LỄ THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ (29/06)
Cv 12,1-11 ; 2 Tm 4,6-8.17-18 ; Mt 16,13-19
SỐNG ĐỨC TIN VÀ ĐỨC MẾN NOI GƯƠNG HAI THÁNH PHÊ-RÔ VÀ
PHAO-LÔ
I. HỌC LỜI
CHÚA
1. TIN MỪNG:
(13) Khi Đức
Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn
đệ rằng: “Người ta nói con Người là ai ?” (14) Các ông thưa: “Kẻ thì
nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại
cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”. (15) Đức Giê-su
lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” (16) Ông Si-mon Phê-rô
thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (17) Đức Giê-su
nói với ông: “Này anh Si-mon con ông Giô-na, Anh thật là người có phúc,
vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều đó, nhưng là Cha của
Thầy, Đấng ngự trên trời. (18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh
là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội
Thánh của Thầy. Và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (19) Thầy
sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì,
trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì,
trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.
2. Ý CHÍNH: HỘI
THÁNH ĐƯỢC XÂY TRÊN ĐÁ TẢNG ĐỨC TIN CỦA PHÊ-RÔ.
Sau khi Si-mon đại diện cho Nhóm Mười Hai khẳng
định Người là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống (15-16), ông đã
được khen là có phúc (17), được đổi tên thành Phê-rô và được hứa xây
Hội Thánh trên nền tảng đức tin mà ông vừa tuyên xưng, tiên báo Hội
Thánh ấy sẽ trường tồn, bất chấp ma quỷ chống phá (18). Sau cùng
Người cũng trao cho ông chìa khóa Nước Trời với quyền cầm buộc và
tháo cởi (19).
3. HỎI ĐÁP
VÀ CHÚ THÍCH:
HỎI 1: Khi
thay mặt anh em tuyên xưng Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa hằng sống”,
phải chăng Tông đồ Si-mon có ý nói về bản tính Thiên Chúa của Người ?
ĐÁP:
Có lẽ khi tuyên xưng Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa
hằng sống”, Phê-rô vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa của tước hiệu ông nói.
Ông chỉ muốn giải thích ý nghĩa của tước hiệu Đấng Ki-tô, theo lời
ngôn sứ Na-than tuyên sấm về người con sẽ nối nghiệp vua Đa-vít như
sau: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha
ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi một người do chính
ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền nó được vững bền. Chính
nó sẽ xây một nhà để tôn kính Danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng
của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là Cha. Đối với Ta, nó
sẽ là con” (2 Sm 7,12-14). Lời ấy đã không ứng nghiệm nơi Sa-lô-mon, con
vua Đa-vít. Từ đó, dân Do thái hằng trông mong Đấng Thiên Sai thuộc dòng
dõi vua Đa-vít sẽ đến. Về sau, trong cuộc khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem,
Đức Giê-su cũng được dân chúng ca tụng bằng tước hiệu "Con Vua
Đa-vít" này (x. Mt 21,9). Khi tuyên xưng tước hiệu "Con Thiên
Chúa hằng sống", Phê-rô chưa hiểu ý nghĩa lời ông nói. Sau đó,
Đức Giê-su đã cho biết ý nghĩa tước hiệu này là nói về bản tính
Thiên Chúa, qua lời khen ông có phúc vì đã được Chúa Cha thương mặc
khải cho biết sự thật ấy (x Mt 16,17).
HỎI 2: Tại
sao Đức Giê-su đổi tên Si-mon thành Phê-rô ? Việc đổi tên chính xác xảy
ra vào lúc nào: Khi vừa gặp mặt (x Ga 1,42), khi thành lập Nhóm Mười
Hai (x Mc 3,16; Lc 6,14) hay sau khi Phê-rô tuyên xưng đức tin (x Mt 16,18) ?
