Hội Thánh Cùng Mẹ Tiến Bước
SUY NIỆM LỄ MẸ HỘI THÁNH
(St 3,9-15.20; Ga 19, 25-27)
Với Sắc lệnh của Bộ Phụng
Tự và Kỷ luật các Bí tích ký ngày 11 tháng 2 năm 2018, ngày kính nhớ Đức Mẹ Lộ
Đức truyền dạy chúng ta cử hành lễ kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh. Thứ Hai, sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Hội
Thánh cử hành với niềm vui khôn tả, khởi đi từ : “Khi đón nhận Lời Chúa với tâm hồn trong trắng, Mẹ đã cưu mang Ngôi Lời trong cung lòng khiết trinh, và khi hạ sinh Đấng thiết lập Hội Thánh, Mẹ đã cộng tác trong việc khai
sinh Hội Thánh.
Khi đứng bên thập giá, Mẹ đón nhận lời trối đầy yêu thương
của Con Chúa, và đã nhận tất cả mọi người làm con,
những người được tái sinh vào đời sống siêu nhiên
nhờ cái chết của Đức Kitô” (Kinh Tiền tụng: Đức Maria là khuôn mẫu và là Mẹ
của Hội Thánh).
Trong ngày này Hội Thánh dâng lời ngợi khen tung hô Chúa, đồng thời tôn vinh Mẹ là Ðấng Tuyệt Ðẹp “Tota Pulchra”, vì Mẹ đã được Thiên Chúa Cha yêu thương và tuyển chọn làm Mẹ Chúa Con. Mẹ được gìn giữ khỏi mắc tội nguyên tổ, là Ðấng đầu tiên đã được Con Mẹ cứu
chuộc. Nét đẹp cao cả của Mẹ phản chiếu nét đẹp của Chúa Kitô, là bằng chứng
cho tất cả mọi tín hữu về chiến thắng của tình thương Thiên Chúa trên tội lỗi
và sự chết, khi đạp nát đầu con rắn đã cám dỗ Adong
và Evà phạm tội.
Thiên Chúa là Cha nhân từ
Thiên Chúa
khôn ngoan và nhân từ, nên mọi việc Ngài làm đều tốt đẹp. Ngài
đã sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài, cho họ sống tình thân với Chúa. Vậy Sự Dữ do đâu mà có ? Đâu là
nguyên nhân khiến cho tình thân nghĩa thiết giữa con người với Thiên Chúa và
con người với nhau bị phá vỡ?
Sách Sáng Thế (x. St 1-3) cho ta câu trả
lời. Thiên Chúa không tạo nên sự chết, nhưng sự chết đã đi vào thế giới vì sự
ghen tương của ma quỉ (x. Kn 1,13-14; 2,23-24). Khi nổi loạn chống lại Thiên
Chúa, ma quỉ đã lường gạt và lôi kéo con người theo chúng. Thiên Chúa hỏi Ađam
: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần
truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi không được ăn ư?” Thiên Chúa hỏi Evà : “Tại sao ngươi đã làm điều đó? ”
Evà trả lời : “Con rắn đã cám dỗ
tôi” (x. St 3, 11-13).
Là thụ tạo tinh thần, con người chỉ có
thể sống tình thân ấy khi tự do tùng phục Thiên Chúa. Ðiều đó được diễn tả
trong lệnh cấm con người ăn trái cây biết lành, biết dữ “vì ngày ngươi ăn nó, ngươi sẽ chết” (St 2, l7). Bị ma quỉ cám dỗ, con người đánh mất lòng tín thác vào Ðấng Sáng Tạo, lạm dụng tự do, bất tuân lệnh
của Thiên Chúa. Ðó là tội đầu tiên của con người (x. Rm 5, l9). Hậu quả là Adong và Evà đánh mất
sự thánh thiện nguyên thủy (x. Rm 3, 23). Sự hài hòa với vạn vật
bị phá vỡ: thế giới hữu hình trở nên xa lạ và thù
nghịch với con người (x. St 3, l7-l9). Sự
kết hợp nam nữ trở nên căng thẳng (x. St 3, ll-l3); tình huynh đệ tương tàn (x.
St 4, 3-15); tiếp đến là sự sa đọa của cả loài người. Cuối cùng, vì bất tuân : “Con người là tro bụi sẽ trở về bụi tro”
(St 3, l9).
Sau khi
sa ngã, Thiên Chúa không lỡ bỏ rơi con người. Trái lại, vì tình thương, Thiên Chúa nâng con người lên. Chúa bảo con rắn: “Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa
mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất
mọi ngày trong đời mi”. (St 3,
9-15. 20). Đó là thảm kịch tự do mà Thiên Chúa chấp nhận đến cùng vì yêu
thương, nhưng Ngài hứa : “ Ta sẽ đặt mối
thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người
miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người” (St
3,15).
Ðoạn sách Sáng Thế trên được gọi là "Tiền Tin Mừng"
vì đó là lời loan báo đầu tiên về Ðấng Cứu Thế, về cuộc chiến đấu giữa con rắn
với người nữ và chiến thắng cuối cùng của một hậu duệ người nữ này. Tình mẫu tử của
Đức Maria đối với nhân loại được biểu lộ “Ađam đặt tên cho vợ mình là Evà, vì bà là mẹ
của chúng sinh” (St 3, 20).
Mẹ Hội Thánh
Đức Maria đã
được Thiên Chúa tiền định từ muôn thủa trong yêu thương và chọn Mẹ làm Đấng cưu
mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và đồng hành cùng Chúa Giêsu Con Mẹ trong công trình
cứu chuộc loài người, Mẹ
đã cộng tác trong việc khai sinh Hội Thánh. Trong tình
thương, Ngài đã tiền định cho chúng ta được làm dưỡng tử đối với Ngài, qua Đức
Giêsu Kitô (x. Ep 1 4-5). Do đó, Đức Maria là Mẹ chúng ta.
Thật hiển nhiên : “Lúc bị
treo trên thập giá, Chúa Giêsu nói với môn đệ Người yêu: Này là Mẹ con” (Ga 19, 26-27). Bên chân thập giá (x. Ga 19,25), Mẹ đã đón nhận
lời trối đầy yêu thương của Chúa Giêsu Con Mẹ, và nơi người môn đệ được Chúa sủng
ái, Mẹ đã tiếp nhận mọi người như những người con phải được tái sinh vào đời sống
thần linh, và như thế, Mẹ đã trở nên người mẹ từ ái của Hội Thánh đã được tác
sinh trên Thánh giá khi Chúa Kitô trao ban Thần Khí. Trong khi đó, cũng nơi người
môn đệ yêu dấu, Chúa Kitô muốn tất cả các môn đệ thay mặt Người thể hiện tình
yêu thương đối với Đức Maria, Người trao gửi để họ đón nhận Mẹ trong tâm tình
thảo hiếu kính yêu” (Sắc Lệnh về
việc cử hành lễ kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh). Vì thế, Mẹ là
Mẹ Hội Thánh.
Hội Thánh cùng với Mẹ tiến bước
Trong
diễn từ của Đức Giáo hoàng Phaolô VI ngày bế mạc kỳ họp thứ ba của Công đồng Vatican
II – 21.11.1964 viết : “Thiên
chức Thánh Mẫu đã làm cho Mẹ có những mối liên hệ đặc biệt với Chúa Kitô và
hiện diện trong công trình cứu rỗi nhân loại do Chúa Giêsu Kitô thực hiện, cũng
chính thiên chức đó tạo nên mối tương quan giữa Đức Maria và Hội Thánh; vì Đức
Maria là Mẹ của Chúa Kitô, Đấng đã nhận lấy bản tính nhân loại trong cung lòng
khiết trinh của Mẹ, Đấng là Đầu của Nhiệm thể là Hội Thánh. Vì thế Đức Maria,
Mẹ của Chúa Kitô, cũng là Mẹ của tất cả các tín hữu và mục tử, nghĩa là của Hội
Thánh”.
Vì là Mẹ của Hội Thánh, nên suốt cuộc đời Mẹ luôn là máng thông
ơn Thiên Chúa xuống cho Hội Thánh. Để sống tốt hành trình dương thế, chúng ta
hãy chạy đến với Mẹ, cầu xin Mẹ, để có thể khám phá ra niềm vui về sự dịu dàng
của Thiên Chúa. Không ai đã bước vào mầu nhiệm sâu xa của việc nhập thể như Mẹ
Maria. Toàn bộ cuộc sống Mẹ được hun đúc theo Chúa Giêsu Con Mẹ. Mẹ minh chứng
rằng tình yêu của Con Mẹ là vô cùng vô tận và mở rộng cho tất cả mọi người,
không một ngoại lệ nào. Chúng ta hãy tiếp bước theo Mẹ.
Lạy Đức Mẹ Hội Thánh, xin cầu cho chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