KINH MÂN CÔI, BÀI CA
ĐI CÙNG NĂM THÁNG
Lm Phêrô Trần Đình, Dalạt
Anh chị em thân mến, trên TV, lâu lâu chúng
ta thấy có những chương trình đặc biệt, mang tên “bài ca đi cùng năm tháng”.
Người ta trình bày, lặp đi lặp lại những bài hát được xem là bất hủ, trường tồn
mãi với thời gian.
Trong Giáo Hội cũng có những bài ca, có thể
gọi là “đi cùng năm tháng”, những bài ca luôn đồng hành với Giáo Hội qua thời
gian, qua những thăng trầm, những sóng gió của lịch sử. Bài ca đó có tên là
“chuỗi mân côi”, là những kinh kính mừng. Bài ca này được vang lên mỗi ngày
trong các nhà thờ hay chỗ riêng tư, được lâm râm khẩn cầu nơi môi miệng của mọi
người, kẻ trí thức hay người bình dân, người thanh niên hay những người tuổi
đời đã xế bóng. Kinh mân côi quả là “bài ca đi cùng năm tháng” đối với Giáo Hội
chúng ta. Lịch sử còn đó, như minh hoạ cho những gì chúng ta vừa nói. Tôi muốn
kể lại cho anh chị em những chứng từ sống động về những con người vĩ đại đã say mê “những bài ca đi
cùng năm tháng” này.
1. Trước tiên là
Đức Giáo Hoàng đương kim.
Trong tông thư “Kinh Mân Côi” mới đây, Ngài
chia sẻ như sau : “Từ thuở niên thiếu, lời kinh này đã có một chỗ đứng quan
trọng trong đời sống thiêng liêng của tôi (…) Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi
trong những lúc vui sướng cũng như trong những giai đoạn khó khăn. Tôi đã giao
phó cho lời kinh ấy biết bao lo âu ; nơi lời kinh ấy, tôi đã luôn tìm được sự
nâng đỡ (õ…) Kinh Mân Côi là lời kinh tôi ưa thích. Một lời kinh kỳ diệu. Kỳ
diệu qua vẻ đơn sơ và chiều sâu của nó (…). Con tim của chúng ta có thể gán vào
chục kinh Kính Mừng mọi biến cố của đời sống cá nhân, gia đình, quốc gia, Giáo
Hội và toàn thể nhân loại. Mối quan tâm của riêng ta và của những người thân
cận, đặc biệt những người gần gũi nhất của ta, những người thân thiết nhất của
ta. Vì thế, lời kinh Mân Côi đơn sơ ghi dấu ấn lên nhịp sống của con người. Anh
chị em thân mến, với những lời này, tôi đã đặt những năm đầu tiên của triều đại
giáo hoàng trong nhịp sống hằng ngày của Kinh Mân Côi. Hôm nay, khi bắt đầu năm
thứ 25 phục vụ trong tư cách người kế vị thánh Phêrô, tôi muốn làm lại cũng một
điều đó. Biết bao ơn lành tôi đã lãnh nhận được trong những năm tháng này
từ Đức Thánh Trinh Nữ qua kinh Mân
Côi”.
Tóm lại, Đức giáo hoàng muốn nói thế này : kinh Mân Côi đã đồng hành
với Người từ thuở thiếu thời cho đến hôm nay. Kinh mân côi là sự nâng đỡ, ủi an
của Người trong suốt cả cuộc đời. Kinh Mân côi là bài ca đi cùng năm tháng.
2. Chứng từ thứ
hai là của nhà bác học Louis Pasteur.
Trên tuyến xe lửa đi về Paris, có một thanh
niên trẻ ngồi cạnh một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ rút
trong túi áo ra một cỗ tràng hạt và chìm đắm trong cầu nguyện. Người sinh viên
quan sát cử chỉ của cụ già với vẻ bực bội. Sau một hồi lâu, xem chừng không thể
chịu nổi, anh ta mạnh dạn lên tiếng : “Thưa Ông, Ông còn vẫn tin vào những
chuyện nhảm nhí thế à ?”.
Cụ già thản nhiên trả lời : “Đúng vậy, tôi
vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao ?”.
Người thanh niên xấc xược trả lời : “Lúc nhỏ
tôi có tin, nhưng bây giờ làm sao tôi có thể tin vào những chuyện nhảm nhí ấy
được, bởi vì khoa học đã mở mắt cho tôi. Ông cứ tin tôi đi và hãy học hỏi những
khám phá mới của khoa học, rồi Ông sẽ thấy rằng những gì Ông tin từ trước đến
nay đều là những chuyện nhảm nhí hết.
Cụ già nhỏ nhẹ hỏi người sinh viên : Cậu vừa
nói về những khám phá mới của khoa học, liệu cậu có thể giúp tôi hiểu được
chúng không ? - Người sinh viên nhanh nhẩu trả lời : Ông cứ cho tôi địa chỉ,
tôi sẽ gởi sách vở đến cho Ông, rồi Ông sẽ say mê đi vào thế giới phong phú của
khoa học cho mà xem.
Cụ già từ từ rút trong túi ra một tấm danh
thiếp và trao cho người sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, người sinh viên bỗng
xấu hổ đến tái mặt và lặng lẽ rời sang toa khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp ấy
có ghi : Louis Pasteur, viện nghiên cứu khoa học Paris.
Nên biết rằng : “Louis Pasteur, nhà bác học
người Pháp sống thế kỷ 19, cha đẻ của lý thuyết lên men, vi khuẩn và vắcxin trừ
bệnh chó dại. Khi Ông mất, chính phủ Pháp tổ chức quốc tang và trên đường linh
cữu đi qua, từng đám người quì xuống chan hoà nước mắt. Trong lịch sử, ít có
nhà bác học nào mà nhân loại tỏ lòng biết ơn sâu sắc như vậy” (x. Almanach,
t.1657). Vậy mà nhà bác học vĩ đại này đã say mê tràng hạt mân côi.
3.
Chứng từ thứ ba là của Blaise Pascal, khoa học gia, đồng thời là triết gia
người Pháp thế kỷ 17.
Người ta kể rằng trên một chuyến tàu lửa từ
Paris về Lộ Đức, một sinh viên hỏi cụ già ngồi bên cạnh đang lần hạt rằng :
thưa cụ, chắc cụ biết Ông Pascal chứ ?. – Có, Ông này thì tôi biết, biết rõ là
đàng khác.
Đã đến thời duy lý của Pascal rồi mà cụ còn
lần hạt nữa sao ?.
Thế cậu đã gặp Pascal lần nào chưa ? – Dạ,
thưa cụ chưa ạ. - Thế thì tôi là Pascal, người đang nói chuyện với cậu đây.
4.
Chứng từ thứ tư là bác học André-Marie Ampère, nhà vật lý người Pháp thế kỷ
18-19, người đã sáng lập ra môn điện từ học, ngồi trong nhà thờ, miệng lâm râm
lần hạt trước sự ngỡ ngàng của bao nhiêu người.
Kết luận
Chuỗi mân côi quả thật là “bài ca đi cùng năm
tháng” của Giáo Hội, của biết bao nhiêu con người lừng danh trong lịch sử. Đó
là những chứng từ sống động giúp chúng ta ý thức hơn về chỗ đứng và tầm quan trọng
của nó trong đời sống chúng ta, đặc
biệt trong tháng năm này.