ĐÁP:
Cũng có thể Đức Giê-su đã đặt tên Phê-rô cho Si-mon
khi vừa gặp mặt (x. Ga 1,42), hay khi thành lập Nhóm Mười Hai (x. Mc
3,16; Lc 6,14). Tuy nhiên có lẽ việc đổi tên xảy ra sau lời tuyên xưng
đức tin của Si-mon là hợp lý nhất (x. Mt 16,18), vì sau khi đổi tên,
Đức Giê-su đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của ông trong Hội Thánh:
Đức tin của Phê-rô vào Đức Giê-su chính là tảng đá vững chắc mà trên
đó, Người xây dựng Hội Thánh của Người. Ngoài ra Đức Giê-su còn trao
tối thượng quyền cho ông để ông cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19).
Người cũng cho Phê-rô đứng đầu Nhóm Mười Hai (x Mt 10,2), và hứa sẽ
cầu nguyện để ông kiên vững đức tin, hầu chu tòan sứ mệnh củng cố đức
tin cho các anh em (x. Lc 22,32). Cuối cùng, Người còn trao quyền chăn
dắt đoàn chiên Hội Thánh cho ông nữa (x.Ga 21,15-17).
HỎI 3: Một
số người cho rằng: Si-mon Phê-rô là một người đầy khuyết điểm và đã
từng phạm tội chối Thầy ba lần, thì làm sao xứng đáng lãnh đạo Hội
Thánh và thi hành quyền cầm buộc và tháo cởi được ?
ĐÁP:
Từ ngày được Đức Giê-su gọi theo làm môn đệ,
Si-mon đã phạm nhiều sai lầm. Chẳng hạn: Ông bị Thầy quở trách vì
đã suy nghĩ theo kiểu khôn ngoan của loài người (x. Mt 16,23); Bị trách
là kẻ hèn tin khi đang đi trên mặt nước (x. Mt 14,31); Bị Thầy cảnh báo không
được dự phần với Thầy, vì đã từ chối không cho Thầy rửa chân (x. Ga
13,8-10); Nhất là vì quá tự tin vào sức mình nên ông đã hèn nhát chối
Thầy ba lần, dù đã được Thầy cảnh báo trước (x. Mc 14,30.66-72).
Nhưng Si-mon Phê-rô cũng có những ưu điểm xứng đáng
được Đức Giê-su tín nhiệm trao quyền lãnh đạo Hội Thánh. Chẳng hạn:
tại thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, ông đã tuyên xưng đức tin: “Thầy là
Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”, nên đã được Chúa đổi tên thành
Phê-rô, và được trao quyền tối thượng cầm buộc và tháo cởi (x. Mt
16,18-19). Có lần ông được Đức Giê-su hứa sẽ cầu nguyện cho để luôn
kiên vững đức tin, và trao thêm sứ mệnh củng cố đức tin cho các anh em
(x. Lc 22,32). Phê-rô cũng rất nhiệt tình, thường đại diện anh em trả
lời những vấn nạn của Thầy (x. Lc 5,3-10), đại diện Nhóm Mười Hai
tuyên xưng đức tin vào lời dạy về Bánh Thánh Thể, đang khi nhiều môn
đệ khác chán nản rút lui (x. Ga 6,68). Nhờ kiên vững đức tin, nên ông
đã được Đức Giê-su đặt đứng đầu Nhóm Mười Hai (x. Mt 10,2), được đi
trên mặt nước (x Mt 14,28-32), trở thành một trong ba môn đệ thân tín
nhất chứng kiến cuộc hiển dung của Người (x. Mt 17,1), chứng kiến phép
lạ bé gái mới chết được Người cho sống lại (x. Mt 5,37), và nhất là
chứng kiến lúc Thầy hấp hối trong vườn Cây Dầu (x. Mt 26,37).
