Thiên Chúa Sẽ Lau Đi Mọi Giọt Nước Mắt?

Regis Martin

 

Trong sự vĩ đại của mình, Ngài để mình trở nên bé nhỏ. Thiên Chúa đã mang một khuôn mặt con người”. Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI

NGÀY 30 THÁNG 4 NĂM 2020

Thiên Chúa có tồn tại không? Đó là một câu hỏi, giống như cái chết và các khoản thuế, không bao giờ biến mất. Thật vậy, như một ai đó đã từng châm biếm, Thiên Chúa chờ ở hành lang trong khi các học giả rút lên trên lầu để tranh luận về sự tồn tại của Ngài. Và, như mọi khi, điểm lóe sáng trong sự phản đối của họ là thần lý học, đó là nỗ lực tha bổng cho Thiên Chúa cái trách nhiệm rằng Ngài đồng lõa cách nào đó với sự tồn tại của một thế giới sa ngã.

Hình thức thông thường của lập luận được đóng khung như sau: Nếu Thiên Chúa toàn năng, thì Ngài sẽ có một tư thế để giải thoát thế giới khỏi cái ác; và nếu Ngài là toàn thiện, thì Ngài chắc chắn sẽ muốn làm như vậy. Nhưng sự gian ác vẫn tồn tại, vì vậy, hoặc Thiên Chúa không toàn năng, hoặc Người không toàn thiện. Nói cách khác, không có Thiên Chúa.

Hừm, thật ngắn gọn phải không nào? Người ta có thể bác bỏ lập luận này được không? Chà, cha William Lynch dòng Tên, đã qua đời, trong một tác phẩm sâu sắc và tinh túy về trí tưởng tượng văn học được viết hồi những năm 1960 tên là Đức Ki-tô và Apollo, đã đưa ra một câu trả lời cho lập luận đó khi nó xuất hiện trong các trước tác của Albert Camus, có lẽ là tiểu thuyết gia và triết gia nổi bật nhất của nước Pháp thời hậu chiến, tác phẩm đó cũng đánh động và sâu sắc như bất cứ tác phẩm nào tôi từng thấy.

Đối với Camus, bạn thấy đấy, đơn giản là không thể tin vào một Thiên Chúa dường như bất lực không thể ngăn chặn sự đau khổ của những trẻ nhỏ. Camus nói, chính Thiên Chúa phải cảm thấu một khối lượng mênh mông những tội lỗi, vì quá nhiều trẻ vô tội bị sát hại nhân danh Thiên Chúa. Thiên Chúa phải treo đầu mình trong sự xấu hổ, lẽ ra phải như vậy, vì đã chứng kiến quá nhiều việc độc ác, nhưng không làm gì để ngăn chặn nó.

Thế mà cha Lynch không phủ nhận cũng không gạt bỏ tính chính xác của lời buộc tội – nhưng lại nói rằng, vâng đúng thế, những đứa trẻ vô tội đã thực sự đớn đau và chết đi, và tiếng khóc của chúng chắc chắn được Chúa nghe thấy, ngay khi chúng vừa rơi vào một thế giới làm ngơ và thờ ơ, và điều này vẫn xẩy ra thường xuyên. Người ta hẳn là kẻ khá chậm trí nếu không thừa nhận cuộc tàn sát chống lại những trẻ em vô tội nhân danh tôn giáo.

Cha Lynch lập luận, nhưng những đứa trẻ ấy chịu khổ và chết đi như vậy là chịu khổ và chết đi “trong tiếng than khóc của Đức Ki-tô” (chữ in nghiêng được thêm vào), tiếng than khóc đó to lớn hơn nhiều, và như thế, nó có thể chứa đựng và bao gồm toàn bộ thế giới của những đứa trẻ đang than khóc. Cha Lynch giải thích, “Một người chỉ có thể gây ra nỗi đau cho một người nào đó bên ngoài mình. Nhưng tiếng khóc của Chúa Kitô rộng lớn hơn chúng ta nghĩ và trở nên hiện thực hơn qua chính thân thể của chúng ta”.

Thật là một câu nói gây ấn tượng sâu sắc! Thực sự hiện nay có thể có “những tiếng khóc to lớn hơn chúng ta nghĩ”, và khi tầm ảnh hưởng của những tiếng khóc đó mở rộng, chúng sẽ bao hàm tất cả những đau khổ của thế giới. Chuyện này như thế nào? Có thể xẩy ra được không? Nói cách khác, Thiên Chúa sẵn lòng gánh chịu nỗi khốn cùng theo cung cách nào và tận cùng như thế nào nếu không phải là để cho toàn bộ sức nặng của bao nỗi khốn cùng của thế giới ngập đầy Ngài? Một Thiên Chúa uy nghi đến độ sự khốn khổ của những trẻ nhỏ cũng khiến Ngài phải xót xa mà vẫn còn là Thiên Chúa sao? Một Thiên Chúa dũng lực đến độ Ngài có thể thay thế chính bản thân mình để trở thành người kém dũng lực nhất trong tất cả mọi người mà vẫn còn là Thiên Chúa sao?

