Hai Cột Trụ Của Giáo hội
HAI
THÁNH TÔNG ĐỒ PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ
(Mt 16, 13-19)
Phêrô và Phaolô là hai trụ cột của Giáo
hội mà phụng vụ không thể tách rời. Đây là hai khuôn mặt sáng ngời của Giáo hội,
hai người Do Thái gắn bó với đạo cha ông, một người sống ở miền quê, người kia
thành thị, cả hai đã được Đức Kitô chọn gọi.
Simon, mạnh mẽ với đức tin bình dân xứng
đáng với tên gọi Phêrô. Saolô, người đã theo học với các bậc thầy nổi tiếng,
trên đường đến Đamát, ông đã gặp Chúa Giêsu, Đấng tự tỏ mình cho ông như một
nhân vật sống trong vinh quang của Thiên Chúa duy nhất và trong lòng những người
tin vào Người mà ông đang bắt bớ (x. Cv 9,1-19), được đầy Thánh Thần ông được gọi
là Phaolô (x. Cv 13,9).
Phêrô vất vả vượt qua biên giới Israel mở
toang cánh cửa Giáo hội cho những người không phải là con cháu của Abraham bước
vào. Trái lại, Phaolô là một nhà truyền giáo khắp nơi của Giáo hội và trên thế
giới. Phêrô và Phaolô là những chứng tá sống động, mẫu mực về đời sống thiêng
liêng. Hơn bao giờ hết, chúng ta có được cảm hứng từ đời sống của hai đấng, nếu
chúng ta muốn, đến lượt chúng ta, có thể làm chứng trong chân lý về đức tin của
chúng ta, đem Tin Mừng đến cho những người chung quanh. Cùng đi với Giáo hội
hướng tới chân lý và ánh sáng giữa sóng cả ba đào thế gian. Chúa Giêsu nói: "Lạy Cha, Con chúc tụng Cha, vì Cha đã
giấu không cho những người khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho
những kẻ bé mọn" (Mt 11, 25). Chúng ta, những con người nhỏ bé, nghèo
hèn phải đối mặt với một thế giới đầy khó khăn. Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta
tiến bước trong ân sủng với niềm tin và hy vọng.
Chúa Giêsu trả lời Phêrô : "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc,
vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng
ngự trên trời" (Mt 16, 17). Phêrô sẽ không đòi cho mình sự độc quyền để
trở nên Phêrô cho Giáo hội đang gặp rắc rối giống như ông lúc Chúa Giêsu chịu khổ
nạn : "Anh em cũng vậy, anh em là những
viên đá sống động mà xây dựng cộng đoàn dưới tác động của Chúa Thánh Thần"
(1Pr 2, 5). Ngôi Đền Thờ thiêng liêng Cộng đoàn Kitô giáo được xây dựng trên
Chúa Kitô là Đá Tảng của Thiên Chúa. Phêrô với tư cách cá nhân tuyên xưng : "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng
sống" (Mt 16, 16). Những gì ông nói thực sự là căn tính của Chúa Giêsu
trong tương quan giữa Chúa Giêsu với Cha Người, đây là đức tin của Giáo hội sau
khi Chúa phục sinh. Đức tin này đã được các Tông Đồ trung thành gìn giữ cho đến
tử vì Đạo.
Tiếp theo, chúng ta đề cập đến niềm tin
của chúng ta vào lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng, và giáo huấn của Giáo hội.
Chúng ta xin ơn khiêm nhường để phó thác hoàn toàn vào tay Thiên Chúa. Phêrô và
Phaolô đã tỏ bày sự nóng bỏng của Tình Yêu, Đức Ái nơi lòng mình. Các ngài đã
nói về Tình Yêu là Chúa Thánh Thần, và các ngài đã làm điều đó không chỉ bằng lời
nói, nhưng trên tất cả bằng hành động. Phêrô và Phaolô đã thấy mình cùng rực
cháy lửa tình yêu của Thiên Chúa. Và chính Tình Yêu này đã thúc đẩy họ hiến trọn
thân mình cho Chúa Kitô và hiền thê của Người là Giáo hội.
Lời tuyên xưng của Phêrô sẽ là điểm qui
chiếu cho các môn đệ, một điểm chuẩn cho tất cả mọi thời. Còn Phêrô sẽ là điểm
qui chiếu cho những người tin, nhờ ông mà họ có thể khẳng định niềm tin của
mình. Chúa Giêsu nói với Simon bằng một lời chúc phúc : " Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc", Người đã mạc khải
cho Phêrô cái phúc mà ông vừa tuyên xưng, đón nhận lời tuyên xưng của Phêrô vào
Người mà Thiên Chúa Cha đã mạc khải cho ông. Chính nhân đức này mà Phêrô được
Chúa Giêsu coi như đá góc của Giáo hội. Chúa Giêsu muốn chúng ta nhận ra rằng đức
tin đến từ những nơi khác: Đó là một sự trung thành mà Chúa Thánh Thần nói cho
chúng ta. Chúa Giêsu trao cho Phêrô Mầu Nhiệm của Giáo hội Chúa, mầu nhiệm đó sẽ
là cả hai cùng chịu đóng đinh với Người và được sống lại với Người. Qua mái trường
tình yêu tuyệt vời của phụng vụ, một kho tàng được ban cho chúng ta mỗi ngày.
Dân Thiên Chúa bước đi trong một thế giới khủng hoảng. Với Chúa Thánh Thần, dân
Chúa có thể đánh bại quyền lực của bóng tối nhờ Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.
Đối với mỗi người Kitô hữu, sống là Đức Kitô, thánh Phaolô nói : "Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn
phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người
là Hội Thánh." (Col 1, 24). Lòng chúng ta bừng cháy lửa tình yêu đối với
Chúa Giêsu và Giáo hội của Người, bởi vì yêu mến Chúa Giêsu là yêu mến Giáo hội
của Chúa và dâng hiến hoàn toàn cho Giáo hội.
Đại lễ mừng kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô
và Phaolô hôm nay khơi dậy nơi chúng ta một niềm vui lớn lao, vì đặt chúng ta
trước công trình thương xót của Thiên Chúa trong tâm hồn hai vị Thánh, hai người
tội lỗi. Và Thiên Chúa cũng muốn làm cho chúng ta được tràn đầy ân sủng của
Ngài như đã làm cho hai thánh Phêrô và Phaolô. Kính xin hai Thánh, giúp chúng
ta đón nhận ơn thánh như hai vị với con tim rộng mở,
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