LỄ THÁNH GIUSE THỢ : NGHĨ VỀ LAO ĐỘNG
Ngày mùng 01 tháng 5, ngày Quốc Tế Lao Động,
ngày lễ thánh Giuse thợ. Đúng thật là một cơ hội
tốt đẹp để chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của lao động theo quan điểm kitô giáo.
Lần giở lại những chương đầu của Sách Sáng Thế,
chúng ta thấy sau khi tạo dựng vũ trụ mọi loài mọi vật, “Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa
đàng, để họ trồng tỉa và coi sóc vườn” (St 2, 15). Như thế, con người được
tạo dựng giống hình ảnh Chúa, không những giống trong tư tưởng và lòng yêu thương,
mà còn giống trong sự sáng tạo nữa. Lao động là một phần
trong tình trạng nguyên thủy của con người và đã có trước khi con người phạm tội.
Do đó lao động
không phải là hình phạt hay một lời chúc dữ. Lao động chỉ trở nên vất vả và cực
nhọc khi con người phạm tội (Adam và Eva) phá vỡ tình thân nghĩa thiết với
Thiên Chúa, với vũ trụ vạn vật và với nhau.
Phải
khẳng định rằng: Lao động có một vị trí danh dự, vì đó là nguồn đem lại sự phú
túc, là công cụ hữu hiệu để chống lại sự nghèo đói, góp phần phát triển cá nhân, gia đình cũng như xã hội. Tất cả những
thành tựu mà nhân loại đạt được trên thế giới hôm nay chính là thành quả của
lao động. Ai cũng biết “lao động là vinh
quang”, “bàn tay ta làm nên tất cả,
có sức người sỏi đá cũng thành cơm” ( Trích “Bài ca vỡ đất”- Hoàng
Trung Thông).
Phải chăng con người ngày nay đã và đang phá vỡ mối quan
hệ hòa thuận với Thiên Chúa khi con người tàn phá thiên nhiên, làm ô nhiễm môi
trường và suy kiệt tài nguyên? Phải chăng lao động đang trở thành gánh
nặng khi đất đai khô cằn, nhiễm độc do thuốc trừ sâu, phân bón hóa học; cá
tôm không sống nỗi khi sông ngòi và biển cả bị ô nhiễm bởi các nguồn nước thải
do chăn nuôi, bụi bùn, hóa chất phun màu; gây ô nhiễm khí quyển làm thủng tầng
ôzôn?
Con
người với lòng tham và sự tàn nhẫn độc ác, đã biến lao động thành nỗi hãi hùng
cho người khác. Lao động có còn ở “vị trí danh dự”, là “vinh quang” hay không
khi người ta bị bắt làm nô lệ, bị cưỡng bức lao động, bị lao động khổ sai nơi
các trại tập trung, trại cai nghiện và các nhà tù ở nhiều nơi trên thế giới?
Toàn thể trái đất vang lên lời ca ngợi tôn vinh sự làm
việc, thì Kitô Giáo nói gì, nghĩ gì về lao động, về nền văn minh trần thế, và
về sự giầu có? Đức Giêsu dạy thế nào về việc làm và liên quan đến việc
làm ? Người thúc đẩy chúng ta làm việc hay nhìn vào đó với sự lo âu ?
Phải khẳng đình rằng, lao động là một phần chương trình
tình yêu của Thiên Chúa; con người được mời gọi vun trồng và giữ gìn tất cả các
thiện ích của thụ tạo, và như thế tham dự vào công trình tạo dựng! Lao động là
yếu tố nến tảng đối với phẩm giá của một người. Lao động làm cho chúng ta được
tràn đầy phẩm giá; giúp chúng ta giống Thiên Chúa, là Ðấng đã làm việc, đang
làm việc, và luôn làm việc (x. Ga 5,17). Lao động cho chúng ta khả năng nuôi
sống chính mình, gia đình mình, góp phần vào việc phát triển quốc gia, thăng
tiến nhân loại.
Để phục hồi phẩm giá con người, lấy lại ý nghĩa của lao
động, Con Thiên Chúa đã thân hành xuống thế, sinh ra trong một gia đình lao
động. Phúc Âm thánh Máthêu kể rằng trong một lần Chúa Giêsu trở về thăm quê
hương mình là Nagiarét và giảng trong hội đường, các người đồng hương kinh ngạc
trước sự khôn ngoan của Người và hỏi nhau: “Ông
ấy không phải là con bác thợ mộc sao?” (Mt 13,55). Chúa Giêsu đã bước vào
lịch sử của chúng ta, Người đến giữa chúng ta, sinh ra từ Ðức Maria bởi công
trình của Chúa Thánh Thần, nhưng với sự hiện diện của thánh Giuse, người cha
hợp pháp, giữ gìn Chúa và dậy Chúa làm việc.
30 năm lao động với bàn tay của mình: người ta gọi Đức
Giêsu là bác phó mộc và là nông dân. Chắc chắn Người đã lao động ở xưởng mộc
Nagiaret, đã trồng những cây ôlui, cây nho, đã chăn chiên. Người biết giá trị
của lao động để kiếm cơm ăn áo mặc. Biết đồng tiền là cần thiết và dĩ nhiên bàn
tay Người đã tiếp nhận những đồng tiền người ta trả về những đồ vật Người làm,
và đã chọn những tông đồ đầu tiên giữa các người đánh cá. Người đã nâng lao động
chân tay lên khỏi tình trạng thấp hèn. Nếu Đấng Sáng Tạo đã không chê bai lao
động, Đức Giêsu cũng không hờn giỗi việc làm, thì không có người nào trên thế
giới lại phải lấy đó làm cực nhọc, xấu hổ. Đỉnh cao của giáo huấn
Thánh Kinh về lao động là mệnh lệnh phải nghỉ ngơi ngày Chúa nhật, để con
người không trở thành nô lệ cho lao động.
Khoa học kỹ thuật càng phát triển thì con người càng khai
thác triệt để lao động. Bên cạnh đó, lối sống thiên về hưởng thụ vật chất cũng
thôi thúc con người lao động quần quật để đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng,
hưởng thụ các phương tiện hiện đại, thỏa mãn các “nhu cầu ảo”. Một ngày người
ta cố làm việc nhiều ca, làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm luôn Chủ
nhật và ngày lễ. Người ta thấy vui khi được tăng ca để kiếm thêm tiền. Và nại
vào công việc, họ không có thì giờ để quan tâm, thăm viếng nhau, không có thì
giờ cho việc cầu nguyện hay Kinh, Lễ. Phải chăng trong trường hợp này, con
người đã “nô lệ tự nguyện” cho lao động và biến lao động thành “ngẫu tượng”?
Mừng lễ Thánh Giuse Thợ hôm nay, xin Ngài cầu thay nguyện
giúp để mọi người biết mến yêu lao động, vì lao động giúp ta cộng tác vào công
trình cứu độ của Chúa. Chúng ta không làm việc một mình, nhưng có Chúa cùng
hoạt động. Lao động là cần thiết, nhưng chính Thiên Chúa mới là nguồn gốc của
sự sống và là mục tiêu cuối cùng của con người.
Lạy Chúa, xin củng cố việc tay chúng con làm. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