Đức Chúa Thánh Thần,
Đấng Bảo Trợ.
Người bảo trợ chúng ta luôn cần trong đời sống
mình.
Cha mẹ sinh thành nuôi dưỡng, đào tạo giáo dục
con cháu lớn nên người là những người bảo trợ đời sống của ta trước nhất.
Nhờ vậy, ta mới có được cùng hiểu biết căn bản
đời sống, và sống sao cho đúng nề nếp đạo giáo tinh thần.
Khi ra trường đời sống làm việc, ta cũng cần có
người bảo trợ giới thiệu, bào chữa bênh vực.
Có thế, ta mới không bị lạc lõng bơ vơ, không
bị đối xử mất công bình.
Ngay bây giờ, thân nhân từ quê nhà Việt nam
muốn sang thăm chơi bên Đức, họ cũng cần phải có người bảo trợ đứng ra làm giấy
tờ bảo lãnh, bảo đảm trước chính quyền.
Nhờ vậy, họ mới được cấp giấy phép sang đây.
Trong đời sống đức tin đạo Công giáo, chúng ta
người tín hữu Chúa Kitô cũng cần đến người bảo trợ.
Chúa Giêsu là Thầy, là người Bảo trợ cho các
Tông Đồ. Khi nghe Người nói sẽ bỏ các học trò mình về trời, các Tông đồ thắc
mắc bối rối. Nhưng Chúa Giêsu đã trấn an các Ông: „ Thầy sẽ xin Chúa Cha và
Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là
Thần Khí sự thật.” ´ (GA 14, 16).
Đấng Bảo Trợ đó không chỉ là người bênh vực,
như Luật sư bênh vực cho người bị cáo ở tòa án xã hội, nhưng còn là người an ủi
và khích lệ tinh thần nữa.
Đấng Bảo Trợ, mà Chúa Giêsu hứa xin cùng Chúa
Cha sai đến, là Thần Khí sự thật. Đấng đó có nhiệm vụ dạy bảo, hướng dẫn và
nhắc nhở các Tông Đồ cũng như cho Gíao Hội, những gì Chúa Giêsu đã giảng dậy.
Đấng Bảo Trợ đó sẽ là trạng sư bầu chữa cho các
Tông Đồ, khi họ bị điệu ra trước vành móng ngựa bị bắt xét xử vì đức tin vào
Chúa. Lúc đó, Đấng Bảo Trợ sẽ soi sáng giúp họ vững tinh thần nói những điều
cần thiết và chính đáng làm chứng cho Thiên Chúa, cho sự chân thật.
Đức Chúa Thánh Thần không chỉ là Đấng Bảo Trợ,
nhưng Ngài còn là Người đứng ra tố cáo, soi dẫn chỉ cho thấy những tội lỗi sự
dữ, sự bất công bình và cùng là tòa án lương tâm nữa. (Ga 16,8)
Nhiệm vụ quan trọng của Đấng Bảo Trợ là hướng
dẫn các Tông Đồ, Gíao Hội, về đến nguồn sự chân thật (Ga 16,13)
Trong đời sống đức tin ngày nay, đức thánh Cha
Phanxicô trong bài gíao lý ngày 15.05.2013 đã suy niệm về Chúa Thánh Thần, Đấng
Bảo Trợ, Thần khí sự thật:
„ Chúng ta sống trong một thời đại, trong đó
người ta nghi ngờ đối với sự thật. Đức Biển Đức XVI đã nhiều lần đề cập tới chủ
thuyết tương đối hóa, nghĩa là khuynh hướng cho rằng không có gì là vĩnh viễn
và nghĩ rằng sự thật đến từ sự đồng ý hay từ điều chúng ta muốn.
Và người ta tự hỏi: sự thật có hiện hữu thực sự
hay không? Sự thật là gì? Chúng ta có thể hiểu biết nó không? Chúng ta có thể
tìm thấy nó không?
Đến đây tôi nghĩ tới câu hỏi của quan Roma
Ponzio Pilato, khi Chúa Giêsu mạc khải cho ông biết ý nghĩa sâu xa sứ mệnh của
Người: “Sự thật là gì?” (Ga 18,37.38). Quan Philatô không hiểu rằng “sự thật”
đang đứng trước mặt ông, ông không trông thấy nơi Đức Giêsu gương mặt của sự
thật, là gương mặt của Thiên Chúa. Thế nhưng Đức Giêsu chính là điều đó: Sự
Thật, mà khi tới thời viên mãn, “đã nhập thể” (Ga 1,1.14), đến giữa chúng ta,
để chúng ta hiểu biết sự thật.
Sự thật không được nắm bắt như một sự vật,
nhưng được gặp gỡ.
Nó không phải là một sự chiếm hữu, nhưng là một
cuộc gặp gỡ với một Bản vị.”
Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống 2013
Lm.Daminh Nguyễn ngọc Long (http://songductin.de)