Tại Sao Chúa Giêsu
Thay Đổi Mọi Thứ: Suy niệm về thập giá
Larry
Chapp
Giới “linh đạo” chạy theo mốt hiện
tại với những người rượt bắt các giấc mơ và các nhà thuốc, các phương pháp
trị liệu theo kiểu Phật giáo “đồ giả” không
biết gì về Chúa Giê-su thực sự.
Khi
tôi còn là một giáo sư đại học, tôi thường yêu cầu các sinh viên của mình chơi
một trò chơi trí tuệ “Điều gì sẽ xẩy ra nếu...”. Tôi yêu cầu họ tưởng tượng
thế giới của chúng ta sẽ như thế nào nếu Đức Giê-su Ki-tô chưa bao giờ tồn tại
và do đó, Kitô giáo chưa bao giờ ra đời.
Tôi
đã làm điều này để phá vỡ sự thù địch của rất nhiều người trong số họ đối với cơ
chế Giáo hội do hàng thế kỷ phạm phải những hành vi sai trái và tội lỗi sâu sắc
của các thành viên khác nhau trong Giáo Hội. Các sinh viên trung thực,
không có ý thức hệ đã phải thừa nhận rằng một thế giới trong đó các giá trị của
những kẻ man di mọi rợ giày xéo và thống trị tối thượng đế chế La Mã khi xưa
còn tệ hại xa, xa hơn nhiều so với nền văn minh do Giáo hội Kitô giáo hình
thành. Tất nhiên, bạn có thể không đồng ý với đánh giá đó, nhưng bạn sẽ
sai khi làm như vậy. Về chủ đề này, tôi đã nhận thấy rằng những người chạy
theo thói quen trí tuệ ấu trĩ của những người như Richard Dawkins[1]
và Christopher Hitchens[2] gần đây không bao giờ bận
tâm nhận ra rằng phần lớn sức mạnh trong sự phê phán một cách dễ dãi của họ về Kitô
giáo lại là một thứ phê phán đạo đức, tập trung bằng nhiều cách, họ cho rằng
Giáo hội Kitô giáo đã trở thành đồi trụy về mặt đạo đức nhưng lại không đưa ra
bất kỳ sự chứng minh nào cho cách nhìn về đạo đức này từ bên trong lối lý luận
ý thức hệ của chủ nghĩa vô thần của họ. Trên nhiều phương diện, tôi nghĩ rằng
bản năng đạo lý của họ là hợp lý, nhưng những lời chỉ trích của họ đối với Giáo
hội - dù đã nói quá đáng và thường không biết gì về tài liệu lịch sử có thật - ít
ra là có cơ sở, dù lỏng lẻo, dựa trên thực tế đáng buồn về tội lỗi của các Kitô
hữu.
Tuy
nhiên, điều họ không nhận thấy là, chính những sự thật đạo lý họ đang viện dẫn,
mà họ tưởng tượng rằng chúng không là gì khác, chỉ là một thứ “cảm thức đạo đức
thông thường” phát sinh từ những lý do thế tục, trong thực tế lại là nguồn cảm
hứng và nguồn gốc Kitô giáo.
Và
nếu đó là sự thật, và chắc chắn là như vậy, thì điều còn lại phải làm là xác định
xem coi những đóng góp cụ thể của Kitô giáo khi xưa là gì và bây giờ là
gì. Nói cách khác, cuộc cách mạng mà Chúa Giêsu thành Nazareth đã tạo ra
là gì, tại sao nó lại làm tan vỡ các cấu trúc quyền lực thống trị của thế giới,
và làm thế nào nó lại có thể thay đổi quan điểm của chúng ta về Thiên Chúa là
ai? Việc Chúa Giê-su rao giảng về sự sắp đến của một “Vương quốc ân sủng”
mới, là không thể nghi ngờ về mặt lý luận. Và những quy định về quyền công
dân mà Ngài thiết lập để được nhận vào Nước trời này là gì? Và làm thế nào
cuộc sống ở Nước trời này lại khiến chúng ta bất đồng với “kẻ cai trị thế gian
này”?