Tuy có lần sa ngã phạm tội, nhưng Phê-rô đã lập
tức sám hối (x. Mt 26,69-75). Nhờ yêu Chúa nhiều hơn anh em, nên ông đã
được Người tha thứ và trao nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên (x. Ga
21,15-17). Chính lòng yêu mến Đức Giê-su đã thúc bách Phê-rô chạy thi
với Gio-an ra mồ và khi nhìn thấy quang cảnh trong mồ, ông đã sớm đạt được
đức tin vào mầu nhiệm phục sinh của Thầy (x. Ga 20,1-9). Phê-rô cũng được
Chúa Phục Sinh hiện ra (x. Lc 24,34), được cùng anh em lãnh nhận ơn
Thánh Thần và đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi (x. Cv 2,14-36), có khả năng
chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Cv 9,33-35.40-41), chủ tọa công nghị
Giê-ru-sa-lem năm 49 (x. Cv 15,5-29). Cuối cùng ông đã can đảm quay vào thành
Rô-ma để bị bắt và chịu khổ hình thập giá, dưới thời hoàng đế Nê-rô
(năm 64-67). Cái chết của Phê-rô chứng tỏ lòng mến Chúa cao độ, và nêu
gương đức tin vững như đá tảng, để các tín hữu học tập noi theo.
II. SỐNG LỜI
CHÚA:
1. LỜI CHÚA:
“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá,
trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử
thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời.
Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy.
Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”
(Mt 16,18-19).
2. CÂU CHUYỆN:
1) SỨC MẠNH CỦA
TÌNH YÊU TRONG VIỆC BIẾN ĐỔI LÒNG NGƯỜI :
Nữ tu Antoinette được bề trên sai đến phục vụ tại một
bệnh viện lớn. Tại đây có một ông già cực kỳ khó tính. Tiếp xúc với ai, ông
cũng nạt nộ la mắng. nhất là khi gặp chuyện trái ý, ông lại to tiếng ầm ĩ khiến
mọi người chung quanh đều khó chịu xa lánh ông.
Ngày nọ, khi đang mải mê làm việc giúp các bệnh nhân
khác, nữ tu Antoinette nghe thấy tiếng hét lớn của ông già khó tính: “Mau mau
mang ra đây cho tôi một quả trứng luộc". Các y tá khác đều lảng tránh sang
phòng bên, riêng nữ tu Antoinette đã mau mắn đến nhà bếp đem quả trứng đến cho
ông già này.
- Sao trứng chưa chín mà đã đem cho tôi hả? Bộ muốn tôi
đau bụng chết sao? Ông lão khó tính cau có trách mắng. Nữ tu Antoinette không
đáp lại mà đem trứng xuống bếp luộc lại.
- Trứng gì mà luộc chín quá vậy? Sao lại làm ăn vô ý vô
tứ như vậy hả ?
Antoinette chẳng biết phải làm gì để chiều ý ông lão. Chị
liền đi lấy một cái bếp lò đến kê bên giường và trao cho ông già khó tính một trái
trứng để luộc cho vừa ý. Thấy thế ông ta liền nổi nóng đạp đổ bếp lò, quăng quả
trứng kia xuống nền gạch và lớn tiếng: "Cô không biết tôi là bệnh nhân
sao? Bệnh nhân mà lại phải tự luộc trứng hả?"
Nữ tu Antoinette không nói nửa lời. Chị im lặng đi lấy
chổi và cây lau nhà đến quét dọn và lau sạch sàn nhà… Lát sau, chị đem đến cho
lão già khó tính một trái trứng khác và nói: "Ông cố gắng dùng thử trứng
này, tôi đã luộc vừa chín tới thôi?" Bất giác, ông lính già rùng mình cảm
động, nói lí nhí trong miệng: "Tôi thật có lỗi vì đã vô lý quát mắng cô.
Giờ đây tôi sẽ ăn quả trứng này cũng để cám ơn lòng tốt của cô !"
Tình yêu có sức biến đổi lạ lùng hơn bất cứ một sự biến
đổi lạ kỳ nào, nhất là nó có khả năng biến đổi cả lòng những con người độc ác nữa.
