NGƯỜI NỮ
TUYỆT VỜI
_________________________
Tota pulchra es, o
Maria
I. MÙA HOA THÁNG NĂM.
Cuối năm, mùa xuân đến, cảnh vật đều vui tươi hớn hở, hoa tươi khoe thắm.
Đứng trước cảnh vật xinh xắn ấy, lòng người cũng thấy rộn lên một niềm vui tươi
phấn khởi. Tuy tháng năm đã rơi vào cuối xuân, nhưng lúc này hoa lá vẫn còn
xanh tươi, hoa vẫn giữ màu tươi thắm. Vì thế, Giáo hội muốn dùng tháng hoa này
để giáo hữu tỏ lòng tôn kính Mẹ của Thiên Chúa qua cử chỉ hái hoa dâng kính
Người.
Trên thế giới này có rất nhiều loại cây,
không ai biết hết được. Ngay các loại rau ăn được, người ta tính ra có đến
1.700.000 thứ, trong khi đó người ta mới ăn tới ba bốn trăm thứ rau thôi. Nếu
ta tính số những cây có hoa thì nhiều vô kể vì hầu hết mọi thứ cây đều có hoa,
như vậy tính ra có đến mấy triệu cây có hoa. Tất cả mọi thứ hoa đó được qui lại
5 mầu chính : xanh, đỏ, trắng, tím, vàng. Mỗi hoa, mỗi màu lại có ý nghĩa riêng
của nó.
Người ta cũng còn đề cập đến một loại hoa đặc
biệt, một bông hoa biết nói, đó là người nữ. Người ta tặng cho người nữ cái
danh hiệu là bông hoa vì vẻ đẹp diễm kiều của nó. Nhưng đó lại là bông hoa biết
nói. Trong các bông hoa biết nói đó, chúng ta thấy người đời còn ca tụng một
bông hoa xinh đẹp nhất của vườn hoa loài người, đó là BÔNG HOA MARIA. Mẹ Maria là bông hoa tuyệt vời được biệt
kính Thiên Chúa, chỉ có bông hoa ấy mới làm cho Thiên Chúa ưa thích. Mẹ Maria
là một trang tuyệt sắc giai nhân mà Thánh kinh mô tả:
“Một điềm lạ xuất hiện trên không trung : một
người nữ mình vận mặt trời,
chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười
hai ngôi sao” (Kh 12,1)
Hoặc một đoạn khác trong Diễm ca :
“ Thiếu nữ hiện lên tựa Bình minh, dáng yêu kiều của Vầng trăng, chói
lọi hơn ánh quang và hùng dũng như đạo binh dàn trận” (Dc 6,9).
Hôm nay chúng ta cùng nhau bàn đến Bông hoa
biết nói được mô tả trong Thánh kinh, một bông hoa vô tiền khoáng hậu, một bông
hoa có muôn vàn vẻ đẹp đã làm cho Thiên Chúa say mê.
II. NHỮNG NGƯỜI NỮ LỪNG DANH.
Nói đến đàn bà là nói đến một thiên tình sử, ở
đó hoặc đen tối, hoặc sáng ngời, hoặc xây dựng hoặc đổ nát... Nói đến đàn bà là
nhắc đến một con người phức tạp, về tâm lý họ có trăm chiều :
Đàn bà nói có là không,
Nói không là có khó lòng hiểu ra.
(ca dao)
Thật thế, ngược dòng Cựu ước, ta thấy người
đàn bà đầu tiên đã sa ngã trước một trái ngon để thông truyền cái tội tham ăn
cho con dòng cháu dõi. Về phía nhân loại với nhau, ta sẽ học được một bài học
đổ nát vì người đàn bà.
Nhưng ở những đổ vỡ do người đàn bà gây nên,
ta lại gặp thấy những tấm anh thơ xây đời. Cựu ước cho ta những gương anh dũng
như Giuđít, dễ thương như Rachel, khôn ngoan như Rebecca và trung thành như
Sara.
Lịch sử Việt nam mãi mãi còn nêu cờ đấu tranh
của Triệu Ẩu, Trưng Trắc, Trưng Nhị và chí khí hào hùng, quên gian khổ vì dân
vì nước của cô Giang, cô Bắc. Nước Pháp
ngàn đời còn nhớ Jeanne d’Arc.
Đàn bà ngày nay cũng chẳng thiếu những con
người có tâm hồn trong sạch, can đảm hy sinh vì công ích, vì nhân loại. Nhiều
người đàn bà có tâm hồn quảng đại bao dung, công bằng kèm theo bác ái, nhất là
có sự trong sạch nơi tâm hồn. Ngày xưa Lý-Thị, vợ của Vương-Ngưng, bị người cầm
tay, nàng cho đó là mất điều trong sạch, thất nghĩa với chồng, nên đã tự chặt
tay.
Có những người đàn bà, trong phạm vi gia
đình, biết hy sinh cho chồng, nuôi nấng giáo dục con cái với tình thương mẫu tử
mặn nồng :
Lạy Trời cho gió đừng rung lá,
Để các con tôi bớt lạnh lùng.
Có những người vợ hiền trọn nghĩa phu phụ,
dầu có phải ngậm đắng nuốt cay, cơm niêu nước lọ, cũng một lòng chung thủy với
chồng con :
Đi đâu cho thiếp đi cùng,
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam.
(ca dao)
Hoặc có những người vợ trẻ chỉ biết nghĩ đến người chồng yêu của mình
mà trọn nghĩa trăm năm, không để lòng rung động trước cảnh ong bướm khoe sắc
bay lượn ;
Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng :
Cau khô ăn với trầu vàng xứng không ?
(ca dao)
Có những bà mẹ tóc bạc màu tang, long đong vất vả và lòng xao xuyến
thương con đang bước chân vào đời muôn lối, để thông sang cho người con một
tình hiếu đễ song toàn :
Tôi còn người mẹ già,
Tóc đã ngả màu tang,
Tuổi già non thế kỷ
Lưng gầy uốn nặng kiếp long đong.
Nắng mưa từng buổi tang chồng,
Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon.
(Thế Mỹ)
Tuy thế, cũng có rất nhiều người đàn bà kiêu
kỳ, cậy thế, bóp chết những tổ chức, xóa nhòa những tốt đẹp của gia đình, của
dân tộc trên thế giới. Có những đàn bà quên hẳn nhiệm vụ làm mẹ. Sinh con ra
thì “trời sinh trời dưỡng”, không một chút giáo dục con em. Có những bà mẹ đóng
vai “Lữ Bố tân thời” phì phào điếu thuốc trên môi, say sưa ly rượu cạnh Điêu
Thuyền để cùng:
Khi chén rượu khi cuộc cờ,
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.
(Nguyễn Du)
Sức mạnh ái tình của người đàn bà cũng ghê
gớm. “Một hai nghiêng nước nghiêng thành” cũng vì khóe mắt thương huyền, vì đôi
môi chín mọng của đàn bà. Dalila đã lợi
dụng cái gì để tình tứ mê hoặc Samson,
con người giật đổ được cả ngôi chùa to lớn, đến phải bị khoét mắt. Gioan Tẩy
giả cũng bị chặt đầu cũng vì điệu vũ khiêu gợi của đàn bà trước mặt nhà vua. Ái
tình mạnh như thế có lạ gì ! Augustino lao mình vào trụy lạc một thời đã có
kinh nghiệm nói với ta :”Tình yêu mạnh hơn hỏa ngục, hơn sự chết. Nó lôi đi
đâu, ta phải đi đấy”.
Nhất là những người đàn bà may mắn có chỗ
ngồi cao, có danh vọng hơn người. Một số đã bị con lợn lòng rộn lên đòi cám..
