ĐỨC MẸ SẦU BI, ngày 15/9

Ga 19, 25-27

 

MẸ ĐAU KHỔ

 

Ngôn sứ Isaia đã nói :” Chúa Giêsu là con người của đau khổ “. Bốn bài đọc của ngôn sứ Isaia diễn tả một cách rất tỉ mỉ, chi tiết về người tôi tớ đau khổ của Giavê. Bốn bài Kinh Thánh ấy diễn tả con người đau khổ của Chúa Giêsu. Ngài đã chấp nhận mọi cực hình thể xác và tinh thần để vâng theo ý Thiên Chúa Cha:” cứu độ nhân loại”. Bên cạnh những khổ đau của Chúa Giêsu, Con của Mẹ, đau khổ của Mẹ Maria cũng vượt ngoài sức suy nghĩ của loài người, và con người không thể nào có thể diễn tả đầy đủ những sự thống khổ của Mẹ. Ngộ giả, Đức Giêsu đã chịu đau khổ như Thiên Chúa thì Mẹ Maria cũng đã hết sức khổ đau khi đối diện với Con của Mẹ:” Chúa Giêsu đang phải chịu biết bao thử thách, đòn vọt và xuôi tay chịu nhục hình bị đóng đinh vào cây thập giá “

Mẹ Maria đã cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa Giêsu khi Mẹ chấp nhận nói lời xin vâng theo ý Thiên Chúa. Nói lời xin vâng có nghĩa là chấp nhận khổ đau để mặc Thiên Chúa định liệu trên cuộc đời mình.  Công đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Lumen Gentium số 61 đã viết :” Đức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Đức Maria thật sự là Mẹ chúng ta “.

Mẹ Maria đã liên kết những đau khổ của mình với những khổ đau của Chúa Giêsu để cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại của Con Mẹ : Đức Giêsu Kitô.  Trên đỉnh Calvariô, Đức Maria là “ tiên trưng “của Giáo Hội về tư cách người Hiền thê yêu dấu của Chúa, là Mẹ của Chúa Kitô, Chiên con sát hiến cứu độ chúng ta ( Ga 19, 36-37 ) và của các môn đệ, những người nhờ sự vâng phục của Chúa Giêsu và quyền năng Chúa Thánh Thần mà được qui tụ lại và đem về cho Chúa Cha ( Ga 17, 9-10 ).

Hội Thánh ca ngợi, suy tôn những đau khổ của Đức Trinh Nữ Maria và cụ thể qua những biến cố làm nát lòng, nát gan  Mẹ Maria:

-Khi Mẹ nghe lời ông già Simêon nói ngôn sứ về Chúa Giêsu trong nghi lễ dâng Người vào đền thánh :” Còn chính Bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà-, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra “ ( Lc 2, 35 ).

-Khi Thánh Giuse và Mẹ Maria ẵm bồng Chúa Giêsu trốn qua đất Ai Cập ( Mt 2, 13-14 ).

-Khi Mẹ và Thánh Giuse lạc mất Chúa Giêsu lúc Người lên 12 tuổi ( Lc 2, 45-46 ).

-Khi Mẹ Maria gặp Chúa Giêsu vác thánh giá ( Lc 23, 27-29 ).

-Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá ( Lc 19, 17-18 ).

-Khi hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá ( Lc 23, 53 ).

-Khi táng xác Chúa Giêsu trong huyệt đá mới ( Mt 27, 58-60 ; Lc 23, 53 ).

A. Tô-Tanh đã viết :” Giáo Hội vẫn nhìn lên Đấng đã bị đâm thâu qua và hiệp nhất nhân loại trong sự vâng phục của Ngài. Như vậy, Giáo hội chờ đón ngày” quyền năng và vương quyền của Thiên Chúa và quyền năng của Đức Kitô” sẽ được sáng tỏ, “ngày “ mà “ những người tản mát “ sẽ hợp thành “ một dân không thể đếm được “, ca hát “ bài ca của Chiên Con “ giữa Giêrusalem mới ( Kh 14-15; 19-22 ).

Hiệp với Hội Thánh toàn cầu, chúng ta một lòng một ý dâng lên Chúa Giêsu lời nguyện :” Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Đức Mẹ cộng tác vào công trình cứu rỗi của Thiên Chúa, khi Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá, xin ban cho Hội Thánh Chúa khi đã cùng thông phần với sự đau khổ của Chúa Giêsu thì đáng được sống lại với Người”.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

ngày 7-9-2006


Mục Lục