MÙA PHỤC SINH

__________________________________________

Con người mới

 

“ Hãy lột bỏ con người cũ mặc lấy con người mới.

Hãy để Thần Khí Thiên Chúa canh tân đến tận tâm

linh của các con “ (Ep 4, 22. 24)

 

I. Ý NGHĨA CỦA VIỆC CHÚA PHỤC SINH

 

Hằng năm chúng ta phải trải qua một mùa Chay bốn mươi đêm ngày để dọn mình mừng lễ Phục Sinh. Thời gian đó giúp chúng ta thanh tẩy con người xấu xa tội lỗi của mình để sửa đổi, biến thành một con người mới hoàn toàn thánh thiện hơn. Chúng ta vừa mới mừng lễ Phục Sinh, hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu về con người Phục Sinh, tức là con người mới của chúng ta.

 

1. Chủ trương của Chúa Giêsu:

 

Cái chết của Đức Kitô là một biến cố tương đối dễ hiểu, người ta có thể coi đó như là hậu quả tất nhiên của một quá trình xung đột giữa Ngài và những người giữ quyền bính Đạo Đời lúc đó. Nhưng cuộc sống lại của Đức Giêsu Nadarét, Đấng đã bị đóng đinh, thì không dễ hiểu như thế. Biến cố đó ngay với những người sống xung quanh biến cố, đã là một “thắc mắc” lớn lao rồi. Có những người tin, cũng có nhiều người không tin. Và trải qua lịch sử các thời đại, biến cố “Đức Giêsu sống lại” vẫn còn là VẤN ĐỀ đối với nhiều người.

 

Với những người Công giáo thì biến cố ấy phải là một TIN MỪNG, là Tin Mừng, là một mấu chốt cuộc sống, là ý nghĩa cuộc đời, là điểm tựa hy vọng, là tất cả:

 

“Thưa anh em, Phaolô đã viết cho các giáo dân Côrintô, tôi nhắc lại với anh em Tin Mừng mà tôi

đã loan báo cho anh em và anh em đã đón nhận và còn khăng khít nắm giữ, Tin Mừng mà nhờ đó

anh em được cứu thoát (…) Đó là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, theo lời Kinh Thánh là Ngài

đã bị chôn cất, là Ngài đã SỐNG LẠI, NGÀY THỨ BA theo lời Thánh Kinh (1Cr 15, 1- 4 )

 

Tin Đức Kitô sống lại không chỉ có nghĩa là tin rằng Đức Kitô đã chết và sống lại, nhưng còn và nhất là  đặt niềm tin của mình vào Đấng đã chết và sống lại: là trao đổi cuộc sống của mình cho Đấng đã Chết và Sống lại, là đi theo Đấng ấy, là trở thành môn đồ của Đấng ấy, là tái diễn lại “cái chết” và cuộc “sống lại” của Đấng ấy trong đời mình, mỗi ngày, đối với riêng mình cũng như với những người xung quanh, có liên hệ đến cuộc sống của mình.

 

“ Đức Kitô đã sống lại” có nghĩa là Ngài đã thắng cuộc,  có nghĩa là chủ trương đường lối của Ngài là đúng, chọn lựa của Ngài là hay là tốt. Nhưng Ngài đã có chủ trương, đường lối như thế nào? Ngài đã chọn lựa làm sao?

 

Ngài chủ trương xây dựng hạnh phúc cho con người trong tình yêu thương và phục vụ: “Ta đến không phải để được hầu hạ, nhưng để phục vụ người khác”(Mt 20,27-28). Để thực hiện chủ trương đường lối đó, Ngài đã chịu chết thay cho nhân loại, nhưng rồi Ngài lại sống lại để làm gương cho mọi người. Cái chết và sống lại của Ngài có ý nói rằng: Đức Kitô tìm sự sống vinh quang trong cái chết và Ngài chọn con đường khổ giá để đi tới vinh quang : Per crucem ad lucem.

 

“ Đã sống lại” không có nghĩa là có lúc đã chết rồi sau đó sống lại như cũ: “Sống lại” có nghĩa là sống một cuộc sống mới, một cuộc sống mà trước đó chưa có, một cuộc sống hoàn hảo nhất, trọn vẹn nhất, tươi đẹp và phong phú nhất. Đó là cuộc sống không còn dấu vết của chết chóc, đau thương sầu khổ: cuộc sống mà con người có toàn quyền được thụ hưởng, nhờ cái chết và sống lại của Đức Kitô.

 

Nhờ cái chết và sống lại của Đức Kitô thế giới bước vào giai đoạn hoàn toàn đổi mới. Việc đổi mới ấy đã hoàn thành nơi Đức Kitô, nhưng cần phải luôn luôn tiếp tục nơi toàn thể nhân loại, toàn thể vũ trụ.

Các Tông đồ đã tin vào Chúa Phục Sinh. Và sứ mạng các ngài là loan báo biến cố ấy. Không phải loan báo suông ngoài miệng, nhưng loan báo bằng chính cuộc sống các ngài. Ta không được quên rằng Chúa Phục Sinh chính là Đấng đã chịu đóng đinh Thập giá. Các Tông đồ đã loan báo Phục  Sinh bằng chính cuộc sống hoàn toàn đổi mới nơi các ngài, bằng việc chia sẻ hoàn toàn Thập giá Chúa Kitô, luôn luôn tìm giết con người cũ, con người ích kỷ, để sống theo con người mới là chính Chúa Phục Sinh.

 

2. Giáo thuyết của Thánh Phaolô:

 

Thánh Phaolô đã để lại cho chúng ta những kinh nghiệm quý giá về đời sống tâm linh của Ngài mà không ai trong chúng ta có thể chối cãi được. Trong thư gửi cho Giáo dân Rôma, Ngài đã cho biết: trong con người của Ngài có hai lực lượng xung khắc nhau kịch liệt, làm cho Ngài phải bận tâm và đau khổ, và Ngài không thi hành được cái Ngài muốn:

 

“ Điều tôi làm ra, tôi không biết; vì điều tôi muốn tôi không thi hành, nhưng tôi lại làm chính điều tôi ghét” (Rm 7, 15)

“ Sự lành tôi muốn, tôi lại không làm; còn sự dữ không muốn, tôi lại thi hành” (Rm 7, 19)

 

Nhưng cũng may, trong con người chúng ta, tuy có hai lực lượng xung khắc nhau, nhưng luật của Thiên Chúa vẫn còn đủ sức mạnh để lôi kéo ta làm việc lành, chứ không phải buông theo luật của xác thịt;

“Tôi hớn hở đồng ý với luật của Thiên Chúa theo con người bên trong, nhưng tôi thấy một luật

khác nơi chi thể mình tôi, cự lại luật của lương trí tôi, và giam tù tôi trong luật của sự tội ẩn nơi

chi thể mình tôi”( Rm 7,22-23).