Kiêu ngạo thừa cơ nảy mầm trong cân não... Vì người đàn bà dễ xúc cảm, nhiều tự
ái, dễ đạo đức, mà cũng dễ khô khan ở những cái DỄ, KHÓ ấy sinh ra cái tật TAM
BÀNH ta thường gặp. Những người ấy nhiều khi họ quên những nỗi đau khổ của
người dưới mình, chung quanh mình. Có khi còn chà đạp trên pháp luật vì biết
không ai đả động đến. Pháp luật ở đây
trở nên đúng định nghĩa của một nhà văn Âu tây nào đó :” Là tấm màng nhện mà
ruồi to thì lọt, ruồi nhỏ thì mắc” (Lois ? Toiles d’araignée à travers lesquelles passent les grosses mouches et
où les petites se font prendre). Những
người đàn bà ấy không thèm nghe đến bất cứ một lời cảnh cáo của ai mà có khi
–vì sẵn quyền hành trong tay – còn lên án cho là phạm trọng tội. Từ Hi Thái hậu cũng đã tưởng độc đoán, tham
vọng sẽ lấy lại cho nhà Thanh những văn minh rực rỡ của mấy ngàn năm về
trước. Bà đã lầm.
Trên bình diện tự nhiên, nhiệm vụ người đàn
bà là thêm cho đời một bông hoa, cho gia đình một nụ cười duyên dáng, cho đàn
em dại một nền giáo dục đứng đắn, một bài học luân lý thường trực cho các
con. Người mẹ công giáo phải sống thánh
thiện làm gương cho con cái vì như người ta thường nói :
Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.
Thi sĩ Lamartine nói :”Phúc cho ai được Chúa
ban cho một người mẹ thánh thiện”. Phải
thánh thiện, vì người mẹ gần gũi con hơn, việc giáo dục con cái phải trực tiếp
hơn. Phải thánh thiện vì người mẹ có một tình thương con bền bỉ hơn, tha thiết
hơn, bao la hơn :
Mẹ yêu con bằng trời bằng bể,
Con yêu mẹ con kể từng ngày.
Phải thánh thiện để tạo cho Chúa những thợ
gặt biết hy sinh nếu Chúa muốn. Văn hào
Bazin đã quả quyết :”Có những bà mẹ cùng chung một tâm hồn Linh mục và đã
truyền sang cho con”. May mắn ngày nay
vẫn có những người đàn bà gương mẫu như Monica, anh hùng như Macabê, như bà mẹ
thánh Mélithon, bà mẹ thánh Louis vua, kiên trung như nữ thánh Đê. Và có những
người thiếu nữ đơn sơ như Têrêsa Hài đồng Giêsu của Pháp, trung trinh như Maria
Goretti và hy tế như Gemme Galgani của Ý đại lợi.
III. MARIA, NGƯỜI NỮ TUYỆT VỜI.
Tuy nhiên, nhân loại chỉ có một người đàn bà
duy nhất, người đàn bà ấy đẹp hơn thơ, xinh hơn mộng, là một kỳ công tuyệt tác
của Thiên Chúa. Người đàn bà ấy không tự đại khi được Thiên Chúa dựng thai
trong lòng, mà chỉ một lòng tự hạ thốt lên lời khiêm tốn :”Này tôi là nữ tì của
Chúa” (Lc 1,26-38). Người đàn bà ấy không cậy mình là một hiền mẫu của một nhà
giảng thuyết cho các nhà làm luật trong một đền thánh. Người đàn bà ấy không
nâng mình lên khi nhân dân Do thái tung hô con mình :”Vạn tuế con vua Đavít đến
cùng chúng tôi”. Người đàn bà ấy đóng vai một thường nhân nghèo nàn trên đời...
Thế mà chính người đàn bà ấy đã được Thánh kinh ca tụng :”Thiếu nữ hiện lên tựa
Bình minh, dáng yêu kiều của Vầng trăng, chói lọi hơn ánh quang và hùng dũng
như đạo binh dàn trận” (Dc 6,9).
Người đàn bà ấy : Mẹ Maria, người đàn bà mà
cả nhân loại phải học nơi Người bài học tình yêu, bài học làm người, làm mẹ,
làm công dân và... làm tất cả những gì thắng lợi, bất phân ranh giới chính trị
hay ý thức hệ nào, miễn là biết hiểu và thực hành tôn chỉ Chúa đã đề ra, để
hoàn hảo hóa những điều Cựu ước và Tân ước : Mến Chúa, yêu người và biết đặt
hết tin tưởng vào Mẹ Đồng trinh, Đấng mà thánh thi sĩ Damascène đã ca ngợi
:”Vực sâu chứa đầy phép lạ”.
Người đàn bà tuyệt trần ấy chính là Mẹ ta.
