Đường Lên Thiên San

 

L.M. Nguyễn công Đoan S.J.

Ngày 12 tháng 9 năm 2019

 

Thiên San : Núi Thiên Chúa ngự ; cũng gọi là Núi Thánh. Xin chú ý là tôi viết Thiên San” chứ không phải tiên san trong mộng của Từ Thức. Thiên San thì rất thực, và có nhiều người đã lên, vì có Con Thiên Chúa từ trên ấy đích thân xuống cõng lên mà ! Ngài còn cam đoan : “Trong Nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở… Thầy đi dọn chỗ cho anh em… Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng cũng ở đó.” (Gio-an 14,2-3).

Những người đi trước cũng rước chúng ta theo sau nữa đấy :

Như thế, phần chúng ta, được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, 2 mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. 3 Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí. 4 Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu. (Hr 12,1-4)

1. Trong Cựu Ước

Sách Xuất Hành kể việc ông Mô-sê dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến “Núi của Thiên Chúa”, là núi Khô-rếp, ở đó Thiên chúa hiện ra với ông và sai ông đi gặp vua Pha-ra-ô để đưa dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-Cập. Ông Mô-sê vin sự bé nhỏ hèn yếu của mình để thoái thác, Thiên Chúa cam đoan sẽ ở với ông :

1 Bấy giờ ông Mô-sê đang chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô, tư tế Ma-đi-an. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khô-rếp. 2 Thiên sứ của ĐỨC CHÚA hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. 3 Ông tự bảo : “Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được : vì sao bụi cây lại không cháy rụi ?” 4 ĐỨC CHÚA thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông : “Mô-sê ! Mô-sê !” Ông thưa : “Dạ, tôi đây !” 5 Người phán : “Chớ lại gần ! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.” 6 Người lại phán : “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp.” Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.

7 ĐỨC CHÚA phán : “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. 8 Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tuôn chảy sữa và mật, xứ sở của người Ca-na-an, Khết, E-mô-ri, Pơ-rít-di, Khi-vi và Giơ-vút. 9 Giờ đây, tiếng rên siết của con cái Ít-ra-en đã thấu tới Ta ; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai-cập. 10 Bây giờ, ngươi hãy đi ! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập.”

11 Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa : “Con là ai mà dám đến với Pha-ra-ô và đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập ?” 12 Người phán : “Ta sẽ ở với ngươi. Và đây là dấu cho ngươi biết là Ta đã sai ngươi : khi ngươi đưa dân ra khỏi Ai-cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này.” (Xh 3,1-12 ; x. Tv 69/68,17)

Sau này khi dân đã vào được Đất Hứa và đã xây Đền Thờ tại núi Xi-on, thì Núi Xi-on trở thành Núi Thánh, Thành Giê-ru-sa-lem là Thành Thánh. Bài ca chiến thắng trong sách Xuất Hành đã có câu :

17 Ngài cho dân tiến vào, định cư họ trên núi, núi gia nghiệp của Ngài.

Lạy CHÚA, chính nơi đây Ngài chọn làm chỗ ở,

đây cũng là đền thánh tự tay Ngài lập nên.

18 CHÚA là vua hiển trị đến muôn thuở muôn đời.” (Xh 15,17-18)

Các Thánh Vịnh và các ngôn sứ sẽ nói nhiều đến Núi Thánh, Nơi Thánh để chỉ về Giê-ru-sa-lem, Núi Xi-on, Núi Đền Thờ, Núi của Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa ngự. Mơ ước của người dân sống xa Núi Thánh, nhất là từ thời Lưu Đầy, là được lên Núi Thiên Chúa. Mỗi cuộc hành hương lên Đền Thờ là một biến cố lớn trong đời người. Có một loạt Thánh Vịnh để cầu nguyện trong cuộc hành hương Lên Núi Thánh.

Dần dần, lên Núi Thánh không chỉ là một nơi mà là sự gặp gỡ Thiên Chúa. Phần cuối sách Ngôn sứ I-sai-a đã đưa ra một quan điểm “cách mạng” :

1 ĐỨC CHÚA phán thế này :

Trời là ngai của Ta, và đất là bệ dưới chân Ta.

Các ngươi sẽ xây cho Ta nhà nào, và nơi nào sẽ là chốn Ta nghỉ ngơi ?

2 Tất cả những vật ấy, chính tay Ta đã làm.

Tất cả những vật ấy đều là của Ta

sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.

