Trong Hoang
Địa Với Chúa Giê-su
Nghĩ
đến mùa Chay là chúng ta nghĩ đến mùa xuân.
Bởi vì từ Lent (mùa Chay) trong Đức ngữ có nghĩa là “mùa
xuân.” Trong nhiều ngôn ngữ khác (thí
dụ Tây-ban-nha: Cuaresma, hoặc Pháp:
Carême), “mùa Chay”, tên của mùa trước lễ Phục Sinh là bởi từ
La-tinh có nghĩa là “40”, giúp chúng ta nhận ra một điều quan trọng đang diễn
ra là điều được Kinh Thánh nói tới. 40
ngày của mùa Chay ám chỉ 40 ngày Chúa Giê-su chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa
(Mt 4:1-11; Mk 1:12-13; Lk 4:1-13).
Nhưng nếu xét theo những bài Tin Mừng thuật lại Chúa Giê-su chịu cám dỗ,
luôn luôn được sử dụng trong Chúa Nhật thứ nhất mùa Chay, ta nhận thấy những
bài đọc này lần lượt đưa chúng ta đi xa hơn.
Những cám dỗ Chúa Giê-su chịu đã nhắc nhớ đến Ít-ra-en chịu cám dỗ bốn
mươi năm trong hoang địa trên đường tiến về Đất Hứa. Dựa theo hướng dẫn của Phụng vụ, bài học hỏi thêm về Giáo lý này
muốn khám phá một số đề tài Kinh Thánh chủ yếu về mùa Chay.
Con số 40
là con số rất quen thuộc trong Kinh Thánh.
Trong câu truyện ông Nô-ê và trận đại hồng thủy, trời mưa ròng rã 40 đêm
ngày (St 7:4,12,17; 8:6). Sau khi ký
kết giao ước trên Núi Xi-nai, ông Mô-sê ở với Thiên Chúa trên núi 40 đêm ngày
(Xh 24:18). Khi ngôn sứ Ê-li-a bị hoàng
hậu I-de-ven cho người tìm giết, ông đã chạy trốn để thoát mạng và lên đường
luôn 40 ngày đêm cho đến khi tới núi của Thiên Chúa là Khô-rếp (Xi-nai) (1 V
19:8). Con số 40 cũng xuất hiện trong
Tân Ước. Chúa Giê-su chịu cám dỗ trong
hoang địa bốn mươi đêm ngày; bốn mươi
ngày sau khi sống lại, Người lên trời (Cv 1:3).
Như vừa
nói ở trên, dân Ít-ra-en đóng trại tại vùng sa mạc phía nam, cận kề với Đất
Hứa. Những người thám thính đi trước để
thăm dò đất đai đã hoàn tất công việc sau 40 ngày (Ds 13:25). Họ đưa về một báo cáo rất lạc quan về vùng
đất, nhưng cũng cho biết một số dân bản xứ thật đông đảo và hùng mạnh. Mặc cho ông Gio-suê và Ca-lép khích lệ, dân
chúng vẫn sợ hãi không muốn tiến vào Đất Hứa.
Từ chối không tiến vào chứng tỏ họ thiếu lòng tin vào lời hứa của Gia-vê
cách trầm trọng. Cho nên giống như một
sự trừng phạt, dân chúng phải lang thang 40 năm, nghĩa là cứ một ngày của những
người đi thám thính thì dân bị phạt một năm đi lang thang.
Những
con số trong Kinh Thánh thường không hiểu theo nghĩa đen, nhưng mang một
ý nghĩa biểu tượng. Con số chúng ta
thường gặp nhiều nhất là con số 40 khiến chúng ta phải đặt câu hỏi. Vậy nghĩa biểu tượng của con số 40 là
gì? Theo một phương diện, nó nói lên
một thời gian lâu dài hơn, nhưng không phải chỉ như vậy mà thôi. Thời gian lâu dài ấy còn có ý nghĩa theo nội
dung của nó: đó là thời gian của
thiếu thốn, phấn đấu, thử thách. Thực
sự ngoài Kinh Thánh ra, người ta cũng thấy có việc sử dụng con số này. Nhưng trong Kinh Thánh, nghĩa thứ ba (thần
học) nảy sinh. Bốn mươi nói
lên một giai đoạn chuẩn bị cho hành động đặc biệt của Thiên Chúa; đó là một thời ân sủng.
Theo
sách Sáng Thế, sau trận lụt, một cuộc tạo dựng mới khởi đầu. Sau khi ông Mô-sê chuyện vãn với Thiên Chúa,
giao ước được đổi mới. Sau khi dân
Ít-ra-en lang thang trong hoang địa, họ sẽ vào Đất Hứa. Sau cuộc lữ hành của Ê-li-a, Thiên Chúa củng
cố ông để ông lại tiếp tục tác vụ ngôn sứ.
Sau khi Chúa Giê-su chịu cám dỗ, Người bắt đầu thi hành sứ vụ cứu
thế. Sau khi Người lên trời, chúng ta
bước vào thời đại của Giáo Hội. Vào
cuối mùa Chay, chúng ta cử hành Tuần Thánh và đại lễ Phục Sinh.
“Thời gian” lang thang ít nhiều mang
tính cách biểu tượng, vậy còn nơi chốn thì sao? Chắc chắn Ít-ra-en biết rõ hoang địa thực sự là gì, vì hoang địa
này đúng là những vùng phía nam, tây nam và phía đông bên kia sông
Gio-đan. Hoang địa là nơi không có nước
và thức ăn, vì rất ít cây cỏ mọc được ở đó.
Hoang địa cũng là nơi có những loài vật nguy hiểm. Hoang địa là nơi cùng cực, dĩ nhiên chẳng ai
muốn chọn lựa để sống.
Hoang địa cũng có thể mang ý nghĩa
biểu tượng. Trong tôn giáo vùng
Ca-na-an, một vị thần đặc biệt tên là Mot (cũng có nghĩa là “thần chết”) đã phụ
trách một nơi nóng nảy, khô khan, cằn cỗi, tức là hoang địa, đồng thời cũng phụ
trách một thời gian nóng nực, khô ráo, cằn cỗi, tức là mùa hè. Hết mưa là cây cỏ khô héo và chết. Hoang địa là nơi tung hoành quyền lực của
Thần Chết/Mot, nơi người ta phải trực diện với những vấn đề căn bản của con
người. Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su chịu
cám dỗ trong hoang địa hãy đóng vai một thứ Mê-si-a khác, chọn con đường biểu
dương quyền lực và những pha ngoạn mục thay vì khiêm nhường phục vụ. Tuy nhiên cơn cám dỗ ấy vẫn còn tiếp tục đeo
đẳng qua suốt sứ vụ của Chúa Giê-su cho tới ngay trước khi chết, lúc Người bị
thách thức hãy bước xuống khỏi thập giá đi.
Nhiều nhà tu đức ngày nay nói về “kinh
nghiệm hoang địa.” Đây là một thứ kinh
nghiệm tĩnh tâm khi người ta dành riêng một thời gian để chú tâm, suy xét, tự
hỏi và trả lời những vấn đề căn bản thuộc đời sống thiêng liêng. Không cần thiết phải là một “hoang địa” thực sự, vì điều này không thể
thực hiện được. Mùa Chay là “kinh
nghiệm hoang địa” mỗi năm của Giáo Hội, là cuộc tĩnh tâm để đặt lại những vấn
đề căn bản.
Thời
gian Ít-ra-en trong hoang địa không chỉ là thời gian lang thang không có định
hướng và mục đích. Thực ra cuộc hành
trình của họ đã khởi từ Ai-cập và kết thúc tại đồng bằng Mô-áp trước khi chuẩn
bị vào Đất Hứa Ca-na-an. Thời gian diễn
tiến theo thứ tự từng giai đoạn, từ Ai-cập đến Xi-nai là nơi họ dừng chân
khoảng gần một năm, rồi từ đó tiến về Mô-áp.
Hai cám dỗ đối với hành trình này đã
xảy ra và người ta phải đối phó. Trước
hết là cám dỗ hãy dừng lại để an cư lạc nghiệp chứ đừng tiếp tục đi nữa, khi
người ta bảo: “Đủ rồi! Cứ ở lại đây đi!” Trên đường đi, có những nơi để nghỉ ngơi một thời gian, thí dụ
tại ốc đảo Ca-đê Bác-nê-a (Ds 13:26; 20:1), nhưng thời gian phải di chuyển đã
đến, nên họ “cứ lệnh Đức Chúa mà lên đường” (Ds 9:17-18; 10:11-13). Trong sách Đệ Nhị Luật, Mô-sê nhắc nhớ cuộc
khởi hành từ núi Xi-nai: Thiên Chúa
phán: “Các ngươi ở núi này đã lâu rồi. Hãy chuyển hướng và lên đường...” (Đnl
1:6-7). Cộng đồng bị cấm không được ở
lại quá lâu. Một chủ đề tương tự cũng
gặp thấy trong những trình thuật Tin Mừng về cuộc Biến đổi hình dạng của Chúa
Giê-su trên núi (Chúa Nhật thứ hai mùa Chay).
