“Khôn
như rắn và đơn sơ như bồ câu”
Suy niệm đầu Năm QUÝ
TỴ
Trước ngưỡng cửa năm mới Quý Tỵ, không những
báo chí, mà hầu như ai ai cũng nói về rắn: rắn trong những mẩu chuyện hài hước
dí dỏm dễ thương; rắn, nghiêm túc hơn, dưới góc độ khoa học, y học, văn học,
kinh tế, … và cả góc độ tôn giáo nữa. Là Kitô hữu, tôi cũng tìm thấy trong Kinh
Thánh một số đọan đề cập tới rắn. Nhưng trong bài suy niệm này, tôi ưu tiên tập
trung vào ý nghĩa biểu tượng của RẮN trong linh đạo Chúa Giêsu.
1. Chính Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Này Thầy sai anh em đi như chiên ở giữa bầy sói (nửa a của Mt 10, 16).
Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn
sơ như bồ câu (nửa b của Mt 10, 16). Lu-ca cũng ghi lại nửa a của
câu Phúc Âm Mat-thêu về chiên và sói (Lc 10, 3), nhưng chỉ Mát-thêu ghi thêm
nửa b về rắn và bồ câu. Như vậy, một mình Mát-thêu liên kết hai cặp loài vật
sói-chiên và rắn-bồ câu trong cùng một câu nói của Chúa Giêsu, và cấu trúc câu
văn mang dáng dấp như một sự song đối giữa hai vế (parallélisme), nghĩa là hai
vế vừa song song, vừa đối ứng với nhau: Cặp biểu tượng rắn-bồ câu đối ứng với
cặp biểu tượng sói-chiên. Và Mat-thêu ghi rõ chữ “vậy”, có vẻ như để diễn tả mối tương quan nhân-quả (theo nghĩa luận
lý học và văn phạm, chứ không phải theo quan niệm triết học của Ấn giáo và Phật
giáo về “Karma”, “nghiệp báo”) giữa
nửa a và nửa b của câu nói. Chắc chắn có tương quan nhân quả trong suy nghĩ của
Chúa Giêsu, theo một nghĩa rất “logíc”: vì
Thầy sai anh em đi như chiên ở giữa bầy sói, nên anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. Nhưng chúng ta
không được phép căn cứ vào dáng vẻ song đối ấy để nhanh chóng kết luận rằng:
rắn mang ý nghĩa biểu tượng giống như sói; và bồ câu giống như chiên, theo
nghĩa: vì sói và chiên xung khắc, không đội trời chung, loại trừ nhau hoặc xa
lánh nhau, nên rắn và bồ câu cũng không thể liên kết với nhau để cùng tồn tại
và chung sống hòa bình. Chúa Giêsu hiểu hai cặp biểu tượng ấy theo cách độc đáo
của Người. Chúng ta cần tìm hiểu cả hai cặp, tức ý nghĩa biểu tượng của bốn con
vật: sói-chiên-rắn-bồ câu, dựa vào chính những lời Người dạy, kèm theo những
lời quảng diễn của các Tông đồ.
2. Trước
tiên, về cặp “sói-chiên”:
Trong giáo huấn của Chúa Giêsu, sói là biểu
tượng của những ngôn sứ giả: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng
bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ
xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai” (Mt 7, 15-16). Lời cảnh báo này
của Chúa được thánh Phaolô ứng dụng vào tình hình thực tế của các giáo đoàn do
ngài thành lập tại vùng Tiểu Á. Ngài nói với các kỳ mục trong Hội Thánh
Ê-phê-xô trước khi chia tay họ như sau: “Tôi
biết rằng khi tôi đi rồi, sẽ có những sói
dữ vào giữa anh em, chúng không tha đàn
chiên. Ngay từ hàng ngũ anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc, nhằm lôi kéo các môn đệ
theo chúng…”(Cv 20, 29-30).
Trong thiên nhiên, sói luôn dữ tợn và nguy
hiểm. Nó tìm mọi cách để tấn công và thủ tiêu chiên. Nhưng thánh Phaolô cũng như Chúa Giêsu
đều dùng con sói như biểu tượng để diễn tả bản năng và xu hướng độc ác, tham
lam trong con người. Theo nghĩa đó thì hầu như ai ai cũng có ít nhiều chất sói
trong mình, kể cả những người vốn thường được coi là hiền lành như chiên; cũng
như những người vốn thường độc ác, tham
lam như sói, vẫn có thể còn mang chút tàn tich của lòng nhân ái dính lại nơi
lương tâm, phản chiếu hình ảnh của Thiên Chúa được khắc ghi trong họ (x. St 1,
26-27). Chúa Giêsu không lên án hoặc loại trừ ai một cách tuyệt đối và dứt
khoát. Lời cảnh báo của Chúa luôn bao hàm một lời mời gọi mọi người “hãy hoán
cải và tin vào Phúc Âm” (Mc 1, 15), vì Chúa ý thức rõ sứ vụ của mình khi
được Chúa Cha thánh hiến và sai đến thế gian (x. Ga 10, 36), là: “không phải để kêu gọi người công chính –
thực ra câu thánh vịnh sau đây vẫn đúng cho hầu hết mọi người: “…lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang
tội khi mẹ mới hoài thai…!”[Tv 51(50), 7] -- , nhưng để kêu gọi người tội lỗi (x. Mc 2, 17 // Mt 9, 13), và khuyên
họ hối cải (x. Lc 5, 32). Người
khuyên họ hối cải một cách rõ ràng và cụ thể hơn nữa: “Hãy từ bỏ mình, vác thập giá của mình mỗi ngày mà đi theo tôi“ (x. Lc 9, 23), và bằng cách đó, trở
thành môn đệ của Người, với khả năng sinh nhiều hoa trái (x. Ga 15, 8) – những hoa
thơm trái ngọt cho bản thân và cho nhiều người khác hưởng nhờ --, và được sống,
và sống dồi dào nữa (x. Ga 10, 10). Vì Chúa đã dạy: “Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”
(Mt 5, 44 // Lc 6, 27-28. 35), nên, khi sai các môn đệ đi như chiên ở giữa bầy
sói, Chúa không thể muốn hoặc cho phép các ông coi mọi người khác đều là sói, chỉ
là sói, để rồi tìm cách xa lánh họ như chiên xa lánh sói, như những kẻ thù địch
xa lánh hoặc loại trừ nhau. Chúa chỉ cảnh báo các môn đệ: Hãy tỉnh táo, hãy cảnh
giác đối với “những ngôn sứ giả”, mà
Người không ngại gọi là “sói dữ tham mồi ”;
hãy biện phân hoặc phân định điều tốt, điều xấu, cái đúng, cái sai trong những
điều họ nói và làm, dựa trên nguyên tắc “xem quả biết cây”: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là
ai” (Mt 7, 16). Thánh Phaolô sẽ giải thích: việc phân biệt tốt-xấu,
đúng-sai thuộc diện đặc sủng hoặc đoàn sủng phân định các loại tinh thần, tức
các loại động lực thúc đẩy con người hành động, do Chúa Thánh Thần ban cho mỗi
người, nhằm xây dựng ích chung của cộng đoàn Giáo Hội (x. 1Cr 12, 7. 10c). Việc phân định như thế là một
biểu hiện của sự khôn ngoan. Chúa Giêsu chỉ muốn các môn đệ sống và ứng xử cách
khôn ngoan, thay vì ghét bỏ và loại trừ những người mang tính chất sói dữ tham
mồi, tức những ngôn sứ giả, thường xuất hiện từ trong hàng ngũ Giáo Hội, nhưng lại
giảng dạy những điều sai lạc. Tuy phải đề cao cảnh giác, theo lời dạy của Thánh
Phao-lô, các môn đệ vẫn không được phép coi những loại người như thế là “thù địch” (x. 2Tx 3, 15), nhưng phải
dùng lời khuyên bảo, giúp họ trở thành chiên ngoan.
