THÁNG NĂM, NGHĨ VỀ TÌNH MẪU TỬ NƠI MẸ MARIA
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Thiên Chúa thật kỳ diệu,
đã an bài cho con người trên trần gian phải được sinh ra bởi một người phụ nữ.
Vì thế, không ai xuất hiện trong cuộc đời này mà không có một người mẹ. Người mẹ
ấy đã cưu mang, sinh thành, dưỡng dục chúng ta nên người.
Tuy nhiên, muốn có một
người con khôn lớn, thảo hiền, người mẹ đã không khỏi: “Một nắng hai xương, tần tảo ngược xuôi” để kiếm từng đồng tiền,
bát gạo nuôi con. Hơn nữa, nhiều đêm trái gió trở trời, mẹ đã phải thức trắng
vì con: “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ…năm
canh chầy…thức đủ vừa năm…”, và đến tuổi cắp sách tới trường thì: “Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi. Khó đi mẹ
dắt con đi. Con đi trường học, mẹ đi đường đời”. Thật là: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”;
Công khó, khổ đau và hy sinh
của người mẹ không ai kể cho xiết. Tình yêu của mẹ không gì sánh bằng. Vì thế: "Dù đi cuối đất cùng trời, không bằng
nghe thấy những lời mẹ ru" (Ca Dao).
Cảm nghiệm được tình mẹ
cao quý như vậy, nên đã có người thốt lên: “Mẹ
là tất cả, là niềm tự hào, là hạnh phúc, là báu vật mà Thượng Đế đã ban tặng
cho con”.
Với người Công Giáo,
chúng ta còn có một người Mẹ khác, Mẹ đó chính là Đức Maria.
Mẹ là người Phụ Nữ ưu
phẩm hơn mọi bà mẹ trần gian, vì: “Thiên
Chúa đã cho Mẹ được nên cao cả hơn mọi loài” (Thánh Andrê thành Crete). Mẹ
cũng là Mẹ của mọi người hiện hữu trên thế gian. Người Mẹ này đã và sẽ yêu
thương chúng ta bằng tình yêu rộng lớn trong ân sủng. Tình yêu ấy bắt nguồn từ
Thiên Chúa nơi Con Một của Người là Đức Giêsu trong vai trò Trưởng Tử của mọi
loài thọ sinh.
Nếu hình ảnh, cuộc sống
và những hy sinh của người mẹ trần gian đã làm cho chúng ta không ngớt cảm phục,
ca ngợi và biết ơn, thì Mẹ Maria còn là Đấng mà chúng ta phải ngợi khen, hiếu
thảo và yêu mến gấp bội, bởi vì Mẹ yêu chúng ta bằng tình yêu trổi vượt trên mọi
tình yêu của các bà mẹ trần gian.
Để hiểu rõ hơn về tình
yêu giữa Mẹ Maria với con cái, chúng ta cùng nhau nhìn lại vai trò của Mẹ trong
cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu, nơi Giáo Hội và mỗi người. Đồng thời, qua đó,
trong tư cách là con, mỗi người cũng cần phải ưu tư về bổn phận thảo hiếu với Mẹ
cách thiết thực, để tình yêu của Mẹ dành cho ta ngày thêm thắm thiết, mặn mà,
nhất là chúng ta sẽ được hưởng nhiều ân huệ thiêng liêng nơi Mẹ trong vai trò Từ
Mẫu của chúng ta.
Kinh Thánh đã diễn tả:
“Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên
Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà” (Gl 4,4).
Quả thật, từ lúc Mẹ
nói lời “xin vâng” (x. Lc 1,38), Ngay
lập tức, Mẹ đã chính thức trở thành Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa là Thánh Tử
Giêsu. Cũng kể từ lúc đó, Mẹ chính thức cưu mang “Hòm Bia Thiên Chúa” (x. Xh 25, 10-11,17-18), nên Mẹ đã trân quý và
kính cẩn kho báu của cả nhân loại đang cư ngụ trong cung lòng mình. Vì thế, Mẹ
đã trở thành người diễm phúc hơn mọi người phụ nữ, bởi lẽ: “Đức Giêsu, con lòng bà gồm phúc lạ” đang hiện diện trong lòng dạ của
Mẹ.
Suốt cuộc đời Mẹ luôn
gắn bó với Đức Giêsu như hình với bóng. Mẹ đã không ngừng dõi bước Thánh Tử
Giêsu trong gia đình Nazareth suốt 30 năm trường.
Trong thời gian này,
chỉ với một câu Kinh Thánh mà tác giả Tin Mừng Luca trình thuật trong bối cảnh
Đức Giêsu ngồi giữa những bậc thầy Dothái lúc 12 tuổi khi lên dự lễ tại đền thờ
Giêrusalem và Mẹ tưởng rằng Ngài đi lạc..., lòng mẹ đã đau đớn và nỗi lo lắng
dâng trào trong tâm hồn. Nên sau những ngày vất vả tìm con, khi gặp lại... niềm
vui vỡ òa qua lời trách yêu: “Con ơi, sao
con lại làm thế! Con có biết cha và mẹ đã vất vả tìm con?” (x. Lc 2, 46).
Qua câu nói này, tác giả muốn diễn tả trọn vẹn tình Mẫu Tử của Mẹ đối với Đức
Giêsu.
Sự gắn bó ấy còn được
thể hiện ngay từ giây phút đầu tiên của sứ vụ Đấng Cứu Thế, Mẹ đã hiện diện
cùng với Con Yêu trong tiệc cưới Cana (x. Ga 2,5). Và chúng ta cũng thấy suốt 3
năm rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu, Mẹ vẫn luôn dõi bước đồng hành và hiện diện
bằng nhiều cách thế (x. Mt 12,47).
Đỉnh cao của cuộc đồng
hành, ấy chính là theo sát Con Yêu trên các chặng đường thương khó, để như tiếp
thêm sức mạnh cho Đức Giêsu nhằm hiệp thông cứu chuộc với Con của mình (Đàng
Thánh Giá, nơi thứ 4). Lời của cụ già Simêon năm xưa đã ứng nghiệm trọn vẹn nơi
cuộc đời của Mẹ: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu
tâm hồn bà” (Lc 2, 33).
Cuối cùng, Mẹ đã đón
nhận gia sản quý giá mà Đức Giêsu trối lại cho Mẹ trên Thánh Giá, đó là đón nhận
Giáo Hội qua hình ảnh Gioan: “Này là con
Bà” (Ga 19,26).
Kể từ khi Mẹ đón nhận
lời trăn trối của Đức Giêsu, con yêu dấu của Mẹ trên Thánh Giá, để đón nhận
thánh Gioan làm con của mình. Mẹ cũng đón nhận cả nhân loại trong vai trò Hiền
Mẫu. Ngay sau khi an táng Ngườ Con Chí Ái, Mẹ đã trở về với các Tông đồ để cùng
cầu nguyện với các ông, giúp các ông lãnh nhận Chúa Thánh Thần (x. Cv 1, 14). Sự
hiện diện đầy Từ Mẫu này cho thấy: “Mẹ đã
chuẩn bị, đã chứng kiến ngày công khai hoá Giáo Hội, cũng như Mẹ đã sinh Giáo Hội
trong Chúa Giêsu. Mẹ thực là Mẹ Giáo Hội” (x ĐHV số 929).
Vì thế, lòng Mẹ đã không yên
khi nhìn thấy con cái của mình bị khổ sai tụy điều, nên nhiều cách, Mẹ đã cứu
Giáo Hội khỏi biết bao hiểm nguy cả phần xác lẫn phần hồn, vì: “Mẹ là đô thị an toàn, mọi người vào ẩn mình
nơi Mẹ đều được an toàn" (Thánh Gioan Đamascenô); và “Mẹ Maria là tàu cứu vớt người ta khỏi chìm
trong biển lửa đời đời" (Thánh Bênađô); nên: "Dầu tội lỗi đến đâu, nếu tôn sùng Mẹ, cũng không hư mất đời đời
được” (Thánh Hilariô, Tiến sĩ Giáo hội). Mẹ cũng đã hiện ra ở nhiều
nơi và ban những sứ điệp nhằm mời gọi con cái mình trung thành với Thiên Chúa,
cải thiện đời sống để được hạnh phúc và xứng đáng hưởng ơn cứu chuộc (x. Sứ
điệp Fatima).
Có thể nói, Mẹ đã không bao
giờ chối bỏ lời nguyện xin của con cái, nếu điều ta xin có ích cho phần hồn,
vì: “Danh thánh Mẹ chứa chan bao ơn
phúc!", nên: “Đức Maria quá đỗi
khoan dung” (Thánh Bonaventura). Hơn nữa: “Mẹ Maria không chỉ đến với chúng ta khi chúng ta kêu cầu Mẹ, nhưng
ngay cả một cách tự nguyện, Mẹ đi trước để gặp gỡ chúng ta” (Thánh
Giêrônimô).
Cảm và thấy được vai
trò ưu tuyển của Mẹ trước nhan Thiên Chúa, nên Ngày 29/4/1965, ĐGH Phao-lô VI
ban hành Thông điệp “Mense Maio” với
chủ đề “Cầu nguyện trong Tháng
Năm cho sự duy trì nền hoà bình”. Trong thông điệp này, Đức Thánh Cha đã giải
thích rõ: “Bởi vì Tháng Năm là một động
lực mạnh mẽ cho việc cầu nguyện thường xuyên và sốt sắng hơn, và bởi vì những
lời khẩn cầu của chúng ta sẽ dễ dàng chạm đến trái tim từ ái của Đức Maria
trong suốt Tháng Năm này, đó là một thói quen rất được ưa chuộng mà các vị
tiền nhiệm của Tôi chọn tháng này dâng kính Đức Maria, nhằm thôi thúc dân
Ki-tô giáo dâng những lời nguyện chung với nhau bất kỳ lúc nào nhu cầu của
Giáo Hội đòi hỏi hoặc khi có những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đe doạ nhân
loại” (số 3); Ngài nói thêm: “Đức
Maria là người đã trải qua những mối lo âu và vất vả của cuộc sống trần
gian, những mệt mỏi của công việc nặng nhọc hằng ngày, những gian khổ và thử
thách của kiếp nghèo, và những nỗi buồn sầu trên đồi Can-vê; nguyện xin Mẹ
đến cứu giúp những nhu cầu của Giáo Hội và của toàn thể nhân loại” (Tđ
“Mense Maio”, số 12).
Riêng với Giáo Hội Việt
Nam, Mẹ đã tỏ tình yêu Mẫu Tử cách đặc biệt với Tổ Tiên và chúng ta ngày nay .
Thật vậy, từ khi đón
nhận Tin Mừng cho tới hôm nay, dường như một Giáo Hội Việt Nam được sinh ra và
lớn lên trong muôn vàn thử thách đau thương! Nào là nghèo đói, chiến tranh, loạn
lạc, bắt bớ, cấm cách và bị giết chết... Trước những thực trạng đó, lòng Mẹ
cũng như đang bị lưỡi gươm đâm thấu tận trái tim. Vì thế, nơi con tim Từ Mẫu,
đã nhiều lần mở ra để diễn tả tình yêu dành cho con cái qua các lần hiện đến để
bênh đỡ Giáo Hội và cứu giúp kẻ bần cùng.
Điển hình như tại La
Vang – Huế, Mẹ đã hiện ra để bảo vệ, an ủi, bênh đỡ, củng cố đức tin, chữa lành
bệnh tật và giải thoát khỏi sự sợ hãi. Không những thế, Mẹ còn hứa sẽ tiếp tục
chuyển cầu cho con cái Mẹ nếu thành tâm đến cầu khẩn Mẹ tại nơi này.
Tại Trà Kiệu – Quảng Nam,
trên nóc đền thờ, hình bóng Mẹ thật uy nghi, đôi tay không ngừng che chắn những
viên đạn do tâm ác độc của những người thù nghịch với Giáo Hội đang ngày đêm
phóng vào tín hữu. Thật cảm động khi đoàn con được núp dưới bóng Mẹ hiền. Vì thế,
sự bình an được ngự trị vì có “Nữ Vương ban Sự Bình An” che chở.
Với địa danh La mã – Bến
Tre, Mẹ đã thể hiện tình yêu thương đặc biệt khi hiển linh qua bức ảnh dưới tước
hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp, để qua đó, Mẹ luôn lắng nghe những tiếng kêu cầu thống
thiết của con cái và ra tay phù trợ...
Hay như nơi núi rừng huyền
bí Tây Nguyên – Măng Đen; Tà Pao – Phan Thiết, Fatima – Bình Triệu – Sài Gòn...
cũng là những nơi Mẹ không ngừng chuyển trao ân sủng của Chúa cho con cái Mẹ...
Chỉ cần nhắc đến một
vài linh địa mà Mẹ đã chọn để thể hiện tình yêu với con cái của Mẹ, chúng ta
cũng đủ để hiểu được lòng Từ Mẫu của Mẹ quả là: “Như nước trong nguồn chảy ra”. Đồng thời, nhân dịp này, chúng ta cũng
nhìn lại vai trò của mỗi người trong tư thế là con, để thấy được bổn phận hiếu
nghĩa của chúng ta với Mẹ như thế nào, hầu sống sao cho xứng đáng vai trò con
cái đối với người Mẹ kính yêu của chúng ta.
Trên Thánh Giá, sau
khi trao phó thánh Gioan cho Đức Mẹ, liền sau đó, Đức Giêsu cũng đã trối Đức Mẹ cho thánh Gioan.
Qua biến cố này, Đức
Giêsu đã muốn cho tình Mẫu Tử giữa Mẹ Maria và chúng ta ngày thêm khăng khít.
Vì thế, bổn phận hiếu nghĩa
của chúng ta với Mẹ là điều rất quan trọng.
Hình ảnh thánh Gioan
đón Mẹ Maria về nhà mình, đã nói lên lòng hiếu thảo đó.
Tuy nhiên, điều chúng
ta cần đặt ra, đó là: sống hiếu thảo với Mẹ Maria thì sống như thế nào? Phải
làm gì để thể hiện tinh thần đó?
Thiết nghĩ, những việc
cụ thể sau sẽ làm cho chúng ta thể hiện lòng hiếu thảo với Mẹ cách thiết thực
nhất, chắn chắn Mẹ sẽ vui lòng. Những việc đó là:
Trước tiên, chúng ta
tôn kính Mẹ. Khi tôn kính Mẹ, chúng ta nhìn nhận Mẹ là Đấng Đầy Ơn Phúc, vì Thiên
Chúa đã làm biết bao điều kỳ diệu nơi Mẹ. Mẹ trở nên người có phúc hơn mọi người
phụ nữ, vì từ cung lòng Mẹ, Đấng Cứu Chuộc thế giới đã giáng sinh. Đây là ơn
cao trọng mà mẹ đã được Thiên Chúa rủ thương đến phận Nữ Tỳ của mình. Trên trần
gian này, từ thủa tạo thiên lập địa cho đến tận thế, không có ai và không một
loài thụ tạo nào sánh bằng Mẹ. Chỉ mình Mẹ được Thiên Chúa ưu tuyển cách đặc biệt,
nhiệm mầu, nên muôn đời sẽ khen Mẹ diễm phúc (x. kinh Manificat). Hơn nữa, việc:
“Sùng kính Mẹ Maria là phương thế an toàn
nhất để được ơn chết lành” (Thánh Gioan Bosco).
Thứ hai, chúng ta hãy
tỏ lòng vâng phục Mẹ Maria hết lòng. Khi vâng phục Mẹ Maria, ấy là chúng ta noi
gương chính người Anh Cả Giêsu, Ngài đã vâng lời Mẹ Maria cách yêu mến: "Ngài theo cha mẹ về Nazareth và vâng phục
hai đấng" (x. Luca 2,41-52). Hay như trong tiệc cưới Cana, Đức Giêsu
đã vâng lời Mẹ mà làm phép lạ hóa nước lã thành rượu ngon, mặc dù giờ của Ngài
chưa đến! (x. Ga 2, 1-12)
Với chúng ta, vâng lời
Mẹ, còn là việc mau mắn đáp lại lời Mẹ khuyên dạy trong các lần hiện ra. Chẳng
hạn như: siêng năng suy gẫm Lời Chúa và đem ra thực hành; siêng năng lần hạt
Mân côi; tránh xa dịp tội; cải thiện đời sống; ăn chay, cầu nguyện để khỏi sa
trước cám dỗ.
Tiếp theo, là yêu mến Mẹ Maria:
Thánh Gioan Berchmans đã nói: “Ai có lòng
yêu mến Mẹ Maria sẽ được ơn bền đỗ”; và: “Ai có lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria sẽ không bao giờ bị hư mất”
(Thánh Inhaxiô thành Antioch). Mẹ Maria, trong vai trò Mẫu Tử, Mẹ đã không
ngừng quan tâm đến mọi nhu cầu của con cái, nhất là những người tội lỗi. Điều
này đã được Thánh Bênađô và Thánh Anphongsô nói tới: "Tội lỗi nặng nề đến đâu mà đến cầu xin Mẹ, Mẹ cũng không xét xem
họ có công nào đáng nhận lời không; Mẹ chỉ làm có một việc là đoái nhận và cứu
giúp mọi người". Vì vậy: “Những
tội nhân nhận được ơn tha thứ chính là nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria” (Thánh
Phêrô Chrisotlôgô).
Đến lượt chúng ta, hẳn
cũng không có cách gì tốt đẹp và ý nghĩa cho bằng lấy tình con thảo để yêu mến
Mẹ bằng tất cả con tim. Những biểu hiện đó có thể là: kiếm một đóa hoa tươi đồng
nội dâng Mẹ, cung kính khi đi ngang qua tượng hoặc hình ảnh Mẹ; những lời kinh,
tiếng hát, câu hò, điệu múa được cất lên bằng cả tâm hồn; những buồn vui, sướng
khổ, thành công hay thất bại... chúng ta hãy chạy đến với Mẹ để thổ lộ tâm
tình.
Cuối cùng, là tâm tình
phó thác cho Mẹ Maria. Nếu trẻ thơ thực sự an tâm khi chúng được ở trong vòng
tay âu yếm của bà mẹ, thì với chúng ta, mỗi người cũng hãy nép vào lòng Mẹ
trong tâm tình phó thác để được an bình thư thái. Thánh Lôrensô thành
Brindisi đã nói: “Thiên Chúa muốn mọi
người, tất cả học biết sự thật này từ lúc còn thơ trẻ: đó là ai tin tưởng nơi Mẹ
Maria, rằng ai cậy trông nơi Mẹ Maria sẽ không bị từ bỏ dù ở đời này hoặc đời
sau”.
Như vậy, người Công Giáo
chúng ta thật diễm phúc vì nhận ra vai trò Mẫu Tử nơi Mẹ Maria trên và trong cuộc
đời của mình. Đây là ân ban lớn lao mà Thiên Chúa trao tặng cho nhân loại nói
chung và cho mỗi người chúng ta.
Trong lịch sử Giáo Hội,
không có vị thánh nào không có lòng yêu mến Đức Mẹ. Vì thế, các ngài đã được Mẹ
Maria gìn giữ như của riêng nơi Mẹ, nhờ đó, các ngài đã tiến bước trên con đường
nhân đức cách trung thành, anh hùng và tràn đầy lòng yêu mến. Sau cùng, các
ngài đã được lãnh nhận triều thiên mà Thiên Chúa dành cho những người được tuyển
chọn. Còn chúng ta, chúng ta muốn được như thế không?
Nếu muốn, thì ngay giờ
đây, còn chần chờ gì nữa mà không chạy đến với Mẹ để tôn vinh, vâng phục, yêu mến
và phó thác cuộc đời của ta cho Mẹ... vì: “Mẹ
là đại dương không bến bờ, một biển sâu khôn dò, một vực thẳm sâu của ân sủng”
(Thánh Sophronius). Nên: “Mẹ nguồn cậy
trông cho người thất vọng; Mẹ là niềm tin cho người lữ thứ; Mẹ là niềm vui cho
người buồn đau; Mẹ là ủi an cho người đơn côi”.
Nguyện xin Mẹ Maria
là: Nữ Hoàng Thiên Quốc, Hòm Bia Thiên Chúa, Trạng Sự bênh đỡ, Đấng Hằng Cứu Giúp... xin thương che chở, đỡ
nâng, phù trì chúng con trên con đường lữ thứ chông gai. Để chúng con khỏi lạc
lõng, bơ vơ giữa chợ đời hôm nay.
Lạy Mẹ Maria, con yêu
mến Mẹ, toàn thân con thuộc về Mẹ, “tất cả của con là của Mẹ” (Thánh Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II). Xin Mẹ đón nhận con như của riêng mẹ vậy. Amen.