“Lạy Ngài, chúng con ở đây, hay quá!
Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều” (Mt 17:4). Nhưng họ phải xuống núi. Vậy đây có phải là một cám dỗ chúng ta phải đối phó trong cuộc sống Ki-tô
hữu không? Thiên Chúa trong Kinh Thánh
là một Thiên Chúa tiếp tục kêu gọi chúng ta phải bước ra khỏi những hiện tại
yên ổn thoải mái để dấn thân vào những tương lai liều lĩnh và không biết được.
Cám dỗ thứ hai còn tệ hơn theo một
nghĩa nào đó. “Họ nói với ông
Mô-sê: ... sao ông lại đưa chúng tôi
vào chết trong sa mạc?” (Xh 14:11).
Không nhgững họ muốn dừng lại hành trình mà họ còn muốn đổi ngược hành
trình ấy. Họ muốn đi trở lại. Cho dù họ đã nhìn thấy những dấu lạ điềm kỳ
Thiên Chúa đã thực hiện vì họ, họ vẫn mong là đừng xảy ra những điều đó. Họ muốn trở về Ai-cập!
Cám dỗ thứ hai cũng là cám dỗ về thần
tượng, mê hoặc (nhất là đối với những người sùng đạo) và rất thường thấy. Đó là lưu luyến với dĩ vãng. Dĩ vãng xem ra hấp dẫn hơn, chắc chắn và bảo
đảm hơn. Tốt quá rồi! Chúng tôi đã ở đó mà, đâu còn lạ gì. Điều làm cho dĩ vãng hấp dẫn, đó chính là vì
nó là quá khứ và tốt hơn cả là nó đừng quá mới. Lòng lưu luyến tùy thuộc vào khoảng cách và chủ ý quên đi điều
nào mình muốn. Ai trong chúng ta mà
chẳng nhớ về dĩ vãng; đây là điều cốt
yếu. Nhưng khi nhớ về dĩ vãng, chúng ta
đưa dĩ vãng vào trong hiện tại để giúp chúng ta sống cho tương lai. Trái lại, khi lưu luyến, chúng ta lại muốn
đem hiện tại vào trong dĩ vãng để tránh né tương lai.
Điều này chúng ta thường thấy rõ qua
lời mời gọi của Kinh Thánh! Chúng ta
nghe lời kêu gọi “Hãy trở lại với Kinh Thánh!
Hãy trở lại với Kinh Thánh!”, chứ có bao giờ nghe “Hãy tiến đến với Kinh
Thánh!” đâu! Vậy khi trở lại với Kinh
Thánh, chúng ta sẽ gặp thấy ở đó một Thiên Chúa luôn luôn đi trước chúng ta,
kêu gọi chúng ta tiến đến một điều gì đó không biết được cũng như tiến vào một
tương lai. Vậy đây có phải là một cám
dỗ chúng ta phải đối phó trong cuộc sống Ki-tô hữu không?
Chúng ta đã nhìn vào những khía cạnh
tổng quát kinh nghiệm hoang địa của Ít-ra-en.
Giờ đây chúng ta xét kỹ hơn những gì đã xảy ra trong hoang địa. Đó là nơi của giao ước, thử thách và sự hiện
diện.
Điều chính yếu xảy ra cho dân Ít-ra-en
trong hoang địa là giao ước giữa họ với Gia-vê tại núi Xi-nai. Nhưng trước hết chúng ta có thể đặt câu
hỏi: “Tại sao Thiên Chúa không đưa
Ít-ra-en qua Biển Đỏ tới thẳng Ca-na-an?”
Dĩ nhiên đây là mục tiêu cuối cùng, nhưng còn một mục tiêu trung gian có
tầm quan trọng hàng đầu. Ông Mô-sê đã
từng lập đi lập lại với vua Pha-ra-ô:
“Đức Chúa, Thiên Chúa của người Híp-ri, đã sai tôi nói với bệ hạ: Hãy thả dân Ta ra, để chúng đi thờ phượng Ta
trong sa mạc” (Xh 7:16). Dân của Đức
Gia-vê tới Xi-nai để học biết thờ phượng Đức Gia-vê.
Nhưng có lẽ chúng ta có thể đi sâu hơn
một chút. Trong tình huống bị áp bức,
vấn đề có hai mặt: Một số người bị áp
bức bởi vì kẻ áp bức họ là người khác.
Lịch sử chứng minh rất rõ ràng rằng hầu như khi một dân tộc được giải
phóng khỏi áp bức thì chẳng bao lâu chính họ lại trở thành những kẻ áp bức
người khác. Nạn nhân của áp bức hôm nay
lại trở thành những kẻ áp bức ngày mai.
Vấn đề là cả hai đều cùng chung một số giá trị; họ đồng ý về những vấn đề căn bản, nhưng lại
bất đồng về cách sắp xếp những vấn đề ấy.
Cho nên cái vòng áp bức vẫn cứ tiếp tục.
Giả như dân Ít-ra-en vừa mới được giải
phóng khỏi áp bức của Ai-cập mà đi thẳng tới Ca-na-an và khôi phục quyền lực,
thì tại sao họ lại chẳng thay đổi chút nào vậy? Cho nên thay vì thẳng tới Ca-na-an, họ phải đến Xi-nai và ở lại
một thời gian dài để “điều chỉnh thái độ.”
Giao ước với Đức Gia-vê là Thiên Chúa giải phóng họ khỏi áp bức, đã kêu
gọi họ phải có một cái nhìn về thực tại khác hẳn, một toàn bộ giá trị mới và
một lối sống hoàn toàn khác. Sống giao
ước thực sự, đó là biết thờ phượng Thiên Chúa và biết lo lắng cho quyền lợi
cũng như nhu cầu của kẻ khác. Phương
cách duy nhất bẻ gẫy xiềng xích áp bức là phải trở nên một kẻ tôi tớ của Đức
Gia-vê.
Trong thời gian chịu cám dỗ ở hoang
địa, Chúa Giê-su cũng bị cám dỗ hãy sống theo những giá trị hoàn toàn khác với
những giá trị của Chúa Cha. Vậy Người
sẽ làm Đấng Mê-si-a như Thiên Chúa muốn, hay Người sẽ đi theo đường lối dễ được
người ta tiếp nhận theo trào lưu văn hóa hơn, tức là bằng quyền lực và tạo uy
tín bằng những pha đẹp mắt? Chúng ta đã
biết câu trả lời thế nào rồi.
Trong mùa Chay, chúng ta xét lại đời
sống qua việc chia sẻ giao ước của Đức Ki-tô.
Chúng ta cũng được kêu gọi hãy nhìn thực tại và những giá trị hoàn toàn
khác biệt với những giá trị của những văn hóa chung quanh chúng ta. Chúng ta có thực sự đem những giá trị của
Chúa vào trong cuộc sống chúng ta không?
Hoang địa là nơi Ít-ra-en đã chịu thử
thách về lòng trung thành với Đức Gia-vê và cũng là nơi họ nhiều lần phản bội
lòng trung tín của Người. Điều gì thử
thách lòng tin của Ít-ra-en? Họ không
có gì để uống; Thiên Chúa ban cho họ
nước trong lành phun ra từ tảng đá (Xh 17:2-7). Họ không có thức ăn;
Thiên Chúa gửi man-na đến cho họ (Xh 16). Họ bị kẻ thù đe dọa từ bên ngoài, trước hết là người Ai-cập, rồi
đến người A-ma-lếch (Xh 17:8-15); sau
này họ phải đối phó với những kẻ thù khác (Ds 21:1-3, 21-35; 25:16-18). Ngoài ra lại còn những tranh chấp quyền lực
bên trong cộng đồng nữa. Tranh chấp quy
vào quyền lãnh đạo giữa Mô-sê và A-ha-ron (Ds 12:1-16; 14:1-4; 16:1-35).
Hoang địa là nơi của những cùng cực,
nên những chọn lựa sẽ rõ ràng và dứt khoát hơn. Thức ăn và nước uống là những gì cốt yếu cho con người để sinh
tồn thể lý. Được an toàn trước những đe
dọa bên ngoài và yên ổn nội bộ là những gì cần thiết để sinh tồn về mặt xã
hội. Những nhu cầu này là hợp lý, nhưng
giữa hoang địa chúng dễ trở thành những cám dỗ lung lạc đức tin của Ít-ra-en: Liệu họ có giữ vững đức tin vào Thiên Chúa,
Đấng đã đem họ bình yên ra khỏi Ai-cập và dẫn dắt họ trong hoang địa
không? Họ thường thất bại. Không dễ gì họ gột rửa mau chóng được những
giá trị lối sống trước kia của họ.
Trong hoang địa, Chúa Giê-su cũng chịu
cám dỗ về thức ăn; nhưng không như Ít-ra-en, Người đã giữ niềm tin vào Thiên
Chúa. Còn chúng ta thì sao? Có thể chúng ta cũng nói: chúng tôi muốn mạnh dạn theo Chúa – và thực
sự muốn – nhưng vẫn có nhiều sức mạnh từ bên trong và bên ngoài luôn lôi kéo
chúng ta đi và đẩy chúng ta đến chỗ thờ ngẫu tượng. Chính những nhu cầu hợp lý nhất (thí dụ thức ăn, nước uống, an
ninh, trật tự nội tâm) lại có thể trở thành những thần tượng quyến rũ nhất. Vậy phụng sự Chúa có thực sự là nền móng cho
cuộc đời chúng ta không?
Hoang địa là nơi của những đe dọa cho
sự sống và những đe dọa của sự chết.
Dân Ít-ra-en chịu thử thách xem họ có thực sự tin rằng Thiên Chúa của
họ, Thiên Chúa ban sự sống, có ở với họ hay không.
Ban đầu cuộc xuất hành, Thiên Chúa đã
kêu gọi ông Mô-sê từ bụi gai bốc cháy và sai ông đi dẫn dân chúng ra khỏi
Ai-cập. “Ông Mô-sê thưa với Thiên
Chúa: “Bây giờ, con đến gặp con cái
Ít-ra-en và nói với họ: Thiên Chúa của
cha ông anh em sai tôi đến với anh em.
Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy
là gì? Thì con sẽ nói với họ làm
sao?” Thiên Chúa phán với ông
Mô-sê: “Ta là Đấng Hiện Hữu.” (Xh
3:13-14). Câu trả lời huyền nhiệm của
Thiên Chúa ngầm hiểu rằng “Ta sẽ ở với các ngươi/Ta hiện diện và quan tâm đến
các ngươi” (xem Xh 3:12, 16-17).
Cùng với bảo đảm Thiên Chúa sẽ ở với
họ qua ý nghĩa “Tên” của Người, còn có những dấu chỉ hữu hình nói lên sự hiện
diện của Thiên Chúa: Hòm Bia và Nhà
Tạm. Nhà Tạm là một đền thờ di động để
dân có thể mang theo trong cuộc hành trình;
Hòm Bia, một ngai tòa di động để Thiên Chúa ngự, được giữ trong Nhà
Tạm. Những dấu chỉ hữu hình này nhắc
nhớ rằng Thiên Chúa tiếp tục hiện diện nơi giữa dân Người. Dù đóng trại hay đang trên đường di chuyển,
họ không còn phải sợ hãi vì Đức Gia-vê đang ở với họ.
Chúa Giê-su bao giờ cũng sống trong
quan hệ mật thiết với Thiên Chúa. Là
Ki-tô hữu, chúng ta được bảo đảm rằng Chúa Giê-su thực sự là “Thiên Chúa ở cùng
chúng ta” (Em-ma-nu-en, Mt 1:23), và chính Người đã bảo đảm với chúng ta: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến
tận thế”(Mt 28:20). Giữa những vật lộn,
cám dỗ, hành trình, liệu chúng ta có thực sự tin rằng Thiên Chúa ở với chúng ta
không? Hoang địa là nơi để nuôi dưỡng
niềm tin Thiên Chúa thực sự ở cùng chúng ta.
Trong 40 ngày mùa Chay, chúng ta chia
sẻ với toàn thể Giáo Hội “kinh nghiệm hoang địa” hằng năm. Những vấn đề chúng ta phải đối phó, căn bản
vẫn là cùng những vấn đề chúng ta đã gặp thấy trong thời Cựu Ước cũng như Tân
Ước. Đó là những đề tài sẵn sàng để
chúng ta thực hành trong mùa Chay, những đề tài chúng ta theo đó để sắp đặt
những việc làm trong mùa Chay là cầu nguyện, ăn chay và bố thí.
Kinh Thánh làm chứng rằng không biết
rõ chi tiết về tương lai cũng không sao.
Nhưng chúng ta biết rõ điều quan trọng nhất về tương lai, đó là chúng ta
không cô độc, nhưng “Chúa ở cùng chúng ta!”
Những lời Chúa phán với dân Ít-ra-en cũng là những lời Người phán với
chúng ta: “Đừng sợ, này Ta ở với chúng
con” (xem St 28:15; Xh 3:12). Những gì
tương lai đem lại, chúng ta sẽ đón nhận;
chúng ta sẽ kiên trì cho tới chết.
Tóm lại, mùa Chay đang trông chờ Phục Sinh!
Michael D. Guinan,
O.F.M.
Trích tài liệu Catholic Update,C0205,
tháng 2, 2005
(Lm. Trần
Đình Nhi chuyển ngữ)