LỄ THÁNH TÂM NĂM B
Hs 11,1.3-4.8c-9; Ep 3,8-12.14-19; Ga 19,31-37
ĐÁP LẠI TÌNH CHÚA BẰNG VIỆC THỰC THI TÌNH NGƯỜI
1. TIN MỪNG: Ga 19,31-37
31 Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết
trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế
họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác
xuống.32 Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng
bị đóng đinh với Đức Giê-su.33 Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ
không đánh giập ống chân Người.34 Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh
sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.35 Người xem thấy việc này đã làm
chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để
cho cả anh em nữa cũng tin.36 Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh
Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.37 Lại có lời Kinh
Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.
2. CÂU CHUYỆN:
1) LỊCH SỬ: TỪ LỄ THÁNH TÂM ĐẾN LỄ LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT.
a) Lòng sùng kính Thánh Tâm là sự
tôn kính đặc biệt đối với tình yêu của Chúa Giê-su, hiện thân tình yêu vô cùng
của Thiên Chúa Ba Ngôi đối với loài người. Đức Giê-su cũng đã biểu lộ tình yêu
tột cùng với các môn đệ nên trong bữa Tiệc Ly Vượt Qua vào chiều Thứ Năm Tuần
Thánh, Người đã lập bí tích Thánh Thể để biến tấm bánh không men dùng trong bữa
tiệc chiên trở thành Thân Mình của Người sắp bị nộp vì tội lỗi nhân loại. Rồi
Ngừoi cũng đọc lời truyền phép để biến chén rượu nho trong bữa Tiêc Ly trở
thành chén Máu thánh của Người sắp đổ ra để đền tội cho nhân loại. Bí tích
Thánh Thể biểu lộ tình yêu của Chúa Giê-su, được diễn tả cách rõ nét khi trên
cây thập giá, Đức Giê-su còn bị lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn trúng trái tim và
Máu cùng Nước đã chảy ra từ vết thương này, như đồ đệ Gio-an đã làm chứng đã
nhìn thấy và ghi chép trong sách Tin Mừng (x. Ga 19,34-35). Máu và Nước đó đã
tuôn trào để tẩy rửa tội lỗi của loài người và cũng để ban ơn cứu độ và giao
hòa loài người với Thiên Chúa.
Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su
đã có từ thế kỷ XI. Nhưng mãi đến thế kỷ XVI, lòng sùng kính này vẫn chỉ mang
tính riêng tư, gắn với lòng sùng kính Năm Dấu Thánh của Chúa. Mãi đến ngày
31-8-1670 Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su mới được cử hành tại Rennes nước Pháp, nhờ
công khó của Thánh JEAN EUDES (1602-1680). Từ Rennes, lòng sùng kính Thánh Tâm
đã lan truyền đi nhiều nơi, nhưng phải chờ đến thánh nữ Margarette Marie
Alacoque, lòng sùng kính Thánh Tâm mới có điều kiện lan rộng đi khắp nơi trên
thế giới.
Trong những lần được thị kiến thấy
Chúa Giê-su, thánh nữ MARGARETTE MARIE ALACOQUE đã được Người mặc khải về hình
ảnh một Trái Tim của Chúa Giê-su có ngọn lửa và vòng
gai quấn quanh. Lần hiện ra quan trọng xảy ra vào ngày 16-6-1675, Chúa
Giê-su đã hiện ra yêu cầu Thánh nữ Margarette xin với giáo quyền cho cử hành lễ
Thánh Tâm Chúa Giê-su vào ngày thứ Sáu sau lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, để đền
bù sự vô ơn bạc nghĩa của loài người đối với tình yêu vô cùng và sự hy sinh cao
cả của Chúa Giê-su. Thánh Tâm không những là biểu hiệu của một trái tim thể lý
mà còn biểu hiệu tình yêu thương vô biên của Chúa đối với nhân loại.
Lòng sùng kính Thánh Tâm đã được phổ
biến từ sau khi Thánh nữ Margarette Marie Alacoque qua đời vào năm 1690, nhưng
phải mãi đến năm 1765, lễ Thánh Tâm mới được cử hành chính thức tại nước Pháp.
