SUY NIỆM VÀ CẦU
NGUYỆN
Chúa nhật lễ Thánh
Gia Thất, 28.12.2003
Bài đọc I
Trích sách Huấn ca (3,3-7.14-17a)
Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm,
ai kính mẹ thì tích trữ kho báu.
Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái,
khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe.
Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ,
ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng.
Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến
tuổi già ;
bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn
tủi.
Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông,
chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.
Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị
quên lãng,
và sẽ đền bù tội lỗi cho con.
Suy niệm 1
Một trong những nền tảng của gia đình là đạo hiếu, là lòng thảo hiếu
của con cái đối với cha mẹ, của hàng hậu duệ đối với ông bà tổ tiên, của kẻ hậu
sinh đối với các bậc tiền bối.
Trong mười điều răn Chúa, điều răn “thảo kính cha mẹ” đứng hàng thứ hai
sau điều răn “thờ phượng Thiên Chúa”, điều đó chứng tỏ rằng Thiên Chúa đòi hỏi
phận làm con phải có nghĩa vụ như thế nào đối với cha mẹ của mình. Cũng dễ hiểu
thôi, vì Thiên Chúa là Cha, và người cha người mẹ trần thế là phản ánh của Cha
trên trời.
Sách Huấn ca ghi : Chúa muốn cho con cái thảo kính cha và phục quyền
mẹ, “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu”. Nhưng đó
mới chỉ là một phần hoa quả của đạo hiếu, hoa quả dành cho người con, kẻ hậu
sinh, có lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, đối với các bậc tiền bối của mình, một
thứ hoa quả mang tính cách riêng tư.
Tích cực hơn, khi người Kitô hữu biết thể hiện lòng thảo hiếu đối với
cha mẹ mình đang còn sống, biết bày tỏ lòng kính nhớ, biết ơn đối với các bậc
tiền nhân đã khuất, việc làm đó có tác dụng truyền giáo to lớn trong bối cảnh
xã hội Việt Nam vốn luôn tôn trọng chữ hiếu. Không ai không biết hậu quả tai
hại của việc cấm đoán sự thờ kính tổ tiên đối với công cuộc rao giảng Tin Mừng
trên đất nước chúng ta trước đây. Và ngày hôm nay, việc cho phép con trai –
nhất là con trai cả – gia nhập Hội Thánh Công Giáo để kết bạn trăm năm, vẫn còn
là một thử thách lớn đối với nhiều gia đình bên lương vì các bậc cha mẹ, họ
hàng, nghĩ rằng cho phép như thế là chối bỏ tổ tiên ông bà.
Ý thức được tầm quan trọng của đạo hiếu trong công cuộc loan báo Tin
Mừng ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa là
nguồn mạch của mọi thình phụ tử.
Cầu nguyện
Lạy Cha toàn năng, chúng con đang quỳ đây
trước Thánh Thể Chúa Giêsu Con Cha, Đấng không những đã thí mạng sống mình để
cứu chuộc chúng con, không những đã thiết lập Bí Tích Tình Yêu này để ở với
chúng con mọi ngày cho đến tận thế, mà Người còn để lại cho chúng con gương
thảo hiếu với Cha trong sự vâng phục tuyệt đối thánh ý của Cha, đến nỗi thánh ý
của Cha trở nên “lương thực của Người” (Ga 4,34). Xin Cha ban cho mỗi người
chúng con, dầu ở trong ơn gọi tu trì hay sống bậc hôn nhân gia đình, là mục tử
hay giáo dân, là cha mẹ hay con cái, là già hay trẻ, cũng biết noi gương Đức
Giêsu, Con Cha, Chúa chúng con, để sống hiếu thảo với các bậc sinh thành của
mình, thể hiện đạo làm con một cách chân thành và tích cực, làm cho những đồng
bào bên lương không còn cho rằng người công giáo Việt Nam xa lạ với truyền
thống dân tộc, để nếu họ tin theo Cha, họ thấy được rằng : không những họ không
mất mát điều gì, mà còn được nhiều hơn nữa trong nghĩa vụ thảo hiếu đối với ông
bà tổ tiên của mình. Amen.
Thánh ca : “Lắng nghe Lời Chúa” (phiên khúc 1)
Bài đọc II
Trích thư thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu
Côlôsê (3,12-21)
Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển
lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu,
khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong
anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh
em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính,
anh em phải có lòng bác ái : đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình
an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh
em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.
Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi
dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để
tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài
thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói
gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa
Cha.
Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới
xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay
nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp
lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã
lòng.
Suy niệm 2
Đoạn thư của thánh Phaolô Tông Đồ gửi cho tín hữu Côlôsê mà chúng ta
vừa nghe công bố phác họa cảnh một gia đình Kitô hữu như lòng Chúa mong ước. Đó
là cảnh một gia đình êm ấm thuận hòa, vì mọi thành viên trong gia đình biết yêu
thương, phục tùng, nhịn nhục, thông cảm, tha thứ, vâng phục. Trong gia đình này
luôn có sự hiệp nhất và bình an. Do đâu mà được như vậy ? Đó là vì Lời Chúa tìm
được nơi gia đình này một môi trường thuận lợi để thâm nhập, để sinh hoa kết
quả. Đó cũng là vì trong gia đình này Đức Giêsu có một vị trí trung tâm, để mọi
người trong gia đình có làm gì hay nói gì thì cũng đều làm và nói nhân danh
Người. Có Đức Giêsu thì cũng có Thánh Thần của Người. Thánh Thần làm cho cuộc
sống gia đình luôn vui tươi hạnh phúc để từ nơi đây luôn vang lên những khúc ca
tạ ơn Thiên Chúa.
Và chắc chắn một khi Lời Chúa đã tỏa sáng trong gia đình ấy thì cũng sẽ
lan tỏa ra nơi láng giềng hàng xóm, thường gồm những gia đình bên lương. Như
thế là gia đình Kitô hữu hạnh phúc kia, một cách nào đó, chia sẻ hạnh phúc của
mình cho những người chung quanh, và bằng chứng tá đời sống hiền lành, nhân ái,
gia đình ấy trở nên một gia đình thừa sai, loan báo Tin Mừng ngay trong môi
trường sống của mình, theo lời dạy của Đức Phaolô VI trong Tông huấn Loan báo
Tin Mừng : “Gia đình, cũng như Giáo Hội, có nghĩa vụ làm một không gian cho Tin
Mừng được truyền đạt tới và để Tin Mừng từ đó tỏa ra” (52).
Được vinh dự chia sẻ chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô, chúng ta hãy sốt
sắng cầu nguyện với Người.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, sự hiện diện của Chúa trong Gia đình Nadarét
ngày xưa đã biến gia đình này trở thành một tổ ấm đáng cho mọi gia đình nhân
loại mơ ước. Nhưng còn hơn thế, Gia đình Nadarét, vì có Chúa hiện diện, đã trở
nên mẫu gương cho mọi gia đình Kitô hữu noi theo. Xin Chúa thương nhìn đến các
gia đình chúng con còn yếu đuối chưa thật sự tỏa sáng Tin Mừng của Chúa. Xin
Chúa làm cho mọi người, không chỉ là những đôi bạn Kitô hữu, mà nhất là những
vị đảm trách mục vụ gia đình, những vị được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói
đến trong Tông huấn về Gia Đình, biết nỗ lực làm cho các gia đình Kitô hữu “trở
thành nơi đào tạo nhân đức”, trong hiền hòa và phục vụ, trở thành nơi an ủi cho
tất cả những ai gặp đau thương thử thách, trở thành chứng tá của Tin Mừng cứu
độ, bắt đầu từ Năm Thánh Truyền Giáo này. Amen.
Thánh ca : “Lắng nghe Lời Chúa” (phiên khúc 2)
Tin Mừng
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca
(2,41-52)
Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền
Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên
đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn
cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là
cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám
bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem
mà tìm.
Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con
trong Đền thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai
nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.
Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người : "Con ơi,
sao con lại xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải
cực lòng tìm con !". Người đáp : "Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ
không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?". Nhưng ông bà không
hiểu lời Người vừa nói.
Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở
về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả
những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu thì ngày càng khôn lớn, và được Thiên
Chúa cũng như mọi người thương mến.
Suy niệm 3
Gia đình Công giáo còn một nét đẹp khác có sức thu hút đối với anh chị
em ngoài Công giáo, đó là việc đi lễ nhà thờ. Đây không phải là việc hằng năm
như ngày xưa Gia đình Nadarét đã làm. Nhưng đây là việc người Công giáo thực
hiện hằng tuần, thậm chí hằng ngày nữa. Không ít người ngoài Công giáo thắc mắc
: tại sao người Công giáo thích đi lễ, cái gì làm cho người Công giáo say mê đến
độ ngày nào cũng đến nhà thờ mà không thấy chán … Đó là chưa nói đến những
chiều thứ bảy, những ngày Chúa nhật và những dịp lễ trọng khác, khi mà cuộc
sống trong xã hội diễn ra bình thường, đếu đặn, gần như không có gì thay đổi,
ngày nào cũng giống ngày đó, thì người Công giáo lại có rất nhiều dịp để tụ
họp, chỉnh tề khắn áo, lũ lượt kéo đến các nhà thờ. Cảnh tượng đó làm sao không
gây sự chú ý – và hơn thế, cả sự thèm muốn nữa – nơi anh chị em bên lương ?
Có hai vấn đề cần được đặt ra. Trước hết, làm thế nào để việc đi lễ
không trở thành một việc làm máy móc, được thực hiện một cách vô ý thức. Chắc
chắn người tín hữu chúng ta không phải vì bị ép buộc mà phải đi nhà thờ. Do đó,
thái độ chúng ta cần có là hân hoan vì được trở về Nhà Cha, được gặp lại anh chị
em, được cùng nhau chia sẻ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể, cùng nhau
cất cao lời kinh tiếng hát chúc tụng tạ ơn Cha chúng ta. Chắc chắn khi chúng ta
biểu lộ niềm tin như thế trên đường đi lễ hay trở về nhà, anh chị em ngoài Công
giáo phải suy nghĩ về hạnh phúc được làm con cái Chúa.
Vấn đề thứ hai là chúng ta không được có hành động phản chứng. Không gì
làm cho anh chị em bên lương chê cười chúng ta cho bằng những hành vi, những
thái độ nghịch với Tin Mừng. Siêng năng đi nhà thờ nhưng không biết nhường
nhịn, không biết chấp nhận đôi chút thua thiệt, không biết thông cảm tha thứ …
Đọc kinh, hát thánh ca nhiệt tình, nhưng vẫn lo tìm ngày lành tháng tốt, vẫn
cậy nhờ vào bói toán, phong thủy, thay vì đặt trọn niềm tin cậy nơi Chúa. Làm
sao anh chị em ngoài Công giáo có thể tin đạo của những người chỉ sống đạo bên
ngoài như thế được.
Nhìn lại gương Gia đình Nadarét thuở xưa, hằng năm trảy hội lên
Giêrusalem với tất cả lòng yêu mến hân hoan của những người hành hương tìm về
Nhà Thiên Chúa, nhớ lại thái độ của Trẻ Giêsu ý thức bổn phận của mình nơi Nhà
Cha, chúng ta hãy khiêm tốn cầu xin.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin thêm đức tin cho chúng con, để những hành
vi thờ phượng của chúng con không làm cớ cho các anh chị em bên lương chê cười
đạo Chúa ; nhưng xin cho những hành vi đó trở thành lời rao giảng Tin Mừng của
Chúa, lời mang đến cho các anh chị em ấy niềm vui và sự ngưỡng mộ, như là bước
khởi đầu đưa họ đến với Đức Tin. Amen.
Thánh ca : “Lắng nghe Lời Chúa” (phiên khúc 3).