CN 27 TN – KÍNH
TRỌNG THỂ LỄ MÂN CÔI
Cv 1,12-14; Lc
1,26-38
VƯỢT QUA KHÓ
KHĂN THỬ THÁCH NHỜ KINH MÂN
CÔI
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 1,26-38.
(c 26) Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì
Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là
Na-da-rét, (c 27) gặp một Trinh Nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se,
thuộc nhà Đa-vít, Trinh Nữ ấy tên là Ma-ri-a. (c 28) Sứ thần vào nhà
Trinh Nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở
cùng bà”. (c 29) Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào
như vậy có nghĩa gì. (c 30) Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a xin
đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. (c 31) Và này đây bà sẽ thụ
thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giê-su. (c 32) Người sẽ nên cao
cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ
ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. (c 33) Người sẽ trị
vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô
tận”.
(c 34) Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách
nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !” (c 35) Sứ thần đáp:
“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp
bóng trên bà. Vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ là thánh, sẽ được
gọi là Con Thiên Chúa”. (c 36) Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với
bà, tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: Bà ấy
vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. (c
37) Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.
(c 38) Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ
tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ
thần từ biệt ra đi.
2. Ý CHÍNH:
Câu chuyện truyền tin của sứ thần Ga-bri-el cho đức
Trinh nữ Ma-ri-a biểu lộ tình thương và sự trung tín của Thiên Chúa
trong công cuộc cứu độ loài người. Thái độ lắng nghe Lời Chúa, tìm
hiểu Ý Chúa và mau mắn “Xin Vâng” của Đức Ma-ri-a cũng phải là thái độ
mà các tín hữu chúng ta cần học tập nơi Mẹ khi lần chuỗi Mân Côi. Nhờ đó
chúng ta sẽ có thể hiệp cùng Mẹ xây dựng hòa bình bằng việc chiến thắng ma quỷ,
tội lỗi và các thói hư nơi bản thân mình.
3. CHÚ THÍCH:
- (c 26)
+ Gáp-ri-en: là
một trong bảy Tổng Lãnh thiên thần (x. Tb 12,15), trong đó ba vị được
nêu rõ tên trong Cựu Ước là: Mi-ka-en, Ra-pha-en, và Gáp-ri-en. Tên của
các vị này có ý nghĩa phù hợp với sứ mệnh của mỗi vị như sau: Mi-ka-en nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa?” (Đn
12,1), Ra-pha-en nghĩa là “Thiên
Chúa chữa lành” (Tb 3,17) và Gáp-ri-en
nghĩa là “Anh hùng của Thiên Chúa” (Đn 8,16).
- (c 27) + Trinh nữ: Từ này không
xác định về đức trinh khiết của Đức Ma-ri-a, vì trinh nữ đơn giản chỉ là một
cô gái chưa lấy chồng. Sự thanh khiết của Đức Ma-ri-a được khẳng định qua lời
thưa với sứ thần: “Việc đó xảy ra thế nào được, vì tôi không biết
đến người nam” (Lc 1,34). Sở dĩ trinh nữ Ma-ri-a được chọn cho thấy lời
tuyên sấm của I-sai-a về một trinh nữ thụ thai và sinh con trai là Đấng
Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã được ứng nghiệm nơi Đức Ma-ri-a
(x. Is 7,14 ; Mt 1,23). + Đã đính hôn: Từ khi đính
hôn, Giu-se và Ma-ri-a đã được luật pháp công nhận là vợ chồng, và con
cái sinh ra trong thời kỳ này được kể là con chính thức của hai người.
Tuy nhiên, theo phong tục trong xã hội Do Thái thì việc kết hôn chỉ hoàn
tất khi họ đàng trai tổ chức lễ cưới đón rước cô dâu về nhà chồng
(x. Mt 1,18). + Thuộc nhà Đavít: Chi tiết này thêm
vào nhằm chứng minh Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế vì theo sấm ngôn của
I-sai-a thì Đấng Cứu Thế phát xuất từ gốc là tổ phụ Giêsê cha của Đavít
(x. Is 11,1) và nơi sinh của Người là Bê-lem, quê hương của vua Đavít (x.
Mk 5,1). + Ma-ri-a: hay Mi-ry-am, là tên gọi của nhiều
thiếu nữ Do thái đương thời. Để phân biệt, người ta thường thêm một
biệt danh sau tên gọi. Chẳng hạn: Ma-ri-a Mácđala (x. Lc 8,2-3); Ma-ri-a Bê-ta-ni-a
(x. Lc 10,39); Ma-ri-a mẹ Giacôbê và Giôxép (x. Mt 27,56); Ma-ri-a vợ ông
Cơlôpát (x. Ga 19,25); Ma-ri-a mẹ Gio-an (x. Cv 12,12) và bà Ma-ri-a thân
mẫu Đức Giê-su (x. Cv 1,14).
- (c 28) + “Mừng vui lên”: Đây
không phải là cách chào giữa những người dân bình thường, nhưng là
lời chào đặc biệt chỉ dành cho những người được gặp Thiên Chúa (x
Dcr 9,9). + “Đầy ân sủng”: Tước hiệu dành riêng cho Đức Ma-ri-a,
một người trong sạch vẹn toàn. Ngài đã được chọn làm Mẹ Đấng Cứu
Thế, nên đã được Thiên Chúa ban đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội và luôn có
Chúa ở cùng.
- (c 29) + “Bà bối rối và tự hỏi”:
Khác với thái độ “bối rối sợ hãi” của Dacaria (x. Lc
1,12), ở đây Ma-ri-a chỉ ngạc nhiên và băn khoăn về ý nghĩa của lời
Chúa vừa mặc khải (x. Lc 1,34 và 2,19).
- (c 31) + Giê-su: nghĩa là “Cứu
Chúa” (x. Mt 1,21) hay “Đấng Cứu Thế” (x. Lc 2,11).
- (c 32) + Con Đấng Tối Cao: Đây
là tước hiệu thường được áp dụng cho các ông vua dòng tộc Đa-vít.
Qua câu này, sứ thần ám chỉ Đức Giê-su là vua thuộc nhà Đavít. Người
sẽ cai trị Ít-ra-en, và triều đại của Người sẽ vững bền mãi mãi.
- (c 34) + “Việc ấy xảy ra cách nào,
vì tôi không ‘biết’ đến người nam!”: “Biết” theo nghĩa Thánh
Kinh có nghĩa là “sự giao hợp vợ chồng”. Câu thắc mắc
của Ma-ri-a không chứng minh việc Ma-ri-a đã khấn hay có ý khấn giữ
mình đồng trinh như có người lầm tưởng. Qua câu này, Ma-ri-a chỉ thắc
mắc làm sao thực hiện được việc thụ thai ngay lúc này được, khi mà Ma-ri-a
mới chỉ đính hôn để làm vợ thánh Giu-se về luật pháp, và chưa được Giu-se
tổ chức rước dâu về nhà.
- (c 35) + Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ
ngự xuống trên bà...”: Sứ thần giải thích cho Ma-ri-a hiểu
việc thụ thai của Ma-ri-a xảy ra do quyền năng Thánh Thần, để ứng
nghiệm lời tuyên sấm của I-sai-a: Đấng Cứu Thế sẽ do một gái đồng
trinh thụ thai và sinh ra (x. Is 7,14). + rợp bóng: Kiểu
nói nhắc lại sự kiện đã từng xảy ra trong sa mạc, khi dân Do Thái
vượt qua sa mạc để về Đất Hứa: Đức Chúa luôn hiện diện giữa dân
Người bằng cách cho cột mây “rợp bóng” che phủ Nhà Tạm và Lều Hội Ngộ
(x. Xh 40,34-38). Ngoài ra, “rợp bóng” cũng ám chỉ sự bang trợ của
Đức Chúa, giống như chim phượng hoàng sải cánh bao phủ và che chở con
dân Ítraen của Người (x. Tv 17,8).
+ “Đấng Thánh” sắp sinh ra sẽ là “thánh”: “Thánh”
nghĩa là thuộc về Thiên Chúa, được hiến “thánh” dành riêng cho Thiên
Chúa để thi hành sứ mạng cứu thế.
- (c 36) + Kìa bà Êlisabét...: Sứ thần
chứng minh quyền năng của Thiên Chúa qua việc bà chị họ Ê-li-sa-bét,
tuy đã cao tuổi và bị hiếm hoi, nhưng đã được Thiên Chúa ban cho đặc ân
thụ thai con trai và tới nay đã được sáu tháng.
- (c 38) +“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của
Chúa”: Khi tự nhận là “nữ tỳ của Chúa”, Ma-ri-a biểu lộ đức
khiêm nhường và lòng tin yêu sâu xa đối với Thiên Chúa. + “Xin
Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”: Ma-ri-a đại
diện nhân loại để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thực vậy, ngay
sau lời thưa “Xin Vâng”, Thánh Thần đã tác động làm cho Ma-ri-a thụ
thai, mà không cần tới việc tri giao vợ chồng (x. Lc 1,34). Rồi Ngôi Lời
“đã xuống thế làm người”, nhập vào bào thai ấy trở thành Đấng
“Em-ma-nu-en”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Mt 1,23). Như
vậy, Đức Giê-su chỉ có một Ngôi là “Ngôi Con”, “Ngôi Hai” hay “Ngôi Lời”
Thiên Chúa, nhưng lại có hai bản tính: vừa là Thiên Chúa vừa là
người phàm.
HỎI: Thắc mắc của Đức Ma-ri-a và của ông
Dacaria (x. Lc 1,18) có giống nhau hay không?:
ĐÁP: Cả
hai cùng đưa ra thắc mắc, nhưng trong hai tâm trạng khác nhau: Thắc mắc
của Dacaria biểu lộ tâm trạng hoài nghi về quyền năng của Thiên
Chúa, nên ông đã bị phạt cấm khẩu không thể nói được. Sự cấm
khẩu này là dấu chỉ bà Êlisabét chắc chắn sẽ có thai cách khác thường
(x. Lc 1,20). Còn lời thắc mắc của Đức Ma-ri-a biểu lộ tâm trạng
tin tưởng: Ma-ri-a muốn tìm biết thánh ý Chúa để xin vâng. Do đó,
Mẹ đã được sứ thần ca tụng là Đấng “đầy ân sủng” vì bà đẹp lòng Thiên
Chúa” (Lc 1,30), và Mẹ đã được bà Êlisabét khen ngợi: “Em thật có phúc, vì
đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45).
4. CÂU HỎI: 1) Thánh Kinh cho biết có mấy
Tổng lãnh thiên thần? Các Tổng lãnh thiên thần được nêu đích danh là
những ai? Ý nghĩa của các tên gọi của các vị ấy là gì? 2) Tại sao
Thiên Chúa lại chọn Ma-ri-a đang là một “Trinh nữ” để làm mẹ Đấng
Cứu Thế? 3) Lúc thưa “Xin vâng” để được thụ thai Đấng Cứu Thế do quyền
năng Chúa Thánh Thần, Đức Ma-ri-a đã kết hôn với thánh Giu-se chưa? 4)
Câu thắc mắc của Đức Ma-ri-a khác với thắc mắc của ông Gia-ca-ri-a ra
sao? 5) Sứ thần muốn nói gì qua câu: ”Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp
bóng trên bà”?
II.SỐNG LỜI CHÚA:
1. LỜI CHÚA: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin
Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).
2. CÂU CHUYỆN:
1) KINH MÂN CÔI MANG LẠI BÌNH AN CHO HỘI THÁNH:
- Vào thế kỷ 13, ở miền Nam nước Pháp đã xuất hiện lạc
thuyết An-bi-gioa (Albigeois). Nhờ tràng chuỗi Mân côi do Đức Mẹ trao ban, nên sau
một thời gian, thánh Đa-minh đã đưa được 150.000 người theo lạc giáo trở về
cùng Hội Thánh Công giáo.
