Từ khổ nghiệm cha Piô nhìn ngược về khổ
nghiệm Đức Giêsu
Dâng thánh lễ, đó là niệm tưởng cái chết cứu
chuộc của Thầy. Thánh Piô, quen gọi Cha Piô, suốt 50 năm dài đã sống đúng ý
nghĩa ấy của thánh lễ, khi mà khổ nghiệm Năm dấu thánh của cha buộc liền với
Thánh Thể và bàn thờ.
Trong tạp chí Revue de l’Histoire des religions (Tạp chí Lịch sử các tôn giáo)[1]
số 221-3 năm 2004, giáo sư Silvia Mancini thuộc đại học Lausanne đã dành cả một
bài nghiên cứu về hiện tượng Padre Pio<[2], “hiện tượng gây sôi nổi lớn hiện nay bên Ý”
từ “một trong những nhân vật dị thường nhất của thế kỷ chúng ta”.
Những giải thích tự nhiên của bà giáo sư bằng
siêu tâm lý học (métapsychologie) và tác động huyền thoại-nghi thức được tăng
cường bởi lòng sùng tín cuồng nhiệt của dân chúng, giải thích ấy tuy làm tôi
không đủ thỏa mãn, nhưng lại gợi ý cho tôi đi tìm một giải thích bổ túc, bằng
sự “nhái dạng” (mimêsis) đức Giêsu ở tư thế hi sinh sẵn có từ sâu trong vô thức
của thánh Piô. Thêm vào đấy, từ huyền khổ nghiệm Cha Piô đi ngược về thập giá
Thầy chí thánh, tôi có thêm ánh sáng về thập giá này như một nhái dạng loài người
trong tư thế đáng tội của họ.
Vậy hãy bắt đầu bằng lược tả khổ nghiệm Cha
Piô, và ở đây, tôi dựa vào chính bài viết của Silvia Mancini, nghĩ rằng những
gì bà biết về thánh Piô cũng là những gì công chúng đều biết, khỏi còn là vấn
đề tranh cãi của khoa học nữa.
Silvia Mancini, trong số báo RHR nói trên, từ
trang 327 đến 353 đã viết bài : Sự nhái
dạng và nghi thức: từ khóc đám ma đến hiện tượng học Cha Piô, trong
đó về con người Cha Piô bà viết như sau:
-” (Cha Piô) có khả năng cảm nhận trên người
mình, không những các đau đớn của đức Kitô mà cha tiếp nhận dấu thánh, mà cả
những đau đớn tâm lý và thể lý của tín đồ tới trao đổi với cha hầu được vị hay
làm phép lạ này chữa khỏi.
“ Nơi Francesconi Forgione (tên thật của Cha
Piô) nói trên, người ta phát hiện một trạng thái sức khỏe mong manh do một hình
thức nặng nhất của bệnh lao nó đáng lẽ phải cướp đi mạng sống của cậu thiếu
niên chỉ trong mấy năm. Ít ra đây là dự phỏng của các thầy thuốc làng Pouilles
quê hương cậu, cũng như của những thầy thuốc quân y đã bất chấp tất cả mà xét
rằng Forgione có khả năng đi lính. Ngay khi còn niên thiếu, Francesco đã để lộ
những khả năng mà tín đồ gọi là “đặc sủng”, mà một số những khả năng ấy rất
quen thuộc với hiện tượng học về những “con người từ tính” (magnétique). Chỉ có
điều nơi Francesco, những khả năng như thế thật quái dị và thực nhiều. Quả thế,
người ta tin rằng cha có thể ở hai nơi một lúc, có thể thấu thị, làm phép lạ,
tiên tri, tỏa hương.
Thêm vào đấy, còn những cái được gọi là “đặc
sủng nhỏ”, đếm được sáu thứ : siêu nhiệt (thân nhiệt của cha được người ta đo
lên tới 45-48oC), nhịn ăn hoàn toàn, đau thế cho người khác (bằng
những đau đớn khác nhau và ở những chỗ khác nhau trên thân thể) để những bệnh
nhân này được khỏi bệnh ngay, tác động vào thiên nhiên hay súc vật, bốc sáng
(dấu thánh ở lồng ngực cha tỏa ra một ánh sáng đặc biệt – và trong khi cha dâng
lễ, cả ngàn người quả quyết thấy dấu thánh tay cha bốc sáng), thấu thính (nghe
và hiểu được mọi lời thỉnh cầu người ta chuyển đến bằng tâm trí từ khắp nơi
trên thế giới, ngày cũng như đêm).
