Kinh Mân Côi: gia đình cùng cầu nguyện

 

Lepanto 1571

Ai trong chúng ta cũng từng nghe về trận đánh tại vịnh Lepanto, ngoài khơi Hy Lạp vào năm 1571 giữa lực lượng xâm lăng của hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng nghinh chiến của liên minh Kitô Giáo. Đây là một trận hải chiến có tính chiến lược, dùng làm bàn đạp xâm chiếm toàn bộ Âu Châu của Thổ. Về số tầu và số hải quân tham chiến, Thổ hơn hẳn phe liên minh Kitô Giáo. Trận chiến khốc liệt diễn ra suốt năm tiếng đồng hồ.  

Trong lúc hoang mang lo sợ, binh lính Kitô Giáo đã chạy đến với Đức Mẹ qua kinh Mân Côi, và họ đã chuyển bại thành thắng, tiêu diệt hầu hết hạm đội hơn 200 tầu chiến của Thổ, gần 30,000 binh sĩ Thổ, và giải thoát được 12,000 nô lệ Kitô Giáo bị Thổ bắt chèo thuyền. Bên phía Kitô Giáo chỉ thiệt hại 7,500 binh sĩ và 17 tầu chiến. Các sử gia đều cho: đây là đòn chí mạng đối với truyền thống xâm lăng của Thổ, hủy diệt hoàn toàn giấc mộng xâm chiếm Địa Trung Hải của họ, nâng cao lòng tin của Tây Phương, cho thấy Thổ không hẳn bách chiến bách thắng như họ vốn sợ.

Ai cũng nhìn nhận sự cầu bầu của Đức Mẹ trong chiến thắng hiển hách này. Vì thế, Đức Giáo Hoàng Piô thứ 5 đã thiết lập một ngày lễ mới, gọi là Ngày Lễ Đức Mẹ Chiến Thắng, mà ngày nay đổi thành Lễ Đức Mẹ Mân Côi.

Indiana 1942

Gần 400 năm sau, chiến thắng Lepanto đã gợi hứng cho một trận chiến khác, cũng ác liệt không kém, nhưng với một qui mô rộng lớn hơn. Đó là năm 1942, lúc Thế Chiến II đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, đem lại biết bao đau thương sầu khổ và tan vỡ cho các gia đình khắp nơi trên thế giới. Vốn quan tâm tới số phận các gia đình, từ những ngày còn đang tu học tại nhà tập Dòng Thánh Giá, dòng nổi tiếng hiện nay, với Trường Đại Học Notre Dame tại tiểu bang Indiana, cha Patrick Peyton luôn lo âu tìm phương cách hữu hiệu cứu vớt các gia đình. Ngày 25 tháng Giêng năm đó, nhờ đọc chiến thắng Lepanto, ngài bèn nghĩ tới việc cổ động các gia đình đọc kinh Mân Côi, làm phương thế hữu hiệu, để cứu các gia đình qua khỏi các nguy cơ mà cuộc chiến, với những hậu quả kinh khủng của nó đang đe dọa. Và đó là bước đầu của Thập Tự Chinh Mân Côi Gia Đình (Family Rosary Crusade), một tổ chức từng được nhiều vị giáo hoàng, và cả Công Đồng Vatican II ủng hộ khích lệ, được nâng lên hàng một phong trào chính thức trong Giáo Hội, và hiện có mặt tại 20 nước trên thế giới, trong đó có Trung Hoa và Phi Luật Tân, nơi từng tổ chức những cuộc tụ tập đọc kinh mân côi đông tới một triệu người.

Mục tiêu của thập tự chinh là cổ vũ việc gia đình đọc kinh Mân Côi, được cha Peyton cho là hình thức suy niệm hữu hiệu nhất, qua đó, các gia đình học hỏi và bắt chước cuộc đời Chúa Giêsu Kitô. Cha lý luận rằng: cùng với nhau trong tư cách gia đình, đồng một lòng đọc kinh Mân Côi, gia đình sẽ được hợp nhất trước mặt Chúa, và gần gũi hơn với Chúa. Với chủ trương này, cha đã dùng mọi phương tiện, để cổ vũ mọi gia đình, bất kể giai cấp, tín ngưỡng và tôn giáo, có thói quen đọc kinh Mân Côi chung với nhau. Có thể nói: cha là người đầu tiên, biết vận dụng mọi phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là truyền thanh, truyền hình và phim ảnh, để vận động cho mục tiêu trên.