Chính Chúa Giêsu, trên đường dẫn tới Đa-mát, đã
biến đổi con sói dữ khét tiếng là Sao-lô, một nhân vật đã từng tuyên bố không
đội trời chung với các Kitô hữu và đang gây kinh hoàng cho họ (x. Cv 9, 1-19), trở nên một con chiên thuần thành, một
môn đệ khiêm tốn, một tông đồ Phaolô trung thành của Chúa, và một chủ chiên
nhiệt thành, một người anh em, một người mẹ (x. 1Tx 2, 7), một người cha (x. 1Cr 4, 15; 1Tx 2,
11) của các Kitô hữu. Cuộc quay đầu của Sao-lô chẳng phải là một bước nhảy vọt
hoàn toàn bất ngờ từ sói dữ sang chiên lành để trở nên chủ chiên nhiệt thành đó
sao? Cũng thế, công cuộc Phúc âm hóa mỗi cá nhân và muôn dân luôn bao gồm một
nội dung kép, đó là: tạo ra những môn đệ cho Chúa Giêsu (x. Mt 28, 18-20) và
chuyển hóa chất sói trong mỗi người thành chất chiên, nghĩa là, theo cách diễn đạt
của chính thánh Phaolô, để cho Tinh Thần Chúa thuần hóa tính xác thịt (x. Gl 5,
19-25), biến thân xác con người thành đền thờ của Chúa Thánh Thần (x. 1Cr 6,
19), thành lễ tế sống động, thánh thiện,
đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12, 1), và qua việc rao giảng Tin Mừng được thánh
Phaolô quan niệm như một hành vi tế tự, biến các dân ngoại thành của lễ dâng
lên Thiên Chúa (x. Rm 15, 16).
Thánh Phanxicô Assisi, được ơn trở nên đồng
hình đồng dạng với Chúa Kitô cách trọn vẹn đến mức được mang năm Dấu Thánh của
Chúa trên thân xác mình, đã trở thành “như khí cụ bình an của Chúa”, để thuần
hóa con sói dữ -- một con sói thật -- một thời gây kinh hoàng cho dân thành
Gub-bi-ô vùng Um-bri-a, hòa giải nó với dân, như quyển sách lừng danh “Fioretti” (“Tiểu Kỳ Hoa” hay “Những Bông
Hoa Nhỏ” của Thánh Phanxicô – chương 21 --)
đã kể lại; và vào cuối đời, thánh nhân sáng tác thêm phiên khúc về sự tha thứ, đưa vào Bài Ca Anh Mặt Trời, rồi mời ngài Thị Trưởng Assisi đang bất bình
nghiêm trọng với đức Giám Mục đến Tòa Giám mục, nơi một nhóm anh em hèn mọn
chuẩn bị truyền đạt sứ điệp của Vị Thánh Hòa Bình. Quyển “Sưu Tập Assisi”, số 84, kể rằng: sau khi nghe sứ điệp của Vị Thánh
Nghèo, và nghe anh em hèn mọn hát Bài Ca
Anh Mặt Trời với phiên khúc mới
thêm vào về sự tha thứ, hai Vị Đại
Diện của thế quyền và giáo quyền đã xúc động tột độ và làm hòa với nhau trước
mặt mọi người.
Đối với Thánh Phanxicô cũng như đối với Chúa
Giêsu, kiến tạo hòa bình và hòa giải, -- diễn đạt bằng ngôn ngữ biều tượng là
biến sói thành chiên để chung sống hòa bình với nhau -- là một khía cạnh không thể thiếu của công
cuộc Phúc Âm hóa.
3. Tiếp đến là cặp rắn-bồ câu
Phần suy niệm trên đây về lời cảnh báo của Chúa
Giêsu trong nửa đầu của Mt 10, 16 cho thấy: Chúa hiểu biểu tượng sói theo một
nghĩa hoàn toàn tiêu cực, trong lúc Người gán cho biểu tượng chiên một ý nghĩa
tích cực và tốt đẹp mà thôi. Còn trong nửa sau của Mt 10, 16, tức trong phần lời
khuyên, Chúa hiểu cả hai biểu tượng rắn và bồ câu theo một nghĩa tích cực như
nhau: “Hãy khôn như rắn VÀ đơn sơ như bồ
câu”.
3.1. Biểu tượng rắn xuất hiện hai lần trong giáo huấn của Chúa Giêsu. Một lần tại
đây, Mt 10, 16b, trong đó Người đánh giá cách trân trọng cái khôn như đặc tính nổi bật của rắn. Lần
thứ hai, trong Phúc Âm Gio-an, chính Người tự ví mình như con rắn đồng được
Mô-sê giương cao trên một cột gỗ trong sa mạc (x. Ds 21, 4-9), để nói với ông
Ni-cô-đê-mô rằng: ai nhìn lên con vật hoặc nhân vật được giương cao trên cây
gỗ, mà tin vào Thiên Chúa, thì được chữa lành và được sống, nghĩa là được cứu
độ (x. Ga 3, 14-15). Như vậy, con rắn được giương cao trên cây gỗ trở thành
biểu tượng của sự chữa lành và sự sống. Người
ta không thấy Chúa Giêsu khai thác ý nghĩa tiêu cực của con rắn như sách Sáng Thế đã đề cập (x. St 3) và sách Khải Huyền sẽ triển khai thêm (x. Kh 20).
