GIỌT NƯỚC CUỐI
CÙNG
Làm người, ai cũng biết rồi mình sẽ chết,
chẳng ai sống mãi được, và cuộc sống đời sau mới là vĩnh cửu. Thế nhưng, chả
mấy ai quan tâm phải lo làm sao sống cho tốt. Có lẽ mọi người kinh nghiệm, sống
không yêu thương, chết đi rồi mọi sự cũng đều vô nghĩa. Sống không hưởng thụ,
chết còn cơ hội đâu mà tiêu xài. Do vậy, sống cuồng, sống vội, sống buông thả,
là tiêu chí hàng đầu nhân loại luôn đeo đuổi.
Cứ
vậy, ngày qua ngày, tháng nối tháng, thế giới bị hút vào vòng xoáy của thoả mãn
đam mê, dục vọng. Trong mọi hoạt động xã hội, người ta chỉ còn biết sống cho
danh, lợi, thú. Có không biết bao nhiêu hành động bỉ ổi, dã man, thất nhân tâm
con người đối xử với nhau không chút mảy may trắc ẩn. Người ta không ngại giẫm
nát lên sự sống người khác để bước vào hạnh phúc riêng tư ích kỷ. Còn quá nhiều
mảnh đời vất vưởng đáng thương thoi thóp đâu đây trong cuộc sống, mà người
giàu, kẻ sang vẫn nhởn nhơ vui cười, say khứ trong thoả mãn thú vui thế trần.
Lương
tâm nhân loại ngày nay không còn sống. Điều gì vậy, điều gì đã bóp nghẹt hơi
thở của nó, nguồn sinh khí đưa nhân loại đến sự sống vĩnh cửu? Tại sao nhân
loại không còn biết yêu thương, không còn khả năng trắc ẩn trước nỗi bất hạnh
của đồng loại? Ai cũng chỉ lo cho hạnh phúc của mình, ai cũng chỉ chăm lo cho
sự giàu có, sung túc của bản thân, người nghèo khổ bất hạnh thì bơ vơ vất
vưởng. Cái trớ trêu là người ta có thể vất hàng trăm ngàn bạc triệu vào những
hố rác của ăn chơi sa đoạ nhưng lại rụt tay trước đôi dăm cắc bạc bố thí cho
những mảnh đời nghèo khổ, ốm đau. Hình như nhân loại chỉ có khả năng thương
mình mà đã hết khả năng thương người. Người nghèo dưới nhãn quan họ không là
người đích thực mà chỉ như súc vật, chẳng ngần ngại ném cho họ những cái nhìn
khinh miệt, xua đuổi, xa tránh. Thật đau lòng.
Cái
lạ nữa là bao dấu lạ, mọi biến cố xảy ra nhan nhản trong thường nhật cũng không
làm họ xao động. Hình như chỉ có tiền tài, danh vọng mới có sức mạnh lôi cuốn
họ. Nói bác ái, sẻ chia, yêu thương, phục vụ là như nói đến những cụm từ chết.
Cho dù đã xảy ra không biết bao nhiêu là biến động trên thế giới cũng không đủ
sức mạnh làm thay đổi trái tim cằn cỗi, khô cạn của nhân loại. Thôi rồi, nhân
loại đâu còn biết yêu thương, Đức Giêsu có chết rồi hay chết nữa cũng chả ăn
nhằm gì, các ngôn sứ có tiên báo vậy hay loan báo nữa cũng trở thành vô hiệu.
Người nghèo khổ, bệnh tật, cô đơn, bất hạnh vậy hay bất hạnh nữa cũng thế thôi,
dường như đó là công việc của Tạo Hoá, chứ không phải việc của con người, dường
như đó là việc của riêng ai kìa, đâu phải của chúng ta.
Đáng
ngạc nhiên là người nghèo thời nào cũng có. Xã hội nào cũng có kẻ giàu và làm
người ai cũng phải khóc. Thế nhưng, có những giọt nuớc mắt đồng cảm, sẻ chia,
có những giọt nước mắt lẻ loi, cô độc, cũng có những giọt nước mắt ích kỉ, đê
hèn. Khóc chỉ cho mình, cho đời tư của mình thật ra chỉ là những giọt nước mắt
hèn nhát, nhưng dám khóc cho đời, dám khóc với người, dám khóc cho tình yêu và
sự nghiệp của Thiên Chúa mới là những giọt nước mắt ân sủng. Mà hỏi thử, có mấy
ai trên cõi đời này dám khóc cho người, vì người như thế. Khóc cho riêng mình
chưa hết, sao có thể khóc thay ai, khóc cho ai, khóc với ai được bây giờ? Kể
cũng thật đáng thương, bởi kẻ hèn nhát thì ít nhưng người yếu đuối lại nhiều,
thế nên có ai trong nhân loại cười hết, trái lại nay người mai ta, nay khóc
mình mai khóc thiên hạ, nay cười mình mai cười thiên hạ là vậy.
Thôi,
hãy sống làm sao để đừng như phú hộ hôm nay, khi về đến cửa trời mới biết hối
hận thì đã muộn, dẫu chỉ xin cho được giọt nước của kẻ ăn mày cũng không có.
Oái ăm là chỗ ấy, có đâu kẻ tỷ phú lại van xin người cơ bần dù chỉ là giọt
nước. Nhớ ngày xưa khi giàu có ngồi trên
đống vàng đống bạc ông nào thèm đếm xỉa đến kẻ cơ bần này, nay sa cơ thất thế,
đứng trước nhan Vua Trời, ông lại xin kẻ ông từng khinh miệt, hất hủi chỉ vài
giọt nước nhỏ. Ông đã chẳng từng giàu có lắm sao, vậy mà một giọt nước ân sủng
bé tẻo teo cũng chả có. Tại sao vậy, phải chăng nhà ông giàu nhưng lòng ông quá
nghèo, nghèo đến nỗi đánh mất chính mình lúc nào chẳng kịp hay biết.
Trớ
trêu hơn, tình trạng của ông, thế giới ai cũng biết, nhưng nhân loại chẳng mấy
ai tin. Vì không tin nên hằng ngày họ vẫn cam lòng nghoảnh mặt làm ngơ trước
bao tiếng kêu van thống thiết của đồng loại. Người nghèo khổ bất hạnh nhiều
lắm, nơi nào cũng có nhưng tìm được người giàu biết sống cho kẻ nghèo lại không
mấy có. Có kêu gào, réo gọi thế nào cũng vô hiệu, chả còn mấy người tha thiết
công việc của Thiên Chúa nuuã rồi. Chả còn mấy ai ham muốn sống yêu thương, chỉ
biết sống yêu thương cá nhân mình, chỉ biết lo thân mình là đã lấy làm đủ. Cho
nên, có bao giờ trong nhân loại người ta không còn nghe vẳng tiếng khóc than
đâu? Lương tâm nhân loại chai sạn đến độ người từ cõi chết có trở về răn bảo
cũng chẳng khiến họ mảy may lung lạc. Hình như Thiên Chúa không còn sống, để
mặc nhân tình thế thái, ai vui cứ cười, ai khóc mặc khóc, ai giàu cứ giàu, ai
nghèo mặc nghèo, nước mắt cứ vậy mà rơi hoài là vậy.
Lạy Chúa, con không là người giàu nhưng lại
không biết động lòng trước nỗi khổ đau của đồng loại. Lương tâm con không bị
chai sạn bởi của cải bạc tiền nhưng lại sơ cứng vì đau khổ, mất mát, yếu hèn.
Hết khóc cho đời con quay sang khóc cho mình cũng không thể đủ. Thế trần nhiều
nước mắt quá Chúa ạ. Thân con mỏng dòn không đủ quảng đại lau nước mắt cho
người. Hiến thân cho người nghèo sao được trong khi con cũng chỉ là kẻ nghèo
hèn, bất tài, vô dụng. Nhân loại nghèo tiền của, vật chất, đói tình thương còn
con lại nghèo ân sủng. Thế giới bất hạnh vì nghèo, riêng con lại bất hạnh vì
tội. Thì ra con là kẻ nghèo hèn bậc nhất trong thế giới, hỏi sao con có thể
chia sẻ giàu có của mình với ai, cho ai được? Xin Chúa biến đổi trái tim con,
uốn nắn trái tim cằn cỗi chai lỳ bất trị. Tim con đã cạn rồi, tình yêu trong nó
cũng đã chết, con đã không còn khả năng động lòng trước nỗi thống khổ của đồng
loại, mà chỉ có khả năng mủi lòng trước nỗi đau của chính mình. Con là kẻ chỉ
biết làm giàu bản thân, chai lỳ bước lên hạnh phúc của Thiên Chúa mà sống. Cúi
xin Ngài hãy tha thứ cho con, ban cho con chỉ một giọt ân sủng nhỏ nhoi sau
cùng sót lại. Một giọt, chỉ một giọt thôi lạy Chúa, cũng đủ cứu độ cuộc đời
con.
M. Hoàng Thị Thuỳ Trang, ICM.