Hy vọng vì có Mẹ được Chúa ân thưởng về Trời
LỄ ĐỨC MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI
(Lc 1, 39-56)
Con rồng trong
sách Khải Huyền được mô tả như là mầm mống của sự chết chóc vì nó đứng « rình người nữ sắp sinh con để nuối lấy đứa
trẻ » (Kh 12, 4). Với từ ngữ và hình ảnh tượng trưng, sách Khải Huyền còn
gợi lên cuộc chiến lâu dài giữa sự sống và sự chết, giữa Satan với Đức Kitô và
Giáo hội của Người. Người sẽ toàn thắng.
Chúng ta biết, cuộc chiến giữa sự sống và sự chết, giữa sự thiện và sự ác
là không cùng. Con người dù tiến bộ đến đâu đi chăng nữa, vẫn luôn mang trong
mình sự mỏng giòn.
1. Sự mỏng
giòn của con người
Vốn mỏng giòn
yếu đuối, cộng thêm lo âu, phiền muộn về sức khỏe, việc làm, về công việc gia
đình phải gánh vác, những mập mờ vô định ngày mai của cuộc đời, lo con còn trẻ,
cha mẹ khi đã về già, ốm đau bệnh tật, khủng hoảng về luân lý…tất cả đè nằng
lên lòng trí con người. Làm sao không khỏi ngạc nhiên khi thấy thời đại chúng
ta đang tụt hậu trước những biến cố của cuộc đời?
Trước những
bất hạnh của thế giới, có người buông xuôi không làm gì hết, để mặc cho số
phận. Có người cấp tiến hơn, quyết định từ bỏ một phần và tự sát. Có người từ
chối truyền lại sự sống mà họ đã lãnh nhận và không chịu nhận cái khả năng có
thể cho tương lai của chính họ và xã hội. Dần dần những nhà trẻ sẽ thay thế nhà
hưu dưỡng !
Giữa cảnh đời
lữ thứ, người kitô hữu sống ra sao ? Đức tin của chúng ta thế nào khi đối diện
với các thực tại như thế? Lễ Đức Maria hồn xác về Trời mang lại cho họ hy vọng
gì trong cuộc sống?
2. Cuộc chiến
thắng !
Chúng ta long
trọng cử hành lễ Đức Maria hồn xác về trời với lòng sùng kính, giúp chúng ta
trả lời những vấn nạn trên. Trước hết niềm tin của Giáo hội đối với tín điều
Đức Piô XII đã xác quyết năm 1950. Chúng ta tin Đức Maria, đã được đặc ân cả
hồn lần xác về Trời. Điều đó muốn nói rằng sự chiến thắng con rồng trong sách
Khải Huyền hoàn tất nơi Mẹ, Mẹ về ngự bên hữu Chúa để chuẩn bị chỗ cho chúng ta
như Thiên Chúa đã dành cho Mẹ.
Chúng ta tự
hỏi, Đức Maria đã được rước lên Trời cả hồn lẫn xác có làm chúng ta thay đổi
không ?
Thánh Phaolô
cho chúng ta câu trả lời : « Đức Kitô đã
từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc » (1 Cr 15, 20 ). Đức Giêsu sống lại, có
người tin, người không tin. Nhưng, Đức Kitô, Con Thiên Chúa đã sống lại thật,
đó là niềm hy vọng của chúng ta.
Việc Đức Maria
hồn xác lên Trời là một thực tại khác : Đức Maria không phải là Thiên Chúa ; Mẹ
là nữ tử Israel, là một trong những thụ tạo như chúng ta, là người nữ giữa muôn
vàn người nữ trên trần gian. Mẹ đã được tôn vinh, vinh quang của Mẹ liên quan
đến chúng ta. Những đặc ân của Mẹ là kết quả cụ thể của ơn cứu độ mà Đức Kitô
mang đến cho Mẹ và nhân loại (x. 1 Cr
15, 20-26). Mẹ được vinh hiển là nhờ công nghiệp của Chúa
Kitô, Con của Mẹ. Việc Đức trinh Nữ được lên trời hồn xác là sự thông phần cá
biệt vào cuộc phục sinh của Con Mẹ, và tiên báo cuộc phục sinh của các tín hữu
(GLCG số 966).
Đức tin không
nói cho chúng ta biết điều gì về cái chết của Đức Maria. Có người cho rằng Đức
Maria không chết, nhưng Đức tin nói với chúng ta rằng sau khi hoàn tất cuộc đời
dương thế, Đức Maria được Thiên Chúa tôn vinh. Nơi Mẹ, cũng như Đức Giêsu Con
Mẹ, cái chết không phải là hết, sự chết đã bị đập tan. Trái đất không còn là nơi giam hãm con người trong
số phận đau thương, các tầng trời mở ra để loan báo một tương lai sáng ngời cho
nhân loại. Sự chết đã bị tiêu diệt bởi sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa. Đó là
niềm hy vọng lớn lao cho chúng ta !
3. Sống trong
hy vọng
Kinh Tạ Ơn của
Đức Maria nêu rõ : « Chúa đã ra oai cánh
tay thần lực, dẹp tan những ai lòng trí kiêu căng, Chúa lật đổ những người
quyền thế, và nâng dậy những kẻ khiêm nhường. Phận đói nghèo Chúa ban của đầy
dư... Vì Người nhớ lại lòng thương xót » (x. Lc 1, 39-56). Chắc chắn Thiên Chúa không thể để chúng ta bị nghèo
đói đè bẹp, khi chúng ta tin vào lời Chúa hứa.
Mừng kính Đức
Trinh Nữ Maria hồn xác về trời, chúng ta không chỉ mừng vì Thiên Chúa đã làm
cho Mẹ những điều trọng đại, mà còn mừng vì sự hiện hữu của nhân loại. Thánh Phaolô
nói: « Anh em khỏi phải phiền sầu như
những người khác, những kẻ không có hy vọng » (1 Tx 4, 13). Chúng ta cố
gắng hiểu để sống sao cho xứng danh là người hy vọng.
Người trẻ sống
hy vọng, khi họ hướng đến một tương lai khác và muốn sống quảng đại như Chúa
muốn.
Những người ở
bậc gia đình sống niềm hy vọng, bằng cách hiệp nhất cùng nhau, thủy chung trong
đời sống vợ chồng để yêu thương, trao ban hạnh phúc và sự sống cho con cái.
Những người
nam sống niềm hy vọng khi mau mắn đáp lại tiếng gọi Chúa để trở nên những linh
mục, phó tế trong Giáo hội, và lấy làm hạnh phúc vì được cộng tác vào sứ mạng
cao cả của Đức Kitô Mục Tử ! Chúng ta thật bất hạnh nếu chúng ta không có niềm
hy vọng !
Người sống hy vọng còn là người dấn thân
cải thiện đời sống xã hội và làm việc công ích, lương thiện với mọi người, chăm
sóc những người ốm đau, bệnh tật, già nua để trao ban cho họ niềm tin và giá
trị về sự hiện hữu của chính mình. Những người sống hy vọng cũng còn là người
tránh xa bom đạn, bạo lực chiến tranh, không ham báo thù.
Vậy mỗi người chúng ta hãy sống hy vọng,
hãy làm ngày lại ngày, không buông tay, mặc cho những ngang trái của cuộc đời.
Phúc cho chúng ta, nếu chúng ta can đảm chiến đấu mỗi sáng khi thức dậy cho
cuộc sống đáng sống của mọi người trên trái đất, thì thật phúc cho chúng ta,
như Mẹ Maria khiêm nhường phục vụ Chúa : « Này
từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước! » (Lc 1, 48)
Nếu như khi
xưa Mẹ Thiên Chúa đã đến với bà Êlisabet, thì ngày hôm nay Mẹ vẫn đến với chúng ta. Mẹ mở rộng vòng tay nói với chúng ta rằng : hỡi con, hãy
tin tưởng và hy vọng, Chúa đã dọn chỗ cho con. Amen !
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