YẾU TỐ ÐẶC TRƯNG CỦA
CHUỖI MÂN CÔI
Là lời kinh nguyện theo
Tin Mừng được tập trung vào mầu nhiệm Nhập Thể cứu độ, Chuỗi Mân Côi có một
khuynh hướng rõ rệt về Ðức Kitô. Thật vậy yếu tố đặc trưng nhất của nó - tức
việc đọc đi đọc lai kinh Kính Mừng - trở thành việc không ngừng ca tụng Ðức
Kitô, vì Người là đối tượng cuối cùng của việc thiên thần truyền tin và lời
chào mừng của mẹ Thánh Gioan Tẩy Giả: Người con em đang cưu mang cũng được chúc
phúc (Lc1, 42). Chúng tôi còn nói thêm rằng: Việc lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng
làm thành một bản kịch trong đó việc suy niệm các mầu nhiệm được tăng triển:
Ðức Giêsu được nêu tên trong mỗi kinh Kính Mừng chính là Con Thiên Chúa và Con
Ðức Trinh Nữ, sinh ra tại hang đá Bê Lem, được Mẹ Người dâng vào đền thánh, là
cậu thanh niên đầy nhiệt tâm đối với công việc của Chúa Cha, là Ðấng Cứu Ðộ hấp
hối trong Vườn Cây Dầu, là người bị đánh đập và đội mão gai; là Ðấng sống lại
từ cõi chết và lên trời ngự bên hữu Chúa Cha trong vinh quang để thông ban Chúa
Thánh Thần.
Người ta cảm thấy cần
thiết lập lại tầm quan trọng của một yếu tố quan trọng khác của chuỗi Mân Côi,
ngoài giá trị của yếu tố ca tụng và cầu xin: Ðó là yếu tố suy niệm. Không suy
niệm, chuỗi Mân Côi trở thành một xác không hồn, và việc lần hạt sẽ nguy hiểm
trở thành việc lặp đi lặp lại cách máy móc những công thức và đi ngược lại lời
khuyên bảo của Ðức Giêsu: Khi cầu nguyện anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ
nghĩ rằng: cứ nói nhiều là đươc nhận lời (Mt 6, 7). Theo bản chất của nó, việc
lần Chuỗi Mân Côi đòi buộc phải đọc theo một nhịp độ bình thản để người đọc có
thời giờ suy niệm các mầu nhiệm cuộc đời của Ðức Kitô được nhìn thấy qua tâm
hồn của Ðấng sống kề cận nhất bên Ðức Kitô, và như thế, người đọc sẽ múc lấy
được ơn thiêng nơi kho tàng phong phú của việc lần chuỗi.
(Ðức Thánh Cha Phaolô VI, Tông huấn về việc tôn sùng Ðức
Trinh Nữ Maria, số 46, 47, ngày 2-2-1974)