NGÔI NHÀ HẠNH PHÚC

 

 “Sống thử”, cụm từ thế kỉ mới gây cực sốc đã trở thành bình thường hóa với lối sống thực dụng đương đại. Thực tế, không phải giới trẻ ngày nay sống thử mà đúng hơn là sống ngoài hôn nhân. Sống thật chứ không còn sống thử. Sống để thỏa mãn cảm xúc, đòi hỏi dục tính, không màng đến phẩm hạnh, đạo đức. Do vậy, loại trừ cả những tai hại khôn lường, giới trẻ mặc nhiên sống hôn nhân ngoài hôn nhân. Biết bao thai nhi vô tội chưa kịp mở mắt chào đời đã vĩnh viễn tan hòa vào lòng đất. Đó chính là thảm trạng xé lòng của Giáo hội, Xã hội.

          Có lẽ thế giới nên ngồi lại, đặt vấn nạn vì sao thế hệ trẻ khó giữ trinh tiết để đưa ra biện pháp khắc phục hữu hiệu. Tại sao việc sống ngoài hôn nhân lại trở thành trào lưu, dấy lên làn sóng xô bồ với tần số ngày một tăng không thể dập tắt? Có phải vì lối sống văn minh, với não trạng tôn trọng quyền tự do của con người thời đại đã đến mức vô độ? Họ tự cho mình quyền tự do làm điều mình muốn, chỉ làm điều mình thích, dẫn đến hậu quả mọi hành vi ứng xử vượt tầm kiểm soát? Phương tiện truyền thông, thông tin liên lạc quá tiện nghi, đầy đủ, gây nên hậu quả khôn lường?

          Thật ra, tất cả chỉ là biện hộ. Càng tự do, con người càng thể hiện cách trưởng thành phẩm chất. Chủ nghĩa hưởng thụ thống trị con người và thế giới, bỏ qua chuẩn mực đạo lý, luân thường. Như vậy, đâu phải Thượng đế gieo bất hạnh, như nhân loại xưa nay vẫn thường đổ tội mà đúng hơn thế giới tự làm khổ mình. Tự chuốc lấy bất hạnh và bước đi trong bất hạnh, buông bỏ bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Sống khiết tịnh là một ơn gọi, không phải tự nhiên ai cũng có thể thủ đắc. Khiết tịnh tiên vàn là ân huệ nhưng không Thiên Chúa ban tặng cùng với sự đáp trả quảng đại, tự nguyện của con người. Đây cũng chính là điểm phân biệt giữa con người có lý trí, ý chí, tình cảm, tự do với thọ tạo khác. Khó nhưng không phải không thể với ơn ban của Thiên Chúa. Khi đã lạm dụng tự do, để tự do thống trị, con người không làm chủ ước muốn, dục vọng thái quá, đổ lỗi cho Thiên Chúa là điều không thể chấp nhận.

          Thế nhưng, nguy hiểm hơn, ngày nay không chỉ thanh thiếu niên trẻ người non dạ mà người lớn già người nhưng vẫn non dạ. Bao nhiêu trẻ em thơ nhi vô tội có được chào đời? Trớ trêu thế đấy, kẻ làm người cũng khóc, kẻ không được làm người cũng khóc. Người được sống cũng khóc mà người không được sống cũng khóc. Hình như hiện diện của sự sống trên cuộc đời này đã hàm chứa nỗi khổ đau, mất mát. Kẻ có tội khóc đã đành, tại sao người công chính cũng khóc?

          Nước mắt là gì, tại sao nó luôn tồn tại với cuộc đời như vậy? Thiên Chúa, Đấng An Bình đến để lau khô mọi giọt lệ nhân loại, Đấng đã lấy nước mắt của mình khóc thay nhân loại mà tại sao ngày ngày nước mắt vẫn cứ rơi? Tại sao chỉ trên thiên quốc, mọi giọt lệ mới được chữa lành? Điều gì đã biến cái an bình vĩnh cửu của ngày địa đàng thành biển trần gian ngập tràn đau thương, mất mát?

          Cái lạ, làm người ai cũng muốn sống đời địa đàng nhưng trái ngang là tự họ biến đời mình nên địa ngục. Nạn bạo hành trong hôn nhân gia đình ngày ngày gióng lên những hồi chuông thống thiết réo gào lòng nhân thế giới. Những hành vi phi nhân đạo, gây tổn hại đến nhân phẩm, đạo đức con người ngày càng báo động. Hình như ai đau lòng cứ đau lòng, ai khóc cứ khóc, ai lo lắng cứ lo lắng, còn kẻ ăn chơi hưởng thụ thì vẫn hưởng thụ.

          Tốt hơn hết, nhân loại đừng hỏi Thiên Chúa ở đâu, mà hơn cả hãy hỏi nhân loại để Thiên Chúa nơi nào trong cuộc sống? Một hành vi có Thiên Chúa bao giờ cũng ưu tiên cho yêu thương và tôn trọng. Khi con người đánh mất tự trọng, là lúc thế giới sự dữ và tội lỗi chiếm ngự.

          Con Thiên Chúa làm người không loại trừ đau khổ ra khỏi thế giới, Ngài đã ôm tất cả đau khổ bệnh tật nghèo khổ vào mình để dạy con người ý nghĩa mầu nhiệm đau khổ. Đau khổ khiến người ta trưởng thành chứ không thể làm cho họ chết đi. Thế nhưng, đau khổ là một mầu nhiệm, cho nên khó được đón nhận để hiểu. Đau khổ này cứ thế tiếp nối khổ đau khác, đối diện với mất mát khổ đau người ta hoài nghi sự hiện diện của Thiên Chúa. Quằn quại với cuộc sống, nhân loại quên mất mầu nhiệm thinh lặng mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã chọn làm con đường cứu chuộc nhân loại. Sự thinh lặng âm thầm của Cha thánh Giuse, sự chiêm niệm lắng nghe của Mẹ Maria…. Những thinh lặng thánh đã cùng với Thiên Chúa làm nên lịch sử cứu độ.

          Cuộc đời mỗi người chúng ta là những trang thinh lặng, nếu như chúng ta muốn cùng Thiên Chúa làm nên lịch sử. Tương lai phía trước vẫn luôn là một bức màn bí mật, không ai biết được ngày mai, ánh hừng đông mỗi người đều tùy thuộc Thiên Chúa. Quá khứ được sang trang mỗi ngày, mỗi phút trôi qua là từng thời khắc bức màn bí mật được tỏ hiện. Bất kể ai làm người cũng đều phải đối diện với thinh lặng đó. Quan trọng là trong từng khoảnh khắc được vén mở, con người có thái độ, hành động thế nào? Tin hay không tin, đón nhận hay không đón nhận?

          Cứ làm theo điều Thiên Chúa muốn, là chìa khóa mang đến hạnh phúc vĩnh hằng. Nhưng biết được thánh ý Ngài không phải dễ. Biết và thi hành lại còn là cả một hành trình. Hành trình ấy trải rộng cho đến suốt cuộc đời, khi đã hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa mới là hậu kết.

          Hành trình đức tin không bao giờ bằng phẳng, làm vật vã những ai dấn bước trên đó. Điều với con người thực sự khó nhưng với Thiên Chúa không gì không thể. Tội lỗi, sự chết, bệnh tật không làm con người bất hạnh, chỉ khi nào con người đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa mới thực sự bất hạnh. Vì Thiên Chúa có bao giờ thôi không thương yêu con người. Có phải họ giàu có, lành mạnh, hạnh phúc, Thiên Chúa mới yêu? Nhưng Ngài yêu nhân loại ngay từ khi “họ là”. Thế giới loay hoay với danh vọng, bạc tiền, khổ đau, mất mát… đến độ quên đi cùng đích cuộc đời. Cùng đích ấy là gì – là được Thiên Chúa yêu thương.

          Lạy Chúa, mái ấm Thánh gia, là mái nhà hạnh phúc nhất mà nhân loại khao khát và chỉ có một! Ngôi nhà ấy hạnh phúc không phải vì không có nghèo đói, vất vả, gian nan, nhưng là vì từng thành viên nơi ấy biết sống cho hạnh phúc của nhau, cùng nhau hy sinh, san sẻ niềm vui nỗi buồn, gánh vác trách nhiệm và bổn phận với nhau, cho nhau. Không thể có tổ ấm thánh nếu từng thành viên không thánh. Xin giúp con có được ngôi nhà hạnh phúc, để con có cơ hội yêu thương và được yêu thương. Xin Thánh gia Thất, bổn mạng các gia đình công giáo, ngự trị luôn mãi trong gia đình thế giới, giúp chúng con được cùng với các Ngài sống thánh trong mái ấm của mình. Tổ ấm không còn là tổ lạnh, địa đàng không là địa ngục, nhưng là nơi mọi người biết sống cho nhau và vì nhau. Nước mắt không còn của riêng ai nhưng là của cả gia đình khi mọi người biết chung vai gánh vác gầy dựng ngôi nhà hạnh phúc.

 

M. Hoàng Thị Thùy Trang.


Mục Lục