Bạn Sẽ Chọn Ai, Chúa Giêsu Hay Chúa Thánh Thần?

Thomas Reese

Khi bạn tạo mật khẩu tại ngân hàng của mình, ngân hàng sẽ hỏi bạn một số câu hỏi xác nhận người thực. 

Câu hỏi yêu thích của tôi là, "Người nào bạn muốn gặp nhất?" Tôi luôn tự hỏi có bao nhiêu người trả lời "Chúa Giêsu."

Vào ngày 21 tháng 5, chúng ta cử hành Lễ thăng thiên, ngày Chúa Giêsu rời khỏi Trái đất. Tôi nghĩ rằng rất nhiều người trong chúng ta muốn Ngài trở lại. Nhưng Chúa Giêsu ra đi và ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần. Đó có phải là một đổi chác công bằng không?

Nếu bạn có thể chọn lựa giữa việc có được Chúa Giêsu hiện diện hôm nay hoặc có được Thánh Linh, bạn sẽ chọn điều nào? Tôi nghĩ rằng đối với hầu hết các Kitô hữu, đó không phải là cuộc tuyển chọn. Hầu hết chúng ta sẽ từ bỏ một đời với Chúa Thánh Thần để lấy năm phút với Chúa Giêsu. Chúng ta muốn có Chúa Giêsu; chúng ta có thể bỏ qua Chúa Thánh Thần.

Nhưng nếu đó là những gì chúng ta tin, thì chúng ta thực sự không hiểu các Tin Mừng; chúng ta thực sự không hiểu Chúa Giêsu.

Lễ Thăng thiên (21 tháng 5) cử hành việc để cho Chúa Giêsu ra đi về mặt thể xác và chuẩn bị cho Chúa Thánh Thần ngự đến vào ngày lễ Ngũ tuần (31 tháng 5). Chúng ta không muốn làm điều này nhiều hơn các tông đồ đã làm, tại Bữa Tiệc Ly trong Tin Mừng của Gioan, khi Chúa Giêsu nói với các tông đồ rằng Ngài phải ra đi. Ngài phải ra đi thì Ngài mới có thể gửi Chúa Thánh Thần đến.

Chúa Giêsu nói với các môn đệ của mình trong chương 16 Tin Mừng Gioan, "Thầy đi thì tốt hơn cho anh em," bởi vì nếu không, thì Chúa Thánh Thần sẽ không đến. "Nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ gửi Ngài đến cho anh em." 

Các môn đệ trả lời, đại ý là: "Hãy quên Chúa Thánh Thần đi, chúng con muốn Thầy cứ bám chặt quanh quẩn nơi đây thôi."

Tôi nghĩ rằng phản ứng của chúng ta ngày hôm nay cũng như vậy thôi. Nhưng Chúa Giêsu nói rằng sẽ tốt hơn cho chúng ta nếu chúng ta có Chúa Thánh Thần. Tại sao vậy?

Tôi nghĩ đó là bởi vì dù chúng ta có thân thiết với Chúa Giêsu đến thế nào, Chúa Giêsu vẫn luôn ở bên ngoài, trong khi Chúa Thánh Thần ở bên trong chúng ta. Nói cách khác, đó là lựa chọn giữa việc “có” Chúa Giêsu hoặc “là” Chúa Giêsu.

Chính Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta thành Chúa Giêsu, làm cho chúng ta trở thành thân thể của Chúa Kitô. Chính Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sự sống và đổ đầy chúng ta bằng tình yêu. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu phải ra đi để có thể gửi Chúa Thánh Thần đến. Ở với Chúa Giêsu là không đủ cho chúng ta; chúng ta phải trở thành Chúa Giêsu và chúng ta chỉ có thể làm điều đó với quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Hầu hết mọi người Công giáo trở nên lo lắng khi họ nghe những người phái đặc sủng hoặc những người phái phúc âm nói về việc được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Một lúc nào đó trong cuộc sống chúng ta, chúng ta có thể có được một kinh nghiệm tâm linh trong đó chúng ta cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa, nhưng hầu như mọi lúc chúng ta lê bước trong cuộc sống tâm linh như một khách bộ hành chẳng có pháo hoa. 

Tôi nghĩ vấn đề của chúng ta là chúng ta không biết cách nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của chúng ta. Tôi nghĩ rằng chúng ta kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa Thánh Thần không chỉ vào những thời điểm đặc biệt, mà là mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không nhận ra sự hiện diện đó. Nếu chúng ta thực sự tin rằng Thiên Chúa là Tình yêu, như Kinh thánh nói với chúng ta, thì mỗi lần chúng ta kinh nghiệm tình yêu, là chúng ta kinh nghiệm Chúa Thánh Thần.

