KẺ VÔ ƠN
Nghèo
khổ, ốm đau, chết chóc, không biết từ bao giờ đã trở thành nỗi ám ảnh kinh
hoàng cho con người. Người ta không sợ gì cho bằng sợ chết, vì sự chết cướp đi
tất cả. Nhân loại không sợ gì bằng bệnh tật, vì thần chết gõ cửa bất ngờ lúc
nào chả hay. Ai thấy nghèo khổ cũng ớn lạnh, vì đói kém là điềm báo trước cảnh
khốn cùng. Có điều lạ là không mấy người sợ tội, chả vậy mà không ít kẻ phạm
tội chẳng gớm tay.
Ai
phải đã từng ốm đau, bệnh tật, nghèo đói mới thấu cảm nỗi khổ cực của những
người lâm cảnh hoạn nạn. Có vào tới nhà thương, có một lần bệnh hoạn mới thấu hiểu nỗi sợ hãi của người bị bệnh. Có
đói khát mới hiểu được giá trị của lòng bác ái, cho đi. Nhân loại nghèo lắm,
nào giàu có chi đâu, nghèo vì không cưu mang nổi sự sống bản thân mình. Có thủ
đắc toàn thế giới mà không giữ được mạng sống thì nào có ích chi. Tất cả đều ra
tro bụi, con người cũng trở về bụi tro, hỏi thử giàu có để mà làm gì?
Tiền
bạc không mua được sức khoẻ, sự sống và tình yêu. Chỉ có sự tín thác vào tình
yêu thương nhân lành của Thiên Chúa mới làm cho con người sống. Người ta chết
về thể xác nhưng không chết tinh thần. Ốm đau bệnh tật phải chạy thầy chạy
thuốc đã đành, nhưng trên hết phải chạy đến Đấng ban cho ta sự sống kìa, chính
Đấng ấy mới làm cho ta sống, mới có quyền trên sự chết của ta.
Nếu
đã từng chạy vạy cầu xin thì cũng trải nghiệm sâu sắc khát khao được cứu chữa.
Nếu đã từng mừng vui hoan hỉ, mới cảm nghiệm giá trị của người ban ơn. Nếu đã
từng giang tay đón nhận, mới hiểu thấu lời cảm ơn, đền tạ. Cầu xin khẩn thiết
thế nào, lòng biết ơn khi được nhận lời lớn lao dường ấy.
Không nỗi khổ đau nào lớn hơn nỗi đau khổ vì
bị bệnh tật hành hạ, bởi đó chính là dấu hiệu báo trước cửa thần chết. Nói vậy, thì cũng chẳng niềm
vui nào lớn lao cho bằng niềm vui của người được chữa lành, được cứu vớt, được
xót thương. Vết thương thể xác còn vậy, nói gì đến vết thương tâm hồn, mang
trong lòng gánh nặng tội lỗi là mang án chết, được cứu độ, được tha thứ có khác
nào được Thiên Chúa phục sinh. Nỗi bất hạnh càng lớn thì niềm vui hạnh phúc
càng giá trị. Phải đã từng phạm tội, phải đã từng vấp ngã, phải đã từng đau
đớn, mới am hiểu nỗi thống khổ của kẻ làm người. Có ai thích tội bao giờ, tội
lỗi chẳng qua cũng là vì không thể thoát khỏi số mệnh. Nhân loại có thể không
thấy được tội nhưng lương tâm họ thấy, lương tâm cào cấu, cắn xé cũng đủ xé nát
tâm can.
Mười
người phong hủi hôm nay diễm phúc đón nhận phép lạ hiện sủng. Thay vì mang án
phạt suốt đời của kẻ bị ô uế, Thiên Chúa đã giải phóng, Ngài đã phục hồi họ
tinh tuyền, điều mà chẳng ai trong nhân loại có thể làm được. Thiên Chúa quyền
năng cực trọng như thế, mà chẳng hiểu sao nhiều lúc Ngài cũng chỉ đứng khoanh
tay nhìn nhân loại khóc. Hình như Ngài yêu thích nước mắt hơn tiếng cười, cho
nên bất kỳ ai cất bước theo Ngài cũng không thoát nổi con đường thập giá, từ
bỏ, tận diệt, hy sinh. Nhân loại chả biết từ khi nào đã lâm vào cảnh khốn cùng,
tội lỗi, chết chóc, tai ương luôn luôn rình rập, đe doạ. Sống mà buồn như thế
thà đừng tồn tại có phải hơn không nhỉ?
Thế
nhưng, ở trong nỗi cô đơn ngàn đời xem dường là định mệnh ấy, Thiên Chúa đã
đồng hành với họ, đã sống, đã chết, đã cùng đau khổ, cùng sẻ chia kiếp người
như họ. Trong ánh mắt Thiên Chúa chỉ có thuật ngữ tha thứ và yêu thương. Trong
trái tim nhân hậu của Ngài chỉ có cụm từ xót thương và cứu độ, Ngài là Thiên
Chúa của lòng thương xót và quyền năng, không có gì mà Thiên Chúa không thể làm
được. Thế nên, điều quan trọng không phải là Thiên Chúa làm hay không làm nhưng
đúng hơn là lòng tin vào việc Thiên Chúa làm của nhân loại thế nào. Con người
ngày nay có còn tin vào Thiên Chúa nữa không, có khám phá ra sự hiện diện của
Ngài nữa không và có dám sống cho niềm tin vào Ngài không mới là vấn đề.
Tin,
yêu Thiên Chúa, công việc tưởng chừng không có gì khó, vậy mà sống niềm tin ấy
mới thực khó đến chừng nào. Sống tình yêu Thiên Chúa không thể là lối sống trên
môi trên miệng nhưng cần phải được thể hiện bằng cả cuộc đời. Lẽ thường, con
người cần đến nhau cũng chỉ vì ích lợi của nhau, chỉ có Thiên Chúa mới dám sống
cho ích lợi của người. Nhân loại đối xử với nhau theo tư lợi, Thiên Chúa lại xả
mình hiến thân vô điều kiện, không biên giới, Ngài chỉ biết trao hiến và yêu
thương. Nhân loại chỉ biết nhận ơn mà không biết trả ơn, nếu không muốn nói là
vô ơn, bội bạc. Được chữa lành khỏi phong hủi là một phép lạ cao cả, tột cùng
vậy mà chẳng hiểu sao Thiên Chúa không nhận được cho dù chỉ là một lời cảm ơn.
Lối sống thực dụng ngày nay đã điều khiển, nắm giữ con người, khiến họ không
còn cần biết đến Đấng từng giờ ban ơn cho họ. Nhân loại sống như thể điều tôi
đang hưởng là hợp lẽ, không cần biết đến Đấng đã quảng đại, rộng rãi thi ân cho
tôi.
Lạy Chúa, con không mắc bệnh hủi như người
phong hôm nay nhưng con lại lây bệnh giống họ vì tội vô ơn bội bạc. Ngài không
chữa con lành lạnh thể xác nhưng cứu vớt con lành sạch tâm hồn. Tâm can con nhơ
nhuốc dường nào vậy mà Ngài đã chữa con tinh sạch. Thế nhưng, trơ trẽn thay,
con đã không những không biết quay lại nói được một lời cảm ơn mà còn ngoay
ngoảy bỏ đi biền biệt. Con là kẻ vô ơn đáng nguyền rủa trước lòng nhân hậu vô
biên của Thiên Chúa. Chính tham vọng thế trần đã khiến con mờ mắt và hút con
vào chốn đam mê buôn tuồng. Xin tha thứ cho con, xin đưa con trở lại với tình
yêu tinh tuyền của Thiên Chúa, để con không còn là kẻ bất hạnh vì bội tín, thất
trung. Xin giúp con hiểu rằng không có lời cảm ơn nào trọn vẹn cho bằng lời tạ
ơn dâng hiến cả cuộc đời.
M. Hoàng Thị Thuỳ Trang, ICM.