- Thế kỷ 16, đạo Tin lành do linh mục LU-TƠ (Lu-ther) khởi
xướng đã nổi lên mạnh mẽ và nhờ sự hỗ trợ của các lãnh chúa mà đạo Tin Lành lan
tràn đi khắp các nước Âu châu. Nhưng dân thành Lu-xem-bourg vẫn trung thành với
Hội Thánh Công giáo. Một hôm rất đông người dân trong thành phố đã được mời tới
nhà thờ để nghe một vị mục sư Tin lành nổi tiếng giảng thuyết. Khi vị mục sư bước
lên tòa giảng trong nhà thờ, thì một giáo dân đã xướng kinh Mân côi và tất cả
nhà thờ đều lần hạt to tiếng, khiến vị mục sư không thể bắt đầu buổi giảng. Cuối
cùng ông đành phải bước xuống tòa giảng và rời nhà thờ. Chính nhờ kinh Mân Côi
mà thành Lu-xem-bourg đã giữ vững được đức tin công giáo.
- Năm 1571, vua Thổ đã điều hằng ngàn chiến thuyền đi xâm
chiếm các nước Âu Châu. Viên tướng chỉ
huy đạo quân bách chiến bách thắng đã ngạo mạn đe dọa sẽ biến thành Rôma nước Ý
và là thủ đô của đạo công giáo biến thành một cái chuồng ngưa. Bấy giờ Đức Giáo
Hoàng Pi-ô V một mặt kêu gọi các vua Âu châu đoàn kết chống đỡ, thành lập một đạo
quân thánh giá từ hai nước Ý và Tây Ban
Nha để ra tiền tuyến nghênh địch, mặt khác ngài cũng kêu gọi mọi người công
giáo Âu châu siêng năng lần hạt Mân Côi để xin Mẹ Ma-ri-a phù giúp.
Cuộc chiến tàn khốc đã diễn ra tại vịnh Lé-pan-te vào ngày
07 tháng 10. Tuy quân số ít oi ô hợp và vũ khí thô sơ, nhưng đạo quân thánh giá
đã chiến thắng vẻ vang, chặn đứng được đà tiến của 10 ngàn chiến thuyền của
quân Hồi Hồi được trang bị vũ khí hùng hậu. Từ Ro-ma, khi nghe tin chiến thắng,
Đức Pi-ô V đã kêu gọi mọi người trong giáo triều đang hiện diện cùng nhau dâng
lời tạ ơn Chúa, vì chính nhờ lời cầu bầu đắc lực của Mẹ Mân Côi mà Hội Thánh đã
thoát khỏi cơn đại nạn bị tiêu diệt. Sau đó, Đức Pi-ô V cũng đã truyền thiết lập
lễ kính Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7 tháng 10 hằng năm để tỏ lòng biết ơn Chúa và ghi
nhớ biến cố lịch sử này.
- Trước năm 1917, nước Bồ Đào Nha ở vào tình trạng bị suy
thoái nặng nề về đức tin. Hội Thánh Công giáo đã bị bè phái Tam Điểm bách hại. Một
số nhà thờ bị phá hủy, nhiều linh mục và tu sĩ bị chính quyền theo phái Tam Điểm
bắt bớ, rất nhiều hội đoàn nổi lên chống đối Hội Thánh. Thế nhưng từ khi Đức Mẹ
hiện ra với ba trẻ em tại làng Fa-ti-ma, kêu gọi thực thi ba mệnh lệnh, trong
đó chủ yếu là siêng năng lần hạt Mân Côi, thì Hội Thánh tại Bồ Đào Nha đã dần
được bình an. Rất nhiều hoạt động cổ võ việc lần hạt Mân Côi đã xuất hiện để
xin Mẹ Thiên Chúa cầu bầu cho quê hương đất nước. Từ đó đến nay Bồ Đào Nha trở
thành cái nôi của kinh Mân Côi.
Các biến cố nói trên cho thấy phép lần hạt Mân Côi chính
là một phương thế hữu hiệu mang lại sự bình an cho Hội Thánh và cho mọi tín hữu.