“Trong tập Nhật
ký thiêng liêng riêng, cha ghi lại những huyền kiến mà cha bắt đâu
tiếp nhận kể từ năm 16 tuổi, khiến cha phải chịu ma quỉ suốt đêm hành hạ, có
khi cả ban ngày, cả khi cha làm lễ nữa. Trong dịp đó, Satan hiện lên trước mặt
cha dưới hình người và đánh đập cha một cách hung bạo, mà dấu tích còn hiện
trên mặt, trên người, với quần áo bị xé nát. Trong thời nhà tập, ô phòng cha bị
tung hê, đồ đạc đảo lộn, sách vở bị xé. Khi còn ở làng quê, cha cũng bị lôi ra
khỏi giường và đánh đập tàn nhẫn; và bà mẹ của cha tìm thấy khăn trải giường có
nhiều vết máu. Thế nhưng từ năm 1911 đến 1916, thư từ của cha không thấy đả
động đến sự quấy phá của ma quỉ nữa; cha cũng nhận được những huyền kiến và
biểu hiện cảm thấy của những đấng như đức Giêsu, đức Trinh nữ và thánh Phan
sinh.
“Ngoài những hiện tượng giác quan và huyền kiến
thấy quỉ hay thần thánh khiến cha chìm đắm trong trạng thái xuất thần dài dài,
những dấu thánh mà cha tiếp nhận cũng góp phần làm cha nổi danh. Những sách
viết về cha phân biệt hai loại, loại nhìn thấy và loại không nhìn thấy. Loại vô
hình này bắt đầu từ 1911 năm cha thụ phong linh mục. Những đau đớn đi kèm sự
xuất hiện của chúng sẽ bội tăng vào Tuần thánh, từ tối thứ năm đến đêm thứ bảy:
cha cảm thấy trên da thịt cái đau của chịu đòn và đội mạo gai. Và cha viết năm
1912 cho cha giải tội như sau : Từ tối thứ năm đến hết ngày thứ bảy thì đúng là
bi kịch đau khổ cho con, với trái tim, bàn tay và bàn chân giống như bị gươm
đâm, đau lắm”. Ngoài năm dấu thánh thường hằng (ở tay, chân và tim) ra, còn hai
dấu thánh trên thân thể nữa. Một là dấu bị đòn khi cha huyền kiến Chúa chịu
đánh đòn, mà vết máu trên đồ lót tỏ lộ. Hai là dấu vác thánh giá mà xem ra cha
mang suốt đời trên vai phải với những vết bầm đen.
“Biểu hiện của dấu thánh hữu hình được báo
trước bằng những mẩu chuyện có ý nghĩa. Đang khi cha sống ở thôn quê liền trước
thời kỳ đó, thì tháng chín năm 1914 cha được tuyển vào phục vụ trong viện quân
y
“Những dấu thánh nhìn thấy xuất hiện mấy tháng
sau, được báo trước bởi sự kiện xảy ra hôm 5-8-1918, mà người ta sẽ gọi là “sự
đâm xuyên linh hồn cha”. Khi cha đang giải tội cho một tập sinh trong nhà thờ
dòng, thì bỗng nhiên tâm hồn cha bị đâm xuyên rất mạnh bởi một lưỡi giáo nhọn
cắm sâu vào ngực. Một thiên thần Xêraphin, tác giả của cú đâm, lắc mạnh cây
giáo trong lòng cha nhiều giờ. Thế rồi, ngày 20-9-1918, cha đón nhận năm dấu
thánh chảy máu và xuyên thủng (hình chữ thập, trên lồng ngực). Kèm theo là sự
rỉ máu liên tục và thấy rõ trong giờ phụng vụ các thứ sáu lúc 15 giờ (giờ Đức
Giêsu chịu chết), và những dấu thánh ấy tồn tại suốt 50 năm, mà không bao giờ
nhiễm trùng dù không bao giờ được chữa trị. Chỉ mấy phút sau khi tu sĩ Capucin
này tạ thế, ngày 23-9-1968, dấu thánh mới biến mất, như người ta có thể nhận
thấy trên những bức ảnh chụp tay và chân của thi thể. Biến cố in năm dấu thánh
sau thánh lễ hôm ấy, cha Piô có tả lại cho cha linh hướng biết. Cha nói cha bị
bất ngờ, “trên cung thánh, trong một sự
an tĩnh giống như giấc ngủ êm. Mọi cảm quan bên ngoài và bên trong con, cả
những khiếu năng của tinh thần nữa, đều ở trong một an tĩnh (quiéude) khó tả.
