Lễ Đức Mẹ
Hồn Xác Lên Trời
(15-8-2004)
Đức Maria
rất xứng đáng
được hưởng ơn hồn xác lên trời
ĐỌC LỜI CHÚA
· Kh 11,19a; 12,1-6a.10ab:
(12,1) Có điềm lớn xuất hiện trên trời:
một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều
thiên mười hai ngôi sao.
· 1 Cr 15,20-27:
(21) Nếu tại một người mà nhân loại
phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. (22) Mọi
người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức
Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống.
· TIN MỪNG: Lc 1,39-56
Đức Maria viếng thăm bà Êlisabét
(39) Hồi ấy, bà
Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. (40)
Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. (41) Bà Êlisabét vừa
nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn
Thánh Thần, (42) liền kêu lớn tiếng và nói rằng: «Em được chúc phúc
hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. (43)
Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? (44) Vì này
đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui
sướng. (45) Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những
gì Người đã nói với em».
Bài ca «Ngợi Khen» (Magnificat)
(46) Bấy giờ bà
Maria nói: «Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, (47) thần trí tôi hớn
hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. (48) Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. (49)
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh
chí tôn! (50) Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính
sợ Người. (51) Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng
trí kiêu căng. (52) Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao
mọi kẻ khiêm nhường. (53) Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người
giàu có, lại đuổi về tay trắng. (54) Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của
Người, (55) như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng
thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời».
(56) Bà Maria ở
lại với bà Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1.
Bởi đâu Đức Maria được diễm phúc về trời
cả hồn lẫn xác? Ngài có xứng đáng được diễm phúc ấy không? Tại sao?
2.
Đức tính nổi bật nhất của Đức Maria là
gì? Phải chăng nhờ có đức tính ấy, Ngài có được tất cả những đức tính sáng ngời
khác?
Suy tư gợi ý:
1. Đức Maria đã được Thiên Chúa
thưởng hạnh phúc vĩnh cửu cả hồn lẫn xác
Đức Maria là
Mẹ của Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế, cũng là người đồng lao cộng khổ nhiều nhất với
Đức Giêsu trong công cuộc cứu thế. Ngoài ra, Mẹ còn là người duy nhất trên trần
gian được ơn vô nhiễm nguyên tội, cũng là người luôn luôn tuân theo thánh ý
Chúa Cha trên trời cách gương mẫu nhất. Vì thế, theo niềm tin của Giáo Hội,
Thiên Chúa đã ân thưởng Đức Maria một cách đặc biệt và duy nhất: được hưởng
hạnh phúc vĩnh cửu với cả hồn lẫn xác, được đưa về Thiên Đàng trọn vẹn cả con
người trần thế. Tất cả những vị thánh khác trên thiên đàng chỉ có hồn mà không
có xác, vì xác bị mục nát như bao thứ vật chất khác. Các ngài chỉ được như Đức
Maria vào ngày tận thế khi xác của tất cả mọi người đều được sống lại.
2. Bởi đâu Đức Maria được diễm phúc
như thế?
Kho tàng ca
dao tục ngữ Việt Nam có những câu như: «Công Cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như
nước trong nguồn chảy ra», «Công cha to như núi, công mẹ chẳng khác non». Xét
về mặt nhân bản, công lao của Đức Maria đối với Đức Giêsu thật hết sức lớn lao.
Để sinh ra Đức Giêsu, Đức Mẹ đã hy sinh ý riêng của mình là muốn sống đời đồng
trinh để phụng sự Thiên Chúa. Khi đồng ý mang thai Đức Giêsu, Mẹ đã sẵn sàng
chịu biết bao tai tiếng, hiểu lầm, kể cả của Giuse nếu có. Một sự chấp nhận rất
to lớn! Lúc chuẩn bị sinh Đức Giêsu, Mẹ đã chịu biết bao khổ cực: đến ngày sinh
rồi mà lại phải rời nhà, rời nơi sinh sống, di tản từ bắc vào nam khoảng 150
km, băng qua vùng miền Trung Do Thái đầy đồi núi. Khi sinh Đức Giêsu, Mẹ phải
chấp nhận tủi nhục: sinh con của mình tại chuồng súc vật, thiếu thốn trăm bề.
Mẹ vừa tủi cho mình, vừa tủi cho con.
Cuộc đời của
Mẹ – từ khi có Đức Giêsu – đã phải gặp biết bao đau khổ, lo lắng, sợ hãi, mất
ăn mất ngủ:
– được
Simêon tiên báo con mình sẽ bị người đời chống đối, còn chính mình sẽ rất đau
khổ như bị «một lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn» (Lc 2,34-35).
– bị lạc mất
con suốt ba ngày, lòng đầy lo âu và phiền muộn.
– thấy con
mình bị giáo quyền hiểu lầm, chống đối và mưu toan hãm hại, đúng như lời ông
Simêon nói xưa.
– thấy con
bị bắt, bị án tử hình, bị giết cách oan ức, nhục nhã, thảm thiết. Nhất là lúc
đứng dưới chân thánh giá, lúc ôm xác con khi hạ xác xuống, lúc an táng và mấy
ngày sau đó.
Cuộc đời của
Mẹ đầy tủi nhục đau thương, tất cả chỉ vì vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Chính
vì thế, Mẹ rất đáng được thưởng, vì công càng lớn bao nhiêu, càng đáng được
thưởng bấy nhiêu. Nhất là khi Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa rất
công bằng.
3. Đức Maria rất xứng đáng được
hưởng ơn hồn xác lên trời
Lẽ thường
của đạo làm người là: «Công đức sinh thành, làm con phải hiếu», «Trai thời
trung hiếu làm đầu». Phật cũng dạy: «Hiếu là hạnh đứng đầu muôn hạnh». Nhất là
chính Thiên Chúa cũng ra điều răn cho con người: «Thứ bốn, thảo kính cha mẹ».
Do đó, Đức Giêsu – vốn là gương mẫu của nhân loại – tất phải là người hoàn hảo
nhất trong đức hiếu thảo với cha mẹ.
Vậy Ngài
phải làm gì cho thật xứng đáng là con hiếu thảo đối với một người mẹ hết sức
thánh thiện đã chịu cực khổ vì mình dường ấy? Nhất là xét về mặt thể chất,
trong trường hợp đặc biệt của Đức Giêsu, thịt máu của mình cũng hoàn toàn là do
thịt máu của mẹ mình làm ra?
Nếu Đức
Giêsu đã hoàn toàn hồn xác ở trên trời, lẽ nào Ngài lại để cho xác thịt Mẹ mình
bị hư nát? Nhất là khi Mẹ không bị tội lỗi thống trị, kể cả từ khi còn được cưu
mang trong lòng mẹ? Nếu sự chết và sự hư nát của thân xác chỉ là do tội lỗi,
thì làm sao Mẹ Maria lại phải chịu cảnh thân xác hư nát khi chính Mẹ không hề
nhiễm tội lỗi? Nếu Mẹ là trường hợp duy nhất ở trần gian hoàn toàn thoát khỏi
tội lỗi, thì Mẹ cũng xứng đáng được ân thưởng một cách duy nhất trên thiên
đàng, là được vào đó cả hồn lẫn xác như Đức Giêsu, con mình.
4. Bài học khiêm nhường của Đức
Maria
Bài
Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy một phong cách của Đức Maria: rất khiêm nhượng.
Mẹ luôn luôn nhìn nhận mình chỉ là một tôi tớ hèn mọn của Thiên Chúa, một nữ tỳ
của Ngài. Đức Giêsu đã tự hủy mình ra không, còn Đức Maria coi mình không là gì
cả trước mặt Thiên Chúa, nhưng coi Thiên Chúa là tất cả. Nếu Đức Giêsu vì tự
hủy đến độ chết trên thập giá nên Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài đến tột cùng, thì
một cách tương tự, vì Mẹ Maria đã khiêm nhường đến tột cùng nên Thiên Chúa cũng
làm cho Mẹ được tôn vinh đến cùng tột. Đó là cách hành động của Thiên Chúa:
«Từ đời nọ
tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu
dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền
thế. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng».
Như vậy,
khiêm nhường, tự hủy để kính sợ Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, đó chính là
cách để chúng ta trở nên đẹp lòng Thiên Chúa và đạt được vinh quang và hạnh
phúc bất diệt. Đó cũng chính là cách Đức Maria đã dùng và nhờ đó đã được Thiên
Chúa tôn vinh cho cả hồn xác lên trời.
CẦU NGUYỆN
Lạy Mẹ Maria, xin cho con học được nơi Mẹ tinh thần khiêm nhường, tự xóa
mình để có thể yêu Chúa và thương tha nhân một cách vị tha hơn. Xin cho con
nhận ra tinh thần khiêm nhường và tự xóa mình là nền tảng để có thể yêu thương
đích thực và cũng là nền tảng cho mọi nhân đức. Xin cho con sống được tinh thần
ấy để con cũng xứng đáng được Chúa ân thưởng hạnh phúc vĩnh cửu như Mẹ.
Joan Nguyễn Chính Kết