Ước gì chúng ta biết noi gương theo Thầy Chí Thánh Giê-su luôn nhìn thấy những
điều tốt đẹp nơi con người và luôn hy vọng vào những người đang lầm lạc trong
cuộc đời này để dùng tình yêu cảm hoá biến đổi họ nên tốt.
2) PHẢI LÀM GÌ
ĐỂ NÊN GIỐNG CHÚA GIÊ-SU ?
Ngày xưa, một ông vua nước Hy Lạp tổ chức một
cuộc thi làm tượng ảnh nghệ thuật: các nghệ nhân sẽ tạc tượng hoặc
làm tranh tượng về chân dung của nhà vua. Vua hứa sẽ ban phần thưởng
lớn cho những tác phẩm giống ngài nhất. Nghe thông báo, các nghệ nhân
từ khắp các nước chung quanh đã ùn ùn kép đến Hy Lạp xin vào hoàng
cung ứng thí. Nghệ nhân Ấn-độ thì mang theo dụng cụ để chạm trổ đồ
kim hoàn vàng bạc và các loại ngọc trai quý giá. Nghệ nhân Ai Cập
thì mang theo đồ nghề đục đẽo đá quý và một khối đá cẩm thạch rất
đẹp. Ai cũng quyết tâm dành được giải thưởng của nhà vua. Riêng nghệ
nhân nước chủ nhà Hy Lạp chỉ đến ứng thí với bộ đồ gọt dũa đánh
bóng đơn giản.
Mỗi đoàn dự thi được ban tổ chức bố trí chỗ ở
và làm việc tại một phòng trong khu hoàng cung. Tới ngày thi, nhà vua
ra lệnh mỗi đoàn phải hoàn thành tác phẩm trong thời gian một tuần
lễ. Thế là các nghệ nhân vội vàng bắt tay vào việc. Họ đục đẽo,
chà sát, đánh bóng để khắc họa chân dung nhà vua Hy Lạp cho giống như
người thật. Khi một tuần trôi qua, nhà vua truyền đem các tác phẩm
đến trưng bày tại đại sảnh lớn trong hoàng cung để nhà vua và bá
quan trong triều đến chấm điểm. Nhà vua hết sức hài lòng, khi chiêm
ngưỡng các tác phẩm dự thi họa lại chân dung của mình, do các nghệ
nhân Ấn Độ, Ai Cập và nhiều nước khác sáng tác. Mỗi bức tượng,
tranh tượng hay phù điêu đều có những đường nét tinh vi sắc sảo, nhìn
giống hệt khuôn mặt của ngài. Các tác phẩm ấy được tạc vẽ từ đất
nung, từ đá cẩm thạch, hay các loại vàng bạc quý kim khác. Cuối
cùng khi đến chỗ trưng bày của các nghệ nhân Hy Lạp thì nhà vua và bá
quan rất ngạc nhiên vì không thấy bất cứ bức tượng hay tranh tượng nào
được trưng bày, mà chỉ thấy một phiến đá cẩm thạch trắng, được các
nghệ nhân đánh bóng. Nhà vua liền hỏi tác phẩm đâu, thì một người đã
đưa ngài đến đứng trước phiến đá và chỉ vào chân dung của ngài hiện
ra trong đó. Nhìn thấy hình ảnh trung thực của mình, nhà vua đã hiểu
ra và hết sức cảm động. Ngài nhận xét các bức tranh hay tượng khác,
dù có giống ngài nhưng chúng không sống động và trung thực bằng hình
ảnh được phản chiếu từ chính con người thật của ngài. Nhà vua đã
chấm cho tác phẩm của đoàn nghệ nhân Hy Lạp hạng nhất. Còn các tác
phẩm khác cũng được xếp hạng và đều có phần thưởng tương xứng với
giá trị của chúng. Sau đó, tất cả các tác phẩm đều được trưng bày
tại viện bảo tàng quốc gia cho dân chúng tự do đến chiêm ngưỡng.