Mỗi đứa trẻ có cha mẹ yêu thương, đều kinh nghiệm Chúa Thánh Thần. Tình yêu chung thủy mà chúng ta trải nghiệm từ bạn bè và vợ chồng là một kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần. Tình yêu hồn nhiên và đáng tin cậy của trẻ em là dấu hiệu của Chúa Thánh Thần. Bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy bị thúc đẩy bởi tình yêu, đó không chỉ là nội tiết tố; đó là sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Những người mạo hiểm mạng sống của mình để chăm sóc bệnh nhân COVID-19 được tràn đầy Chúa Thánh Thần. Những người cống hiến cuộc đời của họ cho công lý và hòa bình hoặc để bảo vệ Mẹ Trái đất được Chúa Thánh Thần thúc đẩy.

Trong Tông huấn năm 2016 của mình, Amoris Laetitia, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô nói rằng Ngài thấy sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong phong trào phụ nữ khi họ hoạt động vì quyền bình đẳng và quyền phụ nữ.

Bạn có thể nói, "Điều này không giống với Chúa Thánh Thần, tất cả đều rất con người." Tôi sẽ lập luận rằng những gì là con người nhất, những gì thực sự là con người nhất trong chúng ta, là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần hiện diện trong mọi người, kêu gọi chúng ta trở nên nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ là mình có thể. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới cho chúng ta sức mạnh để yêu một cách không ích kỷ, hy sinh bản thân mình vì người khác, dấn thân bằng lòng trung thành lúc thuận lợi cũng như lúc bất lợi, đặt công lý lên trên quyền lợi của mình.

Có một lý do thứ hai Chúa Giêsu phải ra đi: Ngài phải được biến thành Chúa Kitô vũ trụ.

Trong vũ trụ học của Thánh Luca, thiên đàng ở trên trời. Kiến thức của chúng ta về thiên văn học và sự tiến hóa cho chúng ta một viễn cảnh khác nhau. Sự thăng thiên tôn vinh Chúa Giêsu trở thành Chúa Kitô vũ trụ, người không chỉ liên quan đến Trái đất và nhân loại, mà còn với Vũ trụ và tất cả những gì sống trong đó. Theo nghĩa này, Chúa Kitô lớn hơn Chúa Giêsu, giống như Vũ trụ lớn hơn Trái đất của chúng ta. Chúa Giêsu thăng thiên trở thành Chúa Kitô vũ trụ ngồi bên hữu Chúa Cha.

Trong bài giảng Phục sinh đầu tiên của mình, Đức Giáo Hoàng Biển Đức nói rằng sự phục sinh là bước tiếp theo trong quá trình tiến hóa của loài người. Chúng ta giúp thế giới phát triển khi chúng ta kết hợp chính mình với Chúa Kitô phục sinh bằng cách trở nên yêu thương hơn. Thăng Thiên nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Kitô mà chúng ta kết hợp là Chúa Kitô vũ trụ ngồi bên hữu Đấng Sáng Tạo Vũ Trụ.

Khi chúng ta cử hành lễ Thăng thiên, chúng ta lắng nghe những lời của Chúa Giêsu, nhưng với đôi tai được Chúa Thánh Thần mở ra. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, chúng ta hợp nhất với Chúa Kitô và với nhau như một thân thể. Chúa Kitô này không chỉ là Chúa Giêsu đi trên trái đất, mà là Chúa Kitô vũ trụ.

Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, chúng ta kết hợp với Chúa Kitô và kết hợp với tất cả công trình sáng tạo để tạ ơn Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Và khi chúng ta bẻ bánh, Chúa Thánh Thần mở mắt chúng ta để chúng ta nhìn thấy Chúa Kitô ở giữa chúng ta. Khi chúng ta cử hành lễ Thăng thiên và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta cầu nguyện: "Xin Chúa Thánh Thần hãy ngự đến, hãy đổ đầy trái tim các tín hữu của Ngài."

 

[Cha Thomas Reese, Dòng Tên, giữ chuyên mục Religion News Service và là tác giả của cuốn Inside Vatican: The Politics and Organization of the Catholic Church.[1]]

 

https://www.ncronline.org

 

Phê-rô Phạm Văn Trung, dịch.

 



[1] ND: Nội bộ Vatican: Chính trị và Tổ chức của Giáo hội Công giáo.


Trang Suy Niệm Các Chủ Đề Chung