Mỗi lần hiện ra tại Lộ Đức (Pháp) hay tại Fa-ti-ma (Bồ đào nha), Đức Mẹ đều kêu
gọi mọi người hãy siêng năng lần hạt Mân Côi. Ở đâu người ta siêng năng lần hạt
Mân Côi thì ở đó Hội Thánh sẽ được bình an. Các gia đình nào năng đọc kinh Mân
Côi trong giờ kinh tối gia đình, thì gia đình đó sẽ được an hòa hạnh phúc.
2) ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-SU NHỜ MẸ MA-RI-A (AD JE-SUM PER MA-RI-AM):
Vào một buổi chiều đông lạnh giá, PHUN-TƠN (FULTON OURSLER), một tín hữu đã bị
mất đức tin và bỏ đến nhà thờ trong nhiều năm, bấy giờ đang trong tâm
trạng tuyệt vọng vì gặp phải quá nhiều vấn đề khó khăn nan giải. Khi
đi ngang qua đại lộ nơi có Nhà Thờ Chính Toà của thành phố Nữu Ước, tự
nhiên ông cảm thấy như có một sức mạnh vô hình đã lôi cuốn ông đi vào
nhà thờ và đẩy ông đến quỳ gối trước tượng Đức Mẹ. Sau một lát im
lặng, Phun-tơn tự nhiên thốt ra một lời cầu nguyện như sau: “Lạy Mẹ Ma-ri-a,
có thể chỉ một lát nữa thôi là con sẽ lại đổi ý để tiếp tục bài
bác chế diễu các việc đạo đức con đang làm, và trở lại con đường vô
tín như cũ. Nhưng bây giờ con cảm thấy tâm hồn thật bình an, dù con
đang gặp muôn vàn khó khăn nan giải. Xin Mẹ cầu cùng Chúa Giê-su ban thêm
đức tin cho con”. Ngay lúc đó Phun-tơn cảm thấy một điều lạ lùng kỳ
diệu đã xảy ra nơi bản thân, biến ông trở thành một con người mới: Ông
đã có lại đức tin và sau đó đã từng bước hóa giải được mọi vấn đề khó khăn gặp
phải! Từ đây, ông luôn sống kết hiệp với Mẹ Ma-ri-a để làm chứng cho
Chúa Giê-su bằng một lối sống khiêm nhường, cậy trông phó thác và đầy
vị tha bác ái. Chính nhờ Mẹ mà Phun-tơn đã đến được với Chúa Giê-su.
3)
ĐỨC TIN GẮN LIỀN VỚI KINH MÂN CÔI:
Trên một chuyến xe lửa về Pa-ris, một anh sinh viên trẻ
tuổi ngồi bên một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, anh thấy cụ
già rút từ trong túi áo ra một tràng chuỗi mân côi và từ từ chìm đắm trong lời cầu
nguyện. Chàng sinh viên quan sát cử chỉ của cụ già với vẻ bực bội. Sau một hồi
lâu, khi cụ già đã đọc kinh xong, chàng ta liền lên tiếng:
- Thưa ông, nếu cháu không lầm thì ông vẫn còn tin vào những
chuyện tôn giaó nhảm nhí ấy chứ?
Cụ già bình tĩnh trả lời:
- Đúng thế, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?
Chàng sinh viên nở một nụ cười ngạo mạn và nói:
- Lúc còn nhỏ cháu có tin, nhưng bây giờ sau khi đã học
lên đại học, cháu làm sao còn tin được những chuyện nhảm nhí ấy nữa. Khoa học
đã thực sự mở mắt cho cháu. Ông cứ tin cháu đi, hãy quăng chuỗi tràng hạt kia đi,
và hãy học để biết thêm những khám phá mới. Ông sẽ thấy rằng những gì ông đã tin
từ trước đến giờ đều chỉ là mê tín cả.
Cụ gìa bình tĩnh hỏi chàng sinh viên:
- Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học. Cậu có
cách nào giúp tôi hiểu được điều nầy không?
Chàng sinh viên liền hăng hái đề nghị:
- Ông cứ cho cháu biết địa chỉ của ông, cháu sẽ gởi đến
cho ông những quyển sách mới. Ông sẽ tha hồ đi vào thế giới của khoa học.
Cụ già từ từ rút trong túi áo ra một tấm danh thiếp và
trao cho chàng sinh viên. Vừa đọc qua danh thiếp, anh chàng liền tái mặt vì xấu
hổ, anh lặng lẽ đi sang toa tàu khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp của cụ già có
ghi hàng chữ: “Louis Pasteur - viện nghiên cứu khoa học Paris”.
4)
KHI GẶP NGUY KHỐN HÃY ĐỌC KINH MÂN CÔI ĐỂ ĐƯỢC MẸ CỨU GIÚP:
a) Năm 1507, ông VA-LEN-TI-NÔ
bị một bọn cướp bắt cóc tống tiền. Chúng đã xiềng chân và xích tay ông, rồi
giam ông trong một ngọn tháp cao tối tăm hôi hám. Trong hoàn cảnh bi đát ấy, Va-len-ti-nô
và gia đình ở nhà luôn tin cậy lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ. Rồi một ngày kia,
sau khi đọc kinh Mân Côi, ông vô cùng bỡ ngỡ khi thấy xiềng xích chân tay đều tự
bung ra. Bấy giờ ông đã lần mò trong bóng tối, gõ tay vào tường của cây tháp, đến
một chỗ ông chỉ nghe bục bục. Ông đẩy mạnh và viên đá đã nhúc nhích. Ông vội cậy
viên đá ra và đã tìm được lối thoát ra ngoài bình an. Phải chăng chính Đức Mẹ
đã cầu cùng Chúa ra tay giải thoát ông.
b) Kinh Mân côi không phải chỉ cứu người ta về phần thể xác,
mà còn cứu chữa về phần hồn nữa: HÉ-LÈ-NE
là một nàng kỹ nữ đã làm cho bao nhiêu người đàn ông phải chết mê chết mệt. Ngày
kia nàng ta đã theo một người bạn vào bên trong một nhà thờ, gặp ngay lúc vị
linh mục đang giảng về hiệu lực của kinh Mân côi. Trở về nhà, nàng nhờ người mua
một cỗ tràng hạt, và âm thầm lần hạt mỗi ngày vì sợ bị cười nhạo. Ít lâu sau,
nàng được Chúa ban ơn bình an mỗi khi lần hạt. Sau đó, nàng còn được Chúa ban
ơn ăn năn sám hối, tình nguyện dâng mình cho Đức Mẹ, và đã sống một cuộc sống thánh
thiện cho đến chết.
c) Một bà nọ thuộc hàng quí tộc, một hôm bị bệnh nặng hấp
hối gần chết. Người nhà liền đến mời đức cha DU-PAN-LOUP đến thăm và ban các bí tích sau hết. Sau khi hoàn tất, bệnh
nhân đã bình thản hỏi: “Thưa Đức cha, liệu con có được ơn cứu độ không?”- “Cha
hy vọng là được”. Bấy giờ bệnh nhân liền nói cách xác tín: “Phần con, con tin chắc
con sẽ được hưởng ơn cứu độ của Chúa”. Đức cha ngạc nhiên hỏi lại: “Sao con lại
tin chắc như thế?” Bệnh nhân trả lời: “Thưa Đức cha, từ ngày còn bé đến nay, mỗi
ngày con đều lần hạt Mân Côi, trong kinh Kính Mừng có lời cầu xin Mẹ Thiên Chúa
thương cứu con khi nay và trong giờ lâm tử. Lẽ nào bây giờ lúc con sắp chết Mẹ
lại ngoảnh mặt không cầu cùng Chúa cho con được ơn cứu độ?”.
3. THẢO LUẬN: 1) Noi gương Thánh Mẫu Ma-ri-a
xưa, mỗi tín hữu chúng ta cần làm gì để có thể thưa “Xin Vâng” thánh
ý Thiên Chúa, dù gặp nhiều tai nạn, rủi ro, thất bại hay những điều
trái ý cực lòng? 2) Bạn nên làm gì để động viên người khác cũng xin
vâng ý Chúa khi gặp điều rủi ro như: thi rớt đại học, người thân mới qua
đời, gặp tai nạn giao thông phải nằm bệnh viện, làm ăn thua lỗ thất bại...?
4. SUY NIỆM:
Hôm nay là Lễ Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta vừa nghe Tin Mừng Lu-ca
(Lc 1,26-38) kể lại sự việc sứ thần Gáp-ri-en hiện đến truyền tin cho Trinh Nữ
Ma-ri-a. Câu chuyện này cho chúng ta thấy tình thương và sự trung tín của
Thiên Chúa trong chương trình cứu độ loài người. Thái độ lắng nghe Lời
Chúa, tìm hiểu Ý Chúa và mau mắn “Xin Vâng” của Trinh Nữ Ma-ri-a chính
là thái độ mà Hội Thánh muốn các tín hữu chúng ta thực hiện khi đọc kinh
Mân Côi noi gương Đức Mẹ. Vậy Cấu trúc của kinh Mân Côi là gì? Cần có tâm tình
nào khi đọc kinh Mân Côi? Kinh Mân Côi mang lại hiệu quả thế nào?
1) VỀ CẤU TRÚC CỦA
KINH MÂN CÔI:
Kinh Mân Côi gồm hai phần là miệng đọc kinh và lòng suy
niệm các mầu nhiệm:
a)
Phần kinh đọc:
- Kinh Lạy Cha do Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ cầu nguyện
với Thiên Chúa Cha.
- Kinh Kính mừng phần đầu là lời thiên sứ Gáp-ri-en (x.
Lc 1,28) và lời bà Isave chào chúc Đức Mẹ (x Lc 1,41-42). Phần sau ”Thánh
Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời…” là do Đức Piô V cho thêm vào kinh Kính Mừng năm
1569.
- Kinh Sáng Danh là lời ca tụng Ba Ngôi Thiên Chúa cũng
được Đức Piô V thêm vào.
b)
Phần suy niệm: Suy ngắm các mầu
nhiệm cuộc đời Chúa Giê-su và Đức Mẹ.
- Đầu tiên chỉ có 15 mầu nhiệm chia thành 3 phần là năm sự
Vui, năm sự Thương, năm sự Mừng. Gần đây Đức Gio-an Phao-lô II thêm 5 sự Sáng
là những sự kiện xảy ra trong thời gian Chúa Giê-su đi giảng đạo.
- Nếu đọc kinh Mân côi mà không suy niệm các mầu nhiệm
kèm theo thì giống như con người chỉ là xác mà không có hồn. Đức Mẹ Fatima dạy:
"Phải đọc kinh Mân côi và suy ngắm các mầu nhiệm".
2) THEO
GƯƠNG ĐỨC MA-RI-A:
Điểm quan trọng mà Hội Thánh muốn các tín hữu noi gương Đức
Mẹ trong lễ Mân Côi là thái độ cậy trông, phó thác và vâng phục thánh ý Thiên
Chúa như sau:
-
“Xin vâng”: Trái với sự kiêu ngạo, không vâng lời
Thiên Chúa của bà Evà khi kết hợp với ông Ađam trong vườn địa đàng khi xưa, Đức
Ma-ri-a là Evà Mới thời Tân Ước đã cộng tác với Ađam Mới là Chúa Giê-su để lắng
nghe Lời Chúa, khiêm tốn tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa và cúi đầu “Xin Vâng”.
Ngay sau lời thưa này, Chúa Thánh Thần đã tác động làm cho Đức Ma-ri-a thụ
thai, như kinh Truyền Tin: “Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người, và ở cùng
chúng tôi”. Từ đây, Đức Ma-ri-a hằng ghi nhớ các sự việc đã xảy ra và “suy đi
nghĩ lại trong lòng” (x. Lc 2,19). Ngay sau khi thụ thai Mẹ đã lập tức đem
Thai Nhi Cứu Thế đến thăm gia đình Giacaria, làm cho thai nhi Gio-an mới 6
tháng tuổi đã nhảy mừng trong lòng mẹ là bà Isave (x. Lc 1,41). Nhất là Mẹ còn
thể hiện sự “xin vâng” khi đứng dưới chân thập giá để hiệp dâng người Con yêu là
Chúa Giê-su lên cho Thiên Chúa hầu góp phần cứu độ loài người.
-
Phó thác: Qua biến cố truyền tin, chúng ta cũng noi gương Mẹ để biết
cậy trông phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng. Ngày nay việc giúp những
người vô tín nhận biết Thiên Chúa, cũng như giúp các tội nhân bỏ các thói
hư và xóa bỏ khỏi môi trường sống các tệ nạn xã hội như sì-ke ma túy, cờ
bạc đĩ điếm, lừa đảo cướp giật... không dễ thực hiện, nhưng cũng không
khó đối với Thiên Chúa, vì: “đối với
Thiên Chúa, không có gì là
không thể làm được” (Lc 1,37). Vậy để việc tông đồ truyền giáo
đạt kết quả, chúng ta cần noi gương Mẹ Ma-ri-a năng cầu nguyện với Chúa Giê-su
và làm theo lời Người dạy, như Mẹ đã yêu cầu các người giúp việc trong tiệc cưới
Ca-na vâng lời Chúa Giê-su: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga
2,3-5).
- Tạ
ơn Chúa vì “Tất cả đều là hồng ân”:
Khi gặp điều may lành, chúng ta dễ dàng tạ ơn Chúa. Nhưng ngay cả những
lúc gặp cơn gian nan thử thách, chúng ta cũng phải sẵn sàng thưa “Xin
Vâng”, vì biết rằng: mọi sự Chúa để xảy ra đều có ích cho phần rỗi đời
đời của chúng ta. Vì Chúa có thể “rút từ sự dữ ra sự lành”, Ngài không bao giờ
triệt đường của chúng ta như người ta thường nói: “Chúa đóng cửa chính, nhưng lại
mở cửa sổ” và lời thánh Phao-lô dạy: “Tất
cả đều là hồng ân” (x. 1 Cr 15,10).
3)
NỮ VƯƠNG BAN SỰ BÌNH AN:
Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, chúng ta khẳng định có một mối liên hệ sâu xa
giữa hai tước hiệu của Mẹ là “Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi” và “Nữ Vương Ban Sự
Bình An”. Qua đó chúng ta rút ra bài học: muốn sống trong bình an, người ta không
thể xao lãng việc lần hạt Mân Côi.
Kinh Mân Côi chính là một khí cụ mang lại ích lợi cho mọi
thành phần dân Chúa: Ai yếu đuối, Kinh Mân Côi sẽ đem lại sức mạnh tinh thần; Ai
đang sống trong tội lỗi, Kinh Mân Côi sẽ giúp họ nhận được ơn tha thứ của Chúa;
Ai đang gặp phải rủi ro bất hạnh, Kinh Mân Côi sẽ giúp họ tìm ra phương thế đạt
được hạnh phúc; Ai đang khô khan nguội lạnh, Kinh Mân Côi sẽ giúp ánh lửa tin
yêu còn ẩn giấu trong lòng họ sẽ được bùng lên thành ngọn lửa tin yêu Chúa... Vì
kinh Mân Côi chính là phương thế Chúa ban qua lời Mẹ cầu bầu, để mang lại niềm
vui, sự bình an và hạnh phúc đến cho loài người.
5. LỜI CẦU:
Lạy Mẹ Mân Côi, “Nữ Vương Hòa Bình”, xin giúp chúng con biết
siêng năng lần hạt Mân Côi. Nhờ đó, chúng con sẽ cộng tác với Mẹ xây dựng hòa
bình và tích cực góp phần cứu độ thế giới, bắt đầu từ bản thân, rồi đến gia
đình, khu xóm, giáo xứ, đất nước và ra đến toàn thể nhân loại. Xin cho chúng
con trở thành khí cụ bình an của Chúa để hiệp cùng Mẹ, mỗi ngày chúng con sẽ cải
tạo môi trường sống ngày càng an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn, hầu
Nước Trời bình an hạnh phúc sẽ sớm xuất hiện theo thánh ý Thiên Chúa.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.-
Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM