LỄ SINH NHẬT
THÁNH GIO-AN TẨY GIẢ
Sứ mệnh cao
cả của thánh Gio-an Tẩy Giả
Lắng nghe sứ điệp Lời
Chúa (Is 49:1-6;
Cv 13:22-26; Lc 1:57-66, 80)
Khi dựng
nên mỗi người chúng ta, Thiên Chúa đã ký thác cho chúng ta một sứ mệnh. Đã là sứ mệnh Chúa trao thì sứ mệnh nào cũng
là cao cả, vì mục đích của sứ mệnh là làm theo thánh ý Người để danh Chúa được
cả sáng. Chúng ta mừng lễ sinh nhật
thánh Gio-an Tẩy Giả cũng là dịp để suy nghĩ về sứ mệnh của ngài, nhất là cách
thức ngài đã chu toàn sứ mệnh ấy như thế nào.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giới thiệu cho chúng ta một vài điểm đặc biệt
trong sứ mệnh của thánh Gio-an và phong cách ngài đã thi hành sứ mệnh ấy. Đồng thời lời Chúa cũng nhắc nhở chúng ta
nhìn lại sứ mệnh mà Chúa đã trao ban cho mỗi người chúng ta nữa.
Trước hết
ngôn sứ I-sai-a mô tả sứ mệnh của ngài và sứ mệnh này là hình ảnh nói lên sứ mệnh
của Gio-an Tẩy Giả trong tương lai. Sứ mệnh
làm ngôn sứ của I-sai-a đã được Thiên Chúa chuẩn bị bằng việc kêu gọi: Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ. Thời gian Chúa kêu gọi tùy từng trường hợp. Có khi Chúa “gọi” chúng ta ngay lúc chúng ta
còn trong lòng mẹ, có khi gọi chúng ta ở tuổi thiếu niên, hoặc ở bất cứ tuổi
nào. Đối với Chúa, thời gian không tính
bằng con số ngày, tháng, năm… mà bằng cơ hội.
Chúa trao cho chúng ta sứ mệnh có nghĩa là muốn chúng ta thành một dụng
cụ hoặc phương tiện của Người. Vậy Chúa
muốn Gio-an thành một dụng cụ để làm gì?
Chúa đã làm cho miệng lưỡi Gio-an “nên như gươm sắc bén” và biến Gio-an
“thành mũi tên nhọn”. Nói khác đi, Chúa
muốn nhờ Gio-an “nói” điều Chúa muốn nói với nhân loại và Người sử dụng Gio-an
như mũi tên bắn vào tâm hồn kẻ tội lỗi để khơi động lòng sám hối của họ. Như thế, rõ ràng sứ mệnh của thánh Gio-an Tẩy
Giả là rao giảng (nói) để kêu gọi (mũi tên nhọn) người ta trở về với Thiên
Chúa. Khi thi hành sứ mệnh Chúa trao,
ngôn sứ I-sai-a cũng như thánh Gio-an Tẩy Giả sau này, đều phải là người “tôi
trung” của Chúa. Kẻ thi hành sứ mệnh phải
trung thành với người trao sứ mệnh; nếu kẻ
thi hành bất trung, tức là làm trái ý người trao sứ mệnh, thì họ sẽ là kẻ phản
bội người trao sứ mệnh. Tuy nhiên, kỳ vọng
của Thiên Chúa khi trao sứ mệnh cho chúng ta không chỉ dừng lại ở mức độ trung
thành trong phạm vi nhỏ hẹp, nhưng Thiên Chúa còn mời gọi chúng ta tham dự vào
kế hoạch lớn lao của Người, đó là kế hoạch cứu độ nhân loại. Điều này thật rõ ràng vì chúng ta thấy Thiên
Chúa đã dành một vai trò đặc biệt cho thánh Gio-an trong kế hoạch cứu độ trần
gian. Thánh Gio-an không chỉ kêu gọi dân
Do-thái sám hối, mà còn kêu gọi hết mọi người mọi thời và mọi nơi. Do đó, lời giảng của ngài được tóm lại trong
một điệp khúc ngắn gọn: “Anh em hãy sám
hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mát-thêu 3:2), một sứ điệp gửi cho toàn thể nhân
loại.
Trở lại
với bài đọc Tin Mừng, tường thuật của thánh sử Lu-ca cho chúng ta một vài điều
thú vị liên hệ đến sứ mệnh của Gio-an Tẩy Giả.
Trước hết việc Gio-an ra đời trở thành một dấu chỉ nói lên “Chúa đã rộng
lòng thương xót”. Không những đó là dấu
chỉ lòng Chúa thương xót đối với riêng bà Ê-li-sa-bét son sẻ, mà cũng là dấu chỉ
lòng Chúa thương xót mọi người, kể cả chúng ta nữa. Sinh nhật thánh Gio-an là tin vui được chia sẻ
cho mọi người láng giềng và thân thích của ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét. Sau đó là việc đặt tên cho Gio-an. Gio-an là tên Thiên Chúa đặt cho em nhỏ, chứ
không phải do cha mẹ họ hàng. Điều này
có nghĩa là Gio-an đã trở thành người của Thiên Chúa, được dành riêng cho Thiên
Chúa để thi hành sứ mệnh Người trao ban.
Rõ ràng “bàn tay Chúa” đã can thiệp và phù hộ Gio-an từ khi em mới sinh
cho đến hết đời! Cuối cùng, thánh Lu-ca
kết luận về sự trưởng thành của Gio-an theo cùng khuôn mẫu trưởng thành của
Chúa Giê-su: cậu bé càng lớn lên thì
tinh thần càng vững mạnh, vững mạnh để rao giảng sám hối, làm phép rửa cho dân
chúng bên dòng sông Gio-đan, và vững mạnh để chấp nhận lao khổ và chịu tử đạo
trong nhà tù của vua Hê-rô-đê.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Trong
bài giảng tại hội đường An-ti-ô-ki-a, thánh Phao-lô đã nói lên phong cách thánh
Gio-an Tẩy Giả thi hành sứ mệnh như thế nào.
Phao-lô nói: “Khi sắp hoàn thành
sứ mạng, ông Gio-an đã tuyên bố: ‘Tôi
không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi
không đáng cởi dép cho Người’”. Đó là
phong cách khiêm tốn của người thi hành sứ mệnh. Sứ mệnh không phải là những gì về con người chúng
ta, nhưng là về Chúa và công việc của Người.
Cho nên kẻ thi hành sứ mệnh không được đặt mình và quyền lợi của mình
lên trên Đấng ban sứ mệnh và lên trên quyền lợi của Người. Danh Chúa được cả sáng, kẻ tội lỗi trở về với
Chúa…, đó là những quyền lợi của Chúa chứ không phải của chúng ta, và chúng ta
chỉ là dụng cụ Chúa sử dụng để giúp cho các quyền lợi của Chúa được thực hiện. Chính thánh Gio-an Tẩy Giả đã trung thành với
châm ngôn của ngài khi ngài nói với các môn đệ ngài: “Người [Đấng Ki-tô] phải nổi bật lên, còn thầy
phải lu mờ đi” (Gio-an 3:30).
Sứ mệnh
“dọn đường” cho Chúa đến không chỉ là sứ mệnh của thánh Gio-an Tẩy Giả, nhưng
là của mọi người chúng ta. Ai cũng phải
một Gio-an Tẩy Giả tại gia đình, sở làm, giáo xứ hoặc trong xã hội ngoài
kia. Mỗi người chúng ta sẽ thi hành sứ mệnh
ấy theo phong cách của chúng ta.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi