DÕI BƯỚC THÁNH GIA
Lm. Phaolô Phạm Công
Phương
Nói đến gia đình là nói
đến cha mẹ và con cái. Thánh Giuse là chủ gia đình Nazaret, trong đó có Mẹ
Maria và Chúa Giêsu. Sự thành hình của Thánh Gia như thế nào, có thực sự là một
gia đình hay không, và có tác động gì trên các gia đình hôm nay?
I. THÁNH GIA, MỘT GIA ÐÌNH TRONG Ý ÐỊNH CỦA THIÊN CHÚA
Như bao chàng trai và cô
gái khác trong làng Nazaret, Giuse và Maria cũng mang những ước mơ của tuổi mới
lớn, đặc biệt ước mơ ở tầm mức vợ chồng. Thật là điều tự nhiên và bình thường
khi Tin Mừng nói Maria đã đính hôn với Giuse. Có lẽ ước vọng làm vợ, làm mẹ đến
với Maria cũng rất tự nhiên, còn Giuse cũng muốn tìm gặp một người am hợp với
mình để cùng xây dựng tổ ấm hạnh phúc. Thực tế mà nói thì Giuse và Maria đã kết
hôn, Kinh Thánh gọi đó là cuộc đính hôn nhưng sự đính hôn theo pháp luật của xã
hội Do Thái thời đó đã là đăng ký kết hôn rồi. Giuse đã là chồng của Maria, và
Maria đã là vợ của Giuse nhưng chưa về chung sống với nhau vì chưa cử hành tiệc
cưới.
Thế rồi biến cố truyền
tin đã làm đảo lộn ước mơ và dự tính ban đầu của Maria và Giuse. Nếu Thiên Chúa
không can thiệp kịp thời thì có lẽ mầu nhiệm Nhập Thể đã không xảy ra qua một
người nữ có tên Maria. Maria, một thôn nữ rất đạo đức, trước tình cảnh ấy đã
nhận ra ý định và chương trình cứu độ của Thiên Chúa qua con người và cuộc đời
mình. Maria thắc mắc về cuộc hôn nhân của mình với Giuse có tiếp tục trong
chương trình làm người của Con Thiên Chúa nữa không? "Ðối với Thiên Chúa,
không có gì là không thể thực hiện được!" (Lc 1, 37). Câu trả lời của
thiên sứ đã làm Maria an tâm, tin tưởng vào sự sắp xếp của Thiên Chúa trong
thân phận một nữ tì khiêm hạ sẵn sàng ưng thuận để Thiên Chúa hành động. Vì thế
Maria mang thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần nhưng nàng không tự mình hủy bỏ
cuộc hôn nhân với Giuse. Trái lại, trước mầu nhiệm cao cả ấy, Giuse đã muốn hủy
bỏ cuộc hôn nhân với Maria nhưng Thiên Chúa lại muốn Giuse đón nhận Maria, vợ
chàng, về nhà mình.
Như thế đó, từ lúc hiểu
được chương trình cứu độ của Thiên Chúa, cuộc hôn nhân của các ngài không còn
qui chiếu vào tính dục nhưng vẫn hướng đến những vai trò và chức năng khác của
gia đình, gia đình Nazaret, mà ngày nay chúng ta gọi là Thánh Gia.
II. THÁNH GIA, MỘT GIA ÐÌNH KHÁC BIỆT
Phải nhận là Hội Thánh
khá táo bạo mới dám đưa Thánh Gia Thất ra làm gương mẫu cho các gia đình ngày
nay vì Thánh Gia không phải như những gia đình khác.
Chúa Giêsu là con loài
người, con của gia đình Nazaret nhưng Ngài cũng là Con Thiên Chúa. Chính Ngài
cũng đã dần dà ý thức điều đó đã cho cha mẹ mình hay khi các vị đến tìm Ngài
trong đền thờ. Ðức Maria thụ thai Ðức Giêsu do quyền năng Thánh Thần nên vẫn
còn đồng trinh, và thực sự vẫn ở đồng trinh sau khi cưới hỏi và sinh con. Còn
Thánh Giuse, bàng hoàng trước ý định cao cả của Thiên Chúa nhưng đã cúi đầu
chấp nhận và nhường chỗ cho Thiên Chúa qua vị hôn thê của mình.
Trong một điều kiện khác
biệt như vậy, chúng ta chẳng lạ gì khi người thời nay chối từ một gia đình kiểu
như thế. Họa chăng là chỉ để tôn thờ Thánh Gia chứ chẳng thể mà bắt chước sống
như vậy đâu!
Ấy vậy mà ngày nay cũng
đã xuất hiện nhiều kiểu gia đình. Có những gia đình chỉ có cha hoặc chỉ có mẹ
như trường hợp ly dị hoặc không kết hôn nhưng sinh con và nuôi dạy con cái. Có
những gia đình góa bụa hay bị bỏ rơi mà trong đó con cái mồ côi cha hoặc mẹ,
hoặc không cần biết đến cha mẹ. Có những gia đình gồm tới ba hay bốn thành phần
qua phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, ngân hàng tinh trùng, mang thai hộ.
mà trong đó chưa chắc họ đã biết tương quan với nhau thế nào: con của ai, ai là
mẹ. Ấy là chưa kể mai kia nếu sinh sản vô tính được áp dụng ở người thì khủng
khiếp biết chừng nào! Dù chấp nhận hay không, các loại gia đình này cũng đã
xuất hiện, thế thì tại sao con người thời nay lại có khuynh hướng từ chối gia
đình Nazaret?
Phải chăng gia đình của
thánh Giuse đã tương đối hóa tính dục? Tuy nhiên xét theo căn bản, Thánh Gia
vẫn là một gia đình.
III. THÁNH GIA, MỘT GIA ÐÌNH ÐÍCH THỰC
A. Gia đình, một cộng đồng xã hội
Dưới góc cạnh xã hội, gia
đình là một cộng đoàn các cá nhân, là dạ cưu mang con người, là tế bào nguyên
thủy và là chiếc nôi của xã hội.
Gia đình Nazaret hội đủ
những điều kiện ấy. Ðức Giuse, Ðức Maria và Ðức Giêsu tạo nên một xã hội bộ ba
khởi đi từ gia đình gồm cha mẹ và con cái. Cộng đồng chung sống Nazaret chịu sự
chi phối của luật lệ Do Thái thời bấy giờ, chứ không phải sự sống chung không
giá thú như một số khuynh hướng của con người thời nay đang thịnh hành. Mặc dù
Ðức Giêsu không phải là con đẻ của Ðức Giuse nhưng Ngài cần một người cha và
cần được lớn lên trong gia đình Nazaret. Qua sự trưởng thành của Ðức Giêsu,
chúng ta cũng thấy được sự quan trọng của hình ảnh người cha, Ðức Giuse, trong
việc xây dựng nhân cách của một trẻ nam. Hầu chắc cái nhìn của trẻ Giêsu về
người cha Giuse cũng tiến triển theo các định luật tâm sinh lý về một cái nhìn
đồng hóa, thán phục xen lẫn đối kháng trước một con người có tầm cỡ khác thường
là cha của mình.
Gia đình đóng một vai trò
không thể thay thế trong xã hội khi đứa con được tượng hình rồi mở mắt chào
đời. Khi vào đời trẻ Giêsu bị tách biệt khỏi lòng mẹ, lạ lẫm trước một thế giới
xa lạ nhưng nhờ có gia đình là dạ cưu mang mới, là chiếc nôi an toàn để lớn lên
trong xã hội. Ðối với trẻ Giêsu, gia đình là bào thai tinh thần và tôn giáo.
Thực vậy, Ðức Giuse và Ðức Maria cũng đã phải hiệp lực dày công dạy dỗ để trẻ
Giêsu có được một lòng đạo đức sâu sắc khi ở lại trong đền thờ, một hiểu biết
bén nhạy tại các hội đường và một tay nghề vững chãi giữa trường đời.
Như thế nơi gia đình, mọi
người chúng ta đều thấy mình trong tương quan với một người khác. Khi chung
sống, cha mẹ dần dần học biết nhường chỗ cho nhau trong suốt cuộc đời, đón nhận
nhau và đón nhận người khác với tất cả cái giàu có lẫn nghèo nàn của họ, với
tất cả những gì khác biệt và hấp dẫn. Con cái cần tình yêu và nhân cách của cha
mẹ để đạt tới một tầm vóc trưởng thành. Nói chung, gia đình là một "sự
hiệp thông giữa các ngôi vị "và đó là tình yêu của một gia đình đích thực.
B. Gia đình, cộng đồng tình yêu và chung thủy
Thánh Gia Nazaret thật
khác biệt với gia đình chúng ta nhưng không thể nói các Ngài không có tình yêu
và sự âu yếm vì gia đình Nazaret cũng là một cộng đồng tình yêu và chung sống
cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Thông thường, việc làm
chủ của một con người trên những rung động, ước muốn của thân xác là một vấn đề
muôn thưở và khó khăn vì cám dỗ và sa ngã rất dễ xảy ra. Ðức Giuse phải có một
tầm vóc thiêng liêng đặc biệt để vừa đảm nhận ơn gọi gia đình, vừa nhường chỗ
cho Thiên Chúa trong thân xác và tâm hồn của Ðức Maria, mà không cảm thấy bị
tước đoạt hay cắm sừng, nhưng trong tình âu yếm và yêu thương đến cùng. Người
chồng, người cha trong gia đình thời nay cũng phải vững vàng, mực thước trong
tình yêu vợ chồng và con cái, mới có thể sống ơn gọi gia đình đến cùng.
Nhờ "suy đi nghĩ lại
đến cùng" về các lời Thiên Chúa mà Ðức Maria sống được tình yêu Thiên Chúa
và gia đình qua các biến cố. Nhìn vào cuộc sống của Ðức Maria, không ai có thể
phủ nhận tình yêu của nàng đối với chồng con. Ðức Maria đã dệt tình yêu lên tất
cả mọi công việc lặt vặt không tên của một người nữ trong gia đình Nazaret. Ðức
Maria đã là một người vợ như bao nhiêu người nữ khác với một người nam, thích
nghi với cuộc sống của người nam và phấn đấu để được sự cảm thông và tự chủ
trước những rạo rực của thân xác.
Ngoài ra còn phải kể đến
tình yêu hy sinh quên mình của Ðức Maria. Người mẹ phải chấp nhận để con cái xa
rời mình đi đến chỗ tự lập, nghĩa là tự xóa mình trong chỗ nhất của trái tim
người con. Ðức Maria đã không giữ con của mình lại cho mình nhưng biết chỗ đứng
của mình trong cuộc đời hoạt động của Ðức Giêsu. Nơi Ðức maria, việc làm mẹ
theo thể xác dần dần nhường chỗ cho việc làm mẹ theo tinh thần Tin Mừng như vấn
nạn Ðức Giêsu đã đặt ra: "Ai là mẹ tôi, ai là anh chị em tôi?" (Mt
12, 48). Ðó cũng là qui luật của tình yêu và sự sống mà Tin Mừng sánh ví như
hạt giống phải mục nát đi để trổ sinh bông trái, người mẹ phải đau đớn để đứa
con được chào đời, phải quên mình để đứa con được trưởng thành. Ðó lại không
phải mẫu mực cho con người thời nay phải trải qua gian khổ và hy sinh để gìn
giữ hạnh phúc chung thủy trong tình yêu hay sao?
Còn Ðức Giêsu, chỉ cần
tóm tắt cuộc đời Ngài trong hai chữ "vâng phục" cũng đủ cho thấy tình
yêu của ngài đối với Chúa Cha và đối với cha mẹ trần gian. Sự vâng phục ấy biểu
lộ cho đến kỳ cùng (Pl, 6-8) cũng cho ta suy đoán tình yêu ngoan ngùy đối với
cha mẹ trần gian như Tin Mừng viết về Ngài là vẫn "suy phục hai ông
bà" dù biết mình còn phải làm công việc Chúa Cha (Lc 2, 51). Người con
không thể sống mãi dưới sự ấp ủ của cha mẹ, cũng như cha mẹ không thể ôm ấp mãi
người con trong vòng tay. Ðức Giêsu đã lớn lên trong nhân cách mà ngay cả cha
mẹ Người cũng trưởng thành trong tình cảm đối với người con. Tình cảm trưởng
thành ấy nơi Thánh Gia Nazaret không giảm sút nhưng được tôi luyện phong phú
hơn. Ðiều này lại chẳng giàu ý nghĩa đối với các trẻ em ở mọi thời hay sao, khi
sự sống và tăng trưởng của các em còn đặt để trong maí ấm gia đình.
C. Gia đình, cộng đồng đón nhận và phục vụ sự sống
Ngày nay các cặp vợ chồng
tự ý không muốn có con cũng không phải là ít, với nhiều biện minh khác nhau,
nhưng đó không hẳn là điều tự nhiên. Từ chối sinh con và nhất là từ chối đón
nhận sự sống là biểu lộ nỗi lo sợ sự sống, sợ có người thứ ba đến chia sớt hạnh
phúc của riêng họ, sợ có đông người phá vỡ công ăn việc làm của họ. Thực ra
tình yêu chân chính luôn dẫn đến sự sống, mở ngõ cho sự sống tràn vào. Ước muốn
làm mẹ và muốn có con được ghi khắc cách bình thường nơi thân xác lẫn trái tim
người nữ. Thế mà đôi khi họ không dám thú nhận mình có nhiều con và muốn có
thêm con vì sợ cái nhìn thiên kiến của xã hội hơn là xác tín của mình.
Như đã nói, gia đình
Nazaret không đặt trọng tâm vào tính dục nhưng lại là gia đình biết đón nhận và
phục vụ sự sống mới. Cha mẹ không tạo ra sự sống nhưng chỉ tuân theo những qui
luật của Ðấng Tạo Hóa để cho sự sống đến rồi đón nhận sự sống, bảo trì và phát
triển sự sống ấy. Ðức Maria cũng phải can đảm và xác tín lắm mới dám để thai
nhi lớn lên trong lòng dạ mình, còn Ðức Giuse, khỏi cần nói cũng thấy được tình
yêu mang tính anh hùng đến mức nào rồi.
Gia đình thời nay có thể
nhìn vào Thánh Gia để hiểu rằng con cái là cơ may, là hồng ân cho cha mẹ. Ðứa
con đi vào đời sống của hai vợ chồng, dù được họ mong muốn hay không, vẫn giúp
họ thoát khỏi sự khép kín, mở lối cho họ vào tương lai và dẫn họ đến với những
người khác. Cơ may và ân sủng không hiển nhiên có được nếu không có những từ
bỏ, những mất mát mà đôi khi còn cần tới một ý chí anh hùng mới dám đón nhận vô
điều kiện một đứa con bị thương tật về tình cảm, trí khôn hay thân xác. Dĩ
nhiên các bậc cha mẹ còn phải để ý đến sự tiết độ trong đời sống gia đình để
thi hành chức năng của mình trong tinh thần khôn ngoan, sáng suốt và có trách
nhiệm.
Thánh Gia Nazaret vừa có
sự tương hợp, vừa khác biệt với gia đình chúng ta, phải chăng đó cũng là nét
biểu trưng cho các gia đình về một thực tại cánh chung đang được hình thành
từng bước ngay từ hôm nay.
IV. THÁNH GIA, MỘT GIA ÐÌNH MẪU MỰC HÔM NAY VÀ MAI HẬU
Lý do con người thời nay
muốn dập tắt tiếng nói của Thánh Gia Nazaret quanh đi quẩn lại chỉ vì Thánh Gia
không đặt nặng tính dục như người ta đang làm hiện nay. Như thế gia đình
Nazaret càng là dấu chỉ và tiếng gọi cho các gia đình hôm nay và mai sau.
Ai có thể chối bỏ được
tính dục?
Chắc chắn là không có ai
đâu! Kể cả gia đình Nazaret. Maria Noel nói khôi hài nhưng rất chí lý khi so
sánh Thiên Chúa không phải là một ông thánh. Bởi ông thánh có thể dựng nên con
bồ câu mà không thể dựng nên con rắn và chắc chắn là ông sẽ không dựng nên
những con đực và con cái vì ông sợ mùa xuân khuấy động xác thịt của chúng ta.
Ngay cả những người đi tu không hẳn là "diệt dục" theo nghĩa loại bỏ
phái tính, nếu thế thì không còn là con người đúng nghĩa nữa, song đi tu là
biết điều khiển tính dục cho đúng hướng. Như thế, tính dục là một thực tại nhân
bản rất quan trọng nhưng nó cũng không phải là quan trọng hơn tất cả, ít nữa là
ở trên trời, người ta đâu còn dựng vợ gả chồng như là lời khẳng định của Ðức
Giêsu (Lc 20, 35).
Con cái của sự sống lại
trở thành bất tử đâu cần đến hôn nhân để bảo đảm cho sự trường tồn của nhân
loại. Hơn nữa, trong Nước Trời, tình yêu trọn vẹn đến nỗi con người không cần
một sự kết hợp "cả hai nên một thân xáx" như trong hôn nhân nữa. Thế
nhưng, chúng ta đang sống trong thời gian, sinh tử nối tiếp nhau nên cần có hôn
nhân để có người nối dõi và cùng tiến về đời sau. Trong cái nhìn đó, Thánh Gia
Nazaret là một dấu chỉ báo trước cho tất cả các gia đình về một tình yêu sung
mãn sẽ được hoàn tất trong Nước Trời.
Chính vì thế, gia đình
Nazaret làm chứng cùng lúc cho bậc hôn nhân và cho bậc độc thân vì Nước Trời,
tóm lại là làm chứng cho Tình Yêu. Theo các nhà phân tâm, ngay cả đối với một
đôi vợ chồng hạnh phúc thì tình yêu thành công nhất vẫn để lại một sự thích thú
nào đó chưa hoàn thành. Hoặc đúng hơn, trong khi được hoàn thành, tình yêu nhận
ra như còn muốn vượt xa hơn nữa vì người bạn đời của họ cũng chỉ là thụ tạo
không thể lấp đầy khát vọng quá lớn của trái tim, dù nó được yêu thương đến đâu
đi nữa.
Như thế tình yêu chỉ có
được tất cả chiều kích của nó khi hướng mở về Thiên Chúa, Ðấng có thể thỏa mãn
mọi khát vọng sâu xa của con người. Tình yêu hôn nhân có thể và phải dẫn tới
nguồn mạch tình yêu là chính Thiên Chúa mà đời đôi bạn là hình ảnh. Còn tình
yêu độc thân vì Nước Trời như đang "sống trước" tình yêu của Ðấng là
tất cả mọi sự cho mọi người.
Dù rằng còn xa với gia
đình Nazaret đi nữa, các gia đình chúng ta hôm nay vẫn mang dấu vết Thánh Gia
Nazaret. Trong khi nỗ lực đạt được hạnh phúc đời này, các bậc vợ chồng không
dừng lại ở đó nhưng muốn tiến đến một hạnh phúc vĩnh cữu và thật tròn đầy thì
Thánh Gia Nazaret là một hình ảnh báo trước sự chung sống mai hậu ấy.
Bước vào Thiên Niên Kỷ
thứ Ba, kỷ niệm 2000 năm Con Thiên Chúa làm người trong gia đình Nazaret, một
sự kiện quan trọng như thế cần được suy niệm và dõi bước nơi mỗi gia đình chúng
ta.
Dù chúng ta sống ở bất cứ
bậc nào, gia đình hay lý tưởng linh mục độc thân cũng hãy nhìn vào Thánh Gia
Nazaret, xem các ngài tự xóa mình thế nào trước Chúa Giêsu để dẫn đưa chúng ta
đến với Con của các ngài, và cũng sẽ cảm thấy Chúa Giêsu tự xóa mình trước Chúa
Cha hầu dẫn đưa gia đình chúng ta đến với Chúa Cha trong quyền năng của Chúa
Thánh Thần.