ĐƯỜNG ĐƠN ĐỘC
Từ
bỏ, cụm từ được cấu nên bằng 2 từ đơn giản, nhưng biên độ nghĩa của nó lại vô
tận. Ai sống trọn vẹn được nó người ấy được coi là đại phúc. Bởi nói đến từ bỏ
là nói đến sự tận diệt cho đến tột cùng, chỉ khi nào biết quên bản thân, khi ấy
mới kỳ vọng bạn sống cho người khác. Ai càng yêu mình, thì càng khó quên mình
vì người.
Thật
ra, từ bỏ khó không hẳn bởi con người quá tham vọng nhưng đúng hơn là vì nó
đụng chạm đến khía cạnh nhân văn của con người. Yêu quí bản thân là điều phải
lẽ, vì không yêu quí mình sao có biết quý trọng tha nhân được. Chỉ khi nào
người ta trân trọng bản thân họ mới biết trân trọng người khác. Ai coi khinh
mình sao có thể tôn trọng tha nhân?
Từ
bỏ đụng chạm đến khía cạnh nhân văn vì con người tự nhiên phải biết bảo tồn
hạnh phúc. Phải từ bỏ những ước mơ chính đáng, là điều thật kinh khủng, nó bóp
nát trái tim những ai dám sống cho lý tưởng đó. Đâu phải kẻ bất cần sự sống mà
bảo thí mạng cho người, nhưng đúng hơn vì quá yêu bản thân mình, quá yêu đồng
loại mà họ hy sinh hạnh phúc tư riêng mà sống cho hạnh phúc của người. Từ bỏ ấy
đau đớn lắm và giá trị lắm.
Đến
trần gian, mang lại hạnh phúc cho trần gian, Đức Kytô phải tận diệt bản thân
mới có thể cho người hạnh phúc. Theo Chúa, muốn trở nên giống Chúa, không ai
trong chúng ta có thể đi con đường khác hơn đường thập giá. Muốn trở nên khí cụ
cho tha nhân, phải đi vào con đường tận diệt Chúa đã đi, không còn con đường
nào khác hơn được.
Nói
yêu mến, bước theo Đức Kytô rất dễ, nhưng để sống thực rất khó. Ai đã từng trải
nghiệm nỗi mất mát, đớn đau của từ bỏ, mới am hiểu tình yêu trao hiến cao cả
đến chừng nào. Chả dễ mà thực hiện được điều lạ lùng đó, cậy dựa vào sức lực
thế trần chẳng bao giờ nhân loại có thể làm được, nhưng tất cả đều phải trông
nhờ vào ơn trợ giúp của Thiên Chúa. Ngài không ban ơn thì mọi việc chúng ta
toan tính đều trở nên vô hiệu. Cũng
nực cười thật, từ bỏ mọi sự để chỉ nên môn đệ của Đức Kytô, cái giá ấy có quá
đắt hay không? Làm môn đệ Ngài thì được những gì, được sự sống đời đời làm gia
nghiệp ư? Ngày nay người ta không cần sự sống đời đời, mà chỉ cần cuộc sống
hiện tại, cơm dư gạo thừa, ăn no mặc ấm, nhà cao cửa rộng, công thành danh
toại. Người ta cần cuộc sống đời này hạnh phúc chứ không đợi đến ngày sau hạnh
phúc. Thế giới ngày nay thực dụng như vậy đó, phải làm sao để mọi người thoát
khỏi ách ràng buộc của đam mê quyến rũ và dục vọng lôi kéo đây? Quả là vấn nạn
nan giải đến đau đầu.
Có
lẽ mãi trông chờ cách vô vọng lời hứa hẹn cuộc sống đời sau mà nhân loại chê
chối chăng, hay tại vì hào quang hứa hẹn hiện tại sáng chói hơn vinh hiển mai
hậu nên con người khó từ bỏ. Thật, không thể chối cãi từ bỏ đau đớn kinh khủng
lắm, ai đã một lần đứng trước sự lựa chọn sống chết, một mất hai còn, người ấy
mới có thể cảm thông cho nỗi day dứt của kẻ phải hy sinh tận diệt ước muốn
mình. Làm người, ai cũng có quyền lựa chọn cho mình hạnh phúc, vậy mà phải từ
bỏ hạnh phúc chính đáng để sống cho hạnh phúc của Thiên Chúa chẳng phải là điều
đau đớn lắm hay sao.
Thập
giá của nhân loại là gì, chính là sự từ bỏ. Khi phải đau đớn vì nó cũng chính
là lúc phải vác thập giá. Không thập giá nào lớn hơn thập giá của chính mình,
nhưng hãy biến nó nên thánh giá để được cứu độ. Mọi sự rồi cũng sẽ qua đi, tất
cả rồi cũng hết, biết rất rõ điều đó nhưng chẳng mấy ai can đảm sống như điều
mình biết. Dẫu biết rằng ngày mai tôi không còn sống nữa nhưng hôm nay tôi vẫn
muốn níu giữ tất cả điều mình có, nắm giữ nó thật chặt và không muốn buông tha
chúng.
Thế
trần này là một cuộc chọn lựa liên lỉ, chọn lựa không ngừng. Càng tồn tại lâu
trong cuộc đời thì chọn lựa càng nhiều, càng dai dẳng. Phải làm sao để có một
chọn lựa cao đẹp, vĩnh viễn và hạnh phúc? Chọn và để lại cái không chọn, điều
nào cũng đau đớn cả. Được làm môn đệ Chúa thì mất nhân loại. Được thiên đàng
thì mất trần gian. Nhưng trớ trêu ở chỗ vẫn biết nhân trần là khổ ải mà người
ta vẫn chọn. Thiên Chúa, cội nguồn hạnh phúc thật nhưng người ta vẫn không
muốn. Có lẽ đường thập tự đẫm máu quá, nhân loại, chẳng còn ai muốn bước nữa.
Lạy Chúa, con chọn đi theo Ngài đã lâu, muốn
làm môn đệ Ngài nhưng mãi chẳng được. Con cũng không biết tại sao nữa, chỉ thấy
cả cuộc đời chỉ hoài loay hoay, cặm cụi với thập giá mình, vác mãi mà vẫn chả
thể nào tới đích. Nhặt lên, bỏ xuống, cân qua, đong lại thánh giá nào cũng trở
nên ách nặng nề khiến con ray rứt, đau khổ. Thập giá bản thân mà con chưa thể
chu toàn, làm sao con có thể vác nổi thánh giá cho ai, giúp ai được nữa. Điều
gì đã khiến con trở nên quá tồi tệ như vậy, phải chăng là ý riêng con trái
ngược đường lối Chúa, để rồi con với Ngài chẳng bao giờ gặp được điểm chung.
Ngài bước tới bên con, con lại lánh xa Ngài, bám víu vào chút an ủi, hứa hẹn
thế trần. Đường thập giá, lạy Chúa, con sợ không dám bước. Con sợ đồi sọ, con
sợ cô đơn, con sợ mất mát, đau khổ, con không dám từ bỏ, không đủ can đảm và
quảng đại để từ bỏ, vì con chỉ là kẻ phàm trần yếu đuối. Con không còn đủ sức,
thật lòng con không thể một mình đứng vững, xin đừng loại bỏ con, đừng từ khước
con ra khỏi đoàn môn đệ của Ngài, nhưng xin hãy chiếm hữu con về cho Chúa, dẫu
trên đường ấy chỉ mỗi một mình con.
M. Hoàng Thị Thuỳ Trang, ICM.