Người Công Dân Có Ðức Tin: Xây Dựng Một Xã Hội Công Bình.

Xã Hội Học Kytô giáo nói gì về ơn gọi Nhấp Thế của người Kytô. Nhân Mùa Bầu Cử tại Hoa Kỳ, thử đặt lại vấn đề người Kytô phải hành sử ơn gọi đó như thế nào hợp với ơn gọi và lương tâm. Bài được phổ biến trong giáo phận Orange, California bằng Anh ngữ.

Mọi con người "có quyền sống, quyền bảo toàn thân xác, quyền có những phương tiện thích hợp để phát triển xứng đáng đời sống" (Pacem in Terris, số 11).

Hòa bình không hẳn là thiếu vắng chiến tranh. Ðó là một sự hiện diện sống động của công lý hòa bình - giữa các quốc gia, trong các dân tộc và trong mỗi con người. Hòa bình bắt đầu trong trái tim của từng cá nhân. Chúng ta vun trồng nó bằng sự chọn lựa của chúng ta; mà những kết quả luôn luôn tùy thuộc vào sự chọn lựa này. Hành vi của chúng ta luôn có tác động trên những người khác, bởi vì đàn ông hay đàn bà đều là con người có xã hội tính. Chúng ta được nối kết với nhau. Chúng ta tìm kiếm ra nhau qua tình bạn, tình yêu và sự hợp tác qua công việc. Nhưng khi mạng lưới liên đới đó phát triển rộng ra mà chúng ta không nhìn nhau là những anh chị em con cùng một Cha, thì đúng là tạo cơ hội cho những xung khắc vậy.

Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII, một trong những nhà kiến tạo hòa bình lớn nhất của Thế Kỷ 20 đã viết rằng những lợi ích chung của con người phải là những đòi hỏi cấp bách đối với các chính phủ. Các nhà cầm quyền phải đặt phẩm giá công dân mình lên hàng ưu tiên bằng cách bảo đảm cung cấp chương trình y tế công cộng, nơi ăn chốn ở, thực phẩm dinh dưỡng, giáo dục, công ăn việc làm và lãnh nhận đồng lương xứng đáng để sống cho người dân. Công Ðồng Chung Vaticano II đã mang đến những chỉ dẫn với những nhấn mạnh rằng con người phải "được sẵn sàng tham dự vào tất cả những điều cần thiết để sống ra cuộc sống con người một cách đích thực".

Trên hết mọi sự, cũng trong những lời của Ðức Gioan XXIII, nhiệm vụ của các nhà cầm quyền là " bảo vệ quyền bất khả xâm phạm của quyền làm người," mà khởi đi chính là quyền sống. Hòa bình bắt đầu từ công lý. Nhưng công lý lại được xây dựng trên tính các bất khả xâm phạm của mỗi và mọi sự sống con người.

Sự Sống: Viên Ðá Nền Tảng

"Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh của Ngài,.Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ. Thiên Chúa thấy mọi sự người làm ra quả là rất tốt đẹp! " (Sách Sáng Thế 1:27-28,31).

Thánh Kinh là một câu truyện yêu thương. Thiên Chúa tạo nhân loại theo tình thương của Ngài. Ngài muốn chúng ta chia sẻ niềm vui và sự sung mãn của Ngài, như lời thánh Augustinô đã viết, con tim chúng ta không nghỉ cho đến khi an nghỉ trong Chúa. Bất hạnh thay, chúng ta đang sống trong thời đại khi mà có quá nhiều con người đã quên Chúa cách dễ dàng.. Và một khi quên Chúa là chúng ta quên cội rễ của căn tính và phẩm giá của mỗi chúng ta. Bởi vì tình yêu Thiên Chúa thì vô giá, nên giá trị của sự sống cũng vô giá. Những người già yếu, những thai nhi, những tử tội: tất cả cũng mang dấu ấn của Tình Yêu Thiên Chúa. Mọi sự sống bất kể rối loạn hay bệnh hoạn đều có giá trị cả.

Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền trên sự sống, chúng ta không "sở hữu" nó. Sự sống là một món quà. Chúng ta có bổn phận gìn giữ, chứ không có quyền vứt bỏ nó, và càng không bao giờ được cướp đoạt sự sống đó của người khác. Sự bất khả xâm phạm sự sống con người, từ lúc thụ thai cho đến sự chết tự nhiên đều là di sản chung của mọi người, là viên đá nền tảng của công lý. Do đó nếu quyền sống không được tôn trọng theo từng gia đoạn phát triển thì mọi chính sách kinh tế, mọi thể chế chính trị quốc gia chỉ là xây nhà trên cát mà thôi.

Người Công Dân Là Nhà Kiến Tạo

"Chỉ có sự thăng tiến con người đích thực liên lỉ mới có thể vực nổi dậy nền dân chủ với những giá trị đúng đắn. Ðó chính là thánh ý của Chúa Giêsu khi Ngài muốn chúng ta làm men giữa đời." (Living the Gospel of Life, 25).

Không phải chúng ta không có quyền hành. Chúng ta có quyền của những công dân. Và tại Hoa Kỳ, điều này có nghĩa là chúng ta những nhà thiết kế tìm tòi công cuộc điều hành những việc chung. Tính đặc trưng của quốc gia tùy thuộc vào mỗi chúng ta. Người công dân tạo dựng tương lai không phải là im lặng, nhưng là đi tiên phong trong niềm tin tưởng cách hăng hái đối với những dự luật có tính đạo đức và hợp hiến. Thực vậy, càng tham gia dấn thân vào công việc chung của khu pho, chúng ta càng phục vụ cộng đồng bằng cách xây dựng cuộc đối thọai trong sự thật. Sự thật đó, như Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết, là lòng cốt các cấu trúc của tự do.

Nếu chúng ta muốn còn là những con người tự do chúng ta phải bắt đầu từ việc tự dốc tâm tôn trọng tính chất thiêng liêng của mọi sự sống, và ủng hộ cho những ứng cử viên có cùng một đường lối căn bản tối thiểu này. Vậy các vị dân cử có thể làm để bảo vệ gia đình chúng ta, để giúp đỡ những người nghèo, để đón nhận các di dân, để cải cách giáo dục công, để giúp cho mọi người có công ăn việc làm, cho mọi người có nơi trú ngụ và có chương trình sức khoẻ không?

Ðiều quan trọng cấp bách và cơ bản là: Các ứng cử viên có hành động để bảo vệ quyền sống từ lúc thụ thai cho đến sự chết tự nhiên không?

Mọi sự sống con người là dấu hiệu của tình yêu, ân sủng Thiên Chúa. Do đó, chọn lựa sự sống là chọn lựa tình yêu, chọn lựa bình an và công bình chính trực của Thiên Chúa.

Những lựa chọn của chúng ta hôm nay là tạo dựng cho tương lai: "Anh em hãy chọn sống để anh em và dòng dõi anh em được sống" (Sách Thứ Luật 30:19).

Dominic chuyển dịch.


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà