PHÚC CUỐI

 

Dân gian nói nhiều về được mất, phúc họa. Kinh nghiệm cuộc sống cũng minh chứng điều đó. Quả thật, biết phúc đâu mà tìm, biết họa đâu mà tránh. Trong cái họa vẫn tiềm ẩn cái phúc, trong cái phúc luôn có bóng dáng của họa. Vậy mà, Hiến chương Nước trời lại có đến tám mối phúc. Và tất nhiên, liền đó cũng là tám mối họa cho những ai không tìm phúc để sống.

Thật ra, ai mà chẳng thích tìm điều phúc lành. Nhân loại chả phải vẫn luôn chúc phúc cho nhau hằng ngày đó sao. Nương theo lịch sử nhân loại, thật phúc cho những ai đẹp lòng Thiên Chúa, được Thiên Chúa chúc phúc. Lời chúc lành có một giá trị cao cả và thiêng liêng. Ngược lại, chúc dữ lại là cái điều gì đó vô cùng kinh sợ.

Tổ phụ Apraham, Đức trinh nữ Maria… đại diện dòng dõi những người được chúc phúc. Bởi các ngài đã đẹp lòng Thiên Chúa. Nhưng nếu nói theo nhãn quan xã hội, nào có phải “phúc” đâu, nếu không muốn nói vô cùng “họa” nữa là khác. Cả cuộc đời, suốt một đời, có lúc nào thấy được may mắn, sung sướng, hay chỉ thấy toàn thập giá và khổ đau. Thế đấy, cái phúc theo nhãn quan của Thiên Chúa là vậy. Nhưng tréo ngoe cũng từ đó, thế giới mấy ai hiểu được. Nhìn thấy mất mát, đau khổ, đắng cay, nghèo đói, bệnh tật, thất bại hay phản bội, luôn cho mình… là kẻ bất hạnh!

Thực tế cũng phải chân nhận, cái nực cười của sự trái ngược, những điều nhân loại cho là họa, thì Thiên Chúa lại gọi là phúc. Vậy nếu như thế giới này, ai cũng biết đón nhận cái họa để làm nên phúc cho mình, thì còn đâu nữa những tiếng khóc than xé lòng và niềm tin có phải là luôn được thắp sáng rồi không?

Bẽ bàng thay, cuộc sống nào đâu chỉ là lý thuyết. Hiểu, biết còn chưa sống được nói gì không biết không hiểu? Phải làm thế nào đây, để thế giới thôi không còn khóc, bớt tiếng kêu than, người người biết mở rộng cõi lòng, giang rộng đôi tay thắt chặt tình đồng loại? Không đề cập đến thì thôi, mỗi lần nhắc tới lại đau đứt ruột. Chẳng biết tại sao nhân loại khó thương yêu đến thế. Người người cứ chấp nhất, ganh tỵ, ghen ghét nhau từng chút từng li. Hỏi thử cứ thế sao cho có được hòa bình? sao mong được hạnh phúc ấm êm? Bạo hành lúc này không chỉ xảy ra trên thế giới mà đến cả môi trường nhỏ bé nhất, nơi mái ấm chỉ có hai con người vỏn vẹn sống với nhau, cũng đã có mặt của bạo hành. Từ trong nhà ra ngoài ngõ, rồi đến thế giới, như một cơn sóng thần quét lần quét mòn văn minh tình thương của nhân loại.

Không ai phủ nhận mình khao khát điều phúc, nhưng chả mấy ai sống điều khao khát đó cả. Thay vì tìm phúc, lại lấy cả họa để đánh đổi “cái phúc” theo quan niệm cá nhân nữa kìa. Cái mà xưa nay dân gian vẫn gọi, hạnh phúc của người này là bất hạnh của kẻ khác. Người phúc đạp trên cái họa của kẻ khác mà sống là như vậy.

Nếu như thế giới, ai cũng đi tìm phúc trong họa, thì làm gì xảy ra chuyện kẻ họa - người phúc, có đúng thế không? Khổ nỗi ai cũng chỉ muốn phúc cho mình, vậy họa để ai bây giờ? Thôi thì, như Thiên Chúa đã nói, phúc cho anh, phúc cho chị, phúc cho em, những con người nghèo khổ, bất hạnh; những con người than khóc, u sầu, cô đơn, bạc phước; những con người khao khát yêu thương, sự công bình, chính trực và chân lý… vì sao vậy? Chính vì Thiên Chúa hiện diện nơi tất cả những mối “phúc” ấy. Có được nó, là có được chính Ngài. Và quả thực, không những phúc mà còn là tột đỉnh phước lạc nữa kìa!

Lạy Chúa, không biết con có phải là kẻ bạc phước như nhân loại đang gọi. Vô phước vì con bỏ đường “hạnh phúc” mà đi tìm “đường mòn” nhân loại. Chẳng có đường nào là “mòn” cả, có phải thế không hả Chúa? Vì đường nào cũng có sự hiện diện của Thiên Chúa yêu thương. Không cần biết phúc họa, chỉ cần có Thiên Chúa ở đó là đủ. Thôi thì, nhận làm kẻ bạc phước để được ăn mày ân phúc Thiên Chúa cũng khiến con an lòng. Chỉ cần được Thiên Chúa yêu thương, có vô phúc cũng chẳng làm con run sợ. Thật, chả phải con thách đố với cuộc sống để mà tranh đua hơn thiệt, nhưng mối phúc Nước trời đúng thật là chỗ dựa cho con sức mạnh tồn tại. Con đã tốn phí quá nhiều thời gian minh định “phúc - họa” quá rồi, chỉ xin Ngài cho con tình yêu và sức mạnh, để con can đảm sống thời giờ còn lại với mối phúc của mình – phúc vì được làm con Chúa, phúc vì tin rằng… Thiên Chúa yêu thương!

 

M. Hoàng Thị Thùy Trang.

 


Mục Lục