Hai thánh tử đạo Phêrô và Phaolô
BÀI SUY NIỆM
LỄ CHÍNH NGÀY
LỄ THÁNH
PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ
(Mt
16,13-19)
Nhờ hồng ân Thiên Chúa, ngày 29 tháng 6 hằng năm, cả Giáo hội vũ
hoàn kính nhớ đặc biệt và mừng trọng thể cùng lúc lễ hai thánh tử đạo Phêrô và
Phaolô, những cột trụ của Giáo hội phổ quát Chúa Kitô. Theo truyền thống, Giáo
hội không bao giờ mừng vị này mà bỏ vị kia, nhưng luôn mừng kính với lòng biết
ơn hai chứng nhân vĩ đại của Chúa Kitô, và đồng thời tuyên xưng long trọng về một
Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo, và tông truyền.
Phêrô có tên gốc là Simon, người Galilê làm nghề chài lưới, sống
ở Capharnaum bên hồ Tibêria. Phaolô có tên là Saolê, người Do thái lưu vong,
sinh tại Tarsô miền Tiểu Á bởi cha mẹ là người thế giá, có quyền công dân Rôma.
Cuộc đời của hai ông bị đảo lộn từ khi gặp Đức Kitô.
Thánh Phêrô, thủ lãnh các Tông Đồ, con
người say mê Chúa Kitô, đã xứng đáng nghe lời này : « Còn Thầy, Thầy bảo
cho anh biết : anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội
Thánh của Thầy » (Mt 16, 18). Trên tảng đá này,
Chúa sẽ xây dựng đức tin mà Phêrô tuyên xưng. Phêrô lấy từ « tảng đá », chứ
không phải tảng đá lấy từ Phêrô. Phêrô, ngư phủ miền Galilêa, ít học, đã
lập gia đình, theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ, là người sau khi đã vượt
qua những ngày đen tối của cuộc Thương Khó của Chúa Kitô, sẽ có trách nhiệm củng
cố anh em trong đức tin và chăn dắt đoàn chiên của Chúa (x. Mt 16, 13-19). Còn
thánh Phaolô, người Pharisêu sốt sắng, có nhiều điều để tự hào, về gia thế, học
thức, về đời sống đạo hạnh. Ông chưa hề gặp mặt Ðức Giêsu tại thế, ông bách hại
những người tin Chúa Kitô. Nhưng khi gặp Đức Kitô Phục Sinh với biến cố ngã ngựa
trên đường Damas, ông trở nên tông đồ của ơn cứu rỗi đến từ đức tin, là « dụng cụ ưu tuyển » để mang Tin Mừng đến
cho các dân tộc (x. Cv 9, 1-22).
Cả hai đều được Ðức Giêsu gọi, Phêrô được gọi lúc ông đang thả
lưới bắt cá nuôi vợ con. Phaolô được chính Đức Giêsu Phục sinh gọi khi ông hung
hăng tiến vào Ðamas, đang làm tông đồ không biết mỏi mệt của dân ngoại (x. Cv
9, 1-22). Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Chúa. Tất cả của Phêrô là gia đình và
nghề nghiệp. Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang. Bỏ tất cả là
chấp nhận bấp bênh, tay trắng.
Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã. Vấp ngã bất ngờ sau khi theo
Thầy như Phêrô, trong phút giây quá tin vào sức mình. Ngã ngựa bất ngờ và trở
nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng. Vấp ngã
nào cũng đau và in một dấu không phai mờ. Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào
hướng mới. Phaolô là chiếc bình được tuyển chọn, Phêrô giữ chìa khóa Nước Trời ;
cho dù người này là ngư phủ, người kia là kẻ bách hại. Phaolô đã bị đánh cho
mù, cuối cùng thấy rõ hơn ; Phêrô đã chối Chúa, sau tin vững vàng. Phaolô
đã chọn tin vào Chúa Kitô sau khi phục sinh. Phêrô vị dân chài thay vì thả lưới
bắt cá, nay trở thành kẻ lưới người ta.
Chương trình mầu nhiệm của Chúa Quan Phòng dẫn đưa Phêrô tới
Roma, nơi đây ngài đổ máu như chứng tá sau cùng và cao cả nhất của đức tin và của
lòng mến đối với Thầy chí Thánh « Lạy Thầy,
Thầy biết con yêu mến Thầy» (Mt 16, 17). Như vậy ngài đã chu toàn sứ mệnh
trở nên dấu hiệu của lòng trung thành với Chúa Kitô và của sự hiệp nhất tất cả
Dân Chúa.
