Hai khuôn mặt trong Hội Thánh Công giáo

Chúng ta vẫn thường hát: “Chỉ một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha!”

Nhưng trong Hội Thánh của Chúa lại có hai khuôn mặt nền tảng Hội Thánh Chúa: Thánh Phero và Thánh Phaolô.

Hai khuôn mặt nền tảng này có cùng một đức tin lòng yêu vào Chúa Giêsu, cùng hy sinh dấn thân xây dựng một Hội Thánh Chúa Giêsu ở trần gian, cùng làm chứng cho tình yêu Chúa bằng chính sự sống thân xác mình.

Nhưng đời sống của họ khác nhau nhiều lắm.

1. Khuôn mặt Thánh Phero, tảng đá Hội Thánh

Thánh Phero có tên là Simon, làm nghề chài lưới đánh cá ở biển hồ Tiberia miền Galilea phía Bắc nước Do Thái. Ông có gia đình, nhưng chúng ta không biết nhiều về gia đình Ông. Chỉ một lần Kinh Thánh nói đến Bà mẹ vợ Ông bị bệnh sốt, và được Chúa Giêsu đến tận nhà chữa cho lành bệnh. Ông Simon như những người Do Thái khác thời Ông, là người có lòng đạo đức trông mong chờ đợi Đấng Cứu Thế đến.

Ông Simon được Chúa Giêsu trực tiếp kêu gọi làm Mộn đệ trong nhóm 12 Môn đệ đầu tiên của Chúa. Và Ông được Chúa Giêsu đặt cho tên mới là Phero – có nghĩa là tảng đá – trên nền tảng đá đó Chúa Giêsu xây dựng Giáo Hội của Người ở trần gian. Rồi Ông được Chúa Giêsu đặt đứng đầu 12 Môn đệ.

Ông Simon không phải là người có học thức cao, không phải là nhà thần học cùng không phải là người có tài hùng biện ăn nói có sức lôi kéo thuyết phục người nghe. Ông là người có tâm hồn nhiệt tình, gần như nóng nảy, Ông dùng ngôn ngữ to lớn rõ ràng. Nhưng thêm vào đó Ông lại có tính hoài nghi do dự, gần như nhát đảm và chối bỏ Thầy mình trong giờ phút đen tối nặng nề nhất.

Sau khi gặp Chúa Giêsu sống lại, và khi đã lãnh nhận Đức Chúa Thánh Thần ngự xuống ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Phero bỗng trở thành một con người khác. Ông được giải thoát khỏi những lo âu sợ hãi, khỏi tính do dự hoài nghi, và khỏi cảm giác của kẻ yếu kém hèn nhát. Ông mạnh dạn ra trước công chúng rao giảng tin mừng về Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã sống lại từ cõi chết. Và Ông trở thành nhân chứng can đảm cho Chúa Giêsu cùng sứ điệp của Ngài.

Như Kinh Thánh thuật lại, Ông từ Giêrusalem đi truyền giáo sang tận Roma bên nước Ý. Nơi đây Ông lập Giáo Hội Roma và chịu chết tử vì đạo cho Chúa Giêsu. Nhiều người đã biết phim nổi tiếng „ Quo vadis” nói về những giai đoạn cuối đời của Thánh Phero ở Roma.

Có suy tư thắc mắc, tại sao Chúa Giêsu lại đặt tên cho Ông Simon là Phero, tảng đá, ( Matheo 16, 18-19) và trên tảng đá đó Người xây Giáo Hội của Người? Phải chăng Ông Phero là một tảng đá cứng đến nỗi không thể nào nghiền nát phá đổ được? Ông Phero là một con người có xương thịt gân cốt dòn mỏng làm sao có thể là một tảng đá được?

Khi đến tận nơi thăm viếng miền Cesare Philipphe ở vùng Galilea phía Bắc nước Do Thái, chính nơi ngày xưa Chúa Giêsu đã nói với Thánh Phero con là đá tảng, thấy đây là vùng toàn núi đá cao, là thượng nguồn của dòng nước chảy xuống biển hồ Tiberia, từ đó nứơc lại chảy vào dòng sông Jordan và xuôi chảy xuống Biển Chết ở phía miền Nam nứơc Do Thái. Rồi ngày xa xưa từ trước thời Chúa Giêsu, đã có những đền thờ được xây dựng trên vùng núi đá này thờ các Thần hoàng khác nhau của người dân. Và những tàn tích các cột đền thờ đó như di tích chứng cớ lịch sử , còn trưng bày ở sân phía chân núi, có thể khám phá ra ánh sáng hiểu được ý nghĩa lời Chúa Giêsu nói với Simon „Con là đá. Trên đá này Thầy xây Hội Thánh của Thầy”

Chúa Giêsu muốn nói với Ông Simon: Từ nay Con đã nhận biết Thầy là Thiên Chúa chân thật, con có sứ mạng xây dựng đền thờ cho Thầy thay thế những đền thờ thờ các vị Thần hoàng khác nhau này như con thấy trên núi đá kia. Vì các Thần hòang này không phải là Thiên Chúa thật. Con đừng lo, Thầy là Thiên Chúa luôn ở cùng con giúp con xây dựng cùng duy trì Hội Thánh đền thờ của Thầy và cho Thầy.

Đền thờ Hội Thánh của Chúa không phải chỉ là nhà cửa xây bằng đá, gạch gỗ sắt thép, nhưng là tâm hồn con người tin yêu theo tôn kính Chúa. Hội Thánh của Chúa mà Phero cùng các người kế vị xây dựng trước hết và luôn luôn là ngôi đền thờ kính thờ Thiên Chúa trong tâm hồn con người do Thiên Chúa tạo dựng sinh ra.

Ở Roma, thủ đô Vatican của Giáo Hội Công giáo, ngôi đền thờ Thánh Phero nguy nga to lớn rộng rãi nhất hoàn cầu được xây dựng trên ngôi mộ Thánh Phero.

2. Khuôn mặt Thánh Phaolo, vị Tông đồ cho muôn dân

Thánh Phaolô có tên là Saulô. Ông là người Do Thái thuộc tôn phái Phariseo, nhưng có quốc tịch Roma. Ông là người có nền học vấn cao như một học gỉa uyên bác thông thái, nhất là kiến thức về thần học và ngôn ngữ.

Ông có nghề may vải lều trại làm kế sinh sống.

Saulô một người nhiệt thành bảo vệ đức tin tôn giáo theo những truyền thống Do Thái giáo rất hăng say gần như cực đoan. Ông lùng bắt giết những tín hữu vô tội Chúa Kitô.

Nhưng cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu phục sinh trên đường đi Damakus đã đưa đến quyết thay đổi đời sống của Ông. Từ đó Saulô trở thành Phaolô.

Phaolo trở thành một nhà truyền giáo cho Chúa Giêsu Kitô cũng nhiệt thành hăng say như trước. Saulo ngày trước bằng mọi cách bảo vệ niềm tin theo truyền thống Do Thái giáo. Bây giờ Phaolo rao giảng truyền bá đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, chứ không đi bắt bớ bách hại phá đạo Chúa Giêsu Kitô nữa.

Bước chân truyền giáo của Phaolô trải rộng vượt ra xa từ nước Do Thái lan rộng sang tới Âu Châu. Khắp nơi đi đến đâu, Phaolô loan truyền sứ điệp tin mừng tình yêu Chúa Giêsu Kitô, mở ra con đường mới cho những dân tộc không phải là Do Thái và thành lập các Giáo đoàn Kitô hữu.

Phaolo rao giảng và làm chứng cho tin mừng Chúa Giêsu Kitô. Và vì thế ông bị hiểu lầm, bị dèm pha khinh chê, bị bắt tù tội kết án giam trong ngục tù. Và sau cùng bị xiềng xích đem về Roma cùng bị chết tử vì đạo cho Chúa Giêsu Kitô, cho Hội Thánh ở đây.

