Xin Mẹ Dâng Chúng Con Cho Chúa
SUY NIỆM LỄ DÂNG CHÚA GIÊSU VÀO ĐỀN
THÁNH
(Lc 1, 21-28)
Lễ Maria dâng Chúa Giêsu vào Đền
Thánh, vì theo Luật Môisen (x. Xh 13, 11-13); "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa" ( Lc 2, 23 ) đó là lý do Hài
Nhi Giêsu được dâng cho Thiên Chúa.
Lễ này còn được gọi là Lễ Nến. Ông Symêon người
công chính và mộ đạo, được Thánh Thần
linh báo cho biết, ông sẽ không thấy cái chết trước khi gặp Đức Kitô. Vào lúc
cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền, được Thần
Khí thúc đẩy, hôm đó ông lên Đền Thánh, gặp gỡ Hài Nhi trên tay, ẵm trên tay và
chào là " Ánh Sáng muôn dân " (Lc 2, 32).
Đây cũng là Lễ Thanh Tẩy, kính nhớ việc
Đức Maria được thanh tẩy theo luật Môsê, 40 ngày sau khi sinh Đức Giêsu. Đức
Trinh Nữ Maria đã tuân theo nghi lễ thanh tẩy được ghi trong sách Lêvi : "Luật
cho phụ nữ sinh trai hay gái" (Lv 12, 6-8).
Sự kiện dâng Chúa Giêsu vào đền thánh và thanh tẩy Đức Trinh Nữ
đã được Luca ghi lại (Lc 2,22-39). Sự kiện này nhằm
thực hiện những lề luật đã được ghi rõ trong Cựu ước (Lv 12,8). Theo luật Môsê,
phụ nữ sau khi sinh con thì bị coi là nhơ uế trong 40 ngày nếu sinh con trai và
trong 80 này nếu sinh con gái.
Lễ này được du nhập vào Đế quốc Đông Phương dưới triều vua Justinianô (527-565).
Đối với Hội thánh Tây phương, lễ này được nhắc đến trong sách bí tích của Giáo
hoàng Gelasianô vào thế kỷ 7. Kể từ cuối thế kỷ IV, Giáo hội
Giêrusalem đã mừng kính lễ này. Giáo hội Hy Lạp và Milanô kể lễ này vào một số
lễ trọng kính Chúa, một nghi lễ chính trong năm. Giáo hội Rôma lại thường kể lễ
này vào số các lễ Đức Trinh Nữ.
Trong thông điệp về lòng tôn sùng Maria, Giáo hoàng Phaolô VI viết: "Lễ mùng
2 tháng 2, được cải tên là lễ "dâng Chúa vào đền thánh", cũng cần
nhắc nhở để hưởng nguồn phong phú lớn lao của ân sủng Chúa Giêsu và Maria đi
song song. Đức Kitô thực hiện mầu nhiệm cứu độ. Maria mật thiết kết hợp với
Chúa chịu khổ hình, để thực hiện một sứ mạng vừa thuộc về Dân Chúa của Cựu ước,
vừa là hình ảnh của Dân Tân ước luôn luôn vị bắt bớ gian khổ, thử thách đức tin
và lòng trông cậy" (Lc 2,21-35) (Marialis Cultur, số 7b).
Trong ngày này, người ta làm phép nến để tưởng nhớ lời tiên tri
Simêon gọi Đức Kitô là "ánh sáng soi đường cho dân ngoại" (Lc 2,32)
và tổ chức kiệu nến trong nhà thờ, tượng trưng cho việc Đức Giêsu tiến
vào đền
thờ Giêrusalem.
Khi sát nhập
vào Phụng vụ Rôma, Đức Giáo Hoàng Sergiô I (678-701) lại thêm vào nghi thức rước
nến. Vì thế, từ đây, lễ này được gọi là Lễ Nến. Vì trước Thánh lễ có nghi thức
làm phép nến và kiệu nến vào nhà thờ như cuộc đón rước Chúa Giêsu là Ánh Sáng của
muôn dân. Những cây nến được làm phép và thắp sáng trong ngày lễ này, tượng
trưng cho ánh sáng và vinh quang của Chúa Giêsu. Từ cuộc canh tân Phụng vụ năm
1960, thánh lễ này cũng qui hướng về Chúa Giêsu, hơn là Đức Mẹ dâng Chúa
Giêsu trong Đền thờ.
Trong ngày này, Giáo hội ca vang "Vui lên, hỡi Đức
Trinh Nữ Mẹ Chúa Trời, Đấng đầy ân sủng, vì từ lòng Mẹ đã sinh ra Đức Kitô Chúa
chúng con là Mặt Trời công chính, Ánh Sáng chiếu soi những ai ngồi trong bóng tối.
Vui lên, hỡi cụ Symêon, người công chính, vì chính cụ đã bồng ẵm Đấng giải
thoát muôn dân, cho muôn dân tham dự vào sự Phục sinh của Người "(x. Phụng vụ Byzantine).
Giáo hội
Đông phương hiểu Thánh lễ này thể hiện cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và dân Người. Được Ðức Maria và thánh Giuse đem vào Ðền
Thánh, Chúa Giêsu đã gặp gỡ dân người mà hai cụ già Symêon và Anna là đại diện.
Ðây cũng là cuộc gặp gỡ lịch sử của dân Chúa, gặp gỡ giữa các người trẻ là Ðức
Marria và thánh Giuse và các người già là Symêon và Anna. Chúa Giêsu là trung
tâm, chính Người lôi kéo con người đến Ðền Thánh, nhà Cha Người. Ðây còn là cuộc
gặp gỡ giữa sự vâng phục của người trẻ và lời tiên tri của người già. Việc tuân
giữ Luật được chính Thần Khí linh hoạt, và lời tiên tri di chuyển trên con đường
do Luật vạch ra.
Lời của cụ
già Symêon nói : "Đó là Ánh Sáng chiếu soi muôn dân" (Lc
2, 32). Hôm nay ai trong chúng ta cầm nến sáng trong tay mà không nhớ tới ngày
cụ già Symêon bồng ẵm Hài Nhi Giêsu, Ngôi Lời trong xác phàm, là Ánh Sáng.
Chính cụ là ngọn lửa cháy sáng, chứng nhân của ánh sáng, khi được đầy ơn Chúa
Thánh Thần, cụ đã làm chứng rằng Hài Nhi Giêsu là Tình Yêu và là Ánh Sáng chiếu
soi muôn dân.
Vậy hôm
nay, chúng ta hãy nhìn cây nến cháy sáng tên tay cụ già Symêon, từ ánh sáng đó
hãy thắp sáng cây nến của chúng ta…Như thế, chúng ta không những sẽ cầm ánh
sáng trong tay, mà chính chúng ta là ánh sáng, ánh sáng trong lòng ta, cho đời
ta, và cho mọi người.
Lạy Mẹ
Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đồng Trinh, chúng con đặt cuộc đời chúng con vào
trong vòng từ mẫu của Mẹ để Mẹ dâng lên Thiên Chúa như xưa Mẹ đã dâng Chúa
Giêsu vào Đền Thánh, tất cả chúng con thuộc về Mẹ. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