Thầy Giảng Anrê:
CHÂN PHƯỚC TỬ ÐẠO TIÊN KHỞI
VÀ NGƯỜI KITÔ HỮU

Ðào Ngọc Ðiệp

Bỏ Ngài con biết theo ai,
Ðời lộng gió cánh chim ngàn khơi.
Trùng dương sóng nước mênh mông,
Thuyền buông lái biết trôi về đâu.
Bỏ Ngài con biết theo ai
Bên đời kia tương lai khuất mờ,
Bước đi không Ngài đời con buồn tênh!

Bỏ Ngài con đi với ai,
Vì Ngài có lời ban sự sống!
Bỏ Ngài thân con héo hon,
Ðời cô liêu trên chốn dương gian.
Bỏ Ngài con đi với ai,
Ðường xa lắc tương lai mịt mờ
Nào ai dẫn con trên đường dài?
Bỏ Ngài con đi với ai?

(Bỏ Ngài con biết theo ai, Nhạc & lời: P. Kim)

 

Lời thơ tuy rất bóng bẩy nhưng lại thực tế và nếu ngâm nga theo cung đàn, bản nhạc sẽ đem lại nhiều tâm tình hơn! Có lẽ ai cũng đồng ý rằng Anh Phêrô Kim đã diễn tả đầy đủ và trọn vẹn lời tuyên tín của Phêrô nhân khi nhiều môn đệ rút lui và Ðức Kitô quay lại hỏi nhóm Mười Hai: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao? Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Ðấng Thánh của Thiên Chúa." (Yn 6, 67-69). Lời tuyên tín của vị Tông Ðồ trưởng, gần 17 thế kỷ sau đã được lập lại trong một bối cảnh lịch sử khác biệt, một hoàn cảnh xã hội với nhiều nghiệt ngã và cay đắng: "Tôi quyết theo Thầy Giêsu cho tới chết mới thôi!". Ðó là lời Thầy giảng Anrê Phú Yên đã công khai thâm tín trước quan Trấn Thủ Quảng Nam khi khước từ bước qua thập tự giá của Thầy mình. Trong vài tuần lễ nay, mạng lưới thông tin toàn cầu và các phương tiện truyền thông đã liên tiếp thông báo việc Ðức Thánh Cha sẽ long trọng phong Chân Phước cho hơn 30 vị Tử Ðạo vào ngày 05-03-2000 gồm các vị từ các nước Ba Tây, Phi Luật Tân, Ðài Loan, Belarus và nhất là Thầy Giảng Anrê Phú Yên từ Việt Nam.

VÀI NÉT VỀ THẦY GIẢNG ANRÊ PHÚ YÊN

Theo Việt Nam Giáo Sử do Linh Mục Phan Phát Huồn, thuộc dòng Chúa Cứu Thế biên soạn, Thầy giảng Anrê có tên gọi là Trung (Theo E. Veuillot, La Cochinchine et le Tonkin, nxb Paris 1859, nhưng không rõ tên họ) là một trong những môn đệ đầu tiên mà Cha Ðắc Lộ đào tạo được ở Ðàng Trong. Thầy Anrê sinh vào khoảng năm 1625, 1626 ở thị trấn Ram-an (hay là Ran-ran hoặc Raran) là tỉnh Phú Yên ngày nay. Thời bấy giờ quan Trấn Thủ Quảng Nam là Ông Nghè Bộ, một người rất ghét đạo Giatô. Ông cố tâm bắt cho được thầy giảng Inhaxiô. Lý do là trong một cuộc hội họp bàn về lẽ đạo ở nhà quan Thái Phó, thầy Inhaxiô đã dùng lý đoán của đạo Giatô bịt miệng các quan và các thầy sãi khiến họ căm thù. Tháng 07 năm 1644, ông truyền lệnh lục soát nhà giáo sĩ Ðắc Lộ, nhưng lúc ấy Cha và thầy Inhaxiô đi vắng, chỉ có thầy Anrê ở nhà và vì thế thầy bị bắt giam và bị tuyên án xử tử. Cha Ðắc Lộ và tất cả Bồ kiều tại Quảng Nam đã đến xin quan Trấn Thủ. Họ cũng nài xin những người có ảnh hưởng can gián nhưng quan khăng khăng không chịu. Lý do là vì thầy theo đạo Gia Tô tức là thầy không tuân lệnh vua, mà ai không tuân lệnh vua, người ấy phải bị án tử. Cha Ðắc Lộ đến thăm thầy trong tù, thầy tỏ ra hân hoan, xin xưng tội, đọc kinh sốt sắng, thầy từ giã mọi người để sẵn sàng nhận thọ hình. Ngày 27 tháng 07 năm 1644, tại thị trấn Caciam, (tức Kẻ Chàm) là tỉnh lỵ Quảng Nam bây giờ, thầy là người Công Giáo Việt Nam đầu tiên được lãnh phúc Tử Ðạo, lúc ấy thầy mới chỉ khoảng 19, 20 tuổi. Chính cha Ðắc Lộ đã ở cạnh thầy cho tới lúc đầu thầy rơi giữa vũng máu lai láng đang thấm sâu vào lòng đất Việt. Sau lúc bị chém, đầu thầy Anrê được cất trong một rương quí giá và Cha Ðắc Lộ sau này đã đưa về Roma. Xác của thầy được gởi về Macao đặt tại tu viện của các cha dòng Tên. Máu của thầy đã minh chứng niềm thâm tín của thầy vào Ðức Kitô phục sinh.