Ở ngoài thành Roma hiện có đền thờ kính Thánh Phaolo được xây dựng ngay trên phần mộ của Ông. Trong ngôi đền thờ này vòng chung quanh trên tường bên trong có khắc vẽ hình những vị Giáo Hòang của Hội Thánh Chúa Giêsu, từ Thánh Phero, vị Giáo hoàng tiên khởi đến Đức đương kim Giáo Hòang Benedctô 16.

Phaolo không chỉ rao giảng sống làm chứng cho tin mừng của Chúa Giêsu Kitô bàng ngôn ngữ lời nói. Nhưng Ông còn lưu lại bút tích bằng chữ viết qua những bức thư gửi cho các Giáo đoàn mà ngài đã thành lập, cho các học trò của mình. Những bức thư này là nguồn kho tàng lớn cùng rất qúy gía quan trọng về giáo lý cho Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô ở trần gian xưa nay.

Một vài Thánh Giáo phụ của Hội Thánh đã diễn tả chân dung Thánh Phaolô như một ngọn lửa bừng cháy, nhất là người có lòng đam mê hăng say dấn thân cho Chúa Giêsu Kitô. Thánh Phaolo rao giảng sống làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô thế nào thì ngài viết thành chữ nghĩa như vậy, dù hợp hay không hợp với ý muốn con người. Thật đúng là một bản chính nguyên gốc.

3. Hình ảnh cột trụ của Hội Thánh hoàn vũ

Vì thế, Hai khuôn mặt cột trụ Phero và Phaolo không phải vô cớ được kính chung vào cùng một ngày, cùng là ngày lễ trọng trong Hội Thánh, ngày 29.06. hằng năm.

Hai khuôn mặt cột trụ Phero và Phaolo tượng trưng cho chiều rộng và chiều cao lớn của Hội Thánh chúng ta.

Hai khuôn mặt cột trụ Phero và Phaolo là hai hình ảnh khác biệt nhau, không chỉ có trong Giáo Hội mà cả trong đời sống chúng ta. Giáo Hội và xã hội trần gian sống trong sự giằng co giữa truyền thống và tiến triển, giữa lề luật và tự do, giữa quyết định theo lương tâm và độc lập tự quyết.

Hai khuôn mặt cột trụ Phero và Phaolo có con đường theo làm Môn đệ Chúa Giêsu khác nhau, cung cách rao truyền giảng đạo khác nhau. Nhưng cả hai đều cổ võ cho sự hòa hợp, sự rộng mở giữa những khác biệt trong Hội Thánh trong cùng một đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng là đá tảng góc tường cho tòa nhà Hội Thánh được đứng vững.

Thánh Phero một người nghiêng theo truyền thống nhiều hơn. Đang khi Phaolo, một người muốn theo con đường mới. Hai hướng này có lẽ cũng có nơi gia đình chúng ta giữa hai thế hệ gìa và trẻ cùng chung sống với nhau.

Ngày lễ hai Thánh Tông đồ không là ngày lễ Thánh Phero hay là Thánh Phaolo, nhưng là ngày lễ mừng Thánh Phero và Thánh Phaolô.

******************

Ngày mừng lễ hai khuôn mặt cột trụ của Giáo Hội nhắc nhớ đến một bên là sự bền vững, bảo đảm cho hợp nhất như tảng đá Phero, một bên là sự mềm dẻo uyển chuyển, cập nhật hóa của một Phaolo trí thức có tầm nhìn xa trông rộng.

Hai hướng này đều cần cho đời sống làm người và đời sống đức tin vào Chúa giữa lòng xã hội ngày hôm nay đang có nhiều thử thách, hồ nghi cùng chao đảo.

Lễ Thánh Phero và Phaolo Tông đồ, 29.06.2012

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long (www.songductin.de)

 


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà