Noi Gương Thánh Giuse Sống Lòng Thương Xót
Suy Niệm Lễ Thánh Giuse
(Mt 1, 16. 18-21.24)
Trong khung cảnh của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Thánh Giuse, bạn trăm năm của
Ðức Trinh Nữ Maria, cha nuôi Chúa Giêsu, vị quan thầy khả kính dễ mến, dễ
thương, là gương tốt lành cho giới gia trưởng, được Giáo hội đề cao như là mẫu
gương cho người thế noi gương, bắt chước, học đòi về sự công chính và lòng từ
bi thương xót.
Tin mừng gọi là người công chính. Công chính trước hết có nghĩa là tuân giữ
luật Chúa (Rm 4,2; Gl 3,6). Công chính còn được hiểu là lòng xót thương nhân hậu,
(St 12,19; Tv 37,21; Tv 112,4). Thánh Giuse là người có lòng thương xót, đính
hôn với Maria như bao thanh nam nữ tú khác. Theo phong tục Do thái, khi hai người
nam nữ đính hôn đã thành vợ chồng, dù chưa chung sống với nhau. Muốn bỏ nhau phải
ra toà xin ly dị. Nếu vợ ngoại tình, phải bị xử ném đá theo luật.
Thế mà Maria đã có thai trước khi về chung sống. Giuse thật khó xử. Tin mừng
viết: “Giuse, chồng bà là người công chính và không muốn tố giác bà, nên định
tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1, 19). Vì nhân hậu và thương xót, Giuse không tố
cáo, làm nhục Maria, người mà ông rất tin tưởng, mến yêu và quí trọng; càng
không muốn Maria bị xử phạt theo luật, nên quyết định âm thầm ra đi. Vì công
chính, hành động theo ý Chúa, nên Giuse sau lời giải thích của Thiên thần, đã
tín thác hoàn toàn, sẵn sàng đón Đức Maria về nhà làm bạn mình và phục vụ với
lòng kính trọng, mến yêu.
Vốn là người vâng nghe ý Chúa, Giuse đã sống ơn gọi làm chồng cách trung
thành. Vì thế, thánh nhân trở nên người chồng mẫu mực của Đức Maria, người cha
tận tụy đối với Chúa Giêsu, như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh:
“Thánh Giuse, vì yêu thương chăm sóc Mẹ Maria và vui mừng tận tụy giáo dục Ðức
Giêsu Kitô, như thế Ngài cũng giữ gìn và bảo vệ nhiệm thể của Ngài là Giáo Hội,
mà Ðức Thánh Trinh Nữ là hình ảnh và gương mẫu” (Trích Tông Huấn
Redemptoris Custos, 1).
Nếu như Đức Thánh Cha Phanxicô nói, thế giới hôm nay rất cần đến lòng
thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa. Chúng ta có thể nói mà không sợ sai lầm
rằng, các gia đình chúng ta hôm nay đang rất cần có những người chồng, người
cha công chính và có lòng thương xót như thánh cả Giuse biết bao. Đó là lý do
chúng ta mừng kính để xin người cầu thay nguyện giúp cho các người cha.
“Hãy cứu lấy các gia đình hỡi những người cha” là lời kêu gọi của Đức
nguyên Giáo hoàng Bênêđitô, ngài tiếp : “các gia trưởng sẽ bớt bài bạc, bớt những
chén rượu, bớt đi những cuộc vui vô bổ, để làm gương sáng cho vợ con về lòng
tin ; siêng năng cầu nguyện và đến với Chúa …”. Thánh Giuse đã làm điều đó, đem
Con Trẻ và Mẹ Người trốn sang Ai Cập, dẫn về thành Nagiarét, lên Đền thờ dự lễ
và vui sống bình an.
Thật là đẹp khi ta thấy người chồng một tay dắt vợ, với nách ôm con đến nhà
thờ dự lễ. Kết hôn, người nam sẽ bỏ cha mẹ mà luyến ái với vợ mình, hai người
nên một, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe.
Logo Năm Thánh Lòng Thương Xót, cha họa sỹ vẽ Chúa Giêsu vác Ađam lên vai, hai
mắt nhìn vào nhau 2 con người với 3 con mắt. Không phải ngài vẽ thiếu, nhưng chủ
đích muốn nói chính tình yêu và Lòng Thương Xót hòa quyện giữa Thiên Chúa và
con người với nhau, để Ađam hướng nhìn vào Thiên Chúa thì khám phá ra lòng
Chúa xót thương. Và Chúa Giêsu nhìn chúng ta với con mắt của Ađam để thấy được
những lỗi lầm thiếu xót, những đau khổ gian nan mà con người phải chịu do tội lỗi,
để ôm ấp, yêu thương và chữa lành. Từ đó, ta nhìn anh em với con mắt của chính
Chúa Giêsu, để sống lòng thương xót của Thiên Chúa với tha nhân.
Nếu người chồng mà nhìn vợ bằng con
mắt của vợ, mang lấy tâm tư, vui buồn, sướng khổ của người vợ, và người vợ nhìn
chồng bằng con mắt của người chồng, mang lấy ý muốn, tâm tư, cố gắng thực hiện
ước mơ của người chồng thì thật hạnh phúc.
“Tình yêu là sứ mạng của chúng ta” là chủ đề của ĐHGĐTG tại
Philadelphia vừa qua. Tình yêu là cốt lõi làm nên ý nghĩa cho đời sống gia
đình. Nếu Thiên Chúa không yêu thương thì không tạo dựng gia đình, không có mầu
nhiệm nhập thể, và không có chết trên Thánh giá. Cũng vậy, không có tình yêu,
chẳng ai dại gì mà kết hôn với nhau cho nó nặng nề. Có tình yêu, người ta mới sống
với nhau trong tình nghĩa vợ chồng, hy sinh, quên mình để sống cho người khác.
Vì Thiên Chúa là Tình Yêu, nên Thiên Chúa gieo mầm tình yêu đó nơi mỗi người
chúng ta. Chúa Giêsu đến để tỏ lộ lòng thương xót của Chúa Cha và trao cho
chúng ta sống và biểu lộ tình yêu ấy cho đồng loại. Tình yêu là sứ mạng thì
chúng ta phải sống, và nhóm lên ngọn lửa để gieo niềm tin và hy vọng trong đời
sống gia đình.
Nhìn vào Logo Năm Thánh thấy Chúa Giêsu vác con ngượi tội lỗi trên vai, cụ
thể hơn, nhìn thánh Giuse bồng Chúa Giêsu trên tay, hai cha con nhìn nhau làm
tôi nhớ tới anh Đinh Văn Mạnh cõng vợ là Lương Thị Hà bị mất chân sau một
vụ tai nạn “đi khắp thế gian” (phát sóng ngày 9/5 trên VTV3). Hay là ông Lê
Xuân Hồng cõng con là Lê Xuân Bách (xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) suốt
20 năm trời đến trường, theo đuổi giấc mơ đỗ Đại học, phát sóng trong chương
trình Điều ước thứ 7 ngày 24/10 thật là cảm động. Dĩ nhiên là có mẹ em động
viên, an ủi. Ba con người, ba trái tim giàu tình yêu thương, họ sống bên nhau,
nương tựa vào nhau trong khó khăn, hoạn nạn. Chưa hết, ngày con nhập trường cũng
là ngày ông cùng con lên trường xin làm bảo vệ để tiếp tục cõng con. Người vợ
nói rằng, ông Hồng là người đàn ông tuyệt nhất thế gian.
Vợ chồng, hay bố mẹ cõng nhau xem ra bình thường, nhưng Báo Dân Trí có đăng
em Nguễn Văn Phong cõng bạn là Lê Xuân Tú (cùng sinh năm 1998, chung lớp 11C5)
đến trường suốt 5 năm trời vì thương bạn quá. Tình bạn không vơi, Tốt nghiệp
THCS, Tú và Phong lại thi đậu vào trường THPT Nguyễn Đức Mậu (huyện Quỳnh Lưu,
Nghệ An) và được xếp vào cùng một lớp.
Đó không phải là thực hành sứ mạng tình yêu và lòng thương xót trong gia
đình noi gương Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse như Chúa dạy đó hay sao.
Kính xin thánh Giuse từ Trời cao trợ giúp các gia đình chúng ta, đặc biệt
là những người cha. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