Gần 100 năm sau (1856), ĐGH Pi-ô IX đã truyền mừng kính lễ Thánh Tâm Chúa cho
toàn thể Hội Thánh theo đề nghị của Hội đồng Giám mục Pháp. Thánh Thể và Thánh
Tâm đều là Nguồn Tình Yêu vô biên của Chúa Giê-su, Đấng đã yêu thương nhân loại
tội lỗi đến cùng, đến nỗi bằng lòng chịu chết nhục nhã trên cây thánh giá để
đền bù tội lỗi của họ và ban ơn cứu độ cho họ.
b) Ngày nay, Chúa Giê-su cũng đã mặc
khải về Lòng Thương Xót của Người cho Thánh nữ FAUSTINA KOWALSKA người Ba Lan
(1905-1938). Người cũng yêu cầu thánh nữ hãy xin với giáo quyền thiết lập lễ
kính Lòng Chúa Thương Xót bằng những lời sau: “Ta muốn một tấm hình được làm phép
trọng thể vào Chúa Nhật sau Đại lễ Phục Sinh, và Ta muốn tấm hình đó được tôn
kính công khai để mỗi linh hồn đều biết đến tấm hình đó” (Nhật Ký, số 341).
Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót đã được
đức thánh giáo hoàng GIO-AN PHAO-LÔ II
người Ba-lan chính thức thiết lập vào ngày 30/4/2000 và đã truyền mừng trọng
thể lễ kính Lòng Chúa Thương Xót trong toàn thể Hội Thánh vào Chúa Nhật II Phục
Sinh hằng năm.
Gần đây, vào năm 2016. Đức thánh cha
PHAN-XI-CÔ đã mở ra Năm Thánh Kính Lòng
Chúa Thương Xót để tạo cơ hội cho các con cái Hội Thánh khám phá những nét
mới mẻ của Lòng Chúa Thương Xót, kín múc dồi dào những hồng ân đang tuôn trào
từ nguồn suối vô tận là Trái Tim rất thánh của Chúa Giê-su, “để cho Tình Yêu và
Lòng Thương Xót của Chúa thanh tẩy và nhào nắn chúng ta nên những tông đồ của
Lòng Chúa Thương Xót, nhờ đó lòng tràn ngập niềm vui, chúng ta sẽ đủ tự tin ra
đi để chia sẻ tình thương của Chúa đến cho mọi người”.
2) MƯỜI HAI LỜI HỨA CỦA THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU:
Để khuyến khích mọi người hiểu biết
lợi ích của việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su, Người đã hứa với Thánh nữ MARGARETTE
MARIE ALACOQUE sẽ ban những ơn ích thiêng liêng cho những ai sùng kính Thánh
Tâm như sau:
1-
Ta sẽ ban cho họ mọi ân
sủng cần thiết trong đời sống.
2-
Ta sẽ ban bình an cho
gia đình họ và sẽ tái hợp các gia
đình đã ly tan.
3-
Ta sẽ an ủi họ trong
mọi lúc khó khăn.
4-
Ta sẽ là nơi họ trú ẩn
khi sống và trước khi chết.
5-
Ta sẽ ban Phép Lành Nước
Trời trên công việc của họ.
6-
Các tội nhân sẽ tìm được Nguồn
Thương Xót vô hạn nơi Thánh Tâm Ta.
7-
Các linh hồn lạnh nhạt sẽ trở nên nhiệt thành.
8-
Các linh hồn nhiệt thành sẽ mau đạt tới sự trọn lành.
9-
Ta sẽ chúc lành cho
nơi nào trưng bày và tôn sùng linh ảnh Thánh Tâm Ta, và Ta sẽ ghi dấu tình yêu của Ta vào lòng những
người đeo hình Thánh Tâm Ta. Ta cũng sẽ phá hủy mọi sự rối loạn nơi họ.
10- Các linh mục nhiệt thành tôn sùng Thánh Tâm Ta
thì Ta sẽ ban cho họ ơn hoán cải các
linh hồn chai cứng nhất.
11- Những người truyền bá lòng tôn sùng này sẽ
được ghi tên trong Thánh Tâm Ta,
không bao giờ phai nhòa.
12- Ta hứa với lòng thương xót vô biên
của Thánh Tâm Ta rằng những người rước lễ vào Thứ Sáu Đầu Tháng trong 9 tháng
liên tiếp, tình yêu mãnh liệt của Ta sẽ ban cho ơn ăn năn trở lại trong cuối đời: Họ sẽ không chết trong tình trạng
thất sủng hoặc không được lãnh nhận các bí tích. Thánh Tâm Ta sẽ là nơi trú ẩn
an toàn cho họ trong giờ sau hết.
Lời Chúa hứa luôn chắc chắn. Hãy tin
tưởng và hãy dành 9 ngày Thứ Sáu Đầu Tháng để tôn kính Thánh Tâm Chúa Giê-su,
nghĩa là thực hành việc tôn sùng và yêu mến Thánh Tâm Chúa Giê-su liên tục và
rước lễ trong 9 ngày Thứ Sáu Đầu Tháng.
3. THẢO LUẬN: 1) Chúa Giê-su đã biểu lộ tình yêu tột cùng đối
với loài người chúng ta như thế nào ? 2) Mỗi người chúng ta cần làm gì thể hiện
tình yêu đối với tha nhân để đáp lại tình yêu của Chúa Giê-su đối với chúng ta
?
4. SUY NIỆM:
1) Tình thương
Mục Tử của Thiên Chúa với dân Ít-ra-en: Thời
Cựu Ước, Thiên Chúa đã dùng ngôn sứ ÊDÊKIEN để mặc khải về tình yêu mục tử của
Ngài đối với dân Ít-ra-en: “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành
kiểm điểm. Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên
bị tản mác thế nào, Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng
ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. Ta sẽ đem chúng
ra khỏi các dân, tập hợp chúng lại từ các nước và đưa chúng vào đất của chúng.
Ta sẽ chăn dắt chúng trên các núi Ít-ra-en, trong các thung lũng và tại mọi nơi
trong xứ có thể ở được” (Ed 34:11-13). Ngài lại tiếp tục thề hứa: “Chính Ta sẽ
chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi
tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào
bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh
chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 34:14-16).
2) Tình thương bao dung của Thánh Tâm Chúa Giê-su với loài
người:
Đức Giê-su được Chúa Cha sai đến để ban ơn cứu độ loài người:
Trong thời gian giảng đạo, trái tim yêu thương của Người không dửng dưng trước những
người đang khao khát nghe Lời Chân Lý, nên Người đã giảng dạy cho họ nhiều điều
(x. Mt 5, 1-12). Trái tim của Người đã rung động khi chứng kiến đám đông dân
chúng đi theo mình suốt ba ngày, nên Người đã nhân bánh ra nhiều để cho họ được
ăn no (x. Mc 8,1-10). Trái tim yêu thương của Người không ngoảnh mặt làm ngơ khi
chứng kiến cảnh người ta đang mang đi chôn một chàng thanh niên, là con trai
duy nhất của một bà góa nghèo tại cửa thành Na-im, nên Người đã truyền cho anh trỗi
dậy (x. Lc 7,11-17). Trái tim yêu thương khiến Người đã rơi lệ khi chứng kiến hai
chị em Mát-ta và Ma-ri-a khóc thương em trai La-gia-rô mới chết và đã truyền
cho anh sống lại (x Ga 11,1-45). Hơn nữa, trái tim nhân hậu của Người còn được
biểu lộ khi dủ lòng xót thương những kẻ tội lỗi, như Người đã khẳng định: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người
đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người
tội lỗi" (Mc 2,17). Người đã biểu lộ lòng thương xót khi thứ tha cho người
phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình qua lời tuyên bố: “Tôi
không kết án chị đâu. Chị hãy về
và từ nay đừng phạm tội nữa” (x. Ga 8,11). Người sẵn sàng tha thứ cho ông Gia-kêu, và gọi
một người thu thuế là Mát-thêu vào hàng ngũ 12 tông đồ. Trái tim nhân hậu của
Chúa còn được biểu lộ qua ánh mắt nhân từ dành cho Phê-rô sau khi ông phạm tội chối
không biết Thầy 3 lần, và lời tuyên bố ban ơn cứu độ cho kẻ trộm lành có lòng
sám hối ăn năn trên cây thập tự. Đỉnh cao của trái tim nhân hậu là lòng khoan
dung khi cầu xin cho kẻ làm hại mình: “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ
không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).
Tắt một lời: vì yêu thương nên Chúa Giê-su: “Đi tới
đâu là thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế” (x.
Cv 10,38). Người sẵn sàng chịu chết đền tội thay loài người (x. Ga 15, 13). Cuối
cùng trên thập giá Người còn trao ban giọt nước và máu cuối cùng chảy ra từ
trái tim bị lưỡi đòng đâm thâu (x. Ga 19, 31-37).
3) Sức mạnh của lửa yêu mến từ Thánh Tâm Chúa Giê-su:
Lửa có đặc tính kỳ diệu: Lửa có vẻ
mềm yếu nhưng cũng có sức mạnh to lớn– mạnh hơn mọi thứ sức mạnh. Một đốm lửa
nhỏ có thể dập tắt dễ dàng bằng một làn gió nhẹ, nhưng một ngọn lửa lớn thì
không dễ gì dập tắt được. Gió càng lớn lại càng làm cho ngọn lửa bùng cháy mạnh
hơn. Lửa khi được chia sẻ ra nhiều không hề giảm bớt sức mạnh mà nhân sức mạnh
lên nhiều! Lửa yêu mến từ Thánh Tâm Chúa Giê-su cũng có sức mạnh như thế. Ai
yêu mến Chúa và kết hiệp với Chúa thì sẽ được Người ban ngọn lửa yêu mến có sức
tác động trên những kẻ khô khan nguội lạnh như vậy.
Trong tuần lễ kính trọng Thể Thánh
Thể Chúa Giê-su, Hội Thánh cũng mừng kính Thánh Tâm Chúa vào ngày thứ sáu. Khi
diễn tả tình yêu, người ta thường dùng hình ảnh trái tim bị lưỡi gươm đâm thâu.
Qua đó cho thấy: Yêu là CHO nhiều hơn NHẬN! và mọi người đều muốn yêu và được
yêu. Con tim có những lý lẽ riêng mà lý trí không thể hiểu biết được, như lời
thánh Phao-lô trong thư Rô-ma: “Đức Ki-tô
đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi. Đó là bằng
chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5:8).
4) Đáp lại tình Chúa bằng việc thực thi tình người:
Thiên Chúa đã yêu thương loài người
chúng ta qua việc chậm giận và hay tha thứ. Chúng ta hãy ở lại trong tình yêu
của Chúa bằng việc giữ điều răn của Người. Tác giả thánh vịnh 103 diễn tả tình
yêu của Chúa cụ thể như sau: “Chúa
là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ
luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả
báo ta xứng với lỗi lầm” (Tv 103:8 và 10). Thánh Gio-an cũng khuyên các tín hữu yêu thương nhau
như sau: “Anh em thân mến, chúng ta
hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương
thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu
thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:7-8). “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế,
chúng ta cũng phải yêu thương nhau... Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong
tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga
4:15-16).
Tin vào tình yêu của Thiên Chúa là
tín thác mọi sự cho lòng thương xót của Người, tin Chúa bằng cả con
người của chúng ta chứ không chỉ bằng môi miệng bề ngoài. Chúa Giê-su luôn
mời gọi các môn đệ: “Anh
em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15:9). “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều
răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15:10). Yêu ai thì tìm làm theo ý người đó, muốn làm cho người đó được vui và muốn nên
giống người đó.
Tình yêu của Chúa
Giê-su đã được Người diễn tả qua hình ảnh “TRÁI TIM BỊ ĐÂM THÂU”. Vì thế, Người
đã bày tỏ cho thánh nữ Magarita, vào thế kỳ 15 bằng hình ảnh “TRÁI TIM CÓ LỬA
VẤN VÒNG GAI” chung quanh và truyền cho thánh nữ Magarita truyền bá rộng rãi
cho thế nhân.
TÓM LẠI: Chúa
Giê-su muốn minh định tình yêu của Thiên Chúa qua hình ảnh “Thánh Tâm” của
Người. Đồng thời, Người mời gọi thế nhân hãy năng sử dụng con tim. Thánh
Phao-lô cũng cho biết: “Sau cùng mọi thứ
sẽ tan biến , chỉ còn lại lòng bác ái là tình yêu thương”.
Như vậy, tháng
kính Thánh Tâm Chúa Giê-su là tháng mà Gíao Hội nhắc nhở đến sứ điệp của Chúa
Giê-su, đã mặc khải nhiều lần cho thánh nữ Ma-ga-ri-ta: “Yêu như THÁNH TÂM CHÚA
GIÊ-SU là CHO ĐI, vì “Cho thì có phúc hơn
là nhận” (Cv 20,35).
5. LỜI CẦU:
Lạy Thánh Tâm Chúa
Giê-su, xin cho con trở nên bé nhỏ, để con dễ
dàng nghe được tiếng Chúa nói với con, dễ thấy Chúa hiện diện và hoạt
động trong cuộc đời con. Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa, xin
cho con không trở thành cứng cỏi, khép kín và nghi ngờ. Xin dạy con sự
hiền lành, để con sẵn
sàng cảm thông và bao dung với tha nhân. Xin dạy con sự khiêm nhường, để con luôn phó thác đời con trong tay Chúa. Cuối
cùng, xin cho con sự bình an, để con
vui vẻ đi theo con đường hẹp và leo dốc với Chúa, với hy vọng con sẽ cùng Chúa vượt
qua đau khổ để vào trong vinh quang. Amen.
LM
ĐAN VINH - HHTM