Hãy Tôn Sùng Mẫu Tâm
SUY NIỆM LỄ ĐỨC MẸ MẪU
TÂM
(Is 61,9-11; l c 2,41-51)
Tháng Năm, tháng Đức Bà,
tháng Sáu, Tháng Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu và các Linh Mục. Điều này là do
mối liên hệ với Lễ Trọng kính Mình Thánh Chúa dẫn đến Lễ Trọng kính Thánh Tâm
hầu như luôn luôn được cử hành vào tháng Sáu. Tiếp liền sau lễ Thánh Tâm, Giáo
Hội cử hành lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ vào ngày thứ Bảy sau Chúa nhật II lễ
Chúa Thánh Thần hiện xuống, cho thấy việc đền tạ Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu
đi liền với việc đền tạ trái tim vô nhiễm Đức Mẹ.
Trái tim vẹn sạch Đức Bà
Maria hay Trái tim vô nhiễm nguyên tội Đức Maria hay Khiết
tâm Đức Bà Maria là dấu chỉ và biểu tượng nói lên sự thương cảm và vô tội
của mẹ Maria. Đó cũng là một biểu tượng để các kitô hữu tôn sùng.
Lòng sùng kính Trái tim Vô
nhiễm Đức Mẹ là một truyền thống cổ xưa, gắn liền với với đoạn văn trong Tin
Mừng Thánh Luca nói đến trái tim của Đức Maria : “Maria giữ kỹ mọi điều
ấy và hằng ngày suy nghĩ trong lòng” (Lc 2,19) ; “Một lưỡi gươm sẽ đâm
thâu tâm hồn Bà” (Lc 2, 35). Dịp Chúa giáng sinh tại Bêlem và dịp Chúa
bị lạc năm 12 tuổi (Lc 2,51) là hai dấu mốc Mẹ ghi nhớ trong tim để suy
gẫm. Các Thánh Giáo Phụ cũng như nhiều vị thánh khác và các đức giáo hoàng
đã coi những lời Kinh Thánh trên tuy ngắn gọn, nhưng là nền tảng
chính yếu cho lòng tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ. Bởi nó chứa đựng tình mẫu tử
thiêng liêng của Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu với trái tim của một người mẹ đối các
linh mục nói riêng và nhân loại nói chung.
Ý nghĩa hình, tượng trái
tim Đức Mẹ
Nhìn vào ảnh, tượng trái
tim Đức Mẹ do các họa sĩ, nghệ nhân đắp, chúng ta thấy trái tim Đức Mẹ nằm bên
ngoài cơ thể. Điều này muốn nói đến tình yêu vô tận của Mẹ dành cho loài người
lớn lao như thế không thể giấu được bên trong được. Một bàn tay Mẹ nâng trái
tim lên và bàn tay chỉ về trái tim ấy, nghĩa là Mẹ muốn trao trái tim của mình
cho bất cứ ai đang chiêm ngắm ảnh tượng trái tim Mẹ. Phía trên trái tim Đức Mẹ
có ngọn lửa bừng cháy, nhấn mạnh đến tình yêu Mẹ dâng hiến cho Thiên Chúa và
dành cho loài người.
Trái tim Mẹ có bông hồng
bao quanh, một số bức tranh còn xuất hiện hoa lily tượng trưng cho sự thanh
khiết, trong sạch của Mẹ, ơn vô nhiễm nguyên tội, đã tạo ra nơi Mẹ một trái tim
rất vẹn sạch. Trái tim có thanh gươm đâm thâu qua ám chỉ (“một lưỡi gươm sẽ đâm
thâu tâm hồn bà”), và gợi lên những đau khổ mà Mẹ phải chịu trong suốt cuộc
đời, đặc biệt trong lúc Mẹ thấy con mình là Chúa Giêsu bị đóng đinh.
Cuối cùng là chùm tia sáng
bao quanh trái tim Mẹ, gợi nhớ đến đoạn văn trong sách Khải Huyền 12,1, trong
đó mô tả Đức Mẹ như “một người phụ nữ mình khoác áo mặt trời.”
Lịch sử ngay lễ
Lòng sùng kính Trái Tim
Đức Maria đã có trong Giáo Hội từ thời các Giáo Phụ. Trong Giáo Hội, có những
vị thánh sùng kính cách đặc biệt như, Thánh Anselmô, nhà thần học Eadmer, Thánh
Bênađô, và nhà thần học Hugh St. Victor khởi đầu sùng kính Trái tim Đức Mẹ. Rồi
Thánh Mechtilđê, Thánh Giêtruđê, Thánh Brigitta, nhất là Thánh Bênađinô là
"tiến sĩ của Trái tim Mẹ", cổ võ phong trào sùng kính Trái tim Đức
Mẹ.
Thánh Anselmô, nhà thần
học Eadmer, Thánh Bênađô, và nhà thần học Hugh St. Victor khởi đầu sùng kính
Trái tim Đức Mẹ. Rồi Thánh Mechtilđê, Thánh Giêtruđê, Thánh Brigitta, nhất là
Thánh Bênađinô là "tiến sĩ của Trái tim Mẹ", tiếp tục phong trào sùng
kính Trái tim Đức Mẹ.
Đến thế kỷ XVII, lòng sùng
kính Trái tim Mẹ mới được phổ biến rộng rãi do Thánh Euđê mà Đức Thánh Piô X
gọi là "sư phụ, là tiến sĩ và là tông đồ" của Phụng vụ sùng kính hai
Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
Năm 1648, nhiều Giám mục
nước Pháp ban phép mừng lễ Trái tim Mẹ trong giáo phận vào ngày mồng 8 tháng 2.
Năm 1799, tất cả các nhà thờ giáo phận Palermô nước Ý được mừng lễ này. Năm
1855, dưới triều đại Đức Piô IX, giờ kinh và Thánh lễ đã được Thánh bộ Lễ nghi
chấp thuận.
Với biến cố Đức Mẹ hiện ra
tại Fatima năm 1917 với ba trẻ mục đồng, Jacinta, Franciscô và Lucia và ban
hành mệnh lệnh “Tôn sùng Trái tim Đức Mẹ”. Lòng sùng kính này lan rộng với sự
phê chuẩn của Tòa Thánh vào năm 1942, kỷ niệm 25 năm biến cố Đức Mẹ hiện ra ở
Fatima, Giáo
hoàng Piô XII đã dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ và
kêu mời mọi người dâng mình cho Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ. Năm 1945, ngài chính
thức thành lập lễ "Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ" vào ngày 22 tháng 8.
Theo chiều hướng canh tân Phụng vụ, năm 1969, Đức Phaolô VI đổi lễ này vào ngày
thứ Bảy sau lễ Thánh Tâm tuần Chúa nhật II sau lễ Hiện Xuống. Đỉnh điểm là
Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã ấn định Lễ Kính Trái Tim Vô Nhiễm
Nguyên Tội Mẹ Maria như là một Lễ Nhớ buộc trong lịch Phụng Vụ chung của Giáo
hội Rôma vào năm 1996. Vào ngày mồng 08 tháng 10 năm 2000, trong khuôn khổ của
Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tận hiến thế giới cho Trái Tim
Vô Nhiễm Nguyên tội Mẹ Maria.
Ý nghĩa của ngày lễ
Mừng lễ Trái tim Vô nhiễm
Nguyên Tội Mẹ Maria. Chúng ta hãy Chiêm ngưỡng Trái tim Mẹ vẹn tuyền thanh
sạch, đầy tình yêu thương, trọn lành thánh thiện, trung thực phản ảnh ưu phẩm
toàn mỹ, toàn thiện, toàn ái của Ba Ngôi Thiên Chúa, để chúng ta nhìn thẳng vào
quả tim tội lỗi sắt đá của chúng ta, xin Trái tim Vô nhiễm Mẹ cải hoá quả tim
chúng là với những tâm tình tốt lành thánh thiện.
Chúng ta chúc tụng Trái
tim Mẹ luôn qui hướng về Chúa, luôn kết hợp mật thiết với Chúa. Và xin Mẹ dạy
chúng ta đón nhận Chúa thế nào vào đời sống chúng ta. Xin Mẹ dạy chúng ta biết
đói khát Chúa và biết sống chính sự sống và lời Chúa.
Chúng ta tôn vinh Trái tim
Mẹ là đền thờ sống của Chúa Thánh Thần, là cung thánh của Con Thiên Chúa hằng
hữu. Xin Mẹ biến đổi quả tim ô nhơ của chúng ta thành trung tâm tôn thờ cho
Chúa Ba Ngôi ngự trị.
Chúng ta ngợi khen Trái
tim Mẹ thẳm sâu khiêm nhượng đã đưa Mẹ vào mầu nhiệm Nhập Thể Cứu chuộc của
Chúa, và vào đời sống Giáo hội. Xin Mẹ dẫn đưa chúng ta gia nhập công trình Cứu
chuộc của Chúa và vào công cuộc Tông đồ của Giáo hội.
Sau cũng chúng ta ca tụng
Trái tim Mẹ dạt dào tình Hiền Mẫu êm ái ngọt ngào trong phẩm chức Mẹ Thiên Chúa
và Mẹ toàn thể loài người chúng ta. Xin Mẹ ban cho chúng ta lòng thiết tha yêu
mến Chúa, yêu mến Mẹ và đậm đà yêu thương mọi người.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