CON ĐỢI NGÀI ĐÃ
LÂU
Thế giới ngày nay người ta sống thực mà như
mộng. Người này đổi thừa người nọ không tỉnh mà thật ra chẳng ai lại không say.
Kẻ say tình, người say tiền, phần còn lại say mê danh vọng. Ai cũng say cả, vậy
mà cứ đổi lỗi cho nhau, đuổi nhau chạy loanh quanh vòng luẩn quẩn của cuộc
sống.
Thật
ra, nguyên nhân chính yếu khiến nhân loại bất hạnh cũng chỉ vì tham vọng. Điều
khiến nhân loại mù quáng cũng vì tại bạc tiền. Cuộc sống bấp bênh, càng khiến
con người nô lệ mớ vật chất chóng tàn rụi. Càng không nắm giữ được chúng con
người càng cuống cuồng, hối hả chạy đua trên đà danh vọng. Kết quả, tay trắng
vẫn hoàn trắng tay, ngày ra đi chẳng ai mang được gì theo mình.
Ngày
nay cuộc sống tiến bộ, người ta tranh nhau mở khách sạn, nông trường... những
công trình đồ sộ tích trữ lương thực, của cải nhằm phục vụ nhu cầu xã hội. Cuộc
sống khá giả, nhà cao cửa rộng mọc lên như nấm, chả còn mấy nhà tranh vách đất,
nơi nghèo kém lắm cũng không thiếu nhà có honda, tủ lạnh...
Không
chỉ tồn tại trên đời cách vô thức, nhưng chăm lo làm giàu cuộc sống tạo tiện
nghi, thoáng sạch hầu phục vụ chính họ cũng là điều phải lẽ. Chỉ cần biết đừng
quá nô lệ, phụ thuộc vào vật chất là được. Vì chưng cái kho tàng kếch xù mà mọi
người đang giữ bo bo, đang ôm khư khư trong mình đó thật ra chỉ là những thứ vô
bổ, tự bản chất, không thể mang lại phúc trường sinh vĩnh cửu cho nhân loại.
Thì tại sao nhân loại lại cần chúng như thể cứu cánh vậy?
Ngày
nay văn minh tiến bộ, nhiều người muốn sống tốt, cũng thấy cần phải dừng lại hầu
chọn lựa lối sống thích hợp giữa thế trần ngập tràn sa đoạ. Thế nhưng chả có
lối sống nào tốt hơn cho bằng lối sống Tin Mừng. Chỉ cần biết cậy dựa vào Lời
Chúa, đi vào răn giới của ơn cứu độ, lướt thắng đam mê, dục vọng, mới mong có
tương lai ngày mai sáng lạn.
Mỗi
lần chiêm ngắm sự vĩ đại, lạ lùng của Thiên Chúa, bạn nhìn thấy gì đang đó, một
quả cầu đang bay hay chú cuội ôm cây đa mà khóc... tất cả đều không ngoài quyền
năng và sự quan phòng của Thiên Chúa. Bạn có thể thủ đắc như thế nào giữa vạn
vật luân chuyển theo chu kỳ của Thiên Chúa chứ. Chúng có vĩnh viễn thuộc về bạn
hay chính bạn còn mục rữa trước khi chúng mục rữa?
Hãy
dừng lại khi còn kịp, đừng tiếp tục xây dựng rồi tốn công đập phá. Mọi sự bạn
đang cố gắng kỳ kèo tranh chấp hôm nay rồi cũng có lúc phải bỏ lại, chấm dứt
công trình, không xây mà cũng chẳng thể sửa. Vậy mà Đức Kytô đến, xuất hiện như
một phép lạ, không ai có thể hình dung những thứ họ đang tranh nhau tích trữ,
hơn thua đồng một đồng hai, sẽ trở thành vô nghĩa trong ngày mai. Bởi thật ra,
vật chất có gì bền vững đâu. Đẹp, bền, chắc, xịn thế nào rồi cũng hết, tự bản
chất chúng không thể vĩnh viễn tồn tại.
Cái
khổ lớn nhất của nhân loại cũng chính là ở đó. Kẻ không có thì cố gắng tìm bằng
được sao cho có, người có một lại muốn kiếm sao cho được hơn gấp trăm. Cứ vậy
là cãi nhau, tranh nhau, giết nhau, cào cấu, xâu xé lẫn nhau. Đau lòng vậy đấy,
biết không ai có thể sống mãi mà ăn hết bạc tiền, của cải nhưng ai cũng muốn
tranh đấu để được dư bạc, dư tiền. Tồn tích, ky bóp từng đồng mà ngày ra đi chả
nắm được lấy nửa xu.
