SỐNG… NGÀY CUỐI CÙNG
Cứ vào mùa chay, cảm
xúc về con người và cuộc đời lại chạy trên từng trang viết. Đề tài nói đến cuộc
trở về có lẽ không ít, thế nhưng xem ra số lượng và chất lượng của nó cũng chỉ
như cát dưới biển. Hình như người ta chỉ trở về khi đã mất tất cả, khi không
còn gì để nắm giữ. Nhân loại thật khó khăn khi phải sống siêu thoát. Câu chuyện
người thanh niên giàu có chứng minh khía cạnh ấy cách xác thực. Nhân loại dễ dàng
chu toàn lề luật Thiên Chúa nhưng khó chia sớt của cải cho người. Đồng tiền
liền khúc ruột, không dễ chút nào đâu!
Thêm
nữa, con chim gần giờ tử mới biết hót tiếng hay, người sắp từ trần mới biết nói
lời hay lẽ phải. Hành trình đời con người trải qua rất nhiều biến chuyển theo
từng giai đoạn. Khi còn trẻ, tuổi còn xuân, đời còn đẹp, mấy ai nghĩ đến hậu
vận? Cậy dựa vào sức khỏe, bạc tiền, địa vị, sự nghiệp…con người bỏ qua mọi
lãnh vực cản trở sự hưởng thụ của họ. Cho đến lúc, mọi thứ dường như vô giá trị
trước sự thật phải tay trắng ra đi theo cái chết, nhân loại mới biết hồi tâm,
thống hối, thì đã muộn. Thế nhưng, đối với Thiên Chúa không bao giờ là muộn,
điều quan trọng là con người có nhận biết chân giá trị của cuộc sống? Mùa chay
về, ai ai cũng tỏ vẻ thống hối, khoác lên mình những tấm áo ăn năn, ý thức sự hy sinh cao cả của Thiên Chúa đã
chết cho mình, nhưng rồi mùa chay qua đi, cuộc sống trở về với vòng quay tuần
hoàn của nó, nhân loại lại lao vào con đường hưởng thụ, tranh chấp… mãi không
ngừng.
Có
thể nói, thế giới đương đại là một thế giới phô trương, khoe mẽ. Phong trào tỏ
mình ra ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt. Hết công ty này đến phái
đoàn tổ chức khác hiển danh thế giới vì đã tìm mọi cách mua cho bằng được tấm
áo hào phóng. Thật ra điều ấy tốt chứ, đáng ca ngợi, nhưng mặt trái của nó là
một loại phô trương tế nhị, như một cú đòn tâm lý đánh động vào xu hướng chuộng
danh vọng của con người. Nhân loại ngày nay quên đi cái thế giới tâm linh thật
rồi, người ta làm phúc không phải chỉ để được phúc mà nguy hiểm hơn chính là để
được danh, được tiếng. Người càng giàu, danh càng lớn, địa vị càng cao, thế
giới càng tôn vinh, người người càng ca tụng. Chỉ có kẻ nghèo suốt đời … có mỗi Thiên Chúa ghi tên!
Thật
ra không phải thời đại này mới có, mà từ thuở đầu tạo dựng con người đã hướng
chiều về điều xấu, phản bội Thiên Chúa và Ngài đã chẳng hề chấp tội, hằng thứ
tha. Mặt khác, Ngài ra sức kêu gọi nhân loại thiết lập thế giới tâm hồn, một
chiều sâu tâm linh mà chẳng thấy được đón nhận. Chiều sâu ấy là gì? Chính là một
tâm hồn kính sợ Thiên Chúa, trên nền tảng khiêm nhường, yêu mến. Bất kỳ ai yêu
mến Thiên Chúa thật, đều có một đức khiêm nhường sâu thẳm không gì phá vỡ. Ở
đó, họ là có thể làm phúc tay trái mà không cho tay phải biết, họ có thể liên
lỉ nguyện cầu lặng lẽ mà chẳng ai biết họ đang nguyện cầu, tâm hồn họ lúc nào
cũng ý thức chay tịnh mà chẳng ai biết chay lòng họ cưu mang. Đó là những con
người của Thiên Chúa, đó mới đích thực là người Thiên Chúa muốn.
Giáo
hội mời gọi con cái xé tâm hồn để trở về với Thiên Chúa. Tất cả những gì ngoài
thế giới tâm linh đều là thứ vật chất mau qua, thứ vật chất ấy quan trọng thật,
cần thiết thật nhưng không phải là cứu cánh. Nó không có giá trị cứu rỗi. Phải
sống làm sao đừng để nô lệ cho danh vọng, bạc tiền mà hãy nô lệ Thiên Chúa.
Tiền của, sự nghiệp không làm nên linh hồn. Linh hồn con người là Thiên Chúa, nơi
ấy Thiên Chúa phải được sống và hiện diện.
Có
không biết bao nhiêu cuộc trở về trong nhân loại, những cuộc trở về đẫm nước
mắt bi thương, nhưng vẫn còn đó, hiển hiện khắp nơi những cuộc trở về vô nghĩa,
rỗng tuếch. Phải làm sao, phải làm thế nào để nhân loại biết sống và biết quay
trở về, dẫu có phải mất mát hay bỏ mình đi cũng có gì đâu mà quan trọng. Thiên
Chúa không quan trọng hơn tất cả đó hay sao. Thảm kịch cũng chỉ vì chọn sai,
chọn chệch hướng, hãy chọn làm người có Chúa… để thế giới được yêu thương.
Sinh
ra từ hạt bụi nay còn mai mất và rồi cũng sẽ trở về bụi, thế nhưng nhân loại
làm như thể mình sẽ sống mãi không bao giờ chết vậy. Tưởng như giàu có sẽ nuôi
họ suốt đời không bao giờ hết. Người ta đua nhau làm việc thiện để được ghi
danh trên bảng vàng mà quên ghi tên mình ở lòng người… có phải thế không?!
Lạy Chúa, từ khi ý thức mình là bụi, con vừa
buồn, vừa sợ nhưng cũng vừa mừng vui. Không ít lần con xin Chúa cho con được
trở về bụi, không phải để trốn tránh mà đúng hơn muốn sớm trở về sự thật đời mình.
Bản thân là bụi, rồi cũng sẽ trở về bụi đất thôi. Bao lâu chưa là bụi, bấy lâu
con còn băn khoăn, thao thức, mong mỏi. Về với lòng đất mẹ hiền hòa mà hạnh
phúc lắm, ở đó không còn nước mắt khổ đau, tranh giành, ganh ghét. Được tan ra
thành trăm ngàn hạt bụi, dấu chân người có thể đặt lên cũng là một nghĩa cử đẹp
chứ. Chỉ cần con ý thức, hạt bụi mà chính Chúa gieo vào đời ấy, không phải nó
được sinh ra, lớn lên rồi mất đi cách vô ích nhưng là để ghi dấu lòng người, nơi
từng mảnh đất có bước chân qua. Không biết hạt bụi đời con vương xuống cõi đời
ô trọc này đã tan hòa đến đâu hay còn đọng lại? Con vẫn xin Ngài thương giúp
con biết sống một ngày cuối cùng để sống, một khi có phải ở tận lòng đất, không
người biết đến, con cũng sẽ thôi không còn khóc nữa. Thật, con sẽ không còn
khóc nữa đâu, mà chỉ còn tiếng nói tha thứ, yêu thương…
M. Hoàng Thị Thùy Trang.