Đây
là những câu hỏi khó trả lời bởi vì chính các tác giả Tin Mừng dường như khá miễn
cưỡng khi làm sao cho hình ảnh của Chúa Giêsu nằm vừa bên trong chiếc hộp “hệ
thống thần học” đã được làm sẵn, khi các ngài nhận ra rằng, tôi ngờ vậy, ngay
khi người ta nhốt một con hổ vào chuồng người ta thực sự không còn có một con hổ
nữa. Sự cám dỗ luôn luôn là làm cho Chúa Giêsu vừa vặn với chính mình, cho
dù phải thông qua một ngàn kiểu tam đoạn luận hay mười nghìn Deepak Chopras[3]. Tôi nghĩ rằng văn
hóa của chúng ta ngày nay thiên về lý luận quá nhiều hơn là tin tưởng, vì quán
cà phê Ki-tô cho phép chúng ta tự gọi mình là “Ki-tô hữu” và sau đó đi giết người,
cho dù là trong các cuộc chiến tranh hoàng gia hay trong các “phòng khám chữa bệnh”
khác nhau của chúng ta. Và Chúa Kitô của các phòng khám chữa bệnh và Chúa
Kitô của các cuộc chiến máy bay không người lái là kết quả của việc biến Chúa
Giêsu cho phù hợp với mình thông qua việc giản lược mang tính văn hóa và chính
trị.
Do
đó, để chống lại sự giản lược này, giản lược Chúa Giêsu thành một chỗ dựa chính
trị (theo nghĩa hẹp của từ đó) hoặc một chỗ dựa văn hóa, các sách Tin mừng
không bị ám ảnh phải tạo ra những khái niệm rõ ràng theo nghĩa tạo ra một hệ thống
các ý tưởng gọn gàng giống như một danh sách có các chấm to đầu dòng của phần mểm
soạn thảo Power Point trong buổi nói chuyện TED[4]. Và tạ ơn Chúa, các
sách Tin mừng đã không làm như vậy vì không có gì quá nhàm chán và khoa trương rỗng
tuếch như một cuộc nói chuyện TED. (Lưu ý bên lề: Tôi đã từng được yêu cầu
nói chuyện ở TED nhưng không biết đó là gì. Tôi nghĩ, “Ted là tên quỉ quái nào
vậy, và tại sao tôi phải nói chuyện với hắn?”). Các sách Tin mừng cũng không
đưa cho chúng ta những biểu đồ hình hộp có tính giáo hội học, có tính tổ chức (các
biểu đồ này rất linh hoạt “như quỷ”, gắn kết và không thể làm cho đơn giản hơn
được, chúng là vị đắng, giống như vị đắng của cây Ngải tây, khiến cho mọi thứ trở
thành ruột thịt với nhau), thay vào đó, những
gì các sách Tin mừng cung cấp cho chúng ta là các gợi ý tham chiếu về một hòn “Đá
tảng” và một loại “các chìa khóa” cần được sử dụng nhân danh một Thiên Chúa được
đổi tên mà không cần một thể thức tay ba bí ẩn nào, thậm chí không có trong lời
giải thích thần học sơ đẳng nhất.
Tuy
nhiên, đây không phải là một lập luận chống lại việc xây dựng các giáo thuyết
và ban bệ sau này trong Giáo hội, vì Chúa Giêsu chắc chắn không phải là một nhà
giảng thuyết chống lề luật hoặc chống cơ chế theo thuyết Ngộ đạo bí truyền, bất
kể những người chống Do Thái tinh vi ngày nay nói gì. Chủ nghĩa bài Do
Thái ngấm ngầm ẩn núp bên dưới quan điểm này rằng Chúa Giêsu giống như một loại
người Do Thái chống Do Thái, và như một người truyền bá chủ nghĩa tâm linh được
cung cấp dưới dạng bánh quy giòn của Cracker Barrel[5], cũng lâu đời như Marcion[6] và tươi trẻ như của “The
View”[7]. Để chắc chắn, như
tôi nói ở trên, Chúa Giêsu không thể được làm cho vừa vặn với con người bằng
cách giản lược Ngài vào các hệ thống thần học gọn gàng. Nhưng đó không phải
là vì Ngài đã phản đối thần học. Đó là bởi vì NGÀI LÀ thần học. Chúa
Giê-su không “làm nổ tung các phạm trù” như một người đả phá tín ngưỡng lâu đời. Ngài
CHÍNH LÀ phạm trù. Và Ngài cũng không phải là Oprah Winfrey[8] ở thế kỷ thứ nhất và Ngài
không bao giờ kết hợp phép ngụy biện rỗng tuếch của cửa hàng đồ cổ với những món
hàng mẫu quảng cáo đem cho miễn phí trên chiếc xe lừa kéo.