ÐỨC TIN SỐNG ÐỘNG

Thiên Chúa gieo vãi hạt giống đức tin vào tâm hồn con người theo nhiều cách thức khác nhau. Có người vừa được sinh ra chào đời đã được cha mẹ đem đến nhà thờ lãnh nhận đức tin qua bí tích Rửa Tội. Có người được nghe và tin qua người phối ngẫu khi tình yêu giữa họ trổ mầm đâm bông. Cũng có người thấy và tin qua lối sống đức tin của những Kitô hữu chứng nhân khác, hoặc có người nhờ lời rao giảng mà tin,v.v… Dù bất cứ dưới hình thức hay hoàn cảnh nào đi nữa, vai trò của Chúa Thánh Thần vẫn là động lực chủ yếu. Từ chỗ đón nhận hạt mầm đức tin đến giai đoạn sống và thâm tín niềm tin của mình lại là một chặng đường xa và dài thăm thẳm là cả cuộc đời. Ðức tin có nảy nở, tươi tốt và trở thành sống động hay không là do chính sự bồi dưỡng của con người qua lòng mến đạo, học đạo và sống đạo. Nếu hành trình đức tin của người Kitô hữu được đo lường bằng những chặng đường dài với những mốc dấu không rõ ràng và khó nhận diện như thế thì quả thật niềm tin của thầy Anrê Phú Yên phải là niềm tin hạt cải có sức chuyển núi di sông (Mt 17, 20).

Một hình ảnh đơn giản nhất để chúng ta tưởng tượng và hình dung ra niềm tin của thầy Anrê là bối cảnh xã hội và văn hóa lúc đó. Ðược sinh ra và trưởng thành trong lòng một dân tộc có hàng ngàn năm văn hiến với tư tưởng không chỉ hướng về mà còn in đậm như khắc sâu trong Nho, Phật, Lão và Ông Bà Tổ Tiên. Nay một người hình dung cổ quái, mắt xanh mũi lõ, tóc vàng da trắng, lêu khêu và nhợt nhạt như ma quỉ từ âm ty địa ngục xuất hiện, (theo nhãn quan bấy giờ người ta gọi là Tây dương bạch quỉ!), nói năng ngọng nghịu, ú ớ đến rao giảng về một tên Giêsu lạ hoắc ở mãi đâu đâu. Người ấy bắt kẻ tin theo phải từ bỏ nhiều tập tục ngàn năm của Ông Bà Tổ Tiên, phải học kinh xem lễ, phải cầu nguyện đọc kinh, lâm râm như niệm thần chú… Áy thế mà thầy Anrê đã tin vào Ðức Giêsu chịu đóng đanh ấy. Ở bối cảnh lịch sử mờ mờ, ảo ảo với đường lối và chính sách bất nhất về đạo Giatô lúc ấy, có lẽ việc học đạo trong qui tắc mến, học và sống đạo để bồi dưỡng đức tin là việc khó thực hiện hoặc rất ít được thực hiện (!), nhưng đức tin của Thầy Anrê không vì thế mà bị bóp nghẹt, trái lại, vẫn phát triển tuy âm thầm nhưng lại mạnh mẽ nhất đến độ dám đón nhận cái chết vì Danh của Thầy mình. Niềm tin sống động ấy, thiết tưởng, phải do Thánh Thần Thiên Chúa đánh động và nung nóng như hỏa lò, có sức đốt cháy mọi u mê, lệch lạc và hoán cải lòng Thầy Anrê Phú Yên đến mức hoàn hảo của niềm tin.