Kẻ được Ta đoái nhìn : đó là người nghèo khổ,

người có tâm hồn tan nát, người nghe lời Ta mà run sợ. (Is 66,1-2)

Các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh sẽ khai triển việc gặp gỡ chính Thiên Chúa và thờ phượng Thiên Chúa bằng tấm lòng yêu mến và tuân phục chứ không phải bằng của lễ tiến dâng trong Đền Thờ, sách Ê-dê-ki-en sẽ cho thấy vinh quang Thiên Chúa rời khỏi Đền Thờ, rời khỏi Giê-ru-sa-lem :

18 Vinh quang ĐỨC CHÚA bay lên khỏi thềm Đền Thờ và dừng lại trên các Kê-ru-bim. 19 Các Kê-ru-bim dang cánh và cất mình lên khỏi mặt đất trước mắt tôi khi đi ra ; các bánh xe cũng chuyển theo cùng một lúc. Các Kê-ru-bim dừng lại ở lối vào cửa đông Nhà ĐỨC CHÚA, và vinh quang của Thiên Chúa Ít-ra-en ngự bên trên các vị ấy. (Ed 10,18-19)

Trong khi đó những người còn ở lại xứ Giu-đa dè bỉu những người đã bị lưu đầy, nên Thiên Chúa trả lời :

14 Có lời ĐỨC CHÚA phán với tôi rằng : 15“Hỡi con người, dân cư Giê-ru-sa-lem nói với các anh em ngươi, những người bà con họ hàng của ngươi và tất cả nhà Ít-ra-en như sau : ‘Các ngươi phải ở xa ĐỨC CHÚA, còn chúng tôi mới là những người được sở hữu đất này.’ 16Vì thế, ngươi hãy nói : ‘ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này : Quả thật, Ta đã đưa chúng đi xa, đến ở giữa chư dân ; Ta đã phân tán chúng đi các nước. Ta đã nên một thứ Thánh Điện cho chúng trong một thời gian, tại các nước chúng đến.

Sau đó Ê-dê-ki-en thấy Vinh Quang Thiên Chúa rời khỏi Giê-ru-sa-lem :

22 Bấy giờ các Kê-ru-bim cất cánh lên và các bánh xe cũng cất lên theo ; vinh quang của Thiên Chúa Ít-ra-en ngự bên trên các Kê-ru-bim. 23Vinh quang ĐỨC CHÚA đi lên khỏi thành và dừng lại trên núi ở phía đông của thành. (Ed 11,14-16.22-23)

Sách Tô-bi-a sẽ khẳng định :

3 Con cái nhà Ít-ra-en hỡi, nào xưng tụng Chúa trước mặt chư dân,

chính Người đã phân tán anh em vào giữa họ,

4 tại đó, Người đã cho anh em thấy : Người là Đấng cao cả muôn trùng.

Trước toàn thể sinh linh, nào hãy suy tôn Chúa !

Bởi Người là Chúa Tể, là Thiên Chúa ta thờ,

là Thân Phụ của ta, là Thiên Chúa đến muôn thuở muôn đời.

Nhưng khát vọng về Núi Thánh vẫn không nguôi. Sách Tô-bi-a loan báo :

Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Thiên Chúa, là Đức Vua cao cả,

17 vì Người sẽ xây dựng lại thành Giê-ru-sa-lem

cùng với thánh điện vững bền mãi mãi.

Thật phúc cho tôi, nếu trong dòng dõi tôi còn ai sống sót để nhìn thấy vinh quang của Giê-ru-sa-lem và xưng tụng Đức Vua trên trời ! (Tb 13,3-4.16-17)

Trong Tân Ước, thư thứ hai Phê-rô sẽ nói đến Núi Thánh là nơi Chúa Giê-su cho ba môn đệ thấy vinh quang của Chúa (x. 2 Pr 1,18). Còn sách Tin Mừng Gio-an lại cho thấy chính Chúa Giê-su là Đền Thờ đích thật (x. Ga 2,21-22 ; 10,38).

Sách Khải Huyền sẽ nói đến Giê-ru-sa-lem Mới, từ trời mà xuống, với những hình ảnh trong sách Tô-bi-a (x. Tb 13,17-18), trong đó sẽ không còn Đền Thờ :

1 Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. 2 Và tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. 3 Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to : “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ.