Một cái nhìn tổng hợp về hai khía cạnh khôn ngoan và chữa lành của biểu tượng
rắn giúp ta khám phá ra sự phong phú sâu sắc trong giáo huấn của Chúa Giêsu.
- Thật vậy, ở cấp độ thực tế tự nhiên, theo tầm
nhìn của Phúc Âm Mat-thêu, con rắn được kể là khôn (tiếng Hy-lạp: phrônimos;
La-tinh: prudens), theo nghĩa có sự
thông minh thực tiễn, với khả năng thích ứng nhanh chóng và có hiệu quả với
từng tình huống. “Con rắn có tài tránh
nguy hiểm và luôn luôn giữ cái đầu cho khỏi bị đánh”[1].
- Chúa cũng dùng tính từ “khôn” để nói về người xây nhà trên đá (x. Mt 7, 24), tương phản với
người ngu dại (môros = stultus) xây
nhà trên cát (x. Mt 7, 26). Chúa dùng hai biểu tượng về cách xây nhà để minh
họa: thái độ của người nghe lời Chúa mà đem ra thực hành là khôn; thái độ của
người nghe lời Chúa mà không đem ra thực hành là ngu dại.
- Ở cấp độ Kitô học của Phúc Âm Gio-an, khi
Chúa Giêsu tự ví mình với con rắn đồng được Mô-sê giương cao trên cột gỗ, Người
ám chỉ cái chết của mình trên Thập giá, và Người kiện toàn (x. Mt 5, 17) ý
nghĩa của biểu tượng rắn trong Cựu Ước, bằng cách thay cây cột gỗ trong sa mạc
bằng cây Thập giá trên Đồi Sọ, thay con rắn đồng bằng chính bản thân Người, mà
Người hiến tế làm hy lễ vô tì tích cho Thiên Chúa nhờ Thần Khí hằng hữu thúc
đẩy (x. Dt = Hr 9, 14). Cái khôn thực
tiễn của con rắn trong đời sống thiên nhiên, hay cái khôn thực tiễn trong đời
sống xã hội của người xây nhà trên đá, nay được thánh Gio-an và thánh Phao-lô
nâng cấp lên thành “sự khôn ngoan và sức
mạnh của Thiên Chúa biểu lộ nơi Thập Giá và nơi Đấng Chịu Đóng Đinh (x. 1Cr
1, 18-25, đặc biệt câu 24). Khi được giương cao khỏi mặt đất – tức bị đóng đinh
trên Thập giá – Chúa Giêsu xuất hiện như “Đấng
Hằng Hữu”, “Đấng Thiên Sai và Ngôn Sứ” với sứ vụ truyền đạt lời Thiên Chúa
cho loài người (x. Ga 8, 28), và chính việc chu toàn sứ vụ đó đưa đẩy Người đến
cái chết trên Thập Giá, nhưng Thập Giá lại trở thành chiếc thang đưa Người lên
vinh quang; và từ trên Thập Giá, Người lôi kéo mọi người lên với mình (x. Ga
12, 32), để cùng với Người, họ cũng đi qua những chặng đường Thập Giá mà vào
ánh sáng vinh quang (“per Crucem ad Lucem”)
. Trong cái nhìn sâu sắc của thánh Phao-lô và thánh Gio-an, hai nhà thần học
lớn nhất của mọi thời, sự khôn ngoan (sophia = sapientia) và sức mạnh (dynamis
= virtus) của Thiên Chúa là một mầu nhiệm được thể hiện nơi Thập Giá và nơi Đức
Giê-su Ki-tô, Đấng-Chịu-Đóng-Đinh vì loài người chúng ta.
Như vậy, lời khuyên “Hãy khôn như rắn”:
- không chỉ có nghĩa đen là biết vận dụng trí thông minh thực tiễn và khả năng
thích ứng nhanh chóng và có hiệu quả với từng tình huống, để thoát khỏi hiểm
nguy và bảo toàn tính mạng, nghĩa là không để bị đánh giập đầu: đó là cách ứng
xử của con rắn;
- hay nghĩa
bóng là hành động như người khôn, biết xây nhà trên đá, biết sống trung
thực với chính mình và với Thiên Chúa: sau khi nghe lời Chúa thì đem ra thực
hành, với xác tín rằng chỉ bằng cách đó lời Chúa mới phát huy hết tác dụng, là
biến đổi đời sống con người nên tốt hơn, bớt tính sói để mang thêm tính chiên
hơn, có giá trị bền vững hơn, có khả năng xây dựng lợi ích trường tồn của mình
và của cộng đồng nhiều hơn. Đúng như Chúa Thánh Thần đã nói về lời Chúa: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là
ánh sáng chỉ đường con đi” [Tv 119 (118), 105]. Lời Chúa “như thanh gươm hai lưỡi sắc bén” (x. Kh
1, 16); “Lời Thiên Chúa là lời sống động,
hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với
linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người
(Dt = Hr 4, 12); nghĩa là lời Chúa có tác dụng thanh luyện, chữa lành và cứu
độ; khía cạnh này của lời Chúa dẫn thẳng tới nghĩa thần học của biểu tượng rắn;
- nhưng lời khuyên ấy còn mang thêm nghĩa thần học, xây trên mẫu số chung
giữa con rắn đồng và con người Giêsu, là tình trạng cả hai được giương cao trên
cây gỗ. Vì được giương cao trên cột gỗ trong sa mạc, nên sự khôn ngoan của con
rắn mang thêm khả năng chữa lành đối với những người nhìn lên cao với lòng tin.
Còn Chúa Giêsu, khi chấp nhận được giương cao trên cây Thập Giá tại Đồi Sọ, thì
trở thành thần dược và lương y chữa lành loài người, như Bài ca thứ tư về Người
Tôi Trung của Thiên Chúa đã tiên báo: “Chính
người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người
đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta
được chữa lành “ (Is 53, 5). Nơi Thập Giá, mầu nhiệm sự tự hạ và vâng phục
triệt để của Con Thiên Chúa đến mức chấp nhận chết vì yêu thương, quyện chặt với
mầu nhiệm sự siêu thăng của Người vào vinh quang bất diệt (x. Pl 2, 6-11). Sự
khôn ngoan của Thập Giá có tác dụng chữa lành, tha thứ, hòa giải, và tạo bình
an. Chúa Giêsu-Kitô là hiện thân của sự khôn ngoan gắn liền với mầu nhiệm Thấp
Giá, thì đồng thời cũng là hiện thân của sự bình an gắn liền với mầu nhiệm Thập
Giá ấy, như thánh Phao-lô đã khẳng định: “Chúa
Kitô là sự bình an của chúng ta…; nhờ Thập Giá, Người đã làm cho đôi bên (là
dân Do Thái và dân ngoại) được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy
nhất; trên Thập Giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2, 14.16).
3.2. Còn biểu tượng bồ câu chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong câu nói của Chúa Giê-su
được Mat-thêu ghi lại (Mt 10, 16b). Nhưng bồ câu cũng xuất hiện một lần trong
cuộc đời hoạt động công khai của Chúa, lúc Người chịu Phép Rửa của Gio-an Tẩy
Giả tại sông Giô-đan: đó là chính Chúa Giê-su, “khi chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì thấy Thần Khí Thiên
Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người” (Mt 3, 16 // Mc 1, 10 //
Lc 3, 22. Riêng Luca ghi rõ: lúc đang cầu
nguyện, Chúa Giê-su thấy điều đó). Chắc hẳn chim bồ câu trong thị kiến của
Chúa Giê-su có thể giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của biểu tượng bồ câu trong câu
nói của Người.
- Bồ câu là trường hợp duy nhất trong các loài
chim được người Do Thái chọn làm lễ vật dùng trong phụng tự tại Đền Thờ. Và đó
là lễ vật của người nghèo, lễ vật mà Đức Maria đã dâng lên Thiên Chúa để làm lễ
thanh tẩy cho mình sau khi sinh con (x. Lc 2, 24).
- Người Do Thái cũng quan niệm rằng bồ câu là hiện
thân của mọi nhân đức, đặc biệt là biểu tượng của tình yêu -- người thanh niên
trong sách Diễm Ca, gọi người yêu của
mình là “bồ câu của anh ơi ” (Dc
2, 14; 5, 2…) -- và của mạng sống cả một dân tộc –“Thân phận bồ câu, xin (Chúa) đừng trao cho
thú dữ, đừng mãi mãi quên đi mạng sống dân nghèo khổ của Ngài ” [Tv 74 (73),
19].
- Chính trong tầm nhìn tích cực và trân trọng
đó, mà Chúa Giêsu, các Tông đồ và thế hệ Kitô hữu tiên khởi đã xem bồ câu như
một biểu tượng của Thần Khí Thiên Chúa. Tầm nhìn này cũng có thể bao hàm cả
cách hiểu ý nghĩa của chim bồ câu trong câu chuyện con tàu ông Nô-ê, khi nó
mang về cho ông một nhành lá ô-liu tươi, chứng tỏ nước lụt đã rút và báo hiệu
sự sống sót và bình an cho loài người (x. St 8, 11). Nếu bồ câu ngậm nhành lá o-liu
trở thành biểu tượng cho hòa bình, thì sự bình an đó cũng có liên hệ với Chúa
Thánh Thần, vì theo thánh Phao-lô, bình an là một trong những hoa quả của Thần
Khí, đứng hàng thứ ba, sau bác ái và hoan lạc (x. Gl 5, 22-23).
- Trong Mt 10, 16b, sau khi đề cao cách trân
trọng đặc tính “khôn”(phrônimos =
prudens) của rắn, Chúa Giê-su chú mục vào đặc tính nổi bật của bồ câu là “akeraios = simplex”. Nghĩa từ nguyên hoặc
nghĩa đen của tính từ Hy-lạp và La-tinh này là không pha trộn, là nguyên chất,
hoặc thuần nhất; và theo nghĩa bóng, là đơn thuần, đơn sơ, không mang tính chất
“hai lòng”, không giả dối, không rơi vào tình trạng”lòng nghĩ một đằng, miệng
nói một nẻo”, nhưng hễ “có” thì nói “có”, “không” thì nói “không”, thêm thắt
điều gì là do ác quỷ (x. Mt 5, 37). Chính Chúa Giê-su trong Phúc Âm Mat-thêu
tuyên bố rằng: chỉ những ai đơn sơ như trẻ nhỏ, có một cõi lòng trong sạch và
đôi mắt trong sáng, mới được vào Nước Trời (Mt 18, 3) và nhìn thấy Thiên Chúa
(x. Mt 5, 8).
- Đúng là, theo cách hiểu của Chúa Giê-su, có
một sự song đối giữa sự khôn ngoan của con rắn và sự đơn sơ của chim bồ câu, mà
vẫn không có đối kháng do tương phản hoặc mâu thuẫn, nhưng song hành với nhau
và bổ túc cho nhau theo nghĩa tổng hợp.
4. Bây giờ là lúc Tổng kết ý nghĩa biểu tượng của bốn con vật được Chúa Giê-su nhắc
tới trong câu nói lừng danh tại Mt 10, 16. Các phân tích trên đây cho chúng ta
thấy hai điều:
- Một là, chỉ con sói là biểu tượng của sự dữ,
sự ác, nên nó không để dấu ấn nào trên con người Đức Giê-su, và do một đặc ân
ngoại lệ, cả trên con người Đức Maria Thân Mẫu của Người nữa; còn chiên, rắn và
bồ câu là biểu tượng của những giá trị tích cực như: sự hiền lành, sự khôn
ngoan, sự đơn sơ, thì có đầy trong Chúa Giêsu và Mẹ Maria Vô Nhiễm, mà mỗi Kitô
hữu phải không ngừng mở rộng lòng mình để được lấp đầy.
- Hai là, để hiểu thấu câu nói lừng danh ấy của
Chúa, chúng ta phải đọc nó không những trong toàn bộ giáo huấn, mà nhất là
trong toàn bộ cuộc sống của Người. Điểm tựa trong cuộc sống (der Sitz im Leben) của câu nói ấy là
chính con người Chúa Giê-su. Phúc Âm Mat-thêu giới thiệu Người là vị Thầy làm
gương cho các môn đệ “học gương Thầy”, nghĩa là Chúa Giêsu không chỉ là một
Thầy Dạy, mà còn là một Chứng Nhân, vì Người dạy những điều mình đã sống, và
sống triệt để những điều mình dạy. Tám mối phúc Người dạy chúng ta trong Bài
Giảng Trên Núi (x. Mt 5, 3-12) đã tạo nên trước tiên chân dung đích thực của
Người, làm mẫu mực cho chúng ta, các môn đệ của Người, họa lại. Người còn nói một cách trực tiếp và minh nhiên: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học
với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29). Hiền hậu và
khiêm nhường chẳng phải là đặc tính của con chiên đó sao? Mà Chúa Giê-su thì đã
được Gio-an Tiền Hô giới thiệu là “Chiên
Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian”
(Ga 1,29. 36). Và để xóa bỏ tội trần gian, Chiên Thiên Chúa đã chấp nhận thân
phận “con chiên bị đem đi làm thịt”
(x. Cv 8, 32 // Is 53, 7) ), chấp nhận
bị giương cao trên Cậy Thập Giá tại Đồi Sọ như con rắn đồng được Mô-sê giương
cao trên cột gỗ trong sa mạc.
Như vậy, “khôn
như rắn”, với sự khôn ngoan thực tiễn trong đời sống thiên nhiên và xã hội,
sẽ đạt được mức độ cao nhất và sâu nhất của sự
khôn ngoan thần linh – theo nghĩa thần học -- thể hiện trong mầu nhiệm Thập
Giá. Và để đạt được sự khôn ngoan tối cao ấy, mỗi người chúng ta phải sẵn lòng
để cho Chúa-Giêsu-Kitô-Chịu-Đóng-Đinh lôi kéo mình lên với Người (x. Ga 12, 32).
Đây là quy luật, bao gồm một chương trình sống đầy chiến đấu, vì muốn trở thành
môn đệ, thỉ phải từ bỏ mình, vác thập giá của mình từng ngay mà đi theo Chúa
(x. Lc 9, 23), nhưng cũng đầy hứa hẹn, bởi lẽ con đường Thập Giá tất yếu dẫn lên
vinh quang Phục Sinh.
Và “đơn
sơ như bồ câu” là vế thứ hai của lời khuyên, bổ túc cách tất yếu cho vế thứ
nhất “khôn như rắn”. Nếu bồ câu là
biểu tượng của Thần Khí Thiên Chúa và biểu tượng của hòa bình, thì chính Chúa
Giêsu đã được Chúa Cha ban đầy Thần Khí vô ngần vô hạn (x. Ga 3, 34), khi được
Chúa Cha thánh hiến và sai đến thế gian (x. Ga 10, 36); chính Thần Khí hằng hữu
đã thúc đẩy Chúa Giêsu tự hiến tế trên Thập Giá làm lễ vật vẹn toàn dâng lên
Chúa Cha (x. Dt = Hr 9, 14), nghĩa là được giương cao lên khỏi mặt đất như con
rắn đồng của ông Mô-sê trong sa mạc, để chữa lành nhân loại và giải hòa mọi
người với Thiên Chúa và với nhau (x. Ep 2, 14. 16), qua đó Chúa Giê-su không
những trở thành hiện thân của sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa, mà còn
là hiện thân của sự bình an. Và bình an là tên gọi khác của sự đơn sơ, trong
sạch và trong sáng. Cả cuộc đời Chúa Giê-su diễn ra dưới sự thúc đẩy của Chúa
Thánh Thần, thì mọi tư tưởng, lời nói và hành động của Người cũng là hoa quả
của Thấn Khí Thiên Chúa.
Cuối cùng lời khuyên “anh em phải khôn như rắn và
đơn sơ như bồ câu”, có nghĩa là hãy
khôn ngoan và đơn sơ như Thầy Giê-su, luôn sống và hành động dưới tác
động của Thần Khí (x. Gl 5, 25).
Phi Khanh Vương Đình Khởi, ofm
Đàlạt, ngày 09-2-2013, trước ngưỡng cửa Năm Mới
Quý Tỵ
[1] Xem chú thích m tại Mt 10, 16 của Kinh Thánh ấn bản 2011, tr. 2147, bản dịch và chú thích do Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ thực hiện.