 

Chính vì thế, Thánh Tông đồ khuyên nhủ chúng ta hãy làm một cuộc canh tân toàn diện để cho con người nội tâm của ta biết nghe theo luật của Chúa mà bỏ đường lối của luật xác thịt. Vì thế, trong thư gửi cho Giáo dân Êâphêsô Ngài viết :

 “ Anh em hãy cởi bỏ kiểu sống xa xưa, con người cũ đã ra hư hốt buông theo những đam mê lầm lạc. Hãy để Thần Khí canh tân đổi mới anh em thấu tận trí khôn. Hãy mặc lấy người mới đã được tạo dựng nên theo Thiên Chúa, trong công chính và thánh thiện bắt nguồn trong sự thật” (Ep 4, 22 – 24)

Công cuộc cải tạo con người cũ trở thành con người mới, theo Thánh Tông đồ là Sống theo Mầu nhiệm Phục sinh của Đức Kitô. Người Kitô hữu, người đã nhận Bí tích Thánh Tẩy là gì nếu chẳng phải là người chấp nhận sống Mầu nhiệm Phục Sinh? Thánh Tông đồ lại khuyên nhủ các Giáo hữu Rôma với những lời này:

 

“ Hay anh em không biết rằng: hết thảy ta được Thanh Tẩy trong Đức Kitô Giêsu, thì chính trong sự chết của Ngài mà ta được Thanh Tẩy? Vậy nhờ Thanh Tẩy, ta được mai táng làm một với Ngài trong sự chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới” (Rm 6, 3 – 4)

 

Sống mầu nhiệm Phục Sinh hôm nay chính là từng giây từng phút “lột bỏ con người cũ” (Cr 3, 9), con người ích kỷ, vụ lợi, không muốn “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Nhưng sống Mầu nhiệm Phục sinh hôm nay chính là từng giây từng phút “mặc lấy con người mới” (Cr 3, 10), con người quảng đại, chỉ muốn “mình vì mọi người”, con người sống trong sạch, gương mẫu, biết diệt trừ các tính hư nết xấu của mình …

 

II. CON NGƯỜI MỚI VÀ CON NGƯỜI CŨ

 

Theo Thánh Phaolô, con người cũ và con người mới trong chúng ta luôn luôn xung khắc nhau, không thể đội trời chung. Dùng chữ “cũ” và “mới” đây có dụng ý nói lên cái cũ xấu xa và cái mới tốt đẹp của con người tâm linh chứ không có ý nói cái cũ và mới theo quan niệm thông thường như “phi cổ bất thành kim”hoặc “ôn cố tri tân”

 

1. Thế nào là cũ, mới và đẹp ?

 

Theo quan niệm chung, cũ là cái gì đã xưa, đã lâu ngày, còn mới là cái gì còn tốt, chưa cũ. Cái cũ và cái mới có tương quan với nhau bởi vì cái cũ có thể trở thành cái mới. Ngạn ngữ Tây Phương đã nói: “ La vie est un éternel recommencement” (Đời là cuộc tái diễn mãi mãi). Và 500 năm trước Thiên Chúa Giáng sinh, nhà triết họcï Hy lạp Héraclite cũng nhắn nhủ : “ Mặt trời hằng mới mọi ngày”. Nhưng dầu sao, người ta vẫn cho cũ là cái gì đã có từ lâu và không đáng chuộng bằng cài gì mới có:

 

        Có mới thì nới cũ ra,

        Mới để trong nhà, cũ để ngoài sân.

 

Thường tình ai cũng thích cái mới, đó là bản tính tạo hóa đã phú bẩm cho con người. Cái gì mà ngày nào cũng như ngày nào sẽ sinh ra nhàm chán, ra sáo, làm vô vị cho lưỡi nếm, buồn tẻ cho mắt, tai, vô duyên cho tay, mũi. Dòng nước không trôi không bao giờ là dòng nước. Cái cây không nảy cành xanh ngọn cũng là khúc gỗ vô tri. Con vật không biến hóa là một xác chết.

 

Cho nên Phương ngôn Tây Phương đã nói: “ Mọi mới là mọi đẹp”. Nói “mọi mới, mọi đẹp” thì hơi quá, nhưng nói “ mọi mới, mọi lạ” thì đúng hơn, vì nếu có cái mới đẹp thì cũng có cái mới xấu, cái mới lố lăng, cái mới mà người ta không thể “ngửi” được. Và thực ra, nếu người ta ham mê cái mới, chính vì nó lạ, nó chưa quen thuộc với người, nó chưa trở thành nhàm chán.

 

Cái Mới là sự cần thiết cho con người vì nó biểu dương sức sống, sự tiến hóa của nhân loại. H. R. Lenormand đã viết: “ Nếu những sự say mê, những điều mơ ước không thể tạo nên những tương lai mới thì đời sống chỉ là một lường gạt phi lý”. Vì vậy không phải từng năm, từng tháng, từng ngày mà là từng giây, từng phút người ta phải đi tìm cái mới để giúp cho sự tiến bộ của nhân loại.

 

2. Thế nào là con người cũ ?

 

Theo Thánh Phaolô, con người cũ là con người hành động theo xác thịt không theo luật của lương trí, họ sống buông thả cho mọi khuynh hướng sống. “ Không ai sống cho mình”. ( Rm 14,7). Nhưng biết bao người chỉ sống cho mình họ, cho thỏa nguyện của họ, cho hạnh phúc riêng của họ. “ Tất cả những người lấy cái bụng làm Chúa, những người đặt vinh quang của họ trong những việc chỉ làm cho họ xấu hổ vì chỉ thích những cái gì phàm tục”. ( Pl 3,19)

 

Chúng ta chỉ có thể nói được rằng: lòng chúng ta là một sở thú của mọi khuynh hướng. Trong sở thú đó có rất nhiều con vật mà chúng ta phải trừng trị, phải huấn luyện, nếu không nó sẽ quay lại làm hại ta, giết hại ta:  

         * Sư tử, hùm, beo: sự cục cằn nóng nảy.

         * Con heo: dâm ô, đồi trụy.

         * Con rắn, cáo: lưu manh, gian dối, lừa đảo.

         * Con bọ cạp : phê bình chỉ trích.

         * Con rùa: chậm chạp.

         * Con ve : lười biếng.

         * Con công: khoe khoang

.

Chương trình nên thánh của chúng ta là làm mất con người cũ với tất cả khuynh hướng xấu, làm chủ được nó, bắt nó phục tùng linh hồn. Kẻ nào sai khiến được mình sẽ sai khiến được kẻ khác. Cái sự tàn phá, ngông cuồng có làm đẹp lòng không? Nhưng cái sức sáng tạo ngăn nắp, chỉnh đốn vẫn lắm duyên ưa. Chúng ta có thấy vẻ tự đắc trên khuôn mặt các bạn thanh niên chạy xe (đạp) khi phóng hết sức nhanh rồi thình lình hãm xe lại? Tại sao họ thích chơi như thế? Bởi vì họ tỏ được rằng họ có một sức mạnh ngăn nắp, biết vâng theo ý mình. Sự tuân phục và đúng mức vẫn làm đẹp lòng người.

 

Chúng ta cũng vậy, ta cũng muốn học để biết sai khiến mình. Nhưng dùng phương pháp nào để thành công? Thánh Gioan Tẩy Giả đã dạy ta: sự cương quyết chinh phục chính mình. “ Perge, Patiens : pariet patientia palmam( bạn hãy can đảm và kiên nhẫn, và sự hy sinh của bạn sẽ nảy triều thiên)

.

3. Thế nào là con người mới?

       

Ông Francis Bacon nói: “ thời thượng cổ trong lịch sử là thời thanh xuân của thế giới: chính chúng ta mới là cổ nhân”. Thời kỳ con người mới được dựng nên là thời kỳ thanh xuân vì con người lúc ấy giống như Đức Chúa Trời trong sự công bình và trong sạch. Mặc dầu thời kỳ hiện nay là thời kỳ nguyên tử vệ tinh, con người cũng không thể đem chính họ trở lại thời kỳ “ thanh xuân”được. Ông G. Duhamel nói rằng: “ con người ta dù có là vĩ nhân đi chăng nữa cũng chỉ là con người”.

 

Cho nên, con người muốn trở nên con Trời, tức là trở lại thời thanh xuân, thì phải được tái sinh theo phương cách mà Chúa Giêsu đã tuyên bố với giáo sư  Nicôđêmô: “ Quả thật, ta nói cùng ông, nếu một người chẳng sinh lại thì không thể thấy nước Đức Chúa Trời”.(Ga 3,3)

 ( Mục sư Huỳnh Tiên, Thánh Kinh nguyệt san, số 362, trang 14)

 

Chúng ta biết gì về đòan quân Lê Dương, đó là một binh chủng tuyển mộ những chí nguyện quân. Binh chủng này thu nhận bất cứ ai thuộc bất cứ xứ sở nào. Ai gia nhập binh chủng này muốn biên tên thế nào cũng được, không ai hỏi gì giấy má cả. Họ chỉ hứa trung thành phụng sự dưới lá cờ Lê Dương mang chữ: Danh dự, trung thành. Bất cứ một tên trộm cướp nào, bất cứ tội nhân nào, nếu đã đăng vào đoàn quân Lê Dương là bắt đầu một đời sống mới: dĩ vãng của hắn chết hẳn, không còn ai đòi hỏi gì đến hắn trong đoàn Lê Dương nữa. Với cái tên mới mà hắn đã chọn, sinh ra một con người mới. Khi hắn đã khoác bộ quân  phục vào rồi thì hắn được bảo đảm, hắn chỉ còn việc sửa chữa những lỗi lầm của hắn bằng một đời sống can đảm và hy sinh; mà điều này hắn làm là thừa. Đoàn Lê Dương là đoàn quân chiến đấu hay nhất, ở đâu cũng vậy.

                  (Phút suy niệm với Thánh Phaolô, tập 2, 1959, trang 68)

 

Khi một người thật xứng đáng với danh từ “con người” mà đã khoác vào một bộ đồng phục rồi, thì họ biết là họ đã hoàn toàn mắc lời hứa. Sự thay đổi y phục bề ngoài chỉ là một trò hề, một cuộc trưng bày, nếu nó không tượng trưng cho một sự thay đổi bề trong của đời sống. Một quân nhân chân chính đã khoác bộ binh phục vào rồi thì không còn thuộc về mình nữa mà thuộc về Tổ quốc. Họ sẽ chiến đấu và chết ở bất cứ nơi nào người ta cử họ đi

.

Khi ta nhận lấy tấm áo Rửa tội, khi nhận lấy tấm áo dòng, có nghĩa là ta không còn thuộc về ta nữa mà là thuộc về Chúa Kitô, từ lúc ấy đời sống của ta là để phục vụ Người: không phải là ta sống nữa mà là Chúa Kitô sống trong ta. Thánh Phaolô đã nói thế rồi.

 

Vậy khi ngài kêu gọi ta mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, ngài không có ý bảo ta lấy tập quán Công giáo (của Dòng tu) mà khoác bên ngoài để che phủ cái bản tính xấu xa của ta đâu. Không phải là chỉ cần thay đổi cái bộ mặt, là thay đổi cái ngoại trạng đâu, vì như thế là giả hình: chính là phải thay đổi từ nền tảng, mặc Chúa vào người ta, chính là làm sao biến cái con người của ta nơi Chúa.

 

4. Phải trở nên con người mới:

 

Thánh Tông đồ hằng thôi thúc lột bỏ con người cũ đi, như lột bỏ một chiếc áo rách, dơ bẩn, đầy uế khí, và mặc lấy người mới như mặc lấy chiếc áo ngày Lễ Trọng. Nếu tôi thích bỏ áo cũ mặc áo mới, thì trái lại tôi rất sợ, rất ái ngại, bực dọc, day dứt, khi nghe nói phải bỏ người cũ mặc lấy người mới, tôi có ấn tượng như bị lột da.

Lột da ?

Nghe nói thì dễ sợ thật. Nhưng để được đứng thẳng trên hai chân để có đủ điều kiện kháng cự với mức phá hoại của thời gian trong năm bảy chục cái xuân thu, tôi phải mỗi năm mỗi lột da.