Ngày 13 tháng 5 năm 1945, đúng ngày Hiền Mẫu, và kỷ niệm biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, từ Broadway, trên hệ thống truyền thanh MBC, cha cho phát đi toàn quốc một chương trình gia đình đọc kinh mân côi, với sự góp mặt của gia đình Sullivan, một gia đình đã trở thành huyền sử với 5 người con trai hy sinh trên chiến trường Thái Bình Dương; và nhất là, với sự góp tiếng của giọng ca bất hủ Bing Crosby. Theo gương Bing Crosby, nữ tài tử Jane Wyatt đã tình nguyện làm người bắc cầu, để cha Peyton có được sự ủng hộ và cộng tác của nhiều tài tử khác. Buổi phát thanh đầu tiên của cha, vào năm 1947 từ Hollywood, đã có sự cộng tác của Loretta Young, của James Stewart, một người tin lành, và của Don Ameche. Sau họ, là Grace Kelly, Bob Hope, Gregory Peck, Lucille Ball, Henry Fonda, Natalie Wood, Ronald Reagan, James Dean vả cả Shirley Temple nữa… Họ tình nguyện góp tài năng vào việc diễn tả các mầu nhiệm Mân Côi trên phim ảnh, truyền thanh và truyền hình.

Gia đình cùng cầu nguyện là gia đình cùng quyện lấy nhau

Đặc biệt nhất, phải kể đến sự cộng tác của Al Scalpone, một người tin lành, lúc đó là một giám đốc trẻ và là một nhà văn có bản quyền, sau này trở thành phó chủ tịch của công ty truyền hình CBS. Ông tình nguyện giúp cha Peyton suốt 40 năm, và chính ông đã viết ra câu khẩu hiệu nổi tiếng “Gia đình cùng cầu nguyện là gia đình cùng quyện lấy nhau” (The family that prays together stays together). Khẩu hiệu này từng xuất hiện trên hơn 100,000 bảng quảng cáo ngoài trời (billboards) và được hơn 400 triệu lượt người đọc.

Khẩu hiệu này nổi tiếng đến nỗi đã đi thẳng vào bản văn Giáo Hoàng. Thực vậy, ngày 16 tháng 10 năm 2002, Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành Tông Huấn Rosarium Virginis Mariae (Kinh Mân Côi Đức Bà) để cổ động việc đọc kinh mân côi, nhất là đọc kinh mân côi trong gia đình. Ở số 41, ngài viết như sau:

“Là một lời cầu cho hòa bình, kinh mân côi cũng là và từng là lời kinh của gia đình cầu cho gia đình. Có lúc, kinh này hết sức thân thiết đối với các gia đình Kitô hữu, và chắc chắn nó giúp người ta gần lại với nhau hơn. Điều quan trọng, là đừng đánh mất gia tài qúy giá này. Chúng ta cần phải trở về với thói quen: dùng kinh mân côi cho gia đình cầu nguyện, và cầu nguyện cho gia đình. Trong tông huấn Nghìn Năm Mới Sắp Tới, tôi đã khuyến khích các tín hữu giáo dân cử hành Phụng Vụ Các Giờ Kinh… Nay tôi muốn làm cùng việc ấy đối với Kinh Mân Côi. Hai nẻo đường để chiêm niệm này không loại trừ nhau, nhưng bổ túc cho nhau. Cho nên, tôi yêu cầu các vị có trọng trách chăm lo mục vụ cho các gia đình, hãy khích lệ họ đọc kinh mân côi. Gia đình cùng cầu nguyện là gia đình cùng quyện lấy nhau.

Theo truyền thống lâu đời, Phép Thánh Mân Côi vốn chứng tỏ có hiệu lực đặc biệt, đem gia đình lại với nhau. Các thành viên trong gia đình, khi hướng mắt nhìn lên Chúa Giêsu, cũng nhận được khả năng biết nhìn vào mắt nhau, để thông đạt, để biểu lộ tình liên đới, để tha thứ cho nhau và, để thấy giao ước tình yêu của mình được đổi mới trong Chúa Thánh Thần. Rất nhiều nan đề đang thách thức các gia đình hiện nay, nhất là trong các xã hội phát triển về kinh tế, phát sinh do hiện tượng mỗi ngày một khó khăn hơn để thông đạt với nhau. Các gia đình ít khi sắp xếp để tụ họp với nhau, và nếu có hiếm hoi gặp nhau, thì thường họ lại mải mê với các chương trình truyền hình.

Trở về với thói quen gia đình đọc kinh mân côi, là làm đầy cuộc sống hàng ngày, với những hình ảnh khác hẳn, những hình ảnh của mầu nhiệm cứu rỗi: hình ảnh Đấng Cứu Chuộc, hình ảnh của Mẹ diễm phúc của Người. Gia đình cùng đọc kinh Mân Côi sẽ tạo ra một bầu khí tương tự như bầu khí tại thánh gia Nadarét: các thành viên đặt Chúa Giêsu ở trung tâm, để cùng nhau chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của Người, để cùng nhau trao phó mọi nhu cầu và mọi kế hoạch trong tay Người, và để cùng nhau nhận được niềm hy vọng và sức mạnh để tiếp tục tiến bước”.

Thiết tưởng lời cha chung trên đây đủ để khích lệ các gia đình năng đọc kinh Mân Côi. Bởi vì điều mà các gia đình ngày nay tha thiết nhất, mong mỏi nhất chính là ở lại với nhau, lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, lúc mạnh khoẻ cũng như lúc đau yếu, lúc vui cũng như lúc buồn. Và chìa khóa để đạt được điều ấy chính là đối thoại, thông đạt. Mà còn có gì thông đạt hữu hiệu, cho bằng dùng cùng một ngôn từ, cùng một hình ảnh như Đức Gioan Phaolô II đã nêu ra qua Kinh Mân Côi. Chúng tôi chỉ nhân cơ hội này, thưa thêm rằng: muốn sử dụng chung được một ngôn từ, một hình ảnh như thế, thực ra đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, đức tính và nhân đức. Nhân ngày Gia Đình Thế Giới vừa qua tại Mễ Tây Cơ, người ta có phổ biến một tập tài liệu, gọi là Các Thẻ Giá Trị Gia Đình (Family Values Cards), của linh mục Sergio G. Román. Các tấm thẻ được giải thích cặn kẽ này, đề cập đến các kỹ năng, các đức tính hay các nhân đức mà gia đình cần để ở lại với nhau. Tất cả là 28 thẻ, nghĩa là 28 kỹ năng, đức tính hay nhân đức khác nhau.

Tóm lược Phúc Âm

Tuy nhiên, tất cả những kỹ năng, đức tính và nhân đức ấy đều có sẵn trong việc đọc kinh mân côi trong gia đình. Vì theo Đức Giáo Hoàng Piô XII, kinh này tóm lược hết Sách Phúc Âm, đưa ta vào tận tâm điểm của đức tin, chiêm ngưỡng các mầu nhiệm chính của đức tin. Theo lời Đức HY Alfonso Lopez Trujillo, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, Kinh Mân Côi còn giúp trung lập hóa nhiều sứ điệp và kinh nghiệm lệch lạc, từng làm các cha mẹ trong gia đình phải lo lắng cho số phận con cái, các sứ điệp và kinh nghiệm mà Bản Tuyên Ngôn Sau Cùng Của Hội Nghị Khoáng Đại lần thứ 15 của Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình đã đúc kết. Đó là nỗi sợ không dám dấn thân cam kết, thói quen sống chung không cheo cưới, và việc tầm thường hóa tính dục, coi nó như một thứ trò chơi tiêu khiển… Tất cả đang dẫn con em ta coi thường định chế hôn nhân và nhất là định chế gia đình, để chạy theo những mô thức gia đình giả hiệu…

Trong tông huấn Familiaris Consortio, Đức Gioan Phaolô II cho hay: “chỉ nhờ cùng cầu nguyện với con cái, người cha và người mẹ mới có thể gây được một ấn tượng sâu xa vào thẩm cung tâm hồn con cái, đến nỗi các biến cố trong tương lai của đời chúng cũng không thể xóa nhòa được”.

Ấn tượng ấy được hun đúc nhờ 20 mầu nhiệm liên quan đến việc nhập thể, cuộc sống thiếu thời và cuộc sống công khai lẫn sứ mệnh, cái chết và sự phục sinh của Con Một Thiên Chúa. Những mầu nhiệm này, ngoài tính siêu nhiên, vẫn có chiều kích nhân bản, như tin vui về một sự sống mới bắt đầu, tin vui chia sẻ với thân nhân bằng hữu, du hành thư giãn. Không ai có thể bác bỏ: ngoài việc chia sẻ giữa Đức Mẹ và thánh nữ Isave về tin vui mang thai ra, còn là niềm vui du hành thư giãn. Ai có tới Ein Karem, sinh quán của Thánh Gioan tiền hô, sẽ thấy chiều kích du hành thư giãn này, vì Ein Karem không khác gì Đà Lạt xanh tươi và mát rợi so với Sài Gòn khô cằn, nóng bức. Biến cố dâng con vào đền thờ, gợi gia đình nhớ tới những ngày rửa tội, thôi nôi, thêm sức. Biến cố tìm được con trong đền thờ, giúp gia đình trân qúy đoàn tụ, trân qúy những cố gắng đi tìm nhau, trân qúy những dấu chỉ chín mùi đầu tiên dẫn con cái vào đời.

Những giá trị nhân bản này còn nhiều lắm, qua các kinh Lạy Cha, được lặp đi lặp lại, trong đó giá trị tha thứ hết sức nổi bật. Mà còn ở đâu cần đến sự tha thứ cho bằng trong gia đình. Kinh Kính Mừng, không phải chỉ được lặp đi lặp lại 5 lần như Kinh Lạy Cha, mà là 50 lần, trong đó giá trị sự sống là giá trị nhân bản được nhấn mạnh hơn cả. Đứa con là nguồn tạo phúc đức cho cha mẹ. Bà có phúc vì con lòng bà có phúc. Đã đành đó là lời chúc tụng của một bà mẹ mang thai dành cho một bà mẹ mang thai khác. Nhưng nếu tất cả các bà mẹ mang thai đều nói được câu đó, thì hàng năm, 1 triệu thai nhi không mất mạng trong các cơ sở phá thai Hoa Kỳ, như nhận định của Đức Hồng Y Rigali, trong tuyên bố gửi giáo dân Hoa Kỳ, nhân Chúa Nhật Phò Sự Sống, mồng 4 tháng Mười vừa rồi.

Chưa hết, việc lần chuỗi Mân Côi trong gia đình, không chỉ bao gồm việc suy niệm các mầu nhiệm, hay lặp đi lặp lại nội dung Kinh Lạy Cha, nội dung Kinh Kính Mừng, mà còn gồm nhiều kinh khác, như Kinh Sáng Danh, vốn là lời tụng ca có từ thời Giáo Hội sơ khai khi đọc Thánh Vịnh; Kinh xin ơn Chúa Thánh Thần, 3 kinh Tin, Cậy, Mến hay Kinh Tin Kính các Tông Đồ, tóm tắt các khai triển thần học căn bản của Giáo Hội. Và nhất là Kinh Lạy Nữ Vương, mới được thêm sau này, càng làm cho chiều kích nhân bản của việc đọc kinh Mân Côi trong đình nổi bật hơn nữa. Thực vậy, Kinh này gợi nơi gia đình mọi thể tài trung cổ về Đức Mẹ, những thể tài làm dịu lòng người, với những hạn từ như sự sống, niềm hy vọng cậy trông, niềm ủi an nơi lũng sâu nước mắt, và nhất là lòng nhân lành và niềm dịu ngọt (dulcis, dulcedo), được nhắc đi nhắc lại hai lần, như một nhấn mạnh.

Chưa kể thói quen của người Việt: ngoài Lời Nguyện Fatima cầu cho các linh hồn sau mỗi chục kinh, còn là kinh vực sâu, để hiệp thông với cha mẹ, ông bà, tổ tiên và những người thân quá cố. Ngoài ra, bao giờ chúng ta cũng có kinh cám ơn, tạ ơn về những gì nhận được, cả nỗi vui lẫn nỗi buồn. Buồn vui của chúng con chính là những viên gạch nối kết, giúp chúng con quyện lại với nhau.

Nói tóm lại, thói quen đọc kinh mân côi trong gia đình, chắc chắn đem lại cho mọi thành viên của nó, mọi hành trang cần thiết, cả thiêng liêng lẫn nhân bản, giúp họ sống hạnh phúc bên nhau. Thiết tưởng chẳng còn gì đáng mong ước hơn.

Nguồn: danchuausa

Mục Lục