3. SUY NIỆM:
Hôm nay, Hội Thánh mừng kính 2 vị Tông đồ là Phê-rô
và Phao-lô chung trong một ngày lễ. Chúng ta cùng suy nghĩ về cuộc đời của hai Tông
đồ trụ cột này của Hội Thánh để thấy được sức mạnh tình thương của Thiên Chúa
trong việc biến đổi lòng người.
1) Về ơn kêu
gọi của hai Tông đồ Phê-rô và Phao-lô:
- Phê-rô làm
nghề đánh cá tại làng Bet-sai-đa, gần hồ Ga-li-lê. Phê-rô tên thật là Si-mon, có em là
An-rê. Khi An-rê được thầy mình là Gio-an Bao-ti-xi-ta giới thiệu về Đức Giê-su thì "Trước hết ông gặp anh mình là Si-mon và nói : Chúng tôi đã gặp
được Đấng Mê-si-a. Rồi ông dẫn anh mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn
Phê-rô và nói: "Anh là Si-mon, con ông Gio-na, anh sẽ được gọi là Kê-pha
nghĩa là Đá" (Ga
1,41-42). Sau đó ít ngày, đang lúc Đức Giê-su đi trên bờ hồ Gê-nê-sa-rét, có
đám đông dân chúng đi theo. Người thấy ông Si-mon đang giặt lưới dưới thuyền,
nên Người đã xuống thuyền ấy mà giảng dạy dân chúng ngồi trên bờ hồ. Giảng
xong, Người bảo Si-mon chèo thuyền ra giữa hồ đánh cá. Mặc dù suốt đêm vất vả
mà không bắt được con nào, nhưng Si-mon vẫn vâng lời Thầy: Ông chèo thuyền ra
khơi thả lưới và đã bắt được mẻ cá lạ lùng. Trước sự lạ ấy, Si-mon tỏ vẻ kính
sợ, nhưng Người bảo ông: "Đừng
sợ, từ nay anh sẽ là kẻ chài lưới người ta. Thế
là ông đưa thuyền vào bờ rồi đi theo làm môn đệ Người” (Lc.5,10-11).
- Phao-lô tên thật là
Sao-lê quê thành Tác-sô, miền Ki-li-ki-a. Theo học với ông thầy nổi tiếng là
Ga-ma-li-en. Sao-lê giữ luật Mô-sê nghiêm chỉnh. Tuy là người Do Thái nhưng ông
cũng có quốc tịch Ro-ma. Sao-lê rất sùng đạo Do thái nên rất ghét đạo mới của Đức
Giê-su. Nghe tin ở Đa-mát có nhiều tín hữu Ki-tô, Sao-lê đã xin lệnh của thượng
tế, đem quân đến thành Đa-mát bắt các tín hữu mang về Giê-ru-sa-lem trị tội.
Nhưng khi đến cửa thành, Sao-lê đã bị một làn chớp sáng đánh trúng bị té xuống
ngựa, mắt ông bị loà không nhìn thấy gì. Ông nghe thấy tiếng Chúa Giê-su hiện
ra hạch hỏi và ông đã khuất phuc Người. Rồi ông được một người trong thành là
A-na-ni-a đón vào thành và dạy đạo. Sau khi được chịu phép rửa tội, Sao-lê lại
được sáng mắt và được đổi tên thành Phao-lô. Ông còn được Chúa Phục Sinh hiện
ra dạy dỗ cách riêng và trao cho sứ mệnh làm tông đồ rao giảng Tin Mừng (x.
TĐCV 22,3-21). Thế là từ một người cuồng tín đi bắt đạo, Phao-lô đã được ơn
Chúa biến đổi thành một Tông đồ dân ngoại.
2) Tính cách của hai vị Tông đồ Phê-rô và Phao-lô:
- Tông đồ Phê-rô khi đi theo Đức Giê-su gần ba năm,
thường đại diện Nhóm 12 trả lời Thầy. Khi Người hỏi: “Người ta nói Thầy là ai?”
Phê-rô đã đại diện anh em thưa rằng: "Thầy là Đức Ki-tô Con Thiên Chúa
hằng sống". Có lần Phê-rô ngăn cản Thầy đừng đi Giê-ru-sa-lem chịu khổ
nạn, và ông đã bị Thầy nặng lời quở trách là « Sa-tan ». Phê-rô đã
được các tác giả Tân Ước đề cập tới 195 lần. Ông có tính tình nóng nảy và yêu
mến Thầy. Khi nghe Đức Giê-su cho biết các môn đệ sắp hèn nhát bỏ Thầy chạy
trốn, Ông đã hứa với Thầy: “Dù moi
người bỏ thầy, còn Phê-rô sẽ không bao giờ". Tuy nhiên, ông
cũng là một người yếu đuối, nên ông đã phạm tội chối Thầy 3 lần: "Tôi
không biết ông Giê-su là ai". Đến khi nghe tiếng gà gáy và Đức
Giê-su bị trói đi ngang qua chỗ ông và Người nhìn ông, thì ông đã xúc động ra
ngoài khóc lóc thảm thiết. Đức Giê-su sau khi sống lại, đã hiện ra hỏi Phê-rô
ba lần có mến Thầy hơn những người này không, thì cả ba lần ông đều khẳng định:
"Thưa Thầy, có. Thầy biết con mến Thầy”. Mỗi lần như thế, Chúa lại trao
cho ông trách nhiệm chăn dắt đàn chiên của Người (x. Ga 21,15-19)
b) Tông đồ Phao-lô sau khi trở lại với Chúa, đã hết
lòng loan báo Tin Mừng. Ông đã đi khắp vùng Đế Quốc Rô-ma rao giảng cho dân
ngoại tin theo Chúa, chấp nhận mọi gian nan chống đối gặp phải: bị bắt bớ xét
xử, bị đánh đòn, đắm tầu, đói rét, ở trần… vì Danh Chúa. Nhờ sự soi dẫn của
Chúa Thánh Thần, Phao-lô đã viết nhiều bức thư để tiếp tục giáo huấn về cách ăn
nết ở cho các tín hữu trong các giáo đoàn đã nghe ngài giảng mà tin theo Chúa
Giê-su, nhằn răn dạy họ bỏ các tội lỗi mà sống tốt lành theo Chúa Giê-su. Ông
cũng dạy họ đào sâu về nhiều mặt như: Kinh Thánh, tín lý, luân lý, phụng vụ…
Phao-lô còn nêu gương sẵn sàng chịu mọi đau khổ hơn mọi người vì danh Chúa
Giê-su như ông đã viết: “Họ là người phục vụ Đức Ki-tô ư? Tôi nói như người
điên: Tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội
vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do thái đánh bốn mươi roi
bớt một. Ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một
ngày lênh đênh giữa biển khơi… (2 Cr 11,23-25…)
3) Về lòng mến Chúa của hai vị Tông đồ Phê-rô và Phao-lô:
- Tông đồ Phê-rô: Theo sách Công vụ Tông đồ, vào lễ
Ngũ Tuần, sau khi đón nhận ơn Thánh Thần, Phê-rô đã cùng các Tông đồ bắt đầu
thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ông đã giảng một bài đầu tiên tại
Giê-ru-sa-lem. Ngay lúc đó nhờ ơn Thánh Thần tác động, đã có 3 ngàn người xin theo
đạo. Sau đó Phê-rô cùng Nhóm 11 Tông đồ đã bỏ phiếu chọn ông Mat-thi-a thế chỗ
cho Giu-đa phản bội. Ông cũng được Thánh Thần ban cho ơn làm nhiều phép lạ để cứu
nhân độ thế mỗi khi giảng đạo. Ông đã chữa cho một người què tại cửa Đền thờ,
và đón nhận dân ngoại vào Hội Thánh. Người ta tin rằng chỉ cần cái bóng của ông
lướt qua bệnh nhân cũng đủ để chữa lành cho họ. Phê-rô và các Tông đồ trong
Nhóm 12 ưu tiên loan báo Tin Mừng cho dân Do thái. Ông đã bị các đầu mục dân Do
