Lạy Chúa, Chúng Con
Tôn Thờ Thánh Giá Chúa
Suy Niệm Lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa
(Ga 3, 13-17)
Phụng vụ Giáo hội hàng năm, dành ngày 14 tháng
9 để mời gọi con cái mình cử hành lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa Giêsu với niềm vui
vì được ơn cứu độ. Ngày này, Thánh Giá được trình bày không phải dưới khía cạnh
khổ đau, hay nặng nề thiết yếu của cuộc sống cần phải vác theo Đức Kitô, nhưng
dưới khía cạnh vinh quang, như cái cớ để những người tin vào Chúa Giêsu tự hào
và không có khóc lóc.
Cử Hành Với Niềm Vui
Thánh Giá, một khí cụ man rợ và khủng khiếp
nhất trong lịch sử nhân loại người Do thái dùng làm hình khổ để đóng đanh Chúa
Giêsu, nhưng Người đã biến nó thành phương thế để cứu độ thế gian. Từ đó, Thánh
Giá trở nên Niềm Hy Vọng độc nhất trong Vinh Quang toàn thắng của Đức Kitô, ban
tặng cho con ngươi hồng ân tha thứ và mọi phúc lành. Vì thế, “chúng ta phải hãnh diện về thập giá Đức Giêsu
Kitô, Chúa chúng ta. Nơi Người, ta được giải thoát, được sống và được sống lại;
chính Người giải thoát và cứu độ ta” (Ca nhập lễ).
Điều này được phản ánh trong các bài đọc.
Thánh Phaolô coi Thánh Giá là động lực lớn lao để “tán dương”
Chúa Giêsu : “Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và
chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một
danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” (Pl 2, 8-11). Còn theo
thánh Gioan thì Thánh Giá như là khí cụ để cứu độ con người: “Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào,
thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì
không bị tiêu diệt muôn đời” (Ga 3, 14). Nên hôm nay Giáo hội
cử hành lễ suy tôn Thánh Giá với niềm vui vì được ơn cứu độ.
Nhìn ngắm Thánh Giá, chúng ta sẽ khám phá ra
câu chuyện của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại nói chung và cách riêng
mỗi người chúng ta.
Câu chuyện tình yêu
Khi suy tôn Thánh Giá, Giáo hội, Hiền Thê yêu
dấu nhìn lên Thánh Giá nơi treo Chúa Giêsu vị Phu Quân của mình, chân tay đanh
nhọn đâm thâu, cạnh sườn lưỡi đòng đâm thủng, máu cùng nước chảy ra làm cho
Giáo hội nhớ đến ngày mình được sinh ra từ cạnh sườn Chúa với tất cả tình yêu,
lúc Chúa ngủ trên Thánh Giá. Bởi theo thánh Ambrosiô, lúc Ađam đang ngủ Thiên
Chúa đã lấy xương sườn của ông để tạo dựng Evà thế nào, thì lúc Chúa Giêsu chết
nằm trên Thánh Giá, Giáo hội cũng được sinh ra từ Trái Tim bị đâm thủng của
Chúa Giêsu như vậy, và Giáo hội tưởng nhớ đến tình yêu dâng trào ấy.
Thật không thể hiểu nổi Thiên Chúa yêu thương
chúng ta biết chừng nào : “Yêu thế
gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16), mặc dù biết trước Con mình sẽ bị đóng đinh, được
giương lên cao khỏi đất như “Con Rắn Đồng” trong sa mạc. Thật là một sự hy sinh
lạ lùng, không thể nào hiểu thấu, mà thánh Phaolô phải diễn tả bằng một cách
khác để bổ sung: “Thiên Chúa đã không tha cho
chính Con Một của mình, nhưng phó nộp Người vì chúng ta hết thảy." (Rm
8,32). Người đã yêu chúng ta bằng tình yêu vô bờ bến,
tình yêu thương xót và thứ tha, khi “sai
Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế
gian, nhờ con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,17).
Đây chính là câu chuyện về ơn cứu độ của chúng
ta, câu chuyện tình của Chúa
Cha, chuyện tình của Chúa Con, câu chuyện của Thánh
Giá. Giảng trong Thánh lễ sáng thứ ba ngày 15/03/2016, tại
nguyện đường Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nói : "Nếu muốn biết ‘câu chuyện tình’ mà Thiên Chúa
dành cho nhân loại, chúng ta phải ngắm nhìn Thánh Giá, nơi ấy có một vị Thiên
Chúa đã hoàn toàn ‘trút bỏ vinh quang’, sẵn sàng bị ‘vấy bẩn’ bởi tội lỗi con
người để cứu con người khỏi chết. Vị Thiên Chúa ấy sẽ hủy diệt vĩnh viễn cái
tên xấu xa đích thực của sự dữ mà Sách Khải huyền gọi là ‘con rắn xưa’. Tội lỗi
là việc làm của Satan. Nhưng Đức Giêsu đã chiến thắng Satan. Ngài đã tự hạ mình
xuống, trở thành hiện thân của tội để nâng con người lên". Mầu nhiệm Thánh Giá diễn tả
tình yêu vô bờ bến, tình yêu không thể nào mô tả được của Thiên Chúa đối với
nhân loại.
Trong lịch sử cứu độ, con rắn được nhắc đến
lần đâu tiên trong Sách Sáng Thế và lần cuối cùng là trong Sách Khải Huyền. Rắn
là loài vật mà theo Kinh Thánh mang một biểu tượng mạnh mẽ của sự nguyền rủa,
của tội lỗi (x.St 2,) và một cách mầu nhiệm cũng là biểu tượng của sự cứu chuộc.
Trong hành trình sa mạc. Dân chúng không muốn đi trong cảnh lương thực ít ỏi
như thế nữa. Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê. Chúa cho rắn bò ra làm hại
những kẻ cứng lòng không tin, để gieo rắc sự sợ hãi và cái chết cho đến khi dân
chúng biết chạy đến nài xin Môsê sự tha thứ. Thiên Chúa lại truyền cho Môsê đúc
một con rắn đồng treo lên cây gỗ, để tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con
rắn đó, sẽ được sống. Thật là mầu nhiệm, mầu nhiệm ở chỗ : Khi dân hối hận,
Thiên Chúa không giết chết các con rắn, nhưng Ngài để chúng đó. Nếu có con rắn
nào làm hại dân chúng, chỉ cần họ nhìn lên con rắn đồng thì sẽ được cứu. Giương
cao con rắn lên.
Con rắn tượng trưng cho tội lỗi. Con rắn giết
hại người ta nhưng nó cũng chữa lành. Và đó chính là mầu nhiệm của Đức Kitô.
Thánh Phaolô nói: "Đức Giêsu là Đấng chẳng biết tội là gì, thì Thiên Chúa
lại biến Người thành hiện thân của tội." Như vậy cách nào đó, Đức Giêsu
chính là con rắn được giương cao lên. Bài đọc I ngày lễ chất chứa cái nhìn có
tính tiên tri: Chúa Giêsu như là hình ảnh con rắn," hiện thân của tội
lỗi", đã được giương cao lên để cứu độ con người. (x. Trích bài giảng lễ
thứ ba n 15/03/2016, tại nguyện đường Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô).
Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con tôn thờ Thánh
Giá Chúa, vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc trần gian. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