Giới
“linh đạo” chạy theo mốt hiện tại với những người rượt bắt các giấc mơ và các
nhà thuốc, các phương pháp trị liệu theo kiểu Phật giáo “đồ giả” không biết gì về Chúa
Giê-su thực sự. Thật vậy, những sự hiếu kỳ trong phòng khách thời thượng
hiện nay chỉ là phiên bản Ivy League[9] của thứ Tin mừng về thịnh
vượng, hoàn thành với những lời hứa giải độc cơ thể thông qua việc uống chất lỏng
màu xanh lá cây kỳ cục không rõ nguồn gốc. Giê-su + Tinh dầu = Một viên đá
cát kết nâu trong Park Slope[10].
Đủ
thứ vô nghĩa như vậy. Khi nói đến các Tin mừng, chúng ta thấy thay vì là một
Chúa Giêsu kiên vững vô cùng, và khi chúng ta đến gần Ngài, chúng ta như chạy đâm
đầu vào một bức tường mà thoạt đầu dường như không thể xuyên thủng được đối với
thứ linh đạo thay thế và sự đòi hỏi hợp lý khô cứng của chúng ta. Ngược lại,
hình ảnh xuyên thấu và tan nát mà các Tin Mừng trình bầy chính xác là một hình ảnh,
và logic của nó (“sự thật” của nó) được lồng vào trong tính thẩm mỹ sâu sắc của
một người bị đóng đinh, bị hạ nhục, đi xuống và bước vào sự im lặng của kẻ chết
để đoàn kết với họ. Và các Tin mừng nói rõ rằng việc đi xuống thế giới chơi
bời phóng đãng đang tan rã này, bước vào mùi hôi thối đang âm ỉ cháy của Satan,
chính là điều kiện cho vinh quang tiếp sau. Việc đóng đinh và đi xuống cõi
chết không chỉ là “công việc mào đầu thuần túy”, hay một trát lệnh tòa án mang
tính thần học phải gánh chịu, một cách khắc kỷ, để đáp ứng một thứ khát
máu thú tính nào đó của Thiên Chúa trước khi ban thưởng cho Đức Giê-su Tấm Vé Vàng. Đó
là quan điểm cho rằng gia đình Kitô hữu giống như đôi cánh chim bị giam hãm
trong vòng đen tối, sau đó người ta tiếp tục rao giảng rằng chúng ta không phải
vác Thánh giá vì Chúa Giêsu đã làm điều đó thay cho chúng ta rồi. Bây giờ
chúng ta chỉ cần trả lại những gì chúng ta đã lấy, mở một túi thịt lợn ra và tận
hưởng cuộc sống phục sinh của chúng ta giống như tận hưởng Thế giới Disney bất
tận vậy. Chúng ta làm điều này, mặc dù thực tế là chính Chúa Giêsu nói rõ
với chúng ta rằng chúng ta cũng cần phải vác thập giá mình để đi theo Người.
Không,
Thập giá của Chúa Kitô không chỉ là mào đầu. Đó không phải là hành vi xoa
dịu chỉ mang tính pháp lý phải làm, tiếp theo là sự miễn tội và sự ban phát vô
vàn những món quà chia tay. Thật ra, đó là sự mặc khải về bản chất sâu thẳm
nhất của Thiên Chúa, là sự thể hiện của một Thiên Chúa hằng hữu dưới dạng con
người, trần thế, bị ràng buộc theo thời gian. Nhưng chính đời sống nội tại
của Thiên Chúa được phơi bày rõ nhất theo cách tàn bạo này, và điều này có ý nghĩa
gì?