Một tĩnh lặng hoàn toàn bao trùm lên con và con buông mình vào một trống vắng
hoàn toàn. Tất cả diễn ra như một tia chớp. Và khi điều ấy đang thực hiện, thì
con thấy trước mắt một nhân vật huyền bí, giống như vị con đã gặp ngày 5/8, chỉ
có khác là tay, chân và ngực vị hôm nay máu chảy như suối. Thấy vậy con đâm
hoảng, và những gì con cảm nhận khi đó, không tài nào con tả cho cha hiểu được.
Con cảm thấy mình đang chết, và ắt con đã chết nếu Chúa không can thiệp để đỡ
nâng trái tim con nó như đang vuột khỏi lồng ngực. Nhân vật nói trên biến khỏi
mắt con, và con thấy tay, chân và ngực con bị thủng và chảy máu”.”
Áp dụng lý thuyết của học giả Ernesto de
Martino, xem ra Silvia Mancini muốn giải thích hiện tượng khổ nghiệm nơi Cha
Piô bằng sự “nhái dạng” (mimoumai, mimêsis) hay rập khuôn qua tác động huyền
thoại-nghi lễ. Đây thuộc lãnh vực siêu tâm lý (métapsychique), với biểu tượng
(symbole) tôn giáo nó nối thông ý thức trường với vô thức tập thể. Những kinh
nghiệm nguyên thủy (từ người cổ xưa để lại trong ta) và năng lượng thần thiêng
đi kèm, qua biểu tượng tôn giáo ấy có thể đổ ập như sóng thần vào hệ tâm sinh,
mà không gì cản nổi. Và nếu đương sự đang ở trong tình trạng ý thức cá thể
(individuation) suy thoái, đang mơ mơ màng màng, thì sự nhái dạng, tức bắt
chước, rập khuôn, dễ xảy ra. Giống như trong cơn lên đồng ấy mà! Để rồi nhờ tác
động tâm lý siêu mạnh ấy, từ nhái dạng cảm tính có thể phát sinh nhái dạng thể
tính (corporel) luôn. Nhất là khi có sự trợ lực của bầu cuồng khí tập thể vây
kín lấy. Thí dụ: đương sự tưởng như mình là người yêu bị đâm vào bụng, và lập
tức cảm thấy bị đau ở bụng thật, thậm chí ở bụng cũng thấy nổi lên vết đâm nữa.
Để có thể diễn ra sự nhái dạng thể tính
(corporel) hiếm hoi ấy, phải có bốn điều kiện. Trước hết, (1) đây là một tác
động cảm tính cực mạnh, từ vô thức tập thể vọt ra nhờ biểu tượng huyền
thoại-nghi lễ, và sức mạnh ấy có thể được bội tăng nhờ cảm xúc tôn giáo tập thể
của đám đông vây quanh. Thế rồi (2) đương sự phải có một tâm hồn siêu nhạy cảm,
và cả tâm hồn lẫn thể xác rất dễ bị tổn thương. Cuối cùng, (3) đương sự là một
con người từ tính (sujet magnétique), dễ hút lấy vào mình tâm trạng của người
khác, lại (4) đang ở trong tình trạng ý thức cá thể suy thoái, để có thể tưởng
mình là ai đó, chứ không phải là mình.
Xem ra Cha Piô có đủ ba điều kiện trên. Năm dấu
thánh bốc sáng trong thánh lễ, lại chỉ hiện tỏ nhất trong dịp Tam nhật Tuần
thánh, cái bầu khí Tam nhật thiêng liêng dễ gây cảm xúc lớn nơi cha, và cảm
thức ấy được bội tăng nhờ cảm xúc tập thể của Dân Chúa vây quanh cha trong dịp
ấy, nhất là khi Dân ấy lại đang sùng mộ cha rất mãnh liệt.
Xem ra cha cũng là một con người từ tính và với
tâm hồn siêu nhạy cảm, khiến dễ khổ lây nỗi khổ của Chúa và của người xung
quanh. Cha nhịn ăn thường xuyên, lại bệnh lao nặng nữa, nên xem ra cũng rất dễ
bị tổn thương cả về mặt tâm lý và thể xác khi gặp lo lắng hay cảm xúc
mạnh. Có điều ngài là một vị thánh, mà để làm thánh thì phải phấn đấu mãnh liệt
và liên tục, nên tự chủ rất cao, không thể suy thoái về ý thức, kể cả ý thức cá
thể. Ngài đã tự ý dâng mình chịu khổ thay kẻ có tội trong ngày lễ Thánh Thể,
sau đó thấy mình bị đâm khi đang giải tội, và năm dấu thánh xuất hiện khi trong
tình trạng huyền nghiệm an tĩnh (quiétude), mà trong trạng thái huyền nghiệm,
thì người ta không mơ màng, không giảm suy ý thức, mà chỉ bị cuốn hút vào bên
trong, nên không để ý đến bên ngoài và những gì khác, thế thôi.
Vâng, không hề có trạng thái “lặp lại thôi thúc”
(répétition compulsive) hay “bệnh chứng tâm thần” (symtôme), nghĩa là do vô ý
thức, ngoài ý muốn. Nhất là khi sự hiến thân chịu phạt thay lại xảy ra (lễ
Thánh Thể 1918, tức khoảng tháng sáu) ba tháng trước khi xuất hiện Năm dấu
thánh (ngày 20/9/1918), còn huyền kiến bị đâm (5/8/1918) thì trước sáu bảy
tuần. Quả thật, Năm dấu thánh, như một tật thương ở thân thể, cha tiếp nhận vào
lúc cha không ngờ tới, lúc đang an tĩnh trong cảm nghiệm trống vắng, chứ không
trong cảm nhận về cái chết của Thầy hay trong bầu khí tôn giáo cuồng nhiệt. Vâng,
trường hợp Cha Piô không giống với những trường hợp nhái dạng tự nhiên mà các
nhà nghiên cứu diễn tả. Và chính Silvia Mancini cũng nhận ra những khác
biệt ấy[3].
Người ta dễ thành vĩ nhân nếu vừa có một năng
khiếu bẩm sinh nào đó, vừa có một ý chí sắt thép để theo đuổi lý tưởng. Các
thánh Kitô giáo cũng vậy thôi. Năng khiếu nơi các ngài không nằm ở cơ thể, giác
quan, ở trí khôn, trí nhớ hay óc tưởng tượng, mà ở cảm tính. Vâng, họ phải cảm
sâu và nhạy cảm để có thể yêu thương mãnh liệt, khi mà Kitô giáo là đạo của
tình yêu, và Thiên Chúa của họ được thánh Gioan cảm nhận là Tình yêu, Agapê.
Cứ xem vị thánh mà cuộc sống xem ra rất yếu chữ
Huyền : Têrêsa Giêsu-nhỏ, thì rõ. Trong Tự
truyện của chị, mẹ chị quả quyết trrong thư, rằng chị rất nhạy cảm
và biểu cảm (expansive). Nhạy cảm đến nỗi xưa “tiểu yêu” (lutin) và biểu cảm là
thế, mà khi mẹ chết rồi, thì tính tình thay đổi hẳn, cô bé trở nên nhút nhát và
dịu dàng, lại hơi tí trạnh lòng, khóc ngay[4].
Cha Piô xem ra càng nhạy cảm hơn. Lòng thương
người mãnh liệt đến nỗi thấy ai đau khổ là đau lây nỗi khổ, thậm chí lây luôn
thương tật của họ. Chỉ có điều đau lây mà khiến họ hết đau và hết bệnh, thì
điều này không còn trong khả năng tự nhiên của những “con người từ tính” nữa.
Nghĩa là phải có phép lạ. Lại cũng lạ vượt trên tự nhiên như thế cả cái khả
năng nhái dạng quá hoàn hảo và nhái dạng cả khi tỉnh táo của cha. Nói chi việc
sống thọ của cha bất chấp tình trạng lao nặng nhất, bất chấp thân nhiệt lên đến
45-48oC, bất chấp những đau đớn lớn lao phải chịu suốt bao năm
trường. Vâng, nơi cha cái siêu nhiên đã trở thành thường hằng và rất tự nhiên,
và đây không còn là khổ nghiệm mà huyền khổ nghiệm : một huyền nghiệm (mystic
experience) nó kéo dài suốt đời cả trong tỉnh táo, và đây là hôn nhân thiêng
liêng trong từ vựng Têrêsa Giêsu (Avila) với chiêm không còn phân khỏi hành
động và đời sống thường nhật.
Quả thật, không thể giải thích Hiện tượng Cha
Piô mà không dùng đến chữ Huyền. Không chỉ giản đơn là cái Huyền của phép lạ từ
ngoài, mà cái Huyền của huyền nghiệm nó vọt lên từ vô thức. Vâng, từ thẳm sâu
vô thức, trong ân sủng và bằng tín-vọng-ái thiên phú tôi vẫn huyền nghiệm sự
kết hiệp của tôi với Chúa rồi. Nay nếu nhờ pháp lực Thánh Thần mà huyền nghiệm
căn bản nói trên tràn ra tí ti ở ý thức, thì ta cảm nhận được sự có mặt thân
thương của Chúa với ta, và đây là huyền nghiệm hiện tượng, huyền nghiệm theo ý
nghĩa quen thuộc của nó. Vì huyền nghiệm này vọt lên từ vô thức, nhất là từ cõi
tối thánh thiêng của Thiên Chúa hiện diện, nên nó mới mang một sức mạnh cảm
tính rất lớn làm mê ly lòng người, với dấu ấn không mờ phai, khiến Têrêsa Avila
không thể gọi đây là an ủi (consolation) nữa, mà mỹ vị (gout). Nhất là
khi cái mỹ vị ấy biến thành “tên lửa” trong xuất thần, chỉ diễn ra trong thoáng
chốc thôi, mà đã thấy chịu không nổi. Mà thực ra, cũng chỉ cái sức mạnh thánh
thiêng ấy của vô thức mới giúp thánh nhân chịu được những tên lửa như thế mà
không chết. Và cũng thế trong huyền khổ nghiệm : thánh Phêrô Canisius tưởng bỏ
mạng khi trong một thánh lễ kia ngài cảm nghiệm sự bất xứng của mình!
Ân sủng, đó chẳng qua là Chúa yêu ta (ân sủng
vô tạo), sự kiện nó biến ta thành đáng yêu (ân sủng thụ tạo) từ sâu trong vô
thức. Để rồi từ sâu trong vô thức, ta nên một với Chúa Giêsu, và nơi Chúa Giêsu
ta trở thành con Cha khi Thánh Thần kêu lớn trong ta Abba, Cha ơi. Thế nghĩa là
trong ân sủng, chúng ta đang nhái dạng Chúa Giêsu từ sâu trong vô thức, để rồi
ở ý thức nếu ta hành động theo hướng đi của Phúc âm, sự nhái dạng ấy sẽ hiển ra
dần dần ở cuộc sống, khiến ta cảm thấy “tôi sống mà không phải tôi nữa, nhưng
Chúa Kitô sống nơi tôi” (Gal.2.20).
Thế nhưng trong ân sủng và bằng tín vọng
ái, tôi nhái dạng Chúa Giêsu ở tư thế hay tình trạng nào đây? Bởi lẽ nếu
được đồng hóa hoàn hảo với Chúa trong tình trạng thăng vinh (exaltation, sự
hoàn tất của phục sinh) của Ngài, ắt tôi phải “hóa kiếp” thành thánh trên trời
rồi. Theo thánh Phaolô, khi chịu phép Rửa (Dìm), chúng ta được chôn đi với Chúa
để sống lại với Ngài (Rom.6.4-5). Nghĩa là bằng ân sủng phép Rửa, chúng ta nhái
dạng Chúa Giêsu trong tư thế chịu chết để nhờ đó sẽ phục sinh. Để rồi khi dâng
thánh lễ, chúng ta lại nhái dạng cái chết của Chúa một cách hoàn mỹ hơn khi ta “làm
việc này mà tưởng nhớ Thầy”, khi ta ăn “Mình Thầy bị nộp” vì chúng ta và uống
Máu Tân giao ước.
Quả thực, trong ân sủng, thánh giá Chúa đã
thành hiện thực nơi thâm tâm chúng ta, còn sự phục sinh của Ngài chỉ mới được
ương mầm để ta”sẽ sống lại với Ngài”, sống lại bây giờ bằng sự sống mới (sự
sống siêu nhiên) (c.4), sống lại sau này bằng sự sống vinh phúc (c.5). Có nghĩa
là thánh giá Chúa là sự đầu tư hiện thời cho sự phục sinh vĩnh cửu đó. Để rồi
mỗi khi ta tìm hi sinh hay chấp nhận hi sinh vì Chúa, thì chúng ta đã đưa sự
nhái dạng thánh giá có sẵn bên trong vào cuộc sống bên ngoài, và đó cũng là
khiến sự nhái dạng thập giá bên trong hiển định thêm, khiến mầm phục sinh bên
trong lớn thêm một tí.
Vậy Năm dấu thánh của Cha Piô không do phép lạ
mà đến từ bên ngoài đâu. Cũng như chúng ta, cha đã mang “năm dấu thánh” từ sâu trong vô thức rồi. Phép
lạ chỉ làm cho năm dấu thánh ấy hiển hiện nơi thân thể và trong cảm nhận đau
đớn của cha, thế thôi. Thế nghĩa là huyền khổ nghiệm ở vô thức,
nhờ phép lạ đã hiển thành huyền khổ nghiệm tâm sinh lý, tức hiện tượng Năm dấu
thánh và cảm nhận đau đớn đi kèm. Dĩ nhiên là sự siêu nhạy cảm và trạng
thái từ tính bẩm sinh của cha có trợ sức thêm cho phép lạ. Thế nhưng cái
sức để nhái dạng cảm tính thành mãnh liệt đến nỗi gây nên Năm dấu ở thân
thể thì chỉ có thể do huyền nghiệm, và cũng do huyền nghiệm mà sức chịu đựng
thành ghê gớm để Cha Piô có thể vừa sống tiếp tục vừa không bị xỉu đi. Nhất là
vẫn có thể làm việc và tiếp xúc với thái độ ôn hòa và bình tĩnh.
*
Nếu từ huyền khổ nghiệm căn bản (sự nhái dạng
Chúa chịu chết : chôn đi với Thầy) mà Cha Piô nhái dạng bên ngoài bằng cả cảm
nhận đau đớn lẫn năm dấu thánh trên thân thể, thì những người như Têrêsa Nhỏ
chỉ nhái dạng tâm lý thôi. Đó là khi đứng trước cái chết đang đến do bệnh lao
(cũng lại bệnh lao!), chị cảm thấy vui sướng sắp được về Nhà Cha, thì bỗng
nhiên nghĩ đến sự bất hạnh của biết bao linh hồn đáng sa hỏa ngục vì không tin,
chị được ơn nhái dạng họ trong tình trạng vô vọng đó bằng cảm nghiệm tối đen về
hư vô, và chị chịu sự “cám dỗ đức tin” ghê gớm ấy (nó cũng là đêm tối tinh thần
trong từ vựng Têrêsa Mẹ) suốt cho đến trước lúc trút hơi thở cuối[5].
Huyền khổ nghiệm của Têrêsa-Nhỏ có gì hao hao
với khổ nghiệm của Chúa Giêsu trên thập giá khi Ngài kêu lớn tiếng :”Cha ơi!
Cha ơi! Sao nỡ bỏ con”. Đứng về phía loài người đáng tội, Chúa đã kinh nghiệm
sự ruồng bỏ của Cha, sự thiếu vắng Thiên Chúa. Và đây là huyền nghiệm, nghĩa là
từ huyền nghiệm căn bản ở vô thức[6] vọt ra. Huyền nghiệm căn bản ấy nơi Chúa
Kitô, đó là, ở tư thế Đầu loài người đáng tội, Chúa chịu sự ruồng bỏ của Thiên
phụ.
Quả thật, Chúa Giêsu không chỉ nhái dạng loài
người suông, mà nhái dạng loài người trong tư thế và tình trạng đáng tội và bị
ruồng bỏ. Chứ nếu chỉ nhái dạng loài người đứng về mặt nhân tính suông, thì khi
Ngôi Lời nhái dạng nhân tính để thành người, nhân tính ấy cũng nhái dạng thiên
tính một cách hoàn hảo qua mầu nhiệm vị (ngôi) hiệp (union hypostatique) để
thăng vinh (exaltation) ngay lập tức, chứ không ở lại trần gian nữa.
Chính cái tư thế đáng tội của loài người,
cũng là mầu nhiệm bị ruồng bỏ đè nặng trên Ngài đã giữ Ngài lại giữa các anh em
tội lỗi. Và không chỉ có thế. Từ sâu ở nền tảng vô thức bên trong, vốn là Thiên
Chúa và con Cha, Ngài thường hằng kinh nghiệm : “Ta với Cha là một”. Nên nếu ở
ý thức Ngài cũng cảm nhận luôn luôn như thế, rằng “Ta với Cha là một”, để “ Cha
làm gì, Ta cũng làm thế”…, thì đây chính là huyền nghiệm (mystic experience) nó
từ vô thức vọt ra, và huyền nghiệm thường hằng. Huyền nghiệm mà vẫn hành
động và sống bình thường, nên đây còn là hôn nhân thiêng liêng[7]. Huyền nghiệm Là con Cha và Ta với Cha là
một, nên đây lại là huyền kiến tuệ trí (và hơn là tuệ trí) về Ba Ngôi Thiên
Chúa[8].
Chẳng những huyền nghiệm “Ta với Cha là một”,
Chúa đồng thời cũng huyền nghiệm về tư cách Đầu loài người đáng tội của Ngài,
nên đây là huyền khổ nghiệm :”Tự hủy mình đi, mang lấy hình thức nô lệ”
(Php.2.7), mà đỉnh cao là trên thập giá ở khoảnh khắc : Hêli hêli lamma
sabacthani!, với khúc dạo đầu tại Vườn Dầu :” Xin lấy đi chén này. Nhưng…”
Vì huyền nghiệm thường hằng về cả hai vế, vế
(1) Là một với Cha và
vế (2)Là một với loài người đáng tội,
nên cuộc sống Chúa buồn vui lẫn lộn. Theo Têrêsa Avila, trong huyền nghiệm,
nhất là trong xuất thần, hồn đã thoáng thấy Thiên Chúa thật vô cùng đáng mến,
nên hồn say yêu và khát muốn bay ngay về với Chúa. Muốn về ngay với Chúa mà
khoảng cách lại còn, khiến cho sướng đấy mà cũng khốn khổ vô ngần. Và đây cũng
là nỗi buồn của Chúa Giêsu. Là một với Cha, nên Ngài cảm nhận sự gần gũi và mến
yêu say đắm. Thế nhưng trạng thái đáng tội của loài người anh em lại đè nặng
trên vai, khiến Ngài cảm nhận sự nhớ Trời và xa Cha, và đây là nỗi huyền khổ
không bút nào tả nổi. Khổ nghiệm “Sao Cha nỡ bỏ con” trên thập giá chỉ là sự
hiển định hoàn hảo nhất của cái kinh nghiệm căn bản vế 2 (Là một với loài người
đang bị ruồng bỏ) vẫn có từ sâu bên trong, và việc chịu dìm (rửa) chung với kẻ
tội lỗi trên sông Gióc đăng chỉ là biểu hiệu bề ngoài thôi.
Chính vì đây là huyền nghiệm, từ vô thức tập
thể (của ngàn đời dòng giống người đáng tội) tràn hiển lên, nên nó mang tất cả
năng lượng thần thiêng và nguyên thủy ghê gớm ấy, khiến huyền khổ nghiệm của
Chúa mãnh liệt vô cùng, và sức chịu đựng cũng vô song luôn[9]. Vâng, chính vì Chúa Kitô đã nhái dạng hoàn
hảo loài người đáng tội, nên đến lượt chúng ta, để bước vô con đường cứu độ,
cũng nhái dạng Chúa trong tư thế chịu đóng đanh : sự nhái dạng này sẵn có
từ sâu trong vô thức, để từ sâu vô thức có thể tràn ra thành năm dấu thánh cho
một số người qua tác động của phép lạ.
[1] Biên tập từ trong Collège de France (Học viện
Pháp quôc) chuyên giảng dạy và nghiên cứu, trực thuộc tổng thống Pháp.
[2] 1887-1968. Được phong thánh năm 2002 trước sự
chứng kiến của hằng triệu người đến dự lễ.
[3] Mimétisme
et rite, tr.350-353.
[4] Xx. Manuscrits
autobiographiques, 1957, tr.33.
[5] Sđd., tr.250-253.
[6] Đúng là nhân tính Chúa có vô thức, khi mà ở
nền tảng là vô thức Ngài phải biết mọi cái, nhưng ở ý thức thì có cái Ngài tự
nhận không biết.
[7] Xx. Hoành Sơn, Thần học thiêng liêng 2, tái bản, tr. 760tt..
[8] Sđd., tr.761.
[9] Xx. Hoành Sơn, Con người, nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, 2005,
tr.242-243.