Muốn Hạnh Phúc,
Hãy Sống Cho Thiên Chúa Và Tha Nhân.

Trước Khi Vào Ðề

Mỗi lần năm mới đến, người ta lại chúc nhau những điều tốt đẹp nhất, chúc nhau được hạnh phúc suốt năm hay suốt đời. Hạnh phúc luôn luôn là một cái gì hấp dẫn mọi người, được mọi người nghĩ tới nhiều nhất. Nhưng nếu chỉ mong muốn hạnh phúc, hoặc chúc nhau hạnh phúc, mà không biết hạnh phúc hệ tại điều gì, làm thế nào để được hạnh phúc, thì những mong ước hay lời chúc ấy sẽ mãi mãi là những điều phi thực tế, không nằm trong tầm tay của mình.

Kitô giáo cho rằng hạnh phúc chỉ có được khi người ta có tình yêu và sống phù hợp tình yêu ấy, nhất là tình yêu rộng mở đối với tất cả mọi người. Nhưng làm sao có được tình yêu ấy? Tình yêu ấy muốn tồn tại và phát triển lâu bền thì phải được xây dựng trên một nền tảng vững chắc. Nhưng nền tảng đó là gì?

Kitô giáo là đạo của tình yêu. Theo đó, chỉ những hành động phát xuất hay được thúc đẩy bởi tình yêu mới có giá trị đích thực trước mặt Thiên Chúa. Nhưng tình yêu lại không phải là cái gì mang tính bẩm sinh và luôn luôn có sẵn trong tâm hồn mọi người. Con người phải đào luyện bản thân mình hằng ngày để tình yêu ấy ngày càng tăng tiến, phát triển hơn trong tâm hồn mình.

Tuy nhiên, khuynh hướng mang nhiều tính bẩm sinh hơn và luôn luôn có sẵn trong tất cả tâm hồn mọi người là khuynh hướng tự yêu mình. Ðấy là một khuynh hướng rất tốt đẹp và hết sức tự nhiên mà Thiên Chúa đã ban cho con người ngay từ đầu. Nếu không có khuynh hướng tự yêu mình, con người sẽ không tự lo cho mình một cách tự nhiên và tự phát. Vì tự lo cho mình cũng là một công việc khó nhọc đòi hỏi nhiều cố gắng, nỗ lực và vất vả. Nếu nó không phải là một động lực tự nhiên, bẩm sinh và mạnh mẽ thì con người sẽ không tự nguyện chịu vất vả khó nhọc để lo cho mình, cho sự sống còn của mình, kết quả là con người sẽ khó có thể tồn tại và phát triển được. Tương tự như nếu con người không có tính ham ăn, thèm ăn, nhất là vào những lúc đói, thì con người đâu chịu làm ăn vất vả để có cái mà ăn. Con người sẽ dễ dàng nhịn đói và chết. Hay nếu con người không ham muốn về tính dục, không cảm thấy thích thú khi nghĩ tới chuyện ấy, thì nhiều người sẽ đâu muốn sinh con cái làm gì cho vất vả cả đời, và như thế con người sẽ dần dần bị tuyệt giống trên thế giới.

Vì thế, nếu thành thật với chính lòng mình, ai ai cũng đều phải công nhận rằng khuynh hướng tự yêu mình, tự lo cho mình thì bẩm sinh và mạnh mẽ gấp nhiều lần khuynh hướng yêu người, lo cho người, cho dù là người thân với mình nhất.

Nhưng khuynh hướng tự yêu mình có thể đi theo hai chiều hướng ngược lại nhau:
1. Yêu mình một cách sáng suốt và khôn ngoan sẽ dẫn đến việc yêu người một cách vị tha quảng đại, lấy hạnh phúc của người làm của mình.
2. Yêu mình một cách thiển cận và thiếu khôn ngoan sẽ dẫn đến tính ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình, làm lợi cho mình mà không nghĩ gì đến người khác.
Không nên lẫn lộn giữa:
- bản năng yêu mình vốn rất tốt đẹp mà Thiên Chúa đã đặt sâu trong mỗi người, bản năng này vẫn có thể đi đôi với tình yêu.
- và lòng ích kỷ là chỉ biết nghĩ đến mình, đến quyền lợi hay hạnh phúc của mình, mà không nghĩ đến ai khác. Ích kỷ là cái gì đi ngược lại tình yêu.

Tác giả bài này cho rằng muốn phát triển tình yêu trong lòng mình, mỗi người cần phải xây dựng tình yêu ấy trên một nền tảng vững chắc, mang tính bẩm sinh và thường hằng. Theo tác giả, khuynh hướng tự yêu mình là một thực tế hết sức tự nhiên, bẩm sinh, mạnh mẽ và luôn luôn hiện diện nơi mỗi người. Vì thế, tình yêu đối với tha nhân cần phải được xây dựng trên nền tảng này thì mới vững bền, lâu dài và mạnh mẽ được. Tuy nhiên, đây chỉ là quan điểm cá biệt của tác giả, chắc hẳn không phải tất cả mọi người đều đồng ý.


Ðã sinh ra trong cuộc đời thì phải sống. Trước khi ta sinh ra, không ai hỏi ý kiến ta xem ta có đồng ý sinh ra đời hay không, vì lúc ấy ta đã có mặt trên đời đâu mà hỏi ý kiến: Khi ta ý thức được mình hiện hữu, thì dù ta có muốn hiện hữu hay không, ta cũng đã hiện hữu rồi. Vì thế, dù hiện hữu của ta có khó khăn hay gian truân tới đâu, ta cũng không thể đặt ngược lại vấn đề để mà than trách: Phải chi tôi đừng sinh ra. Ðã có mặt trong cuộc đời - cho dù là lỡ - ta chỉ có một con đường trước mặt là phải sống. Và nếu đã phải sống, thì ta nên sống cách nào cho tốt đẹp nhất, hạnh phúc nhất, có ý nghĩa nhất. Ðó là cách sống khôn ngoan nhất. Và ta có sống được như thế hay không chủ yếu tùy thuộc nơi ta hơn tùy thuộc bất kỳ ai hay bất kỳ cái gì khác. Vậy ta hãy quyết tâm làm chủ cuộc đời mình, biến nó thành một cuộc sống hạnh phúc nhất có thể.

Hãy Sống Cho Chính Mình

Hãy sống sao cho hạnh phúc, vì hạnh phúc đó chính là hạnh phúc của ta. Tự nhiên ta có khuynh hướng lo cho hạnh phúc của mình trước tiên. Ðó là điều rất tự nhiên, mà hễ đã tự nhiên ắt phải nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Vì khi bắt đầu ý thức, thì ta ý thức về chính mình, về bản ngã của mình trước tiên, trước khi ý thức về sự hiện hữu của người khác. Vì thế, khuynh hướng tự nhiên của bất kỳ ai là tự lo lắng cho chính mình trước, cho nhu cầu, hạnh phúc của mình trước đã. Ðó là khuynh hướng vị ngã.

Khuynh hướng vị ngã là khuynh hướng tự nhiên, rất tốt đẹp và cần thiết mà Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người, thậm chí cả cây cối, thú vật. Nhờ đó, mọi sinh vật mới có thể tồn tại và ham sống. Nếu không có khuynh hướng vị ngã ấy thì con người đã bị tiêu diệt từ lâu, và có sống được thì cũng không có gì là sinh thú cả.

Khuynh hướng vị ngã khiến ai nấy đều nghĩ đến mình, và yêu thân mình, lo lắng cho mình trước tiên. Kẻ thánh người phàm đều giống nhau ở điểm này. Nếu có khác thì khác ở chỗ người phàm chỉ dừng lại ở điểm căn bản này và không thể vượt lên cao hơn: nghĩa là chỉyêu mình, chỉ lo lắng cho mình, không cần biết đến người khác. Ðó là duy ngã hayích kỷ. Ðây chính là điều ta nên tránh. Còn người thánh thì biết lo cho mình bằng cách lo cho người khác, sống hạnh phúc bằng cách làm cho người khác hạnh phúc, lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh phúc của mình.

Vậy, cái sống đầu tiên và căn bản nhất là sống cho mình. Tình yêu đầu tiên và nền tảng nhất nơi tất cả mọi người là yêu chính mình. Chính Thánh Kinh đã xác nhận điều đó: Hãy yêu tha nhân như yêu chính mình (Mc 12, 31; Lv 19, 18). Không ai ghét thân mình bao giờ (Ep 5, 29) (chữ ghét trong Kinh Thánh thường chỉ có nghĩa rất nhẹ là không yêu. Như vậy là Kinh Thánh xác nhận tính cách nền tảng và hợp lý hợp pháp của việc yêu chính mình: phải yêu mình trước đã, sau đó là yêu tha nhân như mình đã yêu chính mình. Yêu mình thế nào thì hãy yêu tha nhân như vậy.

Yêu chính mình, sống cho chính mình là nền tảng cho tòa nhà hạnh phúc. Tòa nhà hạnh phúc muốn xây càng cao, thì nền tảng sống cho chính mình,yêu chính mình phải càng vững. Nhưng sống cho mình, yêu chính mình chỉ là nền tảng, nền móng chứ không phải là chính tòa nhà hạnh phúc. Khi xây nhà, không ai dừng lại ở chỗ chỉ xây cái móng nhà thôi, mà còn xây cả căn nhà, nghĩa là muốn hạnh phúc thì phải sống cho một cái gì khác nữa, chỉ sống cho mình thôi không đủ. Nếu chỉ có cái nền mà không xây cái gì trên đó, ắt cái nền đó càng kiên cố thì càng phi lý và vô ích, và người xây cái nền đó quả là ngu xuẩn. Cái nền chỉ có ý nghĩa khi có căn nhà xây bên trên. Vì thế, người chỉ biết sống cho chính mình cũng vô duyên và ngu xuẩn như người chỉ xây nền mà không xây nhà. Vậy, muốn sống hạnh phúc, thì trưóc tiên phải biết sống cho chính mình, nhưng không chỉ dừng tại đó, mà còn phải biết sống cho tha nhân, cho Thiên Chúa nữa.

Muốn Hạnh Phúc,
Phải Biết Sống Cho Tha Nhân

Con người không phải sống có một mình, mà là sống với người khác. Không phải chỉ một mình ta hiện hữu, mà còn có biết bao người khác cùng hiện hữu với ta, bên cạnh ta, làm nên cuộc đời ta, ta không thể sống độc lập với họ. Người khác hay tha nhân là yếu tố không thể không có trong cuộc đời ta.

Thật vậy, ta không thể tự mình hiện hữu trên đời, mà phải nhờ tới người khác mới hiện hữu được. Nên tha nhân đầu tiên của ta là cha mẹ ta. Các ngài không chỉ sống cho chính các ngài, mà còn sống cho ta nữa. Nhờ thế, ta mới được săn sóc, yêu thương, được đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần để có thể tồn tại tới ngày nay. Nếu cha mẹ ta chỉ sống cho mình mà không sống cho ta, chắc chắn cuộc đời ta ban đầu sẽ bất hạnh đủ mọi mặt. Ngay từ khi sinh ra, ta đã được cha mẹ yêu thương, được các ngài đùm bọc bằng âu yếm, được săn sóc đầy tình cảm, nhờ đó ta đã nhận thức được thế nào là tình thương yêu, và ta đã học yêu thương bằng một bài học dễ nhất là yêu thương cha mẹ. Chính nhờ cái sống cho người khác của cha mẹ ta - người khác ở đây lại là chính ta - mà ta rất hạnh phúc. Và ta cảm nghiệm được rằng khi ta đáp lại tình thương của cha mẹ, khi ta sống cho cha mẹ mình, thì các ngài cũng hài lòng và hạnh phúc. Ta cảm thấy hạnh phúc khi thấy cha mẹ ta hạnh phúc, và ta cũng cảm thấy hạnh phúc khi chính ta sống vì hay cho cha mẹ. Mỗi lần ta làm cho cha mẹ ta vui lòng, ta cảm thấy một niềm hạnh phúc dâng lên trong lòng. Ngược lại, khi nào ta làm cho cha mẹ không vui hay buồn phiền vì ta đã không sống cho các ngài, thì chính ta cũng cảm thấy buồn, không vui.

Thì ra khi có hai ba người sống chung với nhau, nếu họ biết sống cho nhau, yêu thương lẫn nhau, thì cộng đoàn nhỏ bé ấy mới hạnh phúc được. Nghĩa là để cho một cộng đoàn hạnh phúc, thì mỗi người trong đó phải biết sống cho người khác. Nếu mỗi người trong cộng đoàn ấy chỉ biết sống cho một mình mình thôi, ai cũng chỉ nghĩ tới quyền lợi của mình thôi, thì mỗi người sẻ trở thành một hòn đảo biệt lập nhau, không còn tương quan, không còn hạnh phúc. Và kinh nghiệm trong cuộc đời cho ta thấy cộng đoàn ấy sẽ trở thành một hỏa ngục tại trần gian, trong đó người ta không thể chịu đựng lẫn nhau được, luôn luôn có bất hòa va chạm. Vậy là trong một cộng đoàn, dù lớn hay nhỏ, nếu mỗi cá nhân chỉ biết sống cho mình, mà không đồng thời sống cho người khác, thì chẳng cá nhân nào được hạnh phúc cả. Cá nhân muốn có hạnh phúc thì cũng phải biết sống cho người khác nữa. Nói khác đi, sống cho mình một cách sáng suốt và tràn đầy đòi hỏi và bao hàm việc sống cho người khác như một điều kiện tất yếu phải có. Chỉ biết sống cho mình chính là sống cho mình một cách ngu xuẩn và thiếu sót.

Tại sao thế? Vì giữa ta và người khác có một mối quan hệ mật thiết đến độ nếu ta không sống cho người khác tức là ta đã không sống cho chính mình. Các nhà thần bí và những người có đời sống tâm linh cao đều nhận thấy rằng ta và người khác là một, giống như hai mặt của cùng một tờ giấy. Vì thế, nếu ta hại người khác thì chẳng bao lâu sự hại đó sẽ quay trở lại với chính ta, và nếu ta làm người khác hạnh phúc, sớm muộn gì hạnh phúc đó cũng sẽ trở lại với chính ta. Tục ngữ ta có câu Ác giả ác báo nói lên chân lý đó. Ta không thể hại người mà không hại chính mình, cũng như ta không thể làm lợi cho người khác mà chính mình lại không được lợi. Các nhà Ðạo học Ðông phương còn chủ trương rộng rãi hơn nữa: Vũ trụ vạn vật đồng nhất thể, và họ chủ trương không phân biệt nhĩ ngã, anh tôi, hay phân biệt giữa mình và người khác. Họ chủ trương coi người khác chính là một cái tôi khác của mình.

Thánh Phao-lô cũng đưa ra một hình ảnh rất cụ thể đầy ý nghĩa: Giáo Hội Chúa là một thân thể, trong đó Chúa Kitô là đầu, còn tất cả chúng ta đều là chi thể (x. 1 Cr, 12-27). Như vậy, ta và tha nhân là những chi thể khác nhau trong cùng một thân thể, do đó không thể hoàn toàn độc lập với nhau. Nếu tất cả mọi chi thể đều nhất định chỉ làm lợi cho một mình mình thôi, thì lập tức thân thể đó sẽ bị tê liệt ngay, và không có chi thể nào có lợi cả. Tất cả mọi chi thể trong thân thể đều liên quan mật thiết với nhau. Vì thế, bất kỳ một chi thể nào bị đau thì đều ảnh hưởng tới cả thân thể. Không một chi thể nào làm lợi một cho chi thể khác mà chính mình lại không được lợi.

Tóm lại, sống cho tha nhân chính là chiều kích tất yếu của việc sống cho chính mình. Người sống cho chính mình mà bỏ rơi chiều kích sống cho người khác sẽ tự biến mình thành một ốc đảo, cô đơn giữa dòng đời. Mình không yêu thương ai thì cũng chẳng mấy ai yêu thương mình. Mình không sống cho ai, nên cũng chẳng ai muốn sống cho mình. Cuộc sống đòi hỏi phải có sự trao đổi, có qua có lại. Chính tâm lý ta cũng đòi hỏi như thế: ta không thể cứ cho đi hoài mà không hề nhận lại gì cả. Cho đi rồi nhận lại, ta mới có thể cho đi nữa. Càng yêu thương nhiều thì ta càng được yêu nhiều, nhờ thế ta được hạnh phúc. Càng yêu thương nhiều thì ta càng được nhiều người thương mến, tương quan của ta với xã hội càng được rộng mở, khiến cho cuộc sống của ta càng phong phú hơn, và cuộc đời ta càng có ý nghĩa hơn.

Người chỉ sống cho mình thường chỉ biết nhận tình thương mà không biết ban phát tình thương. Họ giống như một ao tù, nước chỉ chảy vào mà không chảy ra, nên nước chỉ chứa được vừa đủ một cái ao, và nước tù đọng thì không thể trong sạch được. Còn người sống cho người khác thì lại được người khác sống cho mình, nên giống như một con suối cứ nhận mãi nước từ nguồn rồi chảy đi: vì chảy đi nên có nước khác chảy vào không bao giờ ngừng, nhờ vậy nước luôn tươi mát trong sạch, và dòng suối tuy nhỏ, nhưng lại cho chảy qua một lượng nước hết sức khổng lồ.

Người sống cho người khác thường cảm thấy đời sống nội tâm mình phong phú, nhờ đó họ cảm thấy hạnh phúc. Mức độ sống cho người khác chính là thước đo sự phong phú của đời sống nội tâm, và cũng là thước đo của hạnh phúc. Hạnh phúc của tha nhân luôn luôn liên quan đến hạnh phúc của chính mình. Chính khi mình sống cho người khác, lấy hạnh phúc của người khác làm của mình, thì mình dễ hạnh phúc và thanh thản tâm hồn hơn bao giờ hết. Ðó là thứ hạnh phúc linh động, trôi chảy như dòng suối, khác với thứ hạnh phúc tù đọng của những người chỉ biết sống cho mình. Người sống cho mình thì chỉ biết nghĩ đến đau khổ và hạnh phúc của mình. Chính vì chỉ nghĩ đến hạnh phúc và đau khổ của mình, mà họ luôn luôn cảm thấy đau khổ. Còn người sống cho người khác thì ít khi quan tâm đến hạnh phúc hay đau khổ của mình, nhờ vậy mà luôn luôn thanh thản và hạnh phúc.

Sống Cho Mình
Bằng Cách Sống Cho Tha Nhân

Muốn hạnh phúc, ta phải vừa sống cho mình vừa sống cho tha nhân, vừa yêu mình vừa yêu tha nhân. Nhưng sống như thế không phải lúc nào cũng dễ dàng. Rất nhiều khi quyền lợi của ta và của người khác ngược lại nhau, khiến cho việc sống cho mình và sống cho tha nhân trở nên mâu thuẫn nhau. Ðó là những trường hợp lợi mình thì hại người, mà lợi người thì hại mình, khó có thể dung hòa được. Chỉ có một trong hai cách giải quyết:

-một là sống cho mình hơn cho tha nhân, nếu thế thì đành phải hy sinh tha nhân cho mình,

-hai là sống cho tha nhân hơn cho mình, nếu thế thì phải hy sinh chính mình cho tha nhân.

Gặp trường hợp xung đột ấy, ta phải chọn lựa thế nào? Ðối với những người chủ trương chỉ sống cho mình, hay những người dứt khoát yêu người không bằng yêu mình, thì không có sự xung đột, và đương nhiên họ sẽ hy sinh hạnh phúc của người khác cho hạnh phúc của mình: Thà ta phụ người hơn là để người phụ ta (Lời Tào Tháo). Nhưng với những người chủ trương yêu người như yêu mình như lời Chúa dạy, ắt phải suy nghĩ chọn lựa, vì hai bên đều bằng nhau, như nhau. Ðương nhiên, nếu ta đặt mình và người như nhau, thì có khi ta phải hy sinh mình cho người, có khi phải ngược lại, tùy trường hợp và theo sự khôn ngoan của mình.

Thông thường và tự nhiên thì sống cho mình vẫn là căn bản, nên khi gặp xung đột như thế, người ta thường hi sinh người khác cho mình. Ðiều đó thật hợp lý và rất dễ thông cảm, nhưng không thể đem lại ích lợi lớn, lâu dài. Ðây là cách xử trí của những người có đời sống tâm linh và trình độ trí tuệ khôn ngoan về mặt tâm linh ở mức trung bình. Người khôn ngoan hơn về mặt tâm linh sẽ không hành động một cách thiển cận như thế, vì hành động như thế chỉ đem lại lợi ích nhỏ chứ không có lợi lớn cho mình. Cần phải sống cho mình một cách khôn khéo hơn, đem lại lợi ích cho mình hơn.

Một người có tiền chỉ biết tiêu xài những gì cho mình, thì số tiền mình có rất bị giới hạn. Nhưng nếu người đó biết đem tiền đó ra kinh doanh, nghĩa là biết dùng tiền để tạo những ích lợi cho người khác, phục vụ họ để đem lại lợi nhuận cho mình, thì cuối cùng sẽ có lợi hơn rất nhiều. Số tiền mình có chẳng những không bị mất mà còn tăng lên nhiều. Một bác nông dân có một số lúa, bác có thể giữ lúa để ăn dần, nhưng chỉ một thời gian ngắn là hết. Thay vì ăn hết, bác giành một số lớn thóc để trồng ở ruộng. Một thời gian sau, số lúa bác thu được nhiều gấp hàng trăm lần số lúa bác đem gieo. Và đương nhiên bác lợi hơn rất nhiều.

Cũng thế, người nào dám quên mình đi để sống cho tha nhân, cuối cùng sẽ trở thành người sống có lợi cho mình nhất, là người sống cho mình tràn đầy nhất, khôn ngoan nhất. Ðó chính là cuộc sống Ðức Kitô đã đề nghị với ta: Hạt lúa nếu không chết đi, nó sẽ chỉ là hạt lúa, nhưng nếu nó chết đi, nó sẽ sinh nhiều hoa trái (Ga 12, 24). Nghĩa là nhờ chết đi mà hạt lúa trở thành 100, 1000 hạt lúa. Người dám quên mình vì tha nhân, cuối cùng đâu bị mất mình, mà trái lại, lại được mình nhiều hơn người không dám quên mình. Ðó cũng là ý nghĩa Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Assi: Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống cuộc đời.

Ðó là một nghịch lý của cuộc đời mà chỉ người khôn ngoan mới biết áp dụng vào đời sống. Ðể thực hiện nghịch lý này thì chỉ có những ai sống cho mình thật mãnh liệt mới làm được, mới có đủ khôn ngoan và can đảm để quên mình đi cho người khác. Cũng tương tự nhà kinh doanh có yêu tiền một cách khôn ngoan, có vì tiền một cách sáng suốt mới dám bỏ tiền ra để kinh doanh. Vì thế, người sống cho tha nhân đến độ quên mình đi như thế phải là người sống cho mình mãnh liệt hơn ai hết. Vì dám quên mình là dám chấp nhận đau khổ để sau này được hạnh phúc: Ra đi gieo hạt trong nước mắt để rồi trở về tay ôm đầy lúa miệng vui ca (Tv 125, 6).

Sự quên mình và được mình, hay yêu mình và mất mình giống như hai mặt của cùng một tờ giấy không tách rời nhau được. Hai phạm trù ngược nhau đó thực sự là một. Có quên mình thì mới được mình, còn yêu mình, chỉ biết sống cho mình thì cuối cùng sẽ mất mình. Ðức Giêsu đã nói lên chân lý đầy nghịch lý đó: Ai yêu mạng mình thì sẽ mất, còn ai sẵn sàng mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ được sống (Ga 12, 25).

Thực tế trên đời không chạy thẳng một đường mà lại ngòng ngoèo làm sao: Sống cho mình cách mãnh liệt nhất, khôn ngoan nhất thì lại là biết quên mình đi để sống cho tha nhân. Vì không sống cho mình nữa nên mới đích thực là sống cho mình! Thật là ngược với lô-gích! Nhưng cuộc đời thực tế đâu phải lúc nào cũng lô-gích!

Cái mình hay cái tôi của ta mới kỳ diệu làm sao! Càng cố ý quên nó đi thì nó càng tăng giá trị lên, càng phát triển mạnh. Còn càng chú ý tới nó thì dường như càng làm nó bị tổn thương, càng làm nó giảm giá trị. Chính vì thế mà ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên (Mt 23, 12), và kẻ rốt hết sẽ nên đầu hết, còn kẻ đầu hết sẽ thành rốt hết (Mt 20, 16). Nhưng thực ra không ai có thể tự nhiên quên mình được, có quên thì là do cố tình và cũng chỉ là tạm quên thôi. Ai cũng đều sống cho mình và lấy mình là quan trọng. Nhưng có hai cách sống cho mình: một cách tầm thường kém sáng suốt, một cách phi thường đầy khôn ngoan. Cách tầm thường là chỉ sống cho mình mà không nghĩ gì đến tha nhân hoặc coi tha nhân là không quan trọng. Cách này dẫn đến đau khổ và cuối cùng đánh mất chính mình. Cách phi thường cũng là sống cho mình nhưng bằng cách quên mình đi để hoàn toàn sống cho người khác. Chỉ những ai sống theo cách này mới tìm được chính mình và thể hiện được chính mình trọn vẹn nhất. Mẫu gương cụ thể và sống động nhất là Ðức Giêsu: hoàn toàn quên mình và tự hủy đến tận cùng. Nhờ vậy Ngài đã thể hiện được chính mình một cách trọn vẹn nhất: Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tăng ban danh hiệu trổi trổi lên muôn ngàn danh hiệu . (x. pl 2, 6-11).

Nhưng Căn Bản Nhất
Là Sống Cho Thiên Chúa

Giữa mình và tha nhân có tương quan mật thiết và sâu xa với nhau đến mức có thể nói mình và tha nhân là một. Các nhà thần bí và những người có đời sống tâm linh cao đều chứng nghiệm được điều đó. Trên bình diện tâm linh, đối với họ, không còn sự phân biệt nhĩ ngã, anh tôi, mình và người khác nữa. Tất cả mọi người - trong đó có mình - đều chỉ là một. Vì thế, xét trên bình diện tâm linh, họ không còn phân biệt sống cho mình và sống cho người khác nữa, vì mình và người đã tan hòa với nhau trong Thiên Chúa, Ðấng là căn bản cho cả mình và người. Bởi vì trong tôi, trong anh, trong tất cả mọi người, Thiên Chúa là một thực tại còn nền tảng và sâu thẳm hơn chính bản thân mỗi người. Thánh Âu-Tinh nói: Thiên Chúa còn thân mật với tôi hơn cả chính tôi thân mật với tôi nữa (Deus intimior meo). Do đó, Thiên Chúa, tha nhân và tôi như quyện lại thành một thực thể duy nhất. Vì thế, trở lại bình diện hiện tượng, người ta không thể tìm được Thiên Chúa ngoài chính mình và tha nhân. Cũng như không thể tìm được chính mình ngoài Thiên Chúa và tha nhân. Không thể yêu Thiên Chúa mà lại không yêu mình và tha nhân. Hay không thể yêu mình mà lại không yêu Thiên Chúa và tha nhân. Không thể đích thực yêu bất cứ cái nào trong ba mà không yêu cả hai cái kia được. Vì thế, hễ đã yêu thì yêu cả ba, và đã không yêu thì không yêu cả ba. Thánh Gioan có viết: Kẻ nào nói mình yêu Thiên Chúa mà không yêu tha nhân là kẻ nói dối (l Ga 4, 20). Nói cách khác, yêu cái này mà không yêu cái kia, thì tình yêu đó không phải là tình yêu đích thực.

Thiên Chúa là nền tảng cho cả mình và tha nhân, nên sống cho Thiên Chúa chính là sống cho chính mình và tha nhân. Sống cho một người là sống làm sao và làm thế nào để người đó được hạnh phúc, được mọi sự tốt đẹp, nên sẵn sàng hy sinh, chấp nhận gian khổ, vượt mọi khó khăn để thực hiện điều ấy. Còn sống cho Thiên Chúa thì sao? - Sống cho Thiên Chúa là yêu mến, phụng sự Ngài hết lòng, cụ thể hơn là làm cho Ngài được vinh quang, làm cho chương trình hay kế hoạch của Ngài được thực hiện, trước hết nơi chính bản thân ta, trong gia đình ta, rồi đến xã hội, quốc gia và thế giới. Kế hoạch hay ý muốn của Ngài đã được ghi khắc ngay trong tâm hồn, lý trí và trái tim của ta. Ta cứ làm những gì mà sự sáng suốt hợp lý hay tình thương của ta đòi hỏi là ta làm đúng theo chương trình và thánh ý Ngài.