Trong thành, tôi không thấy có Đền Thờ, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành. (Kh 21,1-3.22)

Thư 1 Cô-rin-tô sẽ cho thấy mỗi người tín hữu là Đền Thờ của Thiên Chúa :

19 Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao ? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, 20vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em. (1 Cr 6,19-20 ; x.Rm 8,11)

Như vậy trong sách Thánh, từ Cựu Ước sang Tân Ước, khái niệm Núi Thánh đã dần dần thoát khỏi giới hạn không gian và thời gian, để diễn tả chính sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân người, và trong mỗi người.

Thánh vịnh 24/23 đã đặt câu hỏi :

Ai được lên núi CHÚA ?

Ai được ở trong đền thánh của Người ?

Và cho câu trả lời :

4 Đó là kẻ tay sạch lòng thanh,

chẳng mê theo ngẫu tượngkhông thề gian thề dối.

5 Người ấy sẽ được CHÚA ban phúc lành,

được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng.

6 Đây chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người,

tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp. (Tv 24/23,3-6)

Câu trả lời này tóm tắt MƯỜI ĐIỀU RĂN Thiên Chúa đã truyền khi lập Giao Ước Xi-nai. Thái độ căn bản là kiếm tìm Thiên Chúa, tìm Thánh Nhan Thiên Chúa, Đấng đã lập Giao Ước với dòng dõi Áp-ra-ham và Gia-cóp (Ít-ra-en), để hứa ban cho họ Đất Hứa là nơi Thiên Chúa đã chọn để hiện diện trong không gian trên mặt đất này, đáp lại nhu cầu của con người sống trong không gian và thời gian.

Thánh vịnh 1 cho câu trả lời chi tiết hơn :

Phúc thay người chẳng bước theo lời bọn ác nhân,

chẳng đứng vào đường quân tội lỗi,

không ngồi vào chỗ phường ngạo mạn kiêu căng,

2 nhưng vui thú với lề luật CHÚA,

nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.

3 Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước,

cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh,

cành lá chẳng khi nào tàn tạ.

Người như thế làm chi cũng sẽ thành. (Tv 1,1-3)

Câu trả lời này gồm ba chữ không và một chữ . Ba chữ KHÔNG là từ chối con đường của ác nhân, của quân tội lỗi và của kẻ ngạo mạn kiêu căng. Bước theo lời bọn ác nhân là nghe lời nó xúi giục từ sau lưng mà đi làm điều gian ác như nó. Đứng vào đường quân tội lỗi là hùa theo nó. Ngồi vào chỗ của phường ngạo mạn kiêu căng là đồng lõa với nó. Ác nhân là kẻ không tin Thiên Chúa, không sợ trời đất, không sợ thần thánh, không có luân lý, đạo đức nào cả, chỉ dựa vào sức mạnh của nó mà làm bất cứ điều gì nó muốn. Nó sẵn sàng chà đạp lên tất cả để làm lợi cho nó. Nó xúi giục người khác làm theo nguyên tắc vô đạo đức của nó.

Quân tội lỗi là những kẻ vi phạm mọi giới răn của Chúa, mọi luân thường đạo lý của loài người.

Bọn ngạo mạn kiêu căng là những kẻ khinh thường Thiên Chúa và chế diễu những ai tin thờ Thiên Chúa. Đại khái như một thánh vịnh khác diễn tả : “Chúng chế diễu… Chúa Trời đâu có biết, Đấng tối cao nào hiểu chuyện chi” (Tv 77/76,8.11 ; x. 94/93,7) ; “Khi thiên hạ thường ngày cứ hỏi : Chúa ngươi ở đâu ?” (Tv 42/41,4)

Bước đi, đứng và ngồi là ba tư thế của con người trong tương quan với người khác.Lời khuyên, con đường và chỗ ngồi diễn tả những phương thế tương giao giữa con người với nhau.

Vậy thì ba chữ “không” là từ chối đi theo lời khuyên, cách hành động và hùa theo những kẻ vô đạo đức, vô luân thường đạo lý.

Đối lại, chữ  là “Vui thú với Lề Luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” để nhớ mà theo. Điều răn thứ nhất trong sách Đệ Nhị Luật truyền phải nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày, để lời đó ở trong miệng, trong lòng anh em.

Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh (em) hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh (em). 12 Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh (em) phải nói : ‘Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành ?’ 13 Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh (em) phải nói : ‘Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành ?’ 14 Thật vậy, lời đó ở rất gần anh (em), ngay trong miệng, trong lòng anh (em), để anh (em) đem ra thực hành. (Đnl 30,11-14)

Chúa Giê-su sẽ gợi nhớ lời này khi trả lời cho ông luật sĩ đến “hỏi để thử” Chúa : “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” Chúa Giê-su biết cái giọng ông ta là muốn khảo bài Chúa, nên Chúa khảo ngược lại : “Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?” Ông ta tỏ ra thuộc bài, vì đó là câu người Do-thái xưa nay tụng niệm hàng ngày, theo điều răn thứ nhất và thánh vịnh thứ nhất. Chúa khen “Ông trả lời đúng lắm” và thêm “Cứ làm như vậy là sẽ được sống”. Ông có Lời dẫn tới sự sống trong lòng và trên miệng ông rồi đấy, chỉ còn “thực hành” thôi là sẽ “được sống”.

Thánh vịnh 25/24 cho biết nguồn gốc của ơn được biết đường lối của Thiên Chúa là do lòng nhân từ của Thiên Chúa, và phần thưởng là một đời hạnh phúc cho mình và để lại đất tổ tiên cho con cháu :

8 CHÚA là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,

9 dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,

dạy cho biết đường lối của Người.

10 Tất cả đường lối CHÚA đều là yêu thương và thành tín

đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa.

12 Phàm ai kính sợ CHÚA,

Người chỉ cho thấy đường phải chọn.

13 Họ sẽ được an vui hạnh phúc một đời,

và con cháu thừa hưởng đất tổ tiên.

14 CHÚA xử thân tình với những ai kính sợ Chúa

và cho họ biết giao ước của Người. (Tv 25/24,4-5.8-14)

Tất cả Lề Luật gồm một điều răn với hai vế :

Vế thứ nhất là về tương quan với Thiên Chúa, được phát biểu trong sách Đệ Nhị Luật :

Nghe đây, hỡi Ít-ra-en ! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. 5 Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng hết dạ, hết sức ngươi. 6 Những lời này tôi truyền cho ngươi hôm nay, ngươi phải ghi tạc vào lòng. 7 Ngươi phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, 8 phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu, 9 phải viết lên khung cửa nhà ngươi, và lên cửa thành của ngươi. (Đnl 6,4-9).

Vế thứ hai là về tương quan với tha nhân, được phát biểu trong sách Lê-vi :

Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. (Lv 19,18)

Sách Xuất Hành kể thành 10 điều gồm GIỚI (cấm) và RĂN (phải làm) và quảng diễn thêm nhiều chi tiết cụ thể. Các Ráp-bi (thầy dậy Luật) của Do-thái giáo sẽ quảng diễn thành một cánh rừng cả giới và răn gồm 613 điều.

Để ý là trong phát biểu của sách Đệ nhị Luật, điều răn chỉ có một hàng, còn “kỹ thuật giúp ghi tạc vào lòng” gồm năm hàng ! Sách Đệ nhị Luật sẽ còn nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nhưng đến cuối cuộc hành trình vào Đất Hứa và cuối cuộc đời của Mô-sê, ông đã phải nhìn nhận sự thất bại và chỉ cho thấy nguyên nhân :

Chính anh em đã thấy những gì ĐỨC CHÚA đã làm trước mắt anh em, tại đất Ai-cập, chống lại Pha-ra-ô, cùng mọi bề tôi và cả nước vua ấy,2đó là các thử thách lớn lao mắt anh (em) từng thấy, là các dấu lạ điềm thiêng lớn lao ấy. 3 Nhưng cho đến ngày hôm nay, ĐỨC CHÚA đã không cho anh em lòng để biết, mắt để thấy, tai để nghe” (Đnl 29,3).

Họ cần có đôi mắt, đôi tai để giúp họ thấy xa hơn, để nghe rõ hơn tiếng Thiên Chúa phán qua các biến cố, và một quả tim để hiểu và đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Đó là điều thánh vịnh 131/130 diễn tả bằng tinh thần trẻ thơ đối với Thiên Chúa :

Lòng con chẳng dám tự caomắt con chẳng dám tự hào, CHÚA ơi !

Đường cao vọng, chẳng đời nào bước, việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu

2 hồn con, con vẫn trước sau

giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.

Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui.

3 Cậy vào CHÚA, Ít-ra-en ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn năm. (c.1-3)

Lòng tự cao ở đây là đề cao chính mình coi như mình ngang hàng với Thiên Chúa, không cần đến Thiên Chúa. Mắt nhìn lên cao còn ám chỉ nhìn lên những nơi thờ ngẫu thần mà các ngôn sứ tố cáo và nhiều vị vua đã phá hủy. Tức là cậy dựa vào các ngầu thần vốn là hư vô và vô tích sự. Đường cao vọng, việc diệu kỳ, ám chỉ tới sự cậy dựa vào quyền lực của thế gian, người đời. Đó là ba điều mà suốt lịch sử của Dân Cựu Ước đã vướng phải. Thánh vịnh này truyền đạt tinh thần của trào lưu Đệ nhị Luật là nhận biết sự bé nhỏ nghèo hèn của mình và cậy dựa hoàn toàn vào Thiên Chúa mà thôi. Đó là hai yếu tố đúc nên con đường vững chắc và an toàn cho ta bước đi.

Nhưng yếu tố quyết định vẫn là điều Mô-sê đã nói ở cuối sách Đệ nhị Luật : “Lòng để hiểu, tai để nghe, mắt để thấy”. Bao giờ và làm sao có được ? Sau tai họa lưu đầy Ba-bi-lon, sách Ê-dê-kien loan báo lời hứa :

ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này : Hỡi nhà Ít-ra-en, không phải vì các ngươi mà Ta hành động, mà vì danh thánh của Ta đã bị các ngươi xúc phạm giữa các dân các ngươi đã đi đến. 23 Ta sẽ biểu dương danh thánh thiện vĩ đại của Ta đã bị xúc phạm giữa chư dân, danh mà các ngươi đã xúc phạm ở giữa chúng. Bấy giờ chư dân sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA –sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng– khi Ta biểu dương sự thánh thiện của Ta nơi các ngươi ngay trước mắt chúng. 24 Bấy giờ, Ta sẽ đem các ngươi ra khỏi các dân tộc, sẽ quy tụ các ngươi lại từ khắp các nước, và sẽ dẫn các ngươi về đất của các ngươi. 25 Rồi Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần. 26 Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt.

27 Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành. 28 Các ngươi sẽ cư ngụ trong đất Ta đã ban cho tổ tiên các ngươi. Các ngươi sẽ là dân của Ta. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi. (Ed 36,22-28)

Khi nào Thiên Chúa mới thực hiện lời hứa ấy và bằng cách nào ? Đó là câu trả lời của Tân Ước : Chúa Giê-su Con Thiên Chúa làm người, để sống và dạy chúng ta sống trọn cả hai vế của điều răn đứng đầu Cựu Ước, và sẽ lấy máu mình để lập Giao Ước Mới và ban Thánh Thần là Luật Mới, là Quả Tim mới cho chúng ta để có thể sống như vậy với tinh thần trẻ thơ mà chính Ngài sẽ sống đối với Cha trên trời.

2. Đó là Con đường đã được ban trong Tân Ước

“Thầy là con đường, là Sự Thật và là Sự Sống”

Đường lên Núi Chúa không còn là con đường lên Giê-ru-sa-lem nữa mà là đường đến với Thiên Chúa để được hưởng vinh quang của Thiên Chúa nhờ Đức Ki-tô, với Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô : “Thầy là con đường, là Sự Thật và là Sự Sống”- Đức Ki-tô là “BA TRONG MỘT”, Ngài là Con Đường, nhưng khác với con đường trần thế, đường bộ, đường thủy thì cũng phải đi đến cuối con đường mới tới đích. Ngài là cả ba một trật, nên bước vào con đường là đã ở trong Sự Thật và đã được sống. Sự Thật mà Ngài đưa chúng ta vào không phải là một cái gì trừu tượng nhưng là chính Thiên Chúa, Đấng hằng sống, Thiên Chúa Ba Ngôi mở ra đón chúng ta vào tham dự cuộc sống vĩnh cửu. Vì thế khi người thanh niên giàu có đến hỏi đường đến cuộc sống đời đời (Mt 19,16-22 ; Mc 10,17-22 ; Lc 10,25-28 và 18,18-23) thì sách Tin Mừng kể Chúa Giê-su hỏi / hoặc nhắc anh ta về con đường Thiên Chúa đã dạy dân của Giao Ước ở núi Xi-nai các giới và răn để làm dân của Thiên Chúa, được vào sống trong Đất của Thiên Chúa, thì Chúa Giê-su nhắc anh ta con đường Thiên Chúa đã ban để vào và sống trên Đất Hứa. Anh ta hãnh diện thưa vẫn đi con đường ấy từ thuở ấu thơ đến nay. Nhưng anh khao khát một cái gì hơn nữa, nên anh năn nỉ xin Thầy Giê-su cho biết có còn thiếu gì nữa. Thấy trước mặt mình là một người trẻ đầy khát vọng và chân thành, Chúa Giê-su đem lòng yêu mến anh ta và chỉ cho anh ta con đường mới, nhanh và hiệu quả tức thời : “Anh chỉ còn thiếu một điều : anh hãy đi bán hết những gì anh có và phân phát hết cho người nghèo, như vậy anh có một kho tàng ở trên trời rồi đến đây theo tôi. Nghe lời đề nghị của Chúa Giê-su thì anh liền sụ mặt bỏ đi.” (Mc 10,21-22).

Thật là tội nghiệp. Thiện chí, nhiệt huyết của người trẻ tuổi này đã bị đè bẹp ngay dưới sức nặng của sự giàu có mà anh đang hưởng, khi vừa nghe Chúa đề nghị một sự đánh đổi : đổi sự giàu có của cải vật chất lấy kho tàng trên trời. Kho tàng trên trời không phải là một cái gì trên trời, phải chờ lên trời mới thấy, nhưng là chính Thiên Chúa. Ngay bay giờ và tại đây : Thiên Chúa đã làm người và đang đứng trước mặt anh, yêu mến anh và tha thiết mời anh đi theo sau. Thật là tiếc. Đi tìm kho tàng với cả nhiệt huyết tuổi trẻ, rồi khi gặp thì lại không dám buông cái đang cầm trong tay mà ôm lấy kho tàng. Anh không thể là người con trai Việt Nam đa tình : “Anh còn có mỗi cây đàn, anh đem bán hết anh theo cô nàng”.

Chứng kiến cuộc gặp gỡ này có nhóm Mười Hai người thân cận nhất của Chúa Giê-su, họ chợt bỡ ngỡ về chính mình. Họ khôn hay dại đây, vì họ đã bỏ sự mà theo Thầy ! Tin Mừng Lu-ca kể lời thánh Phê-rô : “Chúng con đã bỏ những gì là của mình mà theo Thầy”. Tin Mừng Mát-thêu kể ông Phê-rô hỏi thêm : “Vậy chúng con sẽ được gì ?” Ông Phê-rô có hỏi hay không, thì chúng ta cũng nhận được lời giải thích mà cả ba sách Tin Mừng nhất lãm đều ghi lại :

Đức Giê-su đáp : “Thầy bảo thật anh em : anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en. 29 Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp. (Mt 19,28-29)

Đức Giê-su đáp : “Thầy bảo thật anh em : Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, 30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đấtgấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau. (Mc 10,29-30)

Người đáp : “Thầy bảo thật anh em : chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa, 30 mà lại không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau. (Lc 18,29-30).

Có vài sự khác biệt lý thú trong bản văn của ba sách Tin Mừng. Mát-thêu kể thêm “được ngự trên mười hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en”, có lẽ để trả lời cho bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đã lén dắt con đi cửa hậu, nói nhỏ với Chúa Giê-su, xí hai vị trí “bên tả bên hữu Thầy” cho hai quý tử của bà. Mười ông kia đâu có mù có điếc, liền tức tối với hai anh em nhà Dê-bê-đê vì vụ xé rào này (x. Mt 20,20-28). Thầy mỉm cười trấn an : cả “đội tuyển” cứ hăng hái thi đấu đi, chưa lãnh giải mà, vội gì ! Khi lãnh giải thưởng thì Thầy sẽ ngự tòa vinh hiển và cả Mười Hai tuyển thủ đều có mỗi ông một cái ngai như nhau. Bây giờ Thầy đã có ngai vinh hiển đâu mà phải vội tranh giành, ganh ghét nhau.

Mát-thêu và Lu-ca đều kể “được gấp bội // Lu-ca thêm “ở đời này”. Chắc ăn !

Nghệ thuật rao hàng, quảng cáo cạnh tranh ngày nay người ta hay mời “mua một được hai” thêm “có thưởng” ngay, hoặc tặng “vé số” để chờ ngày xổ số lãnh thưởng. Thực tế phũ phàng là chẳng ai biết bao giờ họ sổ xố, chờ mút mùa lệ thủy luôn ; cứ như nghe mẹ dỗ mà nín “Tết sang năm mẹ cho…”, rồi mẹ cũng quên mà con cũng chẳng nhớ để đòi ! Nó thành Tết “công-gô” là huề.

Mác-cô (1) kể cụ thể chắc nịch : “ngay bây giờ, ở đời nàyđược gấp trăm”, lại có thưởng đặc biệt nữa đấy : “cùng với sự bách hại”.

Chẳng có người bán hàng nào trên trần gia lại rao hàng kiểu này : mua một được một trăm, lại được thêm món thưởng, chỉ có “Con Đức Chúa Trời, vốn học Cha, quen “cho không biếu không” mới rao như vậy thôi. Cái món thưởng thêm của Chúa mới đặc biệt lạ, chẳng ai trên đời này dám thưởng kiểu đó, người nghe bỏ chạy ngay không dám quay lại nhìn.

Có vẻ như một cách Mác-cô diễn tả mối phúc thứ tám của Mát-thêu (5,10-11).

Dám liều không ?

Ai không dám thì cứ “về quê cũ học cày cho xong”, tiếp tục nếp sống quen thuộc của mình cho yên thân, theo gương người thanh niên giàu có trong sách Tin Mừng, mới nghe liền quay gót tức thời, và những người từng theo làm Môn đệ của Chúa Giê-sunhưng chói tai khi nghe Chúa bảo phải “ăn thịt và uống máu của Thầy” liền rủ nhau : “ghê quá ! dọt lẹ bay ơi !” (X. Gio-an 6,66)

Ai dám thì cứ việc đi ké theo “đội tuyển Mười Hai Người” mà nghe Chúa Giê-su dạy. Bám sát đó nghe, vì có những lúc đang đi với cả đám đông, Thầy Trò người ta bất chợt kéo nhau đi riêng để thì thầm với nhau đấy nhé ! (x. Lc 18,32-34 ; Mc 8,27-33 ; Mt 16,13-28 ; 20,17-19). Có khi về nhà đóng cửa lại rồi Thầy lên lớp chính thức (Mc 9,33-40 ; Mt 13,10-23). Đó lại những lúc quyết liệt, vì thường là lúc Thầy truyền “bí kíp” cho đám đệ tử chân truyền. Hụt là không chỉ mất nửa đời mà mất cả đời người đấy ! Thầy trò rất thoải mái với nhau chứ không nghiêm như các phái võ lâm đâu mà sợ ; trò cứ tự nhiên hỏi lại tuy cũng có khi bị Thầy chê, sao mà chậm hiểu thế ; Thầy thừa biết có ngu, có chậm hiểu mới phải bám theo Thầy chứ. Trách yêu đấy mà ! Vì thấy trò khiêm tốn và ham học (Mc 8,14-21). Nhưng bao giờ Thầy cũng nhắc bài hoặc ôn tồn giảng giải, và nói rõ lý do : nói với người ngoài thì phải dùng dụ ngôn, còn “anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời.” (Mt 13,10-23). Có ông không chỉ hỏi lại mà còn dám kéo riêng Thầy ra, phản đối Thầy quyết liệt đấy. Nhưng ông ấy thật thà thẳng thắn mạnh dạn nhất, bởi vì Chúa đã tín nhiệm giao cho ông ấy săn sóc anh em (x. Mc 8,32-33). Cứ sáp vô mà nghe, không sợ bị đuổi đâu.

Giê-ru-sa-lem, ngày lễ kính Danh Đức Maria, 12/9/2019

Linh mục Giu-se Nguyễn công Đoan, S.J.

(1) Nhà ở Giê-ru-sa-lem, chắc là còn bé giúp cha mẹ bán hàng nên quen phong cách này. Ngày nay mua hàng trong Cổ Thành Giê-ru-sa-lem người bán hàng cũng hay thưởng ngay, tặng thêm ngay một chút gì nhỏ thôi, để lần sau đi ngang thì nhớ và ghé vô mua nữa.

 


Trang Suy Niệm Các Chủ Đề Chung