Phần Phaolô, trong hành trình truyền giáo, không ngừng rao giảng
Chúa Kitô bị đóng đanh và lôi kéo nhiều nhóm người Á Châu và Âu Châu trở về với
Chúa. Sau khi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, ngài đến Roma. Và chính ở đây, ngài được
phúc tử đạo để làm chứng cho Chúa Kitô. Chính ngài đã nói lên trong bài đọc thứ
hai Thánh lễ hôm nay rằng : « Chúa đã gần
gũi tôi và ban sức mạnh cho tôi, để qua tôi, việc rao giảng sứ điệp Tin Mừng được
thực hiện và để các dân ngoại được nghe biết đến ». (2Tm 4, 17-18)
Phêrô và Phaolô đều yêu Ðức Giêsu cách mãnh liệt, vì họ cảm nhận
sâu xa mình được Người yêu mến. « Này anh
Simon, anh có mến Thầy không? Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy »
(Ga 21,16). Cả Phaolô cũng yêu Ðấng ông chưa hề chung sống, vì Người là « Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến
mạng vì tôi » (Gl 2, 20). Phaolô đã không ngần ngại khẳng định: « Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi
Tình Yêu của Ðức Kitô » ( Rm 8, 35.39)
Cả hai vị Tông Đồ đều hăng say rao giảng, bất chấp muôn vàn nguy
hiểm khổ đau. Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40), còn nỗi đau của
Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28) ; « Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu » (Gl 6, 1-7).
Cả hai hạnh phúc trong việc giữ gìn giáo lý tinh tuyền, nhưng
cái phúc tử đạo còn hạnh phúc hơn. Nơi
dương gian, vinh quang chỉ là ước muốn ; chốn thiên đàng mọi sự thật nhãn
tiền. Tiếng các ngài đã vang đến tận cùng trái đất, và thông điệp loan đi tới
chân trời góc bể. Khắp nơi vang tiếng ngợi khen các ngài ; các tín hữu nhẩm
đi nhắc lại chiến thắng khải hoàn của các đấng.
Thật là hữu ích khi nhắc lại cho chúng ta vinh quang tử đạo của
các hai đấng. Phaolô bị chặt đầu, Phêrô bị đóng đinh cắm đầu xuống đất. Hình thức
tử đạo thật mầu nhiệm. Phêrô không dám chịu đóng đinh giống Thầy mình. Đó không
phải là ông từ chối tử đạo, nhưng ông sợ nhận lấy cái chết giống Đấng Cứu Thế.
Cả hai vị đã chết như Thầy, đã lấy máu mình mà làm chứng: thánh Phêrô bị dẫn đến
nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18), chịu đóng đinh chết; thánh Phaolô đã chiến đấu
anh dũng cho đến cùng, bị chém đầu; đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6). Thánh
Phêrô được chôn cất ở chân đồi Vaticano; thánh Phaolô được an táng bên đường
Ostiense.
Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám
theo, dám yêu, dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng. Hội Thánh vẫn cần
những chiếc cột và những tảng đá. Với lòng ngưỡng mộ biết ơn các ngài, chúng ta
quyết một lòng trung thành với đức tin đã lãnh nhận.
Lạy Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, cầu cho chúng con.
Thánh Phêrô và thánh Phaolô, cầu cho chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Hai Cột Trụ Của Giáo hội
HAI THÁNH TÔNG ĐỒ
PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ
(Mt 16, 13-19)
Phêrô và Phaolô là hai trụ cột của Giáo
hội mà phụng vụ không thể tách rời. Đây là hai khuôn mặt sáng ngời của Giáo hội,
hai người Do Thái gắn bó với đạo cha ông, một người sống ở miền quê, người kia
thành thị, cả hai đã được Đức Kitô chọn gọi.
Simon, mạnh mẽ với đức tin bình dân xứng
đáng với tên gọi Phêrô. Saolô, người đã theo học với các bậc thầy nổi tiếng,
trên đường đến Đamát, ông đã gặp Chúa Giêsu, Đấng tự tỏ mình cho ông như một
nhân vật sống trong vinh quang của Thiên Chúa duy nhất và trong lòng những người
tin vào Người mà ông đang bắt bớ (x. Cv 9,1-19), được đầy Thánh Thần ông được gọi
là Phaolô (x. Cv 13,9).
Phêrô vất vả vượt qua biên giới Israel mở
toang cánh cửa Giáo hội cho những người không phải là con cháu của Abraham bước
vào. Trái lại, Phaolô là một nhà truyền giáo khắp nơi của Giáo hội và trên thế
giới. Phêrô và Phaolô là những chứng tá sống động, mẫu mực về đời sống thiêng
liêng. Hơn bao giờ hết, chúng ta có được cảm hứng từ đời sống của hai đấng, nếu
chúng ta muốn, đến lượt chúng ta, có thể làm chứng trong chân lý về đức tin của
chúng ta, đem Tin Mừng đến cho những người chung quanh. Cùng đi với Giáo hội
hướng tới chân lý và ánh sáng giữa sóng cả ba đào thế gian. Chúa Giêsu nói: "Lạy Cha, Con chúc tụng Cha, vì Cha đã
giấu không cho những người khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho
những kẻ bé mọn" (Mt 11, 25). Chúng ta, những con người nhỏ bé, nghèo
hèn phải đối mặt với một thế giới đầy khó khăn. Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta
tiến bước trong ân sủng với niềm tin và hy vọng.
Chúa Giêsu trả lời Phêrô : "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc,
vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng
ngự trên trời" (Mt 16, 17). Phêrô sẽ không đòi cho mình sự độc quyền để
trở nên Phêrô cho Giáo hội đang gặp rắc rối giống như ông lúc Chúa Giêsu chịu
khổ nạn : "Anh em cũng vậy, anh em
là những viên đá sống động mà xây dựng cộng đoàn dưới tác động của Chúa Thánh
Thần" (1Pr 2, 5). Ngôi Đền Thờ thiêng liêng Cộng đoàn Kitô giáo được
xây dựng trên Chúa Kitô là Đá Tảng của Thiên Chúa. Phêrô với tư cách cá nhân
tuyên xưng : "Thầy là Đấng Kitô, Con
Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 16). Những gì ông nói thực sự là căn
tính của Chúa Giêsu trong tương quan giữa Chúa Giêsu với Cha Người, đây là đức
tin của Giáo hội sau khi Chúa phục sinh. Đức tin này đã được các Tông Đồ trung
thành gìn giữ cho đến tử vì Đạo.
Tiếp theo, chúng ta đề cập đến niềm tin
của chúng ta vào lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng, và giáo huấn của Giáo hội.
Chúng ta xin ơn khiêm nhường để phó thác hoàn toàn vào tay Thiên Chúa. Phêrô và
Phaolô đã tỏ bày sự nóng bỏng của Tình Yêu, Đức Ái nơi lòng mình. Các ngài đã
nói về Tình Yêu là Chúa Thánh Thần, và các ngài đã làm điều đó không chỉ bằng lời
nói, nhưng trên tất cả bằng hành động. Phêrô và Phaolô đã thấy mình cùng rực
cháy lửa tình yêu của Thiên Chúa. Và chính Tình Yêu này đã thúc đẩy họ hiến trọn
thân mình cho Chúa Kitô và hiền thê của Người là Giáo hội.
Lời tuyên xưng của Phêrô sẽ là điểm qui
chiếu cho các môn đệ, một điểm chuẩn cho tất cả mọi thời. Còn Phêrô sẽ là điểm
qui chiếu cho những người tin, nhờ ông mà họ có thể khẳng định niềm tin của
mình. Chúa Giêsu nói với Simon bằng một lời chúc phúc : " Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc", Người đã mạc khải
cho Phêrô cái phúc mà ông vừa tuyên xưng, đón nhận lời tuyên xưng của Phêrô vào
Người mà Thiên Chúa Cha đã mạc khải cho ông. Chính nhân đức này mà Phêrô được
Chúa Giêsu coi như đá góc của Giáo hội. Chúa Giêsu muốn chúng ta nhận ra rằng đức
tin đến từ những nơi khác: Đó là một sự trung thành mà Chúa Thánh Thần nói cho
chúng ta. Chúa Giêsu trao cho Phêrô Mầu Nhiệm của Giáo hội Chúa, mầu nhiệm đó sẽ
là cả hai cùng chịu đóng đinh với Người và được sống lại với Người. Qua mái trường
tình yêu tuyệt vời của phụng vụ, một kho tàng được ban cho chúng ta mỗi ngày.
Dân Thiên Chúa bước đi trong một thế giới khủng hoảng. Với Chúa Thánh Thần, dân
Chúa có thể đánh bại quyền lực của bóng tối nhờ Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.
Đối với mỗi người Kitô hữu, sống là Đức Kitô, thánh Phaolô nói : "Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn
phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người
là Hội Thánh." (Col 1, 24). Lòng chúng ta bừng cháy lửa tình yêu đối với
Chúa Giêsu và Giáo hội của Người, bởi vì yêu mến Chúa Giêsu là yêu mến Giáo hội
của Chúa và dâng hiến hoàn toàn cho Giáo hội.
Đại lễ mừng kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô
và Phaolô hôm nay khơi dậy nơi chúng ta một niềm vui lớn lao, vì đặt chúng ta
trước công trình thương xót của Thiên Chúa trong tâm hồn hai vị Thánh, hai người
tội lỗi. Và Thiên Chúa cũng muốn làm cho chúng ta được tràn đầy ân sủng của
Ngài như đã làm cho hai thánh Phêrô và Phaolô. Kính xin hai Thánh, giúp chúng
ta đón nhận ơn thánh như hai vị với con tim rộng mở,
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Hồng Ân Đức Tin
LÊ THÁNH PHÊRÔ VÀ
PHAOLÔ TÔNG ĐỒ
(Mt 16, 13-19)
Ngày 29 tháng 6 hàng năm là ngày dành
riêng cho hai vị thánh tử đạo Phêrô và Phaolô Tông Đồ, chúng ta long trọng cử
hành Đại Lễ Kính Các Ngài là nền tảng của Hội Thánh sơ khai, và đức tin của người
kitô hữu, vì “Phêrô là người đầu tiên
tuyên xưng đức tin”; “Phaolô, là người
làm sáng tỏ đức tin” (Kinh Tiền Tụng).
Là Tông Đồ của Chúa Giêsu, và là nhân chứng
tiên khởi, nên Hai Thánh đã sống những khoảnh khắc đầu tiên và chứng kiến sự lớn
mạnh của Giáo hội, đồng thời đã đổ máu đào để chứng tỏ lòng trung thành với
Chúa Giêsu. Chúng ta, những kitô hữu ở thế kỷ XXI, có thể là những chứng nhân
đáng tin cậy về tình yêu của Thiên Chúa giữa thế gian giống như Hai Tông Đồ và
nhiều người khác nữa.
Trong Huấn từ đầu tiên của Ðức Thánh Cha
Phanxicô, ngỏ lời với các hồng y năm 2013, ngài nói “Chúng ta phải bước đi, xây dựng và tuyên xưng” Không Tuyên Xưng Ðức
Kitô Chịu Ðóng Ðinh, thì Không Phải Môn Ðệ của Người. Chúng ta có thể đi như
chúng ta muốn, chúng ta có thể xây dựng rất nhiều điều, nhưng nếu anh em không
tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô, thì có điều gì sai? Chúng ta sẽ trở thành một cơ
quan hỗ trợ cho tổ chức phi chính phủ (NGO), chứ không phải Hội Thánh, là Hiền
Thê của Chúa.”
Vì thế câu hỏi “Người ta bảo Con Người là ai ?” Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ về nguồn gốc của chính mình. Trong số người
đương thời, có kẻ cho Chúa Giêsu là Gioan Tẩy Giả, Êlia, Giêrêmia, hay một tiên
tri nào đó (x. Mt 16,13-19).
Đối với Phêrô, vị ngư phủ miền Galilê,
Chúa Giêsu đòi hỏi một hành động về đức tin của chính mình và ông đã không ngần
ngại tuyên xưng : “Thầy là Đức Kitô, Con
Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Ngay lập tức, Chúa Giêsu nói với
ông : “Phêrô, con là Đá, trên Đá này
Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” ( Mt 16,18) và trao cho ông chìa khóa nước
Trời, đặt ông làm Thủ lãnh các Tông Đồ, cùng với quyền tối thượng.
Đức Kitô, Con Thiên Chúa có nghĩa là Đấng được xức dầu làm Ngôn
Sứ, Vương Đế và là Mục Tử chăn dắt Israel. Trên miệng của Phêrô, tước hiệu Đức Kitô chứa đựng ý tưởng toàn năng.
Các môn đệ nhìn chung đều nghĩ rằng, Chúa Giêsu đến để tái lập Vương Quốc Israel, Người sẽ dùng quyền năng đánh
đuổi quân Rôma, đưa người Do thái lên thống trị. Vì thế, khi Phêrô thưa : “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”
(Mt 16, 16), là ông nghĩ tới một Đức Kitô vinh quang, thống trị toàn năng, chiến
thắng mọi kẻ thù.
Câu hỏi về căn tính
của Chúa Giêsu không đơn giản là câu hỏi điều tra, tín điều hay là chú giải
Kinh Thánh, cũng không phải là câu trả lời cho những người đến hỏi Chúa Giêsu
hoặc tìm xem Kinh Thánh nói gì về Chúa. Đây là một câu hỏi về đời sống !
Toàn bộ lịch sử, Kinh Thánh hoặc tín điều chúng ta nói về con người Chúa Giêsu,
chúng ta chỉ là mình khi biết chấp nhận đi trên đường Chúa đã chỉ cho. Tin Mừng
mạc khải dần dần cho chúng ta về căn tính đích thực của Đức Kitô để dẫn chúng
ta tiến về Giêrusalem cách khải hoàn, cùng lúc soi sáng tâm hồn chúng ta và dạy
cho chúng ta biết rằng, ta chỉ có thể nhận biết Chúa Giêsu nếu chúng ta để Chúa
biến đổi đời ta.
Những trang tiếp
theo của Tin Mừng thuật lại, Chúa Giêsu ba lần loan báo cuộc thương khó rằng
Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị giết chết. Nhưng các môn đệ không hiểu,
không tin vào những gì sắp xảy đến. Đối với họ, Đức Kitô chịu khổ nạn là không
thể, hình ảnh Đức Kitô vinh quang khác với hành động của Người. Họ không thể
đón nhận Đức Kitô đau khổ thay vì vinh quang. Vì thế, ngày hôm nay phải là ngày
tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân đức tin chúng ta được loan báo bởi hai cột trụ của
Giáo hội là thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ. Đức tin này đã thắng thế gian, vì đức
tin ấy tin và tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.
Cho dù Phêrô hay những
người kế vị đã được trợ giúp bởi sức mạnh của Chúa Thánh Thần, vẫn cần đến lời
cầu nguyện của chúng ta, vì nhiệm vụ của các ngài thật cao cả tuyệt vời đối với
đời sống của Giáo hội : Các ngài phải là nền tảng vững chắc cho tất cả các
Kitô hữu ở mọi nơi mọi thời; Thế nên, chúng ta phải cầu nguyện hàng ngày cho
Giáo hội, cho Đức Thánh Cha.
Những ngày lễ về
hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô trong năm nhắm đến khía cạnh khác, nhưng hôm
nay 29 tháng 6, chúng ta chiêm ngưỡng điều cho phép chúng ta gọi là “những người đầu tiên loan báo đức tin”:
thông qua cuộc tử đạo của Hai Thánh, và lời tuyên xưng của Các Ngài. Lời tuyên
xưng ấy không phải xác thịt hay khí huyết mặc khải cho Phêrô về Chúa Giêsu,
nhưng là Chúa Cha Đấng ngự trên trời (x. Mt 16,17). Tương tự như vậy, việc phát hiện ra Chúa
Giêsu là “một trong những người bị bắt bớ”,
ngay cả đối với Saolô, thực sự mở ra ân sủng của Thiên Chúa. Trong cả hai trường
hợp, nhu cầu tự do con người đòi hỏi hành động của đức tin dựa trên tác động của
Chúa Thánh Thần.
Đức tin của các
Tông Đồ là đức tin Giáo hội, duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Kể
từ khi Phêrô tuyên xưng tại Caesarea Philiphê, “mỗi ngày, toàn thể Giáo hội, chính thánh Phêrô nói: 'Thầy là Đấng Kitô,
Con Thiên Chúa hằng sống” (Saint Lêô Cả). Từ đó cho đến nay, tất cả các
Kitô hữu ở mọi nơi mọi thời nam phụ cũng như lão ấu, thuộc các nền văn hóa khác
nhau đều tuyên tuyên xưng cùng một đức tin như thế với sự khải hoàn.
Lạy thánh Phêrô và
Phaolô Tông Đồ, chúng con cám ơn Hai Đấng vì hồng ân đức tin mà Các Ngài đã rao
giảng và sống, đồng thời truyền lại cho chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn
Văn Độ