Đức Bê-nê-đíc-tô XVI nhắc nhở chúng ta, “Trong sự vĩ đại của mình,Thiên Chúa đã để mình trở nên nhỏ bé. Thiên Chúa đã mang một khuôn mặt của con người”. Và khuôn mặt con người của Thiên Chúa có thể trở nên nhăn nheo bởi điều gì khác nữa nếu không phải bởi những nỗi phiền muộn của một thế giới tan vỡ và bất công? Vậy thì, tình yêu của Thiên Chúa sẽ vô hạn biết bao nếu tình yêu đó lại có thể bao gồm cả những tiếng khóc triền miên của những trẻ nhỏ, Người tập họp chúng lại để dâng lên Cha của Ngài trên trời cao, là Đấng đã hứa sẽ lau sạch từng giọt nước mắt!

Mỗi đau buồn thế giới đã biết;
Sự tan vỡ của mọi con tim.
Ngài biến tất cả thành của riêng mình,
Để chúng ta tìm được nghỉ yên trong Ngài.

Charles Williams viết, “Ngài không giống chúng ta, nhưng Ngài đã trở nên một người trong chúng ta... trong cái chết đang vươn tay ra lần cuối, giống hệt cái chết mà chúng ta dễ bị. Ngài đã thế chỗ chúng ta. Ngài đã gánh chịu thay cho chúng ta trọn vẹn các hậu quả của Lề Luật, mà Lề Luật đó lại chính là Ngài”.

Thế thì tại sao không để Thiên Chúa khóc than và chết thay cho chúng ta, vì ít ra sự sống đang tràn chảy trong Ngài không tách biệt khỏi sự sống chúng ta, dù nó có vẻ như đã bị tách biệt khỏi Ngài. Nếu Tiếng kêu bị Bỏ rơi trên Thập giá không có ý nghĩa gì cả, thì còn tiếng kêu khóc nào khác chắc chắn phải đến mức như thế không? “Lạy Chúa con, Lạy Chúa con, sao Chúa nỡ bỏ con?”

Đây là tâm điểm đức tin của chúng ta, được biểu hiện bằng sự có vẻ như mâu thuẫn của một Thiên Chúa sẵn sàng đao kiếm với chính mình; Một người Cha dường như không chỉ quay lưng lại với người Con, mà dường như còn tống cổ người Con thẳng xuống địa ngục, để duy trì ở nơi đó sự liên kết sâu sắc nhất với tất cả các linh hồn đã lạc mất của thế gian. Chesterton hớn hở nói, “Hãy để những người vô thần tự chọn một vị thần, họ sẽ chỉ tìm thấy một vị thần bao giờ cũng nói đến sự tách biệt của họ; chỉ có một tôn giáo mà Thiên Chúa dường như có một lúc nào đó đã trở thành một người vô thần”.

Không phải cơn thịnh nộ của người Cha đã đưa người Con xuống địa ngục, và chúng ta đừng nghe thêm lời nói vô lý theo kiểu Can-vin nào nữa về chỉ trích đó. Mà đúng ra, chính vì một tình yêu sâu thẳm không thể hiểu thấu được mà Đức Kitô, người Con, đã dám đến ngay cả địa ngục để giải cứu những người bé mọn nhất và những người đã lạc mất. Nếu không phải như vậy, thì sẽ không có bất cứ sự chấp nhận nào đối với câu  Tin Mừng nói rằng, “Ngài đã yêu họ đến cùng”. Tất cả chỉ là một mớ dối trá. Và cũng không thể có sự tiến lên tương ứng nào, tiến vào niềm vui Phục sinh, vì toàn bộ nhịp bước chỗi dậy từ cõi chết của Đức Kitô đòi hỏi rằng trước đó phải có việc bước xuống, bước vào trong vực sâu, vào trong chính lòng âm phủ. Không có điều đó, chúng ta buộc phải cam chịu một tình trạng tuyệt vọng mà không có Thiên Chúa tình yêu nào muốn dựng nên chúng ta rồi lại để chúng ta phải cam chịu tình trạng đó.

 

Nguồn: https://www.ncregister.com

Phạm Văn Trung, dịch.

 


Trang Suy Niệm Các Chủ Đề Chung