Ðối với con người, Thiên Chúa không còn là một Ðấng vô hình, trừu tượng, khó có thể hình dung ra được, vì Ngài đã nhập thể thành một con người rất cụ thể là Ðức Giêsu Kitô: một con người lịch sử sống cách đây 2000 năm, đã chết nhưng đã sống lại và hiện nay vẫn đang sống và hoạt động bằng Thần Khí của Ngài trong tâm hồn mỗi người. Vì thế, đối với chúng ta, sống cho Thiên Chúa chính là sống cho Ðức Giêsu Kitô. Sống cho Ðức Kitô là đầu phục Ngài, nhận Ngài là Chúa Tể tâm hồn mình, làm lẽ sống cho đời mình, có tương quan cá nhân một cách cụ thể và thân mật với Ngài, đồng thời sẵn sàng tuân theo mọi chỉ dẫn của Ngài qua Thánh Kinh, qua tiếng Ngài nói trong thẳm sâu tâm hồn mình. Hãy để cho Thần Khí của Ngài hoàn toàn hướng dẫn mọi suy tư, lời đó, cách xử sự và hành động của ta, để ta có thể nói như thánh Phaolô:Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi (Gl 2, 20). Có thể diễn tả cụ thể hơn là: Những suy nghĩ, nói năng, cách hành xử của tôi thực ra không phải của tôi, mà là của Thần Khí Ðức Kitô đang hoạt động, đang suy nghĩ, nói năng hành sử trong tôi.

Một khi ta sống trọn vẹn cho Ðức Kitô, hoàn toàn để Thần Khí Ngài hướng dẫn, thì ta cũng đã sống trọn vẹn cho chính mình và tha nhân. Có thể nói: sống cho Ðức Kitô chính là sống cho chính mình một cách trọn vẹn nhất, cũng là sống cho tha nhân một cách hữu hiệu nhất. Nói cách khác, ai muốn làm cho đời mình hạnh phúc, và muốn những người chung quanh mình hạnh phúc, thì hãy sống cho Ðức Kitô. Và sống cho Ðức Kitô là sống cho Thiên Chúa.

Kết Luận

Dù muốn hay không muốn hiện hữu thì ta cũng đã hiện hữu rồi. Và một khi đã hiện hữu thì ta chỉ có một quyết định khôn ngoan nhất là làm sao để mình hiện hữu một cách hạnh phúc, tốt đẹp nhất có thể. Quyết định như thế chính là quyết định sống cho mình, cho hạnh phúc của mình. Ðể giúp mọi người sống cho mình một cách sáng suốt và hữu hiệu, Kitô giáo đã đưa ra một nghệ thuật sống, đó là sống cho mình bằng cách sống cho tha nhân và sống cho Ðức Kitô. Càng sống cho tha nhân và sống cho Ðức Kitô bao nhiêu, thì mình càng gặp lại chính mình, càng thực hiện được chính mình bấy nhiêu, và hạnh phúc cũng như giá trị con người mình càng tăng lên. Trái lại, nếu chỉ biết sống cho mình, thì mình càng đánh mất chính mình, càng làm cho hạnh phúc và giá trị của mình trở nên nghèo nàn. Vì Thiên Chúa (ở trong hai cái kia. Ðó là một định luật rất quan trọng mà muốn sống hạnh phúc hay muốn thực hiện chính mình phải nắm vững. hay Ðức Kitô), tha nhân và chính mình, trên bình diện tâm linh, quyện với nhau thành một, nên trong ba thực tại ấy, ta không thể tìm thấy cái nào ở trong chính cái ấy, mà chỉ tìm thấy ở trong hai cái kia. Ðịnh luật ấy đã được diễn tả rải rác trong Kinh Thánh, đặc biệt trong Tin Mừng.

Thiên Chúa là nền tảng sâu thẳm nhất của chính bản thân tôi cũng như mọi người: Thiên Chúa còn đích thực là tôi hơn cả chính tôi nữa. Do đó, tất cả những gì tôi làm cho Thiên Chúa, hay cho Ðức Kitô, là tôi làm cho chính tôi và cho cả người khác nữa. Và cũng chính vì thế mà bất kỳ tôi làm gì cho tha nhân thì cũng là làm cho chính Thiên Chúa (x. Mt 25,40. 45; 10,40; 18,5; Lc 10,16), và cuối cùng cũng là làm cho chính tôi.

Vậy, người Kitô hữu hay bất cứ ai khác, nếu muốn hạnh phúc trong đời này cũng như đời tương lai, nếu muốn sống cho chính mình một cách mãnh liệt và khôn ngoan nhất, thì hãy sống cho Thiên Chúa, cho Ðức Kitô, và cho tha nhân. Ðó là cách bảo đảm nhất để được hạnh phúc lâu dài. Còn sống khác đi, ta chỉ có được hạnh phúc trong chốc lát, hay trong một thời gian ngắn, để rồi rơi vào bất hạnh lâu dài hơn. Do đó, hãy khôn ngoan chọn lựa.

NGUYỄN CHÍNH KẾT


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà