan Long, ofm



[1] Lo ‘spirito di Assisi’: dall’identità eucaristica al dialogo interreligioso”, Zenit, 21-3-2011.

[2] Riflessione di Padre Felix A. Machado in occasione del XX Anniversario del primo Incontro di Preghiera sul Monte Hiei (Kyoto-Giappone) – Pontificio Consiglio per il Dialogo Interreligioso (www.vatican.va).

[3] Discorso di Giovanni Paolo II ai Rappresentanti delle diverse Chiese e Comunioni Cristiane Convenuti in Assisi per la Giornata Mondiale di Preghiera per la Pace, Basilica di Santa Maria degli Angeli, 27-10-1986, số 3 và 4 (www.vatican.va).

[4] Discorso di Giovanni Paolo II ai Rappresentanti delle Chiese Cristiane e Comunità Ecclesiali e delle Religioni Mondiali Convenuti in Assisi, Piazza inferior della Basilica di San Francesco, 27-10-1986, số 10 (www.vatican.va).

[5] Hồng Y Roger Etchegaray, Lo “Spirito di Assisi” (www.vatican.va).

[6] Discorso di Giovanni Paolo II alla Curia Romana per gli auguri di Natale, 22-12-1986, số 3 (www.vatican.va).

[7] HY Etchegaray, Lo “Spirito di Assisi”.

[8] Discorso di Giovanni Paolo II ai Vescovi, ai Rappresentanti delle Chiese e Comunità ecclesiali cristiane, dell’Ebraismo e dell’Islam, Sacro Convento di San Francesco – Assisi (Perugia), 9-1-1993, số 5 (www.vatican.va).

[9] Discorso di Giovanni Paolo II ai Vescovi, số 5.

[10] Discorso di Giovanni Paolo II ai Vescovi, số 4.

[11] Veglia di Preghiera per la Pace in Europa – Omelia di Giovanni Paolo II, Assisi (Perugia), 9-1-1993, số 4 (www.vatican.va).

[12] Discorso di Giovanni Paolo II ai Rappresentanti delle varie Religioni del Mondo, Assisi, 24-1-2002 (www.vatican.va).

[13] Lettera del Santo Padre Giovanni Paolo II ai Capi di Stato e di Governo e Decalogo di Assisi per la Pace (http://www.vatican.va).

[14] Xem thánh Phanxicô, Bài Ca Anh Mặt Trời.

[15] Messaggio del Santo Padre Benedetto XVI per la Celebrazione della XLIV Giornata Mondiale della Pace, 1-1-2011, số 11 (www.vatican.va).

[16] Benedetto XVI, Angelus, Piazza San Pietro, 1-1-2011 (www.vatican.va).