Tiền
quan trọng thật đấy nhưng đâu phải tối quan trọng. Làm sao tiền mua được hạnh
phúc, chuộc được tình yêu, thủ đắc được sự sống? Vậy mà chẳng thể hiểu tại sao
người ta cứ đi tìm tiền. Thời buổi này, tiền là tất cả, là ông chủ điều khiển,
lèo lái thế giới. Tiền thích kết bạn đặc biệt với những tên trộm cướp, lừa đảo,
thất nhân, thất đức. Kẻ lòng tham vô đáy thì đựng tiền trong ruột, đến đâu
chúng cũng chỉ thấy tiền là tiền. Thích tiền thật ra chả có gì đáng trách nhưng
thích đến nỗi bán cả lương tri, nhân phẩm mới đúng đau lòng. Tự nhiên, khó ai
từ khước nổi tiền bạc, của cải, tiền càng đầy túi càng ham, mà càng ham lại
càng thiếu, càng thiếu lại càng mất. Tiền đầy nhà mà nằm xuống hai tay buông
xuôi thì nào có ăn nhằm gì. Vậy nên bảo như Đức Kytô, bán chúng đi mà mua lấy
túi tiền không hư nát (x.Lc 12,33) hợp lý thật đấy nhưng khổ nỗi chả mấy ai
nghe, mà không nghe cũng là vì khó quá, đụng chạm đến lòng tham vô độ thì ai
cũng trốn chạy.
Thật
ra không chỉ có tiền che mắt nhân loại, mà còn nhiều thứ khác nữa kìa, đam mê,
dục vọng... Thế giới càng văn minh thì màng che càng dày, vừa dày bề rộng vừa
dày độ cao đến độ nhân loại mù cả. Đắm mình trong đam mê dục vọng, không còn
biết phận số đời mình thuộc về ai, là của ai, và đi về với ai. Cứ vậy, giờ Đức
Kytô đến, chả còn ai biết, chả mấy người quan tâm, tìm hiểu, chờ đợi. Thiên
Chúa bị loại bỏ ra khỏi tầm nhận thức của nhân loại. Người ta chỉ còn biết đến
tiền tài, tình yêu, sự nghiệp. Lối sống ngày sau, không còn hằn sâu trong tiềm
thức nhân loại từ bao giờ kìa.
Lạy Chúa, Ngài mời gọi nhân loại tỉnh thức
giữa mớ hỗn độn của cuộc đời. Trà trộn giữa của cải bạc tiền, danh vọng, tình
yêu, những thứ vật chất không khiến con người tồn tại vĩnh cửu, Ngài muốn nhân
loại tỉnh thức để tìm ra lối sống trường sinh, là một thách đố không thực dễ
cho con người giữa thiên niên kỉ này. Làm sao thức nổi chứ khi nhu cầu vật chất
nổi cuộn như núi, còn khao khát nhân linh lại chìm sâu giữa lòng đời khô cạn.
Con không say nhưng cũng chẳng tỉnh, ngất ngứ giữa mớ danh vọng cuộc đời, nửa
tỉnh nửa mê. Con đã sống những giây phút thật chả giống ai, như thể tự mình độc
quyền trên cuộc sống đắm chìm tham vọng, chả cần biết gì đến Thiên Chúa. Như
thể Ngài không phải là Chủ của con vậy, mà chính con tự làm chủ lấy mình. Ngài
có đến vào lúc con không ngờ hay có ngờ con cũng chả thể sẵn sàng, vì sức ép
tham vọng đã đè nặng cuộc sống con. Xin giúp con thức dậy, tự mình thức dậy mà
không đợi người thức, để bất cứ khi nào Chúa gọi, con cũng đã ở trong tư thế
sẵn sàng, chờ đợi. Con xin lỗi, thời gian qua không những con đã ngủ quá say
trong tội, mà còn để cho nước mắt, đau khổ phủ mờ, cho nên có tích trữ được gì
cũng bị nhân loại đánh cắp. Xin giúp con chọn Ngài làm Chủ, thay vì bán rẻ nhân
linh, nô lệ thế trần, làm tôi mọi cho những thứ tình cảm vô bổ chóng qua, thì
làm nô lệ Chúa, làm đày tớ của Ngài. Xin giúp con biết biến đổi ngay trong giây
phút hiện tại, đừng đợi ngày mai thay đổi tôi mới đổi thay, hầu con có thể tỉnh
thức giả ngay trong đêm nay Chủ đến, Ngài cũng thấy con đã đợi Ngài ở đấy thật
lâu lắm rồi...
M. Hoàng Thị Thuỳ Trang, ICM.