Những
Nghịc Lý
Của Cuộc
Sống Con Người
Gioan Nguyễn
Chính Kết
Cuộc đời này có rất
nhiều nghịch lý, nhưng lại là những quy luật tự nhiên mà muốn tồn tại và hạnh
phúc thì phải tuân theo: «Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong» . Một
trong những nghịch lý ấy được Đức Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng thánh Marco
(8:35): «Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình
vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy» (Mc 8,35). Điều Ngài nói
thật lạ thường: muốn cứu mạng thì sẽ mất, có liều mạng mới được sống! Nhưng sự
thật là như thế! Người mà lúc nào cũng chỉ nghĩ đến hạnh phúc mình, muốn nắm
chắc hạnh phúc trong tay, và bằng mọi giá tránh tất cả mọi đau khổ xảy đến, thì
hạnh phúc sẽ vuột khỏi vòng tay và sẽ suốt đời lâm vào tình trạng đau khổ.
Cổ nhân có câu: «Ghét
của nào trời trao của nấy» , rất đúng! Ngược lại, người không quan tâm đến
hạnh phúc hay đau khổ của mình mà chỉ mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân và tìm
cách giúp tha nhân khỏi đau khổ, thì người ấy lại hạnh phúc hơn cả và ít phải
đau khổ nhất. Nghe thì thật nghịch tai, nhưng người có kinh nghiệm trường đời
đều nghiệm ra như thế. Nói chung, càng ích kỷ thì càng dễ đau khổ, càng vị tha
thì càng dễ hạnh phúc. Điều ấy rất đúng trong đời sống thực tế, và lại càng
đúng trong lãnh vực tâm linh. Cứ thử sống như thế ta sẽ thấy đúng như vậy.
Con người quá sợ đau
khổ và luôn luôn muốn tránh đau khổ bằng mọi giá, kể cả làm điều xấu, nên con
người đã tự gây đau khổ cho mình và tha nhân. Trái lại, khi con người sẵn sàng
và dám chấp nhận đau khổ để thực hiện điều tốt thì con người mới có được hạnh
phúc lâu dài và đích thực.
Tại sao Đức Giêsu lại
tuyên bố Ngài phải chịu thương khó và tử nạn sau khi các môn đệ tuyên xưng Ngài
là Đấng Kitô? Vì đó chính là lúc thuận tiện nhất để Ngài – với tư cách và uy
tín của Đấng Kitô, cũng là Thiên Chúa – công bố quy luật «vượt qua» hay
mầu nhiệm «vượt qua» đầy nghịch lý của Ngài: phải trải qua tử nạn để sau đó
phục sinh, phải trải qua đau khổ thì mới được hạnh phúc. Chính Ngài là Thiên
Chúa đã chọn cách ấy. Nếu có cách làm nào tốt hơn, khôn ngoan hơn, chắc chắn
Thiên Chúa, Đấng khôn ngoan vô cùng, sẽ chọn cách ấy. Nhưng không có cách nào
khác khôn ngoan và chắc chắn hơn cách này. Muốn cứu cả nhân loại khỏi đau khổ
do tội lỗi, muốn đem lại hạnh phúc cho họ, thì Ngài phải chấp nhận chịu đau khổ
đến tột cùng và chết cách thảm thương nhục nhã. Những người có lý tưởng cứu khổ
xã hội, muốn đem hạnh phúc đến cho mọi người mà lại muốn tránh đau khổ, khó khăn,
thiệt thòi, muốn sống hưởng thụ, ăn ngon mặc sang, được trọng vọng hơn người…
đều là những người ảo tưởng hoặc những kẻ đạo đức giả hiệu.
Nói chung, con người
không muốn hành động theo cách của Thiên Chúa, mà muốn làm theo cách của mình,
nên con người cứ gây ra không biết bao nhiêu đau khổ. Con người có tâm lý «sợ
quả chứ không sợ nhân, tránh quả chứ không tránh nhân» , mà nhân của đau
khổ là sự ác. Làm ác thì có thể được một thứ hạnh phúc rất mỏng dòn và chóng
qua, nhưng hậu quả của nó là đau khổ lâu dài và chắc chắn. Còn làm thiện thì
phải chấp nhận đau khổ, một thứ đau khổ chóng qua nhưng đem lại hạnh phúc bền
vững và lâu dài. Do đó, người khôn ngoan thì «sợ nhân chứ không sợ quả,
tránh nhân chứ không tránh quả» . Nếu đã lỡ gây ra nhân xấu thì luôn sẵn
sàng chấp nhận hậu quả xấu, chứ không tránh nó bằng cách gây nên một nhân xấu
khác. Cố gắng tránh hậu quả xấu bằng cách gây một nhân xấu khác chỉ làm cho
mình lún sâu vào tội lỗi và làm hậu quả xấu ấy trở nên trầm trọng hơn.
Theo Đức Giêsu là đi
vào con đường sống, con đường khôn ngoan đem lại hạnh phúc thật sự. Muốn sống
phong phú, muốn hạnh phúc đích thực và lâu dài thì phải chấp nhận con đường
khôn ngoan của Ngài. Vì thế, Ngài nói: «Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình,
vác thập giá mình mà theo» (Mc 8,34). Nếu có phương cách nào khôn ngoan hơn
chắc chắn Ngài đã không nói như thế! Điều kiện Ngài nói thật rõ ràng: từ bỏ
«cái tôi» ích kỷ của mình và sẵn sàng chấp nhận đau khổ. Từ bỏ «cái tôi» ích kỷ
là không sống vì mình, không đặt quá nặng hạnh phúc hay đau khổ, quyền lợi hay
thiệt hại, thuận lợi hay khó khăn của mình. Thay vào đó, hãy sống vì tha nhân,
quan tâm đến hạnh phúc và đau khổ của tha nhân nhiều hơn. Sẵn sàng chấp nhận
đau khổ là sẵn sàng hy sinh, chịu mất mát, thiệt thòi để tha nhân được hạnh
phúc, được giảm bớt đau khổ… nhất là những người mà ta thường gặp trong đời
sống thường ngày. Cứ thử sống như thế, ta sẽ thấy tâm hồn mình tràn ngập bình
an và hạnh phúc, một thứ bình an hạnh phúc sâu xa khác hẳn với thứ hạnh phúc mà
chúng ta thường tìm kiếm theo lối ích kỷ.
Chúng ta có thể dựa vào
tiêu chuẩn rõ ràng này để biết mình có phải là người thật sự theo Chúa hay
không. Theo Chúa mà không thật sự thực hiện hai điều kiện ấy thì chỉ là theo
Chúa cách «hữu danh vô thực». Nhiều người tưởng mình đang theo Chúa cách
tích cực chỉ vì mình đang là Kitô hữu, là tu sĩ, là linh mục, giám mục, hoặc
đang làm tông đồ, tham gia hội này dòng kia. Nhưng nếu người ấy chưa từ bỏ được
«cái tôi» của mình, ai nói động chạm đến mình là nổi đóa lên ngay, thì
họ chưa phải là người theo Chúa đích thực. Hoặc khi nào phải hy sinh một chút
cho người khác là tìm cách tránh né, từ chối, thì đó chỉ là kẻ giả danh theo
Chúa thôi. Lời Chúa nói thật rất rõ ràng để mỗi người tự xét và tự biết mình trong
việc này.
Tinh thần của Đức Giêsu
trong bài Tin Mừng là như vậy. Ngài đã «từ bỏ mình» một cách triệt để:
từ ngôi vị Thiên Chúa vô cùng cao sang, Ngài đã «từ bỏ mình» đến nỗi trở nên
một người chết nhục nhã như một tên tội phạm. Chính vì «từ bỏ mình» triệt để
như thế, mà Ngài đã trở nên vinh quang nhất, được tôn vinh nhất (x. Pl 2,6-9).
Và Ngài cũng đã «vác thập giá» , chịu biết bao đau khổ ở trần gian này,
nên Ngài đã trở nên người hạnh phúc nhất. Ngài đã làm gương như thế, để chúng
ta, những kẻ theo Ngài, bắt chước. Thánh Phaolô quả quyết: «Nếu ta cùng chết
với Người, ta sẽ sống với Người; nếu ta cùng đau khổ với Người, ta sẽ thống trị
với Người» (2Tm 2,11-12a). Mang danh là theo Ngài, mà sống ngược lại với tinh
thần «từ bỏ mình», «vác thập giá mình» của Ngài, thì ta chỉ là kẻ theo Ngài một
cách «hữu danh vô thực» mà thôi.
Tại sao cuộc sống của
chúng ta hiện nay không hạnh phúc, dù chúng ta được thuận lợi hơn, giàu có hơn,
học thức hơn, mạnh khỏe hơn, đỡ vất vả hơn… biết bao người khác? Và cũng có
những người khó khăn hơn, nghèo nàn hơn chúng ta rất nhiều, thế mà tâm hồn họ
vẫn thanh thản, an lạc, hạnh phúc hơn ta? Chính vì chúng ta chưa «từ bỏ mình»,
vì «cái tôi» của ta vẫn còn lớn quá. Chúng ta mang danh là từ bỏ nhiều thứ,
nhưng cái quan trọng cần từ bỏ nhất là chính «cái tôi» của mình, thì ta
không chấp nhận từ bỏ. Bằng chứng là ai nói động đến ta, đến danh tiếng hay
quyền lợi của ta, là ta phản ứng mãnh liệt. Chúng ta chỉ muốn được đề cao, khen
tặng, tôn vinh, và tìm mọi cách để được như thế. Ta muốn mình phải hơn mọi
người, có ai hơn ta một chút là ta khó chịu và tìm cách dìm họ xuống.
Ta muốn mọi người phải chú ý đến ta, coi ta là
quan trọng, muốn mình phải là «cái rốn của vũ trụ». Chúng ta chỉ muốn sống «vì
mình», «vị kỷ» chứ không «vị tha» , không biết sống «vì người
khác» . Và chúng ta chưa hạnh phúc cũng vì chúng ta không chấp nhận đau
khổ: hơi khổ một chút là ta kêu van, bực bội, khó chịu, và tìm cách trút đau
khổ cho người khác nếu được. Chính vì chúng ta sống như vậy, mà chúng ta mới
đau khổ, đồng thời gây đau khổ cho bao người khác. Điều nghịch lý nhưng luôn
luôn đúng, đó là: chỉ những ai thật sự «từ bỏ mình» và dám chấp nhận đau khổ
mới có được tự do và hạnh phúc thật sự! Hãy thử sống như thế xem, ta sẽ thấy
điều đó rất đúng, đúng như Đức Giêsu đã xác định.