Kinh Mân Côi
Nguyễn Chính Kết
1. Suy niệm về tràng chuỗi Mân Côi
Mân Côi là một bộ kinh để cầu nguyện với Mẹ Maria gồm 200
kinh Kính Mừng, vừa đọc vừa suy gẫm 20 biến cố quan trọng xảy ra trong cuộc đời
Đức Giêsu và Mẹ Maria. Cứ đọc 10 kinh Kính Mừng thì đồng thời suy gẫm một biến
cố. 20 biến cố ấy được chia làm 4 nhóm:
a) Năm sự vui: gồm 5 biến cố trong cuộc đời thơ ấu của Đức
Giêsu.
b) Năm sự sáng: gồm 5 biến cố trong cuộc đời công khai của
Đức Giêsu.
c) Năm sự thương: gồm 5 biến cố trong cuộc khổ nạn của Đức
Giêsu.
d) Năm sự mừng: gồm 5 biến cố vinh quang (Đức Giêsu phục
sinh và lên trời, Thánh Thần hiện xuống, Thiên Chúa ân thưởng và tôn vinh Mẹ
Maria).
20 biến cố ấy
là những biến cố cốt yếu trong Tin Mừng, nên có người nói chuỗi Mân Côi là một
Tin Mừng được tóm gọn. Vì thế, đọc kinh Mân Côi hay lần chuỗi là một hình thức
đặc biệt để suy gẫm Tin Mừng, theo kiểu miệng đọc tâm suy. Miệng thì đọc các
kinh Kính Mừng kính Mẹ Maria, tâm thì suy niệm những biến cố của Tin Mừng, chủ
yếu là những biến cố quan trọng của cuộc đời Đức Giêsu. Như thế, đọc kinh Mân
Côi không chỉ là cầu nguyện với Mẹ Maria, mà còn là suy gẫm về Đức Giêsu và cầu
nguyện với Ngài.
Trong kinh Mân Côi, ta thấy có sự liên kết hết sức chặt
chẽ giữa Đức Giêsu và Mẹ Maria. 20 biến cố của kinh Mân Côi đều liên quan trực
tiếp hoặc gián tiếp tới Mẹ Maria. Chẳng hạn các biến cố của năm sự thương có vẻ
như chỉ là biến cố của Đức Giêsu, nhưng trong thực tế Mẹ Maria luôn luôn theo
dõi hoặc có mặt một cách âm thầm trong đó. Những biến cố ấy ảnh hưởng rất sâu
đậm đối với cuộc đời Mẹ, và một cách nào đó cũng là những biến cố quan trọng
trong cuộc đời Mẹ. Những đau khổ của Đức Giêsu đều trở thành đau khổ của Mẹ, vì
thấy người mình yêu bị đau khổ, và vì không ai yêu Đức Giêsu bằng Mẹ. Trong
những đau khổ ấy, Mẹ cũng đau khổ không kém gì Đức Giêsu, chỉ khác ở chỗ người
đau khổ trong thực tế, còn người đau khổ trong tâm hồn.
2. Tại sao Mẹ Maria chỉ cho chúng ta cách cầu
nguyện bằng kinh Mân Côi?
Truyền thuyết trong Giáo Hội cho rằng kinh Mân Côi đã được
chính Mẹ Maria truyền dạy cho thánh Đaminh, và khi hiện ra tại Fatima (Bồ Đào
Nha), Đức Mẹ cũng khuyên các Kitô hữu năng lần chuỗi Mân Côi. Chắc chắn Mẹ
Maria không vì muốn người ta ca tụng tung hô mình mà khuyên họ tôn sùng trái
tim mình và năng đọc kinh Mân Côi. Và cũng chắc chắn rằng không phải hễ ai ca
tụng Mẹ, năng đọc kinh Mân Côi thì Mẹ sẽ đặc biệt ưu ái đối với người ấy vì
người ấy ca tụng Mẹ. Nếu Mẹ Maria khi còn sống đã khiêm nhường hết mực, thì khi
lên trời và làm Nữ Vương thiên đàng, chắc chắn Mẹ cũng vẫn khiêm nhường như
vậy, thậm chí còn khiêm nhường cách hoàn hảo hơn nữa. Vì thế, ta không thể xét
đoán theo tâm lý ham được khen ngợi của con người để nghĩ tương tự cho Mẹ
Maria.
Chủ yếu trong việc truyền kinh Mân Côi cho loài người là
Mẹ muốn con người nên thánh thiện, hoàn hảo và nhờ đó cá nhân được hạnh phúc,
xã hội được bình an trật tự, có công bằng bác ái, chứ không phải để Mẹ được
tung hô khen ngợi. Nhưng trong thực tế, không có một mẫu gương nào trên đời
đáng cho mọi người suy gẫm và bắt chước để nên thánh thiện cho bằng Đức Giêsu
và Mẹ. Nên vì ích lợi của con người, Mẹ đã không ngần ngại đưa mình ra làm
gương để con cái bắt chước.
Thật vậy, trong gia đình, người mẹ lấy mình ra làm gương
cụ thể cho con cái bắt chước, thiết tưởng chẳng có gì là quá đáng hay mang tính
kiêu căng, mà trái lại là một phương pháp sư phạm rất khôn ngoan. Vì đối với
đứa con, chẳng có gì gần gũi, thân thiện và cụ thể cho bằng người mẹ. Chẳng có
gương mẫu nào cụ thể dễ bắt chước cho bằng gương của mẹ. Nếu vì ngại đưa mình ra
làm gương nên đã đưa ra một gương khác xa vời và kém xa mình cho con cái, thì
thiết tưởng làm như thế không phải là khôn ngoan, cũng chẳng phải là khiêm
nhường. Cốt tủy của khiêm nhường là tinh thần tự hủy, không đặt nặng cái tôi,
chứ không phải là hành vi tự hạ bên ngoài. Tự hạ bên ngoài mà vẫn còn quan
trọng hóa cái tôi thì không phải là khiêm nhường. Chính khi tự lấy mình ra làm
gương mẫu vì nhắm ích lợi của con cái mình, Mẹ Maria càng chứng tỏ Mẹ không đặt
nặng cái tôi của mình.
3. Cách đọc kinh Mân Côi cho có ích lợi
Điều cốt tủy của kinh Mân Côi không phải là đọc cho đủ các
kinh Kính Mừng cho bằng việc chiêm ngắm các biến cố quan trọng trong cuộc đời
Đức Giêsu và Mẹ Maria để noi gương và bắt chước. Nếu miệng đọc các kinh Kính
mừng còn tâm trí chiêm ngắm và suy nghĩ 20 biến cố cuộc đời Đức Giêsu và Mẹ
Maria, thì các kinh Kính mừng giúp ta hạn định được số thời gian bằng nhau cho
việc chiêm ngắm mỗi biến cố. Nếu mỗi ngày ta đều đọc một chuỗi Mân Côi, thì nhờ
năng chiêm ngắm Đức Giêsu và Mẹ Maria trong các biến cố cuộc đời các Ngài, mà
ngày qua ngày, ta dần dần trở nên giống các Ngài trong quan niệm, tư tưởng, lời
nói và hành động.
Theo các nhà tâm lý học, tự kỷ ám thị là một phương pháp
tự giáo dục vừa đơn giản, dễ dàng lại vừa hữu hiệu. Không nói tới những ơn ích
siêu nhiên, chỉ bàn tới khía cạnh tâm lý tự nhiên thì kinh Mân Côi vốn là một
phương pháp tự kỷ ám thị rất khôn ngoan, có khả năng biến đổi bên trong con
người một cách từ từ nhưng hữu hiệu. Điều quan trọng là có một khuôn mẫu tốt
đẹp nào đó để tưởng tượng và nghĩ tới thường xuyên. Ngày này qua ngày khác, con
người làm như thế sẽ được biến đổi giống y như khuôn mẫu ấy. Điều quan trọng
của tự kỷ ám thị không phải là nghĩ tới khuôn mẫu ấy lâu giờ, mà là năng nghĩ
tới khuôn mẫu ấy. Người chăm chỉ đọc kinh Mân Côi thì ngày nào cũng chiêm
ngưỡng cách hành xử khuôn mẫu của Đức Giêsu và Mẹ Maria, nên sẽ được biến đổi
giống y như khuôn mẫu ấy một cách vô thức, không cần phải cố gắng nhiều.
4. Còn khía cạnh siêu nhiên của kinh Mân Côi nữa
Nhưng kinh Mân Côi không chỉ là một phương pháp tự kỷ ám
thị để tự giáo dục và thánh hóa mình cách hữu hiệu theo phương pháp tâm lý tự
nhiên. Nó còn là một phương tiện bảo đảm để kéo ơn Chúa xuống nữa, vì chính Đức
Mẹ đã hứa ban dồi dào ơn thánh cho những ai năng đọc kinh ấy. Vì thế, kinh Mân
Côi thật là một cách cầu nguyện tuyệt vời đầy hiệu quả mà người Kitô hữu khôn
ngoan cần phải biết tận dụng để nên thánh và nhận được thật nhiều hồng ân từ
trời cao.