Chúa
Giê-su nói “Ai thấy ta là thấy Cha”. Theo Tin Mừng, để “thấy” Chúa Giê-su
phải nhìn vào Thánh Giá. Không phải chỉ nhìn vào Thánh Giá mà không nhìn
vào những điều khác (vì sự Phục sinh cũng là một phần của sự kiện này), nhưng nhìn
tập trung vào Thánh Giá, như một trọng tâm. Chính là để thấy sự Phục sinh
trong Sự đóng đinh và thông qua Sự đóng đinh, đó là lý do tại sao Chúa Kitô phục
sinh mãi mãi là “Con Chiên bị giết chết” và cơ thể phục sinh của Ngài vẫn mang
dấu vết tra tấn lố bịch. Thánh giá tiết lộ cho chúng ta rằng Thiên Chúa, là
tình yêu, không gì khác hơn là ân ban thuần khiết. Ngài trao ban như vậy. Ngài
là sự hy sinh hạ mình xuống và tự làm rỗng mình vì lợi ích của người khác như
thế. Đây là bản chất của những gì là Thiên Chúa Ba Ngôi, và do đó cũng là
bản chất của cuộc sống thần linh đó trong chúng ta và là cùng đích chân thực nhất
của bản chất chúng ta. Ngài không “sở hữu” những thuộc tính này giống như
bạn và tôi có đức tính này hay đức tính kia. Ngài chính LÀ những thuộc
tính đó.
Chúa
Kitô mạc khải Thiên Chúa; Chúa Kitô là Thiên Chúa; và Chúa Kitô vĩnh
viễn được sự đóng đinh của Ngài ghi dấu. Vì vậy, chúng ta cũng phải được ghi
dấu như vậy. Đây là tiêu chí để được vào Nước Trời mà tôi đã đề cập khi bắt
đầu. Đây là ý nghĩa của mùa Phục sinh. Chúng ta không phải là “những người
phục sinh”, như đám người chuộng tâm lý kiểu Enneagram[11] và thích trò chơi ma quái
bí ẩn Pottery Barn Chalice thông tin cho chúng ta. Nếu chúng ta cần phải phục
sinh thì đó là để vào Nước Trời này, Nước Trời của “thập
giá và phục sinh”, chứ không phải là để vào một thứ Vương quốc mang
dáng vẻ của sự thoải mái trưởng giả. Chúng ta không được “cứu thoát” chỉ
vì chúng ta đã đưa ra một sự đồng ý mơ hồ và chỉ có trên danh nghĩa với một mệnh
đề thần học, mà sau đó chúng ta gọi là “đức tin”. Nếu chúng ta cần phải phục
sinh chút nào, điều đó nghĩa là chúng ta sẽ bị đóng đinh rồi mới được
phục sinh. Không có con đường nào khác. Tưởng tượng rằng có một con
đường khác thì chính xác đó là dấu hiệu của Tên Phản Ki-tô. Joel Osteen[12] và Paula White[13] được Tổng thống của chúng
ta lắng nghe. Nhưng họ từ chối con đường Thánh giá và nắm lấy con đường của
Thần tiền bạc. Cả hai đều có hàm răng hoàn hảo và họ là những kẻ phản
Ki-tô.
Đây
là lý do tại sao tôi là một Nhân viên Công giáo. Và đó là lý do duy nhất để
trở thành một Nhân viên Công giáo. Sống gần gũi nhất chừng nào có thể với Bài
giảng trên Núi, là một bài giảng mà nghịch lý thay chỉ được soi sáng bởi cái
bóng gieo trên Thập giá. Đây là thông điệp liên tục của Dorothy Day[14] và Peter Maurin[15]. Chúng ta không phép
được tâm linh hóa Bài giảng trên núi đến mức lệnh truyền rõ ràng của nó: kitô hữu
từ bỏ con đường của Thần tiền bạc, con đường thâu tóm, con đường bạo lực, bị đặt
cách xa chúng ta bởi một loạt các hàng rào gai, như chúng ta tự nói với mình rằng
“sự hoàn hảo” như thế chỉ dành cho các tu sĩ mà thôi. Còn chúng ta, chúng
ta được cho biết, phải sống trong “thế giới thực”, nơi không thể áp dụng cái
món lý tưởng này.
Nhưng
chúng ta tự an ủi bản thân rằng mình cũng có một ngàn “thánh giá” nho nhỏ, thật
ra những thập giá đó chỉ là loại dầu cù là êm dịu dễ sử dụng hơn và có thể
thích hợp với lối sống của chúng ta hơn. Tôi rất có tội về điều
này. Rất nhiều. Tội lỗi. Nhưng điều có nghĩa đó là một ngàn
“thánh giá” nho nhỏ ấy không thực sự là thánh giá chút nào, nhưng trong cuộc sống
của chính mình, tôi thấy điều ngược lại đáng kinh ngạc: vở diễn tự yêu mình thái
quá lại đóng vai “tôn giáo” dưới một hình thức thoái hóa theo kiểu đánh cược của
Pascal, ở đó tôi tự thuyết phục mình rằng nếu tôi ít nhất có thể bắt chước “hy
sinh” theo kiểu còn có thể kiểm soát được, thì điều đó có nghĩa là tôi đang hy
sinh. Hoặc, ít nhất, để thuyết phục bản thân rằng nếu tôi tiếp tục đóng
vai “một người sống vì những người khác” thì có lẽ đến một ngày nào đó tôi sẽ
là như vậy, bất chấp những bằng chứng vô cùng trái ngược. Giống như Peter
Sellers[16] trong tác phẩm “Ở đó”: mà tôi thích
xem. Tôi tiếp cận cuộc sống như một khán giả, nghĩa là tôi tiếp cận với
Chúa như một khán giả, nghĩa là tôi không tiếp cận với Chúa chút nào.
Thánh
giá không bao giờ là dễ dàng. Nó ghê tởm và xấu xí, một biểu tượng của một
thứ tra tấn, bất công và tàn bạo tồi tệ nhất. Nhưng nó là biểu tượng trung
tâm của đức tin của chúng ta. Đó là con đường duy nhất để chúng ta đến được
sự phục sinh và đến được Nước Trời. Mỗi ngày cánh cổng đó và con đường đó ngày
càng hẹp hơn đối với tôi. Hẹp hơn theo nghĩa là tôi dường như không thể ở
lại trên con đường đó, hoặc thậm chí vào một số ngày, không thể tìm thấy con đường
đó. Thật khó khăn đến mức nào để thực sự chết cho chính mình, tự lột bỏ
chính mình khỏi tất cả các ngẫu tượng đang gào thét (như mèo cắn nhau) của
chúng ta, và ngăn chặn điệu bộ kiêu căng của chúng ta khi chúng ta tìm cách
thao túng và bẻ cong người khác cho phù hợp với nhu cầu của chúng
ta. Chúng ta giống như bà già ở Địa ngục trong câu chuyện của Dostoevsky,
bám vào củ hành thối đó và thích củ hành thối hơn các vinh quang Thiên đàng. Chúng
ta nghĩ rằng cái “ông già” trong con người chúng ta thì giống như bằng da rắn
mà chúng ta có thể lột ra, “và một ngày nào đó tôi sẽ lột ra , hãy để tôi làm
cho xong điều này...”
Thật
khó để chết. Nhưng đó là lý do tại sao ân sủng của Vương quốc mới Đức Kitô
bắt đầu bằng cái chết của Thiên Chúa trên Thập giá. “Một trong Ba Ngôi đã chết”,
vì thế những người xưa kia chống Nestorius[17] nay thắng thế. Họ đùa
giỡn với lạc giáo, nhưng không đáng kể gì. Trong thực tế, điểm chính trong
cái nhìn sâu sắc của họ sẽ khiến tất cả chúng ta khóc vì vui mừng khi chúng ta
gần đến cuối mùa Phục sinh này.
Dorothy
Day và Peter Maurin, cầu cho chúng tôi.
+
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con.
Phê-rô
Phạm Văn Trung, dịch.
https://www.catholicworldreport.com/
[1] ND: Giáo sư người Anh, nhà sinh học
và vô thần. Ông ta viết cuốn sách thuộc loại bán chạy nhất, Ảo Tưởng Về
God (The God Delusion), năm 2006, trong đó viết, “Có thể là
không làm gì có Thiên Chúa. Quẳng gánh lo sợ đi và sống thoải mái”, và thêm rằng
càng suy nghĩ nhiều thì người ta sẽ càng không còn tin vào Thiên Chúa [của Ki
Tô Giáo] nữa.
[2] ND: Xác định là một người ủng hộ của phong
trào vô thần, Hitchens tự mô tả mình như một người vô thần và một tín hữu trong
các giá trị triết học của thời Khai sáng. Năm 2007, cuốn sách God Is Not Great
khiến ông được gọi là nhà vô thần số một của Hoa Kỳ.
[3] ND: Chopra là nhà văn viết về sự duy linh và triết lý sống. Cho đến nay,
ông đã cho ra đời hơn bốn mươi cuốn sách thuộc hàng bán chạy nhất và kinh điển,
trong đó phải kể đến Ageless Body, Timeless Mind, Creating Affluence, Quantum Healing,
Unconditional Life, Perfect Health và Return of the Rishi. Các tác phẩm của ông là sự hòa trộn giữa
các yếu tố vật lý và triết học, thực tế và tinh thần, giữa minh triết
phương Đông và khoa học hiện đại phương Tây. Deepak Chopra được tạp chí Time bình chọn là một gương mặt trong 100 anh
hùng của thế kỷ.
[4] ND: (Technology,
Entertainment, Design - Công nghệ, Giải trí, Thiết kế)
là một tổ chức truyền thông đại chúng chuyên đăng tải những phần nói chuyện, nhấn
mạnh vào công nghệ và thiết kế, nhưng nó đã mở rộng trọng tâm của nó bao gồm
các cuộc thảo luận về nhiều chủ đề khoa học, văn hoá và học thuật.
[5] ND: là một chuỗi nhà hàng Mỹ, thực đơn
Cracker Barrel dựa trên các món ăn truyền thống của miền Nam Hoa Kỳ.
[6] ND: một nhân vật của Kitô giáo sơ khai, tự
coi mình là môn đồ của sứ đồ Phaolô, người mà ông cho là sứ đồ thực sự
duy nhất của Chúa Giêsu Kitô. Các giáo phụ như Justinô, Irênê
và Tertullianus đã tuyên bố Marcion là dị giáo vì chứa đựng những
quan điểm của thuyết Ngộ đạo.
[7] ND: là một chương trình trò chuyện của Mỹ,
được phát sóng trên ABC, thảo luận về "Chủ đề nóng" trong ngày,
như tin tức xã hội và giải trí.
[8] ND: Oprah Gail Winfrey là một nữ giám đốc
truyền thông, diễn viên, người dẫn chương trình trò chuyện, nhà sản xuất truyền
hình và nhà từ thiện người Mỹ.
[9] ND: là một liên đoàn thể thao bao gồm tám cơ
sở giáo dục đại học ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ.
[10] ND: là một khu dân cư có các con phố rợp bóng
cây, những ngôi nhà đá cát kết nâu lịch sử ở Brooklyn. Nơi đây được biết đến với
cộng đồng các gia đình và người trẻ đi làm có tư duy cởi mở.
[11] ND: là một hệ thống phân loại tính cách toàn
diện có nguồn gốc từ Hy Lạp, trong đó ”Ennea” là số 9 và “Gram” nghĩa là “bản vẽ
đồ thị”. Hệ
thống Enneagram giúp chúng ta hiểu những ưu nhược điểm trong tư duy, cảm xúc,
hành vi cũng như khả năng thích nghi của bản thân để tập trung phát huy đúng
năng lực lãnh đạo.
[12] ND: là nhà lãnh đạo tôn giáo nhưng sống giàu
có và xa hoa.
[13] ND: là một nữ mục sư giàu có, từ chối Thiên
Chúa Ba Ngôi, khẳng định quan điểm rằng Chúa Giê-su Ki-tô không phải là con duy
nhất của Thiên Chúa. Vào tháng 11 năm 2019, Trump đã bổ nhiệm White làm cố vấn
đặc biệt cho Sáng kiến Đức tin và Cơ hội tại Văn phòng Liên lạc
Công cộng.
[14] ND: là một nhà báo, nhà hoạt động xã hội và
người vô chính phủ người Mỹ, sau một thời tuổi trẻ phóng túng, đã trở thành một
tín hữu Công giáo mà không từ bỏ bất kỳ hoạt động xã hội và vô chính phủ nào.
Cô ấy có lẽ là người cấp tiến chính trị nổi tiếng nhất trong Giáo hội Công giáo
Hoa Kỳ.
[15] ND; là người đồng sáng lập phong trào Công
nhân Công giáo với Dorothy Day, là một nhà hoạt động xã hội Công giáo người
Pháp, nhà thần học.
[16] ND: là một diễn viên điện ảnh, diễn viên hài
và ca sĩ người Anh. Ông đã đóng trong loạt phim hài của đài BBC Radio The
Goon Show, đặc trưng với hàng loạt ca khúc hài, và đã trở thành nổi tiếng
trên toàn thế giới thông qua nhiều bộ phim của ông, trong đó có vai Chief
Inspector Clouseau trong phim bộ The Pink Panther Show.