Niềm tin hoàn hảo ấy đã được thầy đem vào cuộc sống của mình trọn vẹn và lây lan sang người khác đồng thời truyền lại cho giáo dân nước Việt thế hệ này tới thế hệ nọ. Trong cuốn "La Glorieuse mort d'André" (nxb Paris, 1653), Cha Ðắc Lộ đã thuật lại cái chết anh hùng của thầy Anrê, Ngài viết: "Trước khi bị xử trảm, thầy bị đâm ba giáo xuyên ngực, người thầy gập xuống, máu của thầy lai láng mặt đất, tôi bảo người đem chiếu hứng lấy những giọt máu anh hùng ấy. Nhưng thầy âu yếm nhìn tôi mỉm cười và xin cho máu mình được hòa tan trong đất, nơi quê hương trần thế của thầy". Những giọt máu đào minh chứng đức tin của thầy phải chăng chính là những hạt mầm đức tin đã được gieo vãi trên mảnh đất Việt Nam như Ðại Văn Hào Công Giáo Tertulianô đã viết:" Máu các Thánh Tử Ðạo là mầm nảy sinh các tín hữu"! Là những người Công Giáo Việt Nam, con cháu các Thánh Tử Ðạo Anh Hùng, chúng ta hôm nay học hỏi được những gì nơi các Ngài?

NOI GƯƠNG CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN

Trong văn thư gửi tới toàn thể Cộng Ðồng Dân Chúa Việt Nam Hải Ngoại với những chỉ dẫn cụ thể về lễ Tuyên Phong Chân Phước cho Thầy Anrê Phú Yên, Ðức Ông Giuse Ðinh Ðức Ðạo, Giám Ðốc Văn Phòng Phối Kết đã viết như sau: "Trong niềm hân hoan đón nhận tin Ðức Thánh Cha quyết định nâng vị Tôi Tớ Chúa là Thầy Giảng Anrê Phú Yên lên hàng Chân Phước, Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại chúng ta cùng hiệp thông với Giáo Hội tại Quê Nhà cảm tạ Thiên Chúa. Ðồng thời, đây cũng là dịp chúng ta được mời gọi noi theo gương ngài, chân thành sống đức tin và hăng say loan truyền sứ điệp tình yêu của Chúa cho mọi người."

Học hỏi và noi gương là những chữ được lập đi lập lại nhiều lần trong văn thư nhằm cổ động và khuyến khích mọi tín hữu sống ơn gọi Kitô hữu của mình. Nếu ở thời đại của Thầy Giảng Anrê, việc học đạo để bồi dưỡng đức tin phải chịu lệ thuộc vào các thừa sai, lúc có lúc không, thì ở thời đại tin học hôm nay, việc nghe và học đạo có lẽ dễ dàng hơn bao giờ hết. Ðó là những cơ hội tốt để chúng ta bồi dưỡng niềm tin tưởng vào Chúa Kitô phục sinh. Không thể là chứng tá nếu không tin thật và không thể sống niềm tin nếu niềm tin không mãnh liệt đủ để biểu lộ bằng đời sống. Thánh Phêrô chủ trương việc làm gương về một đời sống đáng kính và trong sạch thì thắng đoạt, mà không cần một lời nào đối với những kẻ chối từ tuân nghe lời nói (1Pr.3, 1). Giáo Hội cũng bằng việc làm và đời sống của mình mà rao giảng phúc âm cho thế giới, nói cách khác, bằng chứng tá sống động của mình trong việc trung thành với Ðức Kitô, chứng tá khó nghèo và không dính bén, chứng tá tự do trước những quyền lực thế gian, chứng tá của sự thánh thiện (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn IV).

Cũng theo Việt Nam Giáo Sử, "sau lúc các cha thừa sai đã về Macao (tháng 09, 1643), các thầy giảng (trong đó có thầy Anrê) đã hăng nồng đi rao giảng lời Phúc Âm của Chúa Giêsu. Các thầy rửa tội cho 293 người gần chết và đã dạy đạo cho một số đông, những người này được rửa tội lúc các cha trở về lại nước (Ðàng Trong)". (tr.62). Việc rao giảng như thế cũng đóng một vai trò quan trọng và cần thiết trong đời sống chứng nhân của người Kitô hữu: "Làm sao họ có thể tin vào Ngài là Ðấng họ chưa bao giờ nghe nói đến? Và làm sao họ được nghe mà lại không có người rao giảng?… Thế nên đức tin nhờ nghe mà có và nghe được là do việc rao giảng về Chúa Kitô" (Rm 10, 14,17).

Hơn ba thế kỷ trước, với kiến thức rất hạn chế về đạo Chúa, với phương tiện truyền giáo rất eo hẹp, luôn bị giới cai trị ngờ vực và thù nghịch với đầy bất trắc, mà Thầy Anrê còn sống trọn vẹn niềm tin và vai trò chứng nhân của mình thì chúng ta, những hậu duệ của các Thánh Tử Ðạo Anh Hùng, đang sống trong thời đại tân tiến với mọi cơ hội thuận tiện liệu sẽ trả lời thế nào với Thiên Chúa và với tiền nhân về lối sống Kitô hữu của mình hôm nay?



Mục Lục
Trở Về Trang Nhà