Trong Sấm truyền cũ (St 25,22) có kể truyện bà Rebecca mang thai hai đứa con
đôi : Esau và Giacóp. Bà cảm thấy chúng đánh nhau trong bụng mình làm bà đau
đớn, phải than rằng :”Nếu biết cơ sự đến thế này, tôi còn chịu thai làm chi
(Sic huc futurum mihi erat, quid necesse fuit concipere).
Đức Nữ Đồng trinh cũng chịu thai và mang
trong lòng hai người con đôi làĐức Giêsu và loài người như thế, và hai con cũng
không hòa thuận với nhau, vì Đức Giêsu công chính mà loài người lại tội lỗi. Sự
tương phản giữa hai con làm cho Đức Mẹ đau đớn vô hồi. Người biết rằng sự sống
của con này sẽ là cái chết của con kia.
Kinh thánh kể tiếp : khi hai đứa con đôi ra
đời, thì tay Giacóp cầm chân Esau. Gicóp là em, tượng trưng loài người mà Thiên
Chúa muốn cứu chuộc, nó không thể lìa biệt anh nó là Chúa Giêsu Cứu thế, và
Chúa Giêsu cũng chỉ sinh ra lúc em Chúa đã bắt đầu sinh ra với Chúa.
Bà Mẹ đáng thương ấy nhìn hai con lớn lên,
nhưng trong lòng Người cuộc phân tranh vẫn không thôi dằn vặt. Chúa Giêsu là
con cả, con yêu dấu của Đức Chúa Cha, Người được quyền hưởng gia nghiệp vì là
con trưởng.
Mẹ yêu Chúa vì Chúa là Con Mẹ, con cả của Mẹ,
nhưng Mẹ cũng yêu Giacóp vì Mẹ đã từng mang nặng Giacóp trong thai cùng với
Chúa Giêsu, mà Giacóp thì lại giống hệt Mẹ vì cùng dòng dõi loài người như Mẹ.
Và Mẹ đứng làm trung gian can thiệp để đứa em
thứ ấy, tuy không có tước trưởng nam cũng được dự quyền trưởng nam với Anh Cả,
được chiếm lấy đặc ân của Chúa Giêsu, đoạt lấy gia nghiệp Người và để phần lao
khổ lại cho Người.
Nhưng biết bao âu sầu lo lắng trong trái tim
hiền mẫu Mẹ Maria khi mưu toan cuộc thay bậc đổi ngôi gây cấn ấy. Biết bao điều
cực lòng cho Người khi phải đặt Chúa Giêsu yêu dấu sau con người tội lỗi, rồi
lại phải bao khéo léo mới làm nguôi được cơn giận Thiên Chúa đối với loài người
lỗi phạm. Sau cùng lại phải bao cố gắng để hoà giải hai anh em trong tình giao
hảo muôn đời.
(J. Schrijvers – Tín thư Chúa Giêsu gửi Linh
mục,1968, tr 31-33)
Mẹ là nguồn vui sống của chúng ta. Đạo công giáo có Mẹ ï Maria, trong
khi anh em Tin lành không có.Có Mẹ đời sống chúng ta luôn vui tươi, vì chúng ta
không phải là những đứa con mồ côi.
Theo kinh Lạy Nữ vương, chúng ta thấy đời là thung lũng nước mắt, và cũng
là cuộc tranh đấu không ngừng với gian lao đau khổ. Vô phúc biết bao cho nghững
người lội trên nước mắt, mà không biết cất tiếng hát véo von, để dần chết lịm
đi dưới sức thắng thế của đau thương. Thương thay, những cảnh buồn ấy lại hay
gặp nhất ở những linh hồn mồ côi Mẹ.
Đời không có Mẹ như con thuyền vật lộn giữa
ba đào dữ ác, nhưng đời có Mẹ, nó sẽ êm đềm sung sướng.Thánh nữ Maria Madalena
de Pazzi xem thấy trên biển bao la : một chiếc tầu rộng lớn, chật ních những
con cái Mẹ, êm đềm về bến thiên đàng do chính tay Mẹ cầm lái.
(Trinh Cát, Tôi đọc truyện Đức Mẹ, 1958,
tr12)
Mẹ là đồng tiền mua nước thiên đàng.
Tiền bạc là bùa yêu của nhân loại. Vì thế, có
dân tộc khôn ngoan đúc hình Đức Mẹ vào cả tiền bạc, để mỗi khi tiền bạc được
thiết tha lưu luyến, thì chính Mẹ cũng chen lẫn vào cả tình yêu năng gặp ấy.
Một thứ bạc lưu dụng ở Vatican, có hình Đức
Mẹ chắp tay chéo ngực, chân đạp vầng trăng, trên có đề chữ : Stato della Citta
del Vaticano. Nước Áo còn kỷ niệm được
nhiều đồng bạc cùng với dòng chữ : Mẹ cao cả của nước Áo (Magna mater
Austriae), Nước Hung không kém tinh thần ấy. Một thứ bạc in hình : Mẹ cầm phủ
việt, bế Chúa Con, cầm bầu trời, trên
đề :”Mẹ là quan thầy nước Hung”. Một thứ bạc cổ nhất (Bizantine) in hình”Mẹ
đang giơ tay cầu cho thủ đô Constantinople đã được dâng cho Đức Mẹ”.
Mẹ là TIỀN BẠC cao giá để mua nước Trời và
mua ơn phúc. Mẹ đã tự phán :”Mẹ làm giầu cho kẻ mến Mẹ, cho kho họ được dư đầy”
(Gv 8). Chúa Giêsu nói đến Nước Trời : giống như kho báu chôn giấu ngoài đồng
có người khám phá ra được, liền về, vui vẻ bán hết gia tài rồi đi tậu ruộng ấy
(cf Mt 13,44).
Ta nghe dụ ngôn ấy như nghe đến Mẹ.Mẹ chính
là kho vàng bạc ngự trị giữa đồng Giáo hội. Sau khi khảo cứu, học biết Mẹ là
giá mua hạnh phúc đời đời, người ta không tiếc mất hết mọi sự, mất cả đến chính
thân mình để sắm lấy Mẹ.
Người đời có thể nói : MẠNH VÌ GẠO, BẠO VÌ
TIỀN. Kẻ có Đức Mẹ, có thể bạo dạn tiến đến Thiên Chúa, mà không sợ Người xua
đuổi. Họ kiêu căng thách sức mạnh của hỏa ngục, mà không sợ thua, vì Mẹ là
chính sự thắng trận.
Ngạn ngữ còn nói : ĐỒNG TIỀN LIỀN KHÚC RUỘT.
Chúa phán không sai rằng :”Kho tàng ngươi ở đâu thì lòng ngươi ở đấy” (Mt 6,
21 ). Kẻ mến Mẹ, không thể không mơ
tưởng Mẹ đêm ngày. Nhớ Mẹ khi ăn uống, khi làm việc vất vả. Mẹ theo dõi từng
bước chân đi, Mẹ phảng phất trong giấc mơ khuya vắng, Mẹ đột nhập tim óc, khi
chợt tỉnh, Mẹ vấn vương vào nụ cười tiếng khóc.
Yêu Mẹ là một thứ THUẾ quan trọng phải nộp
cho Thiên Chúa. Tôi nhớ đến cái nhìn thông minh của Chúa vào đồng bạc có hình
vua Cesar. Và như nghe vang lại lời Chúa :”Của Cesar hãy trả cho Cesar, của
Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa” (Mt 22,21
) . Hãy tán thành một câu nói
tương tự : Hãy trả cho Mẹ những nhiệm vụ yêu mến Mẹ của một đứa con ngoan, để
Mẹ nộp nợ yêu mến ấy cho Thiên Chúa.
Tôi nhớ cả câu truyện Phêrô, vâng lời Chúa thả lưỡi câu xuống : giật con
cá đầu tiên, mở miệng lấy một đồng bạc, nộp hai xuất thuế của Chúa và của Phêrô
cho đền thờ Giêrusalem (Mt 17, 24-27 )
theo luật cũ (4V 12 ).
Mẹ chính là : “Đồng tiền nhiệm mầu” lấy ra từ
miệng Đấng Cao Cả : Ego ex ore Altissimi providi (Gv 24 , ). Loài người lấy đấy thanh toán hai số
thuế ; mến Chúa, yêu người, phải nộp cho đền Thiên đàng, theo luật đạo mới.
(cf Trinh Cát, op. cit, tr 121)
Mẹ Maria phải chiếm một chỗ đứng trong đời
sống chúng ta, không thể sống mà không có Mẹ. Chúng ta phải nhờ Mẹ đến với Chúa
: Per Mariam ad Jesum. Các thánh đồng xác quyết rằng : ai tôn sùng Mẹ Maria thì
không thể hư mất đời đời. Ta hãy nghe
một tôi tớ Đức Mẹ viết những dòng này :
“Các tác giả viết hạnh tích thánh Đa minh có
cái vinh dự là được thuật lại một câu chuyện độc hữu sau đây : Thánh nhân đã
bắt được kẻ thù bất diệt của Mẹ Maria thú nhận một sự kiện đứng đắn qua miệng
một người rối đạo là Albigense. Người này vì phạm thượng, bị rất nhiều qủi kéo
đàn đến ám ảnh vào thân xác. Y được chúng qủi đem tới thành phố Carcassona. .
Thánh nhân vốn là người trừ qủi nổi tiếng đang giảng ở đó. Ngài hỏi chúng :
trong các thần thánh trên trời, chúng sợ vị nào hơn cả, và do đấy mà được loài
người tôn trọng mến yêu hơn cả. Qua miệng của kẻ bị chúng ám ảnh, ma qủi hàng
nghìn lần chối không chịu trả lời. Sau cùng,
thánh Đa minh thấy Đức Mẹ hiện ra giữa các thiên thần, truyền cho những
tên qủi bướng bỉnh đó phải vâng lời thánh nhân cho chúng thêm phần hổ thẹn và
Chúa thêm vinh hiển. Thế là chúng phải cưỡng bách trả lời, sau khi vùng vẫy dữ
dội để trốn toát mà không được. Chúng căm giận buông ra hàng nghìn tiếng kêu
ghê gớm :
- Hỡi thù địch của ta, mối
nguy hại của ta, xấu hổ cho ta. Ngựoi đã ở trên trời sao còn xuống đây hành hạ
ta. có lẽ nào ta lại bị ngươi cưỡng bách ta phải tiết lộ một chân lý bất lợi
cho ta, Người là Trạng sư bầu chũa tội nhân, là đường vững chắc đưa tới thiên
đàng. Hãy nghe đây, hỡi giáo dân, hãy
nghe điều chúng ta phải thú nhận đây : Đức Nữ Trinh Mẹ Thiên Chúa, đang có mặt
đây, có đủ quyền uy để cứu tôi tớ Người thoát khỏi tay chúng ta. Chính Người đã
tố cáo mưu gian của chúng ta, như mặt trời phá tan mây tối, chính Người đã cắt
đứt đầu mối hết mọi dự định của chúng ta. Chúng ta phải cưỡng bách thú nhận
rằng : không một người nào bền lòng phụng sự Người mà phải luận phạt với chúng
ta đời đời”.
(Lm Gay, Mẹ
ơn cứu rỗi, Hoàng Trung dịch, 1964, tr 113)
KẾT LUẬN
Chúng ta đã cùng nhau nói về vai trò của Mẹ
Maria trong đời sống chúng ta. Mẹ chúng ta thật là một người nữ tuyệt vời, một
người Mẹ gương mẫu, một người Mẹ có quyền thế trước mặt Thiên Chúa hằng cầu bầu
cho chúng ta. Trong tháng hoa này chúng ta phải làm cái gì để tỏ lòng yêu mến
Người chứ ? Với tâm tình của người con yêu mến Mẹ, chúng ta có thể làm bất cứ
việc gì để tỏ lòng yêu Người, việc lớn việc nhỏ, việc cao sang hay hèn hạ, kể
cả những việc ngộ nghĩnh, miễn là có ý làm vì yêu mến Mẹ tùy khả năng của mình.
Xưa có một anh hề nổi tiếng, khéo khôi hài,
và có những cử chỉ thần tình lắm. Mỗi khi chàng bước lên sân khấu, công chúng
lại được những trận cười vỡ bụng, và khi bước chân ra về thì lại mong cho đến ngày được nom thấy chàng ở trên sân
khấu.
Nhưng Gugusse, tên anh hề nổi tiếng đó, mỗi
lần bỏ bộ quần áo nhà nghề ra, và lau chùi tắm rửa hết những mầu thuốc bôi trên
mặt đi, thì anh trở về nhà với bao nỗi buồn tê tái, vì chàng cảm thấy đời sống
của mình vô vị và rỗng tuếch, nếu cứ theo đuổi cái nghề này thì ngày cuối cùng
đời sẽ ra làm sao. Làm cho người ta vui thích và hốt tiền, nhưng chính mình thì
buồn chán sau những giây phút vui, và tiền nhiều lại thêm sự lo lắng.
Không thể chịu đựng được vì tình trạng đó kéo
dài hơn, một hôm chàng đến gõ cửa một tu viện xin nhận mình vào sổ nhà dòng.
Đời sống tu trì trong nhà dòng làm cho chàng hài lòng lắm, vì thầy nhận thấy
chương trình nhà dòng có đủ điều kiện làm thỏa thuê được mọi đòi hỏi của linh
hồn. Nhưng có một điều làm cho thầy
không thích cho lắm là sự đọc kinh bằng tiếng La tinh, một thứ tiếng thầy không
hiểu. Giá hiểu được tiếng La tinh và tất cả những ý tưởng đẹp đẽ ở Thánh kinh
và Thánh vịnh, thì thầy sẽ sung sướng biết mấy.
Muốn làm thỏa mãn lòng một người con thảo đối
với mẹ hiền, là Đức Mẹ, chàng hề này nghĩ ra được một phương kế; rồi từ đó, mỗi
đêm khi các tu sĩ đã ngủ yên, chàng cởi bộ áo nhà dòng và vận áo hề, rồi
rón rén đi ra nhà thờ, khẽ mở cửa, đi
qua cung thánh và đến trước bàn thờ Đức Mẹ. Đến đấy làm gì ?
Đêm nào cũng như đêm nào, cho nên có kẻ biết,
sinh nghi ngờ và theo dõi. Rồi một ngày người này đến trình cha Bề trên rằng :
trong nhà có sự lạ lùng, và thầy kia có lẽ là người điên. Đoạn thuật cho Bề
trên tất cả những gì mình đã theo dõi từ bước đầu cho đến khi tan cuộc.
Nghe sự lạ, Cha Bề trên muốn chính mình thị
sát và chứng kiến. Thế là cùng với người kia ngài bắt đầu theo dõi. Ngài nín
hơi, đi rón rén ở một nơi cao và kín để dễ mục kích hơn.
Theo giờ đã quen, thầy dòng hề mở cửa, đến
trước bàn thờ Đức Mẹ, vái đầu chào kính đoạn qùi xuống nguyện một lát, rồi thầy
đứng lên và bắt đầu diễn lại trước toà Đức Mẹ tất cả những gì thầy đã diễn ở
trên sân khấu xưa. Thầy làm với một tâm hồn đạo đức, thờ phượng bằng những
phương thế mình có thể.
Cha Bề trên và thầy kia chưa được thấy sự đó
bao giờ, nhất là những bộ múa đẹp đẽ, duyên dáng, uyển chuyển, khéo léo mà
không có một tài tử nào có thể sánh kịp. Cha hết sức thán phục tài ba và cứ
muốn cho thầy hề cứ kéo dài ra mãi, nhưng dù sao ngài nghĩ mình có nhiệm vụ bảo
vệ kỷ luật và tôn trọng chỗ linh thiêng của thánh đường, cha toan bước lại gần
bảo thầy đình chỉ lại tất cả, nhưng cũng trong lúc ấy thì thấy tượng Đức Mẹ giơ
tay lau những giọt mồ hôi đang nhễ nhãi trên trán thây hề. Sợ hãi và thông cảm,
cha lui về chỗ bóng tối và để mặc thầy được biểu lộ thỏa thuê lòng mến của
người con thảo đối với Mẹ hiền.
(Trần công Hoán, Truyện hay 2, 1963, tr
109-112)
Lm
Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Tháng Hoa Mẹ 2004