thái bắt bớ tra xét nhiều lần và cấm ông rao giảng Danh Đức Giê-su. Nhưng ông
đã tuyên bố trước Thượng Hội Đồng Do thái rằng: « Phải vâng lời Thiên Chúa
hơn là vâng lời người phàm… Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng cùng
với Thánh Thần » (Cv 5,29-32). Vào lúc cuối đời, khi đang ở Rô-ma và có
nguy cơ bị bắt, Phê-rô đã nghe lời các tín hữu đề nghị nên đã cải trang và trốn
thoát được ra ngoài thành Rô-ma để có thể tiếp tục lãnh đạo Hội Thánh. Nhưng
sau đó ông đã gặp Đức Giê-su vác thánh giá đi vào thành. Ông hỏi Người: “Quo
vadis ?” (Thầy đi đâu?). Chúa trả lời: “Ta vào thành Rô-ma để chịu đóng đanh
một lần nữa” rồi Chúa biến mất. Phê-rô hiểu ý Chúa muốn ông ở lại Rô-ma để làm
chứng cho Chúa cùng các anh em tín hữu, nên ông lại quay vào thành. Sau đó
Phê-rô bị bắt và bị kết án tử hình thập giá vào năm 65 dưới thời hoàng đế
Nê-rông. Khi chịu đóng đinh, để tỏ lòng tôn kính Chúa Giê-su, ông xin lính đóng
đinh và dựng thập giá trong tư thế quay ngược đầu xuống đất. Ngày nay một ngôi
Đền thờ Thánh Phê-rô to lớn đã được xây dựng trong thành Rô-ma, dưới tầng hầm có
chứa mộ phần của thánh Phê-rô. Trong thời gian giảng đạo ở Rô-ma, thánh Phê-rô
đã viết 2 bức thư cho các tín hữu miền Tiểu Á đang chịu bách hại, khuyên dạy họ
hãy can đảm sống đức tin bằng việc thực thi sự hiệp nhất yêu thương nhau, vâng
phục các mục tử, đoạn tuyệt tội lỗi và chờ đợi ngày Chúa quang lâm sắp đến.
- Tông đồ Phao-lô: Phao-lô thực là dụng cụ Chúa dùng
để đưa nhiều người về với Chúa. Ông là một người trung thành, can đảm, thẳng
thắn… Là cầu nối kết giữa dân Do thái và dân ngoại, giữa Cựu ước và Tân ước.
Nhờ Phao-lô mà dân ngoại trong đó có chúng ta không phải chịu nghi thức cắt bì
của Do thái giáo và không phải mang “ách Luật Mô-sê” như dân Do thái xưa. Từ
khi gặp Chúa và đi theo làm Tông đồ của Chúa, Phao-lô đã có lòng mến Chúa cách
đặc biệt. Ông đã nêu gương sáng và dạy các tín hữu tin yêu Chúa Giê-su. Chẳng
hạn ông viết: “Đối với tôi sống là Đức Ki-tô” (Pl 1,21) “Tôi coi mọi sự như
phân tro, để chỉ mong được lời lãi Tình yêu Đức Ki-tô" (Pl 3,8).- "Ai có thể
tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ,
đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? … Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết
hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất
cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác,
không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức
Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39). "Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà
là Đức Ki-tô sống trong tôi" (Gl 2,20). Cuối cùng, trong thời kỳ
người Rô-ma bách hại đạo Công giáo, Phao-lô đã bị bắt tù, và sau cùng Phao-lô đã
bị kết án tử và bị chém đầu ở ngoài thành Rô-ma vào năm 67.
4) Sống “hiệp nhất” để làm chứng cho Chúa noi gương Tông
đồ Phê-rô và Phao-lô:
- Hiệp nhất trong đức tin: Hai vị Tông đồ đã hiệp nhất một
lòng một ý trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng. Mặc dù còn có nhiều khác biệt về
bản thân, tính tình, về ơn gọi theo Chúa, về xu hướng truyền giáo… nhưng cả hai
đã tạo nên một sự hiệp nhất trong đa dạng, qua việc cùng trở thành nền tảng xây
dựng toà nhà Hội Thánh, sẵn sàng chết vì Danh Chúa. Hai vị đã được Hội Thánh
tôn vinh trong một ngày lễ. Các ngài đã trở nên biểu tượng của sự hiệp nhất
trong đa dạng của Hội Thánh: “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều
chính, yêu thương trong tất cả”. Đó chính là khuôn vàng thước ngọc cho các tín
hữu noi theo.
- Hiệp nhất trong lòng mến: Ngày nay muốn trở nên tông đồ
của Chúa Giê-su, các tín hữu phải có lòng mến Chúa noi gương hai vị Tông
đồ. Nhờ lòng mến Chúa thôi thúc, chúng ta sẽ được ơn Chúa thanh luyện khỏi
những đam mê, thói hư, các vết nhơ tội lỗi. Nhờ siêng năng nghe Lời Chúa
và tham dự thánh lễ rước lễ mỗi ngày, xét mình mỗi tối trước khi đi
ngủ, học tập theo Chúa Giê-su… chúng ta cũng sẽ có thể nhìn tha nhân bằng
ánh mắt bao dung nhân hậu, sẽ ăn nói điềm đạm, vui vẻ chân thành, ứng xử
hiền hòa và khiêm tốn phục vụ … Nhờ đó chúng ta sẽ nên người tông đồ giáo
dân nhiệt thành làm chứng cho Chúa, noi gương hai thánh Tông đồ Phê-rô và
Phao-lô.
4. THẢO LUẬN:
Đối với bạn, Đức Giê-su là ai ? (Là một ngôn sứ,
để xin Người cầu bầu với Chúa Cha cho ta; hay là một thần tượng để ta
chiêm ngưỡng thán phục; hay chính là Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa, để
ta tin theo và sẵn sàng bỏ mọi sự và đi theo làm môn đệ của Người, sẵn
sàng vác thập giá mình là chịu đựng các đau khổ gặp phải, kết hiệp với
sự đau khổ của Người trên cây thập giá để góp phần cứu rỗi thế gian?)
5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chúng con
cũng muốn được góp phần xây dựng Hội Thánh. Nhưng muốn làm được như
vậy, chúng con phải có đức tin mạnh như thánh Phê-rô. Xin Chúa cho
chúng con trở thành những viên đá đức tin sống động vững chắc, làm
thành nền móng xây nên tòa nhà Hội Thánh. Xin Chúa hãy giúp chúng
con tránh những lời nói xúc phạm tha nhân, những hành động vụ lợi ích
kỷ, để sống hòa hợp với mọi người. Xin giúp chúng con loại bỏ những
đam mê bất chính và các thói hư tật xấu, loại bỏ tính háo danh,
thói ưa châm chọc chỉ trích kẻ khác, loại bỏ tư tưởng tự mãn và hẹp
hòi… Nhờ đó, chúng con trở thành những chứng nhân cho tình yêu bao dung
nhân hậu của Chúa noi gương hai thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô.
- LẠY CHÚA. Tòa nhà Hội Thánh
sau hai ngàn năm đến nay vẫn đang tiếp tục được tu bổ những chỗ còn dang
dở. Xin Chúa giúp mỗi tín hữu chúng con tích cực góp phần xây dựng
để ngôi nhà Hội Thánh sớm được hoàn thành. Xin cho chúng con luôn sống
yêu thương hòa thuận để gia đình và Giáo xứ chúng con trở thành một
cộng đoàn yêu thương hiệp nhất và bình an. Nhờ đó nhiều người sẽ
nhận biết tin thờ Chúa và sau này cùng được chia sẻ niềm vui ơn cứu
độ với chúng con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN
CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH
- HHTM