MARIA, MẸ
TÔI
___________________________________________________
Lòng
Mẹ yêu con trời rộng mở
Hồn
con mến Mẹ biển chơi vơi.
Lần ấy vào dịp cuối năm gần ngày Tết rồi,
thánh Don Boscô đau nặng sắp chết, có một cha đến nói với Ngài :”Chắc Chúa không để cha sống lâu được nữa, nhưng
con phải thay mặt cha cho quà các em, vậy cha dạy con phải cho các em thứ quà
nào”? Thánh Don Boscô trả lời :”Cha sẽ cho các em hai thứ quà này :
- Sùng mộ phép Thánh thể
- Yêu mến Mẹ Maria.
I. TẠI SAO TA PHẢI YÊU MẾN MẸ MARIA ?
1. Ngài là Mẹ tôi.
Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu tại sao Maria là Mẹ tôi : vì lý do gì ta
dám gọi Ngài là Mẹ
trong khi Ngài chỉ sinh ra Chúa Giêsu ? Nếu Chúa đã ban cho ta một
người Mẹ nhân ái dịu dàng như vậy, chúng ta có yêu Ngài không ? Tục ngữ Pháp có câu :”Tình yêu của người mẹ
không già”, và Bersot cũng ca tụng tình yêu của người mẹ :”Trong vũ trụ có lắm
kỳ quan, nhưng kỳ quan tuỵệt hảo nhất vẫn là trái tim của một người mẹ”.
a) Mẹ
nghĩa là gì ?
Có lẽ đặt ra câu hỏi này
cũng bằng thừa, không cần phải định nghĩa bởi vì ai cũng biết
người sinh ra mình là mẹ mình. Câu nói đầu tiên trên môi của đứa trẻ là
me, mẹ, má, mợ. mạ hoặc mater, maman, mother... Đứa trẻ không cần biết mẹ nghĩa
là gì mà chỉ biết yêu qúi người đã sinh ra nó.
Không những con người mới có mẹ, mới biết yêu
mẹ, mà ngay đến cả con vật cũng có tình mẫu tử, tình yêu cũng nảy nở nơi mẹ
con. Không ai có thể phủ nhận được tình yêu mẹ con nơi giống vật. Những nhận
xét hằng ngày của chúng ta đã chứng tỏ điều đó, và cũng không thiếu gì những
câu chuyện rất cảm động nói về tình mẫu tử của các giống vật.
Truyện
: tình mẫu tử nơi loài chó.
Một nhà bác học nghiên cứu về trí thông minh
của loài vật. Một hôm ông bắt một con chó mẹ và 5 con chó mới sinh đem bỏ ở
cánh đồng xa chừng 3 cây số. Sau khi bỏ chó con ở lại, người ta đem chó mẹ về
nhà. Sáng ra, người ta thấy 3 con chó con đã trở về nhà, nằm phục xuống dưới
gầm giường kêu ăng ẳng. Người ta nhìn
lại thì chó mẹ đã chết từ bao giờ. Thì ra đêm qua chó mẹ đã lần lượt băng qua
cánh đồng, tha 3 con về nhà, nhưng đến lần thứ ba, thì vì mới sinh xong, chó mẹ
kiệt sức nên chết.
Nếu con vật còn biết thương con cái như vậy,
tại sao loài người lại không có ? Đứa trẻ gọi người sinh ra nó là mẹ, và chỉ
biết cả ngày quấn quít bên mẹ, đòi quà bánh mỗi khi mẹ đi chợ về :
Mẹ em đi chợ đàng ngoài,
mua em cây mía vừa dài vừa cong.
Mẹ em đi chợ đàng trong,
mua em cây mía vừa cong vừa dài.
Chúng ta có thể nói : một món quà đặc biệt và
qúi giá nhất mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, đó là người mẹ. Đối với đứa trẻ, có người mẹ là có tất cả,
và ngược lại, mất mẹ là mất tất cả.
Người ta cần yêu để sống và đối với đứa trẻ điều cần thiết nhất là được
yêu. Vì thế Grétry đã nói :”Tuyệt phẩm của tạo hóa, đó là trái tim của một
người mẹ”.
Truyện
: cha Roh và mục sư.
Cha Rôh, dòng Tên, với tài ứng đáp lanh lẹ,
với tinh thần vui vẻ, một hôm đã nói với một mục sư Tin lành phái Luther ở
Hambourg :
- Chúng tôi thì khác, là những người công
giáo, chúng tôi giữ được nét vui tươi, tính vui vẻ. Còn các ngài, anh em Tin
lành, các ngài luôn luôn khô khẳng, so đo, do dự, buồn phiền .
- Đúng thế, vị mục sư thú nhận. Nhưng nhận xét như thế rồi, xin Linh
mục cho biết lý do tại sao ?
- Ồ được, tôi sẽ nói cho mục sư rõ : trong một nhà, vắng bóng bà mẹ, là
cả một sự tiêu điều .Khi bà còn sống, con cái vui nhộn. lanh lợi, nhanh nhẹn,
lúc bà khuất đi, đàn trẻ đâm ra ủ rũ, trầm mặc, buồn sầu... Theo chủ trương canh tân của các ngài, các
ngài không còn mẹ nữa... Chúng tôi người Công giáo, chúng tôi có bà Mẹ này,
Người là Mẹ Thiên Chúa cùng là Mẹ chúng tôi. Đó là lý do khiến chúng tôi vui
vẻ. Còn qúi ngài Tin lành, vì lỗi của qúi ngài đã mất người Mẹ. Vì thế qúi ngài
khô khan và buồn bực.
(Trinh Cát, Tôi đọc truyện Đức Mẹ, 1957, tr
12-13)
Victor Hugo đặt câu hỏi :”Bạn có biết có một
người mẹ nghĩa là gì không ? - Bạn ï,
bạn có mẹ không ? – Bạn có biết một đứa con, đứa con khó nghèo, yếu đau trần
truồng, khốn khổ, đói khát, cô đơn ở trần thế là gì không ? – Và bạn có cảm
thấy kề bên bạn, quanh bạn, ở trên bạn, một người đàn bà. đi khi bạn đi, dừng
khi bạn dừng, nhoẻn miệng cười khi bạn khóc ? – Người nhìn bạn dạy bạn nói, dạy
bạn đọc, dạy bạn yêu, ấp ủ những ngón tay bạn trong lòng tay Người, thân thể
bạn trên gối Người, bú mớm khi bạn còn bé thơ, cơm bánh lúc bạn khôn lớn. Rồi
suốt đời bà, bạn gọi người :: Mẹ con ! Và người gọi lại bạn : con của mẹ ! một
cách hết sức dịu dàng, đến nỗi hai tiếng gọi đó làm Chúa cũng hài lòng”.
(MM Arami, Sống, Hương quê, 1970, tr 108-109)
b)
Tại sao Maria là Mẹ tôi ?
Chúng ta có thể đưa ra đây
hai bức họa để trình bầy những lý do khiến Đức Maria là Mẹ
chúng ta, cả hai bức họa đó đều được rút ra trong Thánh kinh, có nền
tảng thần học vững chắc. Hai bức họa đó là tại nhà Nazareth và đồi Calve.
. Bức
họa thứ nhất.
Nazareth, thành phố xứ Galilêa, giữa những
dẫy nhà trắng xóa, hiện ra một căn khiêm tốn của Đức Trinh Nữ rất thánh. Sứ
thần đến gặp Maria và thưa :
- Kính chào cô, cô có phúc hơn mọi người nữ... Cô sẽ thụ thai và sinh
một con trai, cô sẽ gọi là Con Đấng tối cao. Nước Người sẽ không bao giờ
cùng... Cô có bằng lòng nhận thiên chức làm Mẹ này không ?
Maria trả lời :
- Fiat : xin vâng.
Ngay lúc đó, Thiên Chúa xuống trong lòng Mẹ
Maria. Với thịt và máu của Maria, Ngài cấu thành một thân xác con người và tạo
dựng một linh hồn con người kết hợp với thân xác. Với tạo vật người mới này,
Thiên Chúa Con kết hợp bản tính thiên linh Người, một cách hết sức chặt chẽ đến
nỗi hai bản tính chỉ làm nên một ngôi vị, và chính là ngôi vị thiên linh : Ngôi
Hai Thiên Chúa.
Maria trở thành người mẹ của Con Người Thiên
Chúa, Đức Giêsu Kitô. Maria cũng là Mẹ chúng ta. Lý do là vì ơn thánh hóa làm
cho chúng ta trở thành anh em của Chúa Kitô, Mẹ của người Anh chúng ta, là Mẹ
chúng ta. Sách Thánh nói :”Maria sinh Con đầu lòng” (Lc 2,7). Con đầu lòng là
Chúa Giêsu, kế tiếp là chúng ta.
Tại sao Đức Maria là Mẹ chúng ta ? Vì ơn thánh hóa làm cho chúng ta nên chi thể
Chúa Kitô. Chúa Kitô toàn diện, nhiệm thể Chúa Kitô gồm một đầu, là chính Chúa
Kitô đích vị, và các chi thể, là chính chúng ta. Là Mẹ của đầu, Đức Maria cũng
là Mẹ các chi thể, Mẹ chúng ta.
Thánh Grignon de Monfort nói :”Không bà mẹ
nào sinh đầu mà lại không sinh các chi thể, và sinh chi thể mà lạ không sinh
đầu : nếu không, đó phải là một quái thai. Trong trật tự ơn thánh cũng thế, đầu
và chi thể sinh ra do cùng một bà mẹ, và nếu một chi thể trong nhiệm thể Chúa
Kitô sinh ra không phải do Đức Maria, Người đã sinh đầu, thì đây không phải là
chi thể Đức Giêsu Kitô, nhưng là một quái vật trong trật tự ơn thánh”.
Như vậy Đức Maria là Mẹ các chi thể, Mẹ chúng
ta cùng theo một thể cách như Người là Mẹ Chúa Giêsu, vị thủ lãnh phải không ?
– Chắc chắn không phải thế. Là Mẹ Chúa Kitô theo bản tính, còn với chúng ta,
theo ơn thánh. Nhưng, là Mẹ thật chúng ta. “Từ giây phút thưa XIN VÂNG Đức
Maria bắt đầu cưu mang chúng ta trong lòng” (Thánh Anselmô).
. Bức
họa thứ hai.
Đồi Canvê. Chiều thứ sáu tuần thánh. Giêsu bị
đóng đinh, mình đầy máu bị treo trên thánh gía, giữa trời và đất, Maria, Gioan,
các phụ nữ nhân đức, các lính hành hình, đám người tò mò đi coi. Giêsu nhìn Mẹ
Người và gần Mẹ Người, môn đệ yêu dấu.
Người thưa với Mẹ :”Thưa Bà, này là con Bà”. Rồi bảo môn đệ :”Này là Mẹ con”
(Ga 19,26-27).
Gioan là ai ? Đây không phải chỉ là một mình
Gioan, nhưng là Gioan và mỗi người chúng ta, vì bất cứ ai sống trong ơn thánh
không phải chỉ là một con người đơn thuần, nhưng là một chi thể của Chúa Kitô,
Giêsu, Gioan , chúng ta : tất cả chỉ làm nên một, một Kitô duy nhất toàn vẹn,
một người con độc nhất của Maria. Maria thật là Mẹ chúng ta.
Tại Nazareth, Maria cưu mang chúng ta trong
lòng. Tại Belem, Maria sinh chúng ta, nhưng không phải đau đớn. Trên đồi Canvê,
Maria sinh chúng ta trong nước mắt với lòng tan nát.
(MM. Arami, Sống, Hương quê, 1970, tr
109,112)
Theo luật thường, con phải có cha có mẹ,
trong phạm vi ơn thánh, con thực của Giáo hội có Chúa làm cha, có Maria làm Mẹ.
Ai tự hào chỉ có Chúa là Cha, mà không có Maria là Mẹ dịu hiền, họ nói láo, họ
là con của Satan.
(Thánh Grignon de Monfort, Sách vàng, Senatus
Saigòn, 1969, tr 9)
Chính Luther, hồi chưa lập Thệ phản, đã viết
những câu đáng yêu như câu :”Gọi Đức Mẹ là Mẹ Chúa Trời, người ta đã nói đến
hết vinh quang của Đức Mẹ. Không ai có thể đặt cho Đức Mẹ địa vị cao sang hơn
địa vị làm MẸ CHÚA TRỜI, dù có nhiều
lưỡi như lá rừng, cỏ đất, sao trời,cát biển, không một ai có thể làm cho Đức Mẹ
trọng vọng hơn... Phải nhận Đức Mẹ có những đặc ân vượt trên các tạo vật có trí
luận”
(La Vierge Marie, Petite somme Mariale, 1942,
tr 17-18)
Lammenais viết :”Tôi có hai mẹ : một mẹ ở
dương thế và một mẹ ở cõi trường sinh”.
Nhưng ông ta đã phản giáo và khi gần trút linh hồn lại trối rằng :”Khi
chôn ta thì đừng đọc kinh Kính mừng nào ở trên mộ ta”.
(Maria, phụ trương Tông dồ, 11/1960, tr 14)
c) Tình yêu mẹ con là lý đương nhiên.
Người ta phải ăn mới sống,
Ăn là điều kiện của sự sống sinh lý. Nhưng yêu cũng là điều
kiện cho đời sống tâm lý, không yêu không sống nổi. Chữ yêu đây được
hiểu như là yêu hoặc được yêu. Yêu là bản tính đi liền với con người cũng như
loài vật. Câu chuyện dưới đây chứng tỏ khẳng định ấy.
Truyện : chết vì thiếu tình yêu.
Trong cuốn “Tâm lý học ứng dụng”, ông Hoàng
xuân Độ có kể lại một câu chuyện cảm động này : sau cuộc đại chiến thứ hai
1939-1945, nền quốc xã Đức bị sụp đổ tại miền tây Đức, các nuớc đồng minh trong
khối dân chủ Tự do, xúc cảm trước những cảnh gia đình bị tàn phá bèn thiết lập
những cô nhi viện để cứu giúp trẻ thơ.
Thế rồi, một tai nạn khủng khiếp và bất ngờ
đã xẩy ra : Tại nhiều dưỡng đường ấy, chỉ trong vòng mấy tuần lễ, hàng trăm
thiếu nhi, vẫn có vẻ khỏe mạnh như thường, mà tự nhiên ngã lăn ra tắt thở. Khám
xét tử thi, các bác sĩ không thấy một thứ bệnh gì. Sau các nhà tâm lý phải ráo
riết nghiên cứu, thì ai nấy đều nghiễm nhiên nhận thấy và chứng minh được rằng
trẻ đã chết vì thiếu tình yêu, dù vẫn được no ấm hơn thường.
Đã rõ
căn nguyên, các nước bèn chọn lọc những nhũ-mẫu trong hàng các phụ nữ có tiếng
là yêu trẻ, để triệt để trông nom các dưỡng đường, thì các cô nhi còn lại, từ
đó không còn chết chóc bất thần như các bạn xấu số của chúng nữa.
( P-C, Boyd Barett, Sống là yêu,
Saigòn, 1965, tr 7-8)
Trong đời sống tâm lý, con người cần có tình
yêu để sống. Trong đời sống thiêng liêng, con người Kitô hữu cũng phải yêu để
sống, và cái tình yêu đầu tiên phải phát xuất từ đâu, nếu không phải từ Mẹ
Maria ? Mỗi người mẹ đều có một quả
tim để yêu con cái. Bất cứ quả tim của
một người mẹ nào cũng là cả một vực thẳm lòng tốt nhân từ. Còn về quả tim của
Mẹ Maria thì phải nói sao đây ? Cha thánh Gioan Vianney nói :”Tâm can Mẹ Maria
rất dịu dàng, âu yếm chúng ta đến nỗi tất cả các quả tim các bà mẹ hợp lại cũng
ví thể như một mảnh gương đặt cạnh trái tim Người”.
Đứng trước tình yêu tha thiết của Mẹ Maria
đối với chúng ta, trước sự âu yếm săn sóc của Người, trước quyền năng của Người
nơi Thiên Chúa bầu cử cho ta, thánh Francois de Sales đã táo bạo nói :
“Mẹ ơi, Mẹ đừng nói
: Mẹ không có thể vì Con yêu dấu Mẹ đã trao cho Mẹ tất cả quyền thế trên trời
dưới đất. Mẹ đừng bảo rằng : không việc gì đến Mẹ vì Mẹ là Mẹ chung cả nhân
loại đau thương và là Mẹ riêng con. Nếu quả thực Mẹ bất lực, con sẽ bào chữa
cho Mẹ rằng :”Người thật là Mẹ tôi, Người yêu tôi như con nhưng hiêm vì Người
túng, không có của có quyền. Lại giả như Mẹ không phải là Mẹ con, con chịu vậy
và con sẽ nói : Người dầu có thể giúp tôi lắm, nhưng khốn nạn, vì không phải là
Mẹ tôi, nên Người không yêu tôi. Nhưng đàng này, lạy Mẹ rất thánh, Mẹ vừa là Mẹ
con, vừa quyền thế lắm, con sẽ bào chữa cho Mẹ thế nào, nếu Mẹ không yên ủi
con, cứu vớt con, săn sóc đến con. Lạy Mẹ, Mẹ đã hiểu chưa, bắt buộc Mẹ phải
cho và ưng thuận lời con cầu xin”.
(La Vierge Marie, op cit, tr 151)
Hoàng đế Napoléon, nhà chính khách này muốn
thu cả vũ trụ về uy quyền mình, nói :”Muốn thắng trận, phải có ba điều kiện :
thứ nhất là phải có TIỀN, thứ hai là phải có TIỀN, và thứ ba là phải có
TIỀN”. Còn cha Raymond Kolbe, nhà đạo
đức thời danh nói cao siêu hơn :”Muốn thắng ba mặt trận của tôi, phải có ba khí
giới :thứ nhất là phải CẦU NGUYỆN, thứ hai là phải CẦU NGUYỆN, và thứ ba là
phải CẦU NGUYỆN”.
Chế biến hai câu nói trên, ta được câu thứ ba
vừa ý : muốn thắng cơn oai nộ Thiên Chúa, muốn diệt tan tội ác... phải có ba
điều kiện : thứ nhất là phải có ĐỨC MẸ, thứ hai là phải có ĐỨC MẸ, và thứ ba là
phải có ĐỨC MẸ.
(Trinh Cát, Tôi đọc truyện Đức Mẹ, 1957, tr
126)
2.
Dấu bảo đảm của phần rỗi.
Về phương diện thần học ta thấy về tương lai thì hỏi ta có chắc chắn sẽ
được rỗi không, thì
không ai dám nói là chắc chắn, không ai biết hết, điều đó bí mật, Chúa
không cho ai biết cả. Nhưng Chúa có hé mở một cách gián tiếp nghĩa là hễ có
những dấu này thì chúng ta được yên lòng mà tin rằng mình vào số những người
được cứu rỗi :
- Sùng mộ phép Thánh Thể,
- Yêu mến Mẹ Maria.
Thánh Anphongsô đã nói :”Không thể nào một đầy tớ của Mẹ Maria lại bị
luận phạt, miễn
là nó trung thành phụng sự và phó thác vào Người”. Học thuyết này, thánh nhân đã dựa theo thẩm
quyền của Giáo hội, của các thánh giáo phụ cũng như các thánh. Thánh Anphongsô
nghĩ rằng : phần rỗi họ, xét theo luân lý có phần chắc chắn.
Ý kiến này hình như được xác nhận qua một
giai thoại thú vị được kể lại trong tiểu sử của cha thánh Gioan Vianney. Thánh
nhân được Chúa cho xem thấy tấm lòng nhiều người đến xưng tội cùng ngài, cùng với những ưu tư sầu khổ của họ.
Truyện
: ông nhà đã được cứu rỗi.
Một hôm trong đám người hành hương, có một bà
mặc đại tang, đứng trong nhà thờ. Bà rất đỗi buồn khổ. Chồng bà, một người bỏ
đạo, đã nhảy xuống sông tự tử và đã chết không được ăn mày các phép. Cha thánh
đi qua. Trước khi bà có thể thưa chuyện, Ngài ghé vào tai bảo bà :
- Ông nhà được cứu rỗi.
Người đàn bà bàng hoàng bối rối. Ngài nói
tiếp với bà:
- Tôi đã bảo : ông nhà được cứu rỗi rồi mà.
Bà trả lời bằng dáng điệu hồ nghi. Bấy giờ
Ngài dấn mạnh từng tiếng :
-Tôi bảo bà là ông ta được cứu rỗi, ông ta hiện ở luyện tội, và phải
cầu nguyện cho ông ta. Giữa nhịp cầu và dòng nước, ông đã có thời giờ ăn năn
thống hối. Bà còn nhớ trong tháng Đức Mẹ, bà đã cho dựng chiếc bàn thờ trong
phòng bà không ? Thỉnh thoảng chồng bà, mặc dầu bỏ đạo, cũng đến hợp lời cầu
nguyện với bà. Thái độä đã đem lại cho ông ta được hưởng ơn thống hối và sự tha
tội vào phút cuối đời.
(MM. Arami – Hương quê, Sống, 1970, tr
121-122)
3. Lý do bảo đảm cho
phần rỗi.
Trong Thánh kinh ta không thấy chỗ nào Chúa
đã nói rõ ràng là yêu mến Mẹ Maria là một đảm bảo cho phần rỗi. Nhưng bằng cách
này cách nọ Chúa đã gián tiếp cho ta biết yêu mến Mẹ Maria là bảo đảm cho phần
rỗi.
Truyện
: chiêm bao của thánh Phanxicô
Lần kia, Chúa cho thánh Phanxicô khó khăn
trong một giấc chiêm bao xem thấy hai chiếc thang bắc từ đất lên trời : một chiếc thang đỏ và một chiếc thang
trắng. Trên đầu thang đỏ thì có Chúa Giêsu ngự, trên đầu thang trắng thì có Đức
Mẹ. Rồi Ngài thấy các thầy dòng của Ngài leo chiếc thang đỏ, leo lên trời. Thế
thì ông leo lên được 2, 3 bậc lại trụt xuống, ông lên được đến giữa, có ông leo
lên đến gần đầu thang lại trụt xuống.
Ngài lo lắng quá, tự hỏi : có thể các thầy dòng của ngài mất linh hồn
hết cả sao ? Ngài lo sợ, cầu xin với
Chúa :”Lạy Chúa, con sợ quá, sao các
con cái của con không ai được lên thiên đàng” ? Chúa ở trên đầu thang đỏ chỉ
sang cái thang trắng nói rằng :”Con hãy bảo các thầy sang cái thang trắng kia
mà trèo”.. Các thầy trèo thang trắng thì thấy ai cũng trèo lên được hết, dễ
dàng.
Như vậy không phải là Chúa kém quyền phép hơn
Đức Mẹ đâu vì Chúa quyền phép vô cùng. Đức Mẹ có quyền thế như vậy không phải
do mình nhưng do Thiên Chúa ban cho. Chúa ban như vậy để chứng tỏ cho con cái
loài người biết rằng Chúa muốn cho người ta yêu mến Đức Mẹ, phải qua Mẹ để đến
với Chúa và yêu mến Mẹ là một dấu bảo đảm cho phần rỗi.
Chúa muốn thi hành cái quyền công bình và
lòng thương xót, Chúa thứ tha theo lòng thương xót, nhưng cũng đoán phạt theo
đức công bình. Còn Chúa trao cho Đức Mẹ
thi hành lòng thương xót, nơi Mẹ ta chỉ có thấy sự âu yếm tha thứ và nâng
đỡ. Vậy nếu chúng ta nhờ Mẹ Maria mà
đến cùng Chúa thì con đường ta đi sẽ dễ dàng và chắc chắn hơn, vì Chúa muốn như
vậy. Chúa muốn đề cao vai trò của Mẹ
Maria nơi con cái loài người.
Khi đọc kinh Lạy Cha thì ta vừa được an ủi
vừa lo sợ nhưng khi đọc kinh Kính Mừng thì ta chỉ thấy cậy trông vui sướng.
Truyện
: Kinh Lạy Cha và kinh Kính mừng.
Một ngày kia, có một Linh mục gặp một đứa
chăn cừu ở ngoài đồng. Ngài hỏi :
- Sáng tối con có đọc kinh gì không ?
- Thưa cha, có.
- Con đọc kinh gì ?
- Con đọc kinh Lạy Cha.
- Con đọc kinh ấy xem.
Thằng nhỏ đọc : Lạy Cha chúng con ở trên trời. Ngài đợi xem thằng nhỏ
có thuộc kinh ấy
không, nhưng nó cứ đọc đi đọc lại được có vậy thôi. Ngài mới hỏi :
- Con không thuộc kinh Lạy Cha sao ?
- Thưa cha, thuộc.
- Sao không đọc hết đi ?
-Thưa cha, con không thể đọc hết được, con chỉ đọc “Lạy Cha chúng con ở
trên trời”.
- Tại sao không đọc hết ?
- Con không học hết được vì khi con đọc : Lạy Cha chúng con ở trên
trời, con cảm động quá vì con chỉ là một đứa nghèo nàn, chỉ đi chăn cừu cho
người ta mà con được gọi Chúa trên trời là Cha của con, con là con Đức Chúa
Trời, con được hạnh phúc quá, con trở nên cao trọng quá. Rồi khi con đọc chữ
“chúng con” thì con cũng cảm động vì con thấy mình được ở trong đại gia đình mà
tất cả những người tin theo Chúa là anh chị em của con, con không còn thấy cô
độc. Con sung sướng quá, vì sung sướng như vậy nên con không thể đọc được hết
kinh Lạy Cha.
Ngoài ra, ta cũng còn sợ hãi khi đọc “nguyện
danh Cha cả sáng” hay chữ “như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”, vì nhiều
khi chúng ta không làm sáng danh Chúa mà còn làm ô danh Chúa, không biết nêu
gương sáng cho những người chung quanh, cũng như chúng ta chưa tha thứ cho
những người anh chị em chúng ta.
Trái lại, khi đọc kinh Kính Mừng, ta không
thấy gì là sợ sệt mà chỉ thấy yên ủi cậy trông. Ta được yên ủi vì mặc dầu ta
tội lỗi nhưng vẫn được Đức Mẹ che chở, bầu cử cho trước mặt Chúa. “Thánh Maria
Đức Mẹ Chúa Trời” : đọc đến đây chắc Đức Mẹ thích lắm vì tước hiệu Mẹ Thiên
Chúa là một tước hiệu cao qúi nhất Chúa ban cho Đức Mẹ và có lẽ Mẹ Maria cũng
biết ơn chúng vì tội lỗi ta mà Ngài
được làm Mẹ Thiên Chúa. Như thế ta còn sợ gì nữa.
Coi như nước Thiên Chúa được chia làm hai : nước công bình và nước
thương xót. Chúa cai trị nước công bình, còn nước thương xót thì trao cho Đức
Mẹ để mặc Ngài xử dụng. Mà nếu Mẹ Maria chỉ thi hành lòng thương xót thì chắc
chắn có lợi cho ta vì Ngài luôn bầu cử cho ta trước mặt Chúa. Hầu như các thánh
đều đồng ý nói rằng : Chúa không thể từ chối Mẹ Maria điều gì vì Chúa muốn nâng
cao vai trò trung gian của Mẹ lên, cũng như suốt đời Mẹ đã hoàn toàn vâng theo
thánh ý Chúa nên Chúa thưởng công cho Mẹ.
Ta hãy la to lên lời đáng kính của thánh
Gioan Damaceno rằng :”Một hạnh phúc thứ chín có thể thêm vào tám mối phúc thật
Chúa Cứu thế truyền dạy là : Phúc cho những linh hồn đã phó dâng cho Đức Mẹ,
tên họ sẽ được ghi vào sách hằng sống”.
II. YÊU MẾN MẸ MRIA
NHƯ THẾ NÀO ?
1. Tận hiến cho Mẹ Maria
Theo huấn dụ Fatima, sự dâng mình cho Đức Mẹ là một điều kiện hòa bình,
bảo đảm phúc trường sinh và biến toàn thân kẻ dâng thành đóa hoa thơm trước
ngai Thiên Chúa. Trong các phương pháp dạy về vấn đề dâng mình chỉ có phương
pháp của thánh Grignon de Montfort là hoàn hảo hơn cả. Nhất là từ sau ngày
28.4.1947 thánh Monfort được phong lên bậc hiển thánh, thuyết tốt đẹp ấy càng
được đem ra khảo cứu thực hành say mê khắp nơi.
.
Tận hiến là gì ?
Tận hiến là cho hết mọi sự. Cho hay dâng là
một tác động của ý chí, có thể làm trong giây lát là xong. Đó là một việc làm,
thánh Monfort gọi là việc làm bề ngoài, là khởi điểm, là hình thức. Cho rồi
đừng lấy lại, nhưng để Chúa xử dụng. Đó là việc kéo dài cả đời sống, thánh
Monfort gọi là thực tập bên trong, là đời sống, là tinh thần.
. Tận hiến là cho hết,
nhưng cho những gì ?
Của dâng chia làm hai thứ :
a). Của tự nhiên gồm có :
- Xác với mọi chi thể.
- Hồn với tài năng và sản phẩm của nó.
- Của cải vật chất.
b). Của siêu nhiên gồm :
-Thánh sủng với nhân đức và ơn Chúa Thánh Thần.
- Các ân xá.
-Việc làm siêu nhiên với các công hiệu của nó.
. Tận hiến để làm gì ?
Tận hiến làm nô lệ Đức Mẹ. Để diễn đạt sự
triệt để tùy thuộc Đức Mẹ cho đến nhượng hết mọi sự, cả quyền xử dụng công hiệu
các việc lành, thánh Monfort còn gọi người tận hiến là Nô lệ Đức Mẹ. Vậy là thứ
nô lệ nào ?
Có ba thứ nô lệ :
a) Nô lệ là bẩm tính, mọi
người lành dữ đều là nô lệ Chúa cách này vì là thụ tạo.
b) Nô lệ cưỡng bách : ma qủi,
tội nhân cũng là nô lệ theo nghĩa này.
c) Nô lệ tình nguyện, bởi mến
phục mà tự nguyện hiến thân.
Nô lệ Đức Mẹ nói đây là nô lệ tình nguyện. Với nghĩa này thánh Monfort
hiên ngang xưng mình là nô lệ Chúa Giêsu Kitô.
Thánh Tôma tiến sĩ nói : nguyên danh từ nô lệ thì gợi lại cái tục lệ
đáng ghét, nhưng đi đôi với tiếng Giêsu Kitô thì là vinh dự đáng qúi, vì Giêsu
là vị Cứu thế, ai làm nô lệ Ngài, Ngài sẽ giải thoát khỏi xiềng xích ma qủi và
tội lỗi. Kitô là chịu xức dầu thụ phong đế vương và tư tế, làm nô lệ Ngài sẽ
được thông công hai chức ấy.
Nô lệ quảng đại với chủ hơn đầy tớ, vì đầy tớ
làm việc lấy công, nô lệ làm việc không công. Đầy tớ không mất quyền sống, nô
lệ giao cả quyền đó cho chủ.
Tận hiến như thế cốt ý để sống triệt để kết
hợp và tùy thuộc Đức Mẹ, Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần, mà yêu mến Chúa và
thương yêu người ta. Đời sống như thế sẽ được ba Đấng dùng để diễn lại đời sống
dương thế của Chúa Giêsu trong việc mến Chúa (cũng thánh hóa bản thân) và yêu
người, nhất là phần hồn (cũng là làm tông đồ). Đó là đời sống tận hiến trong tinh
thần.
(Lm Phạm hảo Kỳ, Học tập sống đạo, 1965, tr
73,77,89)
2. Thực hành ba mệnh
lệnh Đức Mẹ Fatima.
Thế giới đã đắm chìm trong tội lỗi, tội lỗi ngày nay chồng chất lên cao
như núi không kém gì thời đại hồng thủy. Người ta đang trêu cơn giận của Thiên
Chúa và cơn thịnh nộ của Thiên Chúa hòng đổ xuống trên nhân loại. Ngày xưa,
Chúa đã cho lửa xuống đốt thành phố Sodoma chỉ trừ gia đình ông Lót. Nhưng Chúa
đã cho tiên tri Giona đến giảng sám hối cho dân thành Ninivê để cả vua lẫn dân
đều ăn năn sán hối, và Chúa đã nguôi cơn giận, không thiêu hủy thành ấy nữa.
Ngày nay, Chúa không sai tiên tri nào đến để
rao giảng sự sám hối như ngày xưa nữa, mà chính Mẹ Maria đã thân hiện ra nhắn
nhủ loài người. Mẹ Maria không dùng đao to búa lớn mà đe loi nhân loại, nhưng
Mẹ lấy lời dịu ngọt nhắn nhủ con cái loài người hãy trở về với Thiên Chúa để
làm nguôi cơn giận Chúa đang hòng đổ xuống trên nhân loại.
Thì đây, ngày 13.10.1917, Mẹ Maria đã chính
thức hiện ra tại Fatima để trao cho con cái loài người ba mệnh lện tối hậu,
được coi như những phương thế tối hảo để cứu vãn hòa bình thế giới. Ba mệnh
lệnh ấy ngày nay còn được nhắc nhở tới, đo là :
a) Hãy cải thiện đời sống.
b) Hãy lần hạt Mân Côi.
c) Hãy tôn sùng Trái tim Mẹ.
Hãy cải thiện đời sống. Hãy hãm mình đền tội để xin Chúa thứ tha những
tội đã phạm đến Chúa, Người sẽ ban ơn tha thứ cho những kẻ thực tình thống hối
trở về : gương của Davít, Phêrô, Madalena, Augustinô, người con phung phá trong
Phúc âm không đủ nói lên chân lý đó sao ? Ai còn hồ nghi về lòng từ bi, thương
xót và tha thứ của Thiên Chúa thì làm nhục cho Ngài ! Không lẽ Thiên Chúa lại
thua lòng từ bi quảng đại đối với loài người sao, trong khi loài người còn biết
tha thứ cho nhau.
Vai trò của Mẹ Maria lúc này cần phải được đề
cao. Mẹ là Đấng trung gian các ơn của Thiên Chúa, Ngài là máng chuyển ơn, tất
cả mọi ơn của Chúa xuống cho ta đều phải qua Ngài. Đặc biệt những năm gần đây,
mẹ Maria đã bao lần hiện ra cách chung và cách riêng, nhất là tại Fatima, Ngài
đã khuyên nhủ mọi người hãy tôn sùng trái tim Ngài, trái tim đã bị đâm thâu vì
tội lỗi của mọi người. Ngài khuyên nhủ
chúng ta hãy yên ủi trái tim Ngài, hãy
ẩn mình trong trái tim ấy để chúng ta làm mọi việc với Mẹ, trong Mẹ, vì Mẹ và
cho Mẹ. Xin trái tim Ngài ấp ủ chúng ta trong tình thương bao la của Ngài.
Khi hiện ra tại Fatima, Mẹ Maria cũng xưng
mình là Nữ Vương Rất thánh Mân côi. Ngài muốn chúng ta tỏ lòng tôn sùng Ngài
trong phép lần hạt Mân côi.. Chính Đức Mẹ đã thân hành hiện xuống dạy thánh Đa
minh truyền bá việc lần hạt Mân côi. Trong khi hiện xuống Lộ đức, Đức Mẹ cũng
mang tràng hạt theo và cùng lần hạt với Bernadette. Nhất là khi hiện xuống
Fatima, Đức Mẹ khẩn khoản xin các em lần hạt, và cổ động cho người ta lần hạt,
và đó cũng là một trong ba điều kiện hòa bình. Nhiều người xin các em ơn nọ ơn
kia, Đức Mẹ thường trả lời : Hãy bảo người ta lần hạt Mân côi. Chính Phanxicô
lúc đầu không được trông thấy Đức Mẹ, Đức Mẹ dạy : nó phải lần hạt Mân côi, thì
mới được thấy. Phanxicô đã vâng lời, và sau cũng được thấy Đức Mẹ.
KẾT LUẬN
Maria, Mẹ tôi. Đây là một chân lý, một vinh
dự của tôi. Tôi có Mẹ, tôi không bao giờ phải mồ côi. Mẹ tôi lại là một người
đàn bà tuyệt vời được Kinh thánh mô tả là người “được chúc phúc hơn mọi người
nữ khác” . Tôi vui sướng vì có Mẹ. Tôi sẽ mãi mãi quanh quẩn bên Mẹ tôi. Tôi sẽ
nói cho Mẹ tôi biết tất cả mọi chi tiết trong đời sống tôi để Mẹ tôi khen
thưởng, vỗ về, âu yếm và khuyến khích mỗi khi tôi thất bại hay buồn chán.
Nếu Napoléon đã nói :”Tương lai của mọi dân
tộc là tùy thuộc ở mỗi người mẹ”, thì tôi cũng có thể nói được : tương lai của
thế giới này tùy thuộc vào Mẹ Maria. Mẹ tôi sẽ huấn luyện, bảo ban tôi trong
đời sống hằng ngày, nhất định tôi sẽ trở nên giống Mẹ tôi như đúc, vì :
Cây xanh thì lá cũng xanh,
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
Mừng cây rồi lại mừng cành,
Cây đức lắm chồi, người đức lắm công.
Nói đến đức thì còn ai nhiều bằng Mẹ tôi
? Mẹ tôi có đủ mọi nhân đức thẳm sâu mà
Giáo hội thường tặng cho người mười hai nhân đức được tượng trưng bằng mười hai
ngôi sao sáng. Mẹ tôi đã được Thánh Kinh mô tả là :”Một điềm lạ xuất hiện trên
không trung : một người nữ mình vz65n
áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh
12,1). Hoặc trong sách Diễm tình ca Mẹ tôi cũng được ví như”Thiếu nữ hiện lên như
Bình minh, dáng yêu kiều của vầng trăng, chói lọi hơn ánh quang và hùng dũng
như đạo binh vào trận” (Dtc 6,9).
Thi sĩ Lamrtine nói :”Phúc cho ai được Chúa
ban cho một người mẹ thánh thiện”. Phải, tôi đã có một người mẹ thánh thiện
trên hết mọi bậc thần thánh, tôi có phúc quá ! Phúc đức tại mẫu ; Mẹ tôi phúc
đức đầy tràn, tôi sẽ được Mẹ tôi thông ban cho những phúc đức ấy, tôi sẽ nên
thánh thiện theo gương Mẹ tôi. Tôi yêu Mẹ tôi nhiều, do đó, tôi tin chắc rằng
phần rỗi của tôi được bảo đảm. Tôi sẽ cương quyết lặp lại lời thánh Bonaventura
:”Nếu Chúa ra lý đoán phạt tôi... Nếu Người phạt tôi, đuổi tôi xéo khỏi bệ chân
thánh Người, tôi sẽ đến sấp mình dưới chân Maria Mẹ Người, cứ nằm lỳ ở đó cho
đến khi được tha thứ. Vì người Mẹ lân tuất này không thể và không chối những kẻ
khốn nạn đến xin Mẹ cứu giúp”.
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim Phát
Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 2004