Thánh Phanxicô và mầu nhiệm thập giá Thánh Phanxicô và mầu nhiệm
thập giá
31/03/2012
Thánh Phanxicô có lòng sùng kính thật đặc biệt đối với mầu
nhiệm Nhập thể và mầu nhiệm Thập giá. Hai mầu nhiệm này đều cho ngài cảm nhận
một cách mãnh liệt sự khiêm hạ thẳm sâu của Chúa và tình yêu Chúa dành cho loài
người chúng ta. Thánh Phaolô trong thư Philipphê cũng có cái nhìn như thế:
“ Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải
nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ
vinh quang, mặc lấy thân nôi lệ, trở nên giống người phàm sống như người trần
thế. – Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết
trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Cuộc đời Kitô hữu nào cũng là cuộc đời đi theo Chúa Kitô,
Người là con đường, là sự thật và sự sống. Thánh Phanxicô thì muốn đặc biệt
bước theo Chúa Giêsu nghèo khó, khiêm hạ và chịu đóng đinh.
Thánh giá trong cuộc đời thánh Phanxicô.
Lòng khiêm hạ quảng đại đã thúc đẩy Thiên Chúa tự hạ cho
đến mức tận cùng là sự hiến thân hoàn toàn của Chúa Kitô. Phanxicô ca ngợi lòng
khiêm hạ này, được thể hiện đặc biệt qua sự thương khó cứu độ của Chúa Kitô.
Mầu nhiệm thập giá đi theo thánh nhân suốt cuộc đời, từ khi hoán cải cho đến
lúc từ giã cuộc sống trần gian. Không ai diễn ta nổi, không ai hiểu nổi lòng
sùng kính của ngài đối với thánh giá Chúa; đó là khẳng định mạnh mẽ của Celanô,
người đầu tiên viết truyện thánh Phanxicô (x. 2Cel.203). “Thị kiến” Chúa Kitô
trên tượng thánh giá trong nhà nguyện San Đamianô cất tiếng nói với ngài vào
đầu thời ngài mới hoán cải và chưa biết rõ Chúa muốn ngài phải sống như thế
nào, đã đánh động Phanxicô đến độ cao nhất. Cêlanô nhận xét : “Phép lạ thật lạ
lùng, chưa từng nghe nói đến bao giờ! …Từ giờ phút ấy, tâm hồn chàng đã tan chảy
ra khi nghe tiếng Người yêu dấu nói với mình. Cũng từ đấy, chàng không thể cầm
nước mắt, thậm chí còn khóc lóc lớn tiếng khi nhớ đến Cuộc Khổ Nạn của Chúa
Kitô như thể Cuộc Khổ Nạn ấy hằng diễn ra trước mắt vậy” (2 Cel. 11). Kỷ niệm
sự thương khó in sâu trong tâm trí ngài đến nỗi –theo lời Thánh Bonaventura – “ngài
liên lỉ nhớ tới Chúa Giêsu chịu đóng đinh trong tâm hồn (…). Ngài ước ao được
biến đổi hoàn toàn trong Chúa Kitô chịu đóng đinh. Một trong những việc tôn
kính riêng của ngài là, -trong suốt bốn mươi ngày sau lễ Hiển Linh, tức là thời
gian Chúa rút lui vào trong hoang địa, - ngài cũng tìm kiếm sự cô tịch và giam
mình trong căn phòng nhỏ bé để chuyên tâm cầu nguyện và ngợi khen Thiên Chúa
không ngừng, đồng thời với việc ăn chay nhiệm nhặt hết sức có thể. Ngài dành
cho Chúa Kitô một tình yêu nồng nàn, và Đấng ngài yêu mến đáp lại bằng một lòng
âu yếm thân tình, đến độ người tôi tớ Thiên Chúa nghĩ là mình nhìn thấy sự hiện
diện của Chúa Cứu Thế hầu như liên lỉ. Bản thân ngài đã nhiều lần thố lộ với các
bạn đồng hành của mình về điều đó” (Đại truyện, ch 9, số 2).
Một đề tài suy niệm mà ngài ưa thích chính là mầu nhiệm
Chúa chịu thương khó. Và chính ngài đã soạn ra một bộ kinh Thần tụng về cuộc
Khổ nạn (nay chúng ta gọi là Kinh Vượt Qua). Trong bộ kinh này, Cha Thánh ca
ngợi không những cuộc khổ nạn của Chúa với tâm tình tri ân, nhưng là tất cả
công trình cứu độ của Chúa Kitô, trong đó tình yêu Thiên Chúa đổ xuống trên ta
một cách rạng rỡ.
Tình yêu là động lực.
Những biểu lộ tâm tình được hai sử gia Celanô và
Bonaventura nhắc lại trên đây, không phải chỉ là những rung cảm, những xúc
động, bởi vì cho dù mãnh liệt đến đâu, xúc động và rung cảm cũng vẫn nằm ở phạm
vi tình cảm mà thôi. Tâm tình cảm mến và hơn nữa tâm tình đồng cảm –com-passio-
đã chiếm hết con người Phanxicô. Sự đồng cảm sâu xa này vượt quá phạm vi tình
cảm thuần túy. Cha Kajetan Esser một nhà nghiên cứu có uy tín về linh đạo Thánh
Phanxicô khẳng định: “Phanxicô để cho mầu nhiệm thương khó thấm nhập vào thể
xác và tâm hồn mình và ngài đón nhận nó với tất cả sinh lực của mình” . Còn sử
gia Celanô thì giải thích: “ Người của Thiên Chúa cảm thấy một nhiệt tình say
sưa đối với thánh giá Chúa, dù nơi công cọng hay khi ở một mình. Vừa bắt đầu
phụng sự dưới ngọn cờ của Chúa chịu đóng đinh, thánh giá đã in dấu sâu đậm vào
đời ngài” (3Cel.2) Biến cố Chúa chịu đóng đinh hiện ra với Thánh Phanxicô trên
núi La Verna dưới hình một thiên thần sốt mến và đã in năm dấu thánh trên thân
xác ngài , -đó là một sự xác nhận bề ngoài của Chúa về sự đồng hình đồng dạng
bề trong của Phanxicô với Đấng chịu đóng đinh.
Tất nhiên, con người nhạy cảm đặc biệt nơi Thánh Phanxicô
cũng ảnh hưởng trên đời sống thiêng liêng của ngài. Nhưng tình cảm mà thôi
không thể triền miên chi phối trí khôn và ý chí ngài suốt một cuộc đời khắc khổ
và đầy thử thách như thế. Động lực đích thật là tình yêu, tình yêu nóng cháy
của ngài đáp lại tình yêu vô biên của Chúa. Ngài thường than thở: “Ôi tình yêu
không được yêu!”. Celanô làm chứng cho điều này: “Trong số các từ ngữ sử dụng
trong ngôn ngữ thông thường, ngài không thể nghe đến mấy chữ ‘tình yêu của
Chúa’ mà trong lòng không cảm thấy xao xuyến. Mỗi khi nghe nói đến ‘tình yêu
của Chúa’ lập tức ngài bị thôi thúc, bị kích động, bị đốt cháy; các chữ ấy
giống như một cái phím từ bên ngoài gẩy lên các dây đàn bên trong tâm hồn ngài”
(2 Cel 196).
Khi yêu ai hết lòng, tự nhiên người ta ao ước được nên
giống với người mình yêu, đặc biệt là được cùng chịu khổ (com-passio) với kẻ
ấy, và nếu có thể được, chịu khổ thay cho người ấy. Thánh Phanxicô đối với Chúa
Kitô chịu đóng đinh cũng vậy. Thời gian xảy ra phép lạ Năm Dấu là thời gian Cha
Thánh cầu nguyện dài ngày trên núi La Verna và được hưởng nhiều ơn an ủi của
Chúa. Đặc biệt là vào sáng sớm ngày lễ Suy tôn Thánh Giá 14 tháng 9 năm 1224,
ngài hướng về phía đông mà than thở: “Lạy Chúa Giêsu Kitô của con, trước lúc
qua khỏi đời này, con xin Chúa ban cho con hai ân huệ: một là xin Chúa cho con
cảm thấy trong tâm hồn và ngoài thể xác nỗi đau đớn Chúa chịu trong giờ khổ
nạn; hai là xin cho con cảm thấy trong trái tim con tình yêu vô biên đã nung
nấu Chúa và đưa Chúa đến chỗ chịu một khổ hình lớn lao dường ấy cho loài người
tội lỗi chúng con” (Troisième considération sur les stigmates). Phép lạ Năm Dấu
là lời đáp trả ân cần của Chúa cho bao nỗi khao khát và bao nỗ lực của Phanxicô
để được nên giống với Người trong cuộc thương khó.
Nhìn lên huy hiệu và khẩu hiệu của Dòng Anh Em Hèn Mọn,
người ta có thể biết phần nào nền linh đạo Phan-sinh. Khẩu hiệu đó là: Caritas
(Tình yêu) và huy hiệu là một thập giá với hai cánh tay bắc chéo nhau, một của
Chúa Kitô và một của Thánh Phanxicô sau ngày lãnh Năm Dấu.
Vài hậu quả thực hành.
Việc đi theo Chúa Kitô phải ngang qua mầu nhiệm thánh giá
cứu độ, không còn con đường nào khác; nhưng không được hiểu điều này như một
định mệnh khốn khổ mà như ý muốn thanh luyện mình và đón nhận thánh ý Chúa,
được tham dự vào Mầu nhiệm Chúa Kitô Đấng cứu độ. Nghịch cảnh, đau khổ, từ bỏ
không phải là những điều người Kitô hữu tìm kiếm, nhưng đón nhận chúng khi
chúng đến, coi đó như những cơ hội hiến dâng mình vì lòng yêu mến Chúa và tha
nhân.
Nhưng không có gì lấy mất khỏi chúng ta niềm vui được sống
hiệp thông với Chúa Kitô, và đợi chờ nơi Người ơn cứu độ của chúng ta.
Chúng ta hãy nhắc lại: Thánh Phanxicô không coi việc bắt
chước Chúa Kitô đau khổ trong nhãn giới lập công đền tội. Nhãn giới này vẫn có
thể che dấu một thứ ích kỷ nào đó. Đối với thánh nhân, đây là một sự đáp trả
biết ơn của kẻ, sau khi đã suy gẫm về sự “hủy mình ra không” của Chúa Kitô, tự
cảm thấy bị thúc bách phải bắt chước sự trần trụi hoàn toàn của Chúa bằng đời
sống đền tội.
Nghèo khó, khiêm hạ, phục vụ vô điều kiện, yêu mến cách
riêng những người nghèo khổ bé mọn … là hậu quả tất nhiên của việc thường xuyên
chiêm ngưỡng thánh giá và lòng yêu mến Chúa Giêsu chịu đóng đinh.
Tự kiểm.
1. Là môn đệ của Chúa Giêsu Kitô nghèo khó, khiêm nhường và
chịu đóng đinh, đời sống của tôi hiện nay có gì trái nghịch với đời sống của
Người không?
2. Thánh Phanxicô thường than thở : “Ôi tình yêu không được
yêu lại”. Ca dao Việt
3. “ Khi yêu ai hết lòng, tự nhiên người ta ao ước được nên
giống với người mình yêu, đặc biệt là được cùng chịu khổ (com-passio) với kẻ
ấy, và nếu có thể được, chịu khổ thay cho người. Thánh Phanxicô đối với Chúa
chịu đóng đinh cũng vậy”. Còn tôi?... “Thế ra anh em không thể canh thức nổi
với Thầy một giờ sao?” (Mt 26,40).
4. “Nghịch cảnh, đau khổ, từ bỏ không phải là những điều
người Kitô hữu tìm kiếm, nhưng đón nhận chúng khi chúng đến, coi đó như những
cơ hội hiến dâng mình vì lòng yêu mến Chúa và tha nhân”. Hãy nhìn lại bản thân
về điểm này.
30.3.2012