 

Ngày trước, người ta nói rằng cứ bảy năm, cơ thể con người ta được trùng tu lại một lần hoàn toàn mới. Các nhà khoa học ngày nay không nói bảy năm, mà chỉ nói một năm thôi. Mỗi năm một lần, các bộ phận trong cơ thể của tôi, được lần lượt tháo gỡ bỏ đi hết kỹ lưỡng hơn gấp mấy các bác thợ ráp sửa xe, và được thay thế bằng những bộ phận khác hoàn toàn mới.

 

Rắn già rắn lột. Con người thì già trẻ gì cũng lột. Chỉ trong vòng 12 tháng là tôi lột bỏ hết con người icũ với xương thịt của nó, và mặc lấy một con người mới với xương thịt mới hoàn toàn.

Thể chất đổi mới. Tại sao luật ấy lại không được áp dụng cho tâm linh ?

“ Hãy lột bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới.

 “. Hãy để Thần Khí Thiên Chúa canh tân tận tâm linh của các con” (Ep 4, 22 – 24)

                (Vũ Minh Nghiễm, Sống sống, 1971, trang 373 – 375)

 

Cuộc chiến đấu giữa hai con người cũ mới luôn diễn ra trong con người chúng ta, đó là một cuộc chiến đấu gay go nhất thiên hạ. Những vị anh hùng lừng lẫy như: Napoléon cũng phải thúc thủ đầu hàng. Ông tự thú:

“ Thắng được cả Âu Châu còn dễ hơn là thắng được chính mình” .

 

Phải giết  con người cũ đi để lấy con người mới thay thế vào, vì nếu ta không giết con người cũ đi thì nó vẫn hoành hành tự do, làm cho con người mới không có chỗ đứng. Nhưng giết đi như thế nào ? phải dùng những biện pháp gì để giết nổi con người cũ ?

 

Truyện: Giết con người cũ

Khi lập nhà đầu tiên ở quận Vaugirad tại Paris, các Linh Mục tu hội Xuân Bích có thuê hai vợ chồng già giúp việc. Mỗi ngày cứ thấy các cha đến phòng hội, đóng cửa kín mít. Thắc mắc tìm hiểu, người chồng rón rén lại gần nghe. Nín hơi, lắng nghe thì tiếng cha bề trên nhấn mạnh: phải tiêu diệt người cũ mà mặc lấy người mới. Nghe đến đó, anh ta tức giận vô cùng và tự nghĩ: người cũ đây là ta chứ còn ai nữa, thì cứ thẳng thắn cho rút lui, chứ sao lại có dã tâm toan giết ta. Không ngờ các cha mà có dã tâm như vậy. Ừ, giết thì giết, ta đã có cách đối phó.

 Từ đó, người ta thấy ông thay đổi thái độ, nét mặt hầm hầm có vẻ tức giận lắm. Các cha có hỏi điều gì ông chỉ trả lời cộc lốc và bất lịch sự.

Muốn tìm hiểu, cha bề trên gọi ông đến phòng. Thừa dịp ông nói trắng ra những điều đã nghe thấy và còn thách thức là khác. Nghe nói lớn tiếng, cha quản lý chạy lại và nhận thấy ông đã thủ sẵn một con dao lớn nếu cần thì ông sẽ sử dụng.

Có gì đâu ! Xuân Bích cũng như mọi dòng khác, mỗi ngày có giờ xét mình riêng. Các cha và các thầy vào nhà hội nghe sách hay nghe cha bề trên nói mấy lời. Tiêu diệt người cũ mà mặc lấy người mới là có ý bảo cởi bỏ những gì là xác thịt mà mặc người mới là mô phỏng lời Chúa Giêsu , song lẩn thẩn thế nào mà ông lão lại tưởng các cha bàn bạc để giết mình và sẽ dùng người khác thay thế.

                     (Trần Công Hoán, Truyện hay10, trang 64)

 

Chúng ta đã có những gương sán lạn về việc thay đổi con người cũ để trở thành con người mới, một sự thay đổi tận gốc, từ con người tội lỗi trở thành con người hoàn toàn thánh thiện và đã trở nên những bậc đại thánh trong Giáo hội. Chúng ta còn nhớ: ngày xưa các Tông đồ sợ sệt bao nhiêu, nhất là sau khi Chúa Giêsu chịu chết, thì sau khi Chúa Giêsu sống lại hiện ra với các ông, nhất là sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, các ông đã trở nên những người mạnh bạo, nhiệt thành, thánh thiện đi rao giảng Lời Chúa và đã được phúc chết vì Chúa. Chúng ta quên thế nào được một Phêrô, một Mađalêna, một Augustinô, một Phanxicô Xaviê, và bao danh nhân khác đã có mộtä sự thay cũ đổi mới trong đời sống một cach đặc biệt. Đối với những người này, ai dám chê họ như người ta vẫn thường chê nhưng người chỉ giả hình nhân đức bề ngoài :

        “ Thay quần, thay áo, thay hơi,

        Thay dáng, thay dấp, nhưng người không thay”.

 

III. CON NGƯỜI MỚI CỦA CHÚNG TA.

 

Chúng ta cần thay đổi con người cũ để mặc lấy con người mới. Con người mới đó như thế nào ? Mẫu mực con người mới đó chính là Đức Kitô Phục Sinh, người là tiêu chuẩn của đời sống ta. Chúng tahãy nhắm con người của Người mà thay đổi, như thế sẽ không sợ đi lạc đường

.

1. Đức Giêsu, mẫu mực con người mới:

 

Đức Giêsu đã đến trong trần gian. Hình ảnh về người không dung hợp với quan niệm của người Do Thái. Người báo trước là Người sẽ chịu một phép rửa trong máu, còn hơn nữa, chính trên Thập Giá, Người sẽ vui nhận sự chết để cứu nhân loại. Ngài đã thắng sự chết nhưng không tiêu diệt sự chết.

Công việc của Đức Giêsu đã làm sửa chữa lại hoàn toàn quan niệm đổi mới. Sự đổi mới của Ngài không đảo lộn đời sống con người, không hủy bỏ sự đau khổ và sự chết, nhưng Ngài mặc cho sự đau khổ và sự chết một công dụng mới là giúp cho con người, vũ trụ tân tiến. Nếu theo ý định của Chúa và biết thân phận là người của ta, nhận sự đau khổ và sự chết trong đức vâng lời và vì lòng mến Chúa yêu người; thì sự đau khổ và sự chết sẽ hóa nên con đường độc nhất đi đến sự sống lại vĩnh viễn cho ta và cho cả tạo vật.

Khi nói: Đức Giêsu là người mới, là Adong mới, ta phải hiểu người mới là người đích thực, như ý định của Đức Chúa Trời từ muôn thuở: là con người trung tín với thiên chức làm người. Khi đối chiếu người cũ và người mới, không phải là thay đổi một cái gì trong bản chất con người. Con người mới không phải là con người khác biệt, tách rời ra khỏi thân phận làm người, và đặt vào trong vườn Diệu Quang. Sự đối lập giữa cũ và mới là sự đối lập giữa tội và ơn thánh. Người cũ là người tưởng lầm rằng mình có thể tự sức mình làm trọn thiên chức của mình, là người tội lỗi, tự thần thánh hóa mình, đặt mọi tham lam dục vọng của mình mà tôn thờ, là kẻ tưởng mình là chủ nhân của đời sống mình và của vạn vật. Trái lại, người mới là người đi đúng đường Chúa vạch ra, thực thi đúng chương trình của Chúa, là Đấng độc nhất có thể ban cho ta quyền làm con Ngài.

 

Người mới là người hiểu rõ, chính việc thực hiện thiên chức của mình ở sự vâng phục làm trọn nhiệm vụ của mình ở đời cho đến ngày chết. Hiểu rõ chính việc làm trọn nhiệm vụ con người là điều kiện căn bản cho việc làm trọn nhiệm vụ làm con Chúa

.

Một mình Đức Kitô đã làm trọn nhiệm vụ làm người của mình, vì đã vâng lời Đức Chúa Cha, và vâng lời cho đến chết. Nên Ngài đã được Đức Chúa Cha cho sống lại và ban cho một danh hiệu cao quý hơn mọi danh hiệu, để Ngài làm trưởng nam, làm anh, làm đầu chúng ta. Và để Ngài ban cho những ai biết theo Ngài, biết chết cho con người cũ, biết chết cho mọi tham lam dục vọng của mình, cũng sẽ được nhờ Ngài, trở nên con thật Đức Chúa Cha.

        (Lm Trần Hữu Thanh, Sống Lời Chúa, tập 3, 1966, trang 194 – 195)

 

2. Con người mới lý tưởng của chúng ta:

 

           Con người mới của chúng ta phải được thực hiện trong Đức Kitô. Nếu ai ở trong Đức Kitô, thì đã là một tạo thành mới, bản chất cũ đã tan biến, những điều mới đã thành. ( 2Cr 5,17). Nhưng phải luôn luôn vứt bỏ men cũ đi, để trở thành một thứ bột mới. Như thế tái tạo lại dần dần hình Đấng Tạo Hóa trong bản thân mình (Cr 3, 8). Không còn tìm hạnh phúc trong sự thỏa mãn xác thịt, trong sự ham muốn trần tục, mà đem lòng lên ao ước những sự trên trời. Như thế không phải làtìm thoát tục, trái lại tìm xây dựng nước Chúa giữa trần gian bằng một đời sống câng bằng và bác ái hơn. Và như thế là lúc ta tái tạo chính mình, ta cũng cần tân hoàn thiện công việc của Chúa.

 

a) Tinh thần trẻ thơ.

 

Như  Francis Bacon đã nói: “Con người thời nay đã già cỗi, cần phải trở về thời “ thanh xuân” của con người nguyên thủy. Con người trẻ trung ngày nay đã bị vật dục ám ảnh, những khuynh hướng xấu làm hư hỏng con người của ta, chúng ta trở nên già khòm. Vì thế, phải trở nên  như trẻ thơ để được vào Nước Trời” (Mt 19,13 – 15).

 

Đặc tính của con trẻ là đơn sơ trong sạch và phó thác. Chúng là những con người đơn sơ, chất phác, không mưu mô quỷ quyệt, không biết tội, tâm hồn đơn sơ như chim bồ câu nên hồn chúng giống như con người ở trong tình trạng “ thanh xuân” của ơn thánh. Chúng cũng biết mình yếu đuối, đặt hết tin tưởng vào cha mẹ nên sống thảnh thơi, không bồn chồn lo lắng.

 

Con người mới của chúng ta cũng phải có tâm hồn trong sạch và đức phó thác như vậy. Chúa thích những tâm hồn đơn sơ, sống với Ngài như những đứa con ngoan hiền, dám thổ lộ với Ngài những tư tưởng, những ý nghĩ thành thật, những cảm tình tha thiết như trường hợp em Jacques.

Jacques mới 3 tuổi vừa nhặt tờ báo “ Thánh Giá” lên, nó chiêm ngắm Thánh Giá hồi lâu, rồi đặt tờ báo trên cái ghế bành và nói` bằng một giọng âu yếm: “ Chúa hãy ngủ một chút đi, như thế Chúa sẽ thấy dễ chịu hơn”.

 

b) Tinh thần canh tân.

 

Công đồng Vatican II chú trọng tới việc canh tân Giáo hội. Chúng ta là chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô, là thành phần của Giáo hội cũng có nhiệm vụ đóng góp vào việc canh tân ấy. Muốn xóa bỏ con người cũ để trở thành con người mới cần phải có sự canh tân con người của ta.

 

* Ý nghĩa việc canh tân:

 

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói trong thông điệp Ecclesiam suam: “ Ta hãy nhắc lại lần nữa những tư tưởng này: Giáo hội tìm được sự tươi trẻ của mình không phải nhờ sự thay đổi trong guồng máy hữu hình của luật pháp mà chính là nhớ thái độ tâm linh mới, thái độ vâng phục Đức Kitô và đồng thời kính nể các luật lệ Giáo hội tự đặt cho mình để bước theo đường lối Chúa Kitô. Đó là bí quyết của công trình canh tân, đó mới là một sự thay đổi chính nghĩa của nó là sự thay đổi lòng người”.

Ngài nói tiếp: “ Canh tân Giáo hội toàn diện để Giáo hội trở về tình trạng vô tì vết của thời sơ khai”. Đức Gioan còn nói: “Công việc của Công đồng chung này hoàn toàn có mục đích làm cho dung nhan của Giáo hội Chúa Kitô lại được uy nghi sáng lạn, trở về tình trạng đơn sơ, thuần túy của thời sơ khai và có ý phổ biến Giáo hội đúng như lúc Chúa mới thành lập tức là trong sáng, không tì vết”. (O. R. 14. 11. 1960)

 

* Nhận thức tình trạng cũ

 

Chúng ta sống hằng ngày với con người của mình, gần gũi chúng ta hơn hết mọi người khác, vật khác. Nhưng nếu hỏi ta là ai, ta là gì và chúng ta thế nào? Chắc không mấy người trả lới được vì ta đã quá quen với con người của mình nên bị bỏ quên.

 

Một nhà quân tử đã thốt lên: “ Tôi chưa có kinh nghiệm thế nào là lương tâm của một kẻ sát nhân, nhưng tôi đã biết thế nào là lương tâm của một người quân tử: thực là ghê tởm ! Người quân tử là người dám thành thật với mình, dám nhìn thẳng vào cõi lòng mình, không dối mình, dối người cũng chẳng dối trời. Đúng vậy: Le moi est haissable”.

 

Để che đậy cái tôi trần không, nhiều khi quá bì ổi đến đớn hèn, người ta thường tạo nên những cái tôi giả tạo, ảo tưởng vô tội và đáng kính: tôi không như ai, tôi không thế này, tôi không thế nọ … Thật là đẹp.

 

Nhưng Chúa Cứu Thế đã lên án họ là: “ Mồ mả quét vôi trắng, bên trong chứa đầy hôi thối, bọn biệt phái giả hình, kiêu căng” (Mt 23, 27 –29). Thánh hiền Đông phương cũng tặng cho một biệt hiệu là Hương nguyệân. Thomas Merton gọi là con người hư ảo, nói khác là cái tôi giả tạo do sự ngộ nhận về bản ngã của mỗi người. Họ giống như những con đà điểu thấy ánh sáng thì vùi đầu vào cát là những thành kiến để khỏi nhìn vào thực tế. Họ không có can đảm nghe người khác nói sự thật, hoặc thích nghe những sự thực tốt, còn điều chói tai, phật ý thì làm ngơ. Người khác cũng không dám nói sự thực, vì sự thực mất lòng, có khi còn mang lụy vào thân…

 

Thánh Augustinô khẩn khoản nài xin Chúa cho được biết mình và biết Chúa: Noverim me, Noverrim Te. Biết mình thực là việc khó. Việc mình thì quáng, việc người thì sáng. Chính Chúa Giêsu đã bảo: “ Cái đà kếch xù trong mắt ta, ta chẳng thấy, còn cái rơm rắc trong mắt anh em thì ta lại thấy. (Mt 7, 3 – 6 ) (Báo Nhà Chúa, số 11, trang 713 – 714)

 

* Chuyển sang tình trạng mới:

 

Canh tân là làm cho tình trạng xấu hóa thành tình trạng tốt. Canh tân con người nội tâm không phải chỉ thay đổi những cái phụ tùy bên ngoài, nhưng là thay đổi hẳn tình trạng, phải có một sự chuyển biến từ nội tâm. Người ta nói: người tốt về lụa, lúa tốt về phân. Ta đồng ý là lúa tốt về phân vì trong công việc trồng cấy thì “ nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, nhưng thay đổi con người xấu thành tốt không phải chỉ dựa vào những cái trang điểm bên ngoài như lụa là gấm vóc.

 

Chúng ta có biết con bướm bởi đâu mà ra không? Nó bởi con sâu mà ra. Đây không phải là sự thay đổi màu sắc hay hình dáng mà là một sự biến thểá từ con sâu sang con bướm. Chúng ta phải lột xác, hay nói đúng hơn chúng ta phải biến hình đổi dạng như Chúa Giêsu trên núi Thabor (x.Mt 17, 1 – 9 ; Mc 9, 2 -13. Lc 9, 28 – 36). Nhờ cố gắng cải thiện con người của mình, chúng ta sẽ được Chúa thay thế con người cũ của ta bằng con người mới tốt lành hơn như tiên tri Êgiêkiel đã nói:

 

“ Ta sẽ rảy nước trong sạch trên các ngươi, và các ngươi sẽ được tẩy sạch. Ta sẽ tẩy các ngươi sạch mọi ô uế và mọi tà thần. Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới, đặt trong các ngươi một thần trí mới. Ta sẽ lấy khỏi mình các ngươi trái tim bằng đá và ban cho các ngươi trái tim bằng thịt. Ta sẽ đặt thần trí ta trong các ngươi, sẽ làm cho các ngươi sống theo các điều luật, tuân giữ và thi hành các mệnh lệnh của Ta” (Ed 36, 25 – 27)

 

Sự thay đổi này phải là sự thay đổi căn bản từ trong nội tâm của con người chúng ta, làm cho chúng ta sáng ngời đẹp đẽ bên trong hơn bên ngoài:

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn,

Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.

 

3. Chương trình của con người mới:

 

Chúng ta muốn trở nên một con người mới, một con người hoàn toàn, một con người thành thiện. Nhưng chúng ta lấy ai làm khuân mẫu cho sự thay đổi của mình? Hay nói cách khác, chúng ta phải chọn một thần tượng để bắt chước, thần tượng của đời sống thiêng liêng của ta là ai ?. Phải chăng, đó là Đức Kitô.

        a)  Lấy Chúa Giêsu làm tiêu chuẩn.

 

* Vấn đề chọn thần tượng:

Thi sĩ Trăng Thập Tự trong cuốn “Tâm tình tu viện” đã nói về thần tượng như thế này: Giả sử bây giờ có một cuộc bỏ phiếu chọn thần tượng ta sẽ thấy:

Có người chọn Birigitte Bardot

Có người chọn Albert Camus

Có người chọn Giuliano Gema

Có người chọn Mao Trạch Đông

Có người chọn John Kennedy

Có người chọn Khánh Ly

Có người chọn Joseph Cardijn

Có người chọn Dubeck hay hàng loạt những người khác.

 

Có người ngộ nghĩnh hơn :

Trong cuộc bỏ phiếu chọn thần tượng của mình

Và anh, anh chọn ai

Trên một cây cao

Ba con chim buồn

Cái ổ chim mục nát

Và trái cây xanh

Riêng Trăng Thập Tự, Trăng Thập Tự khẳng định :

“Còn tôi thì nhất định sẽ bầu cho Giêsu Kitô Nazareth”.

 

Con người được gán danh hiệu “thần tượng” là được tôn thờ, hoan nghênh như một vị thần. Thực ra thần tượng không những được người ta tôn thờ như vị thần, đặt hết lòng tin, niềm kiêu hãnh trong đó, nhưng hơn nữa còn ước ao, mong muốn mình được huyền đồng với thần tượng của mình. Do đó, người được tôn sùng là thần tượng là người đã được đồng hóa như vị thần và có thể bắt chước rập khuôân những điệu bộ, lối sống, cách phục sức … Ta nhận định: đi trong hành trình cuộc đời con người khi đã cảm thấy mình đuối sức, tâm hành bất nhất, họ sẽ tìm bám víu lấy một thần tượng để trao phó cho thần tượng, gửi gắm cho thần tượng ước vọng tiến mãi của mình. Người ta nhận ra trong thần tượng những ưu điểm mà mình không có, và cố với lấy những ưu điểm này.

 (Chiêu Anh, nội san Đồng tiến, 1972, trang 39)

 

        b)  Chúa Giêsu là thần tượng của ta.

 

Chúng ta chọn Chúa Giêsu làm thần tượng vì Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể (Ga 1, 14), vì Ngài là Đường, là Chân Lý và là Sự Sống. (Ga 14, 6) vì Ngài là Thầy của chúng ta, là Chúa Người có đủ đức tính của một người hoàn hảo nhất. Chẳng thế mà Chúa đã bảo chúng ta: “Phần chúng con, chúng con đừng bắt người ta gọi mình là thầy, vì chúng con chỉ có một thầy và tất cả là anh em. Đừng gọi ai là cha trên đời này, bởi vì chúng con chỉ có một Cha trên trời. Cũng đừng bắt người ta gọi là huấn đạo vì chúng con chỉ có một huấn đạo là Đức Kitô (Mt 23, 8 -10). Ngài còn dạy chúng ta phải bắt chước Ngài : “Hãy học cùng ta vì ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng (Mt 11, 29 . Jer 6, 16). Như vậy, Chúa Giêsu là Thầy, là Cha và là người Huấn đạo của chúng ta . Đây không phải là lập luận của chúng ta, mà chính là lời dạy dỗ rõ ràng và công khai của Chúa Giêsu “ vì chúng con chỉ có một người Huấn đạo là Đức Kitô: (Mt 23, 10). Chúa Giêsu là khuôân mẫu của ta:

 

Muốn tròn phải có khuôân

Muốn vuông phải có thước

.

Truyện: Trở thành vĩ nhân

Nhà văn Nathaniel Hawthorne, trong truyện ngắn có nhan đề “ The great stone face” kể rằng: đối diện với một buôn làng Ấn  Độ Mỹ Châu kia, có một ngọn núi đá ngạo nghễ. Trên đỉnh núi, một gương mặt đá khổng lồ, uy nghi trơ trơ giữa gió mưa bốn mùa. Không một ai trong bộ lạc biết khuôân mặt đá xuất hiện từ bao giờ, do đâu. Người ta chỉ nghe các trưởng lão đã truyền tụng rằng: đó là gương mặt của một vĩ nhân … và nếu có một kẻ nào trong buôn làng mang sắc diện giống khuôân mặt đá, thì ngày sau cũng trở thành vĩ nhân.

 

Thế rồi, trong làng một thanh niên tuổi đôi mươi, thân hình tráng kiện, nét mặt cương trực kiêu hùng. Hằng ngày chàng ước mơ nét mặt mình biến đổi giống gương Mặt Đá, để rồi ngày sau trở thành vĩ nhân. Chàng tưởng tượng những đức tính cao đẹp của vĩ nhân Mặt Đá: nào là thông minh, chính trực, tận tâm, quảng đại, bác ái, trung thành với bộ lạc … Chàng quyết đem thể hiện những đức tính đó trong cuộc sống.

 

Thời gian từ từ trôi, dân làng nhận thấy nơi chàng nét mặt hao hao giống khuôân mặt vĩ nhân kia … nhất là ở đời sống cao quý của chàng. Tiếng đồn lan ra khắp buôn làng, mọi người đều công nhận sự kiện đó. Rồi một ngày kia, việc phải đến đã đến: người ta chứng kiến buổi lễ vô cùng long trọng, dân chúng bộ lạc nghên đón vị anh hùng. Người đó không ai khác hơn là chàng thanh niên thuở trước nay đã trở thành nhà lãnh đạo bộ lạc.

 

Chúng ta đã chọn Chúa Giêsu làm thần tượng của cuộc sống chúng ta, chúng ta phải cố gắng bắt chước Ngài. Để trở nên môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, ta phải biết thực thi đúng mức định luật tâm lý này: nhập tâm. Hằng ngày tâm niệm gương mặt ta ưa thích: khuôân mặt vị Người Chúa, khuôân mặt Đức Kitô. Đồng thời hình dung và đem thực hiện những đức tính cao quý của Thầy Chí Thánh mà đức tính cao cả nhất là yêu thương.

 

c) Chúng ta hãy nên thánh.

 

Cải tạo con người cũ là gì? Canh tân là gì? Nếu chúng ta chẳng phải là nên  Thánh. Tất cả mọi nỗ lực trong đời sống của một người Kitô hữu là cố gắng trở nên hoàn thiện, tức là nên Thánh. Thánh Phaolô đã dạy chúng ta: “Thánh ý Chúa là muốn cho anh em nên Thánh” (Ep 1, 4). Ngài còn khuyên bảo thêm: “Anh em phải sống xứng đáng là các vị Thánh” (Ep 5, 3). Ngay trong đạo cũ Chúa cũng đã truyền cho chúng ta phải nên Thánh: “Chúng con hãy nên Thánh vì Ta là Đấng Thánh”(Lv 20,26).

 

Trong hiến chế tín lý về Giáo hội, Công đồng Vatiacan II đã dạy:

“ Chúa Giêsu, Thầy dạy và là mẫu mực thần linh của mọi sự trọn lành, đã giảng dạy cho tất cả và cho mỗi một môn đệ, bất luận thuộc cảnh vực nào, một đời sống thánh thiện mà chính Người vừa là Đấng ban phát, vừa là Đấng hoàn tất: “Vậy các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con ở trên trời” (Mt 5, 48) … Cho nên, với ơn Chúa, họ phải luôn gìn giữ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận. Họ được Thánh Tông đồ khuyên “sống xứng đáng như những vị Thánh …” (Lumen gentium, số 40)

 

Trong thực tế, việc nên Thánh của chúng ta hệ tại trong cách sống tu trì của chúng ta. Đời sống tu trì là kim chỉ nam, là bàn đạp để chúng ta có thể tiến tới sự thánh thiện một cách dễ dàng. Vậy ta hãy:

* Xem lại ba lời khấn : khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh.

* Nhìn lại đời sống chung với hiến pháp và kỷ luật.

* Tập luyện các nhân đức cần thiết.

 

Việc tập luyện các nhân đức rất cần cho con người tu sĩ, không có vị Thánh nào mà không tập nhân đức. Ở đây ta chỉ nói là tập nhân đức chứ không nói tới việc thành công hay không. Việc tập nhân đức đòi con người tu sĩ sự cố gắng không ngừng, hằng ngày, hằng giây, hằng phút.

 

Truyện: Họa sĩ Apeles

Người ta đồn đại vị họa sĩ Apeles rằng: ông ta trọn đời dù bận công việc đến đâu, không ngày nào ông bỏ tập vẽ. Giả hoặc ngày nào vì công việc bề bộn, không thể thực hiện ý định ông thường phàn nàn: “ Hôm nay, tôi không được vẽ nét nào cả”. Câu này đã trở nên câu ngạn ngữ miêu tả sự thiếu sót tập luyện trong nghề mình mong muốn. Sở dĩ Apeles đã trở nên họa sĩ  thời danh, là do ở sự tập luyện liên tục.

 

Trong đường thánh thiện chúng ta cũng phải bắt chước như vậy: chúng ta không ngày nào được phép quên lãng việc tập luyện: hoặc một nhân đức, hoặc bài trừ một nết xấu với những chi tiết rõ rệt. Việc thực hành này có khác gì việc chúng ta mô tả lại hình ảnh của Chúa đã được in sâu trong tâm hồn chúng ta (có lúc chúng ta phải tô màu cho ảnh được sặc sỡ), đặc biệt khi chịu phép Thánh Tẩy. Trong khi vẽ, có lúc chúng ta phải cạo rửa những nét không giống Chúa, tức tẩy rửa các nết xấu, tội lỗi. Có lúc chúng ta phải tô màu cho ảnh được sặc sỡ, linh động, đó là lúc chúng ta pha màu kính mến, thệm độ đức tin vào các việc đạo đức để các việc đó trở nên sống động và giàu công trạng.

 

Nếu chúng ta cứ tiếp diễn với ý chí sắt đá như vậy, chắc chắn chúng tasẽ trở nên họa sĩ thiêng liêng đại tài. Chúng ta mang trong mình hình ảnh tuyệt mỹ của Thiên Chúa, chúng ta còn có thể họa lại trong tâm hồn người khác. Hạnh phúc biết bao! Đừng bao giờ lười biếng để nết xấu làm chủ trong con người của ta:

Đánh bạc quen tay,

Ngủ ngày quen mắt,

Ăn vặt qen mồm.

 

KẾT LUẬN

 

Người xưa đã dạy: “Nhân bất học bất tri lý”: người không học thì không biết lý lẽ, không biết lý luận. Việc học vấn cần thiết cho trí tuệ con người đến như thế, còn việc tập luyện, trau dồi các đức tính tốt lại không cần cho đời tu trì, cho đời sống thiêng liêng sao ?

 

Cây hồng cần phải được cắt tỉa mới cho ra hoa đẹp, nếu không được cắt tỉa chăm sóc thì hoặc là cây hồng sẽ chết hoặc là nó sẽ trổ ra hoa dại. Miếng sắt, con dao phải dùng mới sáng, nếu không dùng sẽ bị rỉ sét và hư hỏng. Đời sống tâm linh con người phải được tôi luyện hằng ngày, nếu không sẽ xuống dốc và hư đi. Vì thế, vua Thành Thang đã truyền viết vào bồn tắm của ông mấy chữ này:

 “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân”

.

Đời người như đứng giữa dòng nước chảy, phải chèo chống để tiến lên hay ít ra cũng đứng được một chỗ, nếu không thuyền sẽ bị trôi đi. Nếu đời sống ta không được tập luyện thì không bao giờ trở thành con người mới được vì con người cũ xấu xa vẫn còn làm chủ và đẩy đến chỗ hư hỏng khốn nạn. Đúng vậy, vì người ta nói:

                        Bé ăn trộm gà,

                        Cả ăn trộm trâu,

                        Lâu lâu thành giặc.

 

Chúng ta phải cố gắng luyện tập, sửa đổi con người cũ xấu xa của mình thế nào để chúng ta nên giống Chúa Giêsu mỗi ngày hơn. Hãy lột bỏ con người xấu xa để mặc lấy Chúa Giêsu. Chúng ta phải sống thế nào để có thể nói như Thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20), nghĩa là ta phải trở nên giống Chúa.

.

Truyện: Chính Chúa đấy ạ!

Theo một câu chuyện cổ tích Trung Hoa, có một linh hồn bò lẻn lên Thiên đàng và sợ sệt gõ cửa. Khi được hỏi là ai thì linh hồn trả lời: “Lạy Chúa, con đấy ạ!”

Có tiếng đáp: “ Nếu ngươi nói là con đấy ạ thì ngươi chưa sẵn sàng để vào Thiên đàng”.

Trở lại trần gian, linh hồn ấy ăn chay cầu nguyện, hãm mình phạt xác. Trong thời gian ấy linh hồn học biết rằng trong lúc phán xét Chúa sẽ hỏi: “ Ta có thấy hình ảnh của chính Ta trong ngươi không ?”

Lại trở nên cổng Thiên đàng, và khi nghe tiếng hỏi ai đó, linh hồn trả lời: “Chính Chúa đấy ạ, lạy Chúa”.

Có tiếng bảo linh hồn vào: “Hỡi người đầy tớ tốt lành và trung trực, hãy vào nơi vui vẻ của Chúa ngươi”.

( W. J. Diamond, Đồng cỏ non, 1968, trang 9 – 10)

 

Ta là Kitô hữu, để được trở nên con Chúa, mang tên Chúa, đấy là một vinh dự lớn lao cho ta, nhưng phải ở sao cho xứng danh con Chúa. Đức Kitô thế nào ta phải dập khuôân theo mẫu ấy mà sống để xứng đáng nhận lấy Lời Chúa “ Chúng con là chứng nhân của Thầy” (Cvsđ 1, 8)

 

                                               

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ  Kim phát

Muà Phục